PDA

View Full Version : Đồng Tiền Lên Tiếng



littlewave
26-10-2007, 11:23 AM
Vận động Cứu Trợ Bão Lụt Lekima: Đồng Tiền Lên Tiếng

Chúng tôi thật hảnh diện về chính mình, vì "Đồng Tiền liền khúc ruột", hay "Có tiền mua tiên cũng được". Nhiều khi chúng tôi được xếp chỗ thật cao, ngang hàng với thần thánh: Tiền là Tiên là Phật, là sức bật của tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lộng che than, là cán cân công lý, Tiền thì hết ý!

Nhưng thật sự, gia phả ngàn đời dòng họ Tiền Bạc nhà chúng tôi không có gì đáng gọi là cao sang hay quyền quý. Sinh hoạt xã hội loài người đi liền với thương mãi trao đổi. Người ta mang sản phẩm mình có đổi lấy cái mình cần, như mang bò đổi lấy thóc lúa hay ngũ cốc. Kiểu thương mãi trao đổi nầy cồng kềnh và bất tiện. Người nuôi bò không ở gần người trồng khoai tây. Muốn có một thúng khoai tây phải dẫn bộ một con bò đi hàng mấy chục cây số. Người khác muốn có muối ăn lại phải đội thúng khoai tây đi hàng mấy chục cây số để tìm đổi với người làm muối. Thế nên, năm 640 trước Công Nguyên, Ông bành tổ tiền bạc nhà chúng tôi được khai sinh ở Lydia, phía Tây Thổ Nhĩ Kỳ bây giờ. Người dân Lydia có sáng kiến làm nhẹ đi những trao đổi thương mãi giữa người dân và nhất là giản tiện hoá chuyện trả lương cho lính.

Sáng kiến rất hay và được nhiều người hưởng ứng ngay. Người ta lấy vàng đúc thành vô số những Bành Tổ tiền bạc nhà chúng tôi. Người ta lại còn dập nỗi hình Ông vua Lydia trên đồng tiền vàng. Ối chà! Ông vua mê tiền ngay lập tức, đã gắn liền cuộc đời kinh bang tế thế của mình với chúng tôi. Thế là chúng tôi có thế lực và có hơi hám hoàng tộc ngay từ buổi đầu. Hình thù lúc đầu của các Bành Tổ tiền bạc nhà chúng tôi không gọn ghẽ và không thể bỏ cả đống vào túi như bây giờ đâu. Giá trị đồng tiền vàng phải tương đương với con bò, con gà hay thúng khoai tây. Nên đồng tiền được đúc theo trọng lượng của vật muốn mua: đồng tiền nặng gần mười ký mới mua được con bò, và nặng một ký để mua con gà. Các Ông Bành Tổ tiền bạc nhà chúng tôi lúc đó mang đủ thứ trọng lượng và hình thù tròn, vuông.. . trông buồn cười vô cùng.

Có mặt, có tiếng nhưng chưa có tên, người ta vẫn gọi là vàng hay bạc, vì thực sự đó là những khối vàng hay miếng bạc vô tri được nén đúc lại. Mãi đến cả mấy trăm năm sau, khi người La Mã dùng những cục vàng nầy trong thương mãi trao đổi thì họ gọi là Pecunia. Pecunia phát xuất từ Pecus, có nghĩa là con bò. Người La Mã đúc đồng tiền vàng nhỏ đi và qui định giá trị bằng một con bò. Người Việt Nam xếp bò vào loại chậm chạm và đần độn, nên có người mắng người khác “ngu như bò!” Nhưng bò là hình ảnh của thần linh nơi người Do Thái. Người Do Thái hay đúc tượng bò cái thờ. Bò mộng, Taurus là tên thần sức mạnh của La Mã. Bò được tôn trọng và hiên ngang tảng bộ trên đường phố của Tân Đề Li, Ấn Độ. Nên những Ông Bành Tổ tiền bạc nhà chúng tôi đã được tôn thờ như thần thánh từ lâu đời.

Người Tàu gọi tiền là tài và có thần Tài. Thần tài vì có tiền nên ăn toàn cao lương mỹ vị, mập ú ụ, đi không nỗi, ngồi phanh rún đưa cái bụng tổ chảng ở góc gian trước nhà hay ngay bậc thềm lên xuống cửa hàng. Miệng lúc nào cũng vui vẻ, nhe răng cười toe toét và khoác chiếc áo toàn chữ kim và tài. Dòng họ tiền bạc nhà chúng tôi được người Trung Hoa thần thánh hoá và gán cho là tác giả của nụ cười, của nỗi buồn cũng như của cả tướng mạo nơi con người. Thấy ai cười tươi như hoa thì người ta đoán là “vô mánh”, tức có tiền. Thấy ai mặt mày nhăn nhó méo mó thì người ta cho là “cái mặt hãm tài” hay “mậu lúi”. Thấy ai béo tốt phương phi thì người ta bảo là “phát tài”.

