Ðăng Nhập

View Full Version : Những danh xưng và các xưng hô gây hại



hungdung
22-11-2008, 01:00 PM
Những danh xưng và các xưng hô gây hại

Cách đây khá lâu, một cuộc “bút chiến” trên mạng Internet , ( xin tạm gọi như thế ) khá sôi nổi về danh xưng “Cha và Thày”, liên quan đến một câu Thánh kinh tại địa chỉ Mt 23,9 : “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là Rabbi, vì anh em chỉ có một Thày ; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một cha trên trời là cha của anh em” (Mt 23,9).
Cuộc tranh luận giữa 2 phía, một bên là vị Linh mục có sự hiểu biết rộng rãi cùng một vài giáo dân, mà trong đó, đáng chú ý là có một giáo dân cao niên và tự hào là đã từng có 70 năm sống đạo, vẫn thường xưng hô CHA - CON một cách tự nhiên mà chẳng thấy có gì lấn cấn. Bên này thì quyết bảo vệ quan điểm cho rằng, danh xưng CHA – THÀY là chính đáng và phù hợp. Một cách rất công phu, vị Linh mục đầy nhiệt tâm đã dùng cả từ nguyên ngôn ngữ học để định nghĩa nhiều danh xưng, và trích dẫn nhiều Kinh Thánh để minh chứng rằng, danh xưng CHA – THÀY là hoàn toàn phù hợp với Thần học và truyền thống .
Bên còn lại, gồm những người không cùng cách hiểu như trên. Họ cũng trích dẫn rất nhiều câu Kinh Thánh và minh chứng danh xưng CHA – CON đã tạo ra nhiều hệ lụy khó xử và đáng tiếc. Những lập luận và chứng lý của họ cũng đầy thuyết phục, không kém chút nào so với phía bên kia, nếu không muốn nói là tính thuyết phục đã vượt cao hơn hẳn .
Một ý kiến khác nữa, có tính dung hòa giữa hai quan điểm có vẻ trái ngược nhau thì cho rằng, sẽ tùy hoàn cảnh và tùy tuổi tác để xưng hô, sao đó cho phù hợp là ổn.
( Trên đây chỉ là vài nét minh họa. Xin vào Google, gõ chữ Ngô tôn Huấn, sẽ đọc rõ chi tiết về những tranh luận đã nói )
Thực ra, danh xưng CHA – CON vẫn luôn, và sẽ mãi còn là một vấn đề thời sự của những kẻ tin, vì thế, nhiều người Công giáo đã in và truyền tay nhau những bài viết liên quan đến vấn đề này. Một vấn đề đầy tính nhạy cảm và nhiều gai góc dễ bị chảy máu và tổn thương, vì thế, ít người muốn nói đến, và cũng chẳng mấy người muốn hào hứng lắng nghe, dù trong lòng vẫn tràn đầy những băn khoăn, ray rứt.

