PDA

View Full Version : Ngày Khánh Nhật Truyền Giáo, ĐGH mở cuộc Hội Thảo về Hòa Bình với các vị Lãnh Đạo các Tôn



dvtung
22-10-2007, 05:44 AM
Kinh Truyền tin chúa nhựt 21-10


http://vietcatholicnews.com/Pics/2110200771021Pope.jpg

Chúa Nhật 21/10/2007 là Ngày thế giới truyền giáo, dành để cầu nguyện cho công cuộc truyền bá Tin mừng, và bày tỏ tình liên đới với những nhân viên đang góp phần tích cực vào sứ mạng truyền giáo cũng như đóng góp cho việc đào tạo nhân sự cho các xứ truyền giáo. Đặc biệt năm nay cũng là kỷ niệm 50 năm thông điệp Fidei donum của đức thánh cha Piô XII kêu gọi các giáo sĩ giáo phận bên Âu Mỹ chia sẻ một thời gian ngắn đến phục vụ tại các miền truyền giáo. Đức Thánh Cha đã dành ngày chúa nhật để thăm viếng giáo phận Napoli, nơi mà giám mục là đức Hồng y Crescenzio Sepe nguyên tổng trưởng Bộ Loan Báo Tin mừng, và nơi diễn ra buổi hội thảo và cầu nguyện cho hoà bình thế giới do cộng đoàn thánh Egiđiô tổ chức hàng năm, nối tiếp buổi gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo hoàn cầu tại Assisi do đức Gioan Phaolô II triệu tập vào năm 1986. Vì thế chương trình viếng thăm Napoli của đức Bênêđictô XVI được chia làm hai phần. Phần thứ nhất vào ban sáng, dành cho cộng đoàn Dân Chúa với Thánh lễ và tiếp theo là buổi đọc kinh Truyền tin. Phần thứ hai là cuộc gặp gỡ các nhân vật tham dự cuộc hội thảo về hoà bình. Trong buổi phát hôm nay, chúng tôi xin tường thuật phần thứ nhất, và để dành phần thứ hai cho ngày mai.

Máy bay trực thăng chở đức thánh cha đã đáp xuống Napoli lúc 9 giờ 15. Ra đón tiếp ngài là đức hồng y Sepe, tổng giám mục giáo phận; về phía chính quyền Italia có thủ tướng Romano Prodi và bộ trưởng tư pháp Clemente Mastella, và các cơ quan lãnh đạo chính quyền địa phương. Mặc dầu trời mưa tầm tã, nhưng gần 30 ngàn người đã tham dự thánh lễ do đức thánh cha cử hành lúc 10 giờ sáng tại quảng trường Plebiscito, ở trước thánh đường kính thánh Phanxicô Paola, 70 hồng y và giám mục, 700 linh mục đồng tế, cùng với 200 phó tế phụ trách việc trao Mình Thánh Chúa.

Trong bài giảng, dựa theo các bài đọc Sách thánh của chúa nhựt 29 Thường niên, đức thánh cha đã nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc cầu nguyện, nhờ đó các kitô hữu nuôi dưỡng niềm tin và hy vọng khi phải đương đầu với rất nhiều vấn đề và tệ nạn xã hội tại địa phương, tựa như bạo lực, nghèo đói, thất nghiệp, tạo ra một não trạng tự xoay xở bất chấp luật pháp. Thoạt tiên lời cầu nguyện chẳng ăn nhập gì với việc giải quyết các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, khi nghĩ kỹ lại, chúng ta thấy rằng duy đức tin mới là sức mạnh có thể thay đổi thế giới và biến đổi nó trở thành Vương quốc của Chúa. Đức tin được diễn tả qua sự cầu nguyện. Một khi đức tin được chan chứa lòng yêu mến Thiên Chúa như là người Cha nhân lành, thì lời cầu nguyện trở nên tha thiết, thấm nhập trái tim của Chúa, nhờ vậy trở nên sức mạnh để hoạt động. Khi đối diện với những trở ngại, chúng ta dễ buông xuôi ngã lòng; vì thế cần nuôi dưỡng niềm hy vọng nhờ lời cầu nguyện không biết mỏi mệt.

