PDA

View Full Version : Giải "Viết văn đường trường" 2016 - Bản tin số 11



dvtung
26-06-2016, 09:43 AM
GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2016
BẢN TIN 11

Thưa quý Tác giả và Bạn đọc,

Cùng với 8 truyện ngắn đã qua vòng sơ loại được tiếp tục giới thiệu lần này, bản tin số 11 xin gửi đến quý vị và các bạn danh sách 40 tác giả đã có bài (gồm 55 bài) được chọn vào vòng chung khảo của cuộc thi lần thứ IV - 2016.

Tất cả các tác giả đã có bài dự thi trong 4 năm qua, dù đạt giải hay không, đều được mời tham dự lễ trao giải và cuộc hành hương “Dấu chân Hàn Mạc Tử”, sẽ tổ chức nhân kỷ niệm lần thứ 104 ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử vào chiều 21/9 và trọn ngày 22/9/2016.

Cách riêng các tác giả có bài vào chung khảo năm nay sẽ được hỗ trợ tiền xe. Khi có kết quả chính thức, chúng tôi sẽ thông báo danh sách các tác giả đạt giải (chưa xếp hạng) để quý tác giả được mời dễ quyết định hơn trong việc về tham dự lễ trao giải và cuộc hành hương.

Sau đây là danh sách các tác giả vào chung khảo năm nay:

- Chung Thanh Huy, Bút danh: Huy Chung, Tổng Giáo phận Sài Gòn.
- Đặng Hoàng Hương Giang, Bd: Khánh Tâm, Gp. Kontum.
- Đặng Kim Thoa, Gp. Hải Phòng.
- Huỳnh Ngọc Đỗ Quyên, Bd: Chiên Nhỏ, Gp. Qui Nhơn.
- Lê Công Chính, Bd: Lê Miên Ca, Gp. Đà Lạt.
- Lê Ngọc Thành Vinh, Bd: Vinhkiu, Tgp. Hà Nội.
- Lê Nguyễn Đức Huấn, Bd: Phêrô Lasan, Gp. Nha Trang.
- Lê Quang Thạch, Bd: Đá cuội, Gp. Qui Nhơn.
- Lê Quốc Bảo, Bd: Sao Biển, Gp. Nha Trang.
- Lê Thiện Long, Bd: Trí Bưu, Gp. Nha Trang.
- Nguyễn Bích Hạt, Bd: Violet, Gp. Bắc Ninh.
- Nguyễn Đức Tuyển, Bd: Nguyên Đức, Gp. Bắc Ninh.
- Nguyễn Hoàng Hải, Bd: Phêrô Nguyễn Hoàng Hải, Gp. Nha Trang.
- Nguyễn Ngọc Nữ, Bd: Nụ Hàm Tiếu, Gp. Vĩnh Long.
- Nguyễn Ngọc Bích, Bd: Giuse Nguyễn Ngọc Bích, Gp. Hưng Hóa.
- Nguyễn Ngọc Hoài Nam, Tgp. Sài Gòn.
- Nguyễn Quốc Nam, Bd: Con Chiên Nhỏ, Gp. Nha Trang.
- Nguyễn Thị Lan, Bd: Cánh Lan Rừng, Gp. Vinh.
- Nguyễn Thị Chung, Bd: Hạt Cát Samac, Gp. Thanh Hóa.
- Nguyễn Thị Hồng Lài, Bd: Jasmine Nguyen, Gp. Xuân Lộc.
- Nguyễn Thị Khánh Liên, Gp. Nha Trang.
- Nguyễn Thị Kiều Minh, Bd: Hà An, Tgp. Hà Nội.
- Nguyễn Thị Tâm, Bd: Tâm Thanh, Gp. Vinh.
- Nguyễn Thị Thu Thảo, Bd: Maria Thảo Nguyên, Gp. Vinh.
- Nguyễn Thị Tình, Bd: Xoài Mà Lị, Gp. Vinh.
- Nguyễn Thị Trông, Bd: Bông hồng nhỏ, Gp. Vinh.
- Nguyễn Thị Trúc Lư, Bd: Hoa Lư, Gp. Qui Nhơn.
- Nguyễn Văn Huyền, Bd: Ngô Đồng, Gp. Ban Mê Thuột.
- Nguyễn Vũ Hồng Kha, Gp. Qui Nhơn.
- Phạm Duy Anh, Bd: Duy Anh, Tgp. Sài Gòn.
- Phạm Minh, Bd: Anh Minh, Tgp. Sài Gòn.
- Phạm Minh Châu, Bd: Bọt Biển, Gp. Nha Trang.
- Phan Ngân Hà, Bd: Emty Heart, Tgp. Sài Gòn.
- Trần Kim Cang, Tgp. Huế.
- Trần Thị Lý, Bd: Đà Lam, Gp. Vinh.
- Trần Văn Đỉnh, Bd: Bích Tiên Sa, Gp. Phát Diệm.
- Trần Văn Dũng, Bd: Mục Đồng, Gp. Vinh.
- Trần Văn Hiển, Bd: Hienboy94, Gp: Vinh.
- Trịnh Thị Huyền Trân, Gp. Qui Nhơn.
- Võ Thị Phương, Gp. Qui Nhơn.

Xin cám ơn các trang Truyền thông Công giáo và mọi người đã đồng hành với cuộc thi cho đến giai đoạn cuối này. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.


Qui Nhơn, ngày 22-06-2016

TM Ban Tổ chức
Lm Trăng Thập Tự

dvtung
26-06-2016, 09:43 AM
Mã số: 16-120

MỘT NỬA GIẤC MƠ Như một giấc mơ. Một giấc mơ ngọt ngào. Chị thấy mình đang ngồi trên chiếc xích đu màu trắng. Trên tay bế một đứa bé trai khoảng chừng 1 tuổi rưỡi. Còn anh - chồng chị thì đứng bên cạnh, nhìn vợ và con trai 1 cách trìu mến...
“Rầm ..ầm..” ... Tiếng người la hét, tiếng xe cộ huyên náo, tiếng còi hú của xe cảnh sát. Hàng loạt âm thanh ấy lại vang lên, Lam giật mình tỉnh giấc. Mồ hôi từ thái dương túa ra như tắm. Miệng thì mặn chát. Lam lại gặp ác mộng nữa rồi. Và chị nhận ra mình đang khóc. Tai nạn cách đây bảy năm. Bảy năm đối với tuổi thanh xuân của một cô gái là quá dài, quá khó khăn. Để mỗi khi hồi tưởng lại, Lam lại thấy tim mình như bị bóp nghẹt. Cơn đau vẫn âm ỉ đến tận xương tủy…
Gần đến ngày sinh nhật, Lam hớn hở :
- Mẹ ơi, sinh nhật cho con ra ngoài cùng lũ bạn lớp giáo lý nha mẹ?
- Ừ, nhưng phải về sớm mới được. Vui chơi vừa phải thôi nhé!
- Con biết rồi. Tụi con chỉ ra quán chè cô Năm ngõ bên thôi. Mẹ đừng lo.
- Ừ! Con nhớ cẩn thận đấy.
Ai đã trải qua một thời tuổi trẻ mới biết giá trị thật sự của tuổi trẻ như thế nào. Đó là những mơ ước đang lớn dần, là niềm vui đơn giản nơi bữa cơm chung gia đình, là những buổi tụ tập với bạn bè ở thánh đường, là những lời chia sẻ về kinh nghiệm sống khi bước chân vào thành phố học tập và làm việc. Mọi điều, trong đôi mắt Lam đều căng tràn hi vọng.
Rầm .. ầm ...
- Lam ơi ! Mọi người ơi, cứu bạn con với!
Sau đó là tiếng người nói lao xao, rồi nhiều người bao quanh Lam. Lam không nghe gì nữa. Chỉ mơ hồ trước mắt, cành hoa tím nhàn nhạt rơi. Một buổi chiều mây buồn. Vào hôm sinh nhật tuổi trăng tròn.
Giành giật Lam từ tay của tử thần nhưng điều mà không ai ngờ là Lam bị cắt cụt đôi chân vì bị xe tải nghiền nát. Những tháng ngày tuyệt vọng của Lam bắt đầu. Từ một cô bé năng động chạy nhảy vui đùa với chúng bạn, cái cảm giác đôi chân không còn nữa thật sự là cực hình. Trong cơn mê man, Lam lại giật mình hoảng hốt : “Mẹ ơi, chân con đâu rồi?”, quá đỗi bi thương. Mẹ Lam lau vội nước mắt, ba Lam trầm ngâm phun hơi thuốc dài. Tương lai cô gái đang mở rộng trước mắt bỗng một tai họa ập đến như cướp đi tất cả. Cả tuổi xuân, hi vọng. Cô thu mình lại trong bao, tự gặm nhấm nổi đau riêng. Cô tránh tiếp xúc với người khác, cuốn nhật kí bên mình dày cộm chữ lại ngày càng dày hơn.
Nhật kí ... Ngày ...tháng ... năm
Đã 3 tháng kể từ ngày không còn đôi chân bầu bạn, tôi không còn đủ sức để khóc nữa. Nước mắt hình như khô cạn cả rồi. Và bây giờ tôi không đủ tự tin trước bất cứ điều gì.
Ngày ... tháng ... năm
Tôi thấy cha khóc. Mẹ tôi thì cứ cố nén giọng mà nghẹn ngào. Tôi muốn chạy đến bên họ nhưng không thể. Tôi không còn chân để mà đi như người bình thường nữa rồi.
Ngày .. tháng ... năm
Tôi phải làm gì mới có thể sống tốt được đây ? Chúa ơi, Ngài nỡ bỏ mặc con sao ? Sao Ngài để con vác thập giá nặng thế này ?
Tuổi 16 của Lam đã trôi qua trong những ngày dài của sự đau đớn cả tâm hồn lẫn thể xác. Của sự tiếc nuối chưa thể nào nguôi ngoai. Cha mẹ Lam như già hẳn đi, chỉ qua vài đêm mà tóc đã điểm sợi bạc. May mắn cho Lam, cô còn những người bạn, người anh chị luôn động viên, an ủi.
Hôm nay chị Mai đến thăm Lam với một tờ báo, trên ấy có tựa đề : “Người cụt cả tay chân truyền cảm hứng sống cho cộng đồng”.
Ngày ... tháng ...năm
“Có thể em thấy cuộc đời mình như sụp đổ tất cả, em oán trách Chúa sao không bảo vệ em, em trách bản thân mình bất cẩn ... Mọi lời oán trách lúc này đều là vô nghĩa. Nhưng em biết không, chính mạng sống mới là quý giá nhất. Em vẫn đang sống cuộc đời một con người, nếu em buông bỏ tất cả thì khác nào kẻ chết đi. Không ai giúp gì được cho em nếu bản thân em không muốn. Em không vô dụng. Ít ra là trong mắt tất cả mọi người, em là cô bé đáng yêu, năng động, giỏi giang. Đừng vì một khúc ngoặt như thế này mà từ bỏ cuộc sống của mình. Dù thế nào, gia đình, bạn bè vẫn yêu thương em mà. Cố gắng nào em gái bé nhỏ của chị, rồi em sẽ biết, Chúa không bỏ rơi ai bao giờ”. Từng lời chị nói tôi hiểu rõ, nhưng tôi thực sự không biết, mình phải bắt đầu lại như thế nào đây ?
Lam không phải là cô gái không hiểu chuyện. Nhưng có lẽ nổi đau quá lớn khiến cô chưa thể dễ dàng chấp nhận. Nhờ những lời động viên, khích lệ, Lam tập thích nghi dần. Mọi thứ khó khăn hơn cô tưởng. Nhưng càng khó khăn lại càng mang đến cho Lam sự quyết tâm.
Hôm nay chị Mai lại đến với một niềm vui bất ngờ: “Bài của em được đăng trên báo Sinh viên rồi đấy. Giỏi lắm cô bé. Cố gắng phát huy hết mình nhé!”. Lam thoáng nở nụ cười trên môi. Và Lam cứ viết rồi viết. Mọi tâm tư được cô gửi qua từng câu chữ, đôi lúc u buồn và khi thì rạng rỡ. Lam dần lấy lại niềm tin trong cuộc sống.
Bảy năm qua đi, Lam trở thành cô giáo dạy Văn mê đắm lòng người. Từng lời giảng của cô, sâu sắc mà tình cảm như chính con người của Lam vậy.
- Hey cô gái! Làm ơn chỉ giúp tôi ...- Một cái giọng lơ lớ cất lên.
Lam ngạc nhiên quay lại, chỉ thấy một anh chàng da trắng rất cao và đẹp trai. Cảm thấy mình thất lễ khi cứ nhìn chằm chằm người ta, cô vội đáp :
- Vâng, anh đi thẳng rồi rẽ qua trái là thấy.
- Cám ơn cô gái.
Lần gặp đầu tiên ấy như một cuộc gặp gỡ định mệnh. Chàng trai trẻ đến từ Anh, qua Việt Nam theo diện tình nguyện và được chỉ định dạy ở trường mà cô đang công tác. Lam với vốn tiếng Anh không tốt của mình đã chủ động nhờ anh giúp đỡ. Bù lại cô giáo dạy Văn hỗ trợ anh phần tiếng việt. Rồi tình cảm tự nhiên đến với Lam lúc nào không hay. Cô phần vì mặc cảm lại không đủ tự tin để nói ra tình cảm của mình. Người què quặt như cô, sao dám nghĩ đến yêu thương ai đó rồi làm gánh nặng cho họ ?
Kết thúc một năm tình nguyện, đến ngày Larry, chàng trai Tây ấy, phải quay về nước mình. Ai cũng luyến tiếc cái anh chàng vừa vui vẻ vừa nhiệt tình ấy. Tụi học trò thì thôi rồi, tiệc chia tay đứa nào cũng sụt sùi bảo không cho thầy về đâu. Lam không nói gì, chỉ im lặng cười. Tối hôm ấy trông Larry thật lạ. Thỉnh thoảng anh lại hướng mắt về phía Lam, nhìn cô ngồi một chỗ như trầm tư điều gì.
8h tối. Lam mở facebook. Dòng tin nhắn hiện ra - của Larry :
- Tôi chuẩn bị đi rồi. Người bạn của tôi. Cô không thuyết phục tôi ở lại thêm à ?
- Biết sao được, anh phải trở về nhà của anh thôi. Đi lâu quá rồi!
- Tôi thực sự thích Việt Nam. Cũng muốn ở lại thêm.
- Vậy thì anh cưới vợ ở đây đi, rồi khỏi đi đâu nữa. ( Icon lè lưỡi)
- Hì. Phải vậy mới được.
- Nay muốn gặp nhau thuận tiện quá rồi, facebook, skype đầy ra đấy. Có mà không chịu gọi thôi .
- Vậy thì Lam phải nhớ gọi cho tôi đấy.
- Được thôi, mai bay rồi, anh ngủ sớm đi. Chúc anh nhiều sức khỏe, may mắn. Gửi lời thăm hỏi đến gia đình anh. Có dịp thì quay lại Việt Nam thăm chúng tôi nhé!
- Lam cũng vậy.
Lam gập lại máy tính. Cô ngồi thẫn thờ hồi lâu. Lại một đêm mất ngủ. “Chúa cho con gặp được một người bạn thế này thì thật là đáng quý. Con đâu muốn điều gì cao xa hơn nữa”. Màn đêm bao phủ, hàng ngàn vì sao lấp lánh. Bên kia, Larry cũng không ngủ được. Anh cứ lăn qua lăn lại, thao thức giống như hôm đầu tiên qua Việt Nam. Lạ chỗ !
Sáng rồi, những tia nắng len qua ô cửa sổ đánh thức Lam dậy. Cả đêm không ngủ được, đến gần sáng Lam mới chợp mắt một tí. Nhìn đồng hồ, 7h30’ - “Chắc anh đã bay chuyến sớm nhất rồi”. Lam lại cười, thầm gửi lời chúc đến anh. Chàng trai trong tim cô.
Lam lại quay về với cuộc sống thường ngày. Sáng đứng lớp, chiều thì phụ đan giỏ với mẹ, tối gia đình cô cùng đến nhà thờ dự lễ. Cảm giác bình yên. Cô vẫn giữ liên lạc với Larry, chỉ là lệch múi giờ nên không thường xuyên nói chuyện trực tiếp, thỉnh thoảng người này để lại lời nhắn, người kia đọc được rồi trả lời lại. Lam vẫn giữ thói quen viết nhật ký để trút cả nổi lòng mình. Một hôm nọ, Lam đột nhiên lên cơn đau bụng dữ dội. Đau từ lúc 3h sáng mà Lam cố chịu. Đến khoảng 5h, Lam kêu mẹ vì mồ hôi ra đầy cả người, mặt tái mét. Cả nhà tức tốc đưa Lam vào bệnh viện. Thì ra là viêm ruột thừa. May là còn kịp thời. Cuộc sống tựa như sợi chỉ, giật nhẹ một phát người chỉ chực ngã nhào. Lam phải nghỉ dạy một tuần, người ốm đến thấy thương.
Mong mãi cũng đến ngày được xuất viện về nhà, Lam chán ghét mùi bệnh viện, mùi của thuốc sát trùng, mùi cồn đủ thứ. Từ khi bị tai nạn đến nay, Lam cố giữ cho bản thân không bị ốm nặng. Lam bị ám ảnh cái chết chóc nơi bệnh viện, những giọt nước mắt chia ly. Đượm buồn. Ám ảnh.
Vừa ra khỏi cửa, Lam dụi mắt. Ai đang đứng quay lưng lại với cô nhìn quen lắm. Có lẽ nào nhìn nhầm ? Thỉnh thoảng cô mơ thấy anh đưa cô đi dạo biển nhưng rồi giật mình, nụ cười còn nở trên môi nhưng thật ra chỉ là giấc mơ. Nhưng không đúng, anh quay lại, và đứng đó cười nhìn cô.
- Bạn của tôi. Chắc cô đã quên tôi rồi ? Còn tôi thì không thể quên cô được đây này!
Giây phút đó, bỗng dưng Lam muốn nhào đến ôm chặt lấy anh. Nước mắt chỉ chực trào. Nghẹn ngào mà không nói được gì.
- Thôi ngoan nào, đừng khóc. Mừng cũng vừa vừa thôi nhé!
Về đến nhà, Larry xin phép ba mẹ đưa Lam dạo một vòng quanh. Cô vẫn chưa hết ngạc nhiên:
- Sao anh lại ở đây, vào lúc này ?
- Không hoan nghênh à, vậy thì tôi đi vậy.
- Ý tôi không phải vậy, nhưng ...
- Tôi nhớ em, Lam à. Thật sự rất nhớ.
Larry ngập ngừng, rồi ngồi gập xuống, nhẹ nắm lấy bàn tay Lam:
- Tôi nghĩ mình chỉ nhất thời rung động nhưng không phải vậy. Thời gian qua, tôi nhớ em khủng khiếp. Nhớ cô gái đầy nghị lực có mái tóc đen nhánh, da không trắng nhưng nụ cười má lúm rất duyên, lên lớp giảng bài là cười tươi như hoa. Tôi nhớ những lần em dạy tôi tiếng Việt mà ôm bụng cười ngặt nghẽo. Rồi khi đã nói lưu loát được tiếng Việt, tôi đã tập đọc những bài em viết. Nhẹ nhàng mà tình cảm. Tôi về nhà mà luôn nghĩ đến em. Và tôi chắc chắn đó không phải là rung động nhất thời, bởi tôi không còn là cậu nhóc đôi mươi nữa.
- Thế nhưng, em như thế này ...
- Tình cảm là quan trọng nhất, anh tin em cũng nghĩ như vậy. Lần này sang, anh đã nói rõ ý định với ba mẹ. Họ yêu anh và họ đồng ý.
Lam lại rơi nước mắt. Vì cảm động, vì sự chân thành trong đôi mắt anh. Cô không thấy một tia nào là giả dối. Không nhanh không chậm, đám cưới kì diệu đã diễn ra thật trang trọng, nơi thánh đường gần nhà cô. Tình yêu của cô và anh không ồn ào, náo nhiệt, chỉ có yêu thương, cảm thông, chia sẻ và tin chắc Thiên Chúa luôn gìn giữ họ.
Hôm nay đi dự lễ, lời giảng của cha quản xứ làm cô nhớ mãi : “Lòng Thiên Chúa thương xót có thể làm cho ngay cả mảnh đất khô cằn nhất trở thành một khu vườn, có thể phục hồi sự sống cho bộ xương khô” (Ed 37:1-14). Cô cúi đầu cảm tạ Người vì đã chiếu tỏa lòng thương xót trên cô : “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Xin đón nhận và giữ gìn chúng con!”
Mỗi chiều, anh đưa chị dạo biển rồi quay trở về nhà, cuộc sống êm đềm trôi qua. Giấc mơ được hóa thành một nửa, còn con cái là lộc Chúa ban cứ tự nhiên mà đón nhận. Gia đình nhỏ của chị xin phó thác vào lòng thương xót Chúa!
Thiên Chúa làm nên muôn điều kì diệu.
Và nơi Ngài, tình yêu đã trở nên câu chuyện cổ tích!