Văn hóa xưng hô và Hội nhập văn hóa

Giáo hội đã có rất nhiều thay đổi sâu sắc, từ sau cuộc ly giáo khổng lồ được khởi xướng từ Linh mục Martin Luther. Đỉnh cao nhất những đổi thay của Giáo hội được thể hiện trên giấy trắng mực đen, đó là những Văn kiện của Công đồng VAT II. Trong đó, vai trò của người giáo dân được nâng cao một cách đặc biệt, đến nỗi rằng, đã có hẳn một chương riêng biệt để nói về họ. Nhiều lắm, nhiều lắm những thay đổi của Giáo hội, đến nỗi, không ít người đã coi đây là một cuộc cách mạng chưa từng xảy ra trong lịch sử Dân Chúa.
Qua và sau Công đồng này, Giáo hội đã khẩn thiết kêu gọi phải xây dựng các nền thần học địa phương và coi hội nhập văn hóa như một nhu cầu cấp bách. Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa, trong một văn kiện được công bố ngày 23/5/1999, có đoạn viết :
“Đức tin mà không trở thành văn hóa là đức tin chưa được chấp nhận hoàn toàn, chưa được suy cho thấu và chưa được sống tới cùng”. Xa hơn một chút, văn kiện trên còn trích dẫn lời Đức Phaolô VI nói rằng : “Không nghi ngờ gì nữa : sự đoạn tuyệt giữa Tin mừng và văn hóa là một thảm kịch của thời đại hôm nay, như đã từng xảy ra như thế trong các thời đại trước”
Xây dựng một nền thần học địa phương là chuyện lớn, hội nhập văn hóa lại là một chuyện lớn khác, nhưng thiết nghĩ, văn hóa xưng hô giữa người và người, giữa giáo dân và chủ chăn, chính là và phải là bước khởi đầu quan trọng của hội nhập văn hóa và thần học địa phương. Liệu đây có phải là một giấc mơ xa vời hoặc quá đáng ?
Về các danh xưng CHA, ĐỨC CHA ….liên quan đến câu Mt 23,9, ký giả Victorio đã hỏi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II về vấn đề này và được Ngài giải thích như sau :
“Đó là lối xưng hô đã bắt rễ từ lâu đời, nghĩa là dùng riết rồi quen, dù là nghịch ý của Đấng tối cao” (Đối thoại với Giáo hoàng, trang 250).
Đây là lời giải thích không ai có thể thẩm quyền hơn, vì Ngài là người tín hữu số 1, là vị tối cao thủ lãnh của Giáo hội. Rất rõ ràng, dù suy nghĩ với góc độ nào đi nữa, cũng không thể hiểu lầm lời Ngài giải thích.
Quả thật, theo giải thích của Đức Giáo hoàng JP II, những danh xưng như Cha, Đức Cha, Đức Thánh Cha….đúng là nghịch ý của Đấng tối cao, vì : “Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ mọi vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế ”( Pl 2, 6-7 ). Đức Giêsu đã “kenosis”, đã hủy mình ra không, khi đến trần gian chia sẻ phận người. Có một điều gì đó rất giống với tinh thần “vô ngã” của Đức Phật ở đây.
Tinh thần vô ngã ấy còn rõ hơn qua lời dậy của Đức Giêsu : “Ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mỗi ngày, mà theo tôi”.
Sự gắn bó, gần gũi và chan hòa của Đức Giêsu đã lên đến tột đỉnh khi Ngài nói với những kẻ theo mình : “ Kể từ nay, Ta không coi các con là tôi tớ, nhưng là bạn hữu thân tình, vì tôi tớ thì không biết việc của chủ làm, nhưng các việc của Ta đã được tỏ hết cho các con ”.
Xem như thế, với Đức Giêsu, chúng ta có thể gọi Ngài bằng thật nhiều danh xưng với đủ mọi cung bậc cảm xúc, tùy theo tâm tình của mỗi người và tùy lúc, tùy nơi : Lúc có thể là Cha, lúc khác lại là Chúa. Khi khác nữa, lại có thể thân thưa với Ngài như một người Anh Cả, một người bạn.
Và như thế, qua cách xưng hô CHA, Đức CHA…. với linh mục và các vị chủ chăn, quả thật, gần Cha mà xa Chúa biết bao. Vì Chúa đã hủy mình ra không, đã kenosis, và đã dậy từ bỏ mình, có đâu ta lại làm ngược lại, bằng cách gắn các danh xưng không phù hợp cho những kẻ theo Ngài ?

Những gây hại từ các danh xưng :

