PDA

View Full Version : Biến cố tìm ra mộ và hài cốt của thánh Phêrô



vante
25-11-2008, 10:11 AM
Biến cố tìm ra mộ và hài cốt của thánh Phêrô



Phỏng vấn bà Margherita Guarducci, giáo sư khảo cổ, về việc tìm ra mộ và hài cốt của thánh Phêrô

Trong lịch sử khảo cổ Kitô thế kỷ XX có lẽ việc khám phá ra mộ và hài cốt của thánh Phêrô hồi thập niên 1950 dưới hầm đền thờ thánh Phêrô là biến cố quan trọng nhất. Nhân vật chính của cuộc khám phá này là bà Marguerita Guarducci, giáo sư khảo cổ chuyên đọc các chữ vạch trên tường.

Bà Marguerita Guarducci sinh ăm 1902 và đậu bằng tiến sĩ khảo cổ tại đại học Bologna trung bắc Italia năm 1924. Sau đó bà theo các khóa chuyên nghiệp tại Roma, Athènes và bên Đức, và là chuyên viên nghiên cứu và đọc các chữ viết và những gì thuộc thời cổ hy lạp. Từ năm 1942 tới 1972 bà là giáo sư dậy môn này tại đại học La Sapienza ở Roma. Là thành viên của Hàn Lâm viện Lincei Italia, trong nhiều năm trời bà đã từng là giám đốc Trường Khảo Cổ Italia. Các sinh hoạt nghiên cứu của bà được thu thập trong 400 tác phẩm xuất bản tại Italia cũng như ở nước ngoài, trong đó có bộ sách 4 cuốn ”Inscriptiones creticae” xuất bản năm 1955 liên quan tới các nghiên cứu khảo cổ trên đảo Creta; và bộ sách 4 cuốn ”Epigrafia greca” Chữ viết hy lạp, xuất bản giữa các năm 1967-1978. Nhưng trên hết bà đã dành nhiều năm cho việc nghiên cứu mộ của thánh Phêrô dưới hầm đền thờ thánh Phêrô. Bà qua đời tại Roma năm 1999.

Cho tới đầu thế kỷ XX đã không có vị Giáo Hoàng nào nghĩ tới việc kiểm nghiệm khảo cổ mộ của thánh Phêrô. Vài tháng sau khi được bầu làm Giáo Hoàng Đức Pio XII đã ra lệnh bằt đầu các cuộc đào bới khảo cổ dưới nền đền thờ thánh Phêrô, đặc biệt là dưới bàn thờ tuyên xưng đức tin, mà truyền thống liên tục từ xưa tới nay nói là có mộ của thánh Phêrô. Các cuộc đào bới do Linh Mục Ludovico Kaas hướng dẫn, với sự trợ giúp của các nhà khảo cổ Enrico Josi, Linh Mục Antonio Ferrua, Linh Mục Engelbert Kirschbaum và kỹ sư kiến trúc Bruno Maria Apolloni Ghetti. Các cuộc đào bới đã kéo dài từ năm 1941 đến 1950 và đưa ra ánh sáng nghĩa trang thuộc thời tiền Kitô, cũng như nơi chôn cất thánh Phêrô.

Vào năm 1952 bà Marguerita Guarducci được phép thăm viếng khu vực khảo cổ này và nghiện cứu tận nơi. Bà bắt đầu việc đọc các chữ viết trên tường ngôi mộ nằm bên dưới bàn thờ tuyên xưng đức tin, và nhận diện ra chữ hy lạp ”Petros eni” ”Phêrô ở đây”. Nó là bằng chứng cho thấy truyền thống đã rất là trung thực, và hoàng đế Constantino đã cho xây vương cung thánh đường với bàn thờ thẳng bên trên mộ của thánh Phêrô.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài nói chuyện giữa bà và giáo sư Federico Zeri, chuyên viên lịch sử nghệ thuyật, qua đời cách đây 10 năm. Năm 1990 giáo sư Guarducci đã thuyết trình về cuộc khám phá này tại trung tâm văn hóa Milano bắc Italia. Nó cũng là nội dung bài nói chuyện với giáo sư Zeri mới được đăng lại trên nhật báo Tương Lai, cơ quan ngôn luận chính thức của Hội Đồng Giám Mục Italia, số ra ngày 26-10-2008.

Hỏi: Thưa giáo sư Marguerita Guarducci, từ bao thế kỷ nay truyền thống Giáo Hội đã nói gì về thánh Phêrô?

