PDA

View Full Version : Ngày 27/12 Thánh Gioan tông đồ. Lễ kính.



phale
27-12-2017, 04:25 PM
BÀI ĐỌC I: 1 Ga 1, 1-4
"Chúng tôi loan truyền cho anh em điều chúng tôi đã nghe và đã thấy".
Bắt đầu thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, điều đã có từ thuở ban sơ, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã ngắm nhìn và tay chúng tôi đã sờ đến về Ngôi Lời hằng sống: là sự sống đã tỏ hiện, và chúng tôi đã từng thấy, chúng tôi làm chứng và chúng tôi loan truyền cho các con sự sống đời đời đã có nơi Chúa Cha và đã tỏ hiện cho chúng ta. Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, thì chúng tôi loan truyền cho các con, để các con hiệp nhất với chúng tôi, và chúng ta hiệp nhất với Chúa Cha và với Chúa Giêsu Kitô, Con của Người. Chúng tôi viết các điều này để các con vui mừng và niềm vui của các con được trọn vẹn.
Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 96, 1-2. 5-6. 11-12
Đáp: Người hiền đức, hãy vui mừng trong Chúa (c. 12a).

1) Chúa hiển trị, địa cầu hãy hân hoan, hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui. Mây khói và sương mù bao toả chung quanh, công minh chính trực là nền kê ngai báu. - Đáp.

2) Núi non vỡ lở như mẩu sáp trước thiên nhan, trước thiên nhan Chúa tể toàn cõi đất. Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người. - Đáp.

3) Sáng sủa bừng lên cho người hiền đức, và niềm hoan hỉ cho kẻ lòng ngay. Người hiền đức, hãy vui mừng trong Chúa và hãy ca tụng thánh danh Người. - Đáp.

ALLELUIA:
Alleluia, alleluia! - Chúng con ca ngợi Chúa là Thiên Chúa; lạy Chúa, ca đoàn vinh quang của các tông đồ ca ngợi Chúa. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 20, 2-8
"Môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô và đến mộ trước ông".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Ngày thứ nhất trong tuần, Maria Mađalêna chạy đến gặp Simon Phêrô và môn đệ kia mà Chúa Giêsu yêu, bà nói: "Người ta đã lấy xác Chúa khỏi mộ rồi, chúng tôi không biết họ để đâu".

Bấy giờ Phêrô ra đi với môn đệ kia đến mộ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô và đến mộ trước ông. Cúi nhìn vào, người môn đệ đó thấy tấm khăn liệm xác hãy còn, nhưng không vào. Bấy giờ Simon Phêrô theo sau cũng đến, và đi vào trong mộ, thấy khăn liệm xác còn đó, và khăn che mặt để trên phía đầu Người, không để chung với khăn liệm xác, nhưng đã cuốn riêng để vào một chỗ.

Bấy giờ môn đệ đã đến trước cũng vào; ông đã thấy và đã tin.
Đó là lời Chúa.

www.thanhlinh.net (http://www.thanhlinh.net/)

phale
27-12-2017, 04:25 PM
Suy niệm:

Thưa cộng đòan, hôm nay mới là ngày thứ 3 trong tuần bát nhật Giáng sinh. Niềm vui lễ Chúa Giáng Sinh đang còn hiện rõ trên khóe mắt, trên môi cười, trên gương mặt rạng rỡ của người Kitô hữu. Giáo Hội lại đưa vào phụng vụ lễ kính thánh Gioan tông đồ, đọan trích tin mừng Ga 20, 2-8 lại chẳng đề cập chút gì về Chúa Giáng sinh, nhưng lại nói về biến cố phục sinh của Đức Giêsu. Vậy đâu là sự nối kết giữa hai mầu nhiệm Giáng Sinh và Phục Sinh? Trong khi tin mừng Gioan cũng không thấy có trình thuật nào về biến cố Chúa sinh ra. Thiết nghĩ, chúng ta cần quan sát hai nhân vật Maria Mácđala và Gioan để tìm ra câu trả lời.