dvtung
26-06-2016, 09:43 AM
Mã số: 16-121
GÃ KHỜ , NHỎ H VÀ CÂU CHUYỆN RAĐIO Gã ở trần, cái bụng phệ ởm ờ trông thật tởm, cái quần đùi mặc xệ cách rốn một tấc cùng cái dáng đi lết tha lết thết càng làm gã trông có vẻ ngang tàng, bất cần đời. Mà gã cũng bất cần đời thật, bất cần đời nên mới lê thân vô cái trung tâm này. Gã to xác, nhưng cái to xác không làm cho gã có vị thế trong cái nơi dùng nắm đấm để tranh giành quyền thống trị trên nhau. Tụi nhóc choai vẫn xưng hô mày -tao với gã, thậm chí còn chửi vào mặt gã. Những lúc như vậy, gã chẳng thèm đếm xỉa đến chúng. Cứ tưởng gã là một thằng khờ, thằng rồ to xác rẻ tiền. Nhưng không, cái khờ, cái rồ ần trong cái ngang tàng bất cần đời ấy là cả lí tưởng sống, mục đích sống là muốn yêu thương và muốn được yêu thương.
Lời đầu tiên, chương trình Radio “Cầu Nối Yêu Thương” xin gửi lời chào thương mến đến Ban Giám Hiệu cùng toàn thể các bạn trong trung tâm Thanh Thiếu Niên III. Hãy để âm nhạc sưởi ấm tâm hồn đang lạnh giá của bạn, cũng như giúp thư giãn cho những ai đang tất bật, hối hả trong cuộc sống. Hãy chuyển thông điệp yêu thương đến những người thân yêu và hãy để chúng tôi làm cầu nối để chuyển những thông điệp ấy. Đó là những lời giới thiệu quen thuộc của tôi trong chương trình phát nhạc theo yêu cầu mỗi tuần. Với chiếc loa to kềnh càng, chiếc micro xụt xịt lúc được lúc không cộng với cái MP3, tôi nghiễm nhiên trở thành biên tập viên của một chương trình Radio được phát sóng định kì mỗi tuần một lần. Nghe có vẻ hoành tráng lắm nhưng thực tế công việc chính của tôi là đáp ứng yêu cầu phát tặng những ca khúc mà các em yêu thích mà thôi, tất nhiên là theo kiểu "face to face" và phải mất 604800 giây mới được phát sóng ca khúc yêu cầu, tức là phải đến một tuần sau. Và thính giả đầu tiên của tôi là một anh chàng to cao, mà tôi tạm thời gọi là “gã” theo cách xưng hô để nói về nhân vật thứ ba không mấy tốt nhưng rất lành:
- Ê!- Gã đứng bên hàng rào ới ời gọi.
Tôi liếc mắt nhìn gã, và không xa lạ gì với gương mặt đình đám này.
- Ê, ông anh, có bài hát Bốn Chữ Lắm không?- Gã to tiếng hỏi
- Không! À, mà em muốn đăng kí phát tặng bài nào, em phải ghi giấy đưa anh trước, anh về tải nhạc và tuần sau mới phát tặng em được.
- Thôi khỏi, tuần sau thì nói làm gì, muốn phát tặng tuần này thôi.- Hắn có vẻ cau có, khó chịu.
- Nhưng máy của anh hiện tại không có bài hát đó.- Tôi cố giải thích cho gã hiểu.
Gã im lặng ít giây rồi lên tiếng:
- Thế ông anh có bài hát gì về tình yêu không?
- Có nhiều lắm.- Tôi vui vẻ trả lời.
- Mở một bài nào về tình yêu đi và gửi tặng nhỏ H bên nhà C giúp.
- Em có nhắn gì không?
- Thôi khỏi… mà có… mà thôi khỏi.- Gã lưỡng lự, đấu tranh nội tâm có vẻ gay gắt.
- Mà em tên gì, để anh còn giới thiệu.
- Cứ nói là đại ca nhà B gửi tặng nhỏ H, chúc nghe nhạc vui.
- Ok.
Và sau đây, xin mời toàn thể trung tâm lắng nghe ca khúc“Anh” của nữ ca sĩ Hồ Quỳnh Hương. Đây là món quà của một bạn với Nickname là Đại ca nhà B gửi tặng bạn H nhà C với lời chúc bạn H nghe nhạc vui.
Tiếng nhạc cất lên, tôi không biết với chiếc loa nhỏ xíu của tôi cả trung tâm có nghe hết được không và nhỏ H, ở khu nhà C xa xa nữa, nhưng thính giả đầu tiên của tôi, đang tư lự nơi dãy hàng rào và đôi mắt đang hướng về khu nhà C. Gã đứng đó cho đến những lời cuối cùng của bài hát. Thỉnh thoảng lại thúc tôi mở nhạc to lên.
Kể từ ngày ấy, nhạc qua-thư lại của đôi bạn trẻ cứ thay nhau gửi đến chương trình. Có ngày nghe xong bài hát nhỏ H gửi tặng cùng mấy dòng thông điệp dễ thương, gã cứ nằng nặc yêu cầu tôi mở lại ca khúc vừa nghe. Gã cứ tưởng chương trình của tôi mở ra chỉ là để đáp ứng yêu cầu của gã và nhỏ H không bằng. Những lúc như vậy, tôi nói gã cố gắng chờ đến cuối buổi, nếu có giờ thì mở lại. Gã đồng ý và khuôn mặt tươi hớn hở chạy vào nhà với hi vọng nghe lại được tiếng lòng của một nửa trái tim bên kia hàng rào.
Cuối buổi, gã đưa cho tôi một tờ giấy và nói:
- Anh! Tuần sau vô đây anh mở liền bài hát này nha, anh mở chậm là mấy thằng trong trung tâm đá bóng ồn lắm, sợ nhỏ H không nghe được.- Gã hí hửng yêu cầu.
Nhức đầu với “thính giả cục nợ” này nhưng tôi vẫn đón nhận tờ giấy của gã.
- OK. Hẹn gặp lại em tuần sau.- Tôi mỉm cười cho xong chuyện
Nhưng mà chuyện nào đâu có xong, thấy cái vòng chuỗi tay tôi mang trên tay, gã chăm chú nhìn, rồi nói:
- Anh! Cho em cái chuỗi kia được không.- Gã chỉ tay vào vòng chuỗi tay của tôi.
Tôi ậm ự trong giây lát để cố giải thích:
- À... ừ! Cái vòng này là của mấy người theo “Đạo Chúa” mới mang, còn mấy người không...- Tôi chưa kịp giải thích thì gã đã chen ngang.
- Em là đạo Chúa, em biết đọc kinh mà.
Thú thực, tôi chẳng lạ gì cái tật nói dối của các em ở đây. Đôi khi, chỉ vì thích một sợi dây chuyền, một vòng tràng hạt đeo cho vui mắt mà lắm em mang vào mình cái danh "em là đạo Chúa", rồi sau dăm ba bữa chán chê, vứt bỏ.
Thấy tôi lưỡng lự không tin, gã có vẻ khó chịu và cố chứng minh "Đức tin" của mình.
- Để em đọc Kinh Lạy Cha cho anh nghe nha: Lạy Cha Chúng con... Amen.
Tôi trợn tròn mắt ngạc nhiên. Chưa hết, gã còn đọc thuộc Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh. Gã nói tiếp:
- Mỗi đêm trước khi đi ngủ, em vẫn đọc mà.
Có cái gì đó đè nặng lòng tôi, phải chăng đó là sự xót xa hỗ thẹn tự trách mình theo kiểu "xem mặt mà bắt hình dong". Nhưng rồi, trong lòng lại trào dâng một niềm vui khó tả, vì trong một nơi khi mà tất cả chỉ phủ đầy sự bực dọc, đánh đập, ức hiếp nhau như một màu tối đen thì trong đêm vẫn lóe lên lời nguyện cầu của một Kitô hữu mà cho dẫu trăm cực, ngàn cay, dẫu tháng ngày chất đầy đau khổ nhưng gã vẫn còn đó một niềm tin vào Thiên Chúa Xót Thương.Tôi lặng thinh mĩm cười tháo vòng chuỗi tay đưa cho gã với một niềm vui là mình đã chắp cánh cho một tâm hồn được gần Chúa hơn. Đón nhận món quà ấy, gã hí hửng mang vào tay rồi xoay xoay nhìn vòng tràng hạt cách thích thú.
- Em cảm ơn anh!- Rồi gã chạy nhanh vào nhà.
Lúc ấy, tôi chợt nghĩ rằng: Hạnh phúc lắm lúc chỉ đơn giản là khi ta nhìn thấy một ai đó cười vui.
Ca khúc gã yêu cầu là bài hát “Bốn chữ lắm” với ca từ khá ngộ ngĩnh “yêu lắm, thương lắm, xa lắm, đau lắm”. Ca khúc này đang phổ biến trên thị trường âm nhạc và được rất nhiều bạn trẻ yêu cầu, kể cả những bạn nhỏ trong trung tâm.
Tuần sau, khi vừa đến trung tâm, các em nhỏ đã chạy đến báo cho tôi cái tin động trời là bốn đứa khu nhà B đã trốn, bốn đứa thân thiết nhất với tôi. Tôi không biết nên buồn hay nên vui, cảm giác lúc đó là một sự trống vắng xâm chiếm cõi lòng. Chuyện các em trốn đi không phải là chuyện lạ ở trung tâm này, nhưng tôi lại có những cảm xúc khó diễn tả, nói thẳng ra là buồn. Chuyện các em trốn không chỉ có chúng tôi, những người làm công tác tông đồ buồn mà có cả gã, gã cũng buồn, phải nói là sầu thì đúng hơn. Tôi cứ ngỡ là những đứa trốn trại kia là bạn chí cốt của gã, nào ngờ, một nửa trái tim của gã cũng cao chạy xa bay cùng một ngày với bốn “anh hùng hảo hán” kia. Tôi thầm đặt câu hỏi: tại sao nhỏ H lại trốn, nhỏ không thương Đại ca nhà B sao? Thôi thì chuyện tình của gã tôi không có thời gian cũng không có nhu cầu để tìm hiểu. Nhưng tôi thương gã, tôi thương gã cách đặc biệt, thương gã vì mỗi lần đến yêu cầu ca khúc tôi thấy gã càng ngày càng dễ thương hơn,gần gủi hơn, nói năng nhẹ nhàng và lịch sự hơn. Tâm hồn gã trái ngược hoàn toàn với dáng vẻ bên ngoài. Tôi thầm nghĩ, đôi khi trong một môi trường tranh tối tranh sáng này, con người ta phải diện lên trên khuôn mặt mình cái vẻ hung tợn để tránh bị bắt nạt, hơn là để ra uy với người khác.
Hôm nay gã lại đứng bên hàng rào, chỉ nhỏ nhẹ yêu cầu tôi xóa đi bài hát “Bốn chữ lắm” đã đăng kí tuần trước. Tôi nhớ lại ca từ của bài hát “ yêu lắm, thương lắm, xa lắm chứ đau lắm”. Tôi thoáng nghĩ, chắc gã đau thật và không biết gã có nghĩ rằng sự ràng buộc mong manh của thứ tình cảm bù đắp cho nhau trong lúc thiếu thốn ở trung tâm này sao có thể giữ chân một cô gái nhiều mơ mộng như nhỏ H được. Tôi chỉ biết gã đang buồn, buồn lắm.
Chiều hôm ấy, thực sự tôi cũng chẳng muốn thực hiện chương trình phát nhạc, nhưng vì lỡ hứa đáp ứng yêu cầu cho những tâm hồn thổn thức khác giữa hai khu nhà cách cái hàng rào với những bài hát tình yêu sướt mướt và những thông điệp đại loại cần đến nhau nên tôi đành phải làm. Tôi chợt nghĩ, phải chăng cái thứ tình cảm mong manh ấy lại là linh dược để chữa lành những vết thương đã và đang rướm máu bởi xã hội, gia đình, người thân cứa vào họ. Và cho dẫu có là gì đi chăng nữa, thì ít nhiều, những tâm hồn man dại kia cũng cảm thấy họ giá trị và đẹp trong mắt người khác, cảm thấy mình được xứng đáng yêu và được yêu hơn.
Quay về lại với gã, tôi không thấy gã đứng nơi hàng rào nữa. Gã đã đi về phòng và có lẽ gã muốn trốn đời, trốn thời gian. Tôi hi vọng anh chàng bự con này sẽ khóc được, hay ít ra cũng hét lên được một tiếng cho vơi đi phần nào nỗi buồn đang xâm chiếm trong lòng.
Tôi quyết định không mở nhạc nữa, tôi đi về phòng của gã với hi vọng mình sẽ là nơi để gã trút bầu tâm sự theo kiểu chuyện hai người đàn ông và… gã đã nói, nói nhiều lắm.
Gã kể về quá khứ của gã, cái quá khứ quen thuộc với mấy cu cậu trong trung tâm: đi bụi-bị bắt, kể về những tổn thương từ sự mất mát người thân, sự cô đơn, lạc lõng giữa đời bon chen, đua tranh phức tạp. Gã kể về những đêm ra bãi rác để tranh miếng giấy cạc-tông với một bà già đi nhặt rác, để đem về lót lưng nằm cho đỡ lạnh. Gã kể về việc bị công an bắt khi ngủ đêm tại một ghế đá công viên. Gã kể về những ngày đầu tiên vào trung tâm. Nhưng gã chẳng kể gì đến nhỏ H cho đến khi tôi gợi chuyện.
Gã nói nghe triết lí rằng, không biết gã có thương nhỏ H theo kiểu tình yêu như trong phim không nhưng gã luôn thấy vui khi nói chuyện với nhỏ khi mỗi lần đến nhà cơm hay trò chuyện nơi dãy hành lang khu học nghề. Gã nói nhỏ H hay nhìn gã, trêu gã mà không thèm nhìn hay trêu những thằng con trai khác. Gã cảm thấy mình được để ý, được quan tâm, được yêu thương qua những bức thư giấy vở mà nhỏ H gửi tặng. Tất cả những thứ ấy khỏa lấp một tâm hồn thiếu vắng tình cảm như gã và làm thay đổi cái suy nghĩ với một đống cuộc sống chỉ toàn đánh đập, chửi mắng, thiếu thốn đủ điều. Gã còn kể những ngày đầu vào đây gã hay bị đánh và cuộc sống buộc gã phải thay đổi. Nhưng rồi, với suy nghĩ của tuổi mới lớn, lứa tuổi rung động đầu đời, gã không muốn nhỏ H ghét gã như ghét hàng trăm thằng con trai khốn nạn trong trung tâm này nên gã đã thay đổi, thay đổi tính cách, thay đối để được yêu thương nhiều hơn và để yêu nhiều hơn. Có thể gã đã nghĩ mình phải làm gì đó để đáp lại tình cảm mà nhỏ đã nhận được từ nhỏ H. Tình cảm ấy là mục đích sống, lí tưởng sống cho gã trong suốt chặng đường qua, giờ nó đã ra đi mất rồi. Tôi cứ tưởng rằng gã sẽ quay về với cuộc sống trước kia. Nhưng không, gã nói gã sẽ cố gắng sống tốt hơn, mục tiêu sống của gã giờ này là phấn đấu sống để sớm ngày được ra ngoài gặp lại một nửa trái tim của mình. Gã đưa tay trái lên và xoay xoay vòng tràng hạt và với nụ cười dung dị khẻ nhìn tôi và nói.
- Cảm ơn anh về món quà, em sẽ trân trọng nó và sẽ cầu nguyện cho anh.
Thật sự tôi không ngờ. Buổi trò chuyện không dài, nhưng rất sâu. Nó đã đánh động lòng tôi rất nhiều. Phải chăng sự thiếu thốn vật chất, tình cảm không ngăn cản được một trái tim hướng thiện, muốn yêu thương và được yêu thương. Một cái nhìn, một lời nói đùa hay yêu thương, một cử chỉ thân thiện, một hành động quan tâm rất nhỏ thôi cũng đủ làm thay đổi cả một con người.
Tôi quay lại với chương trình Radio Cầu Nối Yêu Thương của mình và quyết định phát ca khúc “Gọi tên tôi nhé bạn thân hỡi” được thể hiện bởi ca sĩ Lương Bích Hữu để tặng gã, tặng tôi và tặng cho tất cả những tâm hồn đang khao khát có một điểm tựa để vươn sống. Tôi thầm nghĩ, gã sẽ gọi tên ai đây trước những ưu phiền kiếp sống? Gã sẽ gọi Chúa và tâm sự với Ngài, tôi tin như thế và chắc chắn Chúa sẽ xoa dịu vết thương cho gã.
Tôi lại chợt nghĩ về tôi, cũng giữa những trăm bề khó khăn, chán chường, thất vọng, tội lỗi, tôi sẽ gọi tên ai đây? Tôi đã cậy trông vào Thiên Chúa chưa? Một khoảng lặng xâm chiếm lòng tôi.
Tôi là sứ giả yêu thương đến với các em, trao cho các em những tình cảm; chương trình do tôi phụ trách là cầu nối yêu thương cho những tâm hồn xích lại gần nhau trong đó có cả gã nữa. Với ai đó, có thể gã chỉ là một thằng rồ hay một người không gì đáng nói, nhưng với tôi gã là sứ giả mà Chúa gửi đến để tôi nhận ra một điều rất bình thường nhưng không đơn giản rằng: Chỉ cần một suy nghĩ, một ánh mắt, nụ cười, một hành động quan tâm nho nhỏ thôi cũng thay đổi được ai đó và thay đổi cả thế giới, để tôi nhận ra lòng Thương Xót Chúa vẫn hằng luôn ủ ấp những ai biết chạy đến cùng Ngài, như gã.
Cảm ơn! Xin cảm ơn Người đã cho tôi nhận ra rằng, vẻ bề ngoài không nói lên được giá trị con người. Đôi khi sự thô kệch, lôi thôi, ngang tàng, bặm trợm lại ẩn giấu trong đó một trái tim đang vỗ nhẹ những nhịp được yêu thương và khao khát yêu thương và Lòng Chúa Xót Thương cũng cần lắm những cánh tay nối dài biết thương xót.

