PDA

View Full Version : nhật ký một .......



gioanha
09-12-2008, 04:09 PM
NHẬT KÝ MỘT CUỘC HÀNH HƯƠNG


“Hãy đến mà xem”. Chúa Giêsu rủ các Tông Đồ Gioan và Anrê đi thăm chỗ Ngài ở. Hôm ấy các ông đã theo Chúa Giêsu và ở lại với Ngài. Dường như Chúa Giêsu cũng đã nói với từng người trong đoàn hành hương “hãy đến mà xem” và chúng tôi đã lên đường đi theo những vết chân của Chúa và chúng tôi ở lại một tuần với Ngài. Xưa kia ông Nathanael nói: “Ở Nazaret có gì tốt đâu?” (Ga 1,46) thì ngày nay khi nghe chúng tôi đi Thánh Địa cũng có người lắc đầu bảo: “Có gì thú vị ở Đất Thánh? Đi du lịch thì phải đến những nước khác vui hơn.” Nhưng chúng tôi cứ đi để “xem” nơi Chúa ở.
Ngay từ lúc khởi đầu, Đức Giám Mục Giáo Phận đã định hướng rõ ràng cho chuyến đi này : đó là một cuộc hành hương chứ không phải chuyến du lịch. Vì thế mọi chuẩn bị và thực hiện đều hướng về mục đích thiêng liêng duy nhất đó.
8-9-2008.
Đúng 6g sáng, tại Tòa Giám Mục Dalat, Đức Cha Phêrô Nguyễn văn Nhơn cùng với 22 Linh Mục trong đoàn hành hương cử hành Nghi Thức khai mạc hành hương. Nghi thức này nói lên tất cả ý hướng của chuyến đi: lên đường theo chân Chúa Giêsu Kitô. Đây là cuộc hành hương thực sự, không có tính cách du lịch, tham quan, shopping. Cuộc hành hưong này là cơ hội tốt đẹp giúp chúng tôi đi đến tận nơi chiêm ngắm, suy niệm về mầu nhiệm cuộc đời Chúa Cứu Thế và cầu ngưyện với Ngài như thể đang thấy, đang nghe và đang sống với Ngài. Cuộc hành hương đã bắt đầu ngay từ lúc này. Tất cả mọi tâm tình, mọi sinh họat đều đã mang chất hành hương rồi. Do đó, cuộc hành hương Thánh Địa sẽ đem lại sức sống mới cho những người hành hương và nhờ đó ít nhiều giúp Giáo Phận thăng tiến để mừng Kim Khánh Giáo Phận vào năm 2010.
Xe bắt đầu lăn bánh. Tới đầu đèo Prenn, Đức Cha mời anh em Linh Mục cùng lần chuỗi với Ngài. Ngài chia sẻ: suốt 17 năm qua, mỗi khi qua đọan đèo này, Ngài luôn luôn lần chuỗi Mân Côi cầu nguyện cho đuợc bình an. Nhờ thế, dù chưa đặt chân đến Thánh Địa nhưng chúng tôi đã bắt đầu suy nghĩ về Đất Thánh. Chúa Giêsu đã từng cầu nguyện với các môn đệ trong mọi hòan cảnh. Khi hành hương, việc cầu nguyện được đặt lên hàng đầu.
Tới Đức Trọng, Đức Cha cùng vào ăn sáng với anh em Linh Mục. Xưa Đức Giêsu đã từng dùng bữa với các môn đệ. Việc ăn chung với nhau tạo nên sự hiệp thông. Hiệp thông là yếu tố cần thiết cho cuộc hành hương và cho Giáo Hội.
Xe dừng lại ở nhà xứ Bảo Lộc. Một số đông anh em Linh Mục Giáo Hạt Bảo Lộc đã tề tựu tại đây để chúc mừng phái đoàn lên đường. Các ngài muốn hiệp thông với phái đoàn. Nhiều vị cũng muốn đi hành hương chuyến này nhưng điều kiện chưa thuận lợi. Hiệp thông vốn là truyền thống tốt đẹp của Linh mục đoàn Giáo Phận và tòan thể Dân Chúa. Đức Cha cũng đã gửi một bức thư ngắn cho gia đình Giáo Phận nêu lên ý nghĩa cuộc hành hương mà Đức Cha và các Linh Mục thực hiện. Ngài xin giáo dân cầu nguyện cho đoàn hành hương và hứa sẽ cầu nguyện cho mọi người trong Giáo Phận trong chuyến hành hương này.
12g trưa, Đoàn dừng lại ăn cơm tại Dầu Giây. Chính Đức Cha một vài ngày trước đó đã đến đặt cơm tại đây cho anh em Linh Mục. Ngài muốn quan tâm cả đến sức khỏe của anh em Linh Mục vì cuộc hành trình rất dài và vất vả đòi hỏi một thể lực tốt. Ngã bệnh ở nơi đất khách quê người là một việc vô cùng đáng sợ cho tất cả mọi người không trừ ai. Do đó, mọi sự phải được chuẩn bị thật chu đáo để mang lại những điều tốt đẹp nhất.
Để chuẩn bị chuyến đi, đoàn đã chuẩn bị chu đáo : từ việc ký hợp đồng với công ty tổ chức đến việc chuẩn bị các tài liệu Phụng vụ, các tài liệu về những địa danh nơi Đất Thánh, đến việc phân bổ các Linh Mục chịu trách nhiệm về y tế, phụng vụ, thánh ca, thủ quỹ…cũng như chia thành các tổ để quan tâm giúp đỡ nhau. Thành thật mà nói thì tất cả những việc tổ chức đó nhằm nối kết mọi người sống tích cực, hòa mình, để không ai lạc lõng, thụ động trong những ngày thánh thiện được sống bên nhau .
15g tại Trung Tâm Công Giáo Saigon, đoàn gặp cha Nguyễn chí Thiết và Công ty Carnival, công ty đứng tổ chức hành hương. Các tham dự viên cuộc hành hương lần lượt được giới thiệu. Cha Chỉnh, linh hướng Đại Chủng Viện Cần Thơ cũng tham dự chuyến hành huơng này. Sau đó, Đại diện công ty Carnival thông báo những điều cần thiết cho chuyến đi xa từ việc chuẩn bị các hành lý mang theo đến cách thức trả lời khi làm thủ tục nhập cảnh vào các nước, từ việc luôn để túi xách bên mình đến việc coi chừng bị móc túi nơi đông người, từ việc đề phòng bị lạc lối đến cách thức tìm lại nhau…Sau đó cha Nguyễn chí Thiết cũng căn dặn ít điều khi tới các đền Hồi giáo, Do Thái giáo hay Kitô-giáo. Để chuyến đi mang lại nhiều kết quả tốt đẹp, Đức Cha đã mời Cha Nguyễn chí Thiết làm Linh Hướng cho đoàn. Cha Thiết là hướng dẫn viên Thánh Địa chuyên nghiệp. Ngài dẫn đoàn này là đoàn thứ 53 đến Đất Thánh. Cả đoàn chăm chú lắng nghe, để ý đến những điều chưa biết và ai ai cũng muốn thực hiện tốt để đừng có sự cố bất lợi nào xảy ra.
Thế là mọi người tranh thủ sắp xếp lại hành lý theo chỉ dẫn của công ty Carnival. Sau đó, Đức Cha cử hành Nghi Thức hành hương một lần nũa vì đoàn hành hương lúc này mới đủ người, đồng thời muốn chuẩn bị gần cho đoàn có tinh thần hành hương sâu đậm hơn. Sau khi cầu nguyện, mọi người lên xe ra phi trường. Mặc dù 20g30 máy bay mới cất cánh nhưng mọi người phải có mặt lúc 18 giờ để làm các thủ tục giấy tờ, lại còn phải tránh giờ cao điểm kẹt xe. Mọi sự càng chuẩn bị kỹ lưỡng càng đòi nhiều hy sinh. Tuy nhiên ai cũng hiểu rằng có chuẩn bị kỹ lưỡng và hy sinh, mọi việc mới thành công.
Tất cả xếp hàng làm giấy xuất cảnh. Có lẽ đây là lần đầu tiên anh em Linh Mục phải đứng xếp hàng trật tự cùng với nhiều người khác, ai đến trước đứng trước ai đến sau đứng sau. Sau đó người và hành lý đều phải kiểm soát. Người thì qua cửa an ninh dành cho người. Hành lý thì qua máy tự động dành cho hành lý. Thế mới biết “đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục”. Nếu ai chưa xuất ngọai hoặc không biết trước thì có thể “dị ứng”. Nhưng ở đây và rồi ở khắp mọi cửa khẩu, đâu đâu cũng sẽ diễn ra cảnh tương tự. Tôn trọng việc làm của các nhân viên an ninh và chấp hành những luật lệ công cộng giúp chúng tôi trở nên con người xã hội và cũng giúp chúng tôi hòa nhập vào các nền văn hóa và truyền thống của các nước chúng tôi sẽ đến. Đức Cha làm gương cho chúng tôi về sự khiêm nhường và lòng tôn trọng. Dù tuổi đã cao nhưng Ngài luôn nhanh nhẹn và nghiêm túc. Cứ trông thấy vị Giám Mục khiêm nhường xếp hàng làm giấy tờ, chịu những qui định về an ninh mà thương. Chúa Giêsu lại đã chẳng nói: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường” đó sao ?
20g30, máy bay cất cánh. Đoàn hành hương chỉ là con số nhỏ trong bụng máy bay khổng lồ hiện đại của công ty Qatar. Có nhiều người khác trên chuyến bay đi về Doha, thủ đô nước Qatar hoặc quá cảnh hay du lịch hoặc đi lao động hay đi du học. Chúng tôi sẽ quá cảnh một đêm tại Qatar và hôm sau sẽ bay tới Amman, thủ đô nước Jordanie.
Trên máy bay, các tiếp viên rất lịch thiệp. Họ luôn niềm nở và sẵn sàng phục vụ khách hàng từ miếng nước, bữa ăn cho đến việc chỉ cho khách hàng ghế ngồi hoặc cách xử dụng màn hình video. Họ thuộc về một phi hành đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên sự hòa hợp giữa họ và thái độ ân cần vui vẻ với khách hàng không những đã được mọi người quý mến mà còn quảng bá thành công cho công ty hàng không của họ. Đức Cha đã xuất ngọai nhiều lần và có lần ngài chân tình chia sẻ: lần kia khi xuất cảnh, Đức Cha cho người ta biết ngài không thông thạo tiếng Anh, thế là các nhân viên hàng không lo mọi thứ cho Ngài. Ngài nói: mình khiêm tốn thì được hưởng lợi.
