PDA

View Full Version : TIN TƯỞNG, VÂN PHỤC, PHÓ THÁC



kimanhnguyen73
24-10-2007, 04:37 AM
Vào một đêm kia khi mọi người đang yên giấc ngủ thì lửa bốc cháy từ một căn nhà chỉ có hai cha con. Đứa nhỏ chừng 10 tuổi ngủ trên gác xép nên không kịp chạy ra cửa trước, nó phải tìm cách leo lên mái nhà. Trong khi đó người cha đã chạy ra khỏi nhà và khi không thấy con đâu, ông hoảng hốt trở vào nhà để cứu đứa con duy nhất của ông, nhưng khói dầy đặc và lửa hực nóng đẩy ông lùi ra ngoài. Trong lúc cuống cuồng kêu cứu, ông chợt thấy con ông đang đứng trên nóc nhà lờ mờ sau làn khói, ông la lên "Nhẩy xuống đây, ba sẽ đỡ con!" Ông biết rằng chỉ có cách nhẩy xuống đất thì con ông mới thoát chết. Nhưng vì khói dầy đặc, đứa nhỏ không thấy ba nó đâu mà chỉ nghe tiếng kêu nên nó hoảng sợ kêu lớn, "Con không thấy ba, làm sao con nhẩy xuống được." Và cha nó trả lời, "Nhưng ba thấy con, vậy là đủ. Nhẩy xuống đi." Và đứa bé đã nhắm mắt liều nhẩy xuống để lọt vào vòng tay yêu thương của cha nó và thoát chết.

Câu chuyện nói trên cho chúng ta thấy một đặc tính của đức tin mà các tông đồ trong bài Phúc Âm hôm nay đã xin với Chúa Giêsu: "Xin hãy tăng thêm ĐỨC TIN cho chúng con!"

Một cách tổng quát, đức tin có hai đặc tính, thứ nhất là sự phó thác vâng phục vào Thiên Chúa, và thứ hai là nội dung của những gì chúng ta tin.

Về đặc tính thứ nhất, được minh họa bằng câu chuyện của hai cha con nói trên, nhờ sự vâng phục phó thác, đứa con đã được cứu sống, và trong Kinh Thánh chúng ta thấy đặc tính này qua hai nhân vật tiêu biểu là ông Abraham và Đức Trinh Nữ Maria.

Trong thời Cựu Ước, khi ông Abraham được 75 tuổi, Thiên Chúa yêu cầu ông bỏ mọi sự để đi đến một vùng đất xa lạ, và ông đã tin tưởng vâng phục Thiên Chúa mà thi hành (x. St 12:1). Khi hai vợ chồng ông đã lớn tuổi nhưng chưa có một mặt con nào, Thiên Chúa hứa ban cho ông một người con trai, và ông đã tin và rồi bà Sara, vợ ông, đã thụ thai và sinh cho ông người con trai là Isaac (St. 15:5; St 18:1). Khi Isaac được 13 tuổi, Thiên Chúa lại yêu cầu ông sát tế con duy nhất của ông để dâng lên cho Thiên Chúa và ông vẫn tin tưởng vâng phục thi hành, nhưng đó chỉ là sự thử thách đức tin của Thiên Chúa chứ Người không muốn ông đổ máu con mình (St 22:1). Có thể nói ông Abraham tin tưởng vâng phục Thiên Chúa đến độ ông sẵn sàng thi hành bất cứ gì Người yêu cầu. Quả thật ông Abraham xứng đáng được gọi là cha của những người có đức tin.

