PDA

View Full Version : Thánh Lễ



Damsan
16-11-2008, 11:46 AM
Khai Mạc Thánh Lễ

Hội Thánh luôn luôn nhận ra mình nơi cộng đoàn các Kitô hữu đầu tiên ở Giêrusalem, như sách Công Vụ Tông Đồ diễn tả: “ Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý ”
(Cv 4, 32). “ Họ chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn luôn sống với nhau trong tình huynh đệ, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng ” (Cv 2,42). Nếu đó là dấu hiệu làm cho người ta nhận biết môn đệ Chúa Kitô, thì không bao giờ dấu hiệu đó lại dễ nhận thấy hơn là lúc các Kitô hữu họp nhau để cùng chia sẻ bữa tiệc của Chúa mà nhớ đến Người. Khi tuyên xưng Chúa chịu chết, khi mừng Người sống lại và chờ đợi Người lại đến, thì đó là lúc các Kitô hữu được người đời nhìn nhận là Hội Thánh của Chúa: một cộng đoàn huynh đệ họp nhau để nghe lời các tông đồ giảng dạy, một lòng cầu nguyện và cử hành lễ bẻ bánh với nhau.

KHAI MẠC THÁNH LỄ
Cộng Đoàn Huynh Đệ.
Các nghi thức khai mạc thánh lễ có mục đích tạo nên bầu không khí hợp nhất trong cộng đoàn để giúp cho dễ đón nhận Lời Chúa và tham dự bữa tiệc của Người. Mối đồng tâm nhất trí sẽ tăng thêm trong buổi cử hành, để đạt tới mức cao nhất, vào lúc cộng đoàn rước Mình và Máu Chúa Kitô. Đó là lúc mọi người làm thành một thân thể trong Chúa. Nhưng ngay từ khi mới gặp nhau, các Kitô hữu từ những chân trời và môi trường khác nhau đã coi nhau như anh em. Đức Kitô hiện diện giữa họ, làm cho họ hợp nhất với nhau. Nào Người đã chẳng nói: “ Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy thì Thầy ở giữa họ ” (Mt 18, 20) sao ? Linh mục đứng đầu cộng đoàn nào đã chẳng được đặt ra để làm công việc này nhân danh Người ư ? Chính Đức Kitô “ chủ tọa cộng đoàn huynh đệ ” qua con người Linh mục (theo thánh Inhaxiô thành Antiôkia).
Ca Nhập Lễ.
Thánh lễ bắt đầu bằng ca nhập lễ. Bài ca này hát đang khi rước chủ tế và các người giúp lễ ra bàn thờ, có mục đích đưa tâm trí người tham dự vào mầu nhiệm của mùa phụng vụ hay ngày lễ, nhưng nhất là để kết hiệp mọi người cùng chung lời với nhau. Vì thế, được phép chọn nhiều bài khác nhau cho thay đổi, nhưng phải liệu sau cho mọi người cùng tham dự. Hát là đặc điểm của tình yêu và là cách bộc lộ hồn nhiên của niềm vui. Đó là hai lý do khiến cho nên bắt đầu thánh lễ bằng một bài hát, và tiếng hát phải làm cho toàn buổi lễ có một vẻ tưng bừng hớn hở.
Lời Linh mục chào cộng đoàn.
Sau khi bái kính bàn thờ, và đôi khi xông hương, chủ tế làm dấu thánh giá và xin Chúa hiện diện ở giữa cộng đoàn, để chào mọi người tham dự. Chúa Girêsu đã chào các tông đồ như thế, mỗi lần hiện ra với các ông, sau khi sống lại: “ Bình an cho các con ” (Ga 20,19). Các lời lẽ chủ tế dùng để chào cộng đoàn và cộng đoàn dùng để đáp lại, đều lấy trong các thư của thánh Phaolô, vì thánh nhân thích những lời lẽ như sau để chào cộng đoàn và những người thánh nhân nói cùng: “ Cầu chúc anh em được tràn đầy ân sủng của Chúa Giêsu Kitô... ” (2 Cr 13,13), hoặc: “ Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta và Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em được tràn đầy ân sủng và bình an... ” (Gl 1,3), hay: “ Chúa ở cùng anh chị em ”
(2 Tx 3,16), và mọi người đáp lại: “ Và ở cùng Cha ” (2 Tm 4,22). Lời chủ tế chào cộng đoàn và cộng đoàn đáp lại cho thấy mầu nhiệm về Hội Thánh, khi Hội Thánh họp nhau lại.
Liền sau đó, chủ tế tiếp xúc thân mật hơn với cộng đoàn, nói một đôi lời dẫn nhập giúp cộng đoàn sống tinh thần phụng vụ của ngày hôm đó, bằng cách đặt liên lạc giữa cuộc đời của họ và buổi lễ sắp cử hành.
Nghi thức sám hối.