Sau bữa ăn tối, mọi người đi vào giấc ngủ. Không một tiếng động, không một tiếng nói. Tiếng phi cơ êm nhẹ đều đều ru chúng tôi vào giấc ngủ ngon…
11g30 giờ Qatar (khoảng 3g30 sáng VN)
Sau 7 tiếng bay, chiếc máy bay Qatar đã đáp xuống phi trường DOHA, thủ đô nước này. Cảm giác đầu tiên ra khỏi máy bay là không khí rất nóng nực, ngột ngạt dù trời đã về đêm. Cặp kính trắng bỗng nhòa đi vì hơi nóng. Phi trường còn rất đông người vừa dân bản địa vừa khách du lịch. Ai nấy đều có vẻ hối hả. Riêng chúng tôi thì đang ngồi tập trung ở những dẫy ghế chờ làm giấy nhập cảnh Qatar. Cuộc hành trình dài trên máy bay vẫn còn làm cho chúng tôi đừ người, chỉ mong sớm về khách sạn mà ngả lưng cho thoải mái. Một vài người tranh thủ chụp hình trong phòng đợi. Nhân viên an ninh nhắc nhở. Dù không hiểu vì lý do gì, nhưng sau đó không ai chụp hình nữa vì người tự trọng không bao giờ để người ta nhắc đến lần thứ hai.
http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/HanhHuongDatThanh/Chuong01_Hinh1.jpg
Anh hướng dẫn thuộc công ty Carnival đã hoàn tất giấy tờ nhập cảnh cho chúng tôi. Mọi người lên xe về khách sạn. Khách sạn vào lọai 3 sao. Cứ hai người một phòng. Con số 2 như nhắc đến việc Chúa Giêsu sai các môn đệ đi từng 2 người. Đây là dịp tốt để 2 người sống bên nhau trong suốt cuộc hành hương này… Dù trời đã về khuya theo giờ địa phương nhưng chúng tôi vẫn tranh thủ tập trung ăn nhẹ tại khách sạn, lấy sức để mai bay tiếp…Sau đó không khí mát lạnh trong phòng ngủ đã làm cho chúng tôi cảm thấy như ở nhà mình và không phải chờ lâu, giường êm đã dễ dàng đưa chúng tôi vào giấc ngủ …
9-9-2008
Thiên Chúa thật tài tình. Ngài làm ra ngày và đêm. Ngày để làm việc và đêm để nghỉ ngơi. Phải nói rằng sau một đêm an giấc, lúc tỉnh dậy chào ngày mới, ai ai cũng cảm thấy khỏe khoắn. Mọi mệt nhọc đã biến mất. Riêng tôi thì khoảng 3g30 giờ địa phương đã thức dậy, nhưng cha bạn cùng phòng vẫn còn ngủ ngon. Chắc giờ này cũng có cha đã thức và cũng có cha đang ngủ. Tôi chỗi dậy và làm vài động tác thể dục rất nhẹ sợ đánh thức người anh em…Một hồi lâu, cha bạn cũng dậy và chúng tôi nghe thấy loa phóng thanh vang lên cung giọng rên rỉ kết thành âm điệu buồn buồn. Chúng tôi thắc mắc không biết là gì mãi sau mới đoán là từ nơi các Đền thờ Hồi giáo, người ta đang mời gọi tín đồ thức dậy cầu nguyện. Truyền thống của Hồi giáo mỗi ngày cầu nguyện 5 lần. Qatar là một nuớc mà Hồi giáo là quốc giáo…
Chúng tôi cũng cầu nguyện. Chắc hẳn các cha ở các phòng cũng đang cầu nguyện. Chúng tôi đọc kinh Phụng Vụ. Một cha trong đoàn đã công phu in lại gọn nhẹ phần Phụng Vụ Giờ Kinh để mọi người xử dụng trong những ngày hành hương…Xin cám ơn người anh em. Nhờ người anh em mà chúng tôi có sách Thần vụ để vang lên tới Chúa những lời chúc tụng, tôn vinh, tạ ơn và cầu xin ngay trên đất khách quê người.
Chúng tôi dần dần tập trung ở phòng ăn. Căn phòng rộng vừa, bầy biện những món ăn sáng theo kiểu tự-phục-vụ. Mỗi người tự lo cho mình và đồng bàn với bất kỳ ai. Bầu khí xem ra khác với ở nhà nhưng thật là vui, giúp chúng tôi ra khỏi nếp sống cũ để nếm điều mới mẻ thú vị: tự nhiên lại được ngồi với nhau tại đây, rất chân tình, rất thân tình. Vừa ăn vừa trò truyện nhưng dường như không gian quốc tế làm cho chúng tôi ý thức nhỏ nhẹ trong cả ngôn từ. Dù thế, chúng tôi rất thanh thản. Nhìn những thổ cẩm sặc sỡ với những nét hoa văn tỉ mỉ trưng bầy trong phòng ăn này, chúng tôi thấy có cái gì đó gần gũi với các anh em dân tộc ở quê nhà, những người mà Đức Cha và Giáo Phận đặc biệt quan tâm và yêu thương…
Ăn sáng xong vẩn còn nhiều thời giờ. Một số anh em bách bộ khám phá Doha nhưng đến 7 giờ thì ai nấy tập trung sẵn sàng lên xe ra phi trường. Ngồi trên xe, chúng tôi nhìn dòng xehttp://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/HanhHuongDatThanh/Chuong01_Hinh2.jpg hơi chạy dài trên đường phố, nối đuôi nhau, kín mít. Đây là giờ cao điểm. Thành phố thức dậy và hối hả tấp nập. Có thể nói không ngoa rằng không thấy xe gắn máy, chỉ có một vài người chạy xe đạp với tính cách thể thao, nhàn nhã. Sao ở đây người ta giầu thế nhỉ? Người hướng dẫn cho biết Qatar là một nước giầu về dầu khí, có nhiều công nhân Việt Nam đang lao động tại đây và có nhiều sinh viên Việt Nam sang học ngành dầu khí tại Đại học Doha. Nhìn thấy người mà nghĩ đến mình. Chúng tôi cầu nguyện cho quê hương Việt Nam sớm phát triển và mau giầu có để mọi người mọi nhà có một đời sống cao hơn như mức sống của chính nước Qatar này. Tôi tin Thiên Chúa là Cha rất nhân từ.Ngài chẳng để dân tộc nào chịu thiệt thòi.
Tới phi trường, chúng tôi lại hối hả xếp hàng làm giấy xuất cảnh khỏi Qatar. Cái kiểu đứng hàng một rồng rắn theo nhau chờ đến lượt mình trình giấy đã dần dần trở nên quen thuộc. Tuy nhiên việc kiểm tra an ninh người và hành lý vẫn còn chưa quen. Mọi người đều phải cởi giầy, dây lưng, đồng hồ, điện thọai, máy ảnh, chìa khóa…và bỏ vào cái khay rồi đẩy qua máy. Đó là nghiệp vụ của người an ninh nhưng là bổn phận đối với du khách. Chúng tôi đánh đổi những thủ tục phiền hà này để sớm đuợc đặt chân nơi Đất Thánh và coi tất cả những gì bất tiện, trắc trở đều góp phần cho cuộc hành hương được sốt sắng và thánh thiện hơn. Thánh Phaolô lại chẳng nói: “Tôi coi mọi sự là rác rưởi miễn là tôi có được Đức Kitô” đó sao?
10g52 giờ Qatar
Hối hả làm thủ tục giấy tờ rồi lại ngồi chờ chuyến bay là câu chuyện giống nhau tại các phi trường quốc tế. Chúng tôi lại ngồi chờ chuyến bay đi Amman vào lúc 13g. Phòng đợi mát mẻ, đông người nhưng không ồn ào. Gian hàng bán sản phẩm của nước chủ nhà sang trọng và quyến rũ. Những nhà vệ sinh sạch đẹp, lịch sự có bảng chỉ dẫn rất dễ tìm. Có hai phòng cầu nguyện riêng cho nam giới, nữ giới, những người theo đạo Hồi.
Chúng tôi tận dụng thời giờ chờ đợi còn dài. Người thì ngồi hồi tâm cầu nguyện, kẻ thì ngồi thanh thản suy tư. Người này thì ngồi đọc sách, người khác thì ngồi trò truyện. Có người ngồi thiu thiu ngủ, có người lại dõi nhìn kẻ qua người lại… Những người xung quanh chúng tôi thuộc đủ mầu da, tiếng nói. Ai ai cũng phải chờ máy bay giống như chúng tôi. Sốt ruột ở đây là vô ích, kiên nhẫn mới được bình tâm. Sự cởi mở, thân thiện chỉ có nơi những người đã biết nhau. Còn ngòai ra, trong môi trường xa lạ phức tạp này, thận trọng và cảnh giác vẫn là đường lối khôn ngoan của những người đầy kinh nghiệm về xuất nhập cảnh. Tuy nhiên, không phải vì thế mà con người không còn là người với nhau. Chúng tôi có rất nhiều cơ hội để bầy tỏ sự kính trọng và quan tâm đến những người xung quanh : nhường ghế cho những người già, nhường lối đi trước cho những phụ nữ và trẻ em…
Đã đến giờ vào phòng cách ly. Chỉ qua có một bức tường kính trong suốt mà tâm lý vẫn thấy khác. Vào được phòng cách ly, người ta cảm thấy chuyến bay đã gần. Tuy nhiên, chúng tôi lại tiếp tục ngồi chờ. Cuối cùng xe buýt chuyên chở ra phi cơ cũng đã đến. Mọi người nhanh chóng bước lên xe và sau ít phút chúng tôi đã tới chân cầu thang máy bay. Ai nấy cảm thấy nhẹ nhõm khi bước vào máy bay và gieo người xuống ghế. Chiếc phi cơ hôm nay lớn hơn chiếc hôm qua nhưng không đông người bằng. Nhìn đồng hồ mới biết là chúng tôi phải ngồi chờ mấy tiếng đồng hồ ở phi trường này rồi máy bay mới cất cánh vào khỏang 13giờ, giờ địa phương. Nhưng không sao, máy bay cất cánh là tốt rồi vì máy bay có cất cánh thì chúng tôi mới thu hẹp được khoảng cách, mới gần đến Đất Thánh hơn…Cuộc sống đâu có phải lúc nào cũng chiều chuộng mình..
Ôi, hôm nay bụng cảm thấy đói vì mới ăn được bữa ăn sáng mà giờ đã quá trưa rồi. Vừa nghĩ đến đó thì các tiếp viên hàng không bắt đầu phục vụ bữa ăn. Tôi thiết nghĩ chắc ai nấy đều ăn ngon miệng mặc dầu đồ ăn có hơi khác với khẩu vị quen thuộc ở nhà.
