PDA

View Full Version : Tự Truyện “Cuộc đời một người nhiễm HIV / AIDS”,



Rocky
21-11-2008, 02:15 PM
Xin gởi đến anh chị em, một ca tư vấn cho một trường hợp nhiễm HIV/AIDS... pethoang đã giúp cách đây 10 năm... khi còn là một sinh viên thực tập công tác tham vấn cho người có H....kỹ niệm... khai trương phòng mạch tổng hợp...

Chúng tôi đã biên tập lại.. từ gần 200 trang A4, nhật ký trao đổi của 10 buổi trò chuyện.... trong suốt thời gian tiếp cận chia sẻ.... và giúp anh ổn định tinh thần, chấp nhận cuộc sống thực và thay đổi...

Gởi đến mọi người ...như một chia sẻ.. một lời tâm tình... mà người đã khuất gởi gắm... Cùng là lời Tri Ân Thiên Chúa đã thương biến đổi người bệnh nhân này, bằng Tình yêu và Đức Tin....
xin tri ân... tri ân... ngàn lần tri ân Chúa...

:118::118::118::118:



LỜI NGỎ
Tự Truyện “Cuộc đời một người nhiễm HIV / AIDS”, là ước vọng của anh V, một người nhiễm HIV giai đoạn 3 ( cận AIDS ), thành hiện thực. Anh muốn kể lại cuộc đời của mình để chúng tôi ghi lại... ”Nó cần cho Hoàng trong công việc chăm sóc người nhiễm lắm đó...”, anh đã nói với chúng tôi như vậy, trong một lần chúng tôi đến nhà thăm anh. Tự Truyện “Cuộc đời một người nhiễm HIV / AIDS”, là kết quả của việc áp dụng phương pháp và kỷ thuật nghiên cứu Xã Hội Học, bằng phỏng vấn tự truyện của chúng tôi. Ngoài ra, Tự Truyện “Cuộc đời một người nhiễm HIV / AIDS” còn là kết quả của việc áp dụng các kỹ năng Công Tác Xã Hội, mà chúng tôi được học và thực tập trong bộ môn Công Tác Xã Hội..

DẪN NHẬP

ĐIỂM QUA THƯ TỊCH:

Đọc qua các tài liệu liên quan đến HIV / AIDS, mà chúng tôi có được, chúng tôi thấy có tập truyện “Giá như...”, là truyện kể về năm bệnh nhân AIDS và một góa phụ của Nguyễn Nguyên Như Trang, đây là công trình của những nhà Công Tác Xã Hội chuyên nghiệp. Chúng tôi không có tham vọng sánh vai cùng các bậc thầy của mình, nhưng từ những mẩu truyện và những thông tin kiến thức đi kèm theo những minh họa, chúng tôi rút ra được những kinh nghiệm quí báu chuẩn bị cho phỏng vấn tự truyện của mình.

Rồi, chính từ nền tảng triết lý của ngành Công Tác Xã Hội là: “Con người có những nhu cầu giống nhau nhưng mỗi con người là một cái gì độc đáo, không giống người khác”. Nguyên tắc này, đã khuyến khích chúng tôi thực hiện phỏng vấn Tự Truyện “Cuộc đời một người nhiễm HIV / AIDS”, dù đã có nhiều phỏng vấn tự truyện mà đối tượng nghiên cứu cũng là bệnh nhân AIDS và được thực hiện bởi những nhà chuyên nghiệp. Đồng thời chúng tôi cũng cố gắng tìm cái khác biệt độc đáo nơi Anh V.

Ngoài ra, chính thực tế nhu cầu muốn được kể lại cuộc đời của mình của Anh V, đã đưa chúng tôi tới quyết định chọn anh, một thân chủ của mình làm đối tượng nghiên cứu. Một sự chọn lựa có lợi và thuận tiện cho sự cùng tham gia của cả hai. Và các ghi chép của chúng tôi về các cuộc vấn đàm trước đó của mình với Anh V, là những tư liệu quan trọng, cung cấp thông tin để chúng tôi dễ dang xây dựng mô hình phân tích, chuẩn bị các câu hỏi phỏng vấn, và cũng là cơ sở để chúng tôi so sánh đối chiếu khi phân tích tự truyện.

GIỚI THIỆU ĐÔI NÉT VỀ ANH V.

Anh V là một người nhiễm HIV / AIDS, đã tới thời kỳ thứ 3 ( giai đoạn cận AIDS ), thường sốt mỗi ngày, bị lao khớp chân, đi khập khểnh đau nhức. Học đến lớp 9 thì bỏ học, dính vào Ma Túy dẫn đến nghiện ngập – giang hồ – tù tội – cai nghiện – tái nghiện rồi cai nghiện... nhiễm HIV, lao... lại cai nghiện và điều trị lao, và thử nghiệm AZT tại Bệnh viện Bình Triệu. Hiện anh đã về nhà ở với gia đình bố mẹ và em gái được 1 năm, và tiếp tục điều trị lao khớp ( lãnh thuốc tại địa phương ). Anh đã bỏ Ma Túy và đang cố gắng chứng minh với gia đình điều đó. Vợ anh cũng là người đồng cảnh, họ lấy nhau trong thời gian ở nông trường Phú Văn, rồi hoàn cảnh đưa đẩy, họ đã phải xa nhau. Hiện tại anh đã mất liên lạc với vợ.

Việc anh kể lại cuộc đời của mình cho chúng tôi, theo anh đó là việc làm có ý nghĩa rất lớn đối với anh. Anh thấy mình vẫn còn hữu ích cho xã hội, và cho chúng tôi, người đã hiểu anh và hỗ trợ phần nào cho anh lấy lại niềm tin vào cuộc sống và niềm tin của gia đình đối với anh. Và anh coi Tự Truyện như là của hồi môn anh gởi lại cho chúng tôi. Anh cũng yêu cầu chúng tôi giữ lại 2 cuốn băng thâu hôm phỏng vấn tự truyện để kỷ niệm và hơn thế nữa “thấy vật nghe tiếng là thấy người”, đó là lời anh nói trước khi kết thúc buổi tự truyện.

Theo yêu cầu của anh, mọi tên tuổi liên quan, chúng tôi đều không nêu ra ở trong Tự Truyện này.

MỤC ĐÍCH CỦA TỰ TRUYỆN:

Tự Truyện ”Cuộc đời một người nhiễm HIV / AIDS” đáp ứng 3 mục đích thực tế sau:

Thứ nhất, đây là đề tài nghiên cứu xã hội để chúng tôi hoàn thành môn học Phương pháp và Kỹ thuật nghiên cứu xã hội.

Thứ hai, Tự truyện là cơ hội để Anh V kể lại cuộc đời của mình, theo phương pháp phỏng vấn sâu,...

Thứ ba, qua tự truyện chúng tôi áp dụng lý thuyết vào thực tế nghiên cứu, đem lại cho những kinh nghiệm quí báu trong nghiên cứu xã hội, và cả trong công tác tham vấn, chăm sóc cho ngưới nhiễm HIV / AIDS mà chúng tôi đang tham gia.

Ngoài ra Tự truyện còn là thông tin truyền thông của Anh V với cộng đồng, và chúng tôi chỉ là nhịp cầu nối truyền thông, như ý của Anh V đã gởi gắm.

NỘI DUNG TỰ TRUYỆN

Anh có thể kể cho em nghe đôi diều về thời trai trẻ của anh...

Khi tui bắt dầu bước vào tuổi 15, bắt đầu hiểu biết, tôi còn nhớ mang máng lúc đó tui đang học lớp nhất, hay sao đó, thì coi như là quăng cặp sách, chơi với bạn bè, cũng có những thú vui như xem xi-nê, đánh lộn, đánh lạo... rồi đôi lúc cũng bị cha mẹ la rầy nữa. Thành ra là mình có ý nghĩ khác, có thể nói là tự lập, vì rằng bản thân cũng coi như là sắp trưởng thành, có thể lo liệu được cho mình ngày hai bữa cơm và tạo cho mình một thế đứng trong xã hội.

Năm tui 16 tuổi, tui có gặp một người bạn, và trong một buổi nói chuyện, thì anh ta biểu tui: “Làm thử một điếu, rồi đời mình cảm thấy khoái lạc hơn”. Và tui đã “làm thử”. Tui liên tục ói mửa cả ba, bốn ngày sau đó. Khi nhìn lại cái thứ ấy, tui cảm thấy rất sợ, nhưng rồi chỉ trong một tuần lễ sau, tui thấy nó phấn khởi và muốn trở lại con đường đó. Tui đến rủ anh bạn đó tiếp tục. Và sau mấy tháng dài thì tui tự động đi kiếm. Tui cứ chơi như vậy, liên tục trong 2 năm mà chưa biết là mình ghiền... Mặc dầu lúc đó tui cũng khá nhận thức và hiểu biết về cuộc sống, nhưng có cái không ngờ...

Anh không ngờ điều gì vậy ?

Điều tui không ngờ là tác hại của Ma Túy, khi vào con đường hút chích là lúc tui bắt đầu lăn lộn vào cuộc sống giang hồ sa đọa: có máu giang hồ, đâm chém, đánh lộn... Tôi nói như vậy có sao không ? ( Anh dừng lại hơi đột ngột và hỏi tôi )

Không có gì ngại đâu, xin anh cứ tiếp tục...

