PDA

View Full Version : Góp nhặt đời tu



Thông Mai Y
27-11-2008, 06:11 PM
Thân mến gởi đến quý ACE những bài "Góp nhặt đời tu". Đây là những câu chuyện có thật, đúc kết từ đời sống tu trì của các Cha, các Thầy và các Sơ. Những bài này không chỉ dành cho những người theo và sống trong Ơn gọi Tận Hiến mà là dành cho hết thảy mọi người.

Ưu ái gởi đến quý ACE!

---+---


CÁI GÁO BỂ

"Tôi kiếm gương mặt của Chúa. Tôi kiếm tìm hình ảnh của Ngài trong cung thẳm tâm lòng bạn. Bạn là Mình của Chúa Kitô, bạn là Máu của Chúa Kitô. bạn là Tình Yêu Chúa Kitô. Thế bạn đã làm Ngài trở thành cái gì rồi? Bạn là Hoà Bình của Chúa Kitô. Bạn đã làm Ngài trở thành cái gì rồi? Bạn là Niềm Vui của Chúa Kitô. Bạn đã làm Ngài trở thành cái gì rồi?"...


Tiếng hát kéo dài rồi dứt hẳn. Những nốt đàn tây ban cầm cuối cùng trong trẻo ngọt lịm thấm vào con tim của gần một ngàn tín hữu lặng yên đến như chết điếng. Trái hẳn với mọi sáng Chúa Nhật trong Thánh Lễ dành cho khách du lịch. Những người đi nghỉ mát, đến dưỡng bệnh hoặc chữa bệnh tại thành phố Bad Worishofen thuộc miền Bayern thơ mộng này, hôn nay không ai dám vỗ tay như họ vẫn thường làm sau mỗi bài hát của tôi. Và tôi thích như vậy. Vì tiếng vỗ tay phá vỡ bầu khí thinh lặng và cầu nguyện tạ ơn mà tôi cố tạo ra với bài thánh ca tôi thường hát và đệm đàn guitarre sau khi chịu lễ. Tôi biết bài thánh ca "Je cherche" của Odette Vercruysse, mà tôi dịch lời và hát bằng tiếng Đức đã đánh trúng tim của cộng đoàn.

Hôm ấy trong bài giảng tôi đã nói về nỗ lực sống niềm tin Kitô trong lòng thế giới ngày nay. Trong môi trường tục hoá duy vật, xô bồ của nếp sống văn minh cơ khí, sản xuất, tiêu thụ và hưởng thụ Tây Âu, rất nhiều anh chị em Kitô các nước tân tiến đã đánh mất đi niềm tin của mình, niềm tin mà cha ông họ đã không nề quản đường xá xa xôi cách trở, và trăm ngàn hiểm nguy, rời bỏ quê cha đất tổ để ra đi thông truyền cho các dân tộc khác. Đối với rất nhiều người, niềm tin ấy chỉ còn là một nhân tố văn hoá, một thói quen lấy lệ không ăn nhập gì tới ơn cứu độ, không ảnh hưởng gì tới nếp sống đạo đức tinh thần của một người tin Chúa. Và thế là họ sống đạo theo kiểu một đời người vào nhà thờ ba lần: lần đầu khi lãnh Bí Tích Thanh Tẩy, lần thứ hai là khi làm đám cưới, và lần thứ ba là sau khi nhắm mắt xuôi tay. Nhưng lần đầu và lần cuối là do người khác đem họ vào nhà thờ chứ không phải tự ý. Còn lần thứ hai, thì nhiều khi là vì vợ. Như thế để cho vui lòng, để họ hàng khỏi phiền trách, hàng xóm láng giềng khỏi xì xầm đàm tiếu, và để danh chính ngôn thuận mở tiệc ăn mừng...Hay nếu không đến nỗi tệ như thế, thì niềm tin Kitô cũng là cái gì xa vời, trìu tượng lắm, hứng thì đi tham dự các lễ nghi phụng tự và nhận lãnh các Bí Tích, còn không hứng thì thôi. Không sống đạo cũng thấy có chết chóc gì đâu. Trong khi đó thì những anh chị em Kitô miền thượng du trong giáo phận của tôi tại Việt Nam, cha mẹ con cái lặn lội, băng rừng vượt suối, ngủ bờ, ngủ bụi, dành ra cả vài ngày hay một tuần lễ đi bộ ròng rã có khi đến 120 Km để đến tham dự một Thánh Lễ. Lưng đeo gùi, trước bụng đeo con, tay dắt đứa lớn hơn, cả gia đình lang thang lếch thếch trong rừng sâu để đến họ đạo gần nhất, nơi còn có Linh Mục, đọc kinh, lãnh các Bí Tích, xưng tội, chịu lễ. Và khi ra về còn đem theo trong cái hộp nhỏ Mình Thánh Chúa cho những người già cả yếu đau... Bỏ ra cả một tuần, cùng vợ con đi bộ 120 Km để tham dự một Thánh Lễ...Hoặc họ điên khùng, khờ dại, hoặc là họ hiểu, xác tín và sống niềm tin Kitô của mình thực sự, và sẵn sàng trả giá đắt đỏ cho niềm tin ấy...