Để chuẩn bị đón nhận Lời Chúa và cử hành thánh lễ, cộng đoàn nên lưu ý đến lời mời gọi tha thiết của Đức Giêsu khi Người mới bắt đầu ra giảng: “ Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng ” (Mc 1,15). Cộng đoàn cũng phải vâng lệnh Người truyền là: phải làm hòa với anh em mình, trước khi dâng của lễ trên bàn thờ (Mt 5,24). Vì thế, chủ tế kêu gọi mọi người phải nhận mình là người có tội trước mặt Chúa. Cùng nhận mình là những người tội lỗi, phải chăng đó cũng là một cách thế nhận ra mình là anh em, khi thấy mình cùng chung một thân phận yếu đuối ?
Có nhiều cách cử hành nghi thức sám hối, như xưng chung các tội, cầu nguyện đối đáp, nguyện xin Chúa thương xót, hoặc làm phép và rảy nước thánh để nhớ đến phép Rửa. Nghi thức này bao giờ cũng kết thúc bằng lời nguyện xin Chúa tha thứ do chủ tế đọc.
Tôn vinh Chúa Kitô.
Sau nghi thức sám hối thường có lời tung hô Chúa Kitô, tức kinh “ xin Chúa thương xót ” ; và kinh Vinh Danh trong các ngày lễ đặc biệt. Bài ca này, do các thiên thần hát trong đêm Giáng Sinh, kết thúc bằng lời tung hô Chúa Kitô “ngự bên hữu Đức Chúa Cha ” ; “ Chỉ có Chúa là Chúa, chỉ có Chúa là Đấng Thánh ” . Kinh Vinh danh ban đầu chỉ hát trong lễ Phục Sinh, là bài ca Phục Sinh tuyệt vời của Kitô hữu.
Lời nguyện nhập lễ.
Cộng đoàn Tín hữu mỗi lúc một liên kết thêm với nhau trong tiếng hát, trong lời đối đáp với chủ tế, trong nghi thức sám hối và lời tung hô Chúa Kitô. Bây giờ có thể bộc lộ mối dây liên kết đó trong lời cầu nguyện của chủ tế kết thúc nghi thức nhập lễ.
Trước hết, chủ tế mời cộng đoàn cầu nguyện, rồi yên lặng trong giây lát cho mọi người hồi tâm lại trước mặt Chúa. Sau đó, chủ tế cất tiếng ca tụng một trong những khía cạnh của mầu nhiệm Thiên Chúa hay một trong những ân huệ Chúa ban, rồi bày tỏ lời cầu nguyện riêng của ngày hôm đó, xin Chúa Cha, nhờ Con của Người là Chúa Giêsu Kitô. Cộng đoàn thưa “ Amen ” để biểu lộ sự đồng tình với chủ tế.
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
Phép Thánh Thể là mầu nhiệm đức tin. Vì vậy cộng đoàn Kitô hữu cần phải lắng nghe Lời Chúa để nuôi dưỡng đức tin, trước khi tiến đến bàn tiệc của Người. Trong sách Công Vụ Tông Đồ, chúng ta thấy các Kitô hữu họp nhau vào ngày Chúa Nhật để nghe các tông đồ giảng dạy và bẻ bánh với nhau (Cv 20,7-11). Chính Chúa Giêsu cũng đã công bố và giải thích Lời Chúa trong hội đường Nazareth . Tại đây, “ Người đã đứng lên đọc sách thánh ”
(Lc 4,16).
Các Bài Đọc.
Trong các Chúa Nhật và Lễ Trọng, có ba bài đọc. Những ngày khác chỉ có hai bài: một bài trích từ Cựu Ước hoặc Tân Ước, và một bài Tin Mừng. Trong cả hai trường hợp, sau bài đọc 1 có hát hoặc đọc Thánh Vịnh đáp ca.
Bài Đọc Cựu Ước: Bài đọc Cựu Ước gồm một đoạn sách Luật Môsê (Ngũ Thư), sách Ngôn Sứ hay sách Khôn Ngoan và hát Thánh Vịnh. Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã giải thích cho các tông đồ “ tất cả những gì sách Luật Môsê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Người ” (Lc 24,44). Hội Thánh cũng dạy chúng ta rằng “ lịch sử cứu độ là mầu nhiệm Chúa Kitô ”
(PV, số 35).
Người đọc Sách Thánh đứng trên bục, hơi cao hơn một chút cho mọi người trông thấy. Xưa kia, kinh sư Esdras đã đọc sách Luật giữa cộng đoàn dân chúng, chính ông đã khai mở cho việc đọc Lời Chúa trong phụng vụ Do thái giáo: “ ông Esdras đứng trên một bục gỗ đã đóng để dùng trong dịp đó. Ông mở sách; toàn dân trông thấy ông, vì ông đứng cao hơn cộng đoàn ” (Nhm 8,4-5). Trong Hội Thánh, công việc đọc Lời Chúa được giao cho người đọc sách. Ai đã chịu phép Rửa đều có thể làm công việc này, đó là một công tác phục vụ đích thực.
Thánh Vịnh đáp ca do một người xướng, và cộng đoàn đáp lại bằng câu điệp ca. Thường câu điệp ca giải thích ý nghĩa Kitô giáo của Thánh Vịnh. Theo truyền thống có từ thời các tông đồ, khi nghe Thánh Vịnh là chúng ta nghe tiếng Chúa Kitô hoặc tiếng Hội Thánh, là Thân Thể của Người. (Bài Thánh Vịnh có liên hệ chặt chẽ với bài Kinh Thánh vừa đọc, vì thế không nên hát một bài khác thay thế, như thấy làm ở một vài nơi).