dvtung
26-06-2016, 09:43 AM
Mã số: 16-122

TRONG GIẤC MƠ CON CÓ MẸĐêm! Trời bắt đầu se lạnh, không biết cơn gió nào vô tình đã dẫn nó đi vào giấc mơ huyền bí. Nó thấy hồn lạc lõng chẳng biết về đâu, giấc mơ đó dẫn nó đến nhà xứ của mình. Nó thấy mình vẫn làm công việc nhỏ nhoi như hằng ngày nó vẫn làm đó là tưới hoa gần đài Đức Mẹ. Thật kì lạ nó thấy dưới chân Mẹ có một cái bát nhỏ màu trắng, nó nhớ là dưới đài Mẹ làm gì có cái bát ấy. Nó cũng chẳng để tâm, định quay lưng về thì lại nghe tiếng của cha xứ gọi:
- Này con chờ đã…
Nó quay nhìn về phía trước thì thấy cha, nó vội thưa:
- Dạ cha gọi con…
- Con hãy cầm cái bát đó lên điều kì diệu sẽ đến với con đấy!
- Dạ, nhưng cái bát đó chỉ là một cái bát bình thường thôi mà và sao cha lại biết trong đó có chứa điều bí ẩn?
- Con cứ cầm đi rồi con sẽ biết.
Nó cũng làm theo lời cha bảo, không hiểu sao nó định cầm cái bát đó lên nhưng nó lại làm đổ mất. Bỗng nhiên mọi thứ xung quanh đều thay đổi, nước ngập tràn cả khuôn viên nhà thờ, trời thì mù mịt. Nó chẳng thấy cha xứ đâu cả. Nó hét toáng cả lên nhưng cũng chẳng ai nghe thấy tiếng nó. Bỗng một ánh sáng chói lói khiến đôi mắt của nó chẳng thể mở ra, nó thấy sợ hãi vì chẳng ai bên cạnh. Nó nghe có tiếng vọng từ ánh sáng đó:
- Này con, đừng sợ …
Nó vội vã môi run run và thưa rằng:
- Ai… ai gọi con đó!
- Chính là Mẹ đây!
- Mẹ…Mẹ… là…
Nó mới giật mình hốt hoảng nhìn lên, nó thấy Mẹ cười rất tươi. Bỗng Mẹ nói với nó:
- Này con, Mẹ muốn nhờ con làm chuyện này được không?
- Dạ chuyện gì ạ! Xin Mẹ cứ nói.
- Cái bát mà con làm đổ đấy, trong đó có chứa một viên ngọc và viên ngọc đó có thể giúp thế gian ngày một sống tốt hơn. Con người sẽ luôn dành cho nhau những tình yêu thương và điều đặc biệt là mọi người trên thế gian này sẽ siêng năng cầu nguyện và lần hạt Mân Côi mỗi ngày. Mẹ muốn con phải tìm bằng được viên ngọc, con có thể làm được chứ!
- Nhưng nước sâu quá Mẹ ơi, con sợ con không làm được, vì con không biết bơi.
- Con cứ tìm rồi sẽ thấy thôi mà.
- Con sợ lắm Mẹ ơi, nước ngày càng chảy mạnh thêm.
- Không, con làm được. Hãy chứng tỏ cho Mẹ rằng con rất mạnh mẽ, chẳng sợ mọi gian khó gì. Đây chính là thử thách và là cánh cửa đầu tiên của con đó.
- Dạ nếu thế thì con sẽ cố làm, sẽ cố kiếm bằng được viên ngọc cho Mẹ, để giúp mọi người ăn năn trở về Mẹ!
Nó làm theo lời Mẹ dạy, nó phải lội ngược lội xuôi nhưng cũng chẳng thấy viên ngọc đâu. Vì không muốn Mẹ thất vọng nên nó cố tìm thêm lần nữa nhưng cũng không có kết quả gì. Cuối cùng vì kiệt sức, nó thưa với Mẹ:
- Mẹ ơi, con bó tay thật rồi, con chẳng thể làm được như lời Mẹ nói và con cũng chẳng thể mang về viên ngọc đó cho Mẹ được.
Thấy cái mặt buồn rầu của nó, Mẹ an ủi:
- Mẹ rất vui khi thấy con đã dám can đảm từ bỏ chính mình để kiếm bằng được viên ngọc đó.
- Nhưng con đã chẳng kiếm được viên ngọc đó, con buồn quá.
-Thật ra, chẳng có viên ngọc nào đâu con. Viên ngọc mà Mẹ muốn nói ở đây đó chính là lời cầu nguyện và những việc làm của con đấy! Lời cầu nguyện của con sẽ giúp mọi người tỉnh thức, con có tin điều đó không.
- Không! Không Mẹ ơi, làm sao con có thể, con chẳng đáng được vậy đâu Mẹ. Con không phải là người để Mẹ chọn đâu vì đôi lúc con cũng vụng về, tội lỗi chồng chất, Mẹ biết không.
- Con hãy tin tưởng Chúa của con là Đấng luôn yêu thương và chở che con, con đừng sợ hãi. Cầu nguyện, đó là sứ vụ của con, con phải đảm nhận.
- Nhưng Mẹ ơi, con dễ bị cằn cỗi, lạnh nhạt trong đức tin lắm. Điều đó đã làm cho con không cảm thấy được hạnh phúc.
- Mẹ tin con sẽ làm được, hãy cố lên con nhé!
Sau tiếng nói đó, nó chẳng thấy Mẹ đâu, cả ánh sáng đó cũng biến mất. Nước ngày càng chảy mạnh thêm khiến đôi chân, đôi tay của nó rã rời. Trong giờ phút đó, nó chỉ biết gọi tên Mẹ. Và cuối cùng nó đã bị nước cuốn đi.
Nó thấy xung quanh toàn là xác chết ở đâu cũng có. Từ trẻ nhỏ đến người già, tất cả đều đi hết, chỉ còn lại mình nó. Trong nhà thờ, chẳng có một bóng người. Bỗng từ xa xa, nó thấy một ông cụ đang đi lom khom cầm theo cái bao thật to, đến gần nó và bảo:
- Xác chết nhiều quá con, ông muốn gom lại để vào bao được không ?
Con run sợ vì nghe cái từ “bỏ vào bao” và chỉ biết nhìn ông gom từng người như vậy. Lại tiếng vọng của Mẹ nói với nó:
- Hình ảnh mà con vừa thấy, con có hiểu ý nghĩa của nó là gì không?
- Dạ không thưa Mẹ! Nhưng con thấy sợ!
- Đó là nếu lời cầu nguyện của con không thành thì mọi người sẽ như thế này đó. Hãy tự tin và lạc quan lên con nhé!
Nói xong, Mẹ lại biến mất lần nữa. Nó dường như cảm thấy vô vọng bất lực hoàn toàn vì nó chẳng thể đảm nhận dược sứ vụ cao cả đó, điều đó quá khó khăn đối với nó. Nó la lên thất thanh: “ Chúa ơi, Mẹ ơi đừng bỏ con” ­
***

Dường như mẹ nó đang đập đập vào vai nó, đến rõ đau. Hóa ra đó chỉ là một giấc mơ nhưng nó lại thấy bất an. Khi đó, nó chẳng hề tin là nó đã mơ thấy vậy, nó để kể cho mọi người nghe ngay khi vừa mới tỉnh dậy, nhưng nó lại không dám vì chuyện này chẳng dễ dàng gì để kể ra, và liệu rằng có ai tin nó không. Kể từ ngày hôm đó con vẫn giấu kín, thầm lặng làm theo lời Mẹ dạy. Khoảng thời gian sau, chẳng hiểu sao mà trong giấc ngủ, nó lại gặp giấc mơ kì lạ đó. Bây giờ nó thấy sợ hãi hơn bao giờ hết. Nó đã cảm thấy rất khó chịu vì chẳng dám kể cho ai nghe.
Nó tính giữ cho riêng mình, nhưng lúc nào nó cũng thấy bất an nên nó quyết định kể cho cha xứ nghe. Nó ấp úng! Nó ngập ngừng! Phải mất một giờ đồng hồ nó mới kể hết giấc mơ của nó cho ngài nghe. Còn ngài, ngài lắng nghe nó. Ngài im lặng. Căn phòng chỉ có hai cha con. Trên tường có treo ảnh Đức Mẹ. Nó thấy đẹp lạ lùng. Nó ngập ngừng hỏi cha:
- Cha ơi, giấc mơ đó là gì vậy? Sao con khó hiểu quá! Nó làm con sợ!
Cha nhìn nó với ánh mắt triều mến như một sự an ủi và bảo:
- À, giấc mơ đó nói lên con là người biết an ủi chia sẻ khi mọi người gặp khó khăn vì con luôn siêng năng đi lễ, cầu nguyện nên con mới gặp giấc mơ như vậy đấy.
- Không cha ơi, con không nghĩ rằng con là người như vậy đâu vì đôi lúc con cũng yếu lòng, con không siêng như cha nói, làm sao con có thể an ủi chia sẻ với người khác.
- Như con đã kể bằng lời cầu nguyện và viêc làm của con sẽ giúp được mọi người sống hoàn thiện hơn nên cha tin con làm được, có Chúa thì chuyện gì con cũng sẽ vượt qua. Hãy cố lên con nhé!
- Nhưng sao con thấy bất an!
- Có lẽ do dạo này, con học nhiều quá chăng, rồi thêm suy nghĩ nhiều nên con thấy không được thoải mái trong tâm hồn.
- Nhưng con sợ lắm cha, con nhớ trong mơ, Mẹ đã nói với con rằng Mẹ rất nóng khi Mẹ phải ở một mình. Con biết là Mẹ rất buồn, buồn về con người nhiều lắm, dù mọi người thường đi ngang qua đó nhưng con biết là họ chẳng quan tâm đến Mẹ cả.
- Có lẽ! Bởi cha thấy mọi người dạo này không siêng năng lần hạt như trước nữa.
- Cha có thể mua một số cây cảnh để trưng bên đài Đức Mẹ được không? Nếu được vậy, hằng ngày con sẽ tưới cây sau mỗi giờ học và biết đâu Mẹ sẽ vui hơn.
- Uh, được chứ! Để bữa nào cha sẽ mua.
- Vâng con cảm ơn cha nhiều thật nhiều!
Sau cuộc trò chuyện đó, nó đã cảm thấy thoải mái rất nhiều. Kể từ đó nó chẳng nản lòng, ngày nào đi học về, nó cũng qua tưới hoa bên đài Mẹ.
***

Giờ đây, cứ mỗi lần nhớ lại giấc mơ đó, nó không còn thấy sợ nữa mà thay vào đó là niềm vui, vui thật vui. Nó cảm thấy nó thật hạnh phúc vì nó nghĩ đó là món quà Chúa đã ban tặng cho nó: được thấy Đức Mẹ trong giấc mơ. Quả thật, đây là tình thương Chúa đã dành cho nó, một tình thương bao la vô tận. Nó nhìn lên tấm ảnh Lòng Chúa thương xót, thì thầm: Tình Chúa thật bao la mãi muôn đời con ca khen tình Ngài.

