PDA

View Full Version : Cn 34 : Ông Vua Là Người Nghèo (Mt 25: 31-46)



xoicucnong
23-11-2008, 05:35 PM
http://daminhvn.com/upload/news//tm/dgs79.jpg





Vua, chính là người nghèo

Có một bức tranh diễn tả về cuộc phán xét cuối cùng, trong đó, bên cạnh hình một tên quỹ là hình Ðức Kitô oai phong. Bức tranh đó rất lớn, nói lên Con Người đã trở lại, Người được gọi là "Vua" và tất cả mọi nước đều tụ tập trước nhan Người. Xưa kia, tại chân tháp Ba-ben, tội lỗi đã làm tan vỡ các dân tộc, trở thành những mảnh nhỏ. Giờ đây, các mảnh nhỏ ấy lại vỡ tan, nhưng để nảy sinh một nhân loại mới phù hợp với thánh ý Thiên Chúa, một dân tộc thánh thiện, bao trùm cả vũ trụ.

Bản văn phụng vụ trong lễ Ðức Kitô Vua thật lạ lùng. Thánh Mát-thêu sắp xếp trình thuật này vào giai đoạn mà số phận của con người dường như đã được định đoạt : Người bị kết án và chịu hành hình như một nô lệ. Trước đây, khi dân chúng tỏ ra quý chuộng Người, thì Người lại nói về đau khổ và sự chết ; còn ở đây, khi trần gian sắp sửa sụp đỗ dưới chân Người, thì Người lại lên tiếng nói về vinh quang và vương quyền. Người tự giới thiệu về chính mình như vị Vua xét xử cả nhân loại.

Phải chăng đây là một ước mơ muốn báo thù, hay là khoa trương ước vọng ? Phải chăng là Ðức Giêsu muốn khước từ việc xoá mình đi và theo đuỗi quyền lực ? Ðiều lạ lùng nữa là Ðức Giêsu tự nhận Người có quyền xét xử vốn dành riêng cho Thiên Chúa, như lời ngôn sứ Ê-dê-ki-en : ""Ðức Chúa là Chúa Thượng phán : Này Ta sẽ xét xử giữa chiên với chiên, giữa cừu với dê"" (Ed 34,17). Ðặc biệt hơn, Người còn tự đổng hoá với những người bé nhỏ, hèn kém : ""Mỗi lần các ngươi làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy ... Mỗi lần các ngươi không làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.""

Vị vua này thật khác xa với lời mô tả của ngôn sứ Sa-mu-en khi ông cảnh giác đám đông dân chúng Ít-ra-en đang muốn chọn một ông vua để cai trị họ : "Ðây là quyền hành của nhà vua sẽ cai trị anh em ... Chiên dê của anh em, ông sẽ đánh thuế thập phân. Còn chính anh em sẽ làm nô lệ cho ông. Ngày ấy, anh em sẽ kêu than vì vua của anh em mà anh em đã chọn cho mình, nhưng ngày ấy Ðức Chúa sẽ không đáp lời anh em."" (1 Sm 8,11.17-18)

Ðúng hơn, Thiên Chúa đáp lời con người đang bị áp bức bằng cách gửi đến cho họ một vị vua trong thân phận một nô lệ. Vương quyền của vị vua này không đặt trên quyền lực và cũng không có ý định chiếm chỗ của Thiên Chúa. Vương quyền này đặt sức mạnh của mình trên tình yêu, tình yêu của một vị Thiên Chúa đã đến trong chỗ của một con người. Trong Ðức Giêsu, Vương quyền đã hoàn toàn thay đổi ý nghĩa : thay vì thống trị sẽ là tình yêu.

Một ông vua với những ý nghĩa khác thường

Tin Mừng cho thấy có những lúc Ðức Giêsu từ chối là vua, có lúc Người lại nhận. Thật ra, Ðức Giêsu không bao giờ chấp nhận một vương quyền theo nghĩa chính trị, quân sự và hống hách. Người không hề muốn chấp nhận vai trò của một ông vua theo cách hiểu thông thường của nhân loại.

Tuy nhiên, Người chấp nhận là Vua Lãnh Ðạo như ngôn sứ Ê-dê-ki-en loan báo. Vị vua này là người chăm sóc các con chiên đã được trao phó cho mình. Vương quyền của vị vua này là phục vụ.

Ðức Giêsu cũng chấp nhận là Vua Chiến Thắng vào thời gian cuối cùng như thánh Phao-lô trình bày. Vị vua này là Ðấng chiến thắng sự dữ và sự chết. Chiến thắng bởi vì Người hiến dâng mạng sống của chính mình ; chiến thắng bởi vì Người chấp nhận tự huỷ và hoàn toàn vâng phục Chúa Cha.