Bà Maria đi thăm mộ lúc trời còn tối, có lẽ cả đêm trước bà đã không chợp mắt, chỉ mong trời mau sáng để lên đường ra thăm mộ Chúa. Ai có thể hiểu được trái tim của bà, tình yêu đã khiến bà theo Chúa, đứng dưới thập giá (Ga19, 25) tham dự việc mai táng Thầy Giêsu (Mt 27, 61)… Bây giờ bà lại là người trước tiên ra thăm mộ, trứơc cả môn đệ được Giêsu thương mến. Nhưng, một cảnh tượng thật kinh khủng, bà hốt hoảng, nghẹn lời: tảng đá che mộ đã bị lăn ra, xác Thầy biến mất, …Ai! Ai! ai đã ăn cắp xác Chúa?! Bà hốt hoảng chạy về báo tin cho 2 môn đệ và nghĩ rằng có kẻ đã ăn cắp xác Thầy. Vấn đề duy nhất mà Maria lo âu là: họ để xác người ở đâu (Ga 20, 2.13.15), bà cần biết chỗ đó để lấy ngay xác Thầy về. Maria chẳng nghĩ gì đến chuyện Chúa đã phục sinh, bà chỉ mong tìm thấy xác Thầy đã chết. Bà chạy về kéo theo Phêrô và Gioan chạy đến mộ, những bước chân hối hả vội vàng. Bà bật khóc, lại là ngôi mộ trống, Chúa đâu rồi; ai đã lấy xác Chúa đi? Đó là Maria, một tình mến đặc biệt cho Chúa.

Phêrô và Gioan chạy đến mộ, cửa mồ mở toang, ngôi mộ trống và những băng vải đặt ở đó rất gọn gàng, riêng khăn che đầu Đức Giêsu thì được cuộn lại, để riêng ra. Khi thấy những điều ấy, Gioan tin rằng Thầy đã phục sinh. Mà cũng chẳng có ai ăn cắp xác mà lại để lại gọn gẽ khăn liệm.

Quả là một sự đặc sắc trong tin mừng Gioan “Niềm vui phục sinh được khởi đi bằng sự hốt hoảng nhưng lại được bùng nổ trong hoan lạc nhờ đức tin”. Chúng ta cần có lòng mến thiết tha của bà Maria Mácđala, nhưng cũng cần có sự nhạy cảm để tin như Gioan. Khi tin, người ta dễ dàng đọc ra ý nghĩa của các biến cố: ý nghĩa của một hài nhi được sinh ra trong khó nghèo, ý nghĩa của cái chết bi đát trên núi sọ, ý nghĩa ngôi mộ trống và tấm khăn liệm gọn gàng. Đó là điểm mấu chốt gắn kết hai mầu nhiệm Giáng Sinh và Phục Sinh trong Công Giáo chúng ta. Chúng ta đang hân hoan mừng Chúa Giáng Sinh, không phải vui vì Vị Thiên Chúa được sinh ra để chết, nhưng vui vì Đấng Cứu Tinh sinh ra để phục Sinh và làm cho những ai tin được sự sống vĩnh cửu. Chỉ khi xác tín như thế, niềm vui Giáng Sinh của người Kitô hữu mới trọn vẹn.

Đến đây tôi lại suy tư về đời sống đức tin của mình. Trong cuộc sống, ta cần có lòng tin để khỏi rơi vào hốt hoảng hay thất vọng trước những thất bại, đổ vỡ mất mát trong cuộc đời. Đời mỗi người lắm khi giống như ngôi mộ trống trải, những gì chúng ta yêu quý nay chẳng còn, những gì ta đôn đáo tìm kiếm nay đã mất và ta rơi những giọt nước mắt đau khổ như bà Maria khi không nhìn thấy Chúa nữa (Ga 20, 11). Nhưng, nếu ta không chấp nhận được mất mát, đổ vở, hay thất bại…để đọc ra ý nghĩa của nó; thì cũng giống như sự mong uớc ban đầu của Maria là xác Chúa cứ nằm yên trong mồ để bà đến thăm. Nếu Đức Giêsu cứ nằm yên trong mồ, thì làm gì có chuyện Phục Sinh? Bà Maria chẳng bao giờ tìm thấy xác của Thầy trong mộ, nhưng bà sẽ gặp Đấng Phục Sinh bên ngoài mộ đá. Chúng ta cũng vậy, hãy bước ra khỏi bản thân mình, khỏi cái xu hướng chiếm hữu của mình, để gặp Chúa nơi anh em, nơi tha nhân đặc biệt là ngừơi nghèo khó.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, vì Chúa đã phục sinh nên chúng con không còn gì phải sợ hãi, nhưng ngược lại lòng thư thái hân hoan. Vì Chúa đã phục sinh, nên trong lòng chúng con niềm vui Giáng Sinh thêm trọn vẹn, vì Chúa giáng trần là để chúng con được sống, được ơn cứu độ và lòng chúng con xác tín. Xin Chúa tiếp nối niềm vui Giáng sinh nơi mỗi chúng con bằng thái độ sống hân hoan đầy xác xin, để niềm niềm vui ơn cứu độ ấy lan tỏa đến hết mọi người chúng con gặp gỡ. Amen!