Làm gì cho hết 2 giờ bay? Anh em chúng tôi cũng tận dụng để ngủ nghỉ, đọc sách, lần chuỗi hay tận dụng màn hình trước mặt để coi phim. Mổi ghế có một màn hình nhỏ dành cho mỗi người. Người ta đã cài sẵn các loại phim hành động, tình cảm, hài huớc, cổ diển, chương trình âm nhạc, chương trình tin tức. Người giỏi tin học có thể xử dụng ngay. Còn người lơ mơ như tôi thì còn mò chán chê, tốt hơn là cầu viện cha bên cạnh giúp đỡ. Thế mới biết thế giới tiến bộ hàng ngày và con người cần phải cập nhật hóa thường xuyên. Dừng lại khi người khác tiến buớc là tụt hậu. Chuyến đi này đang dạy tôi và có thể cả các bạn tôi bài học đó. Làm sao hàng ngày hàng giờ người ta tiến bộ về các mặt đời còn chúng ta lại có thể lơ là hay chậm tiến về phương diện đạo?...
Máy bay đáp xuống phi trường AMMAN, thủ đô nước Jordanie vào lúc 15g30. Bài học cũ lại phải ôn lại. Chờ… chờ…và chờ…! Thủ tục giấy tờ ở đây có vẻ khó hơn. Mấy anh an ninh làm việc có vẻ thờ ơ, dửng dưng. Chúng tôi hết đứng lại ngồi chờ gọi tên mình. Thú thật ai nấy đều thấy hồi hộp. Mãi lâu thật lâu họ mới gọi tên 4, 5 người trong đó có Đức Cha nhưng họ chỉ hỏi vài câu bâng quơ mà chẳng giải quyết gì. Rồi hồi lâu họ lại gọi một vài người khác nhưng cũng không giải quyết gì. Khi chúng tôi chờ mỏi mắt, sốt cả ruột thì họ mới giải quyết cho đi nhưng đến lần anh hướng dẫn viên của công ty Carnival lại không được họ giải quyết. Chúng tôi ra khỏi dẫy nhà phi trường chờ anh nhưng càng chờ càng biệt tăm. Không thấy anh mà cũng không liên lạc được với anh. Không biết cách nào hơn là chúng tôi ngồi chờ anh ở các ghế ngoài hiên. Không ai biết lý do tại sao anh không ra được đang khi xe buýt công ty anh hợp đồng chở chúng tôi đi đến biên giới đang nổ máy chờ sẵn. Chúng tôi lại chờ đợi. Dù lâu, dù trục trặc nhưng chúng tôi vẫn tin là Chúa sẽ cho xuôi chảy. Chúa đã từng dậy là những ai bền đỗ đến cùng mới được cứu độ. Chúng tôi phải kiên trì, phó thác, tin tưởng. Chúng tôi nhìn Đức Cha. Ngài ngồi im lặng rất lâu, không bồn chồn, không than thở. Sự hiện diện thân tình và gương mẫu của Ngài nâng đỡ tinh thần chúng tôi. Hành hương chứ đâu phải đi du lịch.
Quả thế, anh hướng dẫn đoàn lại đã xuất hiện. Anh bị trục trặc với an ninh vì người ta thấy anh qua lại cửa khẩu này nhiều lần nên sinh nghi. Nghi ngờ là quyền của an ninh. Nhưng lúc này chúng tôi rất vui vì cuộc hành trình được tiếp tục. Trời đã về chiều. Lộ trình còn phải đi hơn mấy giờ xe nữa. Chúng tôi lần chuỗi trên xe. Nương tựa vào Thiên Chúa và Đức Mẹ luôn đem lại bình an và an ủi, ánh sáng và hy vọng…
Chẳng mấy chốc trời đã tối hẳn. Xe đã lên đèn và nhà cửa rải rắc bên đường cũng đã sáng lên.
Chúng tôi đang đi trên miền đất Jordanie, nhắm hướng Nazareth. Đi trên miền đất lạ chỉ còn cách tốt nhất là cậy vào những người dẫn đường. Đi xa, đi xa nữa. Hai bên đường, dưới những lùm cây dương, có những gia đình đang xúm xít ăn tối. Ở các nước Hồi giáo như Qatar hay Jor- danie này thì đây là tháng Ramadan, tháng ăn chay.http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/HanhHuongDatThanh/Chuong01_Hinh3.jpg Trong suốt thời gian chay tịnh, người ta nhịn ăn từ sáng đến tối. Đang suy nghĩ miên man, đột nhiên người huớng dẫn địa phương nói chúng tôi xuống xe chuyển hành lý qua bót an ninh. Chúng tôi làm như thế rồi lại hối hả chất đồ lên xe. Đi được một quãng thì xe dừng. Ai nấy xuống xe làm thủ tục ra khỏi biên giới Jordanie. Chỉ có đoàn chúng tôi, chẳng thấy ai khác. Lại xếp hàng. An ninh nhận diện. Mọi người lăn tay. Mọi việc xảy ra thật chậm. Dù ai có muốn mau cũng chẳng được. Sau cùng tưởng rằng mọi người đều được giải quyết, ai ngờ lại có cha bị trục trặc. Họ cho rằng vân tay trong Chứng minh nhân dân của Ngài không hợp với vân tay vừa lấy. Thế là cứ nhì nhằng mãi. Sau cùng phải chịu nộp tiền họ mới cho đi. Chiếc xe búyt chở chúng tôi từ Amman tới biên giới này kể như đã làm xong nhiệm vụ. Phần chúng tôi, chúng tôi lệ khệ lôi hành lý vào đồn kiểm tra của người Do Thái gần đấy. Cũng như các điểm an ninh khác, ở đây cũng phải rà soát người và hành lý. Các nhân viên an ninh, hải quan ở đây đa số là nữ. Ngạc nhiên chưa! Ở Israel, nam nữ đều phải đi làm nghĩa vụ quân sự. Đừng tưởng là nữ mà họ dễ hơn nam. Họ nhìn mặt để so sánh với hình trong hộ chiếu. Họ bắt một vài cha phải mở túi xách hành lý cho họ khám. Họ khám rất kỹ nhưng chúng tôi có gì xấu đâu! Họ hỏi cha này có luôn để hành lý bên mình không, hỏi cha khác xem có ai trên đất Jordanie gửi gì trong giỏ hành lý không. Sau cùng, họ đóng dấu cho chúng tôi nhập cảnh Israel.
Một chiếc xe khác mang biển số Israel chờ sẵn đưa chúng tôi đi Nazareth. Cha Linh hướng giới thiệu người hướng dẫn mới, người địa phương. Anh này là một người Ả Rập theo đạo Chính Thống. Anh hứa sẽ giúp đoàn một chuyến đi tốt đẹp. Anh dặn mọi người phải uống nước nhiều, đi đâu cũng phải có nước bên mình để kịp bổ sung khi thấy khát. Anh giúp chúng tôi quên đi những thử thách vừa qua khi nói rằng các Thánh sử đã viết 4 cuốn Tin Mừng về Chúa Giêsu Kitô, nhưng phái đoàn hành huơng của các Linh Mục đây sẽ thực hiện cuốn Tin Mừng thứ năm! Chúng tôi vỗ tay tán thưởng. Đúng hơn, chúng tôi đến đây là để đọc Tin Mừng Đức Giêsu Kitô một cách sống động, thực tế, không phải chỉ bằng chữ viết mà còn được tận mắt nhìn thấy những nơi Chúa đã sống, chính chân mình đi qua những con đường Ngài đã đi và chính tâm hồn mình sốt sắng suy niệm những lời Ngài rao giảng cho dân tộc này… Lúc này trên xe, chúng tôi đọc kinh Mân Côi với nhau. Dường như sự mỏi mệt và buồn ngủ đã làm cho lời kinh vốn dĩ phải đều đặn lại trở nên lỗ mỗ.. Hình như tai không còn thính và miệng không còn nhanh nhảu nữa. Xin Chúa thông cảm cho những yếu hèn của thân phận con người chúng con !
24g, chúng tôi đến Nazareth. Khách sạn Galilee Hotel sáng trưng mở cửa tiếp đón. Chúng tôi sẽ ở đây 2 đêm. Bữa ăn tối đầu tiên trong khung cảnh Thánh Địa với những món ăn mà xưa kia Chúa Giêsu đã từng ăn với các môn đệ nhiều lần đã làm chúng tôi xúc động. Dường như Ngài đang đồng bàn với chúng tôi, những người môn đệ muộn màng, vô danh. Thật là hạnh phúc! Niềm hạnh phúc thánh thiện ấy đang trào dâng trong tâm hồn chúng tôi và sau đó không lâu đưa chúng tôi vào giấc ngủ êm đềm…
10-9-2008
3g30,tôi thức dậy như thói quen. Cả vùng Thánh Địa vẫn còn ngủ yên. Đây không phải là vùng 100% Hồi giáo. Ở đây có những dấu tích Kitô-giáo. Đây là Đất Thánh, cái nôi của Kitô-giáo chứ đâu có phải ở Qatar hay Jordanie. Thế mà chẳng bao lâu sau, chúng tôi lại nghe rõ những tiếng gọi mời cầu nguyện rên rỉ phát đi từ các loa phóng thanh ở các Đền Thờ Hồi giáo như đã nghe ở Doha. Theo sử liệu, tại Nazaret này vào thế kỷ 12, người Hồi Giáo đã thống trị suốt 400 năm. Dường như họ vẫn còn muốn tiếp tục thống trị vùng đất này. Cụ thể là ngày ngày họ vẫn còn đang làm chủ cái không gian lịch sử và thánh thiện này bằng những lần phát thanh mà những người không theo đạo Hồi phải miễn cưỡng lắng nghe.
Trong bối cảnh như thế, hai chúng tôi đọc kinh sáng, mặt hướng ra khu dân cư, có ý muốn cầu nguyện cho tất cả mọi dân đang sinh sống trên miền đất này, nhất là những Kitô hữu lúc nào cũng “thấp cổ, bé miệng” và lép vế! Thánh ý Chúa ra sao về vùng đất này? Ngài đã nhập thể, sinh ra, lớn lên, rao giảng, làm phép lạ, chịu chết, sống lại, lên trời tại đây? Thánh ý Chúa thế nào khi đã sai các môn đệ đi rao giảng Tin mừng cả 2000 năm trước? Chỉ có một câu trả lời: Thánh ý Chúa thật nhiệm mầu, vượt trên tất cả những suy đoán, lý luận loài người.
