PDA

View Full Version : HÀNH HƯƠNG ROMA



gioanha
12-12-2008, 05:38 AM
HÀNH HƯƠNG ROMA

Là khách hành hương chúng ta sẻ không có đủ thời giờ và tài chánh để xem tất cả các thánh tích ở Rôma vì nhiều vô kễ. Tốt hơn nên tìm tài liệu xem trước những nơi quan trọng theo sở nguyện để khỏi phí thời giờ. Với kinh nghiệm, xin gởi đến bạn, người hùng đang chuẩn bị về thành thánh, tài liệu chúng tôi có được trong dịp hành hương vào tháng 8 năm 2008.



Chương I
ROMA- THÀNH PHỐ VĨNH CỬU

http://www.giaophanvinhlong.net/Hanhhuong/vatican-picture-by%20night_AJM515.jpg

I. Nguồn gốc thành phố Roma
Roma thu hút rất nhiều du khách đến thăm viếng hoặc hành hương vì nó là chiếc nôi của Kitô giáo cũng như của văn hóa văn minh Kitô. Lịch sử của thành phố Roma bắt nguồn từ một nhóm dân cư sống về chăn nuôi và trồng cấy trên đồi Palatino. Họ thuộc các sắc dân Latium, Sabin và Etrus. Có nhiều truyền tụng về tên của thành phố Roma. Roma có thể là tên của một người Etrus vị vọng. Theo tục truyền, thành phố Roma do hai anh em Romunus và Remus, thành lập năm 753 trước Tây Lịch. Cha của họ là thần chiến tranh Marx và mẹ là thần Vênus. Hai anh em bị cha mẹ đem bỏ trôi trên dòng sông Tiber. Khi nước sông rút xuống, chiếc nôi của hai đứa bé dạt vào chân đồi Pilatino. Hai đứa bé được một con chó sói cái cho bú sữa cho đến khi người tiều phu tìm thấy và mang về nhà nuôi. Do đó, biểu tượng của thành phố Roma là tượng con chó sói cái cho Romulus và Remus bú sữa. Khi thành lập thành phố Roma năm 753, Romulus cày một vòng ranh giới chung quanh. Ai muốn ra khỏi thành phố phải qua cổng chính chứ không được qua vòng đai chung quanh. Ai làm trái lệnh sẽ phải chết. Remus không tuân lệnh nên bị sử tử hình. Vì thế thành phố có tên là Roma.
Roma còn mang nhiều dấu vết lịch sử từ xưa đến nay trong các kho tàng nghệ thuật và tôn giáo. Roma còn nổi bật vì luật lệ, kiến trúc, văn hóa, tôn giáo, chính trị ảnh hưởng đến cả trong và ngoài đế quốc Roma, xưa cũng như nay. Roma mãi mãi vẫn là Roma vì thành phố duy nhất trên thế giới đã chứng kiến nhiều biến cố lịch sử, chính trị và tôn giáo. Roma là thủ đô của thế giới cổ cũng như thủ đô của Kitô giáo. Do đó, Roma xứng đáng gọi là “thành phố vĩnh cửu” với những nét đặc biệt giữa cổ thời và tân thời, giữa thế tục và tôn giáo, giữa con người và xã hội.
II. Vài nét lịch sử về chính trị
Các vị vua Etrus và Sabin đã phát triển thành phố Roma giàu có về chăn nuôi và trồng cấy. Roma gồm có 7 ngọn đồi với những hàng cây thông xanh tươi quanh năm. Bảy ngọn đồi Palatino, Campidoglio, Quirinale, Viminale, Esquilino, Célio và Aventio do bảy vị vua cai trị cho đến khi chuyển sang thể chế cộng hòa vào năm 509 trước Tây Lịch. Những bức tường do Servius Tulius xây dựng lên trong thời gian kinh tế phát triển mạnh vào thế kỷ thứ 4 trước Tây Lịch. Dần dần, thành phố mở rộng từ đồi Campidoglio tới ngoại ô Pincio dọc theo bờ sông Tiber. Khoảng năm 270 trước Tây Lịch, Roma chế ngự toàn thể Italia nhưng sau đó Roma phải đối kháng với những tấn công của Carthage (146 trước Tây Lịch), Pháp và Anh (58-53 trước Tây Lịch). Dân cư tai Roma đông đảo hơn một triệu người. Thành phố tiếp tục phát triển mạnh mẽ nhờ hoàng đế Caesar trong thế kỷ thứ nhất trước Tây Lịch. Hoàng đế Augustus củng cố thêm sức mạnh thống trị của đế quốc với những xây cất trong thành phố. Sau hai lần hỏa hoạn do hoàng đế Nero gây ra vào năm 64 và 80, thành phố được trùng tu lại và đồ sộ hơn với những đấu trường, khải hoàn môn, dinh thự công cộng về hành chánh và giải trí… Đại đế Augustus khai sinh đế quốc Roma với những tổ chức quy mô về chính trị, kinh tế văn hóa và nghệ thuật. Từ năm 250 Roma bá chủ các vùng chung quanh Địa Trung Hải và Phi Châu. Để bảo vệ thủ đô của cố quốc, hoàng đế Aurelius cho xây dựng thêm những tường thành Roma mở rộng (270-275). Năm 286 đế quốc Roma bị chia thành hai Đông và Tây do hoàng đế Dictileano. Sau thời gian đó, những dinh thự bị hư hại sụp đổ nhưng không được tái thiết. Roma may mắn được thay đổi bộ mặt với sức mạnh của Kitô giáo do Costantine chính thức phê chuẩn cho hoạt động công khai vào năm 313. Năm 309 người Gô-loa xâm chiếm Roma nhưng chẳng bao lâu Roma chiến thắng và thống trị các nhóm dân Gô-loa, Etrus và Hylạp sống tại Italia. Đến năm 476, hoàng đế cuối cùng của đế quốc Roma là Romus Augustulus bị German Odoacer phế thải. Sau hơn 10 thế kỷ thống trị và bành trướng, đế quốc Roma chấm dứt.