... Tui cảm thấy có máu giang hồ, không phải xuất phát từ trong gia đình, mà tự riêng tui. Tui nghĩ: mình là một nhân vật phải cho mọi người hiểu biết về mình. Từ đó, tui bắt đầu dùng hai tiếng “giang hồ”, coi như là tự lập, và sống cái cuộc sống va chạm xã hội bên ngoài. Lúc đó, tui cũng đã trở thành một nhân vật có tiếng tăm trong xã hội, với biệt danh là “V. chém mướn”. Suốt quá trình lăn lóc, giang hồ, bụi đời, xì-ke, tui càng ngày càng hoàn toàn dính vào Ma Túy. Nhưng bản thân tui chưa biết ghiền là gì ? Chỉ biết sử dụng vậy thôi. Và chưa bao giờ bị vật vã, tại vì có cắt cơn đâu mà biết. Không vật vã sao ghiền ( đoạn giải thích này anh nói lớn, khẳng định, như muốn biện hộ cho việc làm của mình ).

Vậy ghiền là vật vã vì thiếu thuốc ?

Đúng ! Ghiền là phải vật vã, không vật vã sao nói là ghiền được ?

Rồi sau đó...

... Năm 18 tuổi, coi như trên trường đời tui đã khá chững chạc, nhưng suy nghĩ của tui chưa hẳn hướng tới một sự nghiệp hơn ai... Lúc đó tui bỏ học... Gia đình cha mẹ, anh chị khuyên lơn, nhưng đường tui, tui đã chọn, thì coi như là tui phải thực hiện. Gia đình tui cũng không muốn cho con mình bước vào con đường ghiền ( anh giải thích ), nhưng lúc đó, cái chuyện tui “hút chích” thì gia đình chưa biết đâu ! Suốt thời gian dài, chơi với băng này, băng kia, đâm ra mỗi ngày tui càng đi vào trụy lạc sa đọa.

Rồi sao nữa ?...

... Tới năm giải phóng, tui còn nhớ ngày 30.4.1975, lúc đó tui độ 18 tuổi, tiếp nhận một chế độ thay đổi. Chế độ mới... ( anh nói ngập ngừng ), thì mình có hiểu mấy đâu, mà chỉ nghe phong phanh vậy thôi, ngầum sống được ngày nào hay ngày đó. Lúc đó, gia đình cũng hỗn loạn, mọi người thì sợ và mạnh ai nấy chạy, mạnh ai nấy làm, vì ai cũng sợ đói.

Và anh lúc đó làm gì ?

Tui tới các tòa nhà tỉnh trưởng này kia ( nhà của các quan chức chế độ cũ ), cho em út khiêng gạo, khiêng đồ đạc. Đột nhập... vơ vét... đem bán... chia xài. Suốt một đoạn đường như vậy, mà gia đình tui cũng chưa hay biết.

Anh có thể giải thích rõ hơn...

Gia đình không biết gì cả, không biết tui là cái thằng hút chích, đâm chém này kia. Bởi vì, chỉ thấy tui hiền từ, ở nhà cu rú, không chửi thề, không đánh lộn. Nhưng mà ở ngoài tui có tánh khác !

Càng ngày tui càng bước sâu vào con đường tội lỗi ( anh kể nhỏ lại với vẻ hối hận ). Cho đến một ngày, trong tháng 8 năm 1975, thì tui có lệnh tập trung đi cải tạo. Khi chính quyền đến nhà tui đọc án, thì gia đình tui mới vỡ lẽ ra, thì lúc đó đã muộn rồi... !

Với cái tuổi đời của tui lúc đó, nói về hiểu biết cũng chưa, nói về sành sỏi cũng chưa, nhưng mà phải bước vào con đường tù tội... Tui được đưa lên Băng-ky, Bình Thạnh 6 tháng. Khi bước vô đó, cái máu của tui, cái tánh của tui cũng như ngày nào, từ một thằng mới vào, tui leo lên làm trật tự an ninh phòng... Rồi đi Long Giao... ở 3 năm lại chuyển đi Bố Lá ở 2 năm... Tại Bố Lá, tui được lệnh tha, tui trở về gia đình.

Lúc đó, cuộc sống hoàn toàn khác, không còn như xưa nữa. Và tuổi tui cũng đã lỡ làng rồi, hai mấy tuổi đời không nghề nghiệp, không dự định tương lai... Chấp nhận với cuộc sống và tui chỉ thấy một con đường duy nhất là trở lại với Ma Túy.

Anh trở lại với Ma Túy sau mấy năm ở cải tạo không còn sử dụng ?

Tại tui không bị “zật” lần nào cả.

Cả lúc ở trong trại cải tạo ?

Ở trên đó tôi có bị “zật”, nhưng cái “zật” nặng của tui là không phải “zật” về Ma Túy, mà “zật” vì cuộc sống, lúc đó mình phải đấu tranh để kiếm cơm, có như vậy mới đủ sức lao động. Cái “zật” Ma Túy của mình bị quên đi, cho tới lúc tui trở về gia đình. Tui đã trở lại với Ma Túy, nhưng chưa hẳn tui đã biết mình ghiền.

( Anh V hiểu ghiền là bị “Zật” vì thiếu thuốc ! Nhưng thực sự ghiền là gì ?... )

NGHIỆN ( Người Nam Bộ gọi là GHIỀN ). Đối với ta, khi nghe nói đến “Nghiện” mọi người đều hình dung được tính chất trầm trọng của vấn đề. Nhưng đối với tiếng nước ngoài, trước đây một số từ ngữ dùng để chỉ trạng thái này rất hàm hồ, không rõ nghĩa, thiếu sự chính xác. Thí dụ như Anh, Mỹ gọi là DRUG ADDICTION, Pháp gọi là TOXICOMANIE. Hiện nay,Tổ chức Y tế thế giới ( WHO ) đã đề nghị dùng một từ thống nhất mà muốn dịch sang tiếng nước ta là LỆ THUỘC THUỐC ( Anh, Mỹ: DRUG DEPENDANCE, Pháp: PHARMACO-DEPENDANCE ) và cho định nghĩa như sau:

“Đó là tình trạng lệ thuộc về mặt tâm thần hoặc về mặt thể chất hoặc cả hai. Khi một người dùng lập đi lập lại theo chu kỳ hoặc dùng kéo dài liên tục một thứ thuốc, và tình trạng lệ thuộc này làm thay đổi cách cư xử, bắt đương sự luôn luôn cảm thấy sự bức bách phải dùng thuốc để có được những hiệu ứng về mặt tâm thần của thuốc, và thoát khỏi sự khó chịu vật vã do thiếu thuốc. Tình trạng lệ thuộc này có thể kèm theo hiện tượng quen thuốc ( tolerance ) hoặc không. Cùng một người có thể bị lệ thuộc nhiều thứ thuốc”.

Do tình trạng lệ thuộc thuốc tùy theo thuốc sử dụng có mức độ nặng nhẹ khác nhau, WHO đề nghị cần làm rõ tính chất lệ thuộc bằng cách nêu rõ lệ thuốc theo kiểu nào. Thí dụ: lệ thuộc thuốc kiểu morphine ( đây chính là nghiện Ma Túy ), lệ thuộc thuốc theo kiểu Amphetamine, lệ thuộc thuốc kiểu Barbiturate...

Như vậy nếu theo đề nghị của WHO, ta sẽ dùng từ LỆ THUỘC thay vì NGHIỆN, dùng từ LỆ THUỘC MA TÚY thay vì NGHIỆN MA TÚY. Tuy nhiên theo thiển ý, ta vẫn nên dùng từ NGHIỆN vì ở ta từ này dùng đã lâu, được mọi người chấp nhận và cảm nhận được tính chất bi đát toát ra từ từ này. Đặc biệt khi nói về Ma Túy, người ta cần nhấn mạnh sự lệ thuộc hoàn toàn, cả về mặt tâm thần lẫn thể chất, ta nên dùng từ NGHIỆN, và hiểu NGHIỆN theo từ LỆ THUỘC mà WHO đã định nghĩa”

( Đến đây Anh V yêu cầu nghỉ xả hơi giữa chừng để bàn bạc trao đổi thêm về mục đích, yêu cầu của buổi phỏng vấn tự truyện... )

Rocky
21-11-2008, 02:17 PM
kỳ 2 : Tự Truyện " Cuộc đời một người nhiễm HIV"



( Anh V. tiếp tục kể ) ... Năm 1981, gia đình tui biết tui sử dụng Ma Túy, mới gởi tui vào trường. Khi tui vào đó, tui chỉ nghỉ là cai một thời gian rồi hết, rồi làm lại cuộc đời, chứ không nghĩ gì hơn. Nhưng rồi, tui thấy trong đó, tất cả những người đã từng trải qua ăn chơi, đàn anh đàn chị đủ hết trơn, có hết ! Đâm ra cuộc sống của tui ngày càng đụng chạm và va vấp với đời hơn. Tui cố gắng phấn đấu, từ một trại viên bình thường... trở thành một cán bộ được cấp trên ở nhà trường yêu mến, rồi được cắt làm Phòng Kỷ Luật. Suốt thời gian tui ở Bình Triệu, cơn vật vã nó lại đến với tui, và tui cũng thấy nhiều cơn vật vã của anh em ở trong trường... Và rồi tui cũng trở thành một cán bộ chân chính của nhà trường. Từ lớp này đến lớp khác, tui giúp anh em làm lại cuộc đời, và bằng cả thủ đoạn cũng có, để với hai bàn tay tự lập, tui có thể sống trong con đường cải tạo như vậy.

Anh có thể nói rõ hơn về những cơn vật vã của anh, và những thủ đoạn của anh đã dùng để thu phục anh em ?