dvtung
26-06-2016, 09:43 AM
Mã số: 16-123
ĐIỂM HẸN GIÊSU Điểm hẹn quen thuộc của nó là ngôi nhà thờ nhỏ của giáo họ. Nó ghé vào đó tìm kiếm sự an ủi của Anh Hai, người luôn lắng nghe những tâm sự thầm kín của nó. Từ khi được Rước Lễ lần đầu, nó luôn luôn giữ thói quen này. Anh Hai đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho nó.
Tuổi thơ nó là chuỗi dài những ngày trốn chạy khỏi những trận đòn của cha. Cha nó thường say khướt. Mỗi lần như thế, mẹ lại cùng anh em nó lánh qua nhà hàng xóm. Đi đâu cũng được, miễn là mẹ con nó khuất khỏi tầm mắt của gã say xỉn ấy! Nó nhớ mỗi lần bị cha đánh, tấm thân gầy guộc của mẹ luôn là nơi an toàn để nó trú ẩn. Mỗi lần nồng hơi men, ông lại quát gọi mẹ nó rồi giáng trên người bà những làn mưa roi… Hình ảnh người phụ nữ tàn tạ nằm sõng soài giữa nhà trong tiếng khóc đã dần trở nên quen thuộc đối với nó. Đó là những khi ông còn có sức đánh, có sức chửi.
Thực ra, cha nó không hẳn lúc nào cũng say. Khi ông tỉnh táo, hình ảnh người cha cần mẫn, yêu thương vợ con lại hiện ra nơi ông. Trời mùa hè ở vùng quê nó mau sáng lắm. Cha nó đi làm từ sớm, lúc những chú gà còn say giấc ngủ, chưa kịp tỉnh dậy để gáy những tiếng chào ngày mới. Tầm 7 giờ là cha nó đã xong mọi việc ngoài đồng. Cha nó là người của đồng ruộng. Thế nên, ông cày bừa đâu ra đó; lúa nhà nó lúc nào cũng mơn mởn. Có thể nói rằng ngoài lúc chìm ngập trong sơn đê mê của men rượu, cha nó luôn cho mẹ con nó cảm giác an toàn, bình yên… Nhưng gia đình nó vẫn còn nghèo lắm.
Thời gian trôi qua, cha nó vẫn thường say xỉn nhưng không còn đủ sức để đánh đập mẹ con nó nữa. Rượu đã bào mòn sức lực của ông. Ở nhà, nó thường tránh khuôn mặt đáng sợ của cha khi say. Ông đay nghiến mẹ con nó bằng những câu nói tục tằn, những lời chửi rủa thậm tệ, chúng còn đáng sợ hơn cả đòn roi.
Nó từng có định bỏ đi để thoát khỏi cảnh này nhưng nghĩ đến mẹ và em, nó lại không đành lòng. Ý nghĩ mong cho ông chết sớm để kết thúc cái cảnh này thường xuất hiện nhưng có một tiếng nói khác cứ thôi thúc nó quên đi mong muốn ấy. Nó cầu xin Anh Hai giúp cha bỏ được rượu. Nó tin vào lời hứa của Anh Hai: “Ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho.”
Lên trường, nó vùi đầu vào bài vở để quên đi ánh mắt và tiếng nói quen thuộc của ông. Nó ao ước được nhìn thấy cha tỉnh táo. Bởi lúc đó, ông đem lại cho gia đình những hạnh phúc bình dị, giản đơn. Có lẽ, với nhiều người được ngồi ăn cơm chung đông đủ cả nhà và rộn lên tiếng cười trong trẻo là điều bình thường nhưng với nó đó là cả một ước mơ. Cái cảnh ấy với gia đình nó chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nó cảm nhận có một khoảng cách vô hình giữa cha và nó.
Người ta thường nói, rượu là thứ đồ uống thơm lừng mùi của men, của lúa, của tinh hoa ngũ cốc từ đồng ruộng nhưng với nó, rượu chính là kẻ thù phá hoại hạnh phúc gia đình. Một lần tình cờ phát hiện cha giấu chai rượu sau cái chum, nó lén lút mang chai rượu ấy ra sau vườn đổ bằng sạch. Nó ghét cái của nợ đã làm cha nó “hư hỏng”. Nhưng hôm ấy, ông vẫn đạp xe đi uống rượu.
Những lần say, ông lết về rồi ngã ngay bên bờ ruộng, nằm ngay trên đường. Mặt đường cũng là cái giường quen thuộc. “Tâm ơi! Ra đưa cha mày về kìa! Ông ngã ngoài đường ở Lò Vôi đó”. Nó thường nghe những tiếng gọi í ới ấy, có lúc kèm theo một tiếng cười khinh bỉ, có lúc là một ánh mắt thương hại. Nó rất xấu hổ và nhục nhã nhưng đành phải ra cõng ông về. Ông nằm khó nhọc trên lưng nó, vỗ vào vai nó và cười hề hà: “Con trai cha giỏi quá! Cõng được cả cha kia đấy.” Nó chỉ lặng im.
Lần ấy cõng cha về nhà, nó để ông nằm trên giường. Hà, em gái nó chạy vào nhà lấy áo quần ra để thay cho cha. Người ông toàn mùi hôi của nước tiểu, hơi nồng của rượu phả ra khiến nó chực trào thức ăn ra khỏi miệng. Nó chạy vội xuống nhà để lao đầu vào bài vở, chỉ có Hà ở lại dọn chiến trường. Tiếng cha lại ê a trên nhà. Ông đọc kinh này nối kinh kia, kinh Lạy Cha lại nối khúc đuôi của kinh Kính mừng. Thế rồi suốt buổi tối, ông nằm trên giường đọc kinh, rên rỉ: “Lạy Chúa! Chúa ơi!”
Nó không thể học bài tiếp được khi tiếng rên rỉ vẫn làm phiền. Ném cái bút lên tường, nó hét lên:
- Anh ghét cha!
- Anh nói gì lạ thế! - Hà rời mắt khỏi trang sách tròn mắt nhìn nó ngạc nhiên.
- Anh ghét ông ấy!
- Anh nhỏ nhỏ cái miệng thôi. Mẹ đang ốm!
- Em không nghe người ta gọi cha là ‘thằng say rượu’ sao? Ra đường, anh em mình có dám ngửng mặt lên đâu.
- Em biết, nhưng… anh ghét cha thì không được.
- Em nói gì! Em đang dạy khôn anh hả, dám lên lớp hả!
- Không phải! Anh có biết em cũng buồn và xấu hổ lắm không?- Hà cúi mặt xuống để che đi giọt nước mắt đang chực rơi.
- Anh chỉ ước ông biến thành không khí. Anh sẽ không còn trông thấy con người đáng ghét ấy.
- Anh à! Dù sao… cha vẫn là cha.
- Anh không cần!
- Không có không khí anh thở bằng cái gì?
Nó thật sự bối rối. Hà liền dịu giọng:
- Không có không khí làm sao anh sống được. Không có cha, làm sao anh có mặt trên đời. Em chỉ nói vậy thôi, anh cứ ngồi đó mà nghĩ.
- …
Nói rồi, Hà đi vào bếp để xem lại nồi thuốc bắc cho mẹ. Nó ngồi một cục, mặt đỏ bừng. Trên nhà, tiếng mẹ vẫn ho khục khặc làm nó thêm quặn đau. Tiếng cha vẫn rên rỉ. Nó nhìn ra cửa sổ, chỉ một khoảng không tối mịt đang bao trùm. Nó nghẹn ngào: “Không còn cách nào khác sao, Anh Hai?!”. Có một dòng nước mắt lấp lánh chảy xuống gò má.
Nó tự hỏi: “Tại sao cha lại ra nông nỗi này? Nếu cha tỉnh táo, đôi vai mẹ cũng không oằn xuống, gánh nặng gia đình cũng sẽ vơi bớt khi có cha đỡ đần cho mẹ. Thế nhưng, sự thật là gì chứ?”. Sự thật, nó là một phần máu thịt của cha. Chính ông đã cho nó sự sống đáng quý này. Ông cũng đã từng yêu thương nó rất nhiều. Chỉ có điều, ngay tại thời điểm này, tình thương ấy bị lớp bụi thời gian phủ mờ, bị nỗi oán hờn và ích kỷ của chính nó che khuất. Nó không biết rằng chính ông cũng đang quằn quại trong miền cô đơn.
***

Sáng thứ bảy, nó ở nhà. Cái Hà cùng mẹ đi cắt cỏ từ sáng. Tiếng ai đó gọi ở đầu đường:
- Tâm ơi, cha mày ngã xuống ruộng rồi kìa. Ra mà đưa ông ấy về! Tội nghiệp!
- Tội gì! Mày thích thì ra mà đưa!
Nó chỉ hậm hực trả lời và tiếp tục thái cây chuối cho trâu. Tiếng dao đều đều, vô tâm vô tình.
Huy vốn là bạn thân với nó, không thấy nó ra đành phải đưa ông về. Khó khăn lắm, Huy mới dìu ông về được tới nhà. Nó cứ giả làm ngơ, tiếp tục thái cây chuối. Nếu như không phải Huy gọi, nó cũng sẽ ra cõng ông về, sự xấu hổ đã kìm chân nó lại.
- Tâm, mi ra giếng tắm cho chú đi!
- Ai đưa về thì người đó tự đi mà tắm. Đây không rảnh!
Huy vừa mệt vừa tức nhưng thấy chú Sự đang bê bết những bùn thì không thể chịu được liền ra giếng kì cọ cho chú. Hai chú cháu cười hề hà. Bây giờ, chú Sự cũng đã tỉnh rượu phần nào. Một tay vừa dội nước một tay xoa tấm lưng cho chú, Huy ân cần: “Chú ơi, lần sau đừng uống nhiều nữa nhé!”
Nhìn thấy Huy tắm rửa cho cha mà nó cứ ngỡ đó là cha của Huy chứ không phải là cha mình. Nó lắc đầu ngao ngán, vừa bực mình vừa thấy xấu hổ. Tiếng thằng Huy lại í ới đằng giếng:
- Tâm, áo quần chú ở đâu?
- Tự vô nhà mà kiếm! Trong tủ đồ.
Huy tìm mãi mà vẫn không thấy đồ chú Sự đâu. Ở ngoài sân, nó vẫn lúi húi chuẩn bị thức ăn cho trâu. Chưa thấy Huy mang đồ ra, nó mới bỏ dở việc và đi vào nhà.
Thấy nó, Huy cau có:
- Mi lại mà tìm! Có thấy đồ của chú đâu.
- Kia kìa!- Vừa nói nó vừa chỉ vào cái kệ tủ phía dưới.
- Đó, đồ để trong đó. Để riêng ra mà.- Rồi nó bỏ ra sân.
Huy nhìn theo lắc đầu. Kéo ngăn tủ ra, Huy thấy những bộ đồ của chú để riêng, được xếp lại cẩn thận. Có lẽ, Hà đã xếp lại đây mà. Huy tự nhủ và lấy một bộ mang ra cho chú.
Nó đang dắt trâu đi tắm, thấy Huy chạy theo liền đi chậm lại.
- Cám ơn mi!
- Tau không nhận đâu.
- Tau… chán lắm rồi Huy ơi!
Cổ họng nó như có cái gì đó chẹn lại. Thấy nó ra chiều suy nghĩ, Huy cũng thông cảm.
- Tau nghĩ là chú cũng có cái khó riêng mi ạ.
- Tau chỉ mong cha tau bỏ rượu. Tau chán ghét cái cảnh này rồi. Say, suốt ngày say và cứ say. Ông ấy làm khổ mẹ con tau!
- Mi đừng buồn. Ít ra mi vẫn còn một người cha. Mi coi tau này, cha tau mất sớm, tau muốn nghe ông ấy chửi một câu hay quát mắng, đánh đập một lần mà...
- Tau nhường cho mi đó!
- Không phải... Ý tau là…
-…
Cả hai đều rơi vào sự im lặng. Hai con người, hai mong muốn khác nhau. Một người mong muốn có một người cha, khao khát được cha ở bên nhưng chẳng được. Người kia có cha nhưng người cha ấy lại chẳng phải là người cha đáng để tự hào. Ngược lại, sự hiện hữu của ông còn gây ra nhiều đau khổ và tủi nhục.
Huy về rồi mà nó cứ đứng kì cọ cho trâu mãi. Đó chỉ là thao tác quen thuộc, tâm trí nó đang nghĩ về lời thằng Huy nói: “Ít ra mày vẫn có một người cha.” Nó rất ghét cha uống rượu nhưng lại chẳng bao giờ để ý đến lý do khiến ông nghiện rượu. Nó trò chuyện cùng Anh Hai, nói đúng ơn là nó đang chất vấn Anh Hai và chất vấn chính mình: “Tại sao chứ? Tại sao Anh Hai ban cho em có cha nhưng lại để ông ra nông nỗi này? Em thà không có ông còn hơn. Em đã làm gì nên tội để phải sống trong cảnh này?”.
“Em đã làm gì nên tội?”. Phải, nó không có quyền lựa chọn cho mình một người cha. Những gì ông gây ra cho gia đình cũng chỉ bởi sự yếu đuối của riêng ông. Nhưng có lẽ chẳng bao giờ nó nghĩ, chính sự thờ ở và thái độ hắt hủi của nó đã tiếp tay cho tên ma men đang hiện hữu trong ông. Có bao lần, nó đi qua, giả vờ điếc trước lời gọi của cha. Mắt nó như bị mù, chẳng thèm nhìn cũng xem như không trông thấy người cha đang ngồi đấy cô đơn. Nó xem cha như không khí.
***

Đầu chiều, nắng nóng như muốn thiêu đốt tất cả. Nó và Huy đi lễ, mới đi được nửa chặng đường đã phải rẽ vào lề đường nghỉ mát. Những cây bạch đàn tỏa bóng râm. Gió rất hiếm và không khí thật oi bức. Cả hai chiếc áo đều ướt đẫm mồ hôi. Hai người nói đủ thứ chuyện: từ chuyện học, chuyện đá banh, chuyện con trâu… Huy chăm chú nhìn nó rồi hạ giọng:
- Tâm, tau nói này.
Thấy Huy hạ giọng, nó cũng nói như thì thầm sợ ai nghe thấy:
- Chuyện gì mà quan trọng thế?
- Mi có thương cha không?
- Tự nhiên … hỏi chi mà như con gái.
- Mi cứ trả lời đi!
- Tau chỉ ước cha tau được một góc của chú Thắng.
- Gì! Mi có thương cha không?
- Lãng xoẹt. Tau đi trước đây, sắp đến giờ lễ rồi.
- Ê! Mi trả lời đi chứ! Tâm! Tâm, đợi đã!
Nó rất bối rối, không biết mình có thương cha hay không nên phải đánh bài chuồn. Nó nghĩ đến chú Thắng. Chú ấy thật đạo đức. Nó chỉ mong cha hết uống rượu thôi.
Hai chiếc xe khuất dần. Gió vẫn biệt tăm. Không khí oi bức hơn. Chú Sơn chạy xe máy đuổi theo:
- Tâm, cháu xuống viện ngay! Cha cháu có chuyện rồi.
- Chú nói gì ạ? Cha cháu, cha cháu làm sao?
- Nhanh lên kẻo không kịp. – Huy hối thúc.
- Tau sợ quá Huy ơi. Có khi nào…
- Đừng nói bậy. Nhanh lên! Tau cùng mi xuống đó!
Hu…hu… Nó khóc như trẻ con ăn vạ. Những giọt nước mắt rơi xuống, lăn dài trên má. Nó từng mong cho ông chết nhưng bây giờ lòng lại đầy sợ hãi. Nó lấy hết hơi sức đạp xe xuống viện. Nó nói trong tiếng nấc: “Không… cha… cha sẽ không sao cả. Anh Hai! Cứu… cha em! Em không muốn mất cha đâu! Cha ơi! Con… con… không ghét cha. Anh Hai, hãy cho em một cơ hội!”
***

Cha nó bị mất máu nhiều cần tiếp máu gấp. Rất may, nó xuống kịp và đã tiếp máu cho ông. Ở hành lang bệnh viện, Huy cứ đi đi lại lại, trông sốt hết cả ruột. Hai tiếng đồng hồ trôi qua, vị bác sĩ có cặp kính dày bước ra từ phòng phầu thuật. Nó đón hỏi:
- Thưa bác sĩ, cha cháu …?
- Tạm thời đã qua cơn nguy kịch, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi.
- Vâng,… cám ơn bác sĩ!
- Tạ ơn Chúa! Cám ơn Anh Hai!
Nó khụy gối xuống, giọt nước mắt hạnh phúc trào ra. Huy đứng bên vỗ vào vai động viên.
- Bây giờ tau đã có câu trả lời cho mi rồi, Huy ạ.
- Không phải, là câu trả lời cho cha mi mới đúng.
- Không chỉ thế, tau sẽ yêu thương, quan tâm và ở bên chăm sóc cha.
- Phải vậy chứ!
Nó thì thầm: “Anh Hai! Em sẽ nắm lấy cơ hội này. Em không để tuột mất nữa đâu. Cám ơn Anh Hai nhiều lắm!”
Gió trêu đùa những tán lá đu đưa trước hành lang. Một ngọn gió mới cũng đang thổi trong tâm hồn của một người…
***

- Anh Tâm, ngày mai hai anh em mình đi tông đồ ở đâu?
- Đến bệnh viện tâm thần nhé!
Bây giờ, nó đã là một ứng sinh. Nó vẫn thường tâm sự với Anh Hai. Những lần đi tông đồ như thế đã cho nó nhiều cảm nghiệm và phần nào hiểu được những bệnh tật tâm hồn và thể xác của phận người. Nó thầm cám ơn Anh Hai đã cho nó nhận ra rằng khi một người ấp ngã rất cần đến sự giúp đỡ của người thân. Họ cần có một người hướng dẫn để có thể vượt qua khó khăn và cần có một người bạn đồng hành đáng tin cậy để không còn cô đơn. Nhưng thực tế có ít người nhận được sự hướng dẫn và được cảm thông. Nó thường suy niệm câu nói của Thánh Phêrô: "Anh em hãy hết tình yêu thương nhau, vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi", và câu trong sách Châm ngôn : "Ghen ghét sinh cãi vã, tình yêu khỏa lấp mọi lỗi lầm".
Nó dần hiểu ra rằng, Chúa không chỉ cho nó một cơ hội nhưng có nhiều cơ hội Chúa gửi đến. Điều quan trọng là nó cần mở lòng mình để nhận ra và nắm bắt cơ hội để yêu thương và tha thứ. Chính tình yêu thương của nó đã giúp cha có thêm nghị lực và bỏ được rượu.
Nó thầm nguyện trước khi lên đường: “Lạy Chúa! Xin cho con trở nên người tông đồ thánh thiện của Chúa. Amen.” Chiếc xe hòa vào dòng người hối hả để đến nơi đang cần sẻ chia… Đó là điểm hẹn Giêsu.

dvtung
26-06-2016, 09:43 AM
Mã số: 16-124

TÌM MỘT CON ĐƯỜNG Nắng đổ nhẹ. Như đang miên man suy nghĩ. Vừa hết con dốc, bỗng “Két! Két!” – “Rầm”. Như mất thăng bằng, cả người và xe đổ nhào xuống. Đầu óc Như tối sầm lại và sau đó Như hoàn toàn bất tỉnh. Một lúc sau, người đi đường đã vây kín xung quanh nhưng chưa ai vội làm gì.
- Hình như cô gái đó chết rồi.
- Người gây ra tai nạn đâu rồi?
- Trốn mất rồi!
- Gọi điện cho cảnh sát đi!
Tất cả đều bàn tán xôn xao nhưng chưa có động tĩnh gì. Bỗng một anh chàng chen từ đám đông tiến vào phía nạn nhân.
- Làm ơn! Ai đó gọi cấp cứu đi! Mau lên! Phải đưa đi cấp cứu gấp, nếu không sẽ không kịp.
- Cái gì? Bộ cậu định rước họa vào thân sao?- Anh bạn đi cùng phản đối.
- Chờ xe cứu thương tới thôi!