Đức tin là một cây hoa cần đến ánh nắng mặt trời, nước tưới và phân bón, là các ơn Thánh Chúa ban qua các Bí Tích và các buổi cầu nguyện hay nghi lễ phụng tự...Không có ánh nắng mặt trời, nước tưới và phân bón, cây hoa tàn úa và chết đi hay sẽ vô cùng èo ọt và không bao giờ nở hoa cả, hay có đấy, nhưng hoa không đẹp, không tươi và không xinh...Không chịu khó đến gặp Chúa để lãnh nhận ơn thánh Chúa ban, và không thể nào mạnh mẽ mơn mởn tươi xinh được. Tôi đặt cây đàn guitarre xuống thật nhẹ nhàng không gây tiếng động, để đừng phá vỡ bầu khí bài thánh ca tôi vừa mới hát, tạo ra...Trong một vài góc nhà thờ người ta nghe được tiếng khóc sụt sùi của ai đó...

Thánh lễ kết thúc. Đang lúc tôi thay áo trong phòng thánh, có đến gần hai chục người ùa vào... Người thì đến bắt tay cám ơn, người thì vừa cám ơn vừa dúi vào tay mấy chục bạc xin làm lễ, hay tặng tôi. Có người vừa nói vừa khóc: xin cám ơn Cha, đã từ mấy năm nay tôi không tham dự Thánh Lễ và cũng chẳng tin tưởng gì nữa. Hôm nay vì tò mò nghe nói có Cha ngoại quốc dâng Thánh Lễ, tôi muốn đến xem cho biết... Nhưng bây giờ tôi hiểu sống lòng tin là gì và tại sao lại cần phải cầu nguyện, tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận các Bí Tích.

Không nói thì chắc các bạn cũng đoán được hôm ấy túi tôi không chỉ rủng rỉnh xu hào mà thôi...(Và nhiều lúc tôi bắt chước Don Camillo lẩm bẩm với Chúa: Lạy Chúa, giá con chỉ hát chừng vài chục bài, mà mỗi bài cứ làm thiên hạ khóc cảm động và sau đó trong túi có trên 200DM thì đời Linh Mục sinh viên của con sẽ mau lên hương lắm!). Nhưng điều làm tôi vui nhất là hôm đó và hai ba ngày sau trong toà giải tội, tôi bắt được những con cá thật gộc, cũng chỉ vì bài thánh ca trong Thánh Lễ Chúa Nhật hôm trước. Dĩ nhiên là phải có ơn Chúa tác động, lời bầu cử của các Thánh, lời cầu nguyện và các hy sinh hãm mình của những tâm hồn yêu mến Chúa và nhiệt thành với phần rỗi các linh hồn. Bài thánh ca, tiếng hát và tiếng đàn nghèo nàn của tôi chỉ là cái gáo múc nước Chúa dùng để múc nước ơn thánh tưới gội tâm lòng những người đã có thời sống xa Chúa. Chứ nói quá tội, một con người tầm thường, khô cằn và tội lỗi như tôi đâu có phải là dụng cụ sắc bén gì. Là bác sĩ giải phẫu tâm lòng con người, chắc Chúa đã thường phải gắt gỏng khi cầm lấy tôi, là cái dao đã cùn lại còn sứt mẻ lung tung, để cắt xén những phần hư thối trong thân thể, trong cuộc đời của các tín hữu ốm đau... Là bác nông phu dọn đất trồng trọt, cần đốn ngã các cây cối và chặt bỏ các thứ bụi rậm và cỏ rác tội lỗi trong' tâm lòng con người, chắc nhiều lúc Chúa đã phải giận dữ khi dùng đến tôi là dao không sắc bén gì.