Khi tui vật vã, ngày đầu tiên tui cảm thấy khó ngủ, ói mửa, sốt tiêu chảy... Những bệnh này từ hồi đó đến giờ mình đâu có. Tui thắc mắc tại sao nó như thế này ? Và cái đau đớn nhất là trong thân xác, trong xương tủy như có giòi nó bò, nó đục đau nhức. Suốt ròng rã hai tháng trời, mỗi đêm tui cứ đi trên hành lang, quấn một cái mền vì không thể ngủ được, mắt thì muốn ngủ, mà mình mẩy đau nhức, bứt rứt khó chịu, và chung quanh là bốn bức tường, tui chả biết làm gì, chỉ biết chịu đựng và đau đớn... Tui thèm khát đủ thứ: đường, sữa, thuốc lá... tức là mọi thứ nhu cầu ăn uống cá nhân. Gia đình thì coi như là bỏ rơi tui rồi, thành thử tui coi như là cay đắng, tuyệt vọng và không biết ngày nào trở về ( anh giải thích thêm: vì lúc bấy giờ đi cai không có quyết định, không có ngày tháng và biết khi nào mình tốt để được về ).

... Rồi tui cũng lấy được thể trạng, sức khỏe và được một anh bạn giới thiệu qua bên Bảo Vệ để làm công tác quản lý học viên, gác xách. Lúc đầu mới đến tui ngồi gác, nhờ cái nhạy bén và lanh lẹ của tui, Ban Giám Hiệu chiếu cố đưa tui lên làm Trung Đội Trưởng, được hai tháng, lại bố trí tui qua Ban Chỉ Huy khu vực phòng. Lúc đó cái danh xưng của ban điều hành trong đó gọi là Ban Chỉ Huy Khối Giáo Dục Chính Trị, thì tui là Phó Khối, Phó Khối về Tuyên Huấn Giáo Dục, nghĩa là huấn luyện lại số anh em cùng cảnh ngộ với mình ( đem những cái hiểu biết, cái “học thức” về tính cách giáo dục của nhà trường )...

Thời gian tui ở đó, thì tui va chạm rất nhiều đối với số “giang hồ”, rất dữ dằn: xâm rồng, xâm rắn... đại khái là “Đại Bàng”. Nhưng đối với tui, thì tui nghĩ là bình thường, bởi nhiều khi ( vì là con người mà ), người ta túng quẫn quá hay là như thế nào là họ sẽ liều. Đối với tui thì xử lý theo cách tình cảm, sau đó lồng thêm vào đó cái tổ chức, cái gì cũng phải đi đôi, không thể ép người ta được. Sau một thời gian như vậy, thì anh em nguyên khối mến tui..

Cứ thế mấy năm sau, lúc đó coi như là cứ 10.000 người có thể biết tui hết 9.000, nghĩa là uy tín của tui đã có... Và theo suy nghĩ của tui, thì tui đang giúp anh em trở về với gia đình. Trong khi anh em vào vật vã, đau đớn cũng như tui ( trước đây ), thì tui giúp trở lại bằng cách động viên, nhắc nhở, nâng đỡ cả vật chất lẫn tinh thần, tạo điều kiện cho một số anh em mau lấy lại thể lực, trở về lại với con đường lao động.

“Vào đây ha, ( anh kể lại nội dung một lần tuyên huấn cho anh em ở trại ), anh em chỉ có hai con đường: một là khỏe mạnh để đi lao động, hai là trốn, mà trốn thì hậu quả khó lường, khi bị bắt được thì khác hẳn ngày mới vô. ( Anh dằn giọng ) “Zô” đây không ép, không xử... tùy anh em ! Anh em còn nghĩ tới vợ con, cha mẹ thì trước mắt anh em phải cần ăn, cần ngủ, học nội quy cho tốt, để có thể lực... cố gắng học tập, lao động để thành con người tốt, để sớm trở về chính thức với gia đình, vợ con...” Những gì tui nói với anh em đây, cũng như trước kia tui cũng có suy nghĩ như vậy (tui cũng muốn trốn trại ), nhưng từng bước, từng bước tui hiểu và nhận thức được. Và tui cũng lặp lại là: “Sau nhiều lần các anh đi, các anh trở lại thì tui vẫn là tui ở đây tiếp anh em. Mấy anh không thay đổi thì dù mấy anh có trốn như thế nào thì mấy anh cũng phải trở lại đây gặp tui. Vì tui là trụ cột ở đây mà !... Còn mấy anh mà ( lên giọng và nhấn mạnh ) ra khỏi con đường ghiền, trở lại con người tốt, mấy anh bỏ được Ma Túy, mấy anh làm lại cuộc đời được, mấy anh có vợ đẹp, con ngoan, mấy anh có nhà lầu, xe hơi. Mấy anh nghĩ lại mà trở về trường gặp tui, thì tui vẫn hai bàn tay trắng”... Ừ tui ở lại trường, tui là trụ cột ở đây mà ! ( Anh lặp lại khẳng định ).

Thời gian anh làm trụ cột đó được bao lâu ?

Khoảng 10 năm, biệt danh tui là “Con Hùm Xám Fatima” mà ! Ở đó có biệt danh là Fatima, còn tui là “Con Hùm Xám Fatima”. Có nghĩa là giang hồ gốc cỡ nào cũng vậy, vô là tui triệt hết. Dập rồi nâng lên chứ không dập rồi đạp. Cái cách xử của tui là vậy, trời phú cho tui vậy. Tui đâu phải là cái thằng coi như là: Anh Đại, Anh Thế, Anh Cái, Anh Tý... nổi danh sống về làng dao búa, đâm chém giết người để giành giật cuộc sống. Tui thì khác, xuất thân là một thằng học sinh thôi, và từ một gia đình lao động, chữ nghĩa thì không cao, máu giang hồ thì không khá, chỉ gọi là chút đỉnh vậy thôi. ( Anh lên giọng kiểu thách thức ) Nhưng máu tui cũng mầu đỏ như ai. Cũng có máu đi chơi thì dứt khoát mỗi người cũng có lá gan, nhưng mà không biết lá gan ai lớn hơn lá gan ai. Thành thử tui làm công tác này, thì tui chấp nhận hậu quả hết. Bởi vì tụi nó không ưa thì tụi nó lụi mình... Tui dằn mặt: “Tui làm đây, thì với cái tâm của tui, còn anh em muốn nghĩ như thế nào thì cũng được. Nếu anh em tốt, thì tui sẽ tốt lại. Còn nếu anh em muốn hại tui, thì điều đó anh em hiểu rồi: có nghĩa là, anh muốn giết tui mà giết không được, thì tui giết anh. Cái quy luật nó bắt buộc chúng ta là phải như vậy ! Tui tha anh hoài mà anh, anh cứ rình giết tui hoài thì đâu có được ? Cái suy nghĩ của tui vậy đó, anh em phải cố gắng... Còn nếu tối ngày mà cứ âm mưu vây cánh phe đảng thì...”

( Anh giải thích cho tôi sau một hồi diễn lại bài giảng huấn ):

Tui dân Bình Thạnh, một mình một ngựa, không có vây cánh. Còn trong đây, lúc đó tập trung tất cả các quận huyện, thì quận 4 là đa số ( năm trăm mấy ), quận 3 ( hai trăm mấy ), quận 1, quận 5... Còn các quận chữ: Bình Thạnh, Phú Nhuận... không có “số má” gì hết, không có “gam” nào trong làng dân chơi. Anh hiểu ý tui không ? ( Anh hỏi và tự trả lời ) Có nghĩa là quận số là nó nổi à, còn tụi quận chữ mà zô là “goánh” chết... ( anh kể thủ tục nhập phòng ):

“Ê mầy ở đâu zô mầy ?” ( Ma cũ ) “Em ở Thủ Đức.” ( Ma mới ) “Goánh chết mẹ nó tao !” (đàn anh ra lệnh )

... “Còn mầy ở đâu, mầy ?” ”Em ở huyện Bình Chánh.” “Goánh chết mẹ nó tao !” “Quận Phú Nhuận, Bình Chánh thì goánh chết mẹ nó tao !”

... Còn “Em ở quận 4 anh.” “À, quận 4 phe ta, đi qua !” ... ”Àh, quận 1 phe ta đi qua... quận 3...”
Quận “số” là vậy, còn quận “chữ” là chết. Không có máu giang hồ mà sống giữa giang hồ, anh hiểu không ? Là nó sẽ dập !

( Anh tiếp tục bài giảng huấn )

“Tao nói tụi bây !“ Ở đây nói với anh thì hơi ấy... ( anh nói và nhìn tôi ngần ngại )

Không sao, anh cứ kể tự nhiên...

“... Nhưng mà đối với tao, tao nói cho tụi bây biết: cuộc sống của tao một mình thôi, dám làm dám lãnh. Tao chấp nhận hậu quả đến với tao. Nhưng ngược lại, một khi muốn hại tao mà tao phát hiện được ( anh dằn giọng ) là cá nhân đó tao giết trước. Thà rằng tao phụ tụi bây, chứ không để tụi bây phụ tao. ( Anh xuống giọng hơi dịu lại ) Nhưng mà con người ai cũng có cái đạo đức, cái tình cảm. Cái đạo đức đi đầu hết để tụi bây đi lên... Còn không thì chỗ tao ngủ đây, tụi bây biết rồi chứ gì ?... Còn cán bộ ở đây, là cán bộ tập huấn, nghĩa là cũng từ tụi bây ra thôi, không hơn không kém, và cũng ở chung phòng vậy. Có khác là chỗ tao có rộng hơn, tao ngủ có rộng hơn; bây ngủ không có chiếu, tao có chiếu. Nó rõ ràng vậy, thấy không ? Còn tụi bây muốn như vậy thì dễ, phấn đấu đi, thì sẽ được như tao. Tụi bây đừng nghĩ rằng: mình ngủ zậy, ông ngủ như zậy ! Đây là tù ! Không phải là xí nghiệp, đâu phải là trường đại học ! Tù ! Ngày xưa người ta nói: “Tù cha ăn hiếp tù con”, chứ ở đây rõ ràng không ăn hiếp, ăn đáp gì cả. Sống như vậy là để phân biệt rõ ràng, rắn phải có đầu. Còn tụi bây cảm thấy không phục thì quất tao... tao nằm đó ! Thì tao cũng ngủ thôi, tao đâu thần thánh gì mà thức hoài. Nhưng tụi bây nên nhớ, tụi bây “quất” không được thì dẹp, đừng có nửa nạc nửa mỡ...”