Đáp: Truyền thống Giáo Hội nói rằng ông Phêrô, bác thuyền chài vùng Galilea, người mà Chúa Kitô đã coi là thủ lãnh các môn đệ, ông hoàng của các tông đồ, đã tới Roma này để rao giảng Tin Mừng và đã tử đạo vào năm 64 dưới thời hoàng đế Neron trong hí trường Vaticano, và được chôn cất không xa nơi bị hành quyết. Vào đầu thế kỷ thứ IV hoàng đế Constantino cho xây vương cung thánh Vticăng bên trên phần mộ đó.

Đến một lúc nào đó truyền thống ngàn đời này của Giáo Hội đã gây ra các bất đồng ý kiến từ phía những người thù nghịch Giáo Hội, và những người bất đồng ý kiến đã đi tới chỗ khẳng định rằng thánh Phêrô đã không hề đặt chân tới Roma, vì họ muốn khước tự sự hiện diện của mộ thánh nhân tại Vaticăng. Đây là sự kiện rất quan trọng, vì khi nói tới mộ thánh Phêrô tại Vaticăng thì trong một nghĩa nào đó cũng có ý nói tới quyền tối thượng của Giáo Hội Roma.

Phải đợi cho tới Đức Giáo Hoàng Pio XII, là người có văn hóa uyên bác, giầu đức tính nhân bản và có tầm nhìn xa, mới có câu trả lời cho các vấn nạn kể trên. Năm 1939 vừa được bầu làm Giáo Hoàng mấy tháng Đức Pio XII cho đào bới khảo cổ hầm đền thờ thánh Phêrô để đưa ra ánh sáng chứng tích khoa học trả lời cho các nghi vấn này. Các cuộc đào bởi đã được tiến hành cho tới năm 1949. Chúng đã không được bình thường, và đã phạm các lỗi lầm không thể hiểu được.

Hỏi: Họ đã tìm ra những gì, đặc biệt là dưới bàn thờ tuyên xưng đức tin, thưa bà?

Đáp: Họ đã tìm ra một nghĩa trang cổ và rộng, chạy từ hướng đông sang hướng tây và song song với hí trường Neron, nơi thánh Phêrô đã chịu tử đạo. Nghĩa trang này bị lấp đất lên trên để làm nền cho đền thờ, mà hoàng đế Constantino muốn xây cất kính thánh Phêrô.

Bên dưới bàn thờ tuyên xưng đức tin người ta đã tìm thấy nhiều đài kỷ niệm và bàn thờ: cái này bên dưới cái kia, cài này bên trong cái nọ. Điều này có nghĩa là nơi tuyên xưng đức tin có từ nhiều thế kỷ qua đã là nơi tôn kính thánh Pherô. Bên dưới bàn thờ của Đức Giáo Hoàng Clemente VIII năm 1594 cũng là bàn thờ hiện nay, có một bàn thờ thời Đức Giáo Hoàng Callisto II năm 1123.

Bên trong bàn thờ của Đức Giáo Hoàng Callisto II có bàn thờ thời Đức Giáo Hoàng Gregorio Cả cai quản Giáo Hội từ năm 590 tới 604. Thế rồi bàn thờ của Đức Giáo Hoàng Gregorio Cả lại dựa trên một đài kỷ niệm, mà hoàng đế Constantino cho dựng trên mộ của thánh Phêrô, trước khi cho xây đền thờ giữa các năm 321-326. Đài kỷ niệm này của hoàng đế Constantino bao gồm một đài kỷ niệm cổ hơn thuộc thế kỷ thứ II, là đài kỷ niệm đầu tiên kính thánh Phêrô. Nó gồm một một phần của một điện thờ nhỏ tựa lưng vào một bức tường mầu đỏ, làm nền cho đài kỷ niệm đầu tiên kính thánh Phêrô. Trong điện thờ nhỏ này có một bức tường đầy các chữ vạch trên đó, dĩ nhiên là trước thời hoàng đế Constantino, vì nó được bao gồm trong đài kỷ niệm do hoàng đế cho xây để kính thánh nhân. Các chữ viết dầy đặc này là bằng chứng lòng sùng kính tín hữu dành cho thánh Phêrô. Ngoài ra người ta còn thấy trên nền của đài kỷ niệm có một nắp đậy ghi dấu sự hiện diện của một ngôi mộ cổ chôn trong lòng đất, trên ngôi mộ này có tất cả các đài kỷ niệm chồng chất lên nhau như vừa nói. Nhưng rất tiếc là bên dưới nắp đậy đó không có gì cả, chỉ có đất ngổn ngang. Đó đã là tình trạng kết thúc các cuộc đào bới khảo cổ từ năm 1940 đến 1949. Trong một sứ điệp qua đài phát thanh năm 1950 Đức Pio XII loan báo cho biết đã tìm thấy mộ thánh Phêrô.

Hỏi: Như thế giáo sư đã bắt đầu các nghiên cứu sau khi các cuộc đào bới khảo cổ kết thúc và sau khi bản tường trình được công bố năm 1952?

