PDA

View Full Version : Thứ Hai Tuần III Mùa Chay



phale
05-03-2018, 05:35 AM
BÀI ĐỌC I: 2 V 5, 1-15a
"Có nhiều người phong cùi trong Israel, nhưng không có một người nào trong bọn họ được chữa lành, mà chỉ có Naaman, người Syria".
Trích sách Các Vua quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, Naaman, tướng đạo binh của vua xứ Syria, là người có uy thế đối với vua và được tôn trọng, vì Chúa đã dùng ông mà cứu dân Syria; ông còn là người hùng mạnh và giàu có, nhưng lại mắc bịnh phong cùi. Lúc bấy giờ một vài toán dân Syria bắt một thiếu nữ ở đất Israel dẫn về để hầu hạ bà Naaman. Cô ta nói với bà chủ: "Chớ chi ông chủ tôi đến gặp vị tiên tri ở Samaria, chắc chắn vị tiên tri ấy sẽ chữa ông khỏi phong cùi". Naaman đến tâu vua rằng: "Cô nhỏ xứ Israel đã nói thế này thế này". Vua xứ Syria liền nói: "Khanh hãy đi, trẫm sẽ gởi cho vua Israel một bức thơ". Naaman ra đi, mang theo mười lạng bạc, sáu ngàn nén vàng và mười bộ áo. Ông trao cho vua Israel bức thơ nội dung như sau: "Khi bức thơ này đến tay nhà vua, nhà vua biết tôi sai Naaman, tôi tớ tôi, đến với nhà vua, để xin nhà vua chữa ông khỏi phong cùi".

Sau khi đọc bức thơ, vua Israel liền xé áo và nói: "Ta có phải là Chúa, có thể giết chết và cho sống hay sao mà vua ấy gởi người đến xin ta chữa lành phong cùi? Các ngươi thấy không, vua ấy tìm cớ hại Ta đó". Khi Êlisêô, người của Thiên Chúa, nghe tin vua Israel đã xé áo mình, nên sai người đến tâu vua rằng: "Tại sao nhà vua lại xé áo? Ông ấy cứ đến với tôi thì sẽ biết trong Israel có một vị tiên tri".

Naaman lên xe ngựa đi, và dừng lại trước cửa nhà Êlisêô. Tiên tri nói với Naaman rằng: "Ông hãy đi tắm bảy lần ở sông Giođan, thì da thịt ông sẽ được lành sạch". Naaman nổi giận bỏ đi nói rằng: "Tôi tưởng ông ấy ra đón tôi và đứng trước tôi kêu cầu danh Chúa là Thiên Chúa của ông, rồi đặt tay lên chỗ phong cùi của tôi và chữa tôi lành mạnh. Các con sông Abana và Pharphar ở Đamas không sạch hơn các con sông ở Israel để tôi tắm và được lành sạch hay sao?" Ông trở về lòng đầy tức giận.

Các đầy tớ của ông đến nói với ông rằng: "Thưa cha, vị tiên tri có yêu cầu cha làm một việc lớn lao thì cha cũng phải làm. Phương chi bây giờ người bảo cha: 'Hãy đi tắm, thì được sạch' ". Naaman xuống tắm bảy lần ở sông Gio-đan như lời tiên tri, người của Thiên Chúa dạy, da thịt ông lại trở nên tốt như da thịt của đứa trẻ, và ông được sạch.

Sau đó ông và đoàn tuỳ tùng trở lại gặp người của Thiên Chúa. Đến nơi, ông đứng trước mặt người của Thiên Chúa và nói: "Thật tôi biết không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel".
Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 41, 2. 3, và Tv 42, 3. 4
Đáp: Hồn con khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống, ngày nào con được tìm về ra mắt Chúa Trời? (x. Tv 41, 3)

1) Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn con khát Chúa, Chúa Trời ôi! - Đáp.

2) Hồn con khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống, ngày nào con được tìm về ra mắt Chúa Trời? - Đáp.

3) Xin chiếu giãi quang minh và chân thực của Chúa, để những điều đó hướng dẫn con, đưa con lên núi thánh và cung lâu của Ngài. - Đáp.

4) Con sẽ tiến tới bàn thờ Thiên Chúa, đến cùng Thiên Chúa làm cho con được hoan hỉ, mừng vui. Với cây cầm thụ con sẽ ca ngợi Chúa, ôi Chúa là Thiên Chúa của con. - Đáp.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Tv 129, 5 và 7
Con trông cậy Chúa, con mong đợi lời hứa của Chúa, vì nơi Chúa sẵn có lòng từ bi và chan chứa ơn cứu độ.