Qua một thời gian như vậy, trong cuộc sống thì nó cũng tốt, anh em giúp đỡ nhau... Người thân là anh em trong này, còn tình thương của gia đình đối với tui mất rồi. Bởi vậy, tui chọn ở đây luôn.

Anh ở trong đó suốt 10 năm, cho đến năm 1991, rồi sau đó đi đâu ?

Không phải vậy, trước đó tui có đi, năm 83 hay 84 gì đó, tui bị kỷ luật, tui có dẫn một số anh em đi công tác, số anh em đó bỏ trốn... Tui về, tui nhận kỷ luật, và bị đưa đi Duyên Hải. Ra Duyên Hải, tui có gặp lại anh em bạn và được giúp đỡ, tạo điều kiện cho tui tấn tới. Nhờ vậy tui cũng chỉ làm bảo vệ thôi. Sau 6 tháng kỷ luật, tui được nhà trường rút về lại. Khi tui trở lại trường, thì đã khác... Tại vì mình cả, cái gì nguyên vẹn thì nó cũng hay hơn, còn nó đã sứt mẻ thì đâm ra tư tưởng nó không tốt...

Rồi tui quen với một người con gái, tên cô ta là ĐNN. Hai đứa chúng tôi có tình cảm với nhau, giúp đỡ, thương nhau... Bắt đầu từ đợt chiến dịch ngày 27.4.1984, thì tui quen cô học viên ấy ( anh giải thích thêm cho tôi: trong số cả 1.000 cô học viên ở trong trại, thì cứ 10 cô đã có 9 cô thích tui )... Khi ấy Ban Giám Hiệu đưa lên bàn cân: nếu để cô này lại thì tui sẽ gãy, bắt buộc ( anh lên giọng ) phải đưa cô này đi... Bởi vì lúc đó tui là trụ cột mà... khó kiếm được một người như vậy. Và như vậy là cô nàng bị đưa đi. Vì quá thương, tui đăng ký Ban Giám Hiệu xin đi theo, đi lên nông trường Phú Văn. Họ quyết định là nhốt tui và phải kỷ luật... Ba hôm sau khi đoàn xe đi Phú Văn, tui được trở ra, họ bố trí tui về bên Tổ Bảo Vệ, làm “Trung đội Trưởng Trung Đội Bảo Vệ” ( anh lên giọng mạnh ) có nghĩa là quyền sinh sát hết ở trường là tui. Trên Ban Giám Hiệu, dưới là tui. Mọi sự đi đứng, thăm nuôi, đồ ăn, tiền bạc... nói chung hết, đều trong tay tui... Cho thăm hay không cho thăm là quyền của tui... Vì Ban Giám Hiệu đã chỉ đạo: “Anh toàn quyền giải quyết. Anh thấy được thì “được”, chứ không phải mọi chuyện là anh phải chạy vào hỏi Ban Giám Hiệu !” Có nghĩa là trên Ban Giám Hiệu dưới là tui ( anh lặp lại khẳng định )... Kéo dài như vậy được 2 tháng, lúc đó người tui quen đã đi Phú Văn (anh lặp lại )... Ở trên đó cực khổ quá, rừng rú, đi làm dầm mưa dãi nắng, cô nàng viết thư “gởi về anh”, tui thường xuyên nhận thư và gởi thư... thương... vì lúc đó mình yêu rồi mà ( anh kể vui vẻ, nét mặt rạng rỡ hạnh phúc )... Rồi bắt đầu chi phối, đêm nằm tui suy nghĩ, nhớ nhung... Tui thường gởi đồ lên cho cô nàng... và ít tiền coi như để tiêu. Nam thiếu thốn gì cũng được, còn mấy người nữ, “nó” có nhiều chuyện cần phải giải quyết, thành thử phải có tiền...Lúc đó tui không nghĩ gì chuyện gia đình, đúng là như vậy... Kéo dài như vậy một thời gian, cuối cùng tui quyết định đi, đi lên Phú Văn... Tui nói quyết định của tui với một đứa lính của tui.

Nó hỏi: “Ý anh sao ?”

“Giờ mày tính sao ?”

“Em cũng có cô bạn ở trển, anh sắp xếp cho em lên, em đi với anh luôn.”

( Tui suy nghĩ rồi hỏi nó ): “Ý mày muốn vậy phải không ? Không hối hận chứ gì ?”...

Rồi hai đứa tụi tui trốn, về Sài-gòn, là tụi tui “chích choác” cho đã hai, ba bữa. Sau đó hai anh em mới đón xe đi Phú Văn... Lên đó, nói chung, tui cũng chưa biết là thế nào ? Nhưng đã quyết đi là đi... Lên đó, gặp người quen, lính cũ của mình không à ! Tại vì đều từ Fatima lên mà.
“Em là NVH, em là cán bộ ở đây. Anh cần gì không ?” “Giúp tao nhập quân số đây đi !“



Anh hiểu không ? Tui xin nhập quân số, đăng ký học viên bình thường...

Năm đó là năm nào vậy anh ?

...Năm 86,... 86 hay 87 gì đó. Tui vừa lên, cô nàng nghe tin là ra đón liền; cô nàng mừng lắm... Nhập quân số xong, tui về trường giống như học viên bình thường thôi, nhưng được ưu tiên hơn chút xíu, mình thuộc diện trình diện mà, tui không phải làm chung với anh em, mà họ giao chỉ tiêu, làm xong là nghĩ. Công việc lúc đó của tui là chặt nứa, mỗi ngày 50 cây... Đối với dân Phú Văn thì chỉ cần một giấc ngủ trưa ( tức chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ, anh giải thích thêm ) là hoàn chỉnh, còn tui thì biết chặt làm sao đâu ? Cầm cái rựa cũng chưa vững... Tất cả mọi sự đều không biết. Nhưng mà người ta làm được, tui làm được, tui nghĩ vậy... Cái cô vợ tui thương tui quá, vừa đi làm, vừa vào rừng chỉ cho tui ( ngoài giờ ) chặt thế nào ? Chẻ lạt thế nào ? Bó ra sao cho nó khỏi sút ? Rồi vác về như thế nào ?... ( Anh xuống giọng tâm tình xúc động ) Chúng tôi nương tựa nhau vậy... Cái tình muốn chia sẻ với nhau, chủ yếu là tình cảm, sống chết có nhau, còn chuyện ăn nằm là chuyện bình thường... Cái tình là chính, cái lòng đối với nhau ấy... ( anh lên giọng ) Đối với tui, khả năng của tui không phải là làm như vậy, suốt ngày chặt cây, chặt nứa, nếu vậy tui không lên đây đâu. Nhưng lúc đầu phải vậy...

Rồi qua truyền tụng của anh em, người này người kia: “Cái anh đó hồi ở trường ( Fatima ) làm bảo vệ suốt mấy năm”... Nhà trường biết 100 người, 200 người lao động gì cũng có, nhưng người ta cần một người biết điều động... Và họ kêu tui lên giao cho tui thành lập, điều động đội bảo vệ, trước đó chỉ là tổ bảo vệ... Tui diễn giải cho họ cách tổ chức, phân công, quản lý và điều động đội viên theo cách của tui... Họ đồng ý và giao cho tui khâu tuyển người, đưa lên họ ký... Tui về lập hồ sơ tổ chức phân đội: Phân Đội Trưởng, Phân Đội Phó, Thư Ký... rồi các Tổ Bảo Vệ và lính. Phân Đội Bảo Vệ tách ra ngoài, ngang hàng với các phân đội khác trong nông trường, lính của tui ở bên ngoài hết, không xâm nhập vào bên trong. Đưa lên họ ký liền ( anh lặp lại )... chấp nhận thôi, ký thôi. Họ cấp vật tư cho tui dựng nhà cho Phân Đội Bảo Vệ, và giao cho tui toàn quyền điều động... Tui điều động anh em đi chặt cây, xây dựng nhà cửa, phòng làm việc ra phòng làm việc, phòng ngủ nghỉ ra phòng ngủ nghỉ...

Rồi sau đó tui tính tới chuyện của mình, tui mới nói: “Tui có cô bạn gái...zậy... zậy... hai đứa quen nhau, bây giờ tạo điều kiện cho cho tui, tui sẽ giúp lại để thực hiện tốt công việc đảm bảo quân số và làm việc lâu dài”. Họ chấp nhận thôi, ký liền... Ban Giám Đốc đồng ý, và hai tụi tui coi như là người phá kỷ lục đầu tiên ở nông trường; tụi tui làm nhà dính bên hông sam bảo vệ luôn. Tui vừa làm việc vừa phụ vợ tui buôn bán cải thiện thêm...

Nông trường cũng cho học viên đăng ký kết hôn ?

Tụi tui phá kỷ lục mà, có đăng ký kết hôn đàng hoàng, ra xã đăng ký, làm hôn thú nghiêm chỉnh... Anh em cũng tổ chức đám cưới: làm con gà, con vịt bậy bạ mời anh em. Ban Giám Đốc gởi giấy báo về Fatima, xin cho tui ở lại trên này. Và họ cấp cho tui mọi thứ, nói chung là vật dụng cá nhân: nồi niêu, soong chảo đầy đủ. Thành một gia đình. Lúc bấy giờ tui mới xin cho vợ tui qua bên phân đội nữ, làm cán bộ. Hai vợ chồng đi làm, tui làm bên đây, vợ tui làm bên kia, Tui tháo được cái chỗ vợ tui không đi làm chung với quân nữa, bây giờ là cán bộ dẫn quân đi...