Sau khi điểm tâm, chúng tôi bắt đầu tìm những vết chân của Chúa Giêsu trên Thánh Địa. Truớc tiên chúng tôi đến viếng NHÀ THỜ THÁNH http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/HanhHuongDatThanh/Chuong01_Hinh4.jpgGABRIEL và GIẾNG ĐỨC MẸ bên trong. Ở đây có mạch nước ngầm trong vắt. Giếng sâu chừng 2m. Cả làng Nazareth chỉ có một giếng duy nhất này. Đức Mẹ đã từng đến múc nước ở đây. Chắc hẳn Đức Giêsu cũng đã từng theo Mẹ đến giếng nước này. Sau này, khi xin nước với người phụ nữ Samaria ở giếng Jacob, Đức Giêsu tuyên bố: “Ta là nước hằng sống. Ai uống nước Ta ban sẽ được sống muôn đời”…
Nhà Thờ Thánh Gabriel do Chính Thống giáo coi sóc, vì Chính Thống giáo cho rằng Thiên Thần truyền tin cho Đức Mẹ khi Đức Mẹ đi lấy nước ở giếng này. Có nhiều người trong chúng tôi uống nước giếng Đức Mẹ ở đây để cầu Đức Mẹ ban ơn phước.
http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/HanhHuongDatThanh/Chuong01_Hinh5.jpg
Trên đường đi Nhà Thờ Truyền Tin, chúng tôi tạt vào nhà thờ HỘI ĐƯỜNG DO THÁI. Đây là một ngôi nhà rất nhỏ bằng đá. Chính nơi Hội đường Do Thái nào đó tương tự như hội đường này, Chúa Giêsu đã đọc sách tiên tri Isaia: “Thần Khí Chúa ở trên
tôi… Ngài sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó…” Chúng tôi trầm tư suy niệm về biến cố này. Chúa Giêsu đã khởi đầu sứ vụ của Ngài trong Thần Khí Chúa. Chúng tôi cũng bắt đầu sứ vụ linh mục nhờ Thần Khí Chúa thánh hóa qua việc đặt tay của Giám Mục. Chúng tôi phải đem Tin Mừng cho người nghèo khó. Đó là điều ưu tiên trong công việc truyền giáo của Giáo Phận mà Đức Cha thường nhắc nhở.
Chúng tôi đến VƯƠNG CUNG THÁNH ĐUỜNGTRUYỀN TIN.
http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/HanhHuongDatThanh/Chuong01_Hinh6.jpg
Nhà Thờ hai tầng rất đồ sộ được xây dựng ngay trên ngôi nhà Đức Mẹ đã ở năm xưa. Tầng phía dưới có tấm đá nơi Đức Mẹ quỳ thưa “xin vâng”, bên cạnh có hàng chữ: Verbum caro hic factum est (Ngôi Lời đã trở thành xác phàm ở đây) Sở dĩ có ngôi nhà thờ này vì theo truyền thống Công giáo, Sứ Thần hiện ra lúc Đức Mẹ đang cầu nguyện hay đang làm việc nội trợ tại nhà. Đức Cha và chúng tôi kính cẩn quỳ xuống cầu nguyện hồi lâu trong thinh lặng. Dưới tầng hầm đang có Linh Mục cử hành Thánh Lễ với đoàn hành hương của mình. Chính nơi đây Thiên Chúa đã bắt đầu thực hiện chương trình cứu thế qua lời xin vâng của cô thôn nữ trinh khiết, thánh thiện. Chúa Giêsu đã bắt đầu được cưu mang từ lúc ấy…
Rất tiếc là chúng tôi không được dâng lễ tại đây vì thời khóa biểu dành cho các đoàn hành hương đã kín. Do đó chúng tôi đến viếng NHÀ THỜ THÁNH GIUSE đối diện với Nhà Thờ Truyền Tin và không cách Nhà Thờ Truyền tin bao xa..Đây là xưởng mộc của Thánh Giuse xưa kia : nghèo nàn, chật chội! Nhưng chính nơi này Thánh Giuse đã lao động để nuôi gia đình Thánh Gia. Và cũng chính nơi này Đức Giêsu đã học nghề thợ mộc với Cha và ẩn dật suốt 30 năm trước khi lên đuờng rao giảng Tin Mừng. Nhà thờ được xây trên chính xưởng mộc của Thánh Giuse. Chúng tôi dâng Thánh Lễ tại đây, Thánh lễ đầu tiên trên Đất Thánh. Có một điều đặc biệt là sau khi dâng Thánh Lễ, Đức Cha đã để lại bản văn phụng vụ chính thức bằng Việt ngữ về Lễ Truyền Tin cho Nhà Thờ này để từ nay các đoàn hành hương người Việt có bản văn cử hành Thánh Lễ. Bản văn này Đức Cha Giáo Phận đã có ý sửa sọan ngay khi còn ở nhà .
Sau khi ăn trưa, chúng tôi tới CANA. Đây là nơi Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ đầu tiên khi biến nuớc hóa thành rượu. Ở đây có Nhà Thờ tương đối lớn do Chính Thống giáo quản lý. Rất tiếc là chúng tôi không được vào trong Nhà Thờ vì hôm ấy Nhà Thờ đang bận.. Do đó thật là cảm động khi http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/HanhHuongDatThanh/Chuong01_Hinh7.jpgchúng tôi đứng ở ngoài đường cạnh bức tường khuôn viên Nhà Thờ, giữa trời nắng chói chang, đọc đọan Tin Mừng về phép lạ ở Cana và cầu nguyện đặc biệt cho các gia đình được sống thánh thiện và hạnh phúc.
Sau đó chúng tôi đến cửa hàng bán đồ lưu niệm. Ông chủ tiệm và những người bán hàng đon đả mời uống thử rượu Cana. Nhiều cha đã nếm thứ rượu này. Đức Cha cũng khen rượu ngon. Nhưng chắc hẳn rượu mà Chúa Giêsu đã làm phép lạ còn ngon hơn. Đã nếm thứ rượu thì chúng tôi cũng phải đáp lại bằng việc mua hàng. Cửa hàng bỗng ồn ào cả lên vì hỏi giá, trả giá…Thực ra, chúng tôi cũng đang cho chủ tiệm uống một thứ rượu mới đó là chúng tôi làm vui lòng họ vì Kinh Thánh đã nói : rượu làm vui lòng người.
Rất gần với nhà thờ Chúa biến nước thành rượu, ở Cana còn có một Nhà Thờ kính thánh Bartôlômêô vì Cana cũng chính là quê hương của Thánh Bartôlômêô (Nathanael), người môn đệ Chúa khen là không có gì gian dối. Trong tâm trí chúng tôi lại hiện về hình ảnh Đức Cha Bartôlômêô Nguyễn sơn Lâm, vị Giám Mục thẳng tính: chân lý trong yêu thương.
Chúng tôi rời Cana đi xe lên núi TABOR. Hai bên đường người ta trồng nhiều cây ôliu. Ôliu là sản phẩm chính của Israel. Khi quân thù đánh chiếm Israel thì điều đầu tiên họ làm là triệt hạ các vườn ôliu để làm kiệt quệ nguồn lực của Israel. Cũng có vườn chuối, vườn cam. Núi Tabor cao lắm cho nên các du khách phải sang xe chuyên dùng leo núi. Đường ngoằn ngòeo trôn ốc rất nguy hiểm. Hôm nay các đoàn hành hương đổ về đây rất đông. Chúng tôi đã tới đỉnh núi nơi có Nhà Thờ Chúa biến hình với tường bằng đá và nhất là các cột đá tròn trĩnh rất to. Cha con lại cầu nguyện với bài Tin Mừng nói về vịêc Chúa hiển dung. Chúa đã cho các Tông đồ Phêrô, Gioan, Giacôbê được an ủi và vững tin sau khi các ông buồn bã nghe Chúa nói về cuộc Thương khó Chúa sắp chịu. Chúng tôi được hạnh phúc vì được lên tới núi này, Chúa cũng đang an ủi, củng cố sức mạnh cho chúng tôi vì dưới gian trần chúng tôi cũng còn gặp rất nhiều đau khổ thử thách cần được Chúa bồi bổ đức tin..
http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/HanhHuongDatThanh/Chuong01_Hinh8.jpg
Xe chuyên dùng đưa chúng tôi xuống núi. Chúng tôi hết sức khâm phục khi nhìn những đoàn hành hương khác, trong đó có cả người khuyết tật, đang đi bộ xuống núi. Đức Cha cũng khen họ : họ thật là những người hành hương đích thật! Mình chẳng chịu nắng giỏi như người ta đâu!
http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/HanhHuongDatThanh/Chuong01_Hinh9.jpg
Tới chân núi, chúng tôi lên xe tạt qua thành NAIM. Ở đây Chúa đã làm phép lạ cho con bà góa thành Naim đuợc sống lại. Có vài bức ảnh trong nhà thờ diễn tả sự kiện ấy. Chúng tôi cầu nguyện với bài Tin mừng thích hợp. Phải nói rằng chúng tôi rất xúc động khi cầu nguyện tại đây. Không xúc động sao được khi chứng kiến một Naim quá nhỏ bé, nghèo nàn : một vài thiếu niên gần đó xòe tay xin tiền! Xưa kia bà góa thành này khóc thương con mình đã chết thì lúc này chúng tôi lại như muốn khóc thương chính thành Naim đã “chết” dù đã chứng kiến con trai bà góa sống lại. Không thương sao được khi ngôi nhà nguyện này bơ vơ lạc lõng giữa những gia đình Hồi giáo mà lại vắng bóng những gia đình Công giáo. Cha xứ lâu lâu mới tới một lần và phải nhờ vài gia đình Hồi giáo ở đây trông coi nhà nguyện giùm. Thêm vào đó, một ngôi đền Hồi Giáo sừng sững bên kia đường ngay trước mặt ngôi nhà nguyện này…Ai ai trong chúng tôi cũng xót xa khi tận mắt thấy một quang cảnh như thế! Hãy khóc thương thành Naim! hãy khóc thương thành NAIM!
Chúng tôi lên xe về mà lòng man mác buồn. Sự thật trước mắt khác hẳn những gì chúng tôi tưởng nghĩ nơi quê nhà mỗi khi có dịp rao giảng về phép lạ thành Naim. Chúng tôi cứ nghĩ là sau khi chứng kiến phép lạ nhãn tiền cách đây 2000 năm thì giờ này dân thành Naim phải đông người theo Chúa Kitô lắm rồi! Nào ngờ…
Thiên Chúa khác loài người! Xin vâng theo thánh ý Chúa! Chừng nào Chúa sẽ cho thành Naim được “phục sinh”, điều đó hoàn toàn tùy theo ý Chúa .
Sau bữa tối, chúng tôi ngồi lại với Đức Cha để chia sẻ những hồng ân Chúa qua một ngày. ..xem chân chúng tôi đã đặt lên bao nhiêu vết chân của Chúa Giêsu trên miền Thánh Địa này…xem tâm hồn chúng tôi đã sốt sắng ra sao khi cảm nghiệm sự hiện diện rất xa xưa nhưng cũng rất hiện sinh của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ duy nhất trần gian…

11-9-2008
http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/HanhHuongDatThanh/Chuong01_Hinh10.jpg
Xe đưa chúng tôi lên NÚI TÁM MỐI PHÚC THẬT.Theo tương truyền đây là nơi Chúa Giêsu công bố Hiến chương Nước Trời. Chúng tôi cùng đồng tế với Đức Cha trong Nhà Thờ này. Trong Thánh Lễ, trước sự hiện diện quyền bính của Đức Cha, chúng tôi lặp lại những lời tuyên hứa khi chịu chức Linh Mục. Các Tông đồ xưa kia đã nghe Chúa công bố Hiến chương Nước Trời trên núi này. Những mối phúc thật đảo lộn cả trật tự trần thế! Chúng tôi thật diễm phúc khi được ở đây. Hiến chương Nước Trời chúng tôi đã tuân giữ ra sao?