Sau một thời gian học hỏi, rèn luyện, và khi được xét là đủ tiêu chuẩn và đáp ứng được nhu cầu, người tu sĩ sẽ được gọi là CHA theo thói quen truyền thống trong một Thánh lễ với một vài nghi thức. Như thế, có gì là quá lời chăng, khi nói : sau một đêm ngủ dậy, thấy mình được ( bị ) gọi là Cha ? Vì, những xưng hô kiểu này phần nhiều chỉ gây hại và (ít nhiều) sẽ tạo thêm khó khăn cho người tu sĩ có tâm hồn hướng thượng một cách đúng đắn, vì các lẽ giản dị sau đây :
* - Gọi người tu sĩ là CHA, là trực tiếp góp phần vun bồi cái TÔI mỗi ngày một thêm phình to và kềnh càng hơn. Ai cũng có một cái TÔI riêng, nhưng cái TÔI nào cũng đáng ghét như lời ngạn ngữ đã nói. Thật vậy, từ sáng sớm lúc vừa mở mắt cho tới đêm khuya trước khi đi ngủ, xung quanh ai cũng gọi mình là CHA với hết lòng cung kính. Từ năm này qua tháng nọ cứ tiếp diễn như thế không ngừng, một cách dần dần và tiệm tiến, người tu sĩ như bị bao vây giữa các loại hào quang, cả thật và ảo, do mọi người tạo ra khởi đi từ cách xưng hô. Từ môi trường như vậy, một nhân cách mới sẽ dần hình thành như một điều không muốn, nhân cách CHA. Tu là sửa, nhưng người tu sĩ lúc này lại dễ thấy mình là CHA, hơn là một kẻ cần phải sửa mình như bất cứ ai. Điều này, không chỉ gây hại, nhưng sẽ là cực kỳ nguy hiểm trên đường tu thân, vì từ vô thức, họ đang bị vong thân, đang tự đánh mất mình mà không nhận ra.
*- Gọi người tu sĩ là CHA, sẽ góp phần tạo ra các ảo tưởng về sự thánh thiện của bản thân : Trong thư gởi cộng đoàn Êphêsô đoạn 4, 11, Thánh Phaolô khẳng định, mọi tín hữu ( giáo dân và giáo sĩ ) đều có ân tứ linh mục, và giáo hội thưở ban đầu (sơ khai) là giáo hội không đẳng cấp, ai muốn lãnh đạo thì phải phục vụ. Tiếp nối và triển khai tinh thần của Thánh Phaolô, Công đồng VAT II đã nói đến Linh mục thừa tác ( giáo sĩ ) và Linh mục cộng đồng ( giáo dân ). Cách thế thực hiện của 2 loại linh mục tuy khác nhau, nhưng sẽ là hỗ trợ và bổ xung cho nhau.
Trên lý thuyết thì rất xuông sẻ và đầy vẻ tốt đẹp là thế, tuy nhiên qua thực tế, khi gọi Linh mục là CHA, tính hòa đồng không đẳng cấp thuở ban đầu kia sẽ bị thương tổn nghiêm trọng. Ngay cả sự kêu mời mọi tín hữu hãy trở nên một Kitô khác ( Alter Chrishtus ), cũng dễ bị lạm dụng và hiểu sai như đã và đang xảy ra. Thực vậy, đối với hầu hết giáo dân, cái danh phận Linh mục cộng đồng là một điều gì đó hết sức mơ hồ và rất xa lạ, có vẻ chẳng liên quan đến đời sống thực tiễn của người giáo dân. Họ chỉ biết có CHA, đang là vị Linh mục chủ chăn của họ, và CHA cũng chính là Alter Christus đang ở giữa họ. Nếu có nghe đâu đó và loáng thoáng về chức danh Linh mục cộng đồng của mình, thì họ vẫn thấy mình chỉ là Linh mục CON, khác hẳn Linh Mục CHA quen thuộc. Họ bị lấn cấn.
Và cũng như trên, cùng với cái TÔI phình to và kềnh càng, khi được ( hay bị ) gọi là CHA lâu ngày chày tháng, người được (bị) gọi dễ thấy mình là một Alter Christus, nhưng theo một chiều hướng khác hẳn và ngược lại, nghĩa là thấy mình như một kẻ độc quyền ban phát chân lý, còn mọi người xung quanh và dưới quyền chỉ là những kẻ ăn mày chân lý. Chính vì thế, tình trạng các CHA ít muốn hoặc không thực lòng lắng nghe đang rất phổ biến từ lâu nay là chuyện thật dễ hiểu. Nhiều lắm những minh họa về điều này. Chỉ xin kể một chuyện nhỏ đã được ghi lại trên giấy trắng mực đen. Thời Đức Tổng Giám mục Nguyễn văn Bình, khi có nhiều than phiền và những cáo giác không hay về các Linh mục của mình, Ngài đã ngậm ngùi nói đại ý rằng : “Khi còn là Thày thì còn nói được, nhưng nay họ đã là CHA thì khó nói lắm ”.
Tất nhiên, không phải tất cả Linh mục đều muốn được gọi là CHA.
Và cũng tất nhiên, không phải CHA nào cũng ít muốn hoặc không thực lòng mong được lắng nghe một cách đáng tiếc như thế. Vì vẫn luôn còn đó rất nhiều các vị chủ chăn thánh thiện, luôn âm thầm xả thân quên mình vì đoàn chiên, với các Ngài, các danh xưng và cả mọi kiểu xưng hô, đều chỉ là những chuyện ngoại thân và họ đủ siêu thoát để vượt lên tất cả. Các vị ấy, đều đang nhận được sức mạnh thực sự từ Chúa Giêsu, Đấng đã được Thánh Phêrô tuyên xưng là Con Thiên Chúa hằng sống, nhưng đồng thời, Ngài cũng bị nhiều người gọi bằng những cái tên chẳng danh giá chút nào như : bạn của phường thu thuế và tội lỗi, kẻ mê ăn uống, hoặc tệ hại hơn nữa : là đầu lĩnh của quỷ Benzebun …Sức mạnh của Thiên Chúa và sức mạnh từ con người, nhiều khi rất khó nhận ra và vì thế, đã gây ra nhiều ngộ nhận .
Những cách xưng hô có thể gây nhiều tai hại như thế, nên đừng để ai gọi mình, đã trở thành những nhắc bảo hết sức ân cần và thật thiết tha của Chúa qua ngọn bút Thánh sử Mathêu .( 23,9).