Sau đó đời sống gia đình anh chị như thế nào ?

... Lúc đó là đi “đường mười” – coi như là ra hộ gia đình, trực thuộc hộ gia đình... Bốn chục cặp đăng ký kết hôn... đăng ký kết hôn xối xả... Rồi mình ăn ở sinh con đẻ cái nữa... phải có chỗ ở ! Bốn chục cặp ! ( anh lặp lai ). Ban Giám Đốc cấp đất, vật tư cho làm nhà, cho ra ở khu riêng: có nhà cửa hoàn chỉnh, và cấp cả đất đai đã trồng điều hết, mình chỉ bỏ công chăm một thời gian là có thu hoạch để nuôi sống gia đình vợ con, chứ chẳng lẽ cứ vậy hoài... ( anh xuống giọng ) Tui rút dần dần, đi ra được một thời gian, thì Ban Giám Đốc có động viên tui hợp tác với nông trường, sáng từ nhà xuống nông trường làm, chiều về... Nhưng được thời gian ngắn, tui chán nản, mệt mỏi...thấy mình bỏ sức ra mà không được gì... Tui nghỉ việc và đi làm mướn cho dân để kiếm thêm thu nhập cao hơn để sống... Mọi việc êm xuôi, cơm ngày hai bữa được vài tháng... tui nhớ gia đình, muốn về, về với gia đình. Tui về Sài-gòn thăm gia đình, gia đình cho chút đỉnh hỗ trợ thêm kinh tế...

Rồi sao nữa anh ?

... Tui trở lại nông trường, nhưng lại sực nhớ Ma Túy, tui bị cám dỗ... Tui chống chọi và nhớ lại nỗi cực khổ, bầm dập để chống chọi nó, rồi những mất mát, nhưng cũng không kềm được... Tui ghé chích một mũi, sau đó mua số lượng nhiều đem về trển... Khi tui trở về, với cái khí hậu lạnh lẽo và suốt ngày không có người qua lại.. buồn... tui bắt đầu chơi lại, tui “chơi” thì vợ tui cũng bước vào luôn con đường “chơi” Ma Túy. Hai vợ chồng tui chơi... chơi... chơi... Khi biết mình nghiện lại thì đã muộn... Cơn vật vã thiếu thuốc nó hành hạ hai vợ chồng tui. Tui đau đớn và tui càng không muốn nhìn thấy cái cảnh vợ tui đau đớn... Tui trở về Sài-gòn, tìm cái xích lô chạy... chạy và ngủ “bụi đời”. Đói thì ăn bậy, ăn bạ... dành dụm tiền mua thuốc đem lên, chích hết đợt lại quay về chạy tiếp... Anh biết không ? Hai vợ chồng tui tàn tạ, ”chơi” rồi ăn không bao nhiêu, càng ngày càng lụn bại...

Rồi một số anh em, cũng xuất phát từ dân ghiền tìm đến tui và chúng tôi bắt đầu hùn hạp để chơi... Kèo dài được 2 năm... thì tụi tui bị phát hiện. Tui bị bắt trở lại đội, vợ tui vẫn ở nhà, còn riêng tui bị kỷ luật... Tui xuống đó trong thời gian 2 tháng vật vã đau đớn, có những lúc tui muốn tự sát luôn... Sau đó, tui ra đi làm lại với anh em, có thể lực và cũng có công đóng góp ở đó mà, rồi được đặt lên làm cán bộ trở lại, nhưng không còn như hồi trước, mà phải mỗi ngày dẫn quân đi làm, anh em sao mình vậy. Không được về thăm vợ con... Vợ tui thường tới thăm, khuyên động viên tui... Một năm sau, tui được Ban Giám Đốc cho về nhà, sáng vào đi làm, chiều về... từng bước tui lại trở về với Ma Túy. Tối về tui chơi... sáng vô thì không chơi... Rồi ghiền lại... Tui lại bị phát hiện, bị kỷ luật... Lãnh đạo không còn tin tui nữa, nghĩ là tui cứ vậy hoài nên họ không tạo điều kiện cho tui nữa... Họ mới quyết định đưa tui đi xa, đưa vào trong cách ly... Tui nghĩ “mình vô đó cơm ngày hai bữa có anh em, còn vợ con ở bên ngoài khổ ! Cuộc sống sao ? Ai nuôi nó ?”... Buồn quá tui trốn... Về nhà, hai vợ chồng tui bàn bạc và coi như là trở về Sài-gòn...

Sau đó, cuộc sống vợ chồng anh chị ở Sài-gòn như thế nào ?

Lúc tụi tui về là năm 1996, cha mẹ tui không chấp nhận, hai vợ chồng tui lang bạt giang hồ... làm thuê, làm mướn... kiếm tiền để ăn uống hút chích... lang thang ngoài vỉa hè, mưa gió tầm tã, bệnh đi, bệnh lại... Cuối cùng, tui nói với vợ tui: “Anh phải về với gia đình, kiếm ít tiền, anh sẽ trở ra, rồi bỏ thành phố đi chỗ thật xa, chúng mình làm lại cuộc sống, chứ ở đây đói, ghiền... Anh về 3 ngày anh trở ra...” Tui về, ba tui, má tui kêu tui vô nhà, khuyên giải, cho tui ăn uống tắm rửa sạch sẽ rồi kêu công an bắt tui. Lúc công an bắt tui, tui đâu có kịp báo cho vợ tui... Một tháng sau, tui được đưa về Fatima, khi đó tui mới cho vợ tui hay, nhưng mà vợ tui với cơn ghiền và bệnh hoạn, thiếu thốn thì làm sao có tiền để lên thăm.

Làm sao anh chị liên lạc được với nhau ?

Thì chúng tôi liên lạc với nhau qua Xơ T, tui gởi thư. Trong thư tui có nói: “Nếu mà anh sống được thì anh sẽ trở về tìm em với cái nghĩa, cái tình... Cái tình thương thì có cái là quý mến nhau... mà còn cái nghĩa là anh không quên em, em không quên anh... Trong hoàn cảnh này, em đừng lo cho anh nữa... Em cố gắng từ bỏ con đường Ma Túy đi, cố gắng giữ gìn sức khỏe... trở về quê để làm lại cuộc đời... Rồi khi nào anh hết bệnh, khỏe có điều kiện anh sẽ trở về thăm em...”. Trong thư tui nói vậy đó...

Anh nói với chị là “anh bệnh”, mà bệnh gì vậy ?

Trong thời gian ở ”Fa”, 6 tháng sau khi cắt cơn, lấy lại thể trạng bình thường, lúc đó tui phát hiện bị lao, xét nghiệm kết quả BK( + ), Ban Giám Đốc kêu tui về bệnh viện để điều trị bệnh lao. Đang điều trị Lao, khoảng 1 tháng... thì có đoàn AIDS của Pháp qua tổ chức cuộc thử nghiệm máu. Tui cũng thử nghiệm, 3 tháng sau có kết quả: HIV( + ). Khi biết vậy, tư tưởng tui thậm chí buồn bực, chán nản muốn chết đi ! Cái bệnh nó làm cho con người khó chịu. Mà 10 người bệnh chết cả 10, đâm ra tinh thần tui càng suy sụp. Rồi gia đình không tới thăm, động viên... đâm ra chán... bế tắc !...

Anh đã vượt qua khủng hoảng đó thế nào và ai đã giúp anh ?

Tui gặp Bác sĩ B, qua câu chuyện trao đổi, bác sĩ động viên tui cố gắng, hy vọng sắp tới phái đoàn sẽ thí nghiệm uống AZT... Hồi đó, ở bệnh viện họ thử 10 ca, trong đó có tui ( Bác sĩ B giới thiệu ). Tui vừa uống thuốc lao vừa được uống AZT kèm theo. Khoảng 1 tháng đầu, tui cảm thấy nhức nhối tay chân, bụng trương sình khó chịu, đau nhức khắp người... Uống thuốc rất nhiều, dần dần bớt đau, bớt căng thẳng... chắc là nhờ sử dụng AZT, cơn sốt kéo dài ( “sốt nhiễm” ) năm, ba tháng trời. “Sốt cấp”, tiêu chảy kéo dãi. Cái mà “bệnh AIDS” nó gây ra cho tui, nó tương đối ổn định. Trong thời gian đó tui được động viên rất nhiều.

Rôi kết quả thế nào ?

Khi tui uống thuốc hết công thức, tui khám lại thì 100% bệnh lao hết... Bệnh viện động viên tui làm “Tự quản” lo an ninh và đời sống cho anh em ở đây... Sau một thời gian học hỏi, tui làm hộ lý, chuyên trách khoa Lao lo phát thuốc, truyền dịch, rồi cho anh em uống thuốc, đêm thì kiểm tra... Rồi lo động viên anh em ăn uống, ngủ nghỉ, tắm giặt, phơi nắng... Tình thương chúng tôi đặt vào nhau, anh em hiểu nhau, thông cảm... Rồi từng bước, tui được Ban Giám Đốc quyết định đề bạt lên Tổ Điều Hành ở bệnh viện, chuyên trách hết về mặt đời sống anh em.

Chỉ trong khu Bệnh viện ?