PHÚC ÂM: Lc 4, 24-30
"Như Elia và Elisêô, Chúa Giêsu không phải chỉ được sai đến người Do-thái mà thôi đâu".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.
(Khi Chúa Giêsu đến thành Nadarét, Ngài nói với dân chúng tụ họp trong hội đường rằng): "Quả thật, Ta bảo các ngươi, chẳng có một tiên tri nào được tiếp đón tử tế ở quê hương mình. Ta bảo các ngươi, chắc hẳn trong thời Elia có nhiều bà goá ở Israel, khi trời hạn hán và một nạn đói lớn hoành hành khắp nước suốt ba năm sáu tháng, nhưng Elia không được sai đến với một người nào trong bọn họ, mà chỉ được sai đến với một bà goá ở Sarépta xứ Siđôn thôi. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, nhưng không một người nào trong bọn họ được chữa lành, mà chỉ có Naaman, người Syria".

Vừa nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, đẩy Người ra khỏi thành và dẫn Người đến một triền đồi, nơi họ xây thành, để xô Người xuống vực. Nhưng Người tiến qua giữa họ mà đi.
Đó là lời Chúa.

www.thanhlinh.net

phale
05-03-2018, 05:38 AM
Suy niệm:

1. Biết và tin

Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe là phần kết của trình thuật kể về biến cố Đức Giê-su trở về Nazareth, là nơi Ngài sinh trưởng. Những người cùng quê với Đức Giê-su, khi nghe Ngài giảng giải Lời Chúa, lúc đầu họ đã tỏ ra rất thán phục, như thánh Luca kể lại : « mọi người đều tán thánh và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người » (c. 22). Nhưng ngay sau đó, họ nêu vấn nạn, khởi đi từ những gì họ biết về Đức Giê-su : « Ông này không phải là con ông Giuse đó sao ? ». Khi kể lại chuyện này, Tin Mừng theo thánh Mác-cô nói chi tiết hơn : « Ông ta không phải là người thợ mộc, con bà Maria, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Gio-xét, Giu-đa và Simon sao ? Chị em của ông phải là bà con lối xóm với chúng ta sao ? » (Mc 6, 3).

Điều làm cho chúng ta phải kinh ngạc đó là, thay vì qua việc đích thân biết rõ thân thế Đức Giêsu, họ sẽ dễ dàng tin nơi căn tính thần linh của Ngài, thì chính sự hiểu biết này lại ngăn cản họ tin vào Đức Giêsu. Chính vì thế, trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, Đức Giê-su nói:

Không một ngôn sứ nào
được chấp nhận tại quê hương mình.
(c. 24)

Và điều này vẫn còn xẩy ra hôm nay, vì có những người nghiên cứu cuộc đời Đức Giê-su ; nhưng nghiên cứu một hồi thì mất đức tin ! Tại sao lại như vậy ? Đó là vì họ giản lược căn tính thần linh của Đức Giê-su vào bình diện của những điều họ đã biết, nghĩa là bình diện kiến thức lịch sử, mà phần lớn chỉ dựa trên suy đoán hay bị chi phối nặng nề bởi thái độ nghi hoặc.

Trong khi đó, căn tính thần linh của Ngài chỉ có thể là đối tượng của lòng tin, là hoa trái sự sống của gặp gỡ đích thân, của đón nhận, của hành trình đi theo và trở nên một, đến từ lòng khao khát Thiên Chúa, nhận ra, cảm nếm dấu vết Thiên Chúa nơi ngôi vị lạ lùng của Ngài trong tương quan với sáng tạo và lịch sử, với cuộc đời cụ thể của mỗi người chúng ta.

Ø Thiên Chúa sáng tạo con người để thông truyền sự sống, ơn huệ sự sống được diễn tả và cụ thể hóa bởi ơn lương thực, được ban cho chúng ta mỗi ngày (St 1, 29 ; Tv 136, 25). Và nơi Đức Ki-tô, Thiên Chúa trao ban chính mình làm lương thực, để cho con người được sống và sống dồi dào : « Này là mình Thầy, anh em hãy cầm lấy mà ăn ».

Ø Tuy nhiên, lịch sử cứu độ, lịch sử của loài người, lịch sử của mỗi người chúng ta đầy những thăng trầm thuộc phận người, đầy tội lỗi vì bị chi phối nặng nề bởi Sự Dữ và sự chết. Vậy Thiên Chúa còn trung tín với ý muốn thông truyền sự sống cho con người không? Nơi Đức Ki-tô, nhất là trong mầu nhiệm Vượt Qua của Người, Thiên Chúa mang lấy « mọi bệnh hoạn tật nguyền » của loài người chúng ta, của từng người chúng ta, để nói chúng ta rằng, Thiên Chúa yêu thương con người, yêu thương từng người chúng ta đến cùng, và tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa mạnh hơn Sự Dữ và sự chết.

Như thế, căn tính thần linh của Đức Giê-su sẽ rạng ngời nhất nơi mầu nhiệm Vượt Qua, như viên Đại Đội Trường Roma đã tuyên xưng khi chứng kiến cách Đức Giê-su chịu thương khó : « Quả thật, người này là Con Thiên Chúa » (Mc 15, 39).