Những lúc được sống kinh nghiệm rõ ràng mình là dụng cụ Chúa dùng để trao ban ơn thánh cho người khác, để lôi kéo những tâm hồn khô khan nguội lạnh trở về với Ngài, để hoán cải cuộc sống, khuyến khích nâng đỡ tinh thần người này, chỉ đường vẽ lối hay củng cố tâm lòng người khác, tôi xấu hổ và hối hận đã không cố gắng sống thánh thiện hơn. Vâng, phải chi tôi kết hợp với Chúa mật thiết hơn, năng chuyện vãn với Chúa hơn, ngoan ngoãn dễ bảo, để cho Thần Linh Chúa và ơn thánh của Ngài tác động trong tôi mạnh mẽ, hữu hiệu hơn, cố gắng trau dồi những năng khiếu tự nhiên Chúa đã ban cho tôi hơn, hay học hỏi một số kỹ thuật cần thiết cho công tác mục vụ, và biết dùng chúng đúng lúc, đúng độ trong công tác rao truyền Lời Chúa hơn, sống bác ái, xả kỷ, hy sinh, tận tuỵ, vui tươi, cởi mở, và dễ thương dễ mến hơn, thì đã có biết bao nhiêu người tôi gặp trên đường đời trở về với Chúa hay nhận biết và tin Chúa, yêu Chúa hơn...

Những lúc được sống kinh nghiệm Chúa dùng tôi như dụng cụ để trao ban ơn thánh cứu độ cho con người, tôi nhận ra mình là cái gáo bể. Nước ơn thánh Chúa múc đầy ắp, nhưng vì gáo bể và rò, nên lắm khi đưa được đến miệng người bệnh, hay người khát, thì chẳng còn bao nhiêu...Ôi phải chi đời Linh Mục của tôi là cái gáo luôn nguyên tuyền và lành lặn!

phan_nghị
27-11-2008, 06:51 PM
cám ơn! bài viết rất hay và rất thực tế, đây đúng là những suy tư ngày nay của những tông đồ Chúa.

littlewave
30-11-2008, 05:06 PM
Những lúc được sống kinh nghiệm rõ ràng mình là dụng cụ Chúa dùng để trao ban ơn thánh cho người khác, để lôi kéo những tâm hồn khô khan nguội lạnh trở về với Ngài, để hoán cải cuộc sống, khuyến khích nâng đỡ tinh thần người này, chỉ đường vẽ lối hay củng cố tâm lòng người khác, tôi xấu hổ và hối hận đã không cố gắng sống thánh thiện hơn. Vâng, phải chi tôi kết hợp với Chúa mật thiết hơn, năng chuyện vãn với Chúa hơn, ngoan ngoãn dễ bảo, để cho Thần Linh Chúa và ơn thánh của Ngài tác động trong tôi mạnh mẽ, hữu hiệu hơn, cố gắng trau dồi những năng khiếu tự nhiên Chúa đã ban cho tôi hơn, hay học hỏi một số kỹ thuật cần thiết cho công tác mục vụ, và biết dùng chúng đúng lúc, đúng độ trong công tác rao truyền Lời Chúa hơn, sống bác ái, xả kỷ, hy sinh, tận tuỵ, vui tươi, cởi mở, và dễ thương dễ mến hơn, thì đã có biết bao nhiêu người tôi gặp trên đường đời trở về với Chúa hay nhận biết và tin Chúa, yêu Chúa hơn...

Những lúc được sống kinh nghiệm Chúa dùng tôi như dụng cụ để trao ban ơn thánh cứu độ cho con người, tôi nhận ra mình là cái gáo bể. Nước ơn thánh Chúa múc đầy ắp, nhưng vì gáo bể và rò, nên lắm khi đưa được đến miệng người bệnh, hay người khát, thì chẳng còn bao nhiêu...Ôi phải chi đời Linh Mục của tôi là cái gáo luôn nguyên tuyền và lành lặn!

Nguyện xin cho các Mục tử biết sống theo gương Thầy Chí Thánh: hiền lành, khiêm nhượng, thánh thiện, yêu thương gần gũi những con người đau khổ, đói nghèo, sẵn sàng hy sinh thí mạng vì đàn chiên.
Xin cho các ngài bền đỗ trung thành với ơn gọi. Xin nâng đỡ những yếu đuối, uốn nắn những bất toàn trong thân phận con người nơi các ngài.
Xin Thần khí Chúa hoạt động mạnh mẽ trên môi miệng các ngài để Tin Mừng Tình Yêu lan tỏa tới tận cùng trái đất...
Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kito Chúa chúng con. Amen.