Chúng tôi cười thầm cho những giá trị thần thánh hay vị trí tối quan trọng mà người ta đặt để cho dòng họ tiền bạc nhà chúng tôi. Chúng tôi, bản chất vô tri, làm phương tiện trao đổi thương mãi giữa con người, giúp cho xã hội phát triễn, cho cuộc sống con người sung túc và dễ dàng hơn thôi. Nhưng có quá nhiều tội ác đã xảy ra vì những đồng tiền vô tri. Dường như ai cũng tham tiền. Lúc đầu người ta chỉ đúc tiền bằng vàng, bằng bạc hay bằng đồng. Nhưng có nhiều người tham, đem cạo, mài lấy bớt những vụn vàng đi, làm giảm trọng lượng của đồng tiền vàng. Để chặn đứng, người ta làm tiền bằng giấy. Nhưng tiền bằng giấy theo quy ước tiền tệ phải tương đương với số vàng lưu trữ trong nước. Nhưng rồi có nhiều chính phủ cứ in thêm tiền giấy mà không có vàng, như tiền Ông Hồ năm 1945 ở Việt Nam. Từ đó xã hội lâm vào tình trạng lạm phát, phát hành giấy bạc nhiều hơn so với số vàng. Phát hành tiền giấy nhiều hơn vàng cũng là hình thức lừa đảo, làm người khác tưởng là tiền có giá trị, nhưng thật sự nó chỉ là giấy. Giấy làm sao giá trị bằng vàng, nên tiền mất giá.

Đời sống văn minh con người đưa đẩy đến chuyện làm biến dạng dòng họ tiền bạc nhà chúng tôi. Ngân hàng xuất hiện, người có tiền mở trương mục, bỏ chúng tôi cho ngân hàng giữ và nhận lại bằng những ngân phiếu. Người có trương mục không cần biết mặt mũi chúng tôi ra sao, muốn xử dụng, họ ghi số, ký tên rồi giao trả. Người được trả đem chi phiếu bỏ vào ngân hàng, làm tăng số tiền trong trương mục. Thương mãi trao đổi cứ thế mà xoay vòng, dòng họ tiền bạc nhà chúng tôi nằm trong ngân hàng chồng chất như ở tù vậy. Đúng là tù chớ còn gì nữà, vì chỉ mang số, chứ không cần nhận chân tướng, hình dạng gì cả. Những con số chạy lòng vòng khắp thế giới. Người ta giàu hơn hay nghèo hơn tuỳ theo những con số ít, nhiều trong trương mục ngân hàng. Quái thật! Thế giới vật chất, cụ thể và thiết thực, nhưng lại dựa trên những con số thật trừu tượng và mơ hồ.

Nằm trong bất cứ hình dạng nào, cụ thể hay trừu tượng, xuất đầu lộ diện hay giấu mặt qua những tấm ngân phiếu, chúng tôi đều có khả năng len lỏi vào mọi ngỏ ngách cuộc đời. Không dám khoe chứ thật sự chúng tôi thao túng từ chính trường cho đến thương trường, tình trường và cả đạo giáo. Chiến tranh hay hoà bình là do chúng tôi. Dầu hoả như một thứ vàng đen, như tiền dưới lòng đất, người ta giết nhau như ngoé để giành lấy chúng tôi. Hoa Lục đang bỏ dần chủ nghĩa vô sản để nhận sự trợ giúp của các nước giàu. Trợ giúp có nghĩa là mang đầu tư thương mãi vào nước, tạo sản phẩm, bán lấy tiền. Những thanh niên có tương lai sự nghiệp thật dễ kiếm vợ đẹp. Tương lai sự nghiệp hiểu đơn giản là chuyện làm ra nhiều tiền nuôi vợ con. Như vậy, tiền bạc vô tình đã làm chuyện ông tơ Bà Nguyệt. Hai vợ chồng đang nồng ấm, không may anh chồng thất nghiệp, thế là vợ chào vĩnh biệt không hẹn ngày tái ngộ. Không có việc làm, không có lương, có nghĩa là không tiền. Không tiền thì mất vợ. Đồng tiền chia Quyên rẽ Thuý!

Hàng ngày có hơn bốn mươi ngàn trẻ em chết đói ở các nước thứ ba. Đói vì không có tiền mua thức ăn. Năm 2005, có mười ngàn cô gái Việt Nam, vì cần tiền giúp đỡ gia đình, chấp nhận lấy chồng Đài Loan. Không ai nhìn thấy duyên nợ hay tình nghĩa phu thê gì giữa cô gái nghèo Việt Nam và anh Ba Tàu ế vợ. Ở Việt Nam, nhiều ông lớn, già hết xí quách, nhưng nhiều tiền, vẫn có thể lấy một cô gái đáng tuổi con cháu mình. Hai anh em ruột, đánh nhau thí mạng vì căn nhà, vì chiếc xe cha mẹ để lại. Căn nhà, chiếc xe đều được qui thành tiền. Ruột thịt tương tranh vì tiền! Nhiều khi dòng họ tiền bạc nhà chúng tôi len lỏi vào cả trong nhà thờ, chùa chiềng hay thánh thất và khuấy tâm của những bậc tu hành dậy lên như sóng ba đào. Thật tội nghiệp! Đi tu để tịnh tâm, để giải thoát, để giúp đời, để sống từ bi, bác ái, nhưng lại mở cửa lòng cho chúng tôi vào, thay vì giải thoát hay cứu độ thì lại bị chúng tôi trói buộc v ào tham, sân, si và lệ thuộc. Vô hình chung, dòng họ tiền bạc nhà chúng tôi đã thành thần thánh, thành chủ nghĩa giáo điều, thành nguyên nhân nhiều ác xấu trên trần gian. Người ta thiếu khôn ngoan, đã xử dụng chúng tôi sai chỗ, tình nguyện làm nô lệ cho chúng tôi.

