PDA

View Full Version : CÔNG CHÍNH VÀ TỘI LỖI



dvtung
27-10-2007, 08:50 PM
Suy niệm CN 30 TN C
Tin Mừng: Lc 18, 9-14 (http://www.mucvu-borsum.de/borsum/kinhthanh/kinhthanh_print.php?SuchText=Lc18:9-14&FontSize=Txt8)

CÔNG CHÍNH VÀ TỘI LỖI
[align=justify:c348d6caa0]Chúa Giêsu nói với những người tự phụ cho mình là công chính bằng dụ ngôn người phariseu và người thu thuế. Ở đâu và thời nào, cả hai tính cách của hai con người ấy vẫn còn hiển hiện. Và còn hơn thế nữa, có thể cùng lúc hiển hiện trong một con người, trong chính tôi, trong chính bạn. Điều ấy có thật, vì với bản chất trí trá lừa dối trong tôi, trong bạn, ta có thể cùng một lúc đóng đủ cả hai vai trong cuộc đời: người công chính, người tội lỗi. Thế nhưng, Lời Chúa hôm nay thức tỉnh chúng ta và đưa ra cho chúng ta một cách sống đạo chân thành.[/align:c348d6caa0]
[align=justify:c348d6caa0]Bài học từ người Pharisieu

Danh xưng Pharisieu tự nó như một “thương hiệu” uy tín của những con người đàng hoàng, “đạo-đức-công-cộng”-cách sống đạo thể hiện bên ngoài ai cũng thấy được: cầu nguyện công khai nơi tập thể, hiểu luật và luôn nói về luật, yêu cầu người khác sống đúng luật…. Bản chất của thương hiệu ấy thể hiện qua cách đứng thẳng, chổ đứng gần, và lời tự phụ thưa với Thiên Chúa: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam bất chính ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18,11-12). Chúa không trách những việc lành người Pharisieu đã làm, nhưng Chúa trách ông vì lòng tự phụ và vì cái nhìn khinh bỉ đối với người thu thuế- vẫn thường được cho là hạng người tội lỗi.
Bản chất của người Pharisieu vẫn còn đây trong chúng ta: tự phụ và khinh bỉ. Có thể tôi và bạn đều phải giơ tay lên và hô rằng “thưa, con, Pharisieu, có mặt”.
“Con ăn chay mỗi tuần hai lần” mà Chúa không biết sao? “Con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” mà Chúa không biết sao? Con lễ sáng, lễ chiều, chầu chung, chầu riêng… mà Chúa không biết sao? Con tham gia Bà Mẹ Công giáo, Ca đoàn, Giáo lý viên, con đóng góp bao nhiêu tài vật lực cho mỗi dịp lễ lớn, con vất vả lắm vì việc chung, vì việc Chúa , mà Chúa không biết sao? Lời cầu nguyện có vẻ dư thừa và kém lòng tin. Phải hiểu là Thiên Chúa Thượng Trí Ngài biết rõ những gì ta đã làm, kể cả những điều ta ước muốn. Không nhất thiết phải trình bày, hay đúng hơn, người Pharisieu trình bày với mục đích khoe khoang công trạng. Đã không ít ngườẻutong chúng ta có chút công trạng, có chút đóng góp cho nhà chung, cho việc giáo xứ lại lên án những người khác là chống Cha, chống Chúa, là kẻ phá hoại. Cụm từ “phá hoại Giáo hội” vẫn còn thường được dùng nơi cửa miệng của nhiều người, kể cả những người đáng lý ra phải là nhân bản nhất. Có Cha sở lại dõng dạc tuyên bố câu Lời Chúa “Ai nghe các con là nghe Ta”, hoặc “Điều gì các con ràng buộc dưới đất, trên trời cũng ràng buộc” để trấn áp thành phần bị cho là phá hoại vì đã góp ý chân thành, thẳng thắn. Tĩnh ra rồi mới biết, dù là Giám Mục quyền cao, Linh Mục chức trọng hay giáo dân hèn hạ tầm thường, người phá hoại giáo hội vẫn là người không sống đúng ơn gọi nên công chính trong đấng bậc của mình. Mỗi người đều có bổn phận trở nên công chính, vì đã được ơn công chính hóa nhờ công nghiệp Chúa Giêsu. Dứt khoát không “trở nên công chính vì danh xưng, địa vị, hay chức quyền” và vì tự sức mình. Vì thế, không thể tự nhận mình công chính hơn ai, và cũng không thể ngộ nhận ai công chính hơn ai. Chúa biết tất cả nội tâm ta trước khi ta biết ta. Chúa không muốn chúng ta tự phong cho mình là công chính, và đánh giá kẻ khác tội lỗi, là satan, là phá hoại. Cách sống đạo đức kiểu ấy không đúng với tinh thần khiêm hạ của Chúa Giêsu. Và Thiên Chúa đứng về phía người bị chúng ta khinh bỉ, áp bức “Chúa là Đấng xét xử, Người chẳng thiên vị ai. Người không vị nể mà làm hại kẻ nghèo hèn, nhưng nghe lời kêu xin của người bị áp bức” (Hc 35,12-13).
Cũng vậy, việc lành không làm cho chúng ta nên công chính, nếu việc lành ý được thực hiện cho mình. Quả thật, chúng ta đã nhận quá nhiều ơn lành của Chúa cách nhưng không, nhưng cho đi , nhưng khi làm việc lành thì không nhưng không một chút nào- khi cho đi cũng là lúc đòi lại cho mình chút chút. Một cách nào đó, ta bỗng trở thành người “ăn cắp quyền làm chủ” các ơn của Chúa, khi ban phát cho người khác để được tặng cho mình huân chương công chính, đạo đức. Đồng tiền bác ái bỗng trở thành chiếc gậy của uy quyền, khiến người nhận phải thực hiện theo ý người cho. Người nhận không làm theo ý người cho, thì bị khinh bỉ, nguyền rủa.
Bố tôi kể: những ngày đầu làm Linh Mục, nhận bài sai về làm Cha phó Giáo Xứ PH, có một ông Tư Lầm hay đến nhà xứ than vãn chuyện nhà đói khổ. Cha giúp cho ông mấy chục đồng. Đến trưa, Cha ghé đến thăm nhà ông, thấy vợ chồng con cái ăn cả hai ký thịt heo luộc, cuốn bánh tráng, chấm mắm nêm, ngon lành. Ông Tư Lầm xấu hổ: “Thưa Cha, lâu rồi, thèm quá, Cha thông cảm”. Từ đó, Cha có ý nghĩ, người nầy không biết tiết kiệm, không biết làm ăn, và Cha không giúp đỡ gì nữa. Mười lăm năm sau, năm 1975, Cha đi cải tạo. Năm 1988, Cha ra trại cải tạo. Gia đình cô em ở nhà mừng quá đãi Cha một bữa cơm thịnh soạn, có cả món thịt heo luộc cuốn bánh tráng chấm mắm nêm. Cha ăn ngon lành. Cha bỗng nhớ ông Tư Lầm 28 năm về trước….. Kể đến đó, Cha quay sang Cha hỏi tôi: “Ông Tư Lầm bây giờ ở đâu con”. Tôi trả lời : “Nghèo quá. Bà Tư bịnh, không thuốc chữa, đã chết khi Cha vừa đổi xứ. Ông Tư buồn, thất nghiệp, hai đứa con thất học. Ông và một đứa con trai chết cả chục năm nay rồi vì ngộ độc cá nóc. Con bé gái, nghe nói, bán vé số ở Sài Gòn”.