Toàn khu vực bệnh viện và chuyên về phụ trách khoa Lao. Tổ chức đời sống vật chất ăn uống, và đời sống tinh thần như: đàn ca, hát xướng, thuốc lá, cà-phê tạo phấn khởi, khí thế cho anh em... Suốt 1 năm điều trị ở đó, bệnh tui coi như là bình thường, không suy sụp gì cả... Cho tới ngày tui trở về gia đình...

Điều gì đã xảy ra cho anh vậy ?

Trên đường về nhà, được nửa đoạn đường, tui nhớ lại và tìm chích một mũi... Nhưng khi trở lại với Ma Túy thì hỡi ôi ! Bệnh tui lại tái phát.. Và chỉ một lần vậy thôi, mà tui phải chịu đựng đau đớn suốt thời gian một năm trời nay... Về nhà thì bệnh tật, đau đớn, gia đình hất hủi, bạn bè không dám ngó nữa, các sinh hoạt hàng ngày của tui mọi người đều xa lánh...

Gia đình lối xóm biết anh bị nhiễm ngay khi anh mới về nhà...

Lúc đầu gia đình không biết, cũng hy vọng tui khỏe lại đi làm để mà sống... Nhưng mà kéo dài nãm, ba tháng trời cứ vậy, không hơn không kém, cái chân tui nó đau nhức không đi được. Rồi gia đình đọc báo, hàng xóm đọc báo, họ coi báo chí và biết tui bị nhiễm, lúc đầu họ hỏi, tui dấu, chối phăng... nhưng rồi, nhiều người coi báo và họ cũng biết, nên cuối cùng tui phải thú thật là tui bị nhiễm.

Rồi phản ứng của họ ra sao ?

Trong thời gian đó, một hai ngày đầu, mọi người nhìn tui khác lắm, chẳng hạn như là: nó bị vậy phải giặt riêng, ăn uống riêng, đi vệ sinh riêng, không được chung đụng trong nhà kẻo lây lan... Rồi bên ngoài, uống ly nước người ta cũng không dám bán... Rồi con cái em út người ta chạy nhảy này kia, thì họ cũng cấm không cho lại gần tui...

Phản ứng tâm trạng của anh khi bị xa lánh...

Cuộc sống tui càng ngày càng bế tắc. Tui có suy nghĩ so sánh: Ở trong trường anh em bị nhiễm nặng hơn, lúc “lâm sàng” rồi mà mình vẫn đổ bô, lau chùi, tắm giặt cho anh em, còn ( ở nhà ) mọi người lại đối xử với mình như vậy, mà những người ở đây lại là người thân của mình... Cuối cùng, tui cũng tìm ra được phán đoán là vì mọi người không hiểu về mình và không biết về bệnh... Họ không hiểu tui, và tui chấp nhận. Dù càng ngày tui càng chật vật, còn đối xử của gia đình với tui so với lúc đầu có bớt hơn, nhưng thôi bây giờ tui sắt chết rồi, kệ mẹ ! Con mà chẳng lẽ ổng bả tức rồi bỏ sao ? Mình sống được ngày nào hay ngày nấy... Rồi nhờ Xơ T, tui biết Chúa, từ ngày hôm đó đến giờ tui không nghỉ gì về Ma Túy... tui nghĩ tui đã bỏ ra một khoảng thời gian dài một năm trời, và mọi người hiểu cho tui, thì tui đi một cách nhẹ nhàng... Tui sẽ dứt khoát bỏ luôn Ma Túy, để khi tui “đi” là trong người tui “sạch sẽ”. Và nhờ ơn Chúa, nếu tui khỏe lại được, tui sẽ trở về trường lại để phục vụ cho anh em bệnh. Nói thật với anh, tui muốn trở về với anh em sống những ngày còn lại...

Sinh hoạt hằng ngày của anh trong gia đình thế nào ?

Hằng ngày tui cố gắng giữ gìn tí xíu, bản thân tui, cái ăn, cái uống tui cũng tách rời hết để tránh sự hiểu lầm cuỉa gia đình, mặc dù tui biết những con đường đó không lây... Từ cái ly, đôi đũa ăn ngủ, giặt giũ áo quần tui tự động hết, không để cho gia đình em út nghĩ tui bầy hầy này kia... Những ngày cuối cùng của tui, là tui cố một cái nữa, tạo cho gia đình một niềm phấn khởi. Khi tui chết ai cũng nghĩ tư tưởng tui được sạch sẽ, mọi người tin vào tui... Tui đã quyết sạch sẽ rồi, mọi người không tin tui, nhưng tui sẽ làm.

Như vậy, là ý chí của bản thân là quan trọng trong việc anh bỏ Ma Túy, giúp anh giữ “sạch sẽ” cả năm nay ?

Tui nói anh nghe ! Ma Túy không phải là dễ bỏ, hơn nữa là một người sử dụng Ma Túy mang trong mình cái bệnh AIDS này... mười phần chết chín phần rưỡi rồi, chỉ còn nửa phần sống... Đối với tui, Ma Túy rất là khó bỏ... Tại vì, tui đã nhiều lần qua trường trại, như thế nào tui cũng tìm cách chơi cho bằng được. Thành thử tui không sợ tái nghiện. Nhưng từ ngày tui gặp Xơ T thì tui lại khác. Nhờ những lời khuyên lơn của Xơ và Chúa độ cho tui, tui dứt bỏ được cái tư tưởng nghĩ về Ma Túy. Do động cơ thúc đẩy, tui cũng biết riêng về tui, tui hy vọng tui sẽ chiến thắng Ma Túy trong những ngày tháng còn lại.

( Tôi, người phỏng vấn, nói với anh V. ) “Anh khẳng định là anh sẽ nỗ lực để tạo niềm tin, để gia đình và mọi người tin anh. Và em, em tin anh và hy vọng anh luôn giữ vững quyết tâm của mình... “

Rocky
21-11-2008, 02:18 PM
CUỘC ĐỜI MỘT NGƯỜI NHIỄM HIV ( Kỳ 3 )
Anh đã kể cho em về cuộc đời của anh, vậy trong suốt khoảng thời gian đó, thì khoảng thời gian nào anh thấy hạnh phúc nhất ?

Theo tui thì trong suốt thời gian hai mươi mấy năm trời sống phiêu bạt của tui, niềm hạnh phúc duy nhất của tui cho tới lúc này là thời gian tui ở Phú Văn, mặc dù tui ghiền, nhưng tui hạnh phúc. Mặc dù tui không có con, nhưng đêm ngủ vợ nằm bên cạnh, khi đau sốt có vợ lo, nấu cho miếng cháo... rồi cái không khí của miền rừng núi... Cái suy nghĩ của tui là tui chọn Phú Văn “sống cũng là đây và chết cũng là đây ! Ở Phú Văn là sống, đi là chết !”. Nhưng cuối cùng thất bại ! Khi tui rời Phú Văn về Sài-gòn là tui mất hết, mất tất cả: nhà cửa, vợ con, vườn tược biết bao công sức đổ ra với cái đất Phú Văn. Công sức, máu của tui, mồ hôi nước mắt đổ ra, để rồi cuối cùng tui không giữ được bản thân của tui... đôi lúc tui vẫn còn suy nghĩ rằng đó là mảnh đất của tui, nhưng mà...

Theo anh đánh giá thì suốt hai mười mấy năm gắn cuộc đời mình với Ma Túy, anh được gì, mất gì ?

Theo tui thì tui không được gì hết, mà chỉ mất không ! Có nghĩa là tuổi trẻ, danh vọng... đến với Ma Túy tui cũng không có hưởng thụ gì, chỉ có bầm dập, chua cay và đau khổ ( anh hạ giọng trầm nhỏ, khuôn mặt lộ vẻ đau xót ). Tất cả tuổi thanh niên của tui, bay nhảy, ăn chơi coi như đánh đổi vô hết với Ma Túy... Rồi coi như là mất mát tư cách, thể diện con người và cộng thêm cuộc sống của tui, vợ con tui không được cái gì... Có nghĩa là tui không được cái gì hết, tui chỉ có mất ( anh lặp lại khẳng định của mình giọng chua xót ). Khi tỉnh giấc, hối hận thì coi như là quá muộn màng. Miễn còn sống là được, cho qua tháng ngày, chứ tui không còn hy vọng một ngày nào đó có gia đình, có con ngoan... nói chung là mất, mất cả niềm hy vọng !

Anh mất tất cả, không còn hy vọng gì vào tương lai, nhưng anh nói là anh rất muốn sống những ngày còn lại thanh thản...

Muốn chứ ! Con người ai không có ước mơ được sống hạnh phúc thanh thản.. muốn chứ ! Nhưng mà, chắc không được đâu, anh phải thấy một điều chắc chắn là như vậy... Cái mong mỏi của tui là trở lại với mái ấm gia đình, có vợ và con ngoan dù cơm canh đạm bạc, nhưng những ngày tháng của tui nhiều hy vọng hơn, nhẹ nhàng hơn... tui không còn muốn sôi động, xáo trộn nữa... Nhưng cuộc sống tui bây giờ thỏp nói là buông thõng... !

Nếu được làm lại cuộc đời, thì mái ấm gia đình là ước mong của anh ?

Tất nhiên, nếu mà được Chúa cho tui tai qua nạn khỏi, nhưng tại vì cái chết trước mắt không ai biết được hết... Mọi chuyện còn lại của tui trong những ngày cuối cùng là... Anh nghe cho rõ nghe:
Cái thứ nhất, là gặp lại được vợ tui... Tui hy vọng một ngày nào đó, anh giúp tui tìm bả là phấn khởi, có xe anh sẽ chở tui đi tìm, tui biết nhà mà không biết địa chỉ... Tới tìm mà không có, tui sẽ viết cái địa chỉ về quê tìm kiếm, tui mong muốn vợ tui chạy lên đây để gặp tui... Không phải là tui muốn vợ tui lên đây là phải lo trong thời gian tui bệnh, tui muốn gặp vợ tui vì cái tình.