Ðức Giêsu còn chấp nhận là Vua Xét Xử như dụ ngôn của thánh Mát-thêu. Thế nhưng vị vua này lại tự đổng hoá với những người nghèo, với những người bị bách hại và với tất cả những người khốn khổ.

Nói tóm, Vương quyền của Ðức Giêsu chỉ được diễn tả cách trọn vẹn và trung thực qua việc dành ưu tiên để phục vụ người nghèo, và dành mọi nỗ lực để phát triển đức ái.

Lúc này, Ðức Giêsu là vị vua đang trên đường tiến gần đến cái chết, một vị vua sắp bị đóng đinh. Tuy vậy, Người hiểu rõ chương trình từ ngàn đời của Thiên Chúa sẽ được thực hiện : Thiên Chúa đã tạo thành thế gian, để rổi một ngày kia, thế gian sẽ được thừa hưởng vương quyền của Thiên Chúa.

Ðức Giêsu là Vua để phục vụ, để đem lại sự sống, đổng thời Người cũng là Vua để xét xử, để thưởng phạt. Tuy nhiên, đây là một cuộc xét xử kỳ lạ, bởi vì trong đó, con người được phân loại và có quyền tự bào chữa. Một số người cảm thấy hân hoan, còn số khác lại càu nhàu. Một số người ngạc nhiên vì mình được xếp vào loại người lành, một số khác lấy làm lạ vì mình bị liệt vào số người dữ. Dụ ngôn quả là gây ngạc nhiên, bởi vì cuộc xét xử đem lại ơn cứu độ cho những người nghĩ rằng mình chẳng có điều gì tốt lành, và kết ánh những người cho rằng mình công chính.

Nói thế, bởi vì tiêu chuẩn để xét xử là tình yêu. Mà tình yêu đó rất đơn giản, đơn giản đến nỗi ngay những người trong cuộc cũng không nhận ra : cho ăn, cho uống, cho mặc, đón tiếp, thăm viến, săn sóc. Cuộc xét xử của Ðức Giêsu không dựa trên những công trạng, nhưng dựa trên những cử chỉ khiêm tốn để phục vụ anh em đổng loại. Vì vậy, mỗi hoạt động nhằm giúp đỡ người khác, dù âm thầm và nhỏ bé, cũng đều có giá trị vĩnh cửu, giá trị đời đời.

Ðàng khác, cuộc xét xử của Ðức Giêsu không là gì khác hơn việc mặc khải ra những điều còn giấu kín. Có thể mỗi người không hiểu hết giá trị của các công việc, nhưng trước mặt vị Thẩm Phán công minh, các công việc đó đều có ý nghĩa và có ảnh hưởng đến cuộc sống vĩnh cửu. Lời phân xử của vị Thẩm Phán trong dụ ngôn được đặt trong bối cảnh của ngày cuối cùng, nhưng cũng là một cảnh giác cho cuộc sống hiện tại. Tình yêu sẽ là tiêu chuẩn để mỗi người tự xét xử, bắt đầu ngay từ cuộc đời này. Như thế, cuộc sống vĩnh cửu đã được khởi đầu ngay tại trần gian. Vương quyền của Ðức Giêsu đã được thể hiện khi mỗi người biết phục vụ anh em mình.

Cử hành lễ Ðức Kitô Vua, đó chính là dấn thân thực thi việc phục vụ anh em, chứ không phải là hoạt động cho chiến thắng của Ðức Kitô như người ta dấn mình vào chính trị.

Chưa phải là kết thúc

Với dụ ngôn này, cũng có thể hiểu rằng, cuộc chơi chưa kết thúc. Không ai có quyền ngủ yên trên những vầng hào quang, và ngược lại, cũng không ai có quyền thất vọng. Bài Tin Mừng quả là một "cú sốc", có tác dụng như một bản thí nghiệm. Có sáu hành động để bày tỏ lòng thương xót, mỗi người sẽ dựa trên đó để tự đánh giá về mình, đánh giá cách chân thành, không dối trá.

Nếu ai nhận thấy mình đã thi hành trọn đủ sáu công việc - hoan hô người đó - thì họ vẫn phải tiếp tục, bởi vì sau khi đã phục vụ người khác cách anh dũng, theo như lời thánh Phao-lô, họ vẫn có thể bị loại (1 Cr 9,27). Họ cần phải nhớ rằng bản liệt kê đó chưa phải là tất cả. Sáu hoạt động này mới chỉ là những ví dụ điển hình và thông thường. Tuỳ theo sáng kiến và hoàn cảnh của mỗi người, bản liệt kê còn có thể kéo dài, kéo dài đến vô tận, bởi vì tình yêu làm gì có giới hạn.

