PDA

View Full Version : Thứ Hai Tuần II Mùa Thường Niên Năm lẻ



phale
15-01-2017, 05:05 PM
BÀI ĐỌC I: Dt 5, 1-10
"Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu".
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Tất cả các vị Thượng tế được chọn giữa loài người, nên được đặt lên thay cho loài người mà lo việc Chúa, để hiến dâng lễ vật và hy lễ đền tội. Người có thể thông cảm với những kẻ mê muội và lầm lạc, vì chính người cũng mắc phải yếu đuối tư bề. Vì thế cũng như người phải dâng lễ đền tội thay cho dân thế nào, thì người dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy. Không ai được chiếm vinh dự đó, nhưng phải là người được Thiên Chúa kêu gọi, như Aaron. Cũng thế, Đức Kitô không tự dành lấy quyền làm thượng tế, nhưng là Đấng đã nói với Người rằng: "Con là Con Cha, hôm nay Cha sinh ra Con". Cũng có nơi khác Ngài phán: "Con là Tư tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê". Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Đấng có thể cứu Mình khỏi chết, và vì lòng thành kính, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người. Người được Thiên Chúa gọi là Thượng tế theo phẩm hàm Menkixêđê.
Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 109, 1. 2. 3. 4.
Đáp: Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê (c. 4bc).

1) Thiên Chúa đã tuyên bố cùng Chúa tôi rằng: "Con hãy ngồi bên hữu Ta, cho tới khi Ta bắt quân thù làm bệ kê dưới chân Con". - Đáp.

2) Đức Thiên Chúa từ Sion sẽ phô bày vương trượng quyền bính của Ngài, rằng: "Con hãy thống trị giữa quân thù". - Đáp.

3) Các thủ lãnh cùng hiện diện bên Con, ngày Con giáng sinh trong thánh thiện huy hoàng: trước rạng đông, tựa hồ sương sa, Ta đã sinh hạ ra Con". - Đáp.

4) Đức Thiên Chúa đã thề và không hối hận rằng: "Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê". - Đáp.

ALLELUIA:Tv 144, 13cd
- Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. - Alleluia.

PHÚC ÂM:Mc 2, 18-22
"Tân lang còn ở với họ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, họ đến nói với Chúa Giêsu rằng: "Tại sao môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, còn môn đồ Ngài lại không ăn chay?" Chúa Giêsu nói với họ: "Các khách dự tiệc cưới có thể ăn chay khi tân lang còn ở với họ không? Bao lâu tân lang còn ở với họ, thì họ không thể ăn chay được. Nhưng sẽ đến ngày tân lang bị đem đi, bấy giờ họ sẽ ăn chay. Không ai lấy vải mới mà vá áo cũ, chẳng vậy, miếng vải vá sẽ rút lại mà kéo áo cũ, và chỗ rách lại tệ hơn. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, rượu sẽ làm vỡ bầu da, và rượu đổ, bầu da hư. Nhưng rượu mới phải để trong bầu da mới".
Đó là lời Chúa.

www.thanhlinh.net

phale
16-01-2017, 02:15 PM
Suy niệm:

Khi có mấy môn đệ của ông Gioan đến gặp Chúa Giêsu thắc mắc về chuyện họ phải ăn chay trong khi môn đệ của Chúa thì không. Bấy giờ Chúa Giêsu dùng ba hình ảnh để so sánh và giải thích cho họ hiểu rõ tinh thần của việc giữ luật ăn chay.

Ăn chay là một trong những truyền thống đạo đức tốt đẹp của người Do Thái. Mỗi năm họ chỉ bắt buộc giữ chay vào ngày lễ Xá Tội, ngày toàn dân xưng tội để được Chúa thứ tha, ngày này thích hợp cho việc giữ chay. Nhưng có một số người đạo đức hơn, họ sẽ giữ chay hai ngày trong tuần, thứ Hai và thứ Năm.