Bài Đọc Tân Ước: Khi đọc Tân Ước, chúng ta đón nhận lời giáo huấn trực tiếp của các tông đồ. Chính các ngài truyền cho chúng ta giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô. Trong mùa Phục Sinh, ba bài đọc đều rút ra từ Tân Ước, vì bài sách Công Vụ Tông Đồ thay thế bài Cựu Ước. Cuộc Phục Sinh của Chúa Giêsu quả thật đã mở đầu lịch sử Dân mới của Chúa. Ngoài mùa Phục Sinh, chỉ đọc một hoặc hai bài Tân Ước, một bài lấy trong thư các tông đồ, còn bài kia lấy trong sách Tin Mừng.
Đọc một đoạn thư thánh Phaolô, thánh Phêrô, thánh Gioan hay thánh Giacôbê cho cộng đoàn nghe, đó là một công việc hết sức quan trọng, vì nó chứng tỏ lời giáo huấn của các tông đồ vẫn còn hướng dẫn Hội Thánh qua các thời đại. Nó chứng minh một cách hùng hồn rằng Hội Thánh của Chúa Kitô được xây dựng trên nền tảng là các tông đồ (xem Ep 2,20; Kh 21,14). Đó là lý do tại sau, trong đa số các Chúa Nhật, phụng vụ đọc liên tục thư các thánh tông đồ.
Bài Tin Mừng: Cao điểm của phần Phụng Vụ Lời Chúa là bài Tin Mừng, “ vì trong phụng vụ, Thiên Chúa nói với Dân Người; Đức Kitô còn loan báo Tin Mừng ” (PV số 33). Vì thế, Hội Thánh tỏ ra rất kính cẩn khi đọc Tin Mừng. Cộng đoàn đứng lên hát “ Allêluia ” để chào kính Đức Kitô sắp công bố Tin Mừng và tung hô đáp lại khi được nghe loan báo. Sách Tin Mừng có đèn nến bao quanh và trong ít nhiều lễ thầy Phó tế hay Linh mục lại còn xông hương lên sách trước khi đọc nữa. Sau bài Tin Mừng, dân chúng lại tung hô một lần nữa để bày tỏ niềm hân hoan tán đồng lời giảng dạy của Chúa Giêsu.
Bài Giảng và Kinh Tin Kính.
Bài Giảng: Giảng là phận sự của Linh mục hay Phó tế, thường là phận sự của Linh mục chủ tọa cộng đoàn nhân danh Chúa Kitô. Mục đích của bài giảng là giải thích Lời Chúa vừa mới đọc và cụ thể hóa Lời ấy trong đời sống các Tín hữu. Trong bài giảng, chủ tế hay phó tế phải cho người ta thấy rằng mầu nhiệm Chúa Kitô, được loan truyền trong các bài đọc, vẫn “ luôn luôn hiện diện và hoạt động ” trong các buổi cử hành phụng vụ (PV số 35), nhất là khi cử hành Phụng Vụ Thánh Thể; việc cử hành này liên hệ mật thiết với Phụng Vụ Lời Chúa, cả hai chỉ là một việc thờ phượng (PV số 56). Ta cũng thấy, trong hội đường Nazareth, sau khi đọc sấm ngôn, Chúa Giêsu liền nói: “ Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh các ngươi vừa nghe ” (Lc 4,21), và chiều ngày Phục Sinh, Người giải thích cho hai môn đệ trên đường Emmau “ những đoạn Kinh Thánh liên quan đến Người ” , trước khi cho các ông nhận ra Người khi Người bẻ bánh (Lc 24,27).
Kinh Tin Kính: Trong các Chúa Nhật và Lễ Trọng, kinh Tin Kính chính là câu trả lời của giáo dân, sau khi được nghe loan báo Tin Mừng. Qua lời tuyên xưng này, Hội Thánh tỏ ra hoàn toàn nhất trí trung thành với lời giảng dạy của các tông đồ.
Lời Nguyện Giáo Dân.
Lời nguyện giáo dân kết thúc phần Phụng Vụ Lời Chúa và khai mạc phần Phụng Vụ Thánh Thể. Bổn phận của các Kitô hữu là khi hội nhau phải “ dâng lên Chúa những lời cầu xin, những kinh nguyện, những lời van nài và tạ ơn cho mọi người ” , như thánh Phaolô khuyên nhủ (1Tm 2,2). Đó là mục đích của lời nguyện giáo dân. Trong lời nguyện này, chúng ta lần lượt bày tỏ cùng Chúa những nhu cầu của Hội Thánh, của quốc gia xã hội, của những người bị thử thách nhất, và của những người đang hiện diện trong cộng đoàn. Các ý cầu nguyện này do một trong các người giúp lễ, hoặc một người trong cộng đoàn xướng lên. Sau mỗi ý cầu nguyện, cộng đoàn thưa: “ Xin Chúa nhậm lời chúng con ” , hoặc hát lên một câu có ý nghĩa tương tự, hoặc yên lặng cầu nguyện. Cuối cùng, chủ tế đọc một lời nguyện thu tóm tất cả các ý cầu nguyện đó lại, rồi cộng đoàn thưa “ Amen ” để biểu lộ sự đồng tình.