Từ những chuyện kém vui :

Ai cũng biết, mọi cách xưng hô đều luôn ít nhiều biểu lộ vị thế, tương quan hoặc quyền bính. Anh và em, con với cha, bạn và tôi….Từ quyền bính đến quyền lực và quyền lợi chỉ cách nhau một bước ngắn, rất ngắn. Quyền bính và quyền lực, đôi khi, có vẻ như trừu tượng khó nhận ra, nhưng quyền lợi lại thường thể hiện qua vật chất và hiện ra ở ngay trước mặt ( ở đây không nói đến quyền lợi tinh thần ).
Từ chuyện nặng quyền bính, đến mê quyền lực và cuối cùng, để sở hữu và hưởng thụ nhiều quyền lợi vật chất, tuy nói là cách nhau một bước ngắn, nhưng thực ra, luôn là những quan hệ hữu cơ không thể tách rời.
Cách đây vài thập niên, tại Đại hội Giám mục Châu Á họp tại Philipine, các Ngài đã thẳng thắn thừa nhận trong một văn kiện : “Chúng tôi đã biến Giáo hội thành một hải đảo trù phú, giữa một đai dương nghèo đói khốn khổ”. Cụm từ “giáo hội trù phú” ở đây, ai cũng ngầm hiểu đó là 1% giáo sĩ, và 99% còn lại là các giáo dân.
Trong một dịp được vinh hạnh đến viếng thăm Tòa Thánh năm 1491, Linh mục Savonarôla thật ngỡ ngàng trước cảnh giầu sang lộng lẫy của Giáo đô La Mã và đã được Đức Giáo hoàng Alexandrô giải thích : “Ngày nay Giáo hội không thể nói như Thánh Phêrô với người ăn xin ở cửa Đẹp ngày xưa - Tiền bạc Ta không có chi…” Nhưng lập tức, vị Linh mục này liền thưa lại rằng : “Cũng vì thế, Giáo hội không thể nói tiếp : Nhân danh Đức Kitô, anh hãy bước đi ””( Sử ký Hội Thánh Olsen, trang 446 ).
Sau khi đọc vài mẫu chuyện kém vui ở trên, có thể, nhiều người sẽ nhăn mặt cho rằng, những mẫu chuyện kia chẳng có liên hệ đến chuyện xưng hô CHA – CON, mà xưa nay, vốn đã là những chuyện nhỏ nhặt, không đáng kể. Toàn là những suy luận tào lao, bới bèo ra bọ và thổi phồng sự việc để quan trọng hóa vấn đề.
Suy luận trên cũng rất có lý, vì chuyện giầu hay nghèo của cả một giáo hội là chuyện rất lớn, và nếu so với cách xưng hô CHA – CON thì tưởng như quá nhỏ bé, quá vặt vãnh, và cũng tưởng như chẳng có liên quan gì. Nhưng vấn đề muốn nói ở đây chỉ là chuyện quyền bính, quyền lực và quyền lợi. Mà cách xưng hô CHA – CON chính là khởi đầu biểu lộ quyền bính vậy.
Ngày 12/3/2000, tại Rôma, Đức Giáo hoàng JP II đã long trọng cử hành nghi lễ Sám hối. Ngài đã thành khẩn xin lỗi thế giới cùng nhiều dân tộc về 7 nhóm tội : 1/ Dùng bạo lực để phục vụ Chân lý. 2/ Gây chia rẽ trong Giáo hội. 3/ Chống lại tình yêu thương, hòa bình và các nền văn hóa khác. 4/ Bất công đối với những người nghèo khổ……
Toàn là những tội nặng ký khó bề giảm khinh, những tội đều liên quan đến quyền bính, quyền lực và quyền lợi. Chẳng ai khảo mà lại xưng. Đúng là một kiểu vạch áo cho người xem lưng. Thật khó lòng chấp nhận. Ban đầu, sau khi Đức Giáo hoàng xin lỗi, đã có rất nhiều những suy nghĩ kiểu như thế, cũng đã có không ít những lo lắng và cả sợ hãi nơi nhiều người. Nhưng thời gian qua đi, thế giới đã nhìn rõ dung mạo của một vị anh hùng kiệt xuất, mà một trong các hành động ấy là đã dũng cảm công nhận những thiếu sót, cả nhiều vấp phạm của cộng đồng mình. Một sự dũng cảm đến mức anh hùng, dù hơn 2000 năm đã qua, nhưng đến nay lần đầu tiên mới có dịp bộc lộ và tỏ rõ. Chính nhờ như thế, toàn thể nhân loại mỗi khi có dịp nói về người Công Giáo, mọi người đã thêm nhiều mến yêu cùng biết bao nể phục.