Những điều mong ước gửi các linh mục…


1.- Ước gì các ngài luôn nhớ mình là ai…

Để khi vừa thấy các ngài, người ta nhận ra đó là người-của-Chúa và cũng là người-của-mọi-người. Thánh thiện, thân thương, dịu dàng và dễ mến

2.- Ước gì các ngài luôn nhớ mình là ai…

Để khi gặp gỡ các ngài, ít ra người ta có thể đón nhận được một nụ cười, một cái bắt tay, một lời chào, một hỏi han…không tiết kiệm xã giao, không lạnh lùng xơ cứng, không bôi bác hời hợt…

3.- Ước gì các ngài luôn nhớ mình là ai…

Để khi được các ngài phục vụ, người ta nhận ra đó là những chứng nhân đích thực. Chứng nhân của tình yêu thương và lòng trung tín. Chứng nhân của khó nghèo và khiêm hạ. Chứng nhân của Hy Tế Thập Giá và của Tin Mừng Phục Sinh…

4.- Ước gì các ngài luôn nhớ mình là ai…

Để khi chăm chú nghe bài giảng của các ngài, người ta cảm thấy “no nê” Lời Chúa, cảm thấy thỏa mãn khát vọng biết Chúa và yêu Chúa hơn, cảm thấy gia tăng niềm tin và tràn ngập nâng đỡ ủi an…

5.- Ước gì các ngài luôn nhớ mình là ai…

Để khi tham dự các bí tích do các ngài cử hành, người ta thấy sốt sắng lạ lùng vì cảm nghiệm đức tin được thể hiện sung mãn, bởi qua các ngài, đích thực có một sự hiện diện nào đó rất thánh thiêng và sống động…

6.- Ước gì các ngài luôn nhớ mình là ai…

Để mỗi khi nhìn thấy các ngài mặc chiếc áo chùng thâm - bất kỳ ở đâu và bất kỳ lúc nào có thể - người ta sẽ yên tâm và thầm vui trong lòng, người ta sẽ khoe với nhau “Cha đó!”, “Đích thực là Cha rồi!”...

7.- Ước gì các ngài luôn nhớ mình là ai…

Để mỗi khi cộng tác với các ngài trong việc tông đồ, mục vụ, người ta sung sướng vì được làm việc với Chúa, cho Chúa, người ta hài lòng và nhẹ nhàng quên đi nỗi cực nhọc, vất vả vì luôn thấy mình được-đồng-hành trong phục vụ…

8.- Ước gì các ngài luôn nhớ mình là ai…

Để mỗi khi thấy các ngài điều hành công việc giáo xứ, công việc cộng đoàn, người ta có thể học hỏi được nhiều điều bổ ích, người ta có thể cảm nhận mình được “lớn” hơn lên nhờ việc liên kết các mối quan hệ, người ta có thể tự an ủi rằng mình cũng là một thành phần có ý nghĩa trong Dân Chúa…

9.- Ước gì các ngài luôn nhớ mình là ai…

Để khi thấy các ngài ra đi “xuống phố”, người ta nghĩ ngay đến các cuộc thăm viếng mục vụ, trong nắng trong mưa, nơi ngõ hẻm, ở xóm nghèo, ngoài chốn xa… Ra đi âm thầm, kín đáo, không bao bị cồng kềnh, không đón đưa rềnh ràng, nhưng sự trở về của các ngài luôn hứa hẹn những hoa trái mới, những hồi sinh mới, những điều lạ mới…

10.- Ước gì các ngài luôn nhớ mình là ai…

Để khi phải nói về các ngài, người ta không do dự mà bảo với nhau rằng “Đó chính là vị mục tử nhân lành” (Bonus pastor), và rằng “Chúng ta không thể thiếu ngài, vì ngài đích thực là Đấng-nhân-danh-Chúa mà đến” (Alter Christus)…

Augustinô Khải Trần
(source: ngonnennho)

sue
30-11-2008, 08:49 PM
Ước chi các Ngài luôn nhớ mình là ai .........................................

phan_nghị
30-11-2008, 09:12 PM
các linh mục trăn trở nhiều lắm. Chúng ta có những người vì chuyện chi đó mà đã bất đồng với các ngài, nhưng em tin rằng các ngài luôn làm được những điều trên rồi đó. Vì trong cuộc sống có những điều nói vậy mà ko phải vậy, ta chỉ nhìn được sự việc từ một phía và ko thể nhìn từ phía kia, giống như một quả bóng một nửa xanh một nửa vàng ta nhìn nửa vàng thì đã kết luận nó màu vàng rồi. Xin cho mọi người luôn biết tôn trọng các ngài vì các ngài có chức thánh, và đã được Chúa sai đi.