Sang thời Tân Ước, chúng ta cũng có một gương mẫu đức tin tương tự là Đức Trinh Nữ Maria. Khi sứ thần Gabrien truyền tin, báo cho Đức Trinh Nữ Maria biết là ngài sẽ thụ thai không qua cách bình thường, nhưng bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, và người con được sinh ra sẽ là Con Thiên Chúa, thì tuy không hiểu nhưng Đức Trinh Nữ đã tin, và quả thật người đã sinh hạ một con trai (Lc 1:26-38). Khi đem con vào đền thờ để cắt bì theo tục lệ Do Thái, Đức Maria đã gặp cụ già Simêon, và cụ tiên đoán rằng người con này sẽ trở nên "dấu chỉ mâu thuẫn" chứ không phải một ông vua đầy chiến thắng, và "tâm hồn bà sẽ bị gươm đâm thâu qua", nhưng Đức Maria vẫn tin tưởng vào Thiên Chúa (Lc 2:34-35). Và lời tiên đoán của cụ Simêon đã trở thành sự thật khi Đức Maria nhìn con mình vác thập giá lên đồi Canvê như xưa Isaac vác củi lên đồi để tế lễ. Cay đắng hơn nữa là Đức Maria đã phải nhìn thấy con mình bị đóng đinh chân tay vào thập giá mà không có một thiên thần nào giữ tay các tên lính như xưa thiên thần đã giữ tay ông Abraham để khỏi giết Isaac. Và khi bế thân xác lạnh ngắt và đẫm máu của con mình trong tay, Đức Maria vẫn tin tưởng vào lời của Thiên Chúa. Đức Maria tin tưởng rằng qua tất cả những sự hãi hùng ghê sợ này, Thiên Chúa sẽ đem lại nhiều điều tốt lành, đó là sự cứu độ loài người. Quả thật Đức Maria xứng đáng là mẹ của những người có đức tin.

Đặc tính thứ hai của đức tin là nội dung của những gì chúng ta tin, nói chung là tín điều. Chúng ta buộc phải tin những gì để vẫn còn là một người Công Giáo trung thành? Giả như có một người ngoài Công Giáo hỏi chúng ta: đâu là đức tin Công Giáo thì chúng ta phải trả lời như thế nào? Câu trả lời đơn giản nhất, tóm gọn nhất là chúng ta đọc cho họ nghe kinh Tin Kính mà chúng ta thường tuyên xưng trong Thánh Lễ.

Nói về đức tin, có bao giờ chúng ta tự hỏi: đức tin tôi đang có là của chính tôi hay của người khác?

Có người được rửa tội từ nhỏ nên đức tin của họ là đức tin của cha mẹ trao truyền lại. Có người trở lại đạo khi lập gia đình nên có thể nói đức tin của họ là nhờ gương mẫu của người phối ngẫu. Có người thắc mắc, tìm hiểu về Thiên Chúa và họ đã tìm thấy chân lý, đức tin là do họ tự tìm kiếm. Điều cần lưu ý ở đây là không phải theo Chúa lâu thì đức tin mạnh hoặc mới theo Chúa thì đức tin yếu. Sự khác biệt là ở đời sống đức tin. Nếu có sống đức tin thì dù mới theo Chúa, đức tin sẽ mạnh hơn người theo Chúa từ nhỏ mà thờ ơ với đời sống đức tin.

Một điểm cần lưu ý nữa là nhiều khi chúng ta lầm lẫn giữa công việc đạo đức, như đọc kinh xem lễ, với hành vi đức tin. Quả thật, công việc đạo đức là để thể hiện đức tin nhưng hành vi đức tin không chỉ dừng ở công việc đạo đức mà còn đi xa hơn nữa. Nói cách khác, không phải chúng ta đọc kinh thật nhiều, xem lễ thật nhiều, lần chuỗi thật nhiều mà đức tin của chúng ta mạnh hơn người khác, bởi vì đời sống đức tin không chỉ đối với Thiên Chúa mà còn đối với tha nhân. "Đức tin không có việc làm là đức tin chết." Chúng ta thể hiện đức tin của mình trong sự đối xử với tha nhân như thế nào? Chúng ta có dành thời giờ để lo cho vợ/chồng, con cái, cha mẹ, anh chị em về vật chất và tinh thần hay không? Chúng ta có tiếp tay sinh hoạt để cộng đoàn giáo xứ tốt đẹp hơn hay không? Chúng ta có cố gắng sống đạo trong môi trường làm việc và ngoài xã hội hay không? Chúng ta có cố gắng yêu thương những người thù ghét chúng ta hay không? Tất cả những cố gắng sống đức tin này sẽ chứng tỏ ích lợi của nó khi chúng ta bị thử thách đức tin.