2. Ghen tị

Còn một lý do khác nữa, khiến cho họ không thể đón nhận Đức Giêsu, đó là lòng ghen tị. Người ghen tị là người không chấp nhận sự khác biệt ; họ ham muốn và muốn sở hữu tất cả những điều tốt mà người khác có. Nhưng điều này là không thể được ; và thay vì bình an đón nhận sự khác biệt, họ tìm cách phá hủy những điều tốt nơi người khác ; hay ít nhất, cảm thấy vui mừng và hả hê khi người khác bị tai họa. Và đó chính là thái độ ghen gị của những người lắng nghe Đức Giê-su trong Tin Mừng.

Trước hết, họ lắng nghe Đức Giê-su với lòng thán phục ; nhưng sau đó, họ muốn Đức Giê-su cũng làm những gì mà Ngài đã làm ở những nơi khác : « Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào! » Và dường như Đức Giê-su cố ý làm cho lòng ghen tị này phải lộ ra với tất cả sức mạnh hủy diệt của nó, khi kể lại chuyện của các ngôn sứ Ê-lia va Ê-lisa. Hơn nữa, Đức Giê-su đã so sánh số phận của mình với số phận của các ngôn sứ : « Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. »

Quả thực, khi nghe Đức Giê-su nhắc lại chuyện cũ xong, và vì họ không có ngay được điều họ đòi hỏi, họ quay ra phẫn nộ ; sự phẫn nộ này tất yếu dẫn đến bạo lực : « Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành – thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực » (c. 29). Như thế, hành vi phá hủy là điểm tới tất yếu của lòng ghen tị. Và những gì xẩy ra ở Nazareth đã loan báo cuộc Thương Khó của Đức Giê-su rồi.

3. « Cung cách Vượt Qua »

Nhưng thay vì trả đũa bạo lực bằng bạo lực, Đức Giê-su « băng qua giữa họ mà đi. » (c. 30). Trong mầu nhiệm Thương Khó cũng vậy, Đức Giê-su thinh lặng vượt qua giữa cơn lốc phản bội, ghen tị, sỉ nhục, gian dối, bạo lực để đi qua bờ bên kia của sự sống mới. Vì thế, trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô, Đức Giêsu dạy, chứ không chỉ báo trước mầu nhiệm Thương Khó (x. Mc 8, 31) ; điều này có nghĩa là, những gì sẽ xẩy ra cho Ngài không phải để làm gương, đền bù hay kiểm chứng, nhưng là một lựa chọn, một kế hoạch hoàn tất, một mặc khải tuyệt đỉnh của Thiên Chúa. Thật vậy, cuộc Thương Khó và Thập Giá Đức Ki-tô :

Mặc khải sữ dữ đang hoành hành nơi con người và cách Thiên Chúa chiến thắng sự dữ.

Mặc khải lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người tội lỗi và ban ơn chữa lành.

Mặc khải sự thương cảm của Thiên Chúa đối với thân phận con người.

Mặc khải thân phận con người không phải là hình phạt và cũng không phải là con đường dẫn đến sự chết, nhưng là đến sự sống, ngang qua sự chết.

Đó là « cung cách của Vượt Qua » mà Đức Giê-su đã hoàn tất cách trọn vẹn trong cuộc Thương Khó ; và « cung cách Vượt Qua » cũng chính là cung cách của tình yêu, như Thánh Phao-lô nói : « Tình yêu chịu đựng tất cả, tin tưởng tất cả, hi vọng tất cả, kiên nhẫn tất cả » (1Cor 13, 7). Đó cũng là chính là « dấu vết thần linh » được tỏ hiện nơi ngôi vị của Đức Giê-su Nazareth, dành cho những ai khao khát Thiên Chúa và để dẫn họ đến sự sống, sự sống viên mãn ngay hôm nay.

Tin nơi Đức Ki-tô, chết và phục sinh, cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Người mỗi ngày và nhất là trong Tuần Thánh, đón nhận ơn tái sinh Người ban và sống cung cách Vượt Qua của Người, tất cả làm nên một hành trình, hành trình đức tin của người môn đệ đi theo Đức Ki-tô và thuộc về Đức Ki-tô, ở mọi thời, trong đó có chúng ta hôm nay.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
______________________________________________________________________________

Mời bạn đọc:
Suy niệm của Nt Maria Anh Thư, OP (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=54454&p=177594&viewfull=1#post177594)
Bài giảng của Lm Giuse Đinh Quang Thịnh (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=51829&p=173184&viewfull=1#post173184)
Lẽ sống ngày 4/3: Các con hãy nên trọn lành (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=6370&page=3&p=28681&viewfull=1#post28681)
Lẽ sống ngày 5/3 Bệnh quên (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=6370&page=3&p=28683&viewfull=1#post28683)