Cái thứ hai, là nếu được làm lại cuộc đời, là tui muốn nếu còn nghĩ về nhau là cái nghĩa cái tình, thì tui sẽ cùng vợ tui trở về lập nghiệp ở một vùng đất, bất cứ vùng nào... dựng lên cái lều tranh, hai trái tim bầy giờ không còn vàng nữa vì già hết rồi ( anh cười vui vẻ ), làm cái nơi nương tựa cho nhau, chứ tui không đòi hỏi bây giờ phải cơm, cá... nhà lầu xe hơi để hưởng thụ...

Nhưng gần hai năm nay rồi tui không nghe tin tức gì vợ tui cả. Nhiều khi đêm nằm ngủ trằn trọc suy nghĩ cũng chỉ có một điều như vậy thôi. Có nghĩa là trước lúc ra đi, tui muốn tìm và biết tin bả... Còn nếu không thể gặp, thì nếu có điều kiện, thì tui muốn qua đây, nhắn gởi cho vợ tui những cái là: mục đích tìm kiếm là để cứu vớt tình thế cho bảù. Anh hiểu không ?... ( Anh lặp lại câu hỏi này nhiều lần ). Để động viên, có thể cắt hết với Ma Túy... để kéo dài cuộc sống... Khi yêu và lấy mình, dù sao thì “nó” còn trẻ, suốt một quá trình dài nó ở với mình thiệt thòi, mà bây giờ thì mưa nắng như vầy, mình còn có nhà, chắc gì nó có thể có nhà chưa ? Không biết có tù tội, đau ốm gì không ?... ( anh lặp lại nhiều lần với vẻ lo âu, trăn trở )... Nếu biết được tin dù cô ta có chồng khá giả thì tui nhẹ nhàng... còn không có tin tức gì cả tui chẳng có an tâm... !

Bây giờ anh có thể trả lời thêm cho em vài câu hỏi bên lề nghe. Anh sẳn sàng ha ?

Được thôi ! Hoàng cứ hỏi...

Anh thấy cái tuổi trẻ của anh, lớp trẻ với Ma Túy và cái lớp trẻ bây giờ với Heroin, so với nhau nó thế nào ?

Cái đó thì tui thấy nó khác với tụi tui ngày xưa:

Thứ nhất là lớp trẻ bây giờ khi sử dụng Heroin thì cướp giật, đâm chém để tạo ra cái đồng tiền;
Thứ hai nữa là, Heroin nó kích thích mạnh hơn Ma Túy, phấn chấn hơn... Không hề sợ sệt, có thể làm bất cứ chuyện gì...

Cho nên tui nghĩ hai lớp trẻ hai thệ hệ này khác nhau. Một bên, tụi tui thì sử dụng để êm thấm, tìm cảm giác lạ, nhẹ nhàng, trong cái gốc; còn số thanh niên bây giờ sử dụng để nhảy nhót, ăn chơi, tụ tập đàn ca rùm beng... Đồng ý là Ma Túy cả, nhưng một cái đằm thắm, một cái thì sôi động.

Còn mức độ nguy hại của hai thứ ?

Nó cũng khác ! Heroin, cái hại của nó nặng hơn. Thí dụ: khi sử dụng Heroin, tuổi thọ anh 20 năm thì chỉ còn 10 năm; còn Ma Túy anh có 20 năm thì tuổi thọ anh có thể cũng kéo dài 20 năm. Một cái chết lẹ , một cái chết chậm. Heroin tàn phá hơn. Nhưng mà cái thuốc phiện a, Nó làm cho con người dơ dáy, bẫn thỉu hơn là Heroin. Bởi vì cái kim mình chích nó vào máu trực tiếp, còn bàn đèn thì... Heroin nó lên não, dù có chích đi nữa, nó vô máu rồi lên não, nó không ”nhiễm” đường máu nặng. Còn cái “thuốc phiện đen” khi chích vô, thâm nhập vào máu, nó làm cho đường máu đen ngòm à ! ( Nhiễm ở đây anh hiểu là nó làm cho đường máu bị đen ! ).

Cuối cùng anh có điều gì nhắn gởi cho cộng đồng, cho lớp trẻ không ?

Tui có một điều là: đối với anh em thanh niên bây giờ, tui khuyên anh trước: con đường Ma Túy là “thân bại danh liệât”, và chúng ta chỉ có con đường “tử” thôi.

Còn với anh em, tui khuyên anh em một điều là đừng có bước vào con đường Ma Túy, dù chỉ một lần, dù anh có cứng cỏi, có như thế nào đi nữa, cũng không thể chống chỏi nỗi dù thử một lần. Đừng ! Đối với Ma Túy, anh em không thể nào giỡn được... Dứt khoát đừng bao giờ dính vào Ma Túy. Ma Túy nó tác hại khôn lường, khó trị. Từ thể xác, tâm hồn bại hoại, tinh thần sa sút. Sanh ra ghẻ lở, dơ dáy, người đời khinh bỉ, cha mẹ với lại anh em ruồng bỏ... Mà cuộc đời thì lắm khi tủi nhục, không thể nào vươn lên được... Dù anh là ai, giám đốc hay là gì đi nữa mà bước vào con đường này, chắc chắn uy tín sẽ mất, tương lai sự nghiệp sẽ đánh đổi với Ma Túy quá uổng, mất mát hết ( anh nói mà giọng chán chường, chua chát... ) Riêng anh thì đừng... đừng bao giờ hút chích. Còn ai đã lỡ thì hãy đấu tranh bằng tư tưởng... ( tự nhiên anh liên tưởng đến anh )...Nhưng mà tui hy vọng là thời gian của tui còn ít năm, tui sẽ chống chọi. Có điều, cho tới hôm nay khó biết chừng...

PHÂN TÍCH – NHẬN XÉT

Kể lại cuộc đời là mong muốn của anh V, hơn nữa như anh khẳng định với tôi trước khi vào buổi phỏng vấn Tự Truyện rằng: “Người gần chết không bao giờ nói láo, và tui có còn gì để mất nữa đâu !” nên những gì anh V kể về cuộc đời của anh nơi đây chắc có độ chính xác cao. Nhưng có thể sự quen biết cũng như việc bàn bạc khá kỹ lưỡng về hình thức, mục đích Tự Truyện trước đó đã tạo điều kiện cho Anh V chuẩn bị khá chu đáo cho buổi nói chuyện. Nên trong buổi phỏng vấn anh kể khá lưu loát và dưới dạng mô tả các sự kiện, cái bên ngoài và tỉ mỉ. Tôi cảm nhận được điều này, nên có can thiệp một vài chỗ nếu có thể được, hoặc ghi nhận ( nhớ lại­ ) và nêu lên thêm ở phần cuối buổi phỏng vấn. Sau đó, khi biên tập tôi sắp xếp xen vào, để câu chuyện diễn tiến tuần tự và rõ ràng hơn.

Về thời gian, Phỏng Vấn Tự Truyện ít đồi hỏi thời gian chuẩn bị, ít công đoạn và là dạng phỏng vấn bán cơ cấu nên khá linh hoạt và phong phú. Kết quả thu được có những khác biệt với dự định ban đầu và các vấn đề cần tìm hiểu dàn trải trong suốt câu chuyện, theo suốt cuộc đời anh.
Dựa vào những gì anh kể chúng ta có thể đưa ra một vài nhận xét sau:

Nguyên nhân dẫn anh V đến với Ma Túy có thể nói là giống mọi thanh niên khác, đó là do những nhiễu lọan tâm lý của tuổi trẻ, sự tò mò muốn thử cho biết, sự cuốn hút, ảnh hưởng của môi trường – sự rủ rê của bạn bè, của băng nhóm, và sự thiếu quan tâm của gia đình. Nếu có gì khác, thì cái khác đó là một bên tìm đến sự “êm thấm”, tận hưởng “khoái lạc” nhẹ nhàng; còn một bên để tìm cảm giác mạnh “nhảy nhót, tụ tập ăn chơi”...

Nhưng điều đáng quan tâm ở đây, đó là vấn đề tái nghiện. Theo lời kể của anh thì ít nhất anh có 5 lần cai nghiện ( 1 lần do tù mà cai ) nhưng đều bị hút trở lại với Ma Túy, mặc dù anh thấy rõ hậu quả của nó và muốn làm lại cuộc đời. Có thể liệt kê ra một số nguyên nhân sau:

- Sự hụt hẫng sau thời gian cai nghiện ( tù tội ) trở về với gia đình, với cuộc sống xã hội do “không có nghề nghiệp, không dự tính tương lai... và chỉ có con đường duy nhất là trở về với Ma Túy” như anh V. đã nói. Tức là họ cảm thấy không còn cơ hội nào để hội nhập lại với cuộc sống bình thường của gia đình của cộng đồng.