Sau đó chúng tôi đến viếng NHÀ THỜ TỐI THƯỢNG QUYỀN ngay bên biển hồ Galilê. Gọi như thế vì ở đây Chúa trao quyền chăm sóc đàn chiên cho Thánh Phêrô. Trong Nhà Thờ có một tảng đá lớn mầu hồng trắng, tương truyền rằng Chúa đứng ở đây để ban quyền tối thượng cho Phêrô. Đức Cha đeo giây Stola đứng phía trên trước tảng đá. Cha Linh hướng sốt sắng qùy xuống. Chúng tôi không aihttp://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/HanhHuongDatThanh/Chuong01_Hinh11.jpg bảo ai đều quỳ xuống. Những người quỳ gần tảng đá giơ tay chạm vào phiến đá. Bài Tin Mừng được đọc lên. Đức Cha hướng dẫn cầu nguyện. Chúng tôi cầu nguyện cho Đức Thánh Cha và xin ơn luôn vâng phục Ngài. Chúng tôi cũng thầm thĩ cầu nguyện cho Đức Cha và tự hứa luôn vâng phục Ngài…Trên đường ra xe, tôi thưa với Đức Cha như vậy và Ngài rất cảm động. Ngài khiêm tốn cám ơn.
Ngay bên hông nhà thờ là bãi biển Galilê. Bãi biển lởm chởm đá. Mặt nuớc biển hồ phẳng lặng trong xanh. Xa xa có vài con thuyền đang lờ lững nhẹ trôi. Chính nơi đây có nhiều vết chân truyền giáo của Chúa. Mọi người đều cùng muốn lấy một tấm hình chung kỷ niệm. Một số chúng tôi nhặt mỗi người một viên đá mang về để kỷ niệm. Đức Cha cũng không quên làm việc đó… Bao giờ chúng tôi mới có cơ hội đến Thánh Địa một lần nữa?

http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/HanhHuongDatThanh/Chuong01_Hinh12.jpgGần đấy là làng Tabgha, có nhà thờ BÁNH HÓA NHIỀU. Nơi này xưa kia Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều nhờ 5 chiếc bánh và 2 con cá của một em bé tự nguyện kính dâng. Dưới chân bàn thờ, trên nền nhà, có một bức tranh mosaic vẽ môt giỏ bánh và 2 con cá. Trong giỏ chỉ có 4 tấm bánh thay vì 5. Tấm bánh còn lại ở đâu ? Cha Linh hướng giải nghĩa: tấm bánh còn lại chính là Chúa Giêsu. Ngài là tấm bánh bẻ ra cho thế gian được sống. Chúa Giêsu đã trao quyền cho chúng tôi để hàng ngày khi dâng lễ, chúng tôi làm cho “bánh hóa nhiều” tronh Bí Tích Thánh Thể. Chúng tôi cũng được mời gọi để trở nên như một tấm bánh tinh tuyền, thánh thiện, thơm tho, ngọt ngào dâng lên Chúa để đem lại sự sống cho tha nhân…
Xe chở chúng tôi đến CAPHARNAUM. Một đám đông rất đông những khách hành hương đang chen nhau ngay trước cổng vào Capharna- um. Chúng tôi cũng phải len lỏi giữa rừng người mới vào được bên trong. Việc đầu tiên là chúng tôi vào xem di tích một HỘI ĐƯỜNG DO THÁI.
Hội đường này lớn hơn hội đường chúng tôi đã xem hôm qua. Hội đường chỉ còn lại những bước tường trống trải, những hàng cột điêu khắc hoa văn quanh năm dãi dầu mưa nắng. Cảnh tượng hoang phế. Nhưng trước đó hơn ngàn năm, Hội đường này đã là nơi người ta lui tới, sum họp cầu nguyện, học hỏi Kinh Thánh. Chắc hẳn mỗi lần có dịp đi qua vùng này, Chúa Giêsu không quên bước vào Hội đường. Nhưng chúng tôi phải suy nghĩ rất nhiều lời Chúa Giêsu nói http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/HanhHuongDatThanh/Chuong01_Hinh13.jpg về thành Caparnaum: “Còn nguơi nữa, hỡi Capharnaum, ngươi tưởng sẽ được nâng lên tận trời xanh ư ? Không, người sẽ phải nhào xuống tận âm phủ!”. Họ vẫn lọai trừ Chúa Giêsu!
Trước mặt Hội đường là di tích của làng Capharnaum, trong đó có NHÀ CỦA PHÊRÔ. Chỉ còn lại những phiến đá tạo nên cái hình bóng của một làng vang bóng một thời. Trên nhà của Phêrô, nay là một nhà thờ đủ rộng luôn luôn tấp nập kẻ ra người vào. Chúng tôi rất tiếc không vào được bên trong nhà thờ vì đã đến giờ đóng cửa. Đi bộ ra một quãng có bức tượng Phêrô rất to và rất đẹp. Chúng tôi mời Đức Cha đứng chụp riêng một mình vì Thánh Phêrô chính là Bổn Mạng của Đức Cha. Chúa Giêsu đã chọnhttp://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/HanhHuongDatThanh/Chuong01_Hinh14.jpg Phêrô làm Tông Đồ và là người đứng đầu Nhóm Mười Hai. Chúa Giêsu cũng đã chọn Đức Cha Phêrô vào hàng kế vị các Tông Đồ và làm đầu Hội đồng Giám Mục Việt Nam. Phêrô chăn dắt Giáo hội Yêrusalem, Đức Cha Phêrô chăn dắt Giáo phận Dalat…
Rời Capharnaum, chúng tôi xuống thuyền đi một đoạn trên BIỂN HồGALILÊ. Chúa Giêsu xưa kia cũng đã xuống một chiếc thuyền, thuyền của ông Phêrô. Và Ngài bảo ông chèo ra xa một chút và Ngài bắt đầu giảng dậy dân chúng. Chúng tôi xuống một trong hai chiếc thuyền đang đậu sẵn gần bờ. Những người chủ thuyền nổ máy cho thuyền trôi trên mặt nước. Hôm nay trời êm ả, nắng đẹp. Nhưng nghe đâu cũng có phái đoàn đến đây gặp lúc biển hồ sóng to gió lớn. Có Cha nói đùa: có ai nhảy xuống biển hồ, đi trên mặt nước không? Chẳng ai dám vì đó là việc không cần thiết phải làm và có thể lại trở nên hành động thử thách Thiên Chúa!… Việc đáng phải làm hơn, đó là tất cả đứng lên nghe một đọan Tin Mừng trên thuyền và cầu nguyện. Hôm nay Chúa Giêsu như nói với chúng tôi: hãy ra chỗ nước sâu mà đánh cá. Chỗ này đây, chỗ con thuyền đang dừng lại? Và Chúa cũng như thể nói với chúng tôi: hãy theo Ta. Chúng tôi có bỏ mọi sự mà theo Chúa không?... Những người chủ thuyền phát cho chúng tôi một giấy chứng nhận đã đi thuyền trên biển hồ Galilê. Nhưng đối với chúng tôi, cái giấy chứng nhận tốt hơn cả là từ nay chúng tôi ý thức hơn việc chính mình đã trở nên những kẻ “chài lưới người”.
http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/HanhHuongDatThanh/Chuong01_Hinh15.jpg

gioanha
09-12-2008, 04:17 PM
NHẬT KÝ MỘT CUỘC HÀNH HƯƠNG

Chúng tôi vào nhà hàng ăn trưa để thưởng thức món CÁ PHÊRÔ. Chắc khi còn đương thời, Chúa Giêsu cũng đã nhiều lần thưởng thức món CÁ PHÊRÔ. Cá đánh bắt ở biển hồ Galilê. Nhà hàng bên ngòai trông thường thôi nhưng bên trong thì khá sang trọng. Nhiều đoàn người các quốc tịch khác nhau cũng đang ăn tại đây. Chúng tôi ăn món cá Phêrô. Đó là một con cá tương đối to đã được chiên giòn đặt trong đĩa. Mỗi người một con cá. Nếu cứ bình thường thì con cá này phải 2 hoặc ba người ăn mới hết. Không biết tất cả cá ở đây có phải là từ hồ Galilê không, tuy nhiên cái thương hiệu CÁ PHÊRÔ thực sự hấp dẫn và làm cho nhiều người háo hức đến ăn. Nó gợi đến một nhân vật thuyền chài đã được Chúa gọi làm Tông đồ. Ông đã bỏ chài lưới mà theo Chúa Giêsu…
Được tiếp sức bởi bữa ăn trưa và nhất là món cá Phêrô, chúng tôi khỏe khoắn hăng hái lên đuờng.
Chúng tôi tới YARDENIT ngay bên đường, ghé vào khúc sông YORDAN, con sông mà Gioan làm phép rửa.
http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/HanhHuongDatThanh/Chuong01_Hinh16.jpg
Con sông này chạy dài từ biển hồ Galilê tới Biển chết. Nó nhỏ như một kênh đào. Thật khó xác định đuợc Gioan đã làm phép thanh tẩy cho Chúa Giêsu ở khúc sông nào. Tuy nhiên người ta tổ chức vây hàng rào an tòan mấy chục mét bờ sông để cho các đoàn hành hương có thể lội xuống nước mà nhớ tới phép rửa mình đã lãnh nhận. Đức Cha và chúng tôi cởi giầy, lội xuống nước, vừa đi vừa hát : một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha. Cử chỉ này nhắc chúng tôi nhớ tới thân phận tội lỗi, hèn kém của mình mà tri ân cảm tạ Thiên Chúa đã cho chúng tôi trở nên con cái của Ngài.. Cũng có những người thuộc đoàn Chính thống giáo mặc áo trắng sắp dìm cả mình xuống nước sông…Đức Cha lấy một viên đá trắng bên bờ sông Yordan. Tôi cũng bắt chước Ngài… Một số trong chúng tôi mua nước sông đóng chai sẵn, một số khác thì lấy trực tiếp từ dòng sông…Tướng Naaman bị phong cùi thời tiên tri Elisê tắm 7 lần nơi dòng sông Yordan vẩn đục này mà được khỏi. Những người Do Thái thời Gioan lội xuống sông nỏ bé này mà được lòng sám hối ăn năn.. Ai tin thì sẽ được.
Xe chở chúng tôi xuôi miền nam, nhắm hướng Giêrusalem… Dọc đường, chúng tôi thấy có những giải đất khác nhau. Có nơi xanh tươi mầu mỡ. Người ta trồng chuối, cam, xòai. Vườn chuối trông rất bắt mắt. Mỗi cây chuối có một lý lịch. Cây nào cần phải tưới mới tưới, Cây nào không cần tưới thì thôi. Cây này tưới ngày nào, cây kia tưới ngày nào. Những cây chuối có buồng đều được bao lại để tránh sâu đục và chim rỉa. Có những nơi tòan sỏi đá sa mạc cát bỏng, chẳng thấy có sức sống!
