PDA

View Full Version : DỄ DÀNG NHƯNG THẬT KHÓ!



jacobetuan
24-10-2007, 02:49 PM
Cầu nguyện- ngôn ngữ của đức tin và lòng mến

Lc 18, 1-8

Chúa Giêsu cùng với các môn đệ tiếp tục tiến về Giêrusalem để chấp nhận cuộc thương khó mà thế gian dành cho Người. Trọn cuộc sống, Chúa Giêsu không ngừng quy hướng về Chúa Cha để tâm sự, để cầu nguyện, đặc biệt trong những lúc gặp gian nan khốn khó. Chính vì thế, bằng dụ ngôn “quan toà bất chính và bà goá quấy rầy”, Chúa Giêsu mong muốn môn đệ của Người hãy liên lỉ cầu nguyện và đừng bao giờ nản lòng.

Viên quan toà bất chính trong Tin mừng, cách nào đó, cũng có thể là “ông tổ” của những người có chức có quyền nhưng bạo ngược, hống hách, xem trời bằng vung,… đầy dẫy trong xã hội ngày nay. Chỉ một câu duy nhất, Chúa Giêsu đã thâu tóm toàn bộ tính cách hống hách và bạo ngược của viên quan này. Ông ta không chỉ phách lối khinh khi, kênh kiệu với người đời, ông còn lên mặt cả với Thiên Chúa, chẳng mảy may kính sợ Người. Là quan toà, lẽ ra ông phải ra sức bênh vực kẻ nghèo khổ đặc biệt là những bà goá- được Kinh thánh xem như là mẫu người cần được che chở, thế mà ông chẳng đếm xỉa gì những lời van nài của bà. Thế nhưng trước sự kiên trì “dai như tổ đĩa” của bà, ông đành phải chấp nhận xử quách cho xong chuyện để khỏi bị bà quấy rầy làm ông nhức đầu nhức óc. Viên quan toà cuối cùng cũng gật đầu xử cho bà goá, không phải vì ông làm theo bổn phận hay trách nhiệm, cũng không phải vì lương tâm mách bảo cho ông, nhưng chỉ vì tính ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình mà thôi.

Thông qua dụ ngôn, Chúa Giêsu không có ý đánh đồng viên quan toà bất chính với Thiên Chúa, nhưng điều Người muốn nói ở đây là : nếu như viên quan toà kia chẳng hề kính sợ Thiên Chúa; hống hách, ngang ngược, khinh khi với người đời, vậy mà cuối cùng đành chấp nhận chủ toạ phiên toà để bênh vực quyền lợi chính đáng của bà goá, thì huống nữa là Thiên Chúa. Chẳng lẽ Thiên Chúa vốn là tình yêu nhân hậu ngay với kẻ vô ơn bạc nghĩa, tội lỗi lại thua lòng ích kỷ của viên quan toà bất chính, mà không nhận lời con cái nài xin sao?

Không phải ngẫu nhiên Chúa Giêsu trình bày với các môn đệ giáo huấn về việc cầu nguyện. Chúng ta không quên bối cảnh của lời rao giảng này cũng như sứ mạng của Chúa Giêsu được đặt trong bối cảnh hành trình lên Giêrusalem để chịu thử thách và thương khó. Chính vì thế, Chúa Giêsu muốn mời gọi các môn đệ cũng như tất cả những ai được kêu mời dấn thân trong sự thử thách ấy hãy không ngừng cầu nguyện để đứng vững và vượt qua thử thách vì chắc chắn Thiên Chúa sẽ không từ bỏ họ, Người sẽ ra tay can thiệp cứu giúp họ. Vấn đề ở chỗ, những người được kêu mời bước theo Chúa có bền đỗ trong cầu nguyện, có kiên trì trong thử thách gian nan và có vững mạnh trong đức tin hay không.

Thế nhưng, cầu nguyện như thế nào vẫn luôn là câu hỏi lớn không phải ai cũng có thể thông hiểu cách thấu đáo. Vì như thánh Phaolô nói, tự bản chất, con người chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, cần phải nhờ đến Chúa Thánh thần, chúng ta mới biết cầu nguyện theo đúng ý Thiên Chúa (x. Rm 8, 26-27). Cầu nguyện, đó là ngôn ngữ của đức tin, nên không dễ dàng chút nào. Tuy nhiên, cũng không phải là quá khó để có thể hiểu như thế nào là cầu nguyện. Một cách bình dân, chúng ta biết rằng vì Thiên Chúa là Đấng chí thánh, chí tôn, nên lời cầu nguyện của chúng ta làm sao đó để có thể trở thành lời ngợi ca, tán tụng danh Người. Đây là lối cầu nguyện thường thấy trong những hình thức cử hành phụng vụ thánh như thánh lễ, kinh nguyện. Chúng ta còn biết rằng Thiên Chúa không phải là chủ nhân ông uy nghiêm, luôn xa cách với đời sống con người, mà là Đấng luôn xem con người như những “bạn hữu” thân thương. Vì thế chúng ta hãy biến những giờ cầu nguyện trở thành những giây phút trò chuyện cách thân tình như những người bạn với Chúa. Đây cũng chính là cách Chúa Giêsu vẫn hay dùng để trò chuyện với Cha của Người. Chúng ta còn biết đến Thiên Chúa là Đấng rất mực yêu thương và nhân lành nên lời cầu nguyện của chúng ta đôi khi trở thành lời van nài khẩn xin. Tuy nhiên cầu xin không phải là bắt Chúa làm theo ý mình, hay có tính cách “bánh ít đi bánh quy lại” như nhiều người lầm nghĩ. Lời cầu xin đích thực cần phải hiểu rằng hiệu quả của lời cầu nguyện có thế nào đi nữa cũng hãy như Chúa Giêsu “xin đừng theo ý con, nhưng xin theo ý Cha” mà thôi.

Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta duyệt xét lại đời sống cầu nguyện của mình để không ngừng canh tân, đồng thời xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn để chúng ta bền đỗ trong lời cầu nguyện hầu cho danh Chúa được tôn vinh đến muôn đời

Trích nguồn: Thanhlinh.net