Biến cố 11 tháng Chín với sự sụp đổ của trung tâm World Trade Center đã để lại sự rúng động trong tâm khảm của nhiều người. Trong những người đó có bà Jennifer Sands. Vào sáng ngày 11-9-2001, chồng bà thức dậy từ sớm để đi làm tại tầng 103 của tòa tháp đôi này. Như thường lệ, vào lúc ấy bà Jennifer cũng thức giấc để đọc kinh cầu nguyện cho chồng bà được bình an. Nhưng sáng hôm đó, người chồng thân yêu của bà không bao giờ trở về nữa. Qua màn ảnh máy truyền hình, mắt bà nhạt nhòa đẫm lệ nhìn thấy tòa tháp đôi World Trade Center sụp đổ và bà cũng khụy xuống vì đau khổ.

Khi lấy lại được bình tĩnh, điều đầu tiên là bà tức giận đổ tội cho Chúa. Bà kể lại: "Tôi không tức giận bọn khủng bố. Mà tôi trút mọi sự giận dữ lên Chúa. Tôi từng cầu xin với Chúa, và Người luôn luôn nhận lời tôi. Có phải tôi không cầu nguyện sốt sắng đâu? Có phải tôi không nói rõ điều tôi xin đâu? Tôi giận điên lên được bởi vì tôi biết Thiên Chúa có thể ngăn chặn điều đó đừng để xảy ra, nhưng tại sao Ngài không làm!"

Trong suốt 6 tháng sau đó, sự đau khổ khiến bà trở nên cay đắng, hằn học, hận đời, và hầu như mất đức tin. Bà không còn đọc kinh cầu nguyện, không còn đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ như trước.

Cho đến một ngày kia, vì không thể chịu nổi sự mất bình an trong tâm hồn, bà đến nhà thờ, quỳ cầu nguyện trước tượng thánh giá. Và khi nhìn lên tượng chịu nạn, bà thấy Chúa Giêsu cũng là một người vô tội như gần ba ngàn người đã thiệt mạng ở World Trade Center.

Bà thấy cái chết của Chúa Giêsu thật vô lý. Tại sao Chúa phải chết một cách đau khổ như vậy? Đang khi suy nghĩ về cái chết của Chúa Giêsu, bà nhớ lại một câu Kinh Thánh của ngôn sứ Giêrêmia: "Đức Chúa phán, Ta biết các kế hoạch mà Ta dự trù cho các ngươi, các kế hoạch cho sự tốt lành chứ không phải xấu xa, để các ngươi có một tương lai và một hy vọng" (Jer 29:11).

Và bà nhận ra rằng nếu Chúa Giêsu không chịu chết trên thập giá thì loài người không được cứu độ. Và sự dữ xảy ra trên thế gian này là vì sự tự do của con người.

Bây giờ, mỗi sáng bà cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin hãy nhắc nhở cho con biết rằng, không có gì xảy ra trong ngày hôm nay mà Chúa và con không thể cùng nhau cáng đáng nổi. Con không còn xin cho những gì con muốn. Bây giờ con xin cho những gì Chúa muốn. Và nếu điều đó đưa đến sự đau khổ cho con, thì con xin sẵn sàng chịu đựng, bởi vì con đã từng sống trong hoả ngục trần gian."

Tất cả những biến cố xảy ra trong đời sống đều có mục đích của nó, mà với con mắt đức tin, chúng ta có thể coi đó là những lần Thiên Chúa mời gọi con người hãy nghĩ lại và trở về với Thiên Chúa, đừng chìm đắm trong lạc thú của vật chất thế gian, đừng bám víu vào những quyền lực tạm bợ ở trần thế, đừng níu kéo những hạnh phúc mong manh vì chỉ có một mình Thiên Chúa là vĩnh cửu.

Để có được một lối sống khôn ngoan mà Chúa Giêsu đã vạch ra trong Phúc Âm, chúng ta cần có đức tin, một đức tin mạnh mẽ của chính mình--do chính mình tìm tòi, thắc mắc và có được--chứ không phải của người khác hay của cha mẹ để lại, vì chỉ khi nào chúng ta thực sự tin, chúng ta mới dám sống cho điều tin tưởng đó.

Xin Thiên Chúa "tăng thêm đức tin" cho mọi người chúng ta.

Pt Giuse Trần Văn Nhật

Trích từ: nguoitinhuu.com