PDA

View Full Version : Thứ Ba Tuần VII Thường Niên Năm lẻ - Ngày 21/2 Thánh Phêrô Đamianô, giám mục, tiến sĩ



phale
20-02-2017, 04:22 AM
BÀI ĐỌC I: Hc 2, 1-13
"Hãy chuẩn bị tâm hồn để chịu cám dỗ".
Trích sách Huấn Ca.
Hỡi con, khi con đến phụng sự Thiên Chúa, con hãy sống công chính và kính sợ, và hãy chuẩn bị tâm hồn để chịu thử thách. Con hãy gìn giữ tâm hồn và chịu đựng. Hãy lắng tai nghe và nhận lấy lời dạy của lương tri; và đừng vội vã trong lúc cùng quẫn.
Con hãy nương tựa vào sự nâng đỡ của Thiên Chúa và hãy liên kết với Người, và kiên nhẫn để con được thăng tiến trong ngày cuối cùng. Con hãy chấp nhận tất cả những gì xảy đến cho con và hãy kiên trì trong đau khổ, hãy nhẫn nại trong hoàn cảnh thấp hèn: vì vàng bạc được thử trong lửa, còn những người được Chúa chọn, thì được thử trong khổ nhục. Con hãy tin vào Thiên Chúa, và Người sẽ nâng đỡ con; hãy cứ thẳng đường và hy vọng vào Người. Con hãy kính sợ Người và bền vững mãi như thế.
Hỡi những kẻ kính sợ Chúa, hãy trông đợi lòng từ bi của Người, Các ngươi đừng rời xa Người kẻo phải sa ngã. Các ngươi là kẻ kính sợ Chúa, hãy tin vào Người và phần thưởng của các ngươi sẽ không mất đâu. Các ngươi là những kẻ kính sợ Chúa, hãy trông cậy vào Người, thì người sẽ lấy lòng từ bi ban thưởng cho các ngươi được hân hoan. Các ngươi là những kẻ kính sợ Chúa, hãy yêu mến Người, và lòng các ngươi sẽ được chiếu sáng.
Hỡi các con, hãy ngắm nhìn các dân thiên hạ, và hãy biết rằng không ai trông cậy vào Chúa mà phải hổ thẹn. Vì có ai sống trong giới răn của Người mà bị ruồng bỏ đâu? Hoặc có ai kêu cầu Người mà Người chê chối đâu? Vì Thiên Chúa khoan hậu và nhân từ, và trong ngày nguy khốn, Người tha thứ tội lỗi; Người là Đấng bênh vực tất cả những kẻ tìm kiếm Người trong chân lý.
Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 36, 3-4. 18-19. 27-28. 39-40.
Đáp: Bạn hãy phó thác đường lối mình cho Chúa, và để chính Người hành động (c. 5).
Xướng: 1) Hãy trông cậy vào Chúa và hãy làm lành, để được cư ngụ trong đất nước, thọ hưởng an ninh. Hãy hân hoan tin tưởng vào Chúa, Người sẽ ban cho sự lòng bạn thỉnh cầu. - Đáp.
2) Chúa chăm lo cho mạng sống người nhân đức, và phần gia nghiệp họ còn mãi muôn đời. Ngày tai hoạ, những người đó không tủi hổ, và trong nạn đói, họ sẽ được ăn no. - Đáp.
3) Hãy tránh ác và hãy làm lành, hầu được an cư tới ngàn thu: bởi vì Thiên Chúa yêu điều chân lý, và không bỏ rơi những tôi tớ trung thành. - Đáp.
4) Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ, trong cơn khốn khó, Người là chỗ dung thân, Chúa bang trợ và giải thoát họ. Người giải thoát và cứu họ khỏi lũ ác nhân, vì họ đã nương tựa vào Người. - Đáp.

ALLELUIA: Tv 94, 8ab
Alleluia, alleluia! - Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 9, 29-36 (Hl 30-37)
"Con Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại". Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.
Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: "Dọc đàng các con tranh luận gì thế?" Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: "Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người". Và Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, rồi ôm nó mà nói với các ông rằng: "Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Thầy".
Đó là lời Chúa.

www.thanhlinh.net (http://www.thanhlinh.net/)

phale
21-02-2017, 12:37 AM
Suy niệm:

Trình thuật Tin mừng hôm nay đã phác họa cho chúng ta thấy bức tranh chân dung thật dễ thương của Đức Giê-su trong vai trò người thầy: Ngài thật hiền từ, nhân hậu và nhẫn nại trong cách đối xử và huấn luyện các môn sinh mặc dù đầu óc các ông xem ra ‘u tối’ và ngu ngơ, xa lạ với những chân lý Ngài mặc khải.

Với sứ mạng thiết lập nước Thiên Chúa ở trần gian, mặc dù bận rộn, vất vả suốt ngày: khi thì cầu nguyện, khi thì giảng dạy, chữa lành bệnh hoạn tật nguyền…, Đức Giê-su cũng vẫn dành những khoảng thời gian rất riêng để dạy dỗ các môn đệ: “Ðức Giêsu và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Galilê. Nhưng Ðức Giêsu không muốn có ai biết, vì Người đang dạy các môn đệ rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và Người bị giết chết, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại." (c.30 – 31). Và Tin mừng cho biết: các ông không hiểu điều đó nhưng sợ không dám hỏi lại Người (x.c.32). Tại sao các môn đệ không hiểu? Có lẽ chúng ta thấy bật cười về sự lố bịch, ngu ngơ, hão huyền của các môn đệ: Khi Đức Giê-su vừa loan báo cuộc khổ nạn, cái chết của người, thì các ông lại tranh dành thấp cao? Bài học về sự khiêm tốn, khổ nhục xem ra khó nuốt, khó hiểu! Thực ra, như những người Do-thái đương thời, các môn đệ vẫn có não trạng, quan niệm về một Đấng Messia đến trong quyền lực và mang lại vinh quang cho dân tộc. Do đó, những điều Đức Giê-su vừa loan báo xem ra các ông không thể dung nạp, cũng chẳng quan tâm và có thể các ông còn cho là hão huyền nữa. Nhưng Đức Giê-su vẫn tiếp tục kiên nhẫn dạy dỗ các ông: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người."(c.35)