Chỉ 20 phút sau, Như đã được xe cứu thương chở đến bệnh viện. Cánh cửa mở ra, vị bác sĩ có cặp kính dày lên tiếng hỏi:
- Ai là người nhà của nạn nhân?
- Là tôi! À không…
- Thế anh có quan hệ gì với nạn nhân?
- Dạ, chỉ là tôi...
- Cô ấy bị mất máu nhiều, cần được chuyền máu gấp, nhóm máu O.
Không chần chừ, anh nói ngay:
- Tôi có thể cho máu. Tôi cũng nhóm máu O.
- Mời anh theo tôi.
- Vâng.
***

Ở nhà, Ông An có linh cảm không tốt:
- Bà pha cho tôi ly trà đá. Không hiểu sao ruột gan tôi cứ khó chịu.
- Ông bị đau ở đâu à?
- Không phải.
Bà Vân bê tách trà ra, ông chưa kịp uống thì điện thoại reo.
- Alô! Vâng, đúng vậy. Sao?... Ở đâu ạ?.... Vâng, tôi sẽ đến liền.
- Chuyện gì vậy ông nó?
- Con Như có chuyện rồi. Bà ở nhà, tôi phải đến bệnh viện ngay.
- Con Như làm sao? Sao lại ở bệnh viện?
- Nó bị tại nạn, nhưng bà đừng lo. Người ta nói nó đã qua cơn nguy kịch rồi. Có tin gì tôi sẽ gọi cho bà.
- Để tôi đi cùng ông. Nó có chuyện sao tôi ở nhà được!
- Bà cứ ở nhà. Lát nữa còn kịp giao hàng cho người ta, xong xuôi rồi hãy đến bệnh viện sau.
- Không được! Không được đâu!
Bà Vân vừa mếu máo cố thuyết phục chồng.
- Phải trọng chữ tín! Mình cứ giao hàng cho người ta xong xuôi, đóng cửa hàng rồi đến sau.
- Tín nghĩa gì khi con mình nó ra làm sao tôi còn chưa biết!
- Bà nghe tôi. Người ta bảo là nó đã qua cơn nguy kịch rồi.
Ông nhìn sâu vào mắt bà, nắm lấy hai vai bà vỗ nhẹ như để truyền thêm nghị lực.
- Cầu Chúa cho con nó bình an.
- Bà cứ yên tâm đi, có Chúa và Mẹ luôn giữ gìn nhà mình mà.
Nói rồi ông lái xe đi, không quên cầm thêm một số tiền lớn.
***

Tâm đang ngồi nghỉ ở hành lang thì có điện thoại.
- All ô! Vâng, em về liền. Tại có chút chuyện ạ. Anh thưa với cha đồng hành giúp em với. Lúc nãy em có gọi mà cha không bắt máy. Dạ cám ơn anh! Có gì rồi về nhà em sẽ thưa lại sau.
Đứng chở ở cổng khá lâu, tò mò quá Nam bèn đi vào xem tình hình. Thấy Tâm, Nam vồn vã:
- Này, con bé đó sao rồi Tâm?
- Ông cũng quan tâm người ta đó chứ.
- Chỉ là hơi tò mò thôi.
- Xin lỗi nha. Kéo ông vào vụ này.
- Áo lấm máu rồi kìa. Ái chà, cả áo tui cũng dính luôn. Không biết có duyên nợ gì không đây.
- Duyên nợ thì không biết nhưng cứu được người ta là may rồi.
- Thế là ổn rồi hả. Trông con bé cũng xinh. Mà thôi, tui phải về, còn có hẹn với con em nữa. Mà này, ông chưa về mà không sợ cộng đoàn đóng cổng sao?
- Chuyện đó khỏi lo. Mà sao giờ này người nhà chưa đến nhỉ?
- Đã gọi là người nhà rồi sao?- Nam cố tình chọc ghẹo anh bạn tu sinh của mình.
- Thôi đi, đùa hoài. Nếu cậu bận thì về trước đi. Tớ về sau. Phải đợi người nhà của cô bé tới đã.
- Nếu không có ai thì sao? Cậu sẽ ở lại chăm sóc cho người ta chứ?
- Có về không, cho cậu ở lại bây giờ.
- Hihi. Ở lại vui vẻ nhé. Bye bye!
Nam đi thụt lùi vừa cười như để chọc ghẹo. Tâm đưa tay vờ đấm bạn mình nhưng chỉ là đấm vào không khí rồi nhoẻn miệng cười: “Cái thằng!”
Tâm sực nhớ tối hôm nay sẽ phải nộp bài viết cuối tháng cho cha đồng hành, còn một phần chưa làm xong. Tâm định đi nộp đơn xét tốt nghiệp xong rồi về, ai dè gặp người ta bị nạn. Tâm không muốn nộp trễ nhưng người nhà của cô bé vẫn chưa đến. Tâm thật khó xử. Phải làm sao bây giờ? Tâm phải chọn lựa: hoặc là ở lại, hoặc là về cộng đoàn để làm bài cho kịp. Sau khi suy nghĩ đắn đo, Tâm quyết định sẽ về cộng đoàn hoàn thành bài vở. Tâm đã gọi cho người nhà của cô gái ấy và họ đang trên đường đến. Tâm ra cổng, bắt xe búyt về.
***

Học xong Đại học, cầm tấm bằng cử nhân Kinh tế loại giỏi trong tay, Như xin việc vào một công ty làm kế toán. Những khó khăn bước đầu của công việc không làm Như chùn bước. Như cố gắng chăm chỉ làm việc, trung thực bởi Như luôn ý thức mình là một Kitô hữu. Bố mẹ Như cũng rất vui vì công việc của con gái đã ổn định. Gia đình Như cũng thuộc loại khá giả trong vùng.
Trước khi tốt nghiệp, Như có tham gia một đợt linh thao dành cho sinh viên. Những chuyển biến trong tâm hồn của Như dường như cũng khác lạ hơn. Như tìm hiểu một số dòng tu. Như cũng chưa xác định rõ có đi tu hay không. Ước muốn đi tu như một mầm sống đang nằm im trong đất. Tháng ngày cứ thế trôi qua, ý định đi tu cũng bị lớp bụi thời gian phủ lên, che khuất.
Tai nạn là một dịp để Như tìm lại ước muốn ngày nào. Sau sáu tháng điều trị, Như đã dần bình phục. Tuy nhiên, công việc của Như đã có người khác thay thế. Như có nhiều thời gian để đọc mấy cuốn sách mà đợt linh thao Như được tặng. Mảnh đất tâm hồn lại có dịp được đào xới. Đặc biệt, qua biến cố bị tai nạn, đối mặt giữa ranh giới của sự sống và cái chết, Như nhận ra được một điều: cuộc đời quả là phù vân. Nếu chỉ chạy theo những danh vọng, tìm kiếm tiền tài và lạc thú là những cái chóng qua, Như sẽ chẳng được gì, ra đi vẫn chỉ là hai bàn tay trắng. Một người như ông đại gia kia, tai nạn đến, ông chết và người ta đem chôn. Có hơn chăng, ông được người thân tổ chức cho một đám ma thật hoành tráng. Một chiếc quan tài hạng xịn, hơn hẳn chiếc quan tài bằng gỗ đơn sơ của một người nông dân xấu số kia. Như muốn tìm kiếm sự sống và hạnh phúc nước trời.
Như thường đọc một đoạn Tin mừng: ‘Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi.’ Ông Tôma nói với Đức Giêsu: ‘Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?’ Đức Giê-su đáp: ‘Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.’”
Đó là đoạn Lời Chúa trong Gioan, chương 14, câu 1 đến 6. Đọc đi đọc lại mấy lần, Như cứ dừng lại ở câu “Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó”. Như nhớ cách cầu nguyện Lectio Divina. Như nhớ lại cách thức thực hành, và Như cầu nguyện. Như xin ơn Chúa soi sáng để biết điều Chúa muốn nơi mình là gì.
Tiếng cửa mở, bà Vân bước vào, trên tay cầm một đĩa hoa quả.
- Con đang làm gì đó?
- Dạ, không có gì mẹ à. Con tìm thấy rồi!
- Thấy gì cơ?
- À không.
Vừa nói, Như vừa gấp cuốn Tin Mừng lại, đứng dậy cất vào giá sách.
- Mẹ mua hoa quả tươi quá. Con sẽ ăn hết.
- Thôi đi cô nương, ăn hết có mà nổ bụng mất thôi.
- Không đâu mẹ à. Từ ngày dưỡng bệnh, con gái mẹ ăn nhiều lên đó, lại còn xinh hơn nè! - Vừa nói, Như vừa xoay người cho mẹ ngắm.
- Mà lúc nãy, con nói con tìm thấy rồi là tìm thấy gì vậy?
- À… Hihi.
- Con xin được việc rồi hả?
- Dạ,… đâu có mẹ. À, vị ân nhân…
- Người tiếp máu cho con không để lại địa chỉ. Mẹ chỉ biết anh ta tên là Đỗ Thành Tâm, sinh viên trường Nhân văn thôi.
- Mình tới trường tìm.
- Khó tìm lắm! Mình lại không biết mặt cậu ấy. Cầu nguyện cho cậu ấy thôi con ạ. Biết đâu sau này lại có dịp gặp lại.
- Hy vọng là thế.
Như có vẻ tiếc nuối như vừa đánh mất điều gì đó. Dù sao, Như vẫn biết được họ tên của người ta rồi. Trái đất tròn mà.
***

Hôm nay, Như cùng ba đi lễ khấn của anh Hoàng con bác Nam. Từ sáng, Như đã rất nóng ruột. Như vẫn ao ước được đi tu nhưng chưa dám nói với ba mẹ. Như là con gái một nên để xin đi tu là điều rất khó. Như sợ ba mẹ sẽ phản đối. Đang đứng giữa ngã ba đường thì Như lại có dịp được đi dự lễ khấn của người anh họ, Như vui như mở cờ trong bụng. Khi tên Giuse Đỗ Thành Tâm vang lên trong danh sách các khấn sinh, Như và ba nhìn nhau kinh ngạc. Không lẽ lại có sự trùng hợp như vậy. Như cầm bó hoa đến tặng người anh họ thì Tâm cũng ở đó. Tâm nhận ra Như và bắt chuyện trước. Sau cuộc gặp gỡ đầy tình cờ ấy, cả hai vẫn giữ liên lạc với nhau. Nhờ Tâm, Như cũng nhận được sự hướng dẫn của một cha linh hướng.
Những ánh nến, những lời ca trong thánh lễ dường như vẫn còn vang lên trong tâm hồn Như. Như tự nhủ: “Phải rồi, mình sẽ đi tu. Mình muốn được dâng mình cho Chúa. Chẳng phải chính Thiên Chúa đã cứu mình khỏi tử thần sao.” Chính Ngài đã cho Như cơ hội để gặp gỡ Ngài giữa nghịch cảnh của cuộc đời. Tâm cũng đã cho Như dòng máu này để sự sống nơi Như vươn lên mạnh mẽ. Niềm vui và sự thánh thiện nơi con người Tâm đã thu hút Như. Đúng hơn, chính Thiên Chúa đã quyến rũ Như. Như cảm nhận được lòng nhân từ và thương xót của Thiên Chúa dành cho mình. Như muốn hiến thân cho Nước Trời.
***

Bữa cơm trưa hôm nay, bà Vân chuẩn bị thật nhiều đồ ăn. Món nào cũng thật hấp dẫn. Từ sáng, Như cùng mẹ đi chợ mua đồ. Bữa cơm này có nhiều ý nghĩa: thay lời cám ơn của Như và ba mẹ đến thầy Tâm, vị ân nhân quý báu; là lời cám ơn của Như dành cho ba mẹ và nói cho cha mẹ biết quyết định đi tu của mình. Nhưng hai lý do sau phải để đến lúc Như nói, hai ông bà mới biết.
Dưới bếp, hai mẹ con vui vẻ:
- Con gái mẹ có thể lấy chồng được rồi.
- Mẹ ơi, con sẽ không lấy chồng đâu.
- Bậy nào, con gái lớn phải đi lấy chồng chứ.
- Hihi…
- Con chuẩn bị chén bát đi, thầy Tâm sắp đến rồi.
- Dạ.
Không hiểu sao sắp đến giờ cơm, Như càng bồn chồn hơn. Như sẽ bắt đầu từ đâu? Cha mẹ sẽ phản ứng như thế nào? Bao nhiêu câu hỏi bủa vây lấy Như. “Sao nói chuyện đi tu cho cha mẹ mà còn khó hơn cả hái sao trên trời vậy nè?!” Như tự hỏi.
Ngoài ngõ có tiếng xe máy chạy vào.
- Cháu chào hai bác!
- Chào Thầy! Quý hóa quá, Thầy vào nhà chơi. Hôm nay, bác làm nhiều món ngon, con bé Như cũng trổ tài đó.
- Ba người đang nói xấu gì con đó.
Từ trong nhà bếp đi ra, Như cười hỏi. Thấy Tâm, Như cúi đầu chào.
- Chào Như nhé!
- Dạ, con chào thầy!
Bà Vân và ông An đã vào bàn khách rót nước. Như đi sau lưng Tâm.
- Vào nghỉ uống nước nha thầy. Con xuống bếp với mẹ.
- Ừ!
Dưới bếp, Như cố ý thăm dò thái độ của mẹ.
- Mẹ ơi, mẹ có thích người đi tu không?
- Thích chứ! Đi tu sẽ có vẻ đẹp của Chúa Giêsu.
- Con cũng thấy vậy. Mẹ thích con đi tu không mẹ?

- Kìa mẹ!
- Lên mời cha và thầy xuống dùng cơm đi.
- Dạ.
Như thấy sự bối rối của mẹ. Trước khi nói cho mẹ quyết định đi tu, suốt mấy đêm Như đã khóc rất nhiều. Như thương ba mẹ nhưng vẫn quyết bước theo đường đã chọn. Bữa cơm kết thúc, Tâm phải về sớm vì có việc đột xuất. Tiễn Tâm về xong, Như vào nhà rót nước mời ba mẹ.
- Cha mẹ ơi, con… con có điều muốn nói.
- Sao vậy con? Có điều gì quan trọng à.
Như đợi ba mẹ ngồi xuống ghế và uống xong ngụm trà mới nói:
- Dạ là điều rất quan trọng.
Bà Vân như đoán ra được điều bà đang lo ngại.
- Ba mẹ! Con …con… con muốn đi tu ba mẹ ạ.
Như nói rõ hai từ “đi tu’ như sợ ba mẹ không nghe thấy.
- Cái gì? Đi tu!- ông An đặt mạnh ly nước xuống bàn.- Không được! Mày không tu được đâu con!
- Con đã quyết định rồi, ba mẹ à.
- Mày không thương ba mẹ hả con. - Bà Vân nói trong nghẹn ngào.
- Vì thương nên con mới đi tu, ba mẹ ạ. Chẳng phải mẹ cũng đã nói là rất thích người đi tu sao?
- Nhưng mẹ chỉ có mỗi mày là con gái.
- Mẹ à, sau này em Thế lấy vợ, mẹ sẽ có con gái mà.
- Đó là con nhà người ta chứ có phải con mẹ đẻ ra đâu.
- Mẹ à, con quyết định rồi. Con đã liên hệ với nhà Dòng, sáng mai con sẽ lên đường.
- Mày không nghe ba mẹ, có khổ thì tự chịu lấy. – Nói rồi, ông An đi thẳng lên lầu.
- Con cái lớn rồi, đủ lông đủ cánh để bay rồi!
Biết mẹ đang giận nhưng Như vẫn kiên định. Không khí như chùng xuống. Như đã chuẩn bị tinh thần trước nhưng không ngờ lại căng thẳng đến vậy. Suốt đêm hôm đó, Như nằm cạnh mẹ và nghe tiếng nấc nghẹn ngào của mẹ. Như ôm mẹ thật chặt để thay tiếng nói yêu thương. Sáng hôm sau, Như đã chuẩn bị đồ để đi vào nhà Dòng. Như xách chiếc vali ra cửa, Bà Vân đi theo sau cố nài nỉ:
- Con thương mẹ thì ở nhà với mẹ. Con đi rồi, mẹ biết làm sao! Con là con gái của mẹ.
- Con đi thật sao?
- Ba mẹ, con đi đây.
Như không để rơi một giọt nước mắt nào. Bởi trước đó mấy hôm, Như đã khóc rồi. Nếu không tỏ ra mạnh mẽ, chắc Như không thể bước tiếp. Phía trước là một con đường, Như đã chọn con đường dâng hiến. Như dâng lên Chúa ba mẹ và em trai cùng những lo lắng của mình và xin Ngài đồng hành cùng mình trên chặng đường mới.
Khi tìm thấy một con đường đến hạnh phúc thật, người lữ hành sẽ bước đi vì một mục tiêu duy nhất là đạt được hạnh phúc Nước Trời. Trên đường đi sẽ có nhiều lý do khiến người lữ hành bỏ cuộc nhưng mục tiêu để bước tiếp thì chỉ có một. Hãy bám vào Chúa, bạn sẽ tới đích.

