PDA

View Full Version : Bài giảng lễ Chúa nhật 3 mùa chay C - 2022



gioanha
16-03-2022, 08:52 PM
CHÚA NHẬT III MC C:
NHẬN RA THỜI CỨU ĐỘ CHÚA BAN ĐỂ SÁM HỐI



Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp Xuân Lộc


Có lẽ ai trong chúng ta cũng có một thời để nhớ, để tự hào và nhiều khi cũng là hối tiếc về một thời đã qua. Có những người có một thời trai trẻ trải qua chiến trường bom đạn, có người với một thời sinh viên để nhớ và để thương và cũng có những người đã bỏ phí một thời. Có người có một thời làm ăn thịnh đạt hoặc đã trải qua một thời hàn vi cơ cực; có những người nhớ đến một thời gia đình vợ chồng, cha mẹ con cái xum vầy, đầm ấm gắn bó với nhau, nhưng nay hối tiếc vì thời đó không còn nữa.

Người ta nói rằng, trên đời có hai thứ hoàn toàn không thuộc về ta, đó là quá khứ và tương lai. Quá khứ đã qua, ta không thể lấy lại, tương lai chưa đến ta không biết chắc thế nào. Chỉ có hiện tại là những giây phút thuộc về ta. Nếu ta tận dụng và sống thật tốt phút giây hiện tại, thì ta sẽ không phải tiếc nuối quá khứ và còn có thể thay đổi tương lai.

Mùa Chay hôm nay nhắc chúng ta biết tận dụng thời gian hiện tại một cách hiệu quả nhất để bản thân sẽ không phải hối tiếc sau này. Đó là thời hồng ân cứu độ, thời Thiên Chúa thi ân giáng phúc, thời của lòng xót thương. Trong đời sống đức tin, Thiên Chúa cho chúng ta những thời để vươn lên, sống tốt, làm lại cuộc đời. Mùa chay được gọi là thời của khoan dung tha thứ và cũng là thời của sám hối để thay đổi nên tốt hơn. Những ai nhận ra và đón nhận thời đại ân huệ của Thiên Chúa, thì sẽ sinh ích lợi cho bản thân và gia đình.

Sách Xuất hành kể lại việc Thiên Chúa chạnh lòng thương khi “nghe tiếng kêu than” của dân người tại đất Ai Cập. Đó là thời Thiên Chúa thấu cảm với nỗi đau khổ và những nhục nhã, nhọc nhằn mà Israel phải gánh chịu. Từ đó, Thiên Chúa đã mở ra một thời để giải thoát Israel khỏi cảnh nô lệ. Thiên Chúa đã bắt đầu thực hiện thời giải thoát bằng việc tuyển chọn một con người là Môsê. Mặc dù ông run sợ trước trách nhiệm và lời mời gọi của Chúa, nhưng ông vẫn hoàn toàn tin tưởng vâng phục để làm theo những gì Chúa hướng dẫn. Thiên Chúa chỉ cần sự sẵn sàng cộng tác của Môsê và qua ông Thiên Chúa đã ra tay hành động.

Sự sẵn sàng cộng tác với Thiên Chúa được sách Xuất hành kể trong câu chuyện hôm nay: Môsê đang đi chăn chiên tại ngọn núi của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã hiện ra với ông trong một ngọn lửa cháy ở bụi cây mà bụi cây không bị thiêu rụi. Từ trong đám lửa cháy đó, Thiên Chúa đã cất tiếng gọi ông: “Môsê! Môsê! Ông đáp: Dạ, tôi đây!” Có thể nói, trong cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa là Đấng Thánh với một kẻ chăn chiên, Thiên Chúa như trải lòng tâm sự với Môsê: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai Cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than.” Cũng trong cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa tại núi Khorep, Môsê đã mạnh dạn để thưa lên với Thiên Chúa: “Bây giờ tôi đến với con cái Israel và nói: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy, nếu họ hỏi: Tên Đấng ấy là gì? Thì con sẽ trả lời với họ làm sao?”