Kể từ hậu thế kỷ 6, Roma trở thành thành phố của đế quốc Bizantin với thủ đô là Ravenna. Dần dần Roma lại chiếm địa vị là thủ đô của đế quốc. Sau đó, Roma thuộc lãnh thổ của các Đức Giáo Hoàng. Vào những thế kỷ tối tăm, các vua chúa Âu Châu, các gia đình quyền hành tranh giành chiếm cứ thành phố Roma nên gây nên những cuộc chiến tranh và dân cư rời bỏ thành phố. Dân cư của thành phố vào thế kỷ 12 chỉ còn lại 20 ngàn người thay vì cả gần triệu người trước đó. Vào năm 1308, ĐGH Clemente 5 bị lưu vong sang Avignon, Roma trở nên suy yếu trong suốt thời gian này (1308-1377). Đến thời ĐGH Martino trở lại, Roma được khôi phục và tiếp tục cho đến các triều đại Giáo Hoàng của Julio 2 và Leo 10. Đây là thời điểm Roma trở thành trung tâm của văn hóa và nghệ thuật của thời Phục Hưng của Châu Âu. Nạn cướp phá tàn bạo của các quân đội Đức và Tây Ban Nha vào năm 1527 nhưng thành phố được phục hồi trở lại nhờ phong trào chống Phục Hưng vào những thế kỷ 16 và 17 với những kiến trúc thánh đường, dinh thự, bồn nước, đường xá theo kiểu Baroc dưới sự điều khiển của nhà kiến trúc thiên tài Bernini. Vào thế kỷ 19, Garibaldi và Mazzini chủ trương phong trào Phục Hưng tại Ý đã thống nhất nước Ý dưới quyền lãnh đạo của gia đình Savoia, và giới hạn quyền hành của Đức Giáo Hoàng trong nội thành Vatican. Năm 1870, Roma được tuyên bố là thủ đô của quốc gia mới là Italia.
III. Vài nét lịch sử về tôn giáo
Sau khi chính thức công nhận Kitô giáo được quyền chính thức giảng đạo, Hoàng Đế Costantine cho xây dựng đền thờ làm nơi thờ phượng. Đền thờ thánh Gioan được xây dựng trong thời gian 312-315 trên mảnh đất của gia đình Laterano và trở thành ngai tòa đầu tiên của Giám Mục Roma cho đến khi rời về Vatican. Đền thờ thánh Phêrô xây dựng vào năm 320 chính tại nơi Phêrô tử đạo, bên cạnh đấu trường Nero. Sau đó, đền thờ thánh Phaolô được xây năm 324 và đền thờ Đức Bà vào năm 356. Những cuộc tấn công của đám mọi rợ vào thế kỷ thứ 5 và chiến tranh Gôtích vào những năm 535- 553 làm cho Roma trở nên xuống dốc. Tuy nhiên nhiều nhà thờ được xây dựng trong thời gian này như các nhà thờ thánh Clêmentê trong vùng Latêranô; thánh Pudenziana trên đồi Esquilino; thánh Stêfanô Rotondo và hai thánh Gioan- Phaolô trên đồi Cêlio; thánh Sabina, thánh Prisca và Balbina trên đồi Aventinô; thánh Cristômô, thánh Cêcilia và Đức Mẹ Trastevere dọc theo bờ sông Tiber; thánh Anê, thánh Costanza trên đường Nomentana; các thánh Nereo và Achileo trên đường Appia.
Vào thế kỷ thứ 7, nhiều đền thờ ngoại giáo được biến thành những thánh đường Kitô giáo. Ngoài ra, những đền thờ như Pantheon, Fortuna Virilis, Vesta được trang hoàng với những đá quý và những bức tranh vẽ trên tường. Nghệ thuật kiểu Byzantin xuất hiện tại các nhà thờ kính các thánh Cosma Đamianô, thánh Anê, Đức Mẹ Cổ dần dần ảnh hưởng và tồn tại qua thời Trung Cổ cho đến thời đại Carôlingiô. Roma vẫn thuộc quyền cai trị của Giáo Hoàng. Hoàng đế Carlô được tấn phong và đội vương miện tại chính trong đền thờ thánh Phêrô vào năm 800.
Vào thế kỷ thứ 9, những đền thờ được xây dựng như thánh Prasede, Đức Mẹ Đomnica, thánh Cêcilia, thánh Marco với những hình ghép bằng những miếng đá vụn (mosaic). Thời gian này nhóm Sarác cũng đã tấn công và cướp phá hai đền thờ thánh Phêrô và Phaolô. Để bảo vệ thành phố khỏi những giặc cướp, ĐGH Lêo 4 đã nối dài tường thành ra đến Lâu Đài Thiên Thần nên phần bên được gọi là thành phố Lêo. Hai thế kỷ sau đó, thành phố bị tranh chấp giữa hoàng gia và giới quý tộc cho đến năm 1084, nhóm Norman nổi lửa và chiếm thành phố bằng gươm giáo.
Thế kỷ 12 phát triển chậm nhưng vững chắc về dân sự và chính trị. Nhiều nhà thờ cũ được tu sửa lại. Nhiều công trính kiến trúc của Cosma dùng đá cẩm thạch hoặc những vật liệu có chạm trổ dùng trong nền nhà, cột nhà, ngai giám mục, tòa giảng, mộ phần. Thế kỷ 13, gia đình Vassaletto trang trí khuôn viên bên trong nhà thờ Laterano và thánh Phaolô ngoài thành. Những bức tranh vẽ trên tường và những bức tranh khảm đá màu (hình ghép bằng những miếng đá vụn) cũng tiến triển mạnh mẻ và thoát khỏi nghệ thuật Byzantine. Jacopo Torriti là tác giả của những bức khảm đá màu tại đền thờ Đức Bà và thánh Gioan Laterano.
Sau giai đoạn tối tăm của Giáo Hoàng bị lưu đày tại Avignon kéo dài từ 1308- 1377 là thời kỳ phát triển về nghệ thuật. Nghệ thuật kiểu Roma Gothic phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ 14 và 15. Tiêu biểu là nhà thờ Đức Bà trên Minerva và những chạm trổ trên đền thờ thánh Phaolô ngoại thành cũng như nhà thờ thánh Cecilia. ĐGH Eugenio 4 trở lại Roma vào năm 1443 sau thời gian lưu đày lâu dài tại Florence. Ngài mời Masolino da Panicale và Filarete họa những bức tranh mầu thật đẹp tại nhà thờ thánh Clemente và chạm trổ cửa đông của đền thờ thánh Phêrô. Botticelli, Ghilandaio, Luca Signorelli và Perugino được ĐGH Sixto 4 trao nhiệm vụ trang trí nhà nguyện Sistine. ĐGH Julio 2 trở lại đồ án của ĐGH Nicolas thứ 5 nên đã ủy thác cho Bramante cấu trúc lại đền thờ thánh Phêrô. Những thiên tài hội họa của thế kỷ 16 đã đóng góp vào những công trình vĩ đại được muôn đời ghi nhớ như: Bramente trách nhiệm về các dinh thự và công viên Vatican, Raffaelo về những phòng quan trọng trong nội cung, Michelangelo vẽ nhà nguyện Sisstine cũng như lo việc tu bổ kiến trúc đền thờ thánh Phêrô. Vào thế kỷ 17, nghệ thuật kiểu Baroc trở nên thịnh hành với Những Bậc Thang Tây Ban Nha của de Sanctis và bồn phun nước Trevi. Trong thế kỷ 19 và 20, Roma chú ý đến hệ thống giao thông và những công viên.