Thông Mai Y
08-12-2008, 12:49 PM
"HÃY CẦM ĐÈN CHÁY SÁNG…"

Anh chị em thân yêu,

Chuyện xưa kể rằng:

Một buổi chiều mùa đông lạnh giá, có một cặp vợ chồng trẻ tới gõ cửa các quán trọ tại Belem. Giữa lúc mà hầu hết khách hồi hương từ viễn xứ trở về Belem đều là những người giàu có, những vương, hầu, khanh tướng, hay ít ra cũng có "máu mặt", vì tất cả đều là tôn thất của vua David trở về quê cha đất tổ mà ghi danh sổ bộ... Cặp vợ chồng trẻ này coi thảm hại và lạc lõng. Chàng trai dáng điệu oai phong, đầu cao mắt sáng, ánh lên nét hiền hòa nhẫn nhục, nhưng quần áo thì tầm thường nói lên thân phận dân giả, chẳng có mùi vị màu sắc gì là hoàng tộc cả. Còn nàng, nét mặt kiều diễm, ánh mắt dịu hiền thăm thẳm như đang chìm vào một thế giới nào khác, không để ý tới cái nhìn tò mò, dò xét, rồi những cái lắc đầu, với đôi tay xua đuổi phũ phàng.

Dân Belem không thể có được một ý niệm gì rằng người thiếu phụ trẻ đang mang thai đó lại là chính bậc mẫu nghi của vũ trụ và ngài đang trịnh trọng ôm ấp một kho tàng tuyệt đối cần thiết cho hạnh phúc của cả nhân loại...

Họ chối từ không đón nhận một vị Thiên Chúa ẩn thân trong dạng thức phàm nhân Chính vị Thiên Chúa làm người đó có lần kể cho nhân loại một câu chuyện rằng:

"Nước Trời giống như 10 nàng trinh nữ cầm đèn để đón chàng rể, theo phong tục Do Thái. Dĩ nhiên các cô phải lo chuẩn bị dầu đèn cho cẩn thận. Năm cô khôn ngoan đã dự trù và mang thêm dầu phòng khi bất trắc, còn năm cô khác ỷ y chỉ cần có đẻn là đủ. Rốt cuộc chàng rể lại đến trễ. Thế là có 5 cây đèn thiếu dầu và lúc đó các cô khờ khạo này chạy đi kiếm dầu giữa đêm, thì chàng rể không thể chờ và đành khởi đầu cuộc rước với 5 cô khôn ngoan. Cửa đóng lại đằng sau họ, cắt đứt liên hệ với những kẻ lơ đễnh bổn phận của mình...".

Chính Ngài đã kết luận bằng một lời khuyên răn: "Chúng con hãy thắt lưng và chong đèn sáng. Hãy làm như người đợi chủ nhà đi dự tiệc cưới về và mở cửa ngay..." (Luca 12.35). Dĩ nhiên Chúa không cần nói lại điều này cho dân Belem hay dân Do Thái để bảo họ chờ đón Ngài, một Đức Giêsu lịch sử. Cơ hội ngàn năm của họ đã đi qua và không bao giờ trở lại nữa.

Nhưng con cháu họ và tất cả nhân loại cần nghe lời nhắn nhủ này, vì sẽ còn những lần Chúa sẽ đến gặp họ. Lần gặp gỡ quan trọng nhất là lần Tái Lâm cuối cùng. Mỗi Thánh lễ, chúng ta thường nói lớn: "Chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho đến khi Chúa lại đến".

Chính ra việc Chúa đến trong vinh quang để khen thưởng kẻ lành và xét tội kẻ dữ cách long trọng và công khai này là một niềm an ủi, hãnh diện cho mọi kẻ lành. Nhưng phần lớn tâm tình tôn giáo từ trước tới nay vẫn có vẻ e dè sợ sệt. Mỗi lần hát kinh "Libera me..." sau lễ mồ, là mỗi lần ta thấy xốn xang theo dòng nhạc bình ca như nức nở "...Trong ngày kinh khủng ấy, lúc Chúa đến lấy lửa hồng xét xử gian trần...". Ngày đó còn được gọi là ngày tận thế, với một viễn ảnh ghê gớm trong biến cố khủng khiếp làm tiêu tan trái đất và tiêu diệt mọi người. Ai cũng ngán nên cũng hay có kẻ lợi dụng.