“Thiên Chúa phán: Ta là Đấng Hiện Hữu.” Một khi Thiên Chúa đã mở lòng xót thương thì Ngài không còn tiếc với dân Ngài điều gì nữa. Thiên Chúa không chỉ ra tay hùng mạnh để giải thoát Israel, mà còn qua Môsê, Thiên Chúa cho họ ‘biết Tên” của Ngài. Biết tên là biết người; cho biết tên là cho biết tất cả bản thân mình. Thiên Chúa đã cho Môsê biết tên Ngài, tức là cho ông được biết cả “cõi lòng” của Ngài dành cho Israel. Cũng từ đây, Thiên Chúa đã cho con người biết Danh Người để con người kêu cầu mỗi khi đến với Ngài.

Tuy nhiên trong thực tế, Thánh Phaolô nói cho người Côrintô nhớ rằng, tổ tiên cha ông họ đã được Thiên Chúa yêu thương che chở dưới áng mây ban ngày, soi sáng bằng cột lửa ban đêm, và không ngừng ra tay hùng mạnh để gìn giữ bảo vệ cha ông họ, nhưng: phần đông họ không đẹp lòng Thiên Chúa, bằng chứng là họ đã quỵ ngã trong sa mạc. Đó là bài học để răn dạy chúng ta đừng theo những dục vọng xấu xa.

Nếu như Thiên Chúa, Đấng Hiện Hữu đã hiện ra với Môsê và cho ông biết Danh Ngài và biết cả cõi lòng của Ngài, thì đến thời Tân Ước, Thiên Chúa đã cho Con của Ngài đến để ở với nhân loại và để cứu chuộc nhân loại khỏi cảnh nô lệ của ma quỷ tội lỗi. Đức Giêsu chính là Đấng khai mở thời đại mới, thời đại của tình yêu thương cứu độ. Người kêu mời mọi người phải thay đổi, sám hối, làm mới lại tương quan với Thiên Chúa và với anh em, mở lòng ra để đón nhận Tin Mừng cứu độ.

Tuy nhiên, những người Do Thái đã không nhận ra thời Chúa yêu thương viếng thăm, thời cứu độ của Thiên Chúa ban tặng. Họ biến mình thành những kẻ dửng dưng thờ ơ, tự tách ra bên ngoài chương trình yêu thương của Chúa. Tin Mừng thuật lại, có mấy người đến kể cho Đức Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị Philatô giết khi đang tế lễ và cho rằng, những kẻ bị giết đó là kẻ tội lỗi. Khi kể cho Chúa Giêsu nghe sự kiện này, những người Do Thái cũng muốn cho Đức Giêsu thấy họ là người công chính hơn những kẻ bị tai nạn kia. Đức Giêsu không chấp nhận suy nghĩ vừa mang tính kiêu ngạo vừa kết án người khác, Ngài đã nhắc thêm cho họ nhớ đến sự kiện những người bị tháp Silôê đổ xuống đè chết và nói với họ rằng: “Các ông tưởng rằng các ông công chính hơn những người đó ư? Tôi nói cho các ông biết: Nếu các ông không chịu sám hối, các ông cũng sẽ chết như vậy.” Khi nhắc cho những người Do Thái như thế, Đức Giêsu sửa lại quan niệm của họ cho rằng: mọi người bị tai nạn, dù là do thiên nhiên hay do con người gây ra, đều là hậu quả tội lỗi của họ. Thiên Chúa là Đấng khoan dung và hay thương xót, Ngài không phải là kẻ ưa trả thù, Ngài luôn cho con người những cơ hội và thời gian để hoán cải. Những ai đón nhận được cơ hội và thời gian ân huệ đó, thì sẽ đón nhận được ơn tha thứ.