IV. Những di tích lịch sử quan trọng
Bốn Đại Vương Cung Thánh Đường: Đến Roma hành hương nhân dịp Năm Thánh hoặc bất cứ dịp hành hương nào, các tín hữu thường kính viếng ít nhất là 4 đại Vương Cung Thánh Đường tại đây. Nguồn gốc, ý nghĩa tôn giáo và lịch sử, cũng như chính phụng vụ về mỗi đền thờ này mang lại cho tín hữu các kinh nghiệm đặc biệt, mời gọi họ cảm tạ Chúa vì sự Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa, cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài.
1. Đền thờ thánh Gioan tại Laterano
Mẹ của tất cả các nhà thờ và là nhà thờ chính tòa của giáo phận Roma, nhắc nhở cho các tín hữu “Hồng ân bí tích Rửa tội” với tất cả ý nghĩa của ơn này, đồng thời mời gọi các tín hữu cảm tạ bằng chính cuộc sống như con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô.
2. Đền thờ thánh Phêrô tại Vatican
Nơi hành hương chính của các tín hữu Kitô: tại đây thánh Phêrô tông đồ đã lấy máu đào làm chứng cho đức tin nơi Ngôi Lời Thiên Chúa làm người để cứu độ chúng ta. Đền thờ này nhắc nhớ cho các tín hữu về chứng tá Kitô giáo, giá trị và hồng ân vô giá của đức tin được sống đích thực, được rao giảng và được làm chứng.
3. Đền thờ Đức Bà Cả trên đồi Esquilino
Dâng kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Thánh đường này nhắc nhớ các tín hữu “sự hiện diện của Mẹ Maria trong lịch sử cứu độ” thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa và làm Mẹ tất cả chúng ta. Tình mẫu tử của Mẹ Maria, đối với chúng ta, không chỉ giới hạn nơi sự bảo bọc và chuyển cầu, nhưng đồng thời cũng là lời liên tục mời gọi chúng ta hãy làm tất cả những gì Chúa Con chỉ dạy; liên tục nhắc nhớ chúng ta về sự cao cả Chúa đã làm cho chúng ta.
4. Đền thờ thánh Phaolô ngoài thành
Nơi tử đạo của thánh Tông Đồ Dân Ngoại, và ngày nay nổi bật về các cuộc gặp gở đại kết Kitô. Thánh đường này nhắc nhớ các tín hữu hành hương về bổn phận phải dấn thân truyền giáo, sống hiệp nhất với tất cả những người cùng tin nơi Chúa Kitô. Dưới đây là những nét nổi bật trong lịch sử, ý nghĩa và đặc tính của đền thờ thánh Phaolô.
Ba tiểu Vương Cung Thánh Đường: Ngoài 4 đại Vương Cung Thánh Đường, thánh Philip Nêri còn đề nghị các khách hành hương đi thăm viếng 3 tiểu Vương Cung Thánh Đường là: Đền thờ Thánh Giá Giêrusalem, Đền thờ thánh Lorenso ngoài thành, đền thờ thánh Sebastiano.
5. Đền thờ Thánh Giá Giêrusalem
Vào thế kỷ thứ 4, hoàng thái hậu Helena lúc đó đã 80 tuổi muốn đi hành hương ở Giêrusalem cũng như những nơi khác trong Đất Thánh. Khi trở về Roma năm 329, bà mang theo một mảnh gỗ Thánh Giá thật mà Chúa đã chịu đóng đanh về đặt trong dinh thự của bà. Bà còn mang theo đất thánh của đồi Canvê, những đinh và gai nhọn. Bà qua đời cùng năm 329. Tương truyền rằng khi khai quật, họ tìm được tấm bảng mà quan Philatô ra lệnh viết và gắn vào thập giá Chúa Giêsu: Giêsu Nazareth, Vua người Do Thái. Hoàng đế Costantine theo lời yêu cầu của mẹ mình cho xây nhà nguyện bảo tồn các Thánh Tích của cuộc khổ nạn Chúa Giêsu mang về từ Giêrusalem. Đền thờ này nhắc nhớ các tín hữu về cuộc khổ nạn nhục nhã của Chúa Giêsu. Ngài chịu nhục hình vì tội lỗi con người và đã đỗ máu mình ra mà chuộc tội con người. Ngài đã vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá. Thánh giá nhắc nhớ tín hữu về biến cố khổ nạn, chịu chết và phục sinh của Chúa Giêsu. Thánh giá trở nên biểu tượng cho tín hữu Kitô nên họ mang thánh giá với họ như những người thuộc về Chúa Kitô, họ chết cho tội lỗi và sống cho Thiên Chúa.
6. Đền thờ thánh Lorezo ngoài thành
Đền thờ gồm hai nhà thờ sửa lại thành một. Nhà thờ thứ nhất tôn kính thánh Lorenzo do hoàng đế Costantino xây năm 330 và ĐGH xây lại năm 578. Nhà thờ thứ hai tôn kính Đức Mẹ do ĐGH Sisto 3 xây vào thế kỷ 5 sát liền với nhà thờ thánh Lorenzo. Năm 1216, ĐGH Honorio lấy cung thánh nhà thờ thánh Lorezo và bỏ cung thánh nhà thờ kính Đức Mẹ để nối liền hai nhà thờ lại thành một. Ngài cũng cho xây tháp chuông kiểu Roma. Nhà thờ được tu sửa vào thế kỷ 15 và 16. Nhà thờ sửa mặt tiền với bức hình đá màu và cũng như bên trong nhà thờ từ 1864- 1870. Hành lang nhà thờ có 6 hàng cột kiểu Ionien chạm trổ rất đẹp và bên trong có 22 cột nham thạch kiểu Ionien chia làm ba gian dọc với các bức khảm đá màu rực rở. Trong đó bức khảm màu về Chúa Giêsu và các thánh làm theo nghệ thuật Byzantine thuộc thế kỷ thứ 5 rất độc đáo. Đây là những phần còn lại do hoàng đế Costantine xây và được ĐGH Pilagio 3 tu sửa lại gồm 12 cột kiểu Corinto rất đẹp chia thành 3 gian. Trong gian bên cạnh có giữ hài cốt thánh Lorenzo, Sebastiano và Giustino. Trên cung thánh có bàn thờ của Augusto và Sansone thuộc thế kỷ 12. Nhà thờ bị hư hại hồi thế chiến 2 với những mảnh bom nhưng được tu sửa lại. Du khách có thể thăm viếng hang toại đạo thánh Lorenzo, nơi chôn cất thánh nhân sau khi ngài tử đạo.