Đáp: Vâng. Một trong các chuyên viên đào bới đã công bố, cho dù một cách không đúng đắn, một bản chữ vạch trên tường được tìm thấy trên nơi có bức tường đầy các chữ vạch trên đó. Tôi đã biết tới một bản viết và trực giác được chữ ”Petrus eni” có nghĩa là ”Phêrô ở bên trong”, Khi đó tôi xin Đức Giáo Hoàng Pio XII cho phép thăm khu đào bới khảo cổ, và bắt đầu làm việc từ năm 1952 tới năm 1965. Tôi bắt đầu nghiên cứu bức tường có đầy các chữ vạch chồng chéo lên nhau đó. Việc đọc ra nó kéo dài nhiều tháng trời và đã là công trình khó nhất từ trước tới nay. Thế rồi đến một lúc nào đó tôi nắm được nút thắt của vấn đề và hiểu được nó. Các chữ vạch trên bức tường đó là một loại mật tự, nghĩa là người ta chơi mẫu tự. Có rất nhiều tên của thánh Phêrô nhưng viết tắt với các chữ P, PE, PET, và thường kết hiệp với tên Chúa Kitô, với biểu tượng của Chúa Kitô, nguyên cổ tự của Chúa Kitô và tên Đức Maria, nhất là nhiều lời tung hô chiến thắng của Chúa Kitô, thánh Phêrô và Đức Maria. Thế rồi các chữ vạch trên bức tường đó cũng nhắc đến Thiên Chua Ba Ngôi, Chúa Kitô là Ngôi Hai vv... Tóm lại, có tất cả nền thần học thời đó được vạch trên bức tường này.

Hỏi: Thế còn liên quan tới xương thánh Phêrô thì sao thưa giáo sư?

Đáp: Ban đầu tôi không hề nghĩ là một ngày kia mình có thể cầm hài cốt của thánh Phêrô trong tay. Hài cốt của thánh Phêrô nằm trong mộ chôn dưới đất, bên dưới nắp đậy nói trên, như Giáo Hội vẫn tuyên bố. Thế rồi khi hoàng đế Constantino muốn xây điện thờ dâng kính thánh nhân người ta đã lấy hài cốt của thánh nhân lên và bọc trong một miếng nhung đỏ thêu chỉ vàng và đặt vào bên trong một hộc và được đóng kín lại.

Nhưng xảy ra là trong cuộc đào bới khảo cổ, để cho nhanh việc các nhân viên đào bới dùng loại cọc nhọn đóng thủng bàn thờ của Đức Giáo Hoàng Callisto II để mau tới mộ thánh Phêrô. Do đó có rất nhiều mảnh vữa rơi từ bên trong và bên ngoài của bức tường đỏ, và tất cả rơi vào trong hộc nói trên và trên hài cốt bọc trong mảnh nhung đỏ thêu chỉ vàng, mà hoàng đế Constantino đã cho đặt bên trong hộc mộ của đài kỷ niệm. Vì thế nên nó giống như một đống mảnh vụn, và người ta đã không nhận ra xương cốt của thánh Phêrô.

Hỏi: Thế rồi câu chuyện ra sao thưa giáo sư?

Đáp: Hồi đó Đức Ông Kaas, người thân tín của Đức Giáo Hoàng Pio XII là giám đốc cơ quan tu sửa đền thờ thánh Phêrô. Nhận thấy trong các đống mảnh vụn có xương người Đức ông sai vứt các mảnh vữa vụn đi và thu lượm xương vào một chiếc hộp và cất giữ ở một nơi trong hầm đền thờ Vaticăng, và chiếc hộp này không được biết đến trong 10 năm trời. Giáo sư Correnti, một nhà nhân chủng thân tín của tôi đã phân tích hài cốt và cho biết đó là các xương của cùng một người đàn ông cao niên, có thân hình vạm vỡ thuộc thế kỷ thứ I.

Các cuộc khám nghiệm kết thúc năm 1964. Và năm 1965 tôi cho xuất bản cuốn sách tựa đề ”Các thánh tích của thánh Phêrô dưới bàn thờ tuyên xưng đức tin của đền thờ thánh Phêrô”. Cuốn sách đã gây ra tranh luận sôi nổi: có người thì sung sướng vì các kết qủa đạt được, có người khác thì không hài lòng. Sau khi tôi đưa ra các minh xác năm 1967, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã tuyên bố là Giáo Hội đã tìm thấy hài cốt của thánh Phêrô. Theo tôi không phải tình cờ mà xương thánh Phêrô đã được giữ gìn trong đền thờ thánh Phêrô ngay từ đầu cho tới ngày nay.


(Avvenire 26-10-2008)

Linh Tiến Khải