Nói tới rồi phải nói lui: đồng tiền có hai mặt,. Có rất nhiều người đã làm chủ chúng tôi, biết xài chúng tôi đúng như chúng tôi là phương tiện cho cuộc sống. Nhiều công trình xây cất lớn lao và hữu ích nhờ tiền. Đền thánh Giuse ở Montréal, một kiến trúc tôn giáo đáng ngưỡng mộ, hàng ngày lôi cuốn hàng ngàn khách hành hương, được xây dựng bằng những đồng tiền do Thầy Anrê nghèo đi quyên góp từ người hảo tâm. Nhiều nhà thờ bên Việt Nam đang được xây dựng nhờ những đồng tiền dâng cúng của những giáo dân rộng lượng, cả ở trong nước cũng như người Công Giáo Việt Nam hải ngoại. Nhiều trung tâm cô nhi, như Nhà May Mắn của Cô Tim ở Sàigòn, những làng người cùi, những viện tế bần, những lớp dạy nghề ở Việt Nam nhận được trợ giúp rộng rãi từ những người biết xài tiền ở hải ngoại. Ba mươi năm ly hương, ba mươi năm người Việt Nam Hải Ngoại không ngừng dùng tiền của để xây dựng những giáo xứ, những cộng đoàn lớn bé khắp nơi. Nhiều người thật khôn ngoan, hạn chế tiêu tiền vào bia rượu hay những khoản giải trí không cần thiết để giúp nuôi những chủng sinh, những linh mục tương lai của Giáo Hội Công Giáo. Đúng là họ đang dùng chúng tôi để mua lấy cái gì trường cửu và có giá trị về sau.

Có một câu nói làm chúng tôi nhớ đời: Hãy dùng tiền của mau qua mà mua lấy sự sống vĩnh cửu đời sau. Đúng vậy, dòng họ tiền bạc nhà chúng tôi chỉ là một cái gì thật chóng qua! Chúng tôi đi nhiều chỗ lắm, chúng tôi được sang tay rất nhiều người. Nhưng xin nói trước, chúng tôi không thể theo bất cứ ai sang đời sau đâu nhé! Người ta không xài tiền ở đời sau! Xin một điều là đừng để chúng tôi trên bàn thờ như thần thánh, ngượng chết đi được. Đừng dùng chúng tôi mà tranh giành, chém giết nhau, vô nhân đạo quá! Đừng vì chúng tôi mà cắt đứt tình nghĩa vợ chồng hay bè bạn, thấp hèn quá! Cũng xin đừng giữ chúng tôi quá lâu và ngột ngạt trong ngăn tủ kéo hay trong tủ khoá kín mít, keo kiệt quá! Nhất là đừng bắt chúng tôi nằm chết dí, bất động, cô đơn đang khi những người nghèo, những người tàn tật đang giơ tay cầu xin được bồng bế chúng tôi, vô tâm quá! Chúng tôi được sinh ra để lưu chuyển, để phục vụ cuộc sống con người ở trần gian mà. Có được như thế, dòng họ tiền bạc nhà chúng tôi thật lấy làm mãn nguyện.

Hiện tại chúng tôi ước muốn về thăm Việt Nam: Xuống Cần Thơ thăm gia đình của sáu chục nạn nhân bị cầu sập đè chết. Tội nghiệp, đi làm công nhân cầu đuờng kiếm tiền nuôi thân, nuôi vợ con, bây giờ chết không toàn thây! Để lại vợ con nheo nhóc! Chúng tôi muốn ngược lên Miền Bắc thăm hàng trăm ngàn nạn nhân bão lụt số 5, Lekima ở các tỉnh Thanh Hoá, Ninh Bình, Sơn La, Nghệ An và Hà Tĩnh. Xin quí vị hãy rộng lượng buông thả cho chúng tôi một chuyến được làm Việt Kiều! Nhiều người đang kêu cứu và cần chúng tôi! Hãy dùng chúng tôi mà mua lấy sự sống vĩnh cửu đời sau!

Thay mặt nạn nhân cầu sập Cần Thơ và bão lụt Lekima xin hết lòng đa tạ.

LM. Phêrô Trần Thế Tuyên