7. Đền thờ thánh Sebastiano
Đền thờ này được xây lên trước thế kỷ thứ 5 để tôn kính hai thánh Phêrô và Phaolô vì xác các ngài được an táng tại đây. Sebastiano là một sĩ quan Roma tử đạo dưới thời hoàng đế Diocleziano và được an táng tại nghĩa tang gần đó. Đền thờ được dành để tôn kính thánh Sebastiano vào thế kỷ thứ 9. Năm 1614, ĐHY Scipione Borghese sửa sang lại với mặt tiền 6 cây cột nham thạch. Du khách có thể nhìn thấy hòn đá ghi dấu chân Chúa Giêsu ở nhà nguyện 1 bên phải và tượng thánh Sebastiano bằng nham thạch rất đẹp ở nhà nguyện 2 bên trái. Từ mặt tiền đền thờ, du khách có thể thăm viếng viện bảo tàng trưng bày các di tích khảo cổ như bia mộ, các bình gốm cổ hoặc quan tài. Dưới hầm, các du khách có thể thăm viếng một phòng dùng để dọn bữa ăn nhân dịp an táng người chết. Xác hai thánh Phêrô và Phaolô đã tạm thời an táng tại nơi đây.
8. Công trường Venezia
Công trường này là điểm hội tụ các đại lộ chính cũng như là trung tâm của thành phố. Nhìn về phía trái, du khách sẽ thấy Dinh Venezia xây vào năm 1455 của sứ quán nước cộng hòa Venezia trước đây. Mặt tiền đơn sơ với các kiến trúc cổ điển thời Phục Hưng. Dinh Venezia là một trong những dinh thự nổi tiếng của thế kỷ 15. Trong thời gian 1564- 1797, dinh này thuộc về tài sản của cộng hòa Venezia được Mussoline dùng làm dinh thự riêng. Ông đã đọc nhiều diễn văn tại ban công của dinh thự này.
Hiện nay, dinh Venezia là viện bảo tàng trưng bày vải vóc, khí giới, tranh ảnh, đồ gốm, tác phẩm nghệ thuật, dụng cụ bằng đồng và những bức khảm từ thế kỷ 11 đến 17. Phía bên phải là tòa nhà bảo hiểm xây năm 1911.
9. Đài kỷ niệm vua Vittorio Emanuele 2- Đài chiến sĩ vô danh hoặc Bàn thờ Tổ Quốc
Đài vua Vittoria Emanuele 2 khởi công xây từ năm 1858 đến 1911, theo nghệ thuật hòa hợp giữa tân cổ Hy Lạp và Ý. Đài tưởng niệm này dài 135 thước dài và 70 thước cao nhìn thẳng ra công trường Venezia để kỷ niệm vua Vittorio Emanuele 2 là vua Italia thống nhất (1878). Hai bồn phun nước tượng trưng cho hai vùng biển Tireno (phải) và Adriatico (trái). Bốn nhóm tượng trên hai hồ nước tượng trưng cho Quyền Lợi, Hy Sinh, Hòa Hợp và Sức Mạnh. Trên những bậc thang là Bàn Thờ Tổ Quốc và Mộ Chiến Sĩ Vô Danh. Bức tượng đồng của vua Vittorio Emanuele 2 cao 12 thước. Chính giữa là tượng nổi tượng trưng của thành phố Roma và chung quanh là các tượng nổi tượng trưng cho các thành phố lớn của Italia. Hai cầu thang nhỏ dẫn lên tầng trên của đài tưởng niệm để ngắm cảnh thành phố Roma. Bên trong đài kỷ niệm là bảo tàng viện về quân đội Italia với những quân phục, khí giới, lịch sử những trận chiến…
10. Công trường Campidogho
Dọc theo bên phải đài kỷ niệm vua Vittorio Emanuele 2, du khách thấy một căn nhà Roma của thế kỷ 2 và nhà thờ thánh Bagio del Mercato thời Trung Cổ với hình vẽ Đức Mẹ Sầu Bi trên tường của thế kỷ 15.
Công trường Campidoglio tọa lạc trên thủ đô được coi là địa điểm của thần linh và quyền lực. Tuy là ngọn đồi thấp nhất và nhỏ nhất trong 7 ngọn đồi của Roma, nhưng từ thế kỷ thứ 6 trước Tây Lịch đã có một đền thờ của Jupiter Optimus Maximus Capitolinus là đền thờ quan trọng nhất của Roma thời cổ. Gần nhà thờ Đức Mẹ Cửa Trời là đền thờ của Juno Moneta. Vào năm 390 trước Tây Lịch, những người Gôloa do vua Brennus chỉ huy xâm nhập thành đồi Capitoline nhưng những con ngỗng thần của Juno giữ họ ở đó và bắt đầu quạt quạt. Nghe tiếng quạt quạt của những con ngỗng, quân lính tỉnh thức và chống lại những người Gôloa xâm chiếm thành phố.
Kiểu kiến trúc của các tòa nhà quanh công trường Campidoglio do chính Michelangelo vẽ (thế kỹ 15). Trên đầu cầu thang là hai bức tượng khổng lồ của thần Dioscuri (tìm thấy vào thế kỷ 15), các chiến lợi phẩm của Marius (thời hoàng đế Flavio) và hai bức tượng của hoàng đế Costantine và Costante. Tượng đồng của hoàng đế Marco Aurelio bằng đồng mạ vàng đứng trên bệ cao ở giữa công trường. Trước năm 1853, tượng này được đặt trong dinh Laterano. Đây là bức tượng hoàng đế cưỡi ngựa duy nhất còn sót lại từ thời Roma xa xưa. Tượng này không bị phá hủy trong thời Trung Cổ vì người ta cho rằng đây là tượng của hoàng đế Costantine.
11. Nhà thờ Đức Mẹ Cửa Trời
Nhà thờ này tọa lạc phía sau Dinh Mới. Theo tục truyền, một bà bói tướng đã báo cho hoàng đế Augusto biết rằng Chúa Cứu Thế sắp giáng sinh, do đó hoàng đế Augusto cho xây một bàn thờ tại đây. Trên cửa có bức khảm đá màu Đức Mẹ với Chúa Hài Đồng và hai thiên thần. Nhà thờ đầu tiên được xây vào thế kỷ thứ 6 và trao cho nhiều dòng tu trông coi. Năm 1250, các cha dòng Phanxico xây lại theo kiểu Roman Gotích. Mặt tiền còn làm dở dang nhưng không hoàn tất. Cầu thang cao hơn 124 bậc dẫn du khách lên nhà thờ dân Roma xây năm 1348 do lời thúc giục của ông Nicola di Rienzo muốn tạ ơn Chúa đã cho dân Roma thoát khỏi trận dịch hạch lớn thời đó. Trần nhà thờ bằng gỗ mạ vàng khởi công năm 1571 để kỷ niệm chiến thắng Lepanto và hoàn thành năm 1575. Hai mươi hàng cột thuộc nhiều kiểu khác nhau chia nhà thờ thành 3 gian dọc. Nền nhà thờ trang trí theo kiểu Cosma của thế kỷ 13 với nhiều bia mộ và bức khảm đá màu. Trên bàn thờ chính có bức tranh Đức Mẹ thuộc trường phái Byzantine. Gian trái là nhà nguyện thánh Helena với 8 cột tuyệt đẹp. Nhà nguyện này xây trên bàn thờ xưa của hoàng đế Augusto. Nhà nguyện Chúa Hài Đồng với tượng Chúa Hài đồng bằng gỗ ôliu được tương bày cho dân chúng Roma đến hôn kính vào dịp lễ Giáng Sinh.