Chúng tôi đến NÚI CÁM DỖ. Vì không có thời giờ nên chúng tôi không lên núi, chỉ đứng xa xa mà nhìn. Có một vài toa cáp treo đang đưa du khách lên núi. Ngọn núi trọc, không cây cối, cao và dài. Phía dưới có thung lũng cây cối xanh tươi. Ông hướng dẫn viên Ả Rập kể về cuộc cám dỗ của Chúa : Sau khi ăn chay 40 đêm ngày trên núi, Chúa Giêsu cảm thấy đói. Ngài nhìn xuống thung lũng nhiều hoa quả có thể ăn được. Bụng đang đói nên Chúa Giêsu bị cám dỗ thèm ăn…Nhưng Ngài đã chiến thắng! Xin cho chúng con chiến thắng những cám dỗ trong cuộc sống.
Bỏ núi Cám Dỗ, xe chở chúng tôi đi một quãng và dừng lại ở một nhà bán hàng lưu niệm. Người chủ Ả Rập đon đả mời chúng tôi vào. Ông thật giẻo miệng đến nỗi dù chúng tôi đã quyết tâm chỉ mua đồ lưu niệm tại Giêrusalem cho rẻ thế mà cả cha lẫn con vẫn bị “cám dỗ và sa ngã” thay nhau mua hết cái này đến cái khác. Họ lại còn dẫn Đức Cha đi ra bằng cửa khác, qua một gian hàng bán trái cây. Đức Cha lại bị “sa ngã” phải mua trái cây. Nhưng đây là là một cơn cám dỗ “thánh thiện”, vì nhờ thế mà lên xe chúng tôi được thưởng thức những quả mận to bằng 1/3 nắm tay. Cha con vui đùa, ước gì đây là “cơn cám dỗ cuối cùng”….
http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/HanhHuongDatThanh/Chuong01_Hinh17.jpg
Xe đưa chúng tôi đi đến CÂY SUNG ở GIÊRICÔ. Cây này lớn bằng 2 người ôm, đã 700 tuổi. Chắc hẳn không phải là cây sung ông Gia kêu đã leo lên nhìn Chúa, nhưng dù sao cũng là cây sung đồng chủng. Chúng tôi phải cầu xin cho chính mình luôn hướng thượng để có thể nhìn rõ Chúa hơn…
Từ đây đến Giêrusalem, chúng tôi chỉ thấy toàn hoang mạc. Thế mà những người bê-đu-anh du mục vẫn sống được tại đây. Nhà nuớc Israel xây nhà cho họ ở nhưng họ không thích. Họ thích sống từng nhóm trong những căn nhà xiêu vẹo, trống trải, nghèo nàn. Có một đàn dê đang chậm bước trên sa mạc trùng trùng điệp điệp. Chúng lấy cỏ đâu mà ăn, nước đâu mà uống? Tôi không trông thấy đàn chiên. Ở đây “con chiên của Chúa” cũng rất hiếm, chỉ có “đàn dê thế gian” thì đông!
Trời đã về chiều. Chúng tôi tới Giêrusalem sau khi bỏ Giêricô vài giờ đồng hồ. Đường phố rất nhiều xe hơi qua lại. Xe gắn máy không thấy có trên đường phố. Chúng tôi về khách sạn HOLYLAND EAST HOTEL và ở đây 3 đêm. Khách sạn này rất gần Thành cổ Giêrusalem…
18g30 ăn cơm tối, sau đó chúng tôi cũng có 45 phút chia sẻ về những tâm tình của một ngày đã qua…rất bổ ích. Từng phòng đọc kinh tối và đi ngủ…
12.9-2008
Chúng tôi hăm hở lên xe với niềm vui hôm nay được đến những nơi quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu. Thật là một dịp may hiếm có trong đời. Xe rời khách sạn đưa chúng tôi đi gần một phần tường thành cổ Giêrusalem, phía cửa David. Đường sá chật ních xe cộ và người đi bộ .
Chúng tôi đến BÊLEM, trước tiên viếng CÁNH ĐỒNG CHIÊN. Nơi đây các Thiên Thần đã loan báo Tin Mừng vĩ đại cho các mục đồng. Thấy chúng tôi xuống xe, một số người bán hàng lưu niệm bám sát chúng tôi. Chúng tôi cứ làm ngơ vì nếu tỏ ý quan tâm đến lời mời chào thì khó mà dứt ra được. Vào trong cổng, một quang cảnh yên tĩnh đến lạ thường! Đức Cha và tôi chợt bàn với nhau một chút về Trung Tâm Mục Vụ của Giáo Phận. Ước gì Giáo Phận cũng tạo được một khung cảnh thánh thiện cho những người được đào tạo ở Trung tâm này.
Một nhóm hành hương đang cử hành Thánh Lễ tại một cái rạp ngoài góc sân. Lúc đầu chúng tôi cũng chuẩn bị dâng lễ ở một cái rạp khác vì Nhà Thờ đang bận. Nhưng Đức Cha nói mình cố gắng tìm một cái hang động để dâng lễ cho có bầu khí hơn. May mắn thay có một cái hang nhỏ vừa đủ chỗ cho đoàn hành hương chúng tôi dâng lễ. Tạ ơn Chúa. Chúng tôi dâng lễ rất sốt sắng trong bầu khí Giáng Sinh. Đang khi chúng tôi dâng lễ thì trong một hang động khác kề bên vang lên những bài ca giáng sinh quốc tế bất hủ… Sau lễ, chúng tôi tham quan cái hang động kề bên. Hang này rộng hon so với cái hang chúng tôi vừa dâng lễ. Có một đống củi với những nồi niêu nấu ăn bên cạnh gợi nhắc đến các chú mục đồng đã từng ăn ngủ tại đây… Chúng tôi lên thăm Nhà Thờ Cánh đồng chiên, có mái hình tròn như lều của mục đồng. Ánh sáng từ trên chiếu xuống gợi nhắc luồng sáng khi các Thiên Thần đến báo tin cho họ.
http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/HanhHuongDatThanh/Chuong01_Hinh18.jpg
Chúng tôi đến NHÀ THỜ GIÁNG SINH và HANG GIÁNG SINH.
http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/HanhHuongDatThanh/Chuong01_Hinh19.jpg
Nhà Thờ do Chính Thống giáo quản lý. Trong Nhà Thờ Chính thống giáo, treo rất nhiều bình hương to nhỏ. Những buổi phụng vụ Chính thống ngào ngạt huơng khói. Đốt hương, xông hương là hành vi tôn thờ. Chúng tôi sẽ ý thức hơn khi xông hương trong các buổi phụng vụ Công giáo… Dưới nền nhà thờ có hàng chữ DOMUS PANIS – PANIS VITAE (Nhà bánh, bánh sự sống) vì Bethleem có nghĩa là nhà bánh. Hôm nay khi chúng tôi tới đây thì không trúng ngày có lễ tại Nhà Thờ này. Nếu tham dự được buổi lễ Chính thống giáo thì rất hay, nhưng rất tiếc! Tuy nhiên ở đây có hang Giáng sinh do Chính thống giáo quản lý. Khách du lịch, hành hương chờ đợi được hôn lên ngôi sao, nơi có đánh dấu việc Chúa giáng sinh. Chúng tôi phải đợi rất, rất lâu mới có thể nhích bước. Mỗi nguời đều phải chui xuống hầm, qua một cánh cửa rất nhỏ. Cầu thang hẹp và dốc. Có người trượt té! Đến mặt bằng, phía tay phải có một khung phủ vải đỏ trang trọng. Dưới gầm, trên nền nhà có hình một ngôi sao giáng sinh. Mỗi người đều cung kính mầu nhiệm Chúa Giáng sinh và muốn bầy tỏ ra bằng việc nằm bò xuống nền, đặt môi hôn lên ngôi sao đó. Hình như ai cũng làm thế! Nghe đâu trong hang này có một cánh cửa chỉ mở ra mỗi năm một lần vào dịp Chúa Giáng sinh. Cửa này ăn thông qua phần nhà thờ Giáng sinh của công giáo! Đến bao giờ thì Giáo Hội mới hiệp nhất? Đến bao giờ thì cánh cửa đó sẽ được mở ra thường xuyên?
http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/HanhHuongDatThanh/Chuong01_Hinh20.jpg
Chúng tôi sang viếng NHÀ THỜ THÁNH CATARINA do các cha Phanxicô phụ trách. Nhà Thờ này nằm ngay bên Nhà Thờ Giáng sinh. Ở đây hàng năm lễ đêm giáng sinh được truyền đi đến khắp nơi trên thế giới. Ngay giữa tiền sảnh của Nhà Thờ này có tượng đài Thánh Hiêrônimô. Thánh nhân đã sống ở đây vào thế kỷ thứ 5 và chuyên tâm dịch Kinh Thánh từ tiếng Hy lạp ra tiếng Latinh. Bản dịch này được gọi là Bản Phổ Thông (Vulgata). Xin Chúa cho chúng con biết mộ mến Lời Chúa, học hỏi Lời Chúa, sống theo Lời Chúa và truyền rao Lời Chúa. Xin cho chúng con biết rao giảng Lời Chúa chứ không rao giảng lời mình .
Buổi chiều, xe chở chúng tôi đến Ein Karem, quê hương của Gioan Tẩy Giả, ở về phía Tây Giêrusalem.
Trước hết chúng tôi leo đồi lên NHÀ THỜ THĂM VIẾNG.
http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/HanhHuongDatThanh/Chuong01_Hinh21.jpg
Vào trong cổng, chúng tôi nhận ra ngay những bản văn Kinh Magnificat bằng 41 ngôn ngữ khác nhau, trong đó có bản tiếng Việt, được khắc vào bức tường khuôn viên nhà thờ. Ngoài vườn hoa, có tượng Thăm viếng rất đẹp diễn tả Đức Maria và bà Isave gặp nhau. Trong nhà thờ có một vài phù điêu diễn tả biến cố này. Nhà thờ 2 tầng được các xây dựng trên khu vực bà Isave mang thai Thánh Gioan Tẩy Giả và Mẹ Maria đã đến viếng thăm Bà sau khi đi 90km từ Nazaret đến đây. Chúng tôi đọc Tin Mừng và cầu nguyện tại đây. Từ nay, khi đọc kinh “Linh hồn tôi tung hô Chúa”, chúng tôi sẽ sốt sắng hơn khi đã được đến tận nơi này…và yêu mến tha nhân, không quản nhọc nhằn…
http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/HanhHuongDatThanh/Chuong01_Hinh22.jpg
Chúng tôi trở lại, thăm NHÀ THỜ THÁNH GIOAN TẨY GIẢ.