Đêm 28/10/92 vừa qua, từ Đại Hàn đến Mỹ và Úc một số tín đồ của một giáo phái đã tin theo lời của một nhà giảng thuyết, theo đó Chúa Giêsu sẽ đến vào lúc 1 giờ sáng hôm đó để rước những kẻ sẵn sàng chờ đợi Ngài. Thế là hàng trăm tín đồ đã bán nhà cửa bỏ tiền vào một chương mục... đặc biệt và tụ tập một nơi, để rồi phải bẽ bàng thất vọng và mất luôn niềm tin vốn đã quá lơ mơ.

Chính Chúa đã nói rồi. Ngài không đến với chiêng trống cờ biểu đón tiếp râm ran như vậy đâu. Ngài sẽ đến, vừa bất ngờ như sự chết, vừa âm thầm và ẩn dấu như cuộc sống cá nhân hàng ngày. Như vậy muốn gặp Ngài trong ngày vinh quang thì phải chuẩn bị gặp Ngài thường xuyên trong cuộc sống thường nhật. Theo kiểu của Ngài thì "hãy cầm đèn cháy sáng trong tay và sẵn sàng như đầy tớ giữ nhà chờ chủ đi ăn cỗ về".

Một ngày kia, trong khi xếp dọn hồ sơ, giấy má trên bàn, viên thư ký của tổng thống Kennedy tìm thấy một mảnh giấy có ghi mấy dòng chữ của chính tổng thống như sau: "Tôi biết có một vị Thiên Chúa và tôi nhìn thấy một cơn giông bão đang tới. Nếu Ngài dành cho tôi một chỗ, tôi tin rằng tôi đang sẵn sàng".

Sẵn sàng làm nhiệm vụ trong cơn giông bão của cuộc sống là một đức tính cao cả. Vậy chờ đón Chúa trước hết là một thái độ sẵn sàng dấn thân.

Tôi đã nghe Chúa nói: "Ta sẽ sai ai đây?". Và tôi đã đáp lời: "Xin Ngài cứ sai con, con sẽ ra đi". (Isaia 6:8). Sẵn sàng đón Chúa cũng là mở rộng cõi lòng sống tám mối phúc thật, nhất là thể hiện 14 mối thương người. Bởi vì trong ngày tính sổ, Chúa sẽ đánh giá những hành động bác ái của ta cho bất cứ kẻ đói, khát, nghèo, khổ nào, đều là cho chính Ngài. Ngài cũng lên án mọi sự vô tâm không thực hiện những hành vi bác ái như một trọng tội bất trung bất nghĩa với chính Ngài.

Cách nay ít chục năm, có một người đọc báo và rất khích động vì có một bài điếu văn dành cho mình, do một sự lầm lẫn, khích động vì bài điếu văn đã tả ông ta như một người từng tận tụy suốt đời sản xuất các vũ khí giết người. Ngay sáng hôm đó ông quyết định sẽ chuyển hướng cuộc đời và từ nay sẽ dồn mọi nỗ lực cho Hòa Bình và sự tốt đẹp của thế giới. Người đó là Alfred Nobel, người sáng lập ra giải Nobel Hòa Bình, một phần thưởng cao quý nhất hiện nay trên thế giới.

Có thể chúng ta không biết người ta sẽ nói gì về ta sau khi ta chết. Có lẽ nên tạo điều kiện theo chiều hướng nào ta muốn. Nhưng quan trọng hơn vẫn là Chúa sẽ nói gì với ta khi gặp ta? Cả kẻ lành và dữ đều ngạc nhiên và hỏi lại Chúa một câu: "Có bao giờ con thấy Chúa đói, khát, trần truồng hay tù đầy mà không giúp Chúa đâu?".

Nhưng câu trả lời thì khác hẳn cho hai hạng người tùy họ có "SẴN SÀNG ĐỂ GẶP CHÚA" trong cuộc sống này không? Ngài đang ở chung quanh chúng ta và đang chờ đợi và chờ đợi.

Thân ái.