12. Dinh Mới
Rainaldi xây Dinh Mới này năm 1655 dưới thời ĐGH Innocente 10. Từ năm 1734 dưới thời ĐGH Clemente 12, dinh này trở thành viện bảo tàng Campidoglio giữ những tác phẩm điêu khắc cổ. Du khách có thể nhìn thấy bức tượng khổng lồ Marforio của thế kỷ 1 tượng trưng cho thần Sông.
13.Dinh Cũ
ĐGH Nicola 5 xây năm 1450 dành cho các thẩm phán cùng cai quản với các thượng nghị sĩ. Sau này, dinh được G. della Porta sửa lại theo đồ họa của Michelangelo (năm 1568). Dinh này là bảo tàng viện trưng bày các tác phẩm và tranh ảnh đương thời. Bên cạnh là Dinh Caffarelli chứa những di tích khảo cổ, vật dụng hàng ngày và các bức khảm đá mầu.
14. Dinh Thượng Viện
Dinh Thượng Viện của đế quốc Roma xây năm 78 trước Tây Lịch là tòa Thị Sảnh của thành phố Roma hiện nay. Thượng viện có tháp canh ở 4 góc. ĐGH Bonifacio 9 biến thành tòa thị sảnh thành phố Roma. Cầu thang dẫn vào dinh do chính Michaelangelo xây năm 1550. Bồn nước ở giữa có tượng nữ thần Minverva, sau trở thành nữ thần Roma. Hai tượng Jupiter và Apollo nằm hai bên bồn nước tượng trưng cho hai sông Tiber và Nil. ĐGH Sisto 5 dọa sẽ đập bể các tượng thần Minerva, Jupiter và Apollo nếu không dời đi chỗ khác nhưng đồng ý biến thần Minerva thành nữ thần Roma. Do đó, thần Minerva cầm thánh giá thay vì cầm đao. Tháp chuông có đồng hồ do kiến trúc sư M. Longhi xây năm 1587.
15. Khu vực Roma cổ
Góc dinh thượng viện, du khách nhìn thấy một cây cột đá có tượng chó sói cái và hai đứa trẻ Romulus và Remus đang bú sữa. Từ đây, du khách có thể nhìn thấy toàn cảnh của Foro Romano là trung tâm sinh hoạt chính trị, văn hóa, kinh tế và tôn giáo của Roma thời cổ xưa. Du khách cố thể nhìn thấy di tích 9 cây cột còn lại của đền thờ dâng kính 12 vị thần ngoại giáo (xây 367 năm trước Tây Lịch). Bên cạnh là đền thờ kính hoàng đế Vespasiano do hoàng đế Domiziano xây năm 367 trước Tây Lịch để kỷ niệm hòa ước giữa hai nhóm Patrizi và Plebei, sau này được hoàng đế Tiberio xây lại trong những năm 7-10. Đền thờ kính thần Saturno và Khải Hoàn Môn Settimo Severo. Khu vực Roma này là trung tâm sinh hoạt của Roma cổ xưa từ đồi Palatino đến đấu trường Colosseo.
16. Khải Hoàn Môn Settemio Severo
Thượng viện và dân chúng Roma xây Khải Hoàn Môn này vào năm 203 để dâng kính hoàng đế Settimio Severo và hai hoàng tử Géta và Caracalla. Khải hoàn môn này cân đối với chiều cao 23 thước và chiều rộng 25 thước. Du khách có thể nhìn thấy bốn cảnh chạm nổi diễn tả cảnh hoàng đế Settimio chiến thắng quân Parthe, Ảrập, và Adiabene. Những bức chạm nhỏ diễn tả cảnh các dân tộc Đông phương đến bái yết hoàng đế và cảnh nô lệ bị bắt làm tù binh. Năm 211 Caracalla giết anh mình là Géta nên tên của Géta bị đục bỏ. Bây giờ chỉ còn những lời chúc tụng hoàng đế Settimio Severo và hoàng tử Caracalla.
17. Nhà tù Mamertino
Nhà thờ bên trái đường Consolazione là nhà thờ của thánh Giuse của giới thợ mộc do G. della Porta xây năm 1538. Dưới hầm là nhà tù gồm hai phòng chồng lên nhau. Phòng trên rộng hơn được làm nhà tù của Roma. Ở trên bàn thờ có tượng bán thân của hai thánh tông đồ Phêrô cầm sách và thánh Phaolô cầm gươm. Tên của các tù nhân được khắc ghi trên hai tấm bia cẩm thạch (bây giờ được thay thế bằng hai tấm bảng gỗ). Phòng dưới ẩm thấp được xây vào năm 387 trước Tây Lịch trong thời kỳ người Gôloa xâm lăng Roma. Các tù nhân và tội nhân bị giam giữ ở đây trước khi bị hành quyết. Vua của Numidia và Vercingetorix của Gôloa bị Cesare bắt năm 49 cũng bị giam giữ tại đây. Theo truyền thuyết, hai thánh Phêrô và Phaolô cũng bị giam giữ tại đây trong vòng 9 tháng nên người ta cũng gọi đây là nhà tù thánh Phêrô. Trong phòng dưới có một mạch nước do thánh Phêrô đã cho vọt lên để rửa tội cho hai người canh ngục trở lại Kitô giáo. Mạch nước vọt lên ngay chân cột nơi mà các tù nhân bị trói với xiềng xích và đánh đòn dữ dội trước khi bị đem ra hành quyết. Đối diện với nhà tù thánh Phêrô là nhà thờ hai thánh Luca và Martina. Nhà thờ này được xây trước thế kỷ thứ 7 và được P. de Cortona xây lại vào năm 1640 gồm hai nhà thờ thánh Luca ở tầng trên và thánh Martina ở tầng dưới.
18. Khu vực Foro Traiano
Khu vự Foro Traiano là khu vực cuối cùng của hoàng đế Roma, xây cất vào những năm 111- 114. Khu này gồm đền thờ Traiano, 2 thư viện, cột Traiano, đền thờ Ulpia và khu chợ Traiano. Cột Traiano do thượng Viện và dân chúng Roma xây để dâng kính hoàng đế Traiano đã chiến thắng quân Daces. Thân cột chạm trổ cảnh chiến tranh với quân Daces trong những năm 101- 103 với 2.500 người cao từ 60 đến 1 thước và chiều dài của tất cả các cột là 200 thước. Cột cao 29 thước. Cả khối gồm đế, cột và tượng trên đỉnh cao 42 thước 30. Cầu thang gồm 185 bậc thang từ dưới lên tới đỉnh. Bên trong có một hòm vàng đựng tro của hoàng đế hỏa thiêu năm 117 tại Cillicia. Tòa án Ulppia rộng gần bằng đền thờ thánh Phaolô ngoài thành gồm 4 hàng cột chia tòa án ra làm năm gian dọc, hai cửa hướng về phía cột Traiano và 3 cửa khác hướng về phía đại lộ. Chợ Traiano có hình bán nguyệt nối dài với hai cánh ở hai bên. Ý định ban đầu là ngăn chặn đất trên đồi Quirinale khỏi đổ xuống cũng như sử dụng làm hàng quán.