đến các vị chủ chăn không muốn được gọi là Linh Mục …..:

Do những tồn tại khách quan của lịch sử, từ thế kỷ thứ IV, các triều đại Vua Chúa La mã đã can thiệp quá sâu vào các mặt sinh hoạt của Giáo hội, vì thế, những ảnh hưởng của các thế lực ấy là không thể tránh khỏi. Thậm chí, các ảnh hưởng ấy còn kéo dài và tồn tại đến mãi ngày nay. Thực vậy, Giáo hội của chúng ta, về mặt hình thức vẫn là một thể chế mang nhiều tính quân chủ, với một triều đình thực sự, cùng với nhiều ngôn từ phong kiến như Monseigneur ( Đức ông ), Princes de l’Eglise ( Hoàng tử, Hoàng Thân của Giáo hội …cùng những cách xưng hô như Excelleence, Eminence, Révérendissime ….và các phẩm phục của các triều đại xa xưa thuộc La Mã cổ thời.
Đọc Lịch sử Giáo hội, bên cạnh những trang sáng lạn huy hoàng, ta thấy có nhiều trang rất u ám, và ở nhiều trang khác, Giáo hội lại thể hiện là một xã hội bất bình đẳng từ bản chất. (1) ( xin đọc Người giáo dân VN, sau 40 năm CĐ. GS Trần duy Nhiên). Không ai có thể phủ nhận những thực tế khách quan ấy, nhưng ai cũng muốn tin rằng, lịch sử vốn luôn sống động và đang tiến về phía trước cùng với nhiều thay đổi, nên cái bất bình đẳng kia chỉ là những kỷ niệm của một quá khứ kém vui mà thôi.
Và cái điều muốn tin về một giáo hội bình đẳng miên viễn ấyluôn có cơ sở vững chắc. Cơ sởtrước hết để dựa vào chính là Đức Giêsu, vì Ngài vừa là Chúa, vừa là Cha và là Thầy, nhưng Ngài cũng luôn muốn là Bạn, là Trưởng tử, là người anh Cả của các đàn em ở mọi thời. Cơ sở vững chắc tiếp theo để dựa vào, chính vì đang có không ít chủ chăn chẳng muốn bị ai gọi mình là CHA.
Đã có linh mục, dù là không còn trẻ, nhưng ngay trong bài giảng đầu tiên khi về nhận xứ, Ngài đã xin với mọi người rằng, hãy coi mình như một người thân thực sự của gia đình, xin gọi Ngài là Anh, là em, là cháu, là cậu tùy theo tuổi tác. Cùng lắm, thì cứ gọi là Linh mục, nhưng xin đừng bao giờ là CHA. Bài giảng và thái độ của Ngài, ngay lập tức đã gây không ít ngạc nhiên đến ngỡ ngàng trong mọi thành phần giáo dân.
Tiếng lành đồn xa, có nhiều người hiếu kỳ đã đến thăm hỏi và tìm hiểu, Ngài luôn trả lời rất ân cần và lịch sự nhưng cũng vừa đủ, đại ý rằng : “Gọi là CHA không có gì sai, nhưng chỉ là ở đấy, thời bầy giờ là phù hợp, còn ở đây, và bây giờ thì không.. ”
Cũng đã có Linh mục, dù tuổi đã cao, nhưng Ngài vẫn tích cực viết lách, và viết rất hấp dẫn. Không chỉ thế, Ngài còn là tư vấn hôn nhân và nhà xứ của Ngài, đã trở thành một địa chỉ hết mực tin cậy của rất nhiều gia đình thuộc đủ mọi giới, cả lương lẫn giáo. Khi người ta hỏi, phải xưng hô như thế nào cho phù hợp, thì Ngài chỉ cười khà khà và nói rằng : Xin cứ gọi tôi là Anh Tư, nếu trong nhà còn anh Ba. Hoặc, xin được gọi là chú Năm, nếu trong nhà có chú Tư…..Rất nhẹ nhàng và hồn nhiên, cứ như thế, ai cũng có một cách xưng hô phù hợp tùy theo mình, và cũng cứ như thế, Ngài luôn là người thân của mọi người, mọi nhà, gần gũi như hơi thở, tự nhiên như khí trời.
Đã có vị Giám Mục, nổi tiếng viết lách và là lò đào tạo các Giám mục, mỗi khi gọi điện thoại đến Ngài, thì ở đầu giây bên kia luôn được nghe : “Ơ ! mình đây ”. Ngài rất ngại cái từ : “Đức Cha”, và cũng ngại luôn cả cái từ “Giám mục” lúc riêng tư, dù người nói chuyện với Ngài thuộc hàng em cháu về tuổi tác và chỉ đáng là học trò về mọi mặt.. ..
Cũng có vị Giám mục, dù đang phụ trách một Giáo phận lớn, nhưng có lần, Ngài đã trở thành một kẻ chạy bàn ăn cho người giáo dân rất hồn nhiên vui vẻ, lúc thì lấy thêm chút nước mắm, lúc lại mang thêm chai nước và thường nói chuyện tếu thật vui ( Ngài đã ăn cơm trước đó rồi ). Những trường hợp tương tự như thế, mọi danh xưng và các kiểu xưng hô, dù có gọi hoặc được gọi là gì đi nữa, cũng chẳng ai muốn đặt ra hoặc nghĩ đến, vì tất cả đều trở thành thừa thãi.
Có vị mục tử, khi người giáo dân : Thưa Linh mục và xưng Tôi, thì Ngài như bị xốc nhẹ, vẻ không hài lòng tuy là thật kín đáo, nhưng cũng rất đủ để mọi người nhận ra. Tất nhiên, với một quan hệ khởi đầu không mấy xuông xẻ như thế, ai cũng hiểu mọi chuyện tiếp theo (nếu còn tiếp tục) sẽ chẳng mấy thuận lợi.
Một vị mục tử khác, rất hài lòng về một giáo dân nọ, vì biết những việc tốt đẹp mà người giáo dân này đã làm, từ đó, Ngài muốn mời cộng tác. Nhưng khi tiếp xúc gặp gỡ, người giáo dân kia đã : Thưa Giám Mục và xưng Tôi. Mọi quan hệ từ đó bỗng nhiên trở nên xấu hẳn, tất nhiên, cũng từ đó, sự cộng tác dự định ban đầu kia không ai muốn đặt ra nữa. Vì từ cả 2 phía, chẳng ai muốn tiếp tục một quan hệ khập khiễng và kém vui ngay từ đầu như vậy. Nếu người giáo dân này biết xưng hô giống mọi người, nghĩa là : Thưa Đức Cha và xưng là Con. Rất có thể, mọi chuyện sẽ đổi khác. Điều cần nói thêm, tuổi tác của họ chỉ sấp sỉ ngang nhau.