dvtung
26-06-2016, 09:43 AM
Mã số: 16-125

NGƯỜI LO HƯƠNG HỎA Chiều về. Một chiều êm ả nơi xóm đạo thanh bình. Vài cánh chim lạc đàn vất vả chao đảo giữa bầu trời lồng lộng gió mùa. Nắng vàng vọt yếu ớt cố gắng len lỏi qua khung cửa sổ giáo đường. Có tia nắng đậu hờ trên đôi vai đang nhấp nhô theo nhịp thở của Thanh. Thường, mỗi lần được ngồi trước ngôi nhà tạm thân thương này, Thanh sẽ thấy lòng mình bình yên đến dịu dàng. Nhưng hôm nay cái cảm giác ngọt ngào ấy đã bị những cơn sóng lòng ồ ạt che lấp. Cơn sóng ấy tràn khắp làn da thớ thịt, tràn đến tận khóe mắt đầy ưu tư rồi chảy ra thành hai dòng nước mặn chát.
- Lạy Chúa, con biết phải làm sao bây giờ? Con đã không còn đủ sức mạnh và niềm tin để vượt qua khó khăn này rồi. Xin Ngài hãy giúp con, xin chỉ cho con đâu là ý Chúa.
Từ miền đất võ, nắng mang hơi sầu trong giọt nước mắt của Thanh bay lên cao và theo gió đi thật xa, thật xa, vào tận nơi Sài Thành đô hội. Nó dừng lại, chạm khẽ vào bàn tay đang chắp hờ của Thiện như muốn nhắn gửi gì.
Ngôi nhà thờ này với Thiện không quen thuộc như giáo đường ấm áp của Thanh. Thiện chỉ biết đến nơi này từ khi quen Thanh. Thỉnh thoảng Thanh đưa Thiện đến đây, dạy anh làm Dấu Thánh Giá, đọc kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng, dạy anh cầu nguyện. Và họ đang cố gắng xây đắp một tương lai rộng dài phía trước. Nơi đó trong tưởng tượng của Thiện sẽ có Thanh, có Thiện, có những đứa trẻ khúc khích nói cười cùng dắt tay nhau tiến vào Thánh đường. Thiện ngẩng đầu nhìn Thánh giá Chúa. Mảng màu tươi sáng ấy vụt biến mất. Đó chỉ là giấc mơ.
Thiện không rõ người đàn ông bị treo trên cây gỗ ấy là ai. Nhưng theo như Thanh nói, Đấng ấy đã chết để cứu Thiện, cứu Thanh, cứu tất cả thế gian, kể cả những người không hề biết Ngài. Thiện cũng tin như thế. Thiện cất tiếng, tiếng nói thật chân thành:
- Lạy Ngài, con biết Ngài rất yêu thương Thanh, Ngài cũng rất thương con. Xin cho con sức mạnh và niềm tin để vượt qua khó khăn này.
Thiện vẫn ngồi đấy thật lâu, đến khi nắng tắt, nhưng hi vọng trong Thiện không hề theo nắng mà đi. Thiện tin, mọi chuyện rồi sẽ thay đổi. Vì Thanh từng nói: “Cầu xin điều gì cũng cần tin tưởng và kiên trì đến cùng.”
- Chào mẹ, con mới về. Hôm nay con đưa Thanh về thăm mẹ.
- Cháu chào bác ạ!
- Ừ! Thanh đến chơi hả con. Ngày nào bác cũng nghe Thiện nó nhắc con đấy!
- Mẹ! Mẹ có nói quá không vậy?
- Không phải chối nữa đâu cậu à!.... Mà thôi, giờ con chạy đi đón bé Na về đây đã. Chị Thư con vừa gọi cho mẹ nói hôm nay về trễ đấy.
- Con đã dặn hôm nay về ăn cơm gia đình rồi mà còn...-Thiện vùng vằng.
- Thế con có đi dùm mẹ được không? Đón muộn con bé lại khóc ri rỉ cả buổi nữa bây giờ. Thanh nó ở đây chứ có đi đâu mà lo.
- Dạ, con đi liền nè!
- Ở nhà chuẩn bị cơm với mẹ, anh đi sẽ về ngay.-Thiện đi rồi còn cố ngoái đầu lại dặn dò.
Thanh trả lời bằng một nụ cười rạng rỡ như mặt trời tỏa nắng từ trong trái tim, nụ cười mãn nguyện vì biết mình đã tìm được bến đỗ vững chãi cho cuộc đời.
- Thanh, con ngồi đây, bác có chuyện muốn nói với con.
- Dạ - Thanh thấy khuôn mặt hiền từ lúc nảy của mẹ Thiện hình như đã biến đâu mất, để lại nét nghiêm nghị khó hiểu.
- Con là người Công giáo?
- Dạ, đúng ạ. Nhưng có chuyện gì vậy bác?
- Thanh à! Bác thật sự rất quý con. Con đẹp người, đẹp nết, lại có công ăn việc làm hẳn hoi. Gia đình bác cũng đã tính đến chuyện cưới xin. Nhưng...con cũng biết, bác trai mất sớm, bác chỉ còn lại hai đứa con làm nguồn an ủi lúc tuổi già, chị hai thằng Thiện đã lấy chồng theo đạo. Thôi thì nó phận gái lấy chồng phải theo chồng. Bây giờ, còn mỗi mình Thiện. Nó mà theo đạo nốt thì sau này hương hỏa gia đình ai lo hả con? - Bà dừng lại thở ra, tiếng thở nghe dài thườn thượt.
- Bác cũng có nghe người ta nói hai đứa có thể được phép chuẩn đạo ai nấy giữ, nhưng thằng Thiện nhà này nó không đồng ý thế.
- Con... nghĩ là...- Thanh còn chưa kịp giải thích đã bị ngắt ngang.
- Thật ra thì bác phải dạy con bác mới phải. Nhưng khổ nỗi nó được nuông chiều từ nhỏ, thích làm gì là làm. Bác nói mà nó có nghe cho đâu. Thôi, coi như con làm phúc cho gia đình bác, nha con!
- Thưa bác, con...
- Con cứ từ từ suy nghĩ. Bác biết chắc chắn con sẽ tìm được người khác tốt hơn, vả lại, hai đứa cũng chưa có gì ràng buộc cả.
***

- Mẹ! Con lớn rồi, mẹ để con tự quyết định chuyện của mình được không?
- Sao mẹ nói mãi mà con vẫn không chịu nghe vậy? Còn Thanh nữa, chẳng phải bác đã nói với con rồi sao.
- Mẹ đừng trách Thanh, là do con thôi. Con đã nói rồi, theo đạo gì đi nữa thì con vẫn là con của mẹ, vẫn lo được cho mẹ, vẫn có thể lo hương hỏa cho ba mẹ về sau. Mà... nếu không lấy Thanh, con cũng sẽ theo đạo.
- Được. Nếu con quyết định theo đạo thì mẹ sẽ vào viện dưỡng lão ở. Con với chẳng cái, chỉ vì đứa con gái mà đến mẹ cũng muốn bỏ luôn- Bà tức tối đứng dậy bỏ vào trong, không quên để lại cho Thanh cái nhìn đầy căm phẫn.
Thanh giật mình tỉnh giấc. Từ khi về quê, những mẫu thoại đầy căng thẳng này vẫn cứ lẩn quẩn trong đầu làm Thanh không sao ngủ yên. Cô vén màn với tay lấy chiếc điện thoại trên bàn, lục tìm những tin nhắn đã đọc đi đọc lại dễ đến hơn trăm lần rồi.- “Đợt nghỉ phép này em muốn về quê nghỉ ngơi cho yên tĩnh đầu óc.”- “Ừ, em về bình an, hãy cầu nguyện để chúng ta thuyết phục được mẹ.”-“Hôm nay anh đã đến nhà thờ để cầu nguyện cho mẹ, cho gia đình, và cho em nữa. Chúng ta cùng cố gắng nhé!”
Thanh đã không trả lời tin nhắn ấy. Vì tự thấy xấu hổ trước niềm tin đơn sơ mà chân thành của Thiện.
- Phải chăng mình muốn bỏ cuộc?
- Không! Không được! Mình phải kiên trì cầu nguyện, cố gắng đến cùng, không phải chỉ vì hạnh phúc lứa đôi, mà còn cả trách nhiệm với Thiện, trách nhiệm của một người Kitô hữu. Nhờ mình, Thiện đã biết đến Chúa, tin Chúa, và tự nguyện theo Chúa, thì không thể để đức tin hãy còn non yếu của Thiện bị lấy mất vì sự nhu nhược của mình. Hơn nữa, mẹ của Thiện không phải là người quá hà khắc, chỉ là bà ấy chưa hiểu rõ về việc thờ kính ông bà tổ tiên của người Công giáo. Chỉ cần hiểu ra, nhất định bà sẽ đổi ý.
Thanh luôn tự động viên bản thân như vậy. Còn Thiện thấy mình hình như càng gắn bó với Chúa hơn. Cứ buổi chiều đi làm về, Thiện ghé qua nhà thờ tham dự Thánh lễ, rồi ngồi cầu nguyện. Mỗi lần như thế, anh lại thấy tràn trề hy vọng vào tương lai.
- Sao con về muộn vậy? Con không nhớ hôm nay là ngày gì à?
- Con nhớ mà, tại chị Hai nhờ con ghé qua nhà thờ xin Lễ cho ba.
- Đúng đó mẹ! Con phải ghé chợ mua ít đồ, Thiện nó tiện đường hơn nên con nhờ nó luôn.
- Lại vào nhà thờ!
- Sao mẹ nói lạ vậy? Con gái mẹ ngày nào chẳng đến nhà thờ. Con đã giải thích với mẹ nhiều lần rồi mà mẹ chẳng chịu hiểu gì, cứ ngăn cấm hai đứa nhỏ. Con theo đạo rồi vẫn là con của ba mẹ, vẫn làm giỗ ba đàng hoàng đây này.
- Mẹ không biết. Nhưng mà con khác, thằng Thiện khác, nhà này chỉ còn mỗi mình nó.
- Mẹ à! Thế bên chồng con thì có mấy người? Mẹ còn có hai đứa, nhà chồng con chỉ có một đấy thì sao? Con có thấy ba mẹ bên đấy lo lắng gì không có người nhang khói đâu!
- Ừ thì...nhà mình khác, nhà họ khác.
- Mẹ bắt đầu thấy mọi chuyện hợp lý rồi phải không? Hai chị em thấy mẹ đuối lý mà mừng như mở cờ trong bụng.
- Thôi, anh hai chuẩn bị xong rồi kìa, mình vào thắp nhang cho ba đi mẹ-Thiện vui vẻ giục.
- Ừ, vào trong thôi.
Thiện nháy mắt với chị một cái thay lời cảm ơn. Được cái anh chàng rất biết “tranh thủ” sự giúp đỡ của “đồng minh”. Nhờ cố gắng của hai chị em, mẹ Thiện cũng đã dần dịu lại, nhưng để thay đổi hoàn toàn quyết định của bà thì chắc phải trông chờ vào lời cầu nguyện chân thành của cậu quý tử.
Cắm xong nén nhang, mẹ Thiện đứng lùi ra đằng sau cho các con bước lên. Ba người cúi đầu trước bàn thờ người cha quá cố thật cung kính. Trở về chổ của mình, anh rể quay lại nói nhỏ:
- Xin phép mẹ, cho chúng con đọc kinh cho ba.
- Hả? Kinh gì? À, thôi, con muốn làm gì thì làm.
Mẹ Thiện thật ra không phải người mê tín. Năm nào bà cũng chỉ làm một mâm cơm, mua ít trái cây đặt lên bàn thờ, rồi mấy mẹ con quây quần ăn bữa cơm. Nghe con rể xin đọc kinh, bà cũng lấy làm khó chịu, nhưng nể tình câụ rể tốt tính lại hiếu thảo, bà đành cho qua.
Cứ như bình thường thì đây là dịp hiếm hoi cả nhà được đông đủ nên mẹ Thiện sẽ vui lắm. Nhưng hôm nay khuôn mặt phúc hậu của bà in đầy nét suy tư. Đang ăn, bà đặt đũa xuống hỏi:
- Vợ chồng Thư này! Lúc nảy mẹ thấy hai đứa thắp nhang cho ba con đấy. Con được làm như vậy hả? Còn nếu mẹ mất thì sao?
Cả hai nhìn nhau cười. Anh rể từ tốn giải thích:
- Dạ, thưa mẹ. Kính nhớ tổ tiên là tập tục của dân mình. Công giáo không hề bác bỏ. Hiếu thảo với ông bà cha mẹ lúc còn sống cũng như khi đã qua đời lại càng là điều phải làm của người Công giáo. Mẹ không biết đấy thôi, trong mười giới răn quan trọng nhất của đạo Công giáo thì cũng có giới răn dạy chúng con phải thảo kính với ba mẹ. Nếu người ta có mùa Vu lan báo hiếu thì Công giáo cũng có cả tháng Mười Một để cầu nguyện cho những người đã khuất. Ngày giỗ mẹ làm cơm, chưng trái cây để nhớ đến ba thì vợ chồng con cũng đến nhà thờ xin Linh mục dâng Lễ cầu nguyện cho ba. Rồi bất cứ khi nào đến nhà thờ, gia đình con cũng cầu nguyện cho ba cả. Tất nhiên sau này chúng con cũng sẽ làm thế với mẹ.
Thư cũng hăng hái tiếp lời:
- Thậm chí bất hiếu với ba mẹ còn là tội nặng nữa ấy chứ. Mà mẹ à! Khi con xin linh mục dâng Lễ cho ba, còn có tất cả mọi người dự Lễ hôm đó cầu nguyện cho ba nữa. Thế mẹ thấy chỉ có gia đình mình nhớ đến ba thôi hay thật nhiều người sẽ tốt hơn? Một mình con xin mẹ cái gì làm sao bằng cả nhà cùng xin đúng không mẹ?
- Anh chị nói hay quá! Đấy, mẹ hiểu chưa? Con đã nói rồi mà.
- Anh có nói rõ ràng như vậy cho tôi biết đường đâu. Chỉ toàn nói mỗi một câu: “Con sẽ theo đạo”, mẹ nào có thể chấp nhận được?
- Thì anh chị đã giải thích rõ ràng cho mẹ rồi đấy. Vậy mẹ đồng ý nhá!
Gắp thức ăn cho các con mà bà có vẻ trầm ngâm đắn đo:
- Chưa đâu, để mẹ suy nghĩ đã.
Thiện xịu mặt xuống làm ra vẻ đáng thương. Chị Thư vui vẻ nói:
- Chưa gì đã xị mặt ra. Em ở với mẹ từ bé mà còn không hiểu à! Đãi anh chị một bữa thật sang đi nhé!
***

- Hôm nay trễ rồi, không mời anh đi đâu được. Anh uống tạm ly cà phê nhé!
- Không sao, chị em nói đùa thế thôi chứ giờ này con đi đâu.
Thiện uống một hơi hết nửa ly cà phê, hà một cài sảng khoái:
- Đúng là diệu kế anh ạ! Em cảm ơn anh hai nhiều!
- Có gì đâu, cũng là chuyện anh chị nên làm. Nhưng để thay đổi quan điểm của một người không phải dễ, từ bây giờ em phải sống sao cho mẹ thấy điều anh chị nói là đúng đấy!
- Thật ra mẹ phản ứng như vậy cũng phải, nhưng cứ khăng khăng không để ai giải thích thì em cũng chẳng biết làm thế nào!
- Thế mới thấy, nếu ngay từ đầu anh chị anh chị biết thể hiện những sinh hoạt của người Công giáo ngay trong gia đình mình, chịu để tâm giải thích thắc mắc của mẹ thì đâu đến nỗi rắc rối như bây giờ. Đấy, truyền giáo chẳng cần bôn ba ở đâu xa. Thể hiện đức tin của mình với những người xung quanh đã là tốt lắm rồi.
- Cũng như Thanh vậy, chính nhờ Thanh mà em biết đến Chúa.
- Em thì bây giờ cái gì cũng chỉ cái Thanh thôi. Mà anh chị về đây, muộn rồi. Chúc em sớm thành người Công giáo.
Đêm đã về khuya. Sài Gòn không ngủ. Thiện cũng còn thức. Anh mở cánh cửa ban công vẫn khép chặt nhiều ngày nay, nhẹ nhàng bước ra ngoài. Trên cao những ngôi sao thay nhau nhấp nháy tựa như có bầy đom đóm mắc vào tấm lưới khổng lồ giăng ngang nên trời. Trải cái nhìn xuống phố phường dưới kia, Thiện dừng lại ở cây Thánh giá trân đỉnh tháp chuông của một nhà thờ. Nó nhỏ nhắn và phát ra thứ ánh sáng xanh xanh dịu dàng mà vẫn nổi bật đến kiêu hãnh giữa những dãy nhà cao thấp nhấp nhô và hàng vạn màu sắc sôi nổi của phố thị. Thiện cầm ngay điện thoại ghi lại hình ảnh đặc biệt này. Anh gửi bức ảnh ấy cho Thanh kèm theo lời nhắn: “Em về quê nhiều thế đã hết buồn chưa nhỉ? Mình vẫn sẽ tổ chức lễ cưới ở nhà thờ nơi chúng ta gặp nhau lần đầu chứ?”
Đêm ấy, trong giấc mơ của mình, Thiện lại thấy có Thiện, có Thanh, có những đứa trẻ khúc khích nói cười cùng dắt tay nhau bước vào thánh đường.
***