19. Khu vực Angusto
Hoàng đế Augusto xây năm 42 trước Tây Lịch để kỷ niệm cuộc chiến thắng Filippi trả thù cho hoàng đế Cesare. Chính giữa là đền thờ dâng kính thần Marte Ultore. Hai bên là hai tòa án. Tòa án bên phải có bức tượng khổng lồ nên được gọi là phòng của Người Khổng Lồ (du khách có thể nhìn thấy ngón tay và bàn chân của người khổng lồ trên đồi Campidoglio).
20. Khu vực Vespasiano
Hoàng đế Vespasiano xây trong những năm 69- 75 với các chiến lợi phẩm mang về từ Palestine. Hiện nay chỉ còn lại một cây cột rất lớn.
21. Mộ của Romulus và Remus
Bên dưới chỗ có mái tôn che là mộ của Romulus và Remus nằm sâu dưới dết được đánh dấu bằng một tấm cẩm thạch đen. Hai con sư tử đứng hai bên giống như những mộ của dân Etrus. Ngoài ra còn có tấm bia đá với hơn góc khắc chữ Latinh cổ thuộc thế kỷ 16 trước Tây Lịch.
22. Con đường thánh
Con đường thánh này kéo dài đến khải hoàn môn Titô ở gần đấu trường Colosseo trong khu vực Roma cổ. Gọi là thánh vì hai bên đường có nhiều nhà thờ và được dùng cho các cuộc rước kiệu tôn giáo. Sau khi chiến thắng trở về, các hoàng đế, sĩ quan và binh lính Roma diễn hành trên con đường này dẫn theo các tù binh và các chiến lợi phẩm.
23. Đền thờ Cesare
Đền thờ được xây năm 29 trước Tây Lịch ngay tại chỗ xác hoàng đế Cesare được hỏa thiêu năm 44 trước Tây Lịch.
24. Đền thờ thần Vesta
Sau đền thờ Cesare là đền thờ kính thần Vesta có hình tròn gồm 20 cột cẩm thạch kiểu Corintô nhưng hiện nay chỉ còn lại nền nhà. Đối diện với đền thờ là nhà các trinh nữ có nhiệm vụ trông coi ngọn lửa thiêng của đền thờ. Ngôi nhà dài 69 thước dài và 24 thước ngang với các phòng quay vào sân trong. Sân này được trang hoàng bằng tượng của các trinh nữ nổi tiếng sống trong những năm 201 và 304 trước Tây Lịch.
25. Đền thờ Antinio và Faustina
Thượng Viện và dân chúng Roma xây năm 141 dâng kính hoàng hậu Faustina, vợ của hoàng đế Antonio Pio, được dân chúng tôn làm thần. Sau khi hoàng đế Antonio qua đời năm 161, đền thờ được dâng kính hai người với hai hàng chữ khắc bên trên tiền đường. Bên cạnh xưa là nghĩa địa của dân cư sống trên triền đồi Palatino giữa các thế kỷ thứ 9- 7 trước Tây Lịch.
26. Đền thờ kính hai thánh Cosma và Damiano
Đền thờ này được xây vào thế kỷ thứ 6 và được tu sửa lại năm 1632. đền thờ có bức khảm đá màu rất đẹp của thế kỷ thứ 6. Trên khải hoàn môn: Chiên Con ngự trên ngai với sách Phúc Âm, chung quanh có 7 chân đèn, 4 thiên thần và biểu hiện 4 sách Phúc Âm, hai cánh tay các bô lão nâng các triều thiên. Bức khảm đá màu ở cung thánh: Chúa Kitô, hai thánh Cosma và Damiano được hai thánh Phêrô và Phaolô giới thiệu. Bên phải là thánh Teodoro, bên trái là thánh Felice 4 dựng mô hình của nhà thờ, cành lá vạn tuế và chim phượng hoàng biểu tượng cho sự sống lại. Phía dưới, Chiên Con đứng trên núi, từ đó vọt ra 4 sông và 12 con chiên tượng trưng cho 12 Tông Đồ đang từ Belem và Giêrusalem đi ra. Năm 307 hoàng đế Massenzio xây cho con trai chết khi còn nhỏ. Đền thờ Romulus được hoàng đế Costantine hoàn thành. Sau này, đền thờ Romulus biến thành đền thờ kính hai thánh Cosma và Damiano.
27. Đấu trường Colosseo:
Đấu trường là công trình kiến trúc vĩ đại nhất của thành phố Roma cổ trong thời các hoàng đế nổi tiếng. Nó biểu tượng cho vinh dự và oai hùng của đế quốc Roma cũng như của thành phố Roma là thủ đô của đế quốc. Đấu trường này được hoàng đế Vespasiano khởi công năm 72 trên các hồ thuộc vườn thượng uyển của hoàng đế Nero và hoàn tất năm 80 do hoàng đế Tito. Nơi đây diễn ra các trò chơi giải trí như đấu gươm săn bắn giả thú, thủy chiến giả… Đấu trường hình bầu dục bằng đá vôi bên ngoài và gạch nung cùng với đá ong ở bên trong. Chu vi rộng 527 thước, dài 188 thước cao 52 thước, gồm 4 tầng. Ba tầng dưới có các cửa vòng cung trang hoàn với các cột kiểu Corinto, Ionieno và Dorico. Các tượng được trưng bày giữa hai tầng 2 và 3. Hoàng đế, khanh tướng, hoàng gia vào cửa đặc biệt dẫn thẳng vào phòng tiếp tân. Dân chúng đi vào qua 80 cửa vòng cung có đánh số thứ tự. Ghế ngồi chia làm 3 hạng: kỵ binh, trung lưu và dân chúng. Ở trên cao dành cho những người đứng coi với giá rẻ hơn. Đấu trường có thể ngồi được trên 50 ngàn người. Đấu trường có mái che bằng vải dùng khi trời mưa. Ở dưới bãi đấu (76 x 46) còn có các hành lang, các phòng nhốt thú dữ, các cột dùng để kéo mọi dụng cụ cho các trò chơi giải trí. Đấu trường mang tên Colosseo, nghĩa là Khổng Lồ do kiến trúc vĩ đại của nó cũng như bên cạnh có bức tượng khổng lồ cao 30 thước của hoàng đế Nero. Đấu trường bị hư hại do hai lần động đất vào những năm 1231 và 1255. Hoàng đế Enrico 7 trao lại cho Thượng Viện và dân chúng Roma. Vào thế kỷ 15, đấu trường trở thành mỏ đá để xây cất các dinh thự trong thành phố như Dinh Venezia, Famese, Barberini và đền thờ thánh Phêrô. Theo truyền thuyết Kitô, nhiều tín hữu chịu tử đạo tại đấu trường nên vào thế kỷ 18 ĐGH Beneđicto 14 cho tu sửa lại và dâng đấu trường để tôn kính các vị thánh tử đạo. Các ĐGH Pio 7, Leo 12, Gregorio 16 và Pio 9 cũng tu sửa nhiều lần. Năm 1957 người ta dựng lên một cây thánh giá. Từ thời ĐGH Phaolô 6, Đức Thánh Cha chủ tọa những Chặng Đàng Thánh Giá vào Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh với sự tham dự của hàng ngàn tín hữu cũng như du khách hành hương.