Damsan
16-11-2008, 11:46 AM
Phụng Vụ Thánh Thể

Chủ tế lên bàn thờ. Từ giây phút này trở đi, bàn thờ là trung tâm của buổi lễ. Bàn thờ là bàn của Chúa, nơi sắp diễn lại bữa tiệc Đức Kitô ăn với các môn đệ trong buổi chiều thứ năm Tuần Thánh. Nhưng đó cũng là nơi gợi lại bánh Chúa Giêsu đã bẻ ra và rượu Người đã chia cho các tông đồ, sau khi Người sống lại. Cho tới nay, Chúa Giêsu Kitô hiện diện trong cộng đoàn anh em Tín hữu, trong Linh mục chủ tọa cộng đoàn nhân danh Người, trong Lời của Người, bây giờ Người lại sắp hiện diện trong hình bánh và hình rượu. Vì thế, Hội Thánh hoan hỷ và tri ân cử hành lễ tế giao ước mới. Mỗi khi bẻ bánh, là chúng ta sống lại cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, với nỗi mong chờ ngày Người trở lại; mỗi khi dâng thánh lễ “ là chúng ta được hưởng ơn cứu độ ” của Chúa Kitô (Chúa Nhật 2 Thường Niên, lời nguyện tiến lễ).
DÂNG LỄ

“ Chúa cầm lấy bánh ”

Bánh và rượu cần dùng cho bữa tiệc của Chúa được mang lên bàn thờ, tốt hơn là do các giáo dân mang lên. Cũng có thể mang theo hiện vật hay tiền bạc để hiến cho chu cầu của cộng đoàn, hay giúp những người nghèo khó. Thánh Phaolô xưa đã khuyên Tín hữu thành Côrintô để dành vật hay tiền bạc vào ngày Chúa Nhật để giúp đỡ những người nghèo (1Cr 16,2). Đang khi mang lên, có thể hát hay dạo một bài đàn.