Bài học từ người thu thuế

Ngược lại với cung cách tự phụ và khinh bỉ của người Phariseu là tâm tình khiêm cung nhận mình hèn hạ, tội lỗi, bất xứng của người thu thuế đứng ở cuối nhà thờ. Ông không dám ngước mắt lên vì sợ ánh mắt công thẳng của Thiên Chúa, nhưng ông biết đấm ngực mình và thưa lời : “Lạy Thiên Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Dù không nhìn thấy được ánh mắt nhân từ khoan dung của Chúa, nhưng ông còn niềm tin và lời thưa của ông đã xác minh điều đó. Ông đấm ngực mình, không đấm ngực ai. Một lần , tôi hỏi thăm một Linh mục, cùng lớp hồi tiểu chủng viện, nhận xứ mới được vài tháng, về tình hình Giáo xứ, Ngài nói: “Ở đây mọi việc đều tốt, chỉ tiếc một điều là người ta có thói quen xưng tội người khác nhiều hơn là xưng tội của mình”. Vâng, người thu thuế đấm ngực mình, vì ông ta đang cần tình thương và sự tha thứ, khác với người Phariseu đang cần một lời khen , một sự tuyên dương đánh đổi bằng sự lên án người thu thuế. Tôi không bênh vực cho người thu thuế, nhưng thiết nghĩ, ông nhận mình là tội lỗi theo cách nhìn của người đương thời hơn là chính ông đang có tội. Ông thực sự bị bỏ rơi, bị tẩy chay hơn là bị tội lỗi dày vò. Thiên Chúa hiểu rõ tâm can của từng con người, và dù con người ấy sống trong cảnh cùng khốn nào đi nữa, Thiên Chúa cũng để mắt nhìn tới. Cảnh cùng khốn của người thu thuế chưa hẳn là tội lỗi đối với Thiên Chúa, nhưng lại là tội lỗi đối với cái nhìn của nhân loại. Chính con người xét xử, kết án, và đẩy nhau vào chỗ bi đát .