Người ta có thể ăn chay để từ chối những điều mình ưa thích, cho tâm hồn thanh thản hơn. Hoặc là để tự kiềm chế, để biết mình có thể làm chủ lấy mình chứ không để những thứ ưa thích làm chủ mình. Để chắc chăc rằng không gì mình yêu thích đến độ mình không thể từ bỏ chúng… Chúa Giêsu không chống đối việc ăn chay theo tinh thần đạo đức, ngược lại Ngài còn khuyên các môn đệ của mình phải ăn chay để có thể trừ quỷ.

Điều rắc rối là có một số người ăn chay nhằm mục đích khoe khoang lối sống lập dị, khắc khổ. Họ muốn người ta chú ý về đời sống đạo đức của mình. Họ muốn người ta khâm phục ý chí mạnh mẽ của họ. Hơn thế nữa họ muốn cả Thiên Chúa phải nhìn đến “sự tan nát bên ngoài” của họ. Họ ăn chay mà mặt mày nhăn nhó, quần áo xốc xếch, vẻ mặt khổ não… Họ tưởng rằng chính những hành động phụ thêm đó sẽ làm cho Thiên Chúa động lòng.

Chính vì vậy câu hỏi: “Tại sao các môn đệ ông Gioan và các môn đệ người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” (Mc 2, 18) không nhằm ngụ ý trách móc, mà nhằm ngụ ý khoe khoang: “Môn đệ ông không giống chúng tôi gì hết, chúng tôi ăn chay tuần 2 lần, chúng tôi sống khắc khổ lắm, quần áo chúng tôi xốc xếch, đầu tóc chúng tôi rối nùi…” Ngụ ý sâu xa của họ là chúng tôi đạo đức thánh thiện lắm đây!

Chúa Giêsu đã cho họ biết tại sao môn đệ của Ngài không ăn chay. Ngài là một người biết rõ lề luật của người Do Thái, trong đó có một luật ghi rằng: “Những ai đến dự tiệc cưới đều được miễn trừ mọi việc tuân hành nghi lễ tôn giáo để tránh làm giảm niềm vui”. Tuần lễ kết hôn là tuần lễ hạnh phúc nhất của người Do Thái. Họ mở tiệc ăn mừng cùng với những người bạn thân thiết của họ. Trong cuộc vui đó không thể có việc giữ chay dựa trên cả lý và tình. Về lý thì luật lệ không buộc họ phải ăn chay. Về tình thì họ phải chia sẻ niềm vui với người bạn của mình. Cho nên Chúa Giêsu đã nói: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ” (Mc12, 19). Chúa Giêsu đã ví các mộn đệ của Ngài như bạn thân của cô dâu và chú rể được mời đến chia sẻ niềm vui với họ. Vì vậy họ không thể và càng không được phép ăn chay vì đang chung vui với cô dâu chú rể.

Một lần nữa thánh sử Maccô nhấn mạnh về thời cứu độ đó là lúc Thiên Chúa thực hiện lời hứa ban niềm vui và hạnh phúc cho muôn dân. Chúa Giêsu đến khai mạc thời cánh chung, mở ra chân trời mới đầy hy vọng. Khi có Chúa Giêsu hiện diện, các môn đệ sẽ tận hưởng được niềm vui và cònlan tỏa niềm vui ấy cho mọi người nên họ sẽ không ăn chay. Chúa Giêsu sẽ đến thiết lập trời mới đất mới, khải hoàn vinh thắng, lúc ấy mọi tạo vật reo vui vì không còn phải “rên xiết mong ngóng chờ ngày cứu độ”.

Chúa Giêsu dùng hình ảnh rất quen thuộc về cách chứa rượu của người Do Thái.Thời đó người ta chưa có bình đựng rượu nên họ thường chứa trong một cái bầu làm bằng da thú. Nếu rượu cũ đổ vào bầu da mới, rượu lên men và thải ra lượng khí carbon độc hại, túi da sẽ rách và rượu chảy ra ngoài. Trái lại rượu mới phải chứa trong bầu da mới vì da mới có tính đàn hồi nên sẽ không bị rách.