28. Khải Hoàn Môn Costantine:
Thượng Viện và dân chúng Roma xây năm 315 dâng kính hoàng đế Costantine để kỷ niệm chiến thắng Massenzia tại cầu Milvio. Các bức Chạm trổ của Khải Hoàn Môn lấy từ dài kỷ niệm Traiano. Hai bức bên trên hai cạnh tả lại cảnh chiến thắng quân Daces. Tám chiếc nề đai trang hoàng hai mặt của Khải Hoàn Môn diễn tả cảnh săn bắn và tế lễ cũng được lấy từ đài kỷ niệm Traiano. Còn 8 bức chạm trổ khác tả cảnh tế lễ, huấn dụ dân chúng và binh lính, khải hoàn vào Roma được lấy từ một đài kỷ niệm Aurelio.
29. Khải Hoàn Môn Tito:
Hoàng đế Domiziano xây khải hoàn môn năm 81 để kỷ niệm hoàng đế Vespaziano và còn là Tito thắng trận bên Palestine năm 70. Hai bức chạm nổi diễn tả cảnh Roma đang lái chiến mã bên trên có Tito và nữ thần chiến tranh đang đứng, quân lính Roma khải hoàn trở về mang theo những chiến lợi phẩm từ đền thờ Giêrusalem: bàn dâng bánh, kèn đồng, đèn vàng 7 ngọn.
30. Đồi Palatino:
Đồi Palatino là một ngọn đồi cổ kính nhất của Roma đã có dân cư sinh sống và trồng cấy từ thế kỷ 9 trước Tây Lịch. Romulus và Mulus thành lập thành phố Roma tại đây. Trước đây chỉ có dinh thự của những người giàu có. Sau đó, các hoàng đế bắt đầu xây dựng các đền thờ và dinh thự ở đây.
31. Dinh Nero:
Sau trận hỏa hoạn năm 64, hoàng đế Nero cho xây dựng một lâu đài nguy nga trên đồi Oppio với vườn ngự uyển chung quanh. Bên trong trang hoàng những hình vẽ của họa sĩ Fabullus (thế kỷ 1). Nhiều nghệ sĩ hội họa trong thời Phục Hưng đã lấy nguồn cảm hứng tại đây. Một phòng có vòm cong mạ vàng, do đó biệt thự mới có thể là nhà vàng.
32. Sân đua ngựa Massimo:
Đây là sân đua ngựa lớn nhất của Roma có thể chứa được trên 100 ngàn người. Ngoài những cuộc đấu ngựa, những trò chơi giải trí cũng được tổ chức tại đây. Du khách có thể nhớ lại khung cảnh của bộ phim Bel Hur được đóng phim. Một sĩ quan Roma đã cho Chúa Giêsu uống một gáo nước lạnh bị ngã xuống đang khi bị vác thánh giá lên Golgotha. Gia đình của ông đã theo đạo Kitô và mẹ ông đã khỏi bệnh cùi.
33. Vương Cung Thánh Đường thánh Sabina:
Đền thờ này được xây trong thời gian 423- 432. Năm 1222, ĐGH Honorio 3 trao cho thánh Đaminh Vương Cung Thánh Đường và dinh thự sát bên để sử dụng sau khi phê chuẩn hiến pháp Dòng Anh EmThuyết Giáo. Cửa chính bằng gỗ được chạm trổ các hình lấy từ Cựu Ước và Tân Ước thuộc thế kỷ thứ 5. Đền thờ gồm 3 gian với 24 hàng cột kiểu Corito tuyệt đẹp lấy từ một đền thờ ngoại giáo. Trên cửa ra vào còn một bức khảm đá mầu rất đẹp thuộc thế kỷ thứ 5 với những hàng chữ vàng trên nền đá xanh, tên của vị linh mục kiến trúc đền thờ này, hai bên là các biểu tượng của Giáo Hội phát sinh từ Do Thái giáo và Giáo Hội phát sinh từ dân ngoại. Gian cung thánh được trang hoàn bằng cẩm thạch rất nhiều màu của thế kỷ thứ 5. Các ghế ngồi của ca đoàn và tòa giảng thuộc thế kỷ thứ 9. Nền nhà có mộ bia của nhiều vị Giám Mục, Hồng Y, trong đó có cha Bề Trên Tổng Quyền Mudos de Zamora (năm 1300). Tu viện thánh Sabina bên cạnh xây rất đẹp với khuôn viên gồm 103 cây cột xây giữa các năm 1216- 1225. Hai phòng riêng của thánh Daminh và thánh giáo hoàng Pio 5 được dùng làm nhà nguyện. ĐGH mỗi năm đến Vương Cung Thánh Đường này để chủ tọa lễ Tro và công bố sứ điệp Mùa Chay.
34. Nhà thờ Đức Bà Trang Sức
Nhà thờ Đức Bà Trang Sức tọa lạc tại công trường Miệng Sự Thật (Bocca deua Verita). Phía bên trái của tiền đường nhà thờ có một tảng đá cẩm thạch tròn lớn có tạc hình mặt nạ đựơc dùng làm nắp giếng trước đây được dân chúng gọi là Miệng Sự Thật. Ai muốn chứng minh rằng mình nói sự thật thì đến đây thề bằng việc đặt tay vào miệng. Ai nói dối thì không thể rút tay ra được nữa. Nhà thờ được xây trước thế kỷ thứ 4 trên đền thờ Hercule. Vào thế kỷ thứ 8, nhà thờ được sửa lại rộng rãi hơn và ĐGH Adriano 1 trao cho cộng đoàn công giáo Hy Lạp. Nhà áo có bức khảm màu: Ba vua đến thờ lạy Chúa Hài Đồng (năm 706). Tháp chuông kiểu Roma được xây thêm vào thế kỷ 12. Năm 1294, con thứ 4 của gia đình Cosma làm thêm nền khảm đá mầu, ghế ca đoàn, ngai Giám Mục, tàn che bàn thờ và 18 cột chia nhà thờ thành 3 gian dọc.