Tôi còn nhớ, những người “tự cho mình là công chính” trước năm 1975 đã nhìn khinh bỉ các cô các bà làm sở Mỹ lầm lỡ. Có cô bị tẩy chay ra khỏi giáo xứ, bị cấm xưng tội rước lễ và các ơn ích bí tích khác. Có biết bao tâm địa miệng mồm độc ác còn lời ra tiếng vào nặng nề đến nỗi nhiều người phải lẳng lặng ẳm con bỏ xứ mà ra đi trong nước mắt. Không ai cho chút thương cảm. Thế rồi, sau 1975, những người bị cho là tội lỗi ấy, những đứa con bị nguyền rủa của họ ấy, đã được Chúa sắp xếp định cư nơi xa để đền bù cho những nỗi đau không kể thấu. Chỉ có Thiên Chúa mới hiểu rõ hoàn cảnh của họ, hiểu cả sức chiến đấu của họ trước mảnh lực của đồng tiền, trước vây khủng của nghèo đói, và Ngài trả lại cho họ niềm vui bình an. Rõ ràng là Thiên Chúa không bỏ rơi những con người bị con người bỏ rơi, Thiên Chúa lau sạch nước mắt tủi nhục của họ, và họ cũng được quyền xứng đáng trở nên người công chính của Chúa, nhờ ơn Chúa. Đã biết bao người âm thầm chấp nhận một đoạn đời bi đát ấy, và bây giờ, trở thành những người Tạ ơn Chúa “Đấng xét xử công bình”, trở thành những cánh tay nối dài cho tình thương của Chúa. Trong những công trình của giáo hội quê nhà, không có những đóng góp của những con người bị cho là tội lỗi một thời đấy sao?
Đừng tự nhận mình công chính. Đừng ngộ nhận ai công chính hơn ai. Hãy trả lại quyền xét xử cho Thiên Chúa. Hãy chu toàn bổn phận nên công chính của mình.

Một thực tế đáng ngại

Qua những dòng suy niệm trên đây, tôi có thêm chút suy tư về một thực tế đáng ngại: “vừa công chính vừa tội lỗi” trong cùng một con người. Con người có khả năng đóng đủ các vai trong cuộc đời. Con người phariseu thời nay: biết rõ thế nào là sống theo lời Chúa dạy, và sống theo lời Chúa dạy để chứng tỏ mình biết sống công chính. Họ không tự nhận mình là công chính, nhưng làm đủ mọi cách để người khác công nhận mình là công chính, trong đó có việc họ công khai tự nhận mình là tội lỗi. Họ có thể khóc lóc đau đớn vì tội lỗi, khóc công khai trước mặt mọi người như một diễn viên ưu tú, không phải vì lòng sám hối chân thành, không phải vì lòng yêu mến Thiên Chúa, nhưng để được công nhận mình là người đạo đức. Họ cũng biết phải cúi đầu, phải đấm ngực, nhưng là để tìm cho mình một danh xưng trong cộng đồng. Trong các diễn viên ưu tú ấy, có thể, có cả bạn và tôi, những người đang bị cuốn vào quỉ kế kiêu ngạo của satan để trí trá, lừa dối. Nhưng, có thể qua mắt được con người trần gian, không thể qua mắt được Thiên Chúa.
Đời sống công chính phải phát xuất từ thăm thẳm của cõi lòng yêu mến Thiên Chúa và ước muốn hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa; không dành lại chút gì cho mình nhưng tất cả cho Thiên Chúa. Chính sự kết hiệp viên mãn ấy làm cho ta nên công chính. Và, vì thế, không thể có sự công chính khi chưa đạt đến sự kết hiệp viên mãn với Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con lòng khiêm tốn, để tin cậy và yêu mến Chúa, để hoàn toàn thuộc về Chúa. Xin cho mỗi ước muốn, mỗi suy nghĩ, mỗi việc chúng con làm, mỗi lời chúng con nói… tất cả đều để tạ ơn Chúa. A men.[/align:c348d6caa0]
Pm. Cao Huy Hoàng

Nguồn: VietCatholic