Hôm nay, bầu trời không một gợn mây. Vài tia nắng sớm tung tăng nhảy nhót trên ô kính cửa sổ. Tiếng trẻ con cười đùa xen lẫn tiếng mấy chú chích chòe đang thi nhau hót làm không khí thêm rộn ràng. Cả đại gia đình trang trọng trong màu áo trắng chuẩn bị bước vào nhà thờ.
- Bo ơi! Nhanh lên con, chị Na đang chờ kìa!
- Nhưng mà con muốn chờ bà nội! Hôm nay bà nội cũng đi thăm Chúa với mình hả mẹ?
Thanh đến ôm thiên thần nhỏ của mình vào lòng, nhẹ nhàng giải thích:
- Hôm nay bà nội đến nhà thờ để rửa tội, để trở thành người Công giáo. Nghĩa là sau này, ngày nào bà nội cũng sẽ đi nhà thờ với con và chị Na đấy!
- Hay quá! Hai chị em con sẽ dìu nội đi. Như vậy, nội sẽ không bị mỏi chân nữa đúng không ạ?
- Ừ! Không mỏi nữa. Chỉ được cái giống cha nó y hệt, nịnh nội không ai bằng!
Và từ đây, có một gia đình Công giáo đang lớn lên giữa lòng Giáo Hội. Tin rằng, sẽ còn nhiều những gia đình như thế...

dvtung
26-06-2016, 09:43 AM
Mã số: 16-127
CUNG ĐÀN OÁN - Đất Ontario này làm người thật ngột ngạt.
Cúi gầm mặt, giấu từng làn hơi thở vào áo khoác kéo ngang mũi, cơ thể nó vẫn còn chưa hồi phục sau chặng bay dài, và cũng chưa kịp thích ứng với khí lạnh như cắt vào da thịt ở đây, nên chẳng buồn há miệng hỏi xem cái gì làm cậu “ngột ngạt”. Ném balo ra hàng ghế sau, nó xị mặt ra, từ suốt cả 15 phút đi bộ, cậu chẳng thèm hỏi nó thêm một câu nào, mặt thì chẳng lấy một biểu cảm, chỉ có hai hàng lông mày như đang đấu với nhau là tố cáo sự giận dữ của cậu. Nó lầm bầm: “Đã bảo đừng đón, ai bảo đón đâu mà giờ lại nhăn nhó thế chứ”. Nó bực dọc miễn cưỡng rút tay từ túi áo ra để đẩy gọng kính lên, vô tình nhận ra chính mình lại giở thói quen chu miệng, thói xấu thật khó bỏ, chỉ cần khó chịu một tí nó lại thế.
- Bé con, cháu khó chịu trong người à? Hay là thay đổi thời tiết nhanh quá chẳng kịp thích nghi. Sao cháu lại chu chu miệng thế kia, có biết như thế xấu lắm không hả?
- Cậu, không được gọi cháu là bé con, cháu đã hai mươi tuổi rồi và cháu đã trưởng thành.
Cậu quơ quơ bàn tay cứng nhắc vào không trung:
- Ha ha, cháu 20, chứ cháu có 40 đi nữa vẫn chỉ là bé con mà thôi!
Giờ không gọi là chu nữa, môi trên nó vểnh hẳn lên, nó bật ngồi thẳng người, trợn mắt đến hết cỡ nhìn cậu, cái bộ mặt giận dữ đó như tuyên bố hùng hồn “nó không phải là bé con”, nhưng cậu nó nhìn nó cười như nắc nẻ, rồi thấy mặt nó chuyển từ đỏ sang tái, cậu thôi không nhìn nó nữa, nhưng lại nhìn gương rồi cười. Chợt nó gắt lên: “Cậu trêu con, lát về con sẽ gọi méc mẹ, cậu lại đập đàn.”
Một giây hay chỉ một phần ba giây… tiếng cười ngưng bặt…
Cậu không đáp lại, cũng không nhìn nó, nó biết nó không phải chỉ vừa ném một viên đá cuội vào mặt hồ yên ả mà là thả nguyên tảng đá xuống để dậy sóng cả hồ kia. Nó rụt mặt vào cổ áo khoác, tự vấn “chỉ tại cậu trêu quá, ai bảo cậu trêu làm gì?”. Dừng xe trước nhà, cậu hành lí xuống bên đường, rồi lên xe đi thằng, chẳng nói một lời, nó đứng đó nhìn trân, đến khi định thần lại lắp bắp “ cậu… cậu…”, thì bóng chiếc xe cũng mất hút luôn. Lần thứ hai nó nói hai chữ “đập đàn” và tác dụng ngoài cả sức tưởng tượng của nó.
Sau giờ ăn tối nó hí hửng mang quà Việt Nam chia cho các bạn trong homestay, cười đùa một hồi nó mệt lử đi. Lê từng bước vào phòng, nó thả mình rơi tự nó xuống giường, thở dài thườn thượt.
- Bạn lại nhớ nhà à?- Tầng giường trên, Phong Linh cất tiếng hỏi.
- Cậu mình hôm nay rất lạ. Cậu dường như là một người khác ngay khi mình nhắc đến hai chữ “đập đàn.- Câu trả lời của nó dường như chẳng ăn nhập gì với câu hỏi của Phong Linh.
Nó kể cho Phong Linh về câu chuyện xảy ra ở sân bay, rồi chuyện lời dặn có vẻ khó hiểu của mẹ trước lúc nó đi: “ Cuối tuần nếu rảnh muốn đến nhà cậu chơi thì hãy gọi cậu đến đón, nếu cần gì thì bảo cậu mang lên, con đừng đi lung tung, mà nếu rảnh rỗi thì nên đến mấy ngày trong tuần đó.”
- Đấy, bạn xem, lời mẹ mình dặn cứ thế nào đó.- Nó hồ nghi nhìn lơ đễnh lên trần nhà, đợi chờ câu hùa theo của Phong Linh.
- Thì có gì đâu, nhiều lúc mẹ bạn sợ, cuối tuần cậu của bạn có công việc hoặc tiệc tùng gì đó, như vậy sẽ phiền thôi. Mà sao bạn biết chú ấy đập đàn?- Phong Linh đáp lại nó một cách bâng quơ.
- À, có lần mình đi tìm part-time job, bắt xe buýt cũng gần nhà cậu, nên mình đi bộ đến luôn, cũng định hù cho cậu bất ngờ, nét mặt của cậu mình lúc thấy mình công nhận là bất ngờ thật, nhưng rất khó chịu. Cậu cũng chẳng định mời mình vào nhà đâu, cứ đứng mãi ở cửa, nhưng mình khát quá, nên xông vào luôn, bạn biết không, khắp nhà các phím đàn văng tung, giữa sàn là một đống ngổn ngang mảnh vở, nhìn sơ qua cũng biết là một cây đàn organ. Mình cứ ngỡ cậu vô tình làm ngã, chỉ ồ lên, rồi bảo sao cậu làm gì mà vỡ tung thế này, mình còn có ý tốt muốn giúp cậu dọn dẹp vậy mà cậu mình kéo mình ra cửa gọi taxi đuổi mình về luôn. Đợt vừa rồi về nhà chơi, mẹ cứ gợi chuyện hỏi những việc bên này, bữa đó nhớ ra, mình kể chuyện đó cho mẹ mình nghe, định sẽ nhờ mẹ hỏi rõ đầu đuôi, cho đỡ ấm ức, vậy mà, bạn biết không, mẹ mình còn mắng mình, bảo mình không nghe lời, thở dài thườn thượt “ lại một cây đàn bị đập”, rồi đi về phòng luôn. Hôm sau, có hỏi mẹ mình cũng chẳng nói gì về chuyện đó nữa. Đó bạn xem, như thế không lạ sao.
Nó kể thế với cái giọng đầy phụng phịu với Phong Linh, chỉ để con bạn nói một câu an ủi cho đỡ khó chịu trong lòng, nhưng “kẻ ở giữa” cũng chẳng nói gì vừa lòng nó.
- Người lớn lúc nào chẳng đầy bí mật, tới lúc cần sẽ được biết thôi, bạn đừng nghĩ vẩn vơ nữa. Mình đi ngủ đây, bạn cũng nghỉ sớm đi.
Nó lại chu chu miệng, kéo cái chăn kín người, rồi cũng chìm vào giấc ngủ…
Các anh chị rủ nó cùng tham gia hoạt động tình nguyện mừng lễ Phục sinh, nó gật đầu ngay, háo hức biết bao. Mọi người dự định sẽ tổ chức một buổi hát nhạc mừng lễ Phục sinh, rồi quyên góp đồ đạc cũng như dành số tiền thu được tặng cho các trẻ mồ côi ở nhà thờ. Nó hồ hởi lắm, khi được phân công nhiệm vụ tìm người hỗ trợ đệm đàn. Công việc đó thật dễ dàng, nó nghĩ ngay tới cậu, cậu biết chơi đàn, dù cậu chỉ chơi linh hoạt một bên tay, nhưng như vậy đã đủ hay lắm rồi. Chỉ có điều là thuyết phục cậu cũng hơi khó, nhưng nó có thể bày kế.
Buổi biểu diễn diễn ra trong không khí rộn ràng, mọi người ai cũng vui vẻ vì sự thành công của chương trình. Sau khi kết thúc, Cha Minh An, cha quản xứ là người Việt Nam, thay mặt các em nhỏ trong cô nhi viện và các soer, mời cả đoàn dùng cơm thân mật. Nó nhìn cậu bằng mắt van nài, khi cậu lôi nó ra xe về, cũng may, mấy em nhỏ năn nỉ hộ, vậy là cậu miễn cưỡng ở lại. Cha An ngỏ lời nhờ cậu giúp đỡ dạy đàn cho các em nhỏ có nguyện vọng học, cậu chẳng cần suy nghĩ, cũng không tìm lời nào hay ho, thẳng thừng bảo “không”, làm nó đến đơ ra vị ngại. Phong Linh thấy không khí cuộc trò chuyện không vui, nên nảy ra ý định hát tặng mọi người một bài, nó nhờ cậu đệm đàn. Giọng hát Phong Linh cất lên, nhẹ nhàng làm mọi người vui vẻ hẳn lên, nhưng nó thấy đôi lông mày của cậu vẫn cứ chau lại, nó chột dạ lắm, nhưng cũng không thể cắt ngang bài hát, bỗng, cậu đấm xuống phím đàn, gương mặt đầy đau đớn và tức giận, nhìn thẳng vào mặt Cha xứ rồi quát: “ Tất cả chỉ là đồ giả tạo”. Cậu ôm lấy một bên bàn tay, hằm hằm bỏ đi, mặc cho nó chạy theo gọi mãi. Nó vừa quê với mọi người, vừa khó hiểu, lại vừa bực bội chẳng biết làm sao, chẳng thể giải thích hay phân bua lời nào. Nó kể cho mẹ một lèo, không hiểu sao mẹ nó lại khóc khi nghe nó kể cậu chơi đàn ở nhà thờ, đáng lẽ người khóc là nó mới đúng, cậu gây cho nó bao nhiêu là rắc rối, chẳng thể giải thích gì cả.
- Hơn hai mươi năm trước, mẹ vẫn còn nhớ, cậu vui như đứa bé được phần kẹo khi nhà thờ đọc tên cậu vào danh sách học đàn organ. Lúc đó, nhà mình nghèo, không có tiền cho cậu đi học đàn, cậu con cũng không đòi hỏi, nhưng cậu con mê mẩn những phím đàn, nó vẽ những phím đàn lên giấy rồi tường tượng. Lúc biết có thể được sờ và tập trên đàn thật, cậu con vui biết chừng nào.- Mẹ nó nghẹn ngào kể, đôi mắt mờ đi vì những giọt lệ tràn.
- Thích đàn như thế sao cậu lại đập cây organ, hình như đó cũng không phải lần đầu đúng không mẹ, mà hình như cậu không giữ Đạo nữa?- Nó khó hiểu chen ngang lời mẹ.
- Tháng học đầu tiên, cậu con tiếp thu rất tốt hơn những bạn khác, nhưng lúc nào làm nhạc lý cũng thấp điểm, cậu con vẫn cứ nghĩ Cha xứ thiên vị, nhưng nó vẫn rất hăng say luyện tập lắm, có bữa tranh thủ trưa không ai dùng đàn, nó say sưa luyện, mẹ phải mang cả cơm đến nhà thờ cho nó ăn, hôm đó, nếu không có ngày hôm đó, có lẽ…- Mẹ nó nấc lên, nghẹn lời không nói được, hay bởi bà đang không biết tiếp tục như thế nào.
- Mẹ kể đi, sao cậu lại như thế?- Nó sốt ruột hỏi dồn mẹ.
- Buổi trưa hôm đó, nó cũng luyện đàn, nhưng hôm đó có em trai của Cha xứ lên chơi, vì nó luyện bài mới, đánh cũng không hay cho nên gây ồn ào làm em trai của Cha xứ không nghỉ được, anh ta có nặng lời với cậu con, chạm tự ái, lời qua tiếng lại, hai người ẩu đả với nhau, Cha xứ vội vàng ra can ngăn, nhưng chẳng may cậu con đứng không vững ngã vào cây đàn, có lẽ do xót cây đàn quý, lại tiếc vì cả giáo xứ chỉ có một cây đàn để dùng đệm hát Lễ, Cha xứ đã lỡ lời bảo rằng cậu con không bao giờ được đụng đến đàn của nhà thờ nữa, cũng không cho cậu tiếp tục học nữa. Từ đó, cậu con đâm ra bất mãn với Cha quản xứ, dù ông bà ngoại trách mắng thế nào cậu cũng không đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ, rồi cậu xin ông bà ngoại cho đi làm xa, cậu con đi làm công nhân để có tiền theo học đàn, nhưng không thể chơi chuyên nghiệp được, vì bàn tay có một ngón bị đứt dây chằn khớp, ngón tay không linh hoạt, mà nguyên nhân là do cuộc ẩu đả đó. Cậu con từ đó hận bất kỳ ai là Linh Mục, cũng hận cả cây đàn.
Nó lặng đi khi nghe từng lời của mẹ, không ngờ cậu nó mang mối hận sâu đến như vậy.
Mẹ nó tiếp lời:
- Mẹ nghe hàng xóm cậu con kể, lúc còn ở Việt Nam, cả cái xóm vắng lặng cứ như được hẹn giờ mỗi ngày, Cứ đến giờ đó, ngày đó là y như rằng cậu Tư sẽ mắng, sẽ dạo đàn rồi sẽ lại cười cái điệu ghê người đó.Thời gian đầu mới chuyển đến, cả xóm cứ tưởng rằng cậu con bị điên, phát bệnh, nhưng rồi qua những lúc đó, người ta lại thấy cậu như một người bình thường, có khi lại còn tốt hơn khối người, vì cậu sẵn sàng giúp đỡ người khác, lại còn sống rất đúng mực với hàng xóm. Lâu dần, người trong xóm cũng quen dần với những điều kì lạ đó, người ta cũng chẳng tìm cách hỏi han nữa, bởi lẽ có lúc thường hỏi, thì cậu con cũng cười cái kiểu miễn cưỡng rồi lãng đi, còn lúc “phát bệnh” kia, chưa ai dám gõ cửa nhà để hỏi. Người trong xóm quen dần với tiếng organ. Người trong xóm không còn tò mò về thứ âm thanh đó nữa, nhưng lúc đó cậu con quyết định cư ở nước ngoài.

Cha An lại nhờ nó cùng các bạn tình nguyện viên chỉnh sửa lại mấy phòng cũ để làm phòng sinh hoạt cho các em. Cha lại đặc biệt nhắc nó mời cậu, lời Cha nói làm nó đỏ bừng cả mặt, nó lí nhí bảo:
- Cậu con cư xử hơi khác thường Cha đừng để tâm nhé.
Cứ ngỡ Cha giận chuyện hôm trước nào ngờ, Cha cười hiền lành, vỗ nhẹ vai nó:
- Cha hiểu, cậu con có nỗi khổ riêng, nhưng tâm cậu con rất tốt, có thể chúng ta nên giúp cậu con.
Nó chu miệng, kiểu như bó tay với trường hợp cậu, nó hình dung ra cái cảnh năm xưa, như người bên lề của câu chuyện, nó kể tường tận với Cha Minh An về những gì đè nặng trong lòng cậu.
Nó miễn cưỡng làm theo lời Cha, nhắn cho cậu cái tin đến giúp sửa nhà, nó nghĩ lần trước để mời cậu đệm đàn, nó hao tâm tổn trí như vậy mới được, thì giờ có cái tin nhắn này chắc chẳng làm gì được, nhưng thử một lần cũng chẳng mất gì nên nó cứ nhắn. Buổi sáng chủ nhật hôm đó, lu bu chạy ra chạy vào giúp việc vặt cho mấy người thanh niên, nó mệt bơ phờ nên đi tìm chỗ ngồi nghỉ một tí, nó thấy cậu, với bộ đồ công nhân lắm lem màu, đang sơn tường, nó há hốc miệng thở dốc vì bất ngờ. Nhưng nó bất ngờ hơn, cậu đang sơn tường với Cha xứ, và tay chân Cha cũng lem luốc những sơn màu, mắt nó mờ đi, hình như hai người đang nói chuyện và cười với nhau sao?