Bài học Đức Giê-su dạy, con đường của Người đã đi có lẽ không phải chỉ có các môn đệ Người không hiểu mà nói chung thế gian không hiểu, cả các Ki-tô hữu cũng không hiểu và thậm chí cả những con người thánh hiến tình nguyện bước theo Đức Giê-su ngày nay cũng không hiểu, mà chỉ có những con người biết yêu thương thực sự như Đức Ki-tô mới hiểu được. Bởi vì, ai mà không thích bước trên con đường vinh quang trải đầy hoa; ai mà không muốn được nhìn nhận, ca tụng, yêu mến…. Và có mấy ai muốn chịu thiệt thòi; mấy ai muốn chịu khổ nhục, bách hại; mấy ai muốn đi trên con đường thập giá đầy sỏi đá với những gian lao, đau khổ và có thể mất mạng sống mình! Tuy nhiên, với chân lý nước trời mà Đức Giê-su Ki-tô mạc khải, mọi giá trị dường như bị đảo lộn: «Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người» (Mc 10, 42 – 45). Trong cơ chế xã hội ngày nay, người ta thường thích dùng xảo ngữ: ‘cán bộ là đầy tớ của nhân dân, phục vụ dân và vì dân’ dựa vào lời của Bác Hồ "Cán bộ, đảng viên là người đầy tớ trung thành của nhân dân...". Nhưng thực tế những ‘ông đầy tớ’ này rất khó chiều; và thường những ‘ông chủ’ cứ phải khúm núm, còng lưng, cúi mặt cung phụng và còn bị ‘đầy tớ’ bắt nạt. Trong một xã hội mà ‘kẻ mạnh’ luôn là kẻ chiến thắng, người ta có thể đạp nhau xuống để tôn mình lên thì chuyện hạ mình, phục vụ… chỉ là chuyện của những kẻ khờ khạo, nhu nhược, thiếu bản lĩnh (?). Tuy nhiên, con đường mà Đức Giê-su đi không phải là con đường của kẻ nhu nhược thiếu bản lĩnh. Người đã tự nguyện đi con đường ấy – con đường “phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” là vì Ngài đã sống mầu nhiệm của tình yêu, một tình yêu hoàn toàn vị tha. Thế giới của những kẻ vị kỷ không bao giờ hiểu được tình yêu vị tha. Tình yêu vị kỷ tự tôn, tự cung phụng mình, thỏa mãn chính mình. Còn tình yêu vị tha hoàn toàn vì người khác. Tình yêu vị tha nâng niu, trân trọng, quí mến và phục vụ con người bởi biết rằng con người là hình ảnh Thiên Chúa và mỗi con người là một nhân vị có giá trị không thể thay thế, cho dù con người đó chỉ là một trẻ thơ. Tình yêu vị kỷ chạy tìm hạnh phúc và tưởng mình nắm được hạnh phúc trong tay, nhưng thực tế lại phải gặm nhấm những trái đắng. Còn những người sống tình yêu vị tha trước mắt thế gian xem dường như phải chịu nhiều thiệt thòi, nhưng thực tế họ lại được cảm nhận niềm hạnh phúc và sự bình an của tâm hồn.

Mặt khác, thái độ đồng hóa Ngài với những kẻ ‘thấp bé’ mà đại diện ở đây là một em nhỏ (thành phần mà người Do-thái coi là vô giá trị) của Đức Giê-su: “Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: "Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Ðấng đã sai Thầy"” (c. 36-37) cũng gióng lên cho chúng ta hồi chuông cảnh tỉnh: Những trẻ thơ không được chăm sóc, các thai nhi đang bị giết cách vô tội vạ với sự đồng lòng của mẹ cha, với sự đồng lõa của xã hội…ngày càng gia tăng tới mức đáng sợ trong mọi thành phần, kể cả các Ki-tô hữu, đặc biệt ở Việt Nam. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng xấu này ngày phát triển cũng là do giá trị luân lý đạo đức giảm sút trầm trọng, lòng người ích kỷ, hẹp hòi và kết cục dẫn đến bi kịch. Chúng ta sẽ suy nghĩ và có thái độ nào trước vấn đề này?

Lạy Chúa Giê-su xin cho con một tình yêu vị tha như Chúa,
Để con luôn sẵn sàng dấn thân và phục vụ trong hân hoan.

Xin cho con nhận ra khuôn mặt của Chúa trên gương mặt mọi người,
Để con luôn biết yêu thương và quí trọng;
Để cuộc đời không còn cay đắng bởi những ghét ghen, hận thù nhỏ nhen;
Không còn những bi kịch tổn thương sự sống.

Lạy Chúa, xin giúp con luôn là môn đệ trung thành lắng nghe lời Chúa và trở nên giống Chúa mỗi ngày một hơn. Amen.

Nt. Maria Chinh Anh, OP.
________________________________________________________________________

Mời bạn đọc:
Suy niệm của Bảo_†_Lâm (http:// https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?49217-thu-ba-tuan-vii-mua-thuong-nien-nam-chan.html&p=167830&viewfull=1#post167830)
Lẽ sống ngày 21/2: Người cùi hủi (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?6370-le-song-moi-ngay.html&p=27260&viewfull=1#post27260)