Hình ảnh vá áo. Chúa Giêsu dùng hình ảnh một người lấy vải mới vá vào áo cũ, miếng vải mới làm áo dúm lại, và chỗ rách lại càng rách to hơn. Với lối nói so sánh bằng hình ảnh, Chúa Giêsu muốn mời gọi chúng ta cần có một tư tưởng mới, một cái nhìn cởi mở thì mới hiểu được những việc Chúa làm, hiểu được những giá trị của Tin Mừng. Có thể nói đây là một cuộc cách mạnglề luật giúp người ta không bị héo mòn trong mớ luật nặng nề để vươn lên tầm cao mới của tình yêu mến. Việc ăn chay, đi lễ, đọc thiên kinh vạn quyển mà thiếu đức ái thì chẳng có ích gì. Nếu chỉ giữ lề luật mà trong lòng còn chất chứa sự hận thù ghen ghét, đối xử bất công với người khác thì việc ăn chay cũng chỉ là thái độ giả hình.

Trong cuộc sống, không phải cái gì cũ cũng là xấu, trái lại kỷ niệm xưa thì đáng trân trọng, bạn cũ thì thân tình, đồ cổ thì quý. Trái lại cũng có trang vở mới tinh khôi, thanh khiết, có con đường mới thẳng tắp, chiếc cầu mới nối liền nhịp sống hai bên bờ sông...Đó là cái mới đáng trân trọng được xây nền tảng cái cũ, được chắt lọc từ sự tinh túy của cái cũ. Chúa Giêsu đã đến không phải để phá bỏ cái cũ nhưng kiện toàn và khắc lên đó một tinh thần mới, tinh thần khiêm tốn phục vụ và yêu thương trọn vẹn.

Chúa Giêsu muốn các môn đệ đi vào sự kết hợp thâm sâu thân tình với Thiên Chúa, thao thức kiếm tìm ý nghĩa đích thực của Tin Mừng giữa những điều luật buộc phải giữ. “Rượu mới, bầu cũng phải mới”, cái “mới” ở đây không phá bỏ cái “cũ” nhưng đã được chắt lọc từ sự tinh hoa của cái cũ.

Tin Mừng của Chúa phải được đón nhận bằng tất cả lòng quảng đại và yêu mến. Nếu luật cũ là “mắt đền mắt, răng đền răng” thì luật mới phải vượt lên sự hiềm thù đền trả 1-1 mà là “nếu bị ai vả má bên phải thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn anh để lấy áo trong của anh thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin thì hãy cho; ai muốn vay mượn thì đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5, 39-42).

Huệ Minh
________________________________________________________________________________

Mời bạn đọc:
Suy niệm của (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?51473-thu-hai-tuan-ii-mua-thuong-nien-nam-le.html&p=172542&viewfull=1#post172542) (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?51473-thu-hai-tuan-ii-mua-thuong-nien-nam-le.html&p=172542&viewfull=1#post172542)Bảo_†_Lâm (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?51473-thu-hai-tuan-ii-mua-thuong-nien-nam-le.html&p=172542&viewfull=1#post172542)
Suy niệm của tgpsaigon.net (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?48959-thu-hai-tuan-ii-mua-thuong-nien-nam-chan.html&p=167266&viewfull=1#post167266)
Suy niệm của chanthienmy.org (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?44428-thu-hai-tuan-ii-mua-thuong-nien-nam-le.html&p=155968&viewfull=1#post155968)
Lẽ sống ngày 15/1: Bình an cho các con (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?6370-le-song-moi-ngay.html&p=76876&viewfull=1#post76876)
Lẽ sống ngày 16/1: Giấc mơ của Mẹ Têrêxa Calcutta (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?6370-le-song-moi-ngay.html&p=76877&viewfull=1#post76877)