Chủ tế nhận bánh và rượu. Đôi khi cũng có thầy Phó tế giúp chủ tế nhận những thứ này. Sau khi đổ rượu vào chén và pha thêm chút nước như thói quen thời Chúa Giêsu, chủ tế lần lượt đặt bánh và rượu lên bàn thờ. Đang khi đó, chủ tế đọc một kinh vừa chúc tụng Chúa tạo thành, vừa kính đáo nhắc lại phần cộng tác của con người vào công trình sáng tạo, vừa khẩn nài cho cộng đoàn nhận được ơn ích thiêng liêng, khi tham dự Tiệc Thánh Thể. Còn những của lễ khác thì để trong cung thánh, chứ không đặt trên bàn thờ.

Rồi chủ tế rửa tay. Cử chỉ này tượng trưng hành vi thanh tẩy tâm hồn. Và sau khi kêu gọi Tín hữu cầu nguyện “ xin cho lễ tế này làm vinh danh Chúa và cứu độ muôn người ” , chủ tế đọc lời nguyện hiến lễ. Lời nguyện này là mối dây liên kết giữa việc đưa các lễ vật được đặt trên bàn thờ và kinh tạ ơn. Mọi người thưa “Amen” để biểu lộ sự đồng tình.

KINH TẠ ƠN

“Người tạ ơn”.
Kinh tạ ơn (Prière eucharistique) là tâm điểm của thánh lễ. Đó vừa là một lời nguyện ca tụng do chủ tế kết hợp mật thiết với cộng đoàn đọc lên, vừa là một hành động thiêng thánh, bởi vì chính khi đọc kinh này mà bánh và rượu biến thành Mình và Máu Chúa Kitô.

Bốn Kinh Tạ Ơn.


Có thể đọc bốn kiểu kinh tạ ơn khác nhau. Kinh tạ ơn 1 lấy lại quy lễ Rôma cũ khai triển theo một lối riêng, còn ba kinh tạ ơn kia thì theo một dàn bài giống nhau. Tất cả những kinh này đều bắt nguồn từ lời nguyện của Đức Giêsu đọc trên bánh và rượu vào buổi chiều Thương Khó: “Đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ... Người lại cầm lấy chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho môn đệ... (Mt 26,26-27). Trong các sách Tin Mừng , không có ghi lại bản kinh tạ ơn của Đức Kitô (chữ “Eucharistia” có nghĩa là tạ ơn, ngợi khen, chúc tụng), nhưng trong Cựu Ước và Tân Ước có rất nhiều Thánh Vịnh và Thánh Ca tạ ơn mà kinh Magnificat của Đức Maria là một mẫu hoàn hảo nhất.

Diễn tiến của Kinh Tạ Ơn.

Kinh tạ ơn trước hết là một kinh ngợi khen Ba Ngôi Thiên Chúa: Dâng lên Chúa Cha nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần; tính cách ngợi khen của kinh này thấy rõ và nổi bật trong lời tung hô kết thúc để xưng tụng Ba Ngôi Thiên Chúa. Ngay từ bài Tiền Tụng, chúng ta đã dâng lời tạ ơn Chúa là Đấng ban phát mọi ơn lành hoàn hảo, ơn cứu độ nhờ cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô; kết thúc một lịch sử lâu dài, ơn cứu độ này là ơn cao cả nhất Thiên Chúa ban cho nhân loại. Ở giữa kinh tạ ơn, có lời tường thuật việc Chúa lập phép Thánh Thể: Linh mục đọc lại những lời Chúa đã nói, và làm lại những cử chỉ Chúa đã làm khi Người cầm lấy bánh và rượu xưa kia: “Nầy là mình Thầy hy sinh vì anh em... Nầy là máu Thầy, đổ ra để lập Giao Ước mới ngàn đời tồn tại”. Sau khi đã làm lại như lệnh Chúa truyền, thì đến việc tưởng niệm cái chết và sự sống lại của Người, và loan báo ngày Người trở lại. Tiếp đó, nhân danh toàn thể Hội Thánh, Linh mục dâng lên Chúa Mình và Máu Con của Người, rồi xin Chúa Thánh Thần can thiệp. Trước khi truyền phép cũng đã có lời cầu xin Chúa Thánh Thần thánh hóa lễ phẩm, nhưng lần này cầu xin cho các Tín hữu, sau khi rước Mình và Máu thánh, “được kết hiệp với Đức Kitô mà trở nên một tinh thần và một thân thể duy nhất” (kinh tạ ơn 3), và trở thành một tế phẩm sống động để ca tụng Chúa Cha (kinh tạ ơn 4).

