PDA

View Full Version : Suy niệm Chúa nhật 8 Thường Niên A _ SỐNG CHO TRỌN GIÂY PHÚT HIỆN TẠI



thienngadt
24-02-2017, 04:40 PM
SỐNG CHO TRỌN GIÂY PHÚT HIỆN TẠI

https://4.bp.blogspot.com/-GdmtsyqpKcM/WK-mJ8yCNYI/AAAAAAAAKpU/TLQpZlmt99UIiLRHyO7Gz2_0E75LGeQJgCLcB/s400/Copy%2Bof%2BCHUNG%2B1A.JPG



Người ta thường nói: “Hãy sống cho trọn ngày hôm nay”. Hôm nay là gì? Hôm nay là ngày hôm nay và là một ngày đặc biệt. Vì, bản chất của ngày hôm nay không bao giờ có lần thứ hai; ngày hôm nay không phải là ngày hôm qua và lại càng không phải là ngày mai. Nhưng, thời điểm tinh hoa của ngày hôm nay, chính là giây phút hiện tại!


Trong Tin Mừng (Mt 6,24-34) Chúa Nhật VIII Thường Niên – Năm A, Chúa Giêsu khuyến cáo chúng ta thường quá lo lắng cho mạng sống, cho thân thể mình: ăn gì, uống gì, mặc gì, ngày mai sẽ ra sao? (x. Mt 6,25.31).


Chúng ta xác tín rằng, mọi loài được Thiên Chúa tạo dựng và chăm sóc chúng bằng một tình thương đặc biệt, xuyên thấu tận tâm can có thể diễn tả qua ngôn sứ Isaia: “Nào người mẹ có thể quên con mình mà không thương xót chính đứa con mình đã cưu mang ư? Cho dù người mẹ đó có quên, nhưng Ta sẽ không quên ngươi đâu” (Is 49,14-15), và theo thánh Phaolô: “Chúa sẽ đưa ra ánh sáng những điều giấu kín trong bóng tối và phơi bày những ý định của tâm hồn” (1 Cr 4,5). Hơn nữa, Chúa Giêsu đã xác định: “Cha các con trên trời biết rõ các con cần đến những gì” (Mt 6,32).


Thật vậy, Thiên Chúa luôn đặt mọi loài được sống trong sự quan phòng yêu thương của Ngài, và để làm rõ điều này, Chúa Giêsu dẫn dụ về “đời sống” của chim trời, hoa huệ ngoài đồng (x. Mt 6,26-29), qua đó, chúng ta thấy rõ rằng: vì con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa và được Chúa Giêsu cứu chuộc bằng chính giá máu Ngài, nên “phẩm giá con người” cao trọng hơn, được Chúa “chăm sóc đặc biệt hơn” là điều chắc chắn (x. Mt 6,26.30). Thế nhưng, chúng ta cần phải sống theo “phẩm giá con người” như thế nào, để tận hưởng ân tình của Chúa?


Đời người là một cuộc hành trình tìm kiếm và ai cũng muốn nắm giữ đủ mọi thứ, giữ không được thì sinh ra nuối tiếc với bao buồn khổ: yêu thương mà xa lìa thì khổ, oán ghét mà gặp nhau thì khổ, được thịnh hay bị suy cũng khổ, lại thêm sinh – già – bệnh – chết càng khổ, rồi cầu mong không được khổ, nên đã tạo ra trên cõi đời này đầy những bùng nhùng của sự vô định và bất an. Nếu thế thì, phải chăng, đời người là sự bất hạnh vô biên hay là sự bế tắt triền miên?


Trong chuỗi hành động tìm kiếm của con người, chúng ta cần xác định đối tượng và trật tự ưu tiên cho sự tìm kiếm:


Đối tượng tìm kiếm là gì? – Chúng ta không thể làm hai chủ: vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (x. Mt 6, 24). Vậy, chúng ta quyết định: chọn làm tôi Thiên Chúa!


Trật tự ưu tiên tìm kiếm phải là: “Trước hết các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ ban thêm cho các con” (Mt 6,33). Tín nhiệm hoàn toàn vào Thiên Chúa, đừng tìm sự bảo đảm nơi Tiền Của nay còn mai mất và một khi đã cầm lên được thì phải buông xuống được; đồng thời, sự lo lắng thái quá cũng chẳng giải quyết được gì: “Nào có ai trong các con, nhờ lo lắng áy náy mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?” (Mt 6,27). Nói như thế không có nghĩa là, chúng ta sống trong thụ động như là “chim trời hay bông huệ ngoài đồng”, nhưng vì là con người, nên chúng ta phải làm việc để nuôi sống bản thân, góp phần xây dựng gia đình và xã hội. Đó là một sự tích cực “cộng tác vào” công việc của Thiên Chúa, tùy ơn gọi của mỗi người và đây là lãnh vực thuộc về “tất cả những thứ kia, Người sẽ ban thêm cho các con” (Mt 6,33). Như vậy, sự trật tự này chính là nền tảng cho người Kitô hữu trong việc chọn lựa: Thiên Chúa phải chiếm chỗ ưu tiên hàng đầu trong tư tưởng, lời nói và hành động của chúng ta.


Chúa Giêsu đưa ra nguyên tắc sống: “Trước hết các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai. Vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy" (Mt 6,33-34). Đó chính là phương thức “sống cho trọn giây phút hiện tại”.


Lạy Thiên Chúa là Cha,
Chúng con đã biết bao lần quên mất sự hiện diện của Chúa, nhất là khi chúng con mãi mê ngụp lặn trong dòng đời tìm kiếm sự vô thường, tự hạ thấp phẩm giá của mình, để rồi có những lúc chúng con thoi thóp, vật vờ, thất vọng và muốn buông xuôi trong cuộc sống.


Xin Chúa thêm ơn, để mỗi người chúng con biết “sống cho trọn giây phút hiện tại” trong sự quan phòng đầy yêu thương của Chúa. Amen.


LM THANH YÊN