Đức Giêsu đã kể cho họ dụ ngôn ông chủ kiên nhẫn với cây vả không sinh trái: Vườn nho là cả một tài sản của ông chủ, ông yêu quý nó. Vậy mà ông đã rộng lượng để trồng cây vả vào vườn nho. Ông không sợ nó lấn át các cây nho của ông, ông vẫn chăm sóc và hy vọng nó ra trái. Ông chủ cũng đã rất mực kiên nhẫn tới ba năm để chờ đợi nó sinh hoa kết quả, nhưng nó vẫn không đáp lại được sự mong đợi của ông. Ông đã quyết định chặt nó đi, vì nó không những vô ích mà còn choán đất trong vườn nho: “Đã ba năm tôi tìm trái mà không thấy, anh hãy chặt nó đi, đừng để choán đất làm gì?” Tuy nhiên, người làm vườn đã đứng ra để xin ông chủ gia hạn: “Xin ông cho để lại một năm nữa, tôi sẽ vun xới bón phân, may ra sang năm nó có trái. Nếu không, lúc đó ông sẽ chặt nó đi.”

Ông chủ trong câu chuyện là hình ảnh của Thiên Chúa nhẫn nại chờ đợi và hết mực khoan dung với con người. Mỗi người giống như cây vả được Thiên Chúa vun trồng. Ngài luôn chờ đợi và cho chúng ta có thời gian để trổ sinh hoa trái tốt lành như Chúa muốn. Nếu con người không biết tận dụng thời gian “gia hạn” của Thiên Chúa, vẫn không chịu ra trái, thì đến ngày Thiên Chúa sẽ chặt bỏ và quăng nó vào lò lửa cho khỏi choán đất.

Thưa quý OBACE, có thể nhiều người trong chúng ta vẫn không nhận ra những dấu hiệu, những cơ hội Chúa ban và chờ đợi ta sám hối: Đại dịch covid vừa là một đại họa cho nhân loại, vừa là thời để mỗi người điều chỉnh lại nếp sống thói quen của mình và nhận ra sự mong manh của phận người. Một biến cố nào đó xảy ra cho gia đình, cho bản thân không phải là việc trừng phạt trả thù của Thiên Chúa, nhưng là một lời nhắc nhở để ta nhận ra sự giới hạn và bất toàn của mình, đồng thời, mời gọi ta biết điều chỉnh lại bản thân và gia đình. Mùa Chay thánh này, quả thật là một mùa yêu thương, mùa ân sủng cho mỗi người chứ không phải là thời gian kêu la than vãn. Mỗi người cần nhận ra đây là cơ hội Chúa mời gọi ta làm mới lại tương quan với Chúa, với anh em, và với gia đình.

Có thể tương quan của ta với Chúa chưa thanh thản, còn nhiều điều khiến ta bất an, lo lắng, mất niềm vui do tội và các thói quen xấu gây nên. Chúng ta cần mạnh dạn đến với Chúa qua Bí tích Giải tội để đón nhận ơn tha thứ, tìm lại bình an và niềm vui cho tâm hồn, từ đó ta mới có thể sống vui trong gia đình được. Có thể tương quan của ta với vợ, chồng, cha mẹ, anh em con nhiều điều lấn cấn. Mùa chay này là dịp Chúa ban để ta bước đến với nhau, chủ động làm hoà và tha thứ, hàn gắn lại những gì đã sứt mẻ và nối lại mối dây thân tình đã bị đứt đoạn.

Cũng có thể trong tâm hồn mỗi người còn nhiều điều khiến ta áy náy, cắn rứt dày vò vì những tội lỗi trong quá khứ. Mùa chay này cũng chính là mùa Thiên Chúa ban ơn để chữa lành những vết thương đó. Siêng năng đến với Chúa trong cầu nguyện, khiêm tốn đặt mình trước mặt Chúa để có thể lắng nghe được lời Chúa hướng dẫn, và tận dụng thời gian mùa chay này làm nhiều việc bác ái hy sinh mỗi ngày. Những việc làm này cũng có thể chữa lành tâm hồn và cũng là hoa trái Thiên Chúa đang chờ đợi nơi mỗi chúng ta. Amen.