Trở lại với phần đầu bài viết, vì đã nhắc đến một giáo dân có 70 năm sống đạo với kiểu xưng hô CHA - CON mà không chút nào lấn cấn. Điều tự hào của vị giáo dân này là hoàn toàn chính đáng và hiểu được. Vào cái thời mà người giáo dân thường : “Con xin phép Lạy Cha ”. Phải xin phép trước, rồi mới được lạy sau, thì chuyện xưng hô CHA – CON là rất bình thường và tự nhiên..
Ở đấy, bấy giờ thì rất phù hợp. Nhưng ở đây, bây giờ mà còn như thế, thì rất cần phải xem lại, về nhiều mặt.
Nhưng xem lại như thế nào và phải bắt đầu từ đâu là chuyện chẳng dễ dàng gì, vì đây đã là não trạng, đã là nếp nghĩ ( cách nói của Giám mục tân cử Nguyễn văn Khảm thường dùng). Mà não trạng thường chỉ được hình thành từ rất lâu đời, như Đức Giáo hoàng JP II đã giải thích ở những giòng trên.
Song le, ai cũng biết rằng, để có thể sống không trái ý của Đấng Tối Cao, nhiều khi cần phải lội ngược giòng, mà điều này lại hoàn toàn tùy thuộc vào sự dũng cảm nơi mỗi người và mỗi giới của cộng đồng Dân Chúa.

Xuân Thái.