Nhà Thờ lớn xây phủ lên trên nơi Gioan đuợc sinh ra. Có những bậc thang dẫn xuống hang động. Có một ngôi sao dưới gầm bàn thờ ghi dấu nơi Gioan được sinh ra. Chúng tôi đọc đọan Kinh Thánh và cầu nguyện tại đây. Chúng tôi muốn mặc lấy tâm tình của Gioan tẩy Giả: trở nên người dọn đường cho Chúa đến. Bức tường khuôn viên ngoài Nhà Thờ có bài ca Benedictus bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau đuợc khắc vào đá. Cũng có một bảng đá khắc bằng tiếng Việt Nam có đề tên cha Linh Hướng và một gia đình người Việt thực hiện. Có khi nào trong tương lai sẽ có một bản kính bằng tiếng Kơho nơi đây không ?
http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/HanhHuongDatThanh/Chuong01_Hinh23.jpg
Chúng tôi đi viếng NHÀ NGUYỆNCHÚATHĂNGTHIÊNNhà nguyện này nằm ở ngọai thành Giêrusalem trên đỉnh núi CÂY DẦU. Có một viên đá in dấu bàn chân Chúa khi lên trời. Sách Tông đồ công vụ kể lại rằng Chúa Giêsu đưa các Tông đồ lên NÚI CÂY DẦU. Sau khi chúc lành cho các ông, Chúa lên trời.. Hàng năm vào dịp Lễ Thăng Thiên, các Giáo Phái vẫn tổ chức các lễ nghi tại đây. Xin cho chúng con ái mộ những sự trên trời.
http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/HanhHuongDatThanh/Chuong01_Hinh24.jpg
Chúng tôi đến NHÀ THỜ KINH LẠY CHA. Nhà Thờ nguyên thủy đã có từ thế kỷ thứ tư. Nhà Thờ hiện nay xây trên cái hang nơi Chúa Giêsu dậy các Tông Đồ Kinh Lạy Cha, hiện nay do các nữ tu dòng Kín phụ trách. Kinh lạy Cha đã được khắc vào tường Nhà Thờ bằng 60 ngôn ngữ khác nhau, trong đó có bản tiếng Việt. Chúng tôi đã cầu nguyện tại đây và hát Kinh Lạy Cha. Xin cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến…
Đi qua nghĩa địa khá rộng, chúng tôi viếng NHÀ NGUYỆN CHÚA KHÓC. Gọi như thế vì từ chỗ này, Chúa đã khóc thương Thành Giêrusalem sẽ không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào! Nhìn qua cửa sổ chúng tôi thấy rõ Thành Giêrusalem. Bức phù điêu bên hông Bàn Thờ là hình gà mẹ đang xòe cánh che chở gà con. Thiên Chúa đã muốn che chở chúng ta như gà mẹ ủ con dưới cánh… Nhà nguyện có hình giống như một giọt nước mắt! Chúa vẫn còn thương khóc nhân loại tội lỗi …
http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/HanhHuongDatThanh/Chuong01_Hinh25.jpg
Rời Nhà nguyện Chúa khóc, chúng tôi xuống dốc đi xuống chân núi cây dầu. Đường rất dốc. Có Cha cũng trượt té ở đây. Dọc đường có Nhà Thờ Maria Magdala của Chính Thống Nga rất lớn, đóng kín cổng.
Chúng tôi tới VƯỜN CÂY DẦU. Ở đây chỉ còn lại 8 cây dầu rất lớn bằng mấy vòng tay. Có cây 1.500 năm. Có cây đã hơn 2.000 năm.Chúng tôi xúc động vì Chúa Giêsu đã vào vườn Cây Dầu để cầu nguyện cùng Chúa Cha trước cuộc Thương Khó của Ngài. Những cây dầu còn lại phải chăng đã chứng kiến những giậy phút trọng đại đó ?
http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/HanhHuongDatThanh/Chuong01_Hinh26.jpg
Bên khu vườn Cây dầu là NHÀ THỜ CHÚA HẤP HỐI cũng còn gọi là NHÀ THỜ CÁC DÂN TỘC vì nhiều quốc gia đã đóng góp tiền của để xây nên Thánh Đường này.
Trong Nhà Thờ có một tảng đá lớn, có hàng rào như chiếc mão gai bao quanh. Chúa Giêsu đã quỳ gối cầu nguyện đến đổ mồ hôi máu tại đây. Chính tại nơi này, Chúa Giêsu bị bắt vì Giuđa bội phản. Chúng tôi thinh lặng cầu nguyện hòa nhập vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu…
http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/HanhHuongDatThanh/Chuong01_Hinh27.jpg
Trên đường về, chúng tôi ghé vào NHÀ THỜ MỘ CỦA ĐỨC MẸ do Chính thống giáo quản lý. Mộ của Đức Mẹ nằm hơi sâu dưới Nhà Thờ nơi Đức Maria được mai táng và lên trời.
Xe đưa chúng tôi về khách sạn. Đây là giờ cao điểm. Tình trạng kẹt xe cũng diễn ra. Xe hơi nối đuôi nhau, giành nhau lấn đường để đi, bóp còi inh ỏi. Gần tới Thành cổ, sắp quẹo vào đường dẫn vào Hotel, những người Hồi giáo từ Đền ra về chật ních. Chúng tôi phải xuống xe, đi bộ về khách sạn, hòa vào dòng người đang đi lại trên lề đường. Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con một ngày đầy ý nghĩa…
Chúng tôi nghỉ ngơi, ăn tối và ngồi lại chia sẻ về một ngày đã qua…
13-9-2008
Hôm nay chúng tôi đổ bộ vào thành cổ Giêrusalem. Thành có 8 cổng vào. Những con đường thành đều lát bằng đá. Hai bên đường nhà nhà đều bằng đá. Chúng tôi đến NHÀ THỜ ANNA do các Cha Dòng Trắng quản lý.
http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/HanhHuongDatThanh/Chuong01_Hinh28.jpg
Đang khi vào bên trong thì có một cha người Pháp, cựu giáo sư của cha Hội và cha Lâm cũng đang sang làm việc tại đây. Ngài đàm đạo với Đức Cha. Ngài gọi tên các học trò của mình… Đức Cha cho biết các Ngài rất quý các cha học trò thuộc Giáo Phận vì các học trò rất uy tín và đẹp lòng các Ngài. Điều chúng tôi nhận ra ở đây là Ngài đã gọi tên học trò, dù đã nhiều năm không gặp học trò. Tình thương chân thành không hề phôi phai với thời gian
Chúng tôi đứng bên hồ BETHESDA. Đây là hồ mà Chúa Giêsu đã chữa người bất toại trong ngày Sabbath. Hồ này nằm trong một tổng thể di tích của một làng cổ xưa.
http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/HanhHuongDatThanh/Chuong01_Hinh29.jpg
Chúng tôi được các Cha Dòng Trắng cho phép dâng lễ trong chính nhà nguyện riêng của các Ngài. Tình nghĩa anh em Linh Mục làm cho các Ngài không còn tiếc gì với chúng tôi. Các Ngài cho chúng tôi vào tận nội vi của Dòng để chúng tôi sốt sắng dâng lễ. Các Ngài còn mời chúng tôi buổi chiều quay lại để dâng lễ tại chính Nhà Thờ Anna vì hôm nay là chiều thứ bảy. Chúng tôi sẽ dâng lễ thay ngày mai Chúa Nhật.
Chúng tôi bắt đầu đi ĐÀNG THÁNH GIÁ, con đường Thương Khó.
Chúng tôi đi một số chặng. Có chặng thì còn có chỗ vào trong, có chặng thì đứng ngòai đường. Đối với kitô hữu thì đây là nơi thánh, là con đường Thập Giá chúa đã đi qua, rất linh thiêng, rất lịch sứ. Nhưng những nguời Do Thái, những người Hồi giáo ở đây thì không coi trọng. Con đường cứu độ ngay ở bên mà họ không nhận ra. Tuy nhiên họ lại sống nhờ con đường này vì đâu đâu cũng thấy họ bày biện bán hàng lưu niệm : tràng hạt, Thánh Giá, Thánh Gia… đủ lọai. Có Cha trong đoàn trong buổi tối chia sẻ đã nói rằng: Dân Do Thái là dân riêng của Chúa. Xưa Chúa đã nuôi họ bằng manna, nay Chúa vẫn còn nuôi họ bằng du lịch!
Đặt từng bước chân trên con đường này, chúng tôi như nhìn thấy được những bước chân nặng nề Chúa Giêsu đi qua với cây Thập Giá nặng trên vai. Chúng tôi mới cảm thông được những lần Chúa ngã quỵ trên đường lên núi Sọ. Chúng tôi mới thấy được những tiếng hò hét dữ tợn của đám đông chen lấn, những tiếng roi sắt quật trên thân thể của Chúa Giêsu… Dù nền đường bằng đá có bị xói mòn với mưa nắng thì con đường Thập Giá vẫn luôn còn đó. …
http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/HanhHuongDatThanh/Chuong01_Hinh30.jpg
Sau cùng chúng tôi tới NÚI SỌ (Golgotha). Phải nói rằng những gì chúng tôi thấy trước mắt thì khác hẳn với những gì chúng tôi suy nghĩ trước khi đặt chân tới đây. Chưa tới đây chúng tôi hình dung một núi sọ đồ sộ, lộ thiên và ít nhất cũng còn lại cây Thánh Giá làm dấu. Tới đây rồi thì không còn thấy núi sọ đâu nữa. Thay vào đó là những ngôi nhà thờ đồ sộ của Công giáo, Chính thống giáo Hy Lạp và Arménien bao trùm cả núi sọ này. Chúng tôi đến nơi Chúa bị đóng đinh, tắt thở trên Thập Giá, và nơi hạ xác Chúa Giêsu xuống. Nơi này có một tảng đá đuợc coihttp://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/HanhHuongDatThanh/Chuong01_Hinh31.jpg là nơi liệm xác Chúa Giêsu. Nhiều người quỳ gôi hôn lên tảng đá này. Tôi cũng quỳ xuống tôn kính làm như thế. Một cảm xúc lạ chạy khắp cả người tôi. Chúa đã chết cho tôi, Chúa đã chết cho mọi nguời. Chúa đã chết để cho con người được sống.
Chúng tôi tới MỘ THÁNH. Một quang cảnh hết sức cảm động diễn ra. Từng đoàn người hành hương đang chen lấn nhau, xích lên từng bước để đến lượt được vào phía trong mà nhìn thấy mộ phần của Chúa Giêsu. Đây chính là nơi an táng Chúa Giêsu và cũng là nơi Chúa đã phục sinh. Đây cũng chính là nơi mà bà Maria thành Magdala đã đến khóc thương Thầy mình và đã được Chúa sai đi loan báo Tin Mừng Phục sinh cho các Tông Đồ của Chúa. Chúng tôi không có cách nào có thể chen lấn với đám dân chúng nồng nhiệt đó. Muốn vào phần mộ Chúa, chúng tôi phải đợi ít nhất là 2 giờ nữa. Chúng tôi tạm rời Mộ Chúa với ý định sẽ quay lại vào buổi chiều sau khi đã ăn trưa và tranh thủ tham quan những nơi thánh khác. Ở đây cha con chúng tôi chụp môt tấm hình chung để giữ lại trong lòng những tâm tình sốt sắng khi đến Mộ Thánh.