35. Nhà thờ Đức Bà ở Tratevere:
ĐGH xây nhà thờ này đầu thế kỷ thứ 3 nên là nhà thờ đầu tiên mở cửa cho việc phụng tự, đồng thời là nhà thờ dâng kính Đức Mẹ cổ kính nhất Roma. Năm 1140 ĐGH Innocente 2 cho xây lại với tháp chuông kiểu Roma. Mặt tiền là bức khảm đá mầu: “Đức Mẹ và Chúa Giêsu Hài Đồng” thuộc thế kỷ 12- 13. Chung quanh có hình 8 trinh nữ cầm đèn sáng và hai trinh nữ cầm đèn tắt. Nhà thờ được chia thành 3 gian với 22 cột được mang về từ các đền thờ ngoại giáo. Trên nền cung thánh có bức khảm đá màu rất đẹp làm năm 1140, diễn tả Chúa Giêsu Kitô với Đức Mẹ ngồi trên ngai, bên phải có các thánh Phêrô, Cornellio, Giulio và Calepodio, bên trái có các thánh Callisto, Lorenzo và ĐGH Innocente 2 cầm mô hình nhà thờ trong tay. Bên trên là tay Thiên Chúa Cha cầm triều thiên và hoa tự của hoàng đế Costantine. Thấp hơn là 6 bức khảm đá mầu khác diễn tả cuộc đời của Đức Mẹ.
36. Đảo Tiberina:
Đảo Tiberina có lịch sử rất quan trọng liên quan đến việc việc khai sinh và phát triển Roma. Trước tiên, đảo nối kết vùng bên ngoài bờ sông với những dinh thự trong thành phố. Đảo Tiberina được nối liền với hai bờ sông bởi hai cây cầu Fabricio do tổng lãnh sự Fabricio xây năm 62 trước Tây Lịch và cầu Cestio do Cestio xây năm 46 trước Tây Lịch. Chiếc cầu Fabricio là chiếc cầu cổ kính nhất của Roma còn nguyên vẹn. Theo truyền thuyết, một chiếc tàu đắm giữa sông và dần dần bị cát phủ lấp lên. Xưa kia xung quanh đảo có một lớp đá vôi nhô ra như hình con tàu. Trên thực tế, đảo này nằm trên một tảng đá nham thạch có hình thù giống như một chiếc thuyền. Hiện nay du khách có thể trông thấy một phần phía Nam hình một con rắn và tượng thần y khoa Aesculapius vì đảo này có đền kính thần này. Vào thế kỷ thứ 3 trước Tây Lịch, dân chúng Roma đi tầu đến Epidarus bên Hy Lạp để học hỏi từ thần Aesculapius làm thế nào để tránh nạn dịch. Nhưng khi nước đưa con thuyền xuống thì rắn thần chạy mất ngay và cho đến bây giờ ý nghĩa rằng đảo này phải được dâng kính cho thần Aescupalius. Vào thế kỷ thứ 10, ĐGH cho xây nhà thờ thánh Bartolomeo trên dấu vết đổ nát của đền thờ thần Aescupalius. Trên đảo Tiberia có nhà thương thánh Gioan Thiên Chúa do các thầy dòng Thánh Gioan Thiên Chúa trông coi.
37. Rạp hát Marcello:
Hoàng đế Cesara khởi công xây rạp hát này để tặng cho cháu là Marcello năm 13 trước Tây Lịch gồm hai tầng với các vòm cửa kiểu Dorico và Ionieno. Dòng họ Pierieno dùng làm pháo đài trong thời Trung Cổ. Đến thế kỷ 16, dòng họ Savelli xây lâu đài ở trên và nhượng lại cho dòng họ Savelli.
38. Vương Cung Thánh Đường Thánh Marco:
ĐGH Marco xây năm 336, ĐGH Gregorio 4 sửa lại năm 833 và ĐGH Phaolo 2 năm 1455- 1471. Năm 1744 được xây lại lần nữa. Bên trên cửa chính là thánh Marco. Bên trong hai hàng cột bằng vân thạch Sicilia chia đền thờ thành 3 gian dọc trang trí theo kiểu Baroc. Trên cung thánh có bức khảm đá màu thuộc thế kỷ thứ 9: Chúa Giêsu, các thánh và ĐGH Greorio 4 dâng mẫu đền thờ. Nền đá hoa Cosma thuộc thế kỷ 12. Trần nhà bằng gỗ mạ vàng rất đẹp thiết kế năm 1471.
39. Đền thờ Pantheon:
Đây là một trong những kiến trúc Roma cổ được giữ lại gần như nguyên vẹn. Hoàng đế Adriano trong những năm 120- 125 cho xây ngay trên chỗ của một đền thờ cũ đã được xây năm 27 tước Tây Lịch do Lãnh Sự Marcua Agrippa và dâng kính 7 thần tinh tú. Hoàng đế giữ lại tấm bia nguyên thủy “M. AGRIPPA L.F. COSTERTIUM FECIT” (Marcud Agrippa, con của Lucius, Lãnh Sự lần thứ 3, đã xây đền thờ này). Tiền đường rất hùng vĩ với 16 cột đá nham thạch đỏ cao 12 thước 50. Bảy nhà nguyện đục sâu trong tường hình chữ nhật và hình bán nguyệt xen kẽ nhau hai bên có trang hoàng 2 cột kiểu cao gần 9 thước. Trong 7 nhà nguyện có tượng 7 thần tinh tú. Đền thờ có mái cao bằng với đường kính là 43 thước 30, lớn hơn mái đền thờ thánh Phêrô. Tần trang hoàng 5 hàng hình các hộp và càng lên cao càng nhỏ lại. Ánh sáng từ bên ngoài lọt vào qua lỗ hổng trên trần có đường kính 9 thước. Nền nhà được lát bằng nhiều thứ đá cẩm thạch màu mè sặc sỡ. Vào thế kỷ thứ 6, hoàng đế Byzantine Phoca dâng đền Pantheon cho Đức Giáo Hoàng Bonifacio 4. Năm 609, ĐGH Bonifacio 4 thánh hiến và dâng kính Đức Mẹ và các Thánh Tử Đạo. Hài cốt các Thánh Tử Đạo từ hang toại đạo được mang về đây cất giữ dưới bàn thờ. Trong dịp long trọng thánh hiến đền thờ, khi ca đoàn hát Groria, dân chúng Roma được chứng kiến những ma quỷ vùng dậy và bay ra khỏi đền thờ qua lỗ trống ở trên mái có chu vi 9 thước. Trong thời gian các ĐGH bị tấn công, đền thờ này được sử dụng làm pháo đài. Trong thời Trung cổ, các đền thờ trở thành biểu tượng của thành phố Roma.
Tranh “Thiên Thần truyền tin” ở bàn thờ bên phải. Mộ của Vittoria Emanuelle 2, vua