(Xuân Hạ, OMI)
_______________________________________________________________

Mời bạn đọc
Suy niệm của Huệ Minh
(https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=56169&p=180669&viewfull=1#post180669)Suy niệm của tinmung.net (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?44179-ngay-27-12-le-thanh-gioan-tong-do.html&p=155213&viewfull=1#post155213)
Suy niệm của gpcantho.com (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?48700-ngay-27-12-le-thanh-gioan-tong-do.html&p=166756&viewfull=1#post166756)
(https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?48700-ngay-27-12-le-thanh-gioan-tong-do.html&p=166756&viewfull=1#post166756)Lẽ sống ngày 27/12: Ngạc nhiên

Tại miền Provence thuộc miền Nam nước Pháp, có một máng cỏ khá nổi tiếng. Ða số các nhân vật trong máng cỏ, du khách thường để ý đến một con người nhỏ bé với hai bàn tay mở ra trống trơn, nhưng gương mặt lại để lộ một vẻ ngạc nhiên khó tả. Chính vì thế mà người ta đặt tên cho nhân vật này là "ngạc nhiên".

Người địa phương thường giải thích về sự ngạc nhiên trên gương mặt của nhân vật này bằng một câu chuyện như sau: Một hôm tất cả các nhân vật trong máng cỏ, kể cả mấy chú bò lừa, đều tỏ ra khó chịu đối với nhân vật có tên là "ngạc nhiên" này, bởi vì anh ta không có gì để mang tặng cho Chúa Hài Nhi, ngoài hai bàn tay trắng của anh. Họ sỉ vả anh như sau: "Mày không biết xấu hổ sao? Mày đến chầu Hài Nhi Giêsu mà không mang theo gì cả?".

Nhưng con người có tên là "ngạc nhiên" ấy không để lộ một phản ứng nào, đôi mắt của anh vẫn mở to và chăm chú nhìn vào Hài Nhi Giêsu.

Những lời rủa sả cứ tiếp tục trút xuống trên anh, đến độ Ðức Maria phải lên tiếng để biện hộ cho anh như sau: "Quả thực anh "ngạc nhiên" đã đến với Hài Nhi Giêsu với hai bàn tay trắng. Nhưng anh đã mang đến món quà cao đẹp nhất: đó là sự ngạc nhiên của anh! Ðiều này có nghĩa là Tình Yêu bao la của Thiên Chúa đã chiếm trọn tâm tư của anh".

Và Ðức Mẹ kết luận như sau: "Thế giới này sẽ kỳ diệu biết bao nếu luôn có những con người như anh "ngạc nhiên", biết ngây ngất vì ngạc nhiên".

Người ta thường nói: "ngạc nhiên" là khởi đầu của khám phá. Có biết ngạc nhiên, có biết đặt câu hỏi, người ta mới đặt ra giả thuyết rồi mới tìm tòi, khảo sát và khám phá... Sự tiến bộ của loài người bắt nguồn từ chính sự ngạc nhiên.

Trong lĩnh vực siêu nhiên cũng thế, Thiên Chúa đã ban cho con người khả năng biết ngạc nhiên, biết chiêm ngắm để khám phá ra Tình Yêu bao la của Ngài. Cả vũ trụ là một quyển sách luôn được mở ra để mời gọi con người tìm đọc được Lời Ngỏ yêu thương của Chúa. Lịch sử của nhân loại, cuộc đời của mỗi người cũng là một kỳ công, qua đó Thiên Chúa không ngừng bày tỏ Tình Yêu của Ngài.

Ðức Kitô Phục Sinh mang lại cho chúng ta sức sống mới với đôi mắt mới. Với đôi mắt mới ấy, chúng ta không ngừng được mời gọi để đi vào sự ngạc nhiên và ngây ngất trước Tình Yêu của Thiên Chúa. Tình Yêu ấy nhiệm màu đến nỗi chúng phải vượt qua nhãn giới bình thường của chúng ta để nhìn thấy được và cảm nếm được những gì không nằm trong sự đo lường, tính toán của chúng ta. Do đó, người có cái nhìn ngạc nhiên và ngây ngất luôn phó thác cho Tình Yêu của Chúa... Trong lúc thịnh vượng, họ thốt lên lời ca chúc tụng tri ân đã đành, mà đứng trước thất bại, khổ đau, mất mát, họ vẫn có thể nhìn ra dấu ấn Tình Yêu của Chúa.

Trích sách Lẽ sống