Trước lời tung hô kết thúc kinh tạ ơn còn một kinh chuyển cầu nữa, dài vắn tùy theo mỗi mẫu kinh. Mục đích của lời chuyển cầu này là kết hợp mật thiết các thánh với lễ tế của Giáo Hội, và làm cho những người đang hợp tác với các Giám mục phổ biến Nước Chúa, cũng như những người đã qua đời và mọi người rải rác trên khắp thế gian, được hưởng nhờ hiệu quả của lễ tế này.


Lời cầu của Linh Mục và của Dân Tư Tế.

Kinh tạ ơn trước hết là kinh của Linh mục. Chỉ có những ai đã được đặt tay phong chức: Giám mục, Linh mục chủ tế và các Linh mục đồng tế trong các phần chính, mới được đọc lớn tiếng kinh này giữa cộng đoàn phụng vụ.

Nhưng, vì các Tín hữu cũng nhận được chức tư tế chung khi chịu phép Rửa Tội, nên họ cũng được tham dự mật thiết vào kinh này. Chẳng những Linh mục dâng lễ tế nhân danh cộng đoàn và cầu nguyện cho họ, nhưng sau phần đối đáp lúc ban đầu, giáo dân còn tham dự vào ba lúc chính yếu nữa trong kinh tạ ơn: cuối bài Tiền Tụng kể ra lý do tạ ơn mỗi ngày, giáo dân đọc hay hát kinh Thánh, Thánh, Thánh... cùng với Linh mục; sau truyền phép thì đọc hay hát câu tung hô để tưởng niệm cái chết và sự sống lại của Đức Kitô; cuối kinh tạ ơn thì long trọng thưa “Amen” để biểu lộ sự đồng tình. Tiếng “Amen” này là tiếng thưa long trọng hơn hết trong cả buổi lễ.


HIỆP LỄ

“ Người cầm lấy bánh và trao cho các môn đệ. Người cầm lấy chén mà trao cho họ”.
Đọc kinh tạ ơn xong, cộng đoàn sẽ đáp lại lời mà Chúa đã kêu mời: “Các con hãy nhận lấy mà ăn. Các con hãy nhận lấy mà uống”.
Kinh Lạy Cha và lời chúc bình an.
Các nghi thức khai mạc phần hiệp lễ bắt đầu bằng kinh Lạy Cha là kinh Đức Giêsu đã dạy cho các môn đệ và cũng là kinh riêng của những người đã chịu Phép Rửa. Trong kinh này, Đức Giêsu dạy chúng ta xin Thiên Chúa ban lương thực hằng ngày và tha tội cho chúng ta. Thật không còn cách nào tốt hơn để chuẩn bị chúng ta rước lễ, cho bằng nói lên rằng chúng ta đói và cần bánh ban sự sống, cũng như khẩn nài Chúa thanh tẩy chúng ta, kẻo chúng ta rước mình Chúa một cách bất xứng (1 Cr 11,27). Sau đó, Linh mục khai triển nội dung lời cầu xin cuối cùng: “Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ ”, và giáo dân tung hô: “Bởi vì Cha là Chúa quyền năng...” để kết thúc. Câu tung hô này là câu các Tín hữu thế hệ đầu đã tự động thêm vào sau kinh Lạy Cha.

Trong kinh này, chúng ta cũng xin: “Xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Lời kêu mời tha thứ cho nhau được kèm trong lời chúc bình an của Linh mục nói với giáo dân. Rồi, trong nhiều cộng đoàn, Linh mục đề nghị giáo dân bày tỏ tình đoàn kết của họ với nhau trong Đức Kitô bằng một cử chỉ thân mật: “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau”.