- Chủ nhật rủ cậu đi Lễ với nhé, cậu sẽ đệm đàn cho ca đoàn.- Cậu cất lời làm nó giật bắn người, xém chút rơi khỏi ban công đang ngồi. Câu nói làm nó giật mình, dụi mắt, gãi đầu mấy cái nó mới khẳng định không hề mơ ngủ.
- Cậu vừa nói gì vậy? Con có nghe nhầm không?- Nó nhìn cậu lưỡng lự hỏi.
- Con không nghe nhầm đâu, cậu nghĩ cậu hận đủ rồi, cậu không muốn giữ những “ tảng đá” trong lòng nữa.
- Cậu, là ai có thể giúp cậu thay đổi vậy?- Nó nghi ngờ đặt cậu hỏi.
- Là người Linh Mục giản dị kia. Sao cậu lại không nhận ra mình “giận cá chém thớt” lâu như vậy nhỉ?
Nó há hốc miệng:
- Nhưng…
Nó vừa định hỏi thì cậu chặn lời:
- Con có thấy khung hình một bài kiểm tra Toán điểm F treo trong phòng mới sửa không, lúc sơn tường cậu thấy nó thật lạ, điểm F tệ như vậy, tên cũng không phải của Cha tại sao lại treo trang trọng như thế, nên có hỏi Cha Minh An. Ông ấy bảo nó là kỷ vật của một đứa trẻ đặc biệt, là con điểm đầu tiên của một đứa trẻ ngỗ ngược, luôn bị trách phạt vì làm sai nhiều đến nỗi không thể đạt cho điểm nào. Điểm F tệ kia Cha chấm vào bài, điểm F tệ đó là sự khắt khe Cha muốn dùng để đứa trẻ đó cố gắng hơn, để nó cảm thấy xấu hổ với bạn bè mà phấn đấu, nhưng khác với gì Cha nghĩ, với đứa trẻ đó điểm F là lời khen, là phần thường, nó rất vui vẻ và sự cố gắng của nó có động lực tích cực, cậu bé đó đã làm Cha rất bất ngờ, cho nên Cha treo bài kiểm tra đó để nhắc nhở mình và người khác, nên gieo cho người khác khích lệ, và nên xem những khó khăn trở ngại chính là động lực.
Nó gãi đầu:
- Chỉ cần câu chuyện đó cậu có thể quên những cung đàn oán của mình sao?
- Không, là câu nói cuối cùng của Cha, hãy sống như trẻ em vì Chúa Giêsu nói:“Cứ để trẻ em đến với Tôi, đừng ngăn cản chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng” (Mt 19, 14).
Nó lơ mơ hiểu ra những ẩn ý trong câu chuyện và câu nói của Cha Minh An, nhưng nó lại nghĩ có thể không hẳn là do sức thuyết phục của câu nói hay lời Kinh Thánh kia mà là do những điều đó được nói bởi một người Linh Mục nhân từ, giản dị mới có thể chạm vỡ những “tảng đá” trong lòng cậu nó, giúp cậu nó xóa đi khóa son cứng nhắc, chỉnh lại tông trưởng, hủy đi những nốt nhạc oán trong lòng để dạo những cung đàn tươi mới ca ngợi Thiên Chúa. Một người đến gút nút chưa hẳn là xấu, vì nhất định Chúa cũng sẽ gửi một người gỡ nút cho chúng ta.

dvtung
26-06-2016, 09:43 AM
Mã số: 16-129
THƯƠNG XÓT NHƯ TA Vào một buổi sáng, bên trong nhà tù lớn, người quản giáo đọc lớn tên những phạm nhân được ân xá trong đợt này. Trong số đó có Phúc – một phạm nhân mang tội danh giết người được thả tự do sau khi thụ án 10 năm. Dáng vẻ to con, làn da đen sạm ấy bước ra khỏi nhà tù. Không một người thân đến đón, trong túi chẳng dính nổi một đồng. Anh rảo bước thật nhanh để về nhà mình, về với xóm đạo của anh.
Xóm đạo nghèo nằm trong thành phố lớn. Tuy đơn sơ nhưng tràn đầy niềm vui. Tiếng của trẻ con nô đùa, tiếng của hàng xóm nói chuyện với nhau như người thân. Phúc nhớ rõ lắm, cái ngày mà Phúc bị bắt, cả xóm náo động lên, từ người già đến trẻ con ai nấy đều nhìn Phúc bằng con mắt buồn bã thất vọng. Sau 10 năm, khung cảnh vẫn thế, ngôi nhà của anh không người chăm sóc nên giờ cũ kĩ và xập xệ hơn trước nhiều. Vừa thấy Phúc, những người trong xóm bắt đàu bàn tán rôm rả. Những đứa trẻ thấy người lạ vào xóm thì đứng nhìn đằng xa. Đi đến đâu, anh cũng cúi đầu chào và nở nụ cười. Nhưng điều mà anh nhận lại chỉ là những con mắt vô cảm và hoài nghi.
Bước vào nhà, anh nằm trên cái giường tre bụi bặm. Ngày xưa, anh thường nằm ở đây sau khi đi làm về. Và đợi chờ những món ngon mà mẹ nấu cho anh. Cuộc sống hạnh phúc không lâu thì anh lại mang bản án giết người. Bỏ lại mẹ già trong căn nhà gỗ. Nước mắt anh chảy xuống khi không còn ai ở bên mình nữa. Ngoài kia, tiếng bàn tán về anh vẫn rôm rả. Người trong xóm bắt đầu xa lánh anh. Đến trẻ con cũng không dám lại gần.
Anh đứng dậy bỏ đi. Về lại xí nghiệp cũ, anh xin quản lý cho anh được trở lại làm việc. Nhưng vì anh đã có tiền án giết người, nên xí nghiệp không nhận anh nữa. Ra đường, nơi đâu có việc làm anh đều năn nỉ xin làm. Nhưng cái vết mà anh đã để lại từ 10 năm trước đã làm những con người quay lưng với anh. Có lẽ vụ án năm xưa đã làm rung động cả một vùng. Tiền không có, mệt mỏi, anh ra đường xin ăn. Nhưng có mấy ai cho. Dưới cái nắng gắt, anh đưa hai tay xin miếng ăn. Anh khóc,nước mắt tuôn ra trên làn da đen sạm… “ Lạy Chúa, xin tha cho con, xin đừng phạt con nữa” .
Tiền không đủ ăn ngày hai bữa, Phúc nghĩ đến việc mình sẽ đi ăn trộm. Dáng vẻ thụt thò, quần áo xốc xếch, anh bước vào tiệm tạp hóa, nhanh tay chụp lấy mấy gói mì rồi bỏ chạy. Chủ quán hô hoán, mọi người chụp lấy Phúc và đánh tới tấp, anh khóc lóc van xin cho anh mấy gói mì.
- Con lạy ông bà, cho con mấy gói mì đỡ đói ! Xin tha cho con…..!
Nhưng đám người vẫn không để ý, luôn miệng nói anh là kẻ ăn cắp, từng cái như trời đánh giáng xuống mặt, tay chân anh. Cuối cùng, người ta nộp anh cho công an và bị kết tội là trộm cắp, hình ảnh của anh được dán lên bảng cảnh giác kẻ gian. Anh xin được vào tù, vì ở đó, anh được ăn cơm, được no, được ấm nhưng không ai cho. Làm việc thì không ai nhận, đi xin thì không ai cho. Cả xã hội đều quay lưng lại với anh.
Sáng hôm sau, anh về nhà thờ của mình, gặp cha xứ :
- Xin cha cho con được ở đây, việc gì con cũng làm, chỉ mong cha cho con được ăn cơm ngày ba bữa. – Anh vừa chắp tay vừa khóc. Cha sở nhìn anh lo ngại.
- Thôi được, anh cứ ở lại đây, hàng ngày anh phải quét dọn nhà thờ, kéo chuông và phụ giúp Cha.
Anh mừng rỡ ôm lấy Cha, anh lại khóc… Ngày hôm đó, anh siêng năng làm những gì Cha sở cần. Gương mặt của Cha già có vẻ yên tâm hơn. Nhưng ngay chiều đó, có những người lại đến gặp Cha:
- Con không đồng ý cho cái thằng đó ở trong nhà Chúa. Nó là một kẻ tội lỗi. Nó đã làm giáo xứ mình mang tiếng xấu.
- Đúng đó Cha, ngựa quen đường cũ, có ngày nó lại ăn cắp và có ngày nó sẽ làm hại đến Cha- Một người khác giận dữ nói.
Cha sở nhẹ nhàng nói
- Sao mọi người không cho anh ta một cơ hội, anh ta không còn ai, xã hội thì ruồng rẫy, anh em với nhau mà mọi người lại như vậy sao. Anh em có lòng thương xót không ?
Mọi người im lặng bỏ đi. Phúc không phản ứng gì cứ thế nhìn Cha sở. Có vẻ chuyện anh được ở trong nhà thờ đã được mọi người chấp nhận. Nhưng những công việc chung của mọi người, thì anh lại không có quyền được tham gia. Anh đến đâu mọi người đều giải tán. Anh hỏi thì cũng nói cho có lệ. Anh sống một mình, cô đơn. Mặc cảm thân mình tội lỗi, nên anh cũng không dám nói chuyện với Cha nhiều. Một lần nọ, anh đến gặp Cha:
- Xin Cha cho con được ở trong nhà kho của nhà thờ, tránh đi sự dèm pha của mọi người. Con không muốn sự có mặt của con ở đây làm sự chia rẽ cho mọi người.
Lúc đầu Cha sở không đồng ý, nhưng Phúc nài nỉ nên Cha đã gật đầu. Thế là anh ở ẩn trong một căn nhà phía sau nhà thờ. Căn phòng đã xập xệ và bốc mùi mốc kinh khủng. Nơi đó, anh chuyên tâm lần chuỗi cầu nguyện xin Chúa tha thứ. Cha sở tặng cho anh bức tượng Chúa Thương Xót. Anh mừng lắm, anh ôm tượng Chúa vào lòng. Hằng ngày, anh đợi mọi người vào nhà thờ hết, rồi lặng lẽ ngồi vào phía cuối nhà thờ dự lễ. Anh không còn mặc cảm nữa, nhưng thay vào đó là một cảm giác lạ lùng. Cảm giác của sự ấm áp và bình an. Sau khi nhà thờ vắng người, anh lại quét dọn bên trong thánh đường. Lau từng cái ghế. Và Phúc thấy, mình thật hạnh phúc.
Thời gian sau, Cha sở và Phúc thân nhau hơn. Hai người thường nói chuyện và đọc kinh chung. Người tội phạm ngày nào đã trở nên tốt lành hơn. Nhưng… chỉ có Cha sở mới nhận thấy điều đó. Vài tháng sau, Phúc phát hiện mình đã mắc phải bệnh ung thư giai đoạn cuối. Cha sở nhìn anh thương cảm:
- Con có buồn không ?
- Dạ không Cha à!- Phúc chào Cha rồi quay đi
- Con đi đâu đó?- Cha hỏi
- Con đi chuẩn bị, gần đến lúc con phải đi rồi Cha à.
Phúc nở một nụ cười thật tươi, người Cha buồn bã nhìn theo anh. Dáng khòm khòm, nhanh nhẹn. Làm Cha phải thở hơi dài. Lắc đầu, đưa tay chống cằm rồi suy tư. Phần anh, từ ngày đó anh ăn mặc gọn gàng lịch sự hơn. Gặp ai anh cũng chào. Gặp ai anh cũng cười. Mặc cho người đời vẫn cứ hay bàn tán về anh.
Một hôm, anh đến một căn nhà nhỏ trong hẻm. Tay run rẩy bấm chuông. Một lát sau, một người phụ nữ ra mở cổng. Bất ngờ vì gặp được kẻ thù đã giết cha mình. Cô sựng người lại một hồi lâu rồi mới cho Phúc vào:
- Anh đến đây làm gì ?- Người phụ nữ hỏi.
- Tôi đến để xin lỗi gia đình.- Phúc trả lời. rồi lặng lẽ về phía bàn thờ, thắp nén nhang cho nạn nhân của chính mình. Anh nhớ lại phút giây anh đâm chết chú trong xưởng chỉ vì chú ấy lớn tiếng với mình. Anh nhăn mặt, thõng vai.
- Anh có biết sau khi ba tôi chết, mẹ tôi phải lăn lộn ngoài đường kiếm cơm cho cả bốn đứa con nheo nhóc. Chính cả tôi cũng phải nghỉ học để lo cho em mình.- Người con vừa khóc vừa nói.
- Tôi xin lỗi cô và gia đình. Tôi không mong được tha thứ nhưng mong cả nhà cố gắng vượt qua nổi đau này.- Phúc cúi mặt nói.
Phúc bước ra ngoài và đi về nhà mình. Căn nhà đầy ắp kỷ niệm về mẹ. Cha mất sớm, mẹ gồng gánh nuôi Phúc ăn học thành người. Phúc nhìn đâu cũng thấy hình bóng của mẹ. Phúc ôm lấy hình mẹ. Nước mắt ào ra. Đôi tay ôm chặt hơn: “ Xin tha cho con. Con là kẻ tội lỗi. Con bất hiếu. Xin tha cho con… Mẹ ơi!”.
Trong căn phòng ngột ngạt. Anh nhìn lên Chúa, và mẹ mình. Lòng không khỏi ray rứt vì những gì mình đã làm. Anh nhớ đến ngày anh bị bắt, mẹ anh không biết nói gì, người dựa vào tường nhìn con mình bị đưa đi. Ngày ra tòa, mẹ anh cũng đi, chỉ biết khóc và nhìn người ta lên án con mình. Trước khi xa nhau, mẹ ôm lấy anh, dúi vào người anh một cỗ tràng hạt, một cuốn tin mừng, và một cuốn sách kinh. Phút giây ngắn ngủi đã tách biệt anh xa vòng tay mẹ mãi mãi. Ngày mẹ anh qua đời. Anh không được về nhà. Trong tù, anh ngồi khóc, la hét. Bổn phận cuối cùng của người con cho mẹ anh cũng không thực hiện được. Rồi anh cũng chỉ biết đọc kinh và lần chuỗi. Cứ nhớ đến mẹ, anh lại khóc. Ngày mẹ còn sống, tháng nào mẹ cũng vào thăm anh. Người mẹ già lụm khụm tay mang đồ vào trại giam cho con. Có lần bà xin Cha vào giải tội cho con. Không một lời trách con. Luôn khuyên nhủ con sống tốt: “ Vì Chúa là Đấng thương xót”.
Tháng cuối cùng, anh không còn đi lại được nữa. Cha sở là người chăm sóc cho anh. Anh xin được xưng tội và lãnh nhận bí tích sau hết. Cha buồn lắm nhưng vẫn không nói được gì. Một buổi sáng, khi Cha đến thăm anh như thường lệ. Anh nói:
- Con là kẻ tội lỗi, sao Cha không xua đuổi con, sao cha vẫn tin tưởng con.
- Vì Chúa không muốn xua đuổi bất cứ ai là con Ngài, Ngài vẫn tin tưởng con khi con quay trở về.- Cha sở nắm lấy tay anh.
- Vậy Ngài có tha lỗi cho con không ?- Anh nói.
Cha nhìn anh:
- Có, Ngài tha tội con từ lâu lắm rồi. Và Ngài dạy ta phải biết thương xót kẻ khác nữa.
Phúc mỉm cười:
- Cha có sợ con không? Con là một kẻ giết người ?
- Cha sợ ! Sợ lắm. Nhưng Cha không có quyền ghét và bỏ rơi người khác.
Phúc nắm lấy tay Cha:
- Con xin cảm ơn Cha, đã cho con một tình thương. Một cơ hội. Một con đường sống. Một con đường trở về cùng Chúa. Trở về với cuộc sống tốt. Nếu con còn sống, nhất định con cũng sẽ giống cha. Thương xót như Cha.
Cha sở rơi nước mắt:
- Không. Phải Thương Xót như Ngài.- Nói rồi Cha chỉ tay lên tượng Chúa Thương Xót.
Phúc cảm giác giờ mình đã đến, anh nắm chặt tay Cha: “ Con là kẻ tội lỗi. Xin Chúa thương xót con. Xin tha cho con. Xin đừng bỏ rơi con “ … Anh nhắm mắt, nước mắt chảy xuống rồi nhẹ nhàng về cùng Chúa. Trong thánh lễ cuối cùng của anh, rất nhiều người tham dự. Một phần hiếu kì, một phần cầu nguyện cho anh. Câu chuyện của một thanh niên mang tên sát thủ vẫn còn đó. Nhưng lòng thương xót mà người Cha dành cho người tội lỗi đó vẫn còn dư âm trong lòng mỗi người.
Trên cung Thánh, thiên thần hỏi Chúa:
- Ngài có tha tội cho anh ta không.
Chúa nhìn về phía Phúc:
- Ta đã tha lỗi cho anh ta từ lâu rồi.
Thiên thần hỏi:
- Thế gian bây giờ thật và giả lẫn lộn, làm sao con người dễ tha thứ như Ngài được.
Chúa chỉ tay vào tim mình:
- Hãy cầu nguyện và Thương Xót như Ta.