Nếu ai đó nhận thấy mình ở tình trạng số không, thì đừng lo sợ và kết án chính mình. Tất cả còn có thể thay đổi và còn có thể bắt đầu. Và cho dù tâm hổn mỗi người có kết án chính mình, thì cũng hãy luôn nhớ rằng "Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta" (1 Ga 3,20).

Như thế, trình thuật về cuộc xét xử cuối cùng không làm chúng ta sợ hãi, trái lại, nó khuyến khích chúng ta đón nhận ơn cứu độ, an ủi chúng ta vì cho biết rằng chưa tới thời xét xử và tất cả đều có thể. Nó cũng làm chúng ta an tâm khi nhắc nhở cho ta : không ai có quyền xét xử, trừ một mình Thiên Chúa. Ðiều đó thật đáng mừng.

Hình ảnh về sự phân cách còn cho thấy :

* Có ơn cứu độ, có thiên đàng. Ở dưới đất này, tất cả chưa được quyết định rõ ràng, nhưng cũng không có gì là vô ích. Có một nền công lý dành cho những người bị thất bại, những người bé mọn, những người bị gạt ra bên lề, những người vô tội. Vào ngày chung cuộc, những người bị sát hại sẽ được con cháu mình đón tiếp, và những thế lực sự dữ sẽ phải trả lại vinh quang.

* Và cũng có sự kết án, có hoả ngục. Ðó là đạo lý của Hội Thánh. Nếu không, con người chỉ là một thứ đổ chơi, một thứ máy móc chẳng có tự do, cũng chẳng có tình yêu. Có hoả ngục, nhưng Hội Thánh vẫn hy vọng và cầu nguyện để con người đừng điên rổ mà gieo mình xuống đó, khi quyết liệt từ chối đôi tay rộng mở của vị vua đã đón nhận vòng gai.

Kết thúc năm Phụng vụ

Tuần lễ cuối năm Phụng vụ, trong niềm tiếc nuối một năm đã qua, trong niềm vui mừng một năm thành đạt, trong nỗi ê chề một năm thua bại, trong tất cả vũ trụ đang chuyển mình, trong tất cả mọi người đang tranh sống, trong tất cả công to việc nhỏ của con người, Hội Thánh muốn chúng ta nghe lại những bài Tin Mừng về ngày cánh chung và cử hành lễ Ðức Giêsu Kitô Vua như ngọn đèn soi sáng cho cuộc sống nhân linh.

Làm sao không cảm thấy bâng khuâng
trước bầu khí se lạnh của mùa đông đang đến.
Làm sao không xao xuyến
khi nhìn lại quãng hành trình một năm vừa đi qua.
Làm sao không náo nức
trước cánh cửa năm mới đang mở ra,
chào đón và thách thức, kêu mời và đe doạ.
Làm sao không cảm thấy lâng lâng
khi đối diện với cuộc đời,
cuộc đời kỳ lạ của anh, của chị, của em,
và cuộc đời huyền nhiệm của chính mình.

Cuộc đời thật lạ kỳ,
vừa quyến rũ, vừa đáng sợ, vừa tươi đẹp, vừa hiểm ác,
vừa thúc bách phải bắt tay xây dựng một thế giới mới đang đến,
vừa cảnh giác đừng bám chặt lấy một thế giới chóng qua.
Phải chăng đó là một cuộc giao tranh thực sự ?
Phải chăng đó chính là mầu nhiệm Ðức Giêsu Vua
đang chuyển mình ngay trong chính giữa cuộc đời, ngay trong chính lòng mình ?
Và phải chăng chính tôi,
tôi cũng đang ẩn núp,
đang lăng xăng một góc nào đó trong cuộc chiến đấu này ?

* * *

Lạy Chúa Kitô,
Lời chúng con ca hát reo mừng Chúa là Vua,
thật ra cũng là lời hô hào kêu mời chúng con xông vào cuộc đời.
Việc chúng con cử hành thánh lễ Chúa là Vua
cũng chính là từng bước chân
chúng con tiến vào mầu nhiệm cứu độ trong cuộc đời.
Và lạy Chúa,
Ngọn cờ vương quyền của Chúa
chính là niềm trông cậy vô bờ cho chúng con trong cuộc đời này.


G. Nguyễn Cao Luật op