Các bài đọc Sách Thánh không chỉ nói đến sự cần thiết của việc cầu nguyện mà còn trưng bày những khuôn mẫu cho việc cầu nguyện, tựa như bà goá trong Phúc âm, tựa như ông Mosê trong sách Xuất hành. Bà goá tượng trưng cho những hạng người thấp cổ bé miệng. Chúa Giêsu khuyên chúng ta hãy bắt chước bà và chắc chắn Thiên Chúa sẽ nhậm lời. Nhiều lần chúng ta thấy rằng lời cầu nguyện không làm thay đổi tình thế, và như thế chẳng công hiệu gì. Tuy nhiên, lời cầu nguyện thành thực có sức lực thay đổi diệu kỳ: trước hết là nó làm thay đổi con tìm của chúng ta, không cho phép chúng ta buông xuôi theo định mệnh, nhưng quyết tâm lật ngược tình thế: thay cho hận thù, phó mặc, chúng ta được mời gọi hãy biết tha thứ, làm chứng nhân cho tình yêu. Lời cầu nguyện cũng nuôi dưỡng hy vọng; biết khám phá ra những mầm tích cực trong xã hội, nơi các bạn trẻ, những người thiện chí; nhất là lời cầu nguyện ban cho chúng ta sức mạnh đến từ Thiên Chúa, giống như sự tích của ông Mosen trên núi. Nhờ lời cầu nguyện, người tín hữu sẽ nhận được nghị lực để làm chứng tá cho các giá trị của Tin mừng.

Thánh lễ kết thúc vào lúc 11 giờ rưỡi, và trước khi ban phép lành, Đức Thánh Cha đã nói đôi lời cám ơn cũng như dẫn vào kinh Truyền tin như sau:

Vào lúc kết thúc buổi lễ hôm nay, tôi muốn lặp lại lời chào thăm và lời cám ơn vì sự đón tiếp nồng hậu mà các bạn dành cho tôi. Tôi xin ngỏ lời chào đặc biệt đến các đại biểu đến từ các nơi trên thế giới để tham dự cuộc gặp gỡ quốc tế về Hoà bình, do cộng đoàn thánh Egiđiô cổ võ, với tựa đề: “Hướng đến một thế giới không còn bạo lực – các tôn giáo và các văn hoá đối thoại với nhau”. Ước mong rằng chương trình văn hoá và tôn giáo này sẽ đóng góp vào việc củng cố hoà bình trên thế giới.

Chúng ta hãy cầu nguyện theo ý chỉ đó. Nhưng hôm này chúng ta cũng cầu nguyện cách riêng cho các nhà truyền giáo. Thực vậy hôm nay là ngày thế giới truyền giáo, với một khẩu hiệu đầy ý nghĩa “tất cả các Giáo hội cho tất cả thế giới”. Mỗi giáo hội điạ phương mang trách nhiệm liên đới trong công cuộc loán báo Tin mừng cho tất cả nhân loại, và việc hợp tác giữa các Giáo hội được củng cố kể từ đức thánh cha Piô XII với thông điệp Fidei donum cách đây 50 năm. Chúng ta đừng để cho những người đang hoạt động ở tuyến đầu của cuộc truyền giáo phải thiếu thốn sự nâng đỡ tinh thần và vật chất: các linh mục, tu sĩ và giáo dân nam nữ, những người thường phải đương đầu với nhiều khó khăn trong công việc của mình, và thậm chí sự bách hại nữa.

Chúng ta hãy ký thác những ý chỉ cầu nguyện này cho Đức Mẹ Maria, Đấng mà chúng ta kêu cầu trong tháng 10 này dưới tước hiệu Nữ Vương rất thánh Mân côi, được tôn kính tại một thánh điện ở Pompei gần đây. Chúng ta ký thác cho Mẹ những người di dân đang tham dự cuộc hành hương đến Caserta. Chúng ta cũng xin Mẹ che chở hết những ai đang dấn thân cho công ích và cho một trật tự xã hội tốt đẹp hơn, như được nêu bật trong tuần lễ Xã hội của người Công giáo Italia lần thứ 45 diễn ra vào những ngày này tại Pistoia và Pisa, để kỷ niệm 100 năm khai mạc Tuần lễ xã hội lần thứ nhất, do ông Giuseppe Toniolo, một nhà kinh tế công giáo lỗi lạc, khởi xướng. Rất nhiều vấn đề và thách đố được đặt ra trước mắt chúng ta, đòi hỏi sự dấn thân của hết mọi người, đặc biệt là các tín hữu giáo dân đang hoạt động trong lãnh vực xã hội và chính trị, ngõ hầu bảo đảm cho mỗi người công dân, cách riêng là các bạn trẻ, được hưởng những điều kiện tối thiểu để phát triển những tài năng tự nhiên, và chọn lựa những định hướng phục vụ gia đình và toàn thể cộng đoàn.

Giờ đây chúng ta hãy hướng về Đức Maria trong kinh Truyền tin.
Bình Hòa

Nguồn: VietCatholic