Chúng tôi đi bộ tới NHÀ THỜ ĐỨC MẸ NGỦ hay cũng còn gọi là Đức Mẹ Sion. Nhà Thờ này được xây trên núi Sion. truyền thống giải thích rằng Đức Mẹ đi vào giấc ngủ đời đời. Ở đây có mộthttp://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/HanhHuongDatThanh/Chuong01_Hinh32.jpg bức tượng Đức Mẹ đang nằm như ngủ vậy, rất thánh thiện, rất mẫu mực. Chúng tôi quỳ gối xung quanh mà cầu nguyện. Đức Mẹ ngủ thì sẽ thức dậy. Ngài sẽ sống lại hồn xác lên Trời. Ngài là niềm hy vọng của Hội Thánh, của mỗi người chúng ta.
Chúng tôi đến NHÀ TIỆC LY, một căn phòng trống trải, rất nhiều người qua lại. Có dấu vết của một bàn thờ Hồi giáo bên trong vì vào thời Hồi giáo chiếm Thánh Địa, họ dã dùng nơi này đặt biểu tượng Hồi giáo. Nay thì nhà Tiệc ly thuộc quyền của Do Thái giáo. Nơi đây chỉ còn lại một cung thánh nhỏ có cây nho bằng xi măng ở giữa. Một nơi thánh thiện và cao cả như thế mà nay phải chịu cảnh tục hóa ! Chúng tôi âm thầm cầu nguyện tại đây và chụp một tấm hình lưu niệm vì chính ở nơi này Chúa Giêsu đã thiết lập Thánh Thể, đã khai sinh chức Linh Mục. Chính nơi đây chúng tôi cảm nghiệm được sự liên kết chặt chẽ của chúng tôi, các Linh Mục, với Chúa Giêsu, Vị Thượng Tế duy nhất. Phía dưới Nhà Tiệc ly là “Phòng Rửa chân”, nơi Chúa Giêsu đã đổ nước vào chậu mà rửa chân cho các môn đệ. Lời Chúa vẫn văng vẳng : Thầy ban cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu mến nhau. Như Thầy đã yêu mến các con, các con cũng hãy yêu mến nhau.
http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/HanhHuongDatThanh/Chuong01_Hinh33.jpg
Chúng tôi xuống MỘ DAVID. Một người thanh niên mặc y phục truyền thống đang lắc lư thân mình đọc Kinh Thánh, tay chạm đến phần mộ vua David. Chúng tôi thinh lặng nghĩ đến nguồn gốc loài người của Chúa Giêsu : Ngài thuộc dòng dõi Vua David.
Chúng tôi đến thăm BỨC TỪNG THAN KHÓC. Đây là nơi cực thánh của người Do Thái. Người Do Thái đến đây cầu nguyện. Người ta nhét đầy những mảnh giấy xin ơn vào các khe đá. Chúng tôi đến đây vào ngày Sabbath nên rất đông người. Ai đến đây phải mặc quần áo chỉnh tề, không mặc quần cụt, áo không cổ, đầu đội mũ. Ngày Sabbath, cấm chụp hình. Mọi người đều phải chấp hành nếu không muốn tự gây phiền hà cho mình. Đức Cha đến trước bức tường này. Ngài nhét miếng giấy vào khe đá. Ngài thông báo trước cho chúng tôi lời cầu nguyện của Ngài: cầu cho Giáo Hội, cho Quê hương Đất nước, cho thế giới được hòa bình…Chúng tôi cũng chạm tay vào bức tường lịch sử này để cầu nguyện. Chúng tôi không khóc thương thành Giêrusalem hoang tàn như nhũng nguời Do Thái nhưng chúng tôi tiếc thương người Do Thái vì cho đến nay vẫn không nhận ra Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế. Trong số 6,7 triệu dân Do Thái mới chỉ có 78 người tin nhận Đức Giêsu Kitô. Một con số quá ít ỏi!
Chúng tôi trở về Nhà Thờ Thánh Anna để dâng Thánh Lễ thay Chúa Nhật. Đây là Nhà Thờ tuởng nhớ tới việc Đức Maria được sinh ra tại nhà ông Bà Gioakim và Anna. Một nhà thờ lớn toàn bằng đá trông có vẻ mộc mạc. Chiều nay là chiều thứ bảy, lần đầu tiên từ khi bước vào Thánh Địa, chúng tôi nghe tiếng chuông vang lên từ một ngôi Nhà Thờ công giáo nào đó trong Cổ Thành. Chúng tôi hết sức vui mừng và được an ủi. Chúng tôi dâng Thánh lễ tại đây cầu nguyện đặc biệt cho các Gia trưởng, Hiền mẫu, các gia đình trong Giáo Phận.
Sau Thánh Lễ, chúng tôi trở về khách sạn nghỉ ngơi, chuẩn bị ngày mai hồi hương…
Ăn tối xong, chúng tôi lại ngồi chia sẻ những hồng ân đã nhận được của ngày hôm nay. Nhân dịp này, chúng tôi dâng lên Đức Cha tất cả những tâm tình chân thật của chúng tôi. Chúng tôi cám ơn Ngài vì nhờ Ngài mà chúng tôi mới đến Thánh Địa này, mới được dõi theo những dấu chân cứu thế của Chúa Giêsu, mới được nhìn tận mắt, sờ tận tay những thánh tích của cuộc đời Chúa Giêsu. Chúng tôi hức với Ngài khi về lại Giáo Phận chúng tôi sẽ chăm chuyên học hỏi nghiên cứu Kinh Thánh, dọn bài giảng chất luợng hơn và nhất là sống theo Lời Chúa dậy. Chúng tôi cũng ý thức hơn đến bổn phận phải trở nên thánh thiện hơn trong cuộc sống. Chúng tôi cũng hứa với Đức Cha sẽ cùng với Đức Cha nỗ lực canh tân đổi mới bản thân, giáo xứ và Giáo Phận.
Chúng tôi cũng cám ơn Cha Linh Hướng đã nhiệt tình giúp đoàn chúng tôi trong những ngày này…
14-9-2008
http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/HanhHuongDatThanh/Chuong01_Hinh34.jpg
Chúng tôi lên đường hồi hương. Chiếc xe buýt chở chúng tôi rời khách sạn. Chỉ ở đây mấy ngày thôi mà Thánh Địa đã trở nên thân thiết. Những hình ảnh cuối cùng trên đường đi như tô đậm thêm những tình cảm tốt đẹp đó. Xe chở chúng tôi đến QUMRAN. Ở đây chúng tôi được nhìn thấy dấu vết một Tu viện cổ xưa, nơi các ẩn sĩ Esseni sinh sống. Các vị này có công chép các bản văn Kinh Thánh rất cổ xưa. Năm 1947, hai chàng chăn cừu đã tình cờ tìm thấy 7 cái bình chứa những bản văn kinh Thánh chép tay trong các hang động trên núi và đem đi bán. Những nhà khảo cổ Do Thái đã mua lại toàn bộ. Những nhà chuyên môn và những người nghiên cứu Kinh Thánh đều rất quý những tài liệu giá trị này. Chúng tôi không phải là những người chuyên môn Kinh Thánh, nhưng chúng tôi phải là những người chuyên sâu về Lời Chúa. Ước gì trong những điều khám phá hàng ngày, chúng tôi có lòng thao thức khám phá kho tàng Lời Chúa để có thể truyền đạt Lời Chúa một cách sâu sắc hơn và tinh ròng hơn.
Xe chở chúng tôi đến BIỂN CHẾT. Hai bên đường hàng hàng lớp lớp những cây chà là. Quả chà là ở đây ngọt lịm vì hợp đất. Biển Chết hàng ngày tiếp nhận những dòng nước từ sông Jordan và các sông khác đổ về. Nước ở đây rấthttp://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/HanhHuongDatThanh/Chuong01_Hinh35.jpg mặn, mặn hơn muối thường gấp 6 lần. Không sinh vật nào có thể sống ở đây. Trước khi ra đây, chúng tôi đã được bảo trước những gì phải giữ khi tắm ở biển này : tuyệt nhiên không được cho nước vào mắt cũng như vào miệng. Chúng tôi xuống nuớc, bồng bềnh trên mặt nước. Dưới chân có bùn và bùn ở đây rất tốt. Nghe nói người ta lấy bùn ở đây rôi đem đi bán ở nhiều nơi. Do đó chúng tôi tận dụng xoa bùn lên thân thể hy vọng sức khỏe có gia tăng chăng. Người ta cũng lấy muối ở biển này đi bán cho những người có nhu cầu hòa tan trong bồn nước để tắm chữa bệnh, nhất là những bệnh ngòai da, bệnh thấp khớp. Dù nuớc biển có tốt như thế nhưng không nên tắm lâu, 10 phút họăc 20 phút là đủ. ..
Sau khi đã đến được Qumran và ngâm mình nơi Biển chết, chúng tôi lại vội vã lên đường cho kịp các chuyến bay. Ai cũng sợ rằng chậm trễ sẽ rất phiền phức đến những chuyến bay đã được ấn định. Những bót an ninh vẫn thế, chẳng dễ hơn chút nào: lúc nào cũng hối hả, lúc nào cũng chờ đợi… và những trục trặc vẫn xảy ra. Nhưng rồi sau cùng chúng tôi đã tới phi trường Amman và lên máy bay rất sớm. Máy bay cất cánh lúc 17g20 và về tới phi trường Doha là 19g55. Sau khi ăn tối, chúng tôi đi ngủ sớm để mai về quê nhà…
15-9-2008
Chúng tôi ra phi trường từ sáng sớm để làm thủ tục và đáp chuyến bay lúc 7g30 giờ Qatar về Thành Phố Hô chí Minh. Về tới sân bay Tân sơn Nhất lúc 19g giờ Việt Nam. Trời đã tối. Phi trường đã lên đèn. Sau khi lấy hành lý, chúng tôi đóng dấu nhập cảnh. Thủ tục tối nay ở đây rất nhanh kể cả việc xét hành lý. Có điều là phi trường này tối nay sao vắng người thế hay là vì chúng tôi đã quen mắt với cảnh du khách tấp nập ở các phi trường khác ở nước ngòai ?
Tạ ơn Chúa đã cho chúng tôi đi về bình an. Chuyến đi này chúng tôi đã học được biết bao điều tốt đẹp. Chúng tôi mong ơn Chúa sẽ không trở nên vô ích cho chúng tôi….

Phaolô Lê-đức-Huân