- Đó cũng chính do sự lệ thuộc tâm lý, mà theo anh đó là cái suy nghĩ về Ma Túy nó ăn sâu vào bên trong tư tưởng, không quên được, không cưỡng lại được khi thấy nó “...tui sực nhớ Ma Túy, tui bị cám dỗ... chống chọi... nhưng cũng không kềm được... rồi sau đó chơi... chơi... chơi... hối hận thì đã muộn”

- Nhưng theo anh kể và qua những cuộc tiếp xúc của tôi với các thân chủ là người nghiện, thì lý do niềm tin là quan trọng nhất dẫn đến tái nghiện. Họ đều khẳng định rằng dính vào Ma Túy là không thể thoát ra được: “Ma Túy là rất khó bỏ”... Họ không tin là mình bỏ được Ma Túy thì làm sao có thể đủ nghị lực, quyết tâm bỏ Ma Túy dù biết nó hại và muốn bỏ nó. Và thực tế cho thấy tỷ lệ cai nghiện mà không tái nghiện là rất thấp như là một chứng minh cho khẳng định của họ, vì thế anh V. và những ca mà tôi tiếp xúc đều có thái độ buông xuôi, phó mặc. Chính con số tái nghiện cao và sự tái đi tái lại của anh V. ( 5 lần ) làm cho gia đình và cộng đồng khó còn tin các người nghiện có thể bỏ được. Mặt khác, những phiền toái mà con nghiện gây ra cho gia đình và cộng đồng làm cho họ càng bị nghi kỵ xa lánh hơn, và điều đó càng đẫy họ vào con đường cùng “chỉ có con đường duy nhất là trở lại với Ma Túy”. Và thế là anh V. hay ai đó mà lỡ dính vào Ma Túy là coi như không còn cách nào thoát ra được, hay thoát ra được rất ít.

Và theo đánh giá của anh V. thì hai mươi mấy năm gắn liền với Ma Túy đã làm anh chỉ có mất không mà không được gì hết:

- Càng đi vào Ma Túy thì anh càng lún sâu vào con dường sa đọa, tù tội, từ hút chích đi đến băng đảng giang hồ rồi tù tội... nói chung là “bầm dập, chua cay”.
- Đánh mất tuổi thanh xuân, sự nghiệp,
- Mất tư cách, thể diện, “bằng mọi cách để thỏa mãn cơn ghiền kể cả quỳ lạy, van xin hay là chôm chỉa, lừa lọc” ( anh đã nói vậy khi tôi trao đổi thêm về Tự Truyện )
- Mất vợ con, nhà cửa, mái ấm và hạnh phúc gia đình,
- Mất cả “niềm hy vọng”, không có tương lai. “Một người sử dụng Ma Túy mà mang trong mình cái bệnh AIDS này... mười phần chết chín phần rưỡi rồi, chỉ còn nửa phần sống”... Để rồi chỉ còn biết “buông thõng”...

Nhưng rồi anh V. đã gặp và quen một chị Nữ Tu, người đã thăm anh khi anh ở trong bệnh viện, rồi là người chuyển thư cho anh và vợ anh. Anh kể: “Gặp Xơ và nhờ những lời khuyên lơn của Xơ, nhờ Xơ tui biết Chúa và Chúa độ cho tui, tui dứt bỏ được cái tư tưởng nghĩ về má túy” (anh lặp lại điều này 2 lần ). Và như có động cơ thúc đẩy, anh “hy vọng sẽ thắng Ma Túy”, “cố gắng dứt khoát bỏ luôn Ma Túy” để “khi tui đi là trong người tui sạch sẽ”, “tạo cho gia đình một niềm phấn khởi”, “để mọi người tin vào tui...” Niềm tin tôn giáo như đã khôi phục được niềm tin vào chính mình, động cơ thúc đẩy và trả lại niềm hy vọng chiến thắng Ma Túy trong những ngày còn lại của đời mình.

Tôi nghĩ nên có đôi nét về tính cách của anh V: Anh là một con người thích tự lập ngay từ nhỏ; rồi tính hai mặt của nhân cách ở nhà thì “cu rú, hiền từ: không chửi thề, không đánh lộn”, nhưng ở ngoài có tính khác “hút chích”, “giang hồ”; thích nổi tiếng, “thích được mọi người biết đến”; có máu giang hồ “dám chơi dám chịu”, và không chịu thua ai. Có thể nói những tính cách này cộng với những điều kiện và cuốn hút của bạn bè và môi trường, đã lôi kéo và cột chặt đời anh với Ma Túy. Nhưng cũng chính con người đó, những tính cách đó, khi được thức tỉnh bằng sự quan tâm, thấu cảm... và niềm tin, anh đứng dậy bằng chính tính cách của mình như anh đã khẳng định: “Người ta làm được tui làm được”, nay thì: “Tui đã quyết sạch sẽ rồi, mọi người không tin tui, nhưng tui cũng sẽ làm”.

Rồi việc anh kể lại cuộc đời của mình là để mọi người biết và hiểu về anh. “Thấy vật nghe lời, là thấy người”, đó là lời anh nói với tôi, anh không muốn cuộc đời mình bị đi vào quên lãng.


KẾT LUẬN

"KHÔNG ĐƯỢC GÌ HẾT, CHỈ CÓ MẤT KHÔNG”, anh V đã mất tất cả, đánh đổi tất cả, tương lai, sự nghiệp, gia đình hạnh phúc cho Ma Túy. Và anh khuyên tất cả mọi người trẻ đừng bao giờ đùa với Ma Túy, “dứt khoát đừng bao giờ dính vào Ma Túy”.

Vấn đề ở đây là làm sao ngăn chặn Giới Trẻ bước vào con đường Ma Túy ? Tôi thấy vấn đề này đã được quan tâm và bàn đến nhiều, cũng như đã có nhiều giải pháp để giải quyết “sâu rộng”. Vì vậy tôi dựa trên kết quả Tự Truyện và những phân tích của mình để có một đề nghị nhằm giải quyết vấn đề tái nghiện cho những thân chủ quyết tâm cai nghiện như sau:

Trên phạm vi vĩ mô cần có chính sách hợp lý để tạo nghề và việc làm cho những người nghiện, và phải coi đây như một biện pháp hữu hiệu để tái xã hội hóa, đồng thời có chính sách đồng bộ để giải quyết vấn đề Ma Túy, tạo ra môi trường “trong lành”.

Và trên phạm vi vi mô, chắc chắn đây là địa hạt của những nhà công tác xã hội cơ sở, cần gợi lên trách nhiệm và tình thương, để gia đình, cộng đồng không xa lánh kỳ thị nhưng là điểm tựa cho họ vươn lên; nhưng chính niềm tin và nỗ lực của chính đối tượng là điều chính yếu, quyết định việc họ bỏ được Ma Túy hay không. Đúng là Ma Túy rất khó bỏ, nhưng không phải không bỏ được vì có những người đã bỏ được Ma Túy, làm lại cuộc đời, và cũng không ít người đã bỏ được khá lâu rồi mới bị tái nghiện...

Như thế nhu cầu chính yếu của họ là có người dám tin họ, trở thành người đồng hành với họ nhờ vậy họ có thể lấy lại niềm tin, hy vọng bỏ được Ma Túy thì họ mới đủ sức khởi động những bước đầu đầy cam go. Với anh Và, chúng ta thấy thêm một điều là niềm tin tôn giáo đóng một vai trò khá quyết định là “động cơ thúc đẩy” để anh lấy lại niềm tin, sự quyết tâm tự bỏ Ma Túy để “thân xác sạch sẽ”, “tư tưởng sạch sẽ”, và để “tạo cái gì đó cho gia đình tin” và “phấn khởi”...

giusehien
22-11-2008, 11:43 PM
Không một tờ báo nào, không một ngày nào không nói về các tệ nạn xã hội. Nhiều phụ nữ (cả người đã có chồng) do nhiều nguyên nhân nên phải làm “nghề” bán thân: giáo dục nhân bản kém, đua đòi, lười lao động, ham tiền, bị dụ dỗ lừa bán vào các động mại dâm, quan hệ tình dục sớm lại thiếu hiểu biết dẫn đến mang thai ngoài ý muốn và mắc các bệnh hoa liễu, bị bỏ rơi phải phá thai, đi hoang, bần cùng, nghèo túng…

Rocky
23-11-2008, 01:05 AM
Không một tờ báo nào, không một ngày nào không nói về các tệ nạn xã hội. Nhiều phụ nữ (cả người đã có chồng) do nhiều nguyên nhân nên phải làm “nghề” bán thân: giáo dục nhân bản kém, đua đòi, lười lao động, ham tiền, bị dụ dỗ lừa bán vào các động mại dâm, quan hệ tình dục sớm lại thiếu hiểu biết dẫn đến mang thai ngoài ý muốn và mắc các bệnh hoa liễu, bị bỏ rơi phải phá thai, đi hoang, bần cùng, nghèo túng…

mục đích khi pethoang đưa đề tài này vào giới thiệu ở làng trong phòng mạch tổng hợp là... muốn nêu lên :


thực tế, thực trạng.. xã hội...
vấn đề nguyên nhân... trong đó yếu tố tâm lý... và những xáo trộn của tuổi vị thành niên... tuổi dậy thì... ảnh hưởng khá lớn, như một nguyên nhân dẫn đến những hành vi phi chuẩn mực, lầm lạc...
cách nào đó, là thất bại của giáo dục từ gia đình, đến nhà trường và xã hội
Niềm tin, lý tưởng không có... cuộc đời mất phương hướng...

+++===> những dấu chấm hỏi???? khủng hoảng và lao vào tệ nạn....

cách thức hỗ trợ là:



hiểu tâm lý.. và phát hiện kịp thời.. .để điều chình hành vi của trẻ....
giúp đỡ.. .là một tiến trình lâu dài.. và thân thiện, có hợp tác....
cần sự cảm thông, chia sẻ, không xét đoán...
giúp cách toàn diện...con người...
Trong đó, vấn để đức tin và đời sống tâm linh thiết yếu quan trọng....để khôi phục, vực dậy...chính con người của họ....là nền tảng đời sống...làm cho họ thay đổi.. thay đổi mỗi ngày...
cho nên, Phúc âm hoá chiều sâu, để tha thứ và chữa lành tâm linh cần lắm các bạn ơi, cho tất cả mọi người từ bác sĩ, y tá phòng mạch và tuyệt cần cho mọi bệnh nhân...