Bẻ Bánh.
Bẻ bánh để chia cho nhau là một nhu cầu vật chất, nhưng cũng là một nét biểu dương đặc biệt tình đoàn kết với nhau và là một kỷ niệm của cuộc Thương Khó. Đức Giêsu đã làm cử chỉ này khi Người hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng (Mt 14,19), khi lập phép Thánh Thể, và lúc hiện ra với các môn đệ trên đường Emmau (Lc 20,35). Chính vì thế, đối với người Kitô hữu, bẻ bánh đã trở nên một trong những nghi thức đặc biệt nhất khi cử hành bữa tiệc của Chúa.

Đang khi Linh mục bẻ bánh rồi bỏ một miếng vào chén thánh để chỉ Đức Kitô sống lại, thì cộng đoàn khẩn cầu Con Chiên đã được hiến tế cho chúng ta trong bữa tiệc Vượt Qua: “Xin thương xót chúng con”.
Rước Lễ.
Trước hết, Linh mục kêu mời giáo dân đến bàn tiệc Chúa: “Hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc thánh”. Câu này phỏng theo một lời trong sách Khải Huyền (Kh 19,9), nhắc cho chúng ta rằng lễ tạ ơn ở dưới đất báo trước hạnh phúc ở trên trời. Chúa thường ví niềm hân hoan của hạnh phúc đó với niềm vui trong bữa tiệc cưới. Rồi Linh mục nâng Mình Chúa lên và nói: “Đây Chiên Thiên Chúa”. Đó là nhừng lời thánh Gioan nói khi giới thiệu Đức Giêsu với các môn đệ của ông trên bờ sông Giođan. Cộng đoàn đọc lời kinh khiêm tốn của viên đại đội trưởng: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con” để đáp lại (Mt 8,8).

Linh mục rước Mình và Máu Chúa trước. Rồi một thầy Phó tế hay Linh mục khác, hoặc có khi là giáo dân, giúp chủ tế trao Mình Thánh Chúa cho người rước lễ. Khi phân phát Mình Thánh Chúa cho giáo dân, đưa bánh thánh và nói: “Mình Thánh Chúa Kitô”; giáo dân thưa “Amen”. Khi đưa chén thánh thì nói: “Máu Thánh Chúa Kitô”, và giáo dân trả lời “Amen”.

Tiệc Thánh Thể là một bữa tiệc ngày lễ. Vì thế, khi giáo dân tiến lên bàn thờ để rước lễ, thường có tiếng hát kèm theo. Các Thánh Vịnh 22 và 23 rất thích hợp với những lời lẽ như sau: “Chúa dọn sẵn cho tôi mâm cỗ, ly rượu tôi đầy tràn chan chứa” (Tv 22,5), “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy” (Tv 33,9).
Rước lễ xong, mọi người yên lặng hồi tâm một lúc lâu. Bấy giờ có thể hát một bài diễn tả những tâm tình tạ ơn của cộng đoàn. Rồi chủ tế dâng lên một lời nguyện cuối cùng, nhân danh cộng đoàn để xin cho Mình và Máu Thánh Chúa sinh công hiệu trong linh hồn những người rước lễ. Giáo dân thưa “Amen”.
GIẢI TÁN
Trước khi giải tán, có thể loan báo một vài điều liên quan đến sinh hoạt của cộng đoàn. Rồi Linh mục chào giáo dân và ban phép lành. Thường phép lành chỉ là lời kêu cầu Ba Ngôi Thiên Chúa xuống phúc lành cho cộng đoàn. Nhưng có những trường hợp, lời chúc lành này được quảng diễn rộng rãi hơn, như trong lễ cưới chẳng hạn.

Cuối cùng, Phó tế hay Linh mục chủ tế nói: “Lễ xong, chúc anh chị em về bình an” để giải tán thực sự. Nhiều người đã diễn nghĩa việc giải tán này như một lệnh “lên đường”. Quả thật, không ai chối cãi được rằng lệnh “lên đường” đã rất được lưu ý, đến nổi người ta đã gọi tất cả thánh lễ là một cuộc “lên đường” hay một cuộc “đi sứ” (nghĩa của chữ “Missa”). Giáo dân thưa: “Tạ ơn Chúa”. Những lời này gợi lại một lần cuối chủ đề chính yếu của phép Thánh Thể.

Cộng đoàn giải tán, “ai nấy lại trở về với những công việc của mình mà ngợi khen, tôn vinh Chúa” (Qui chế tổng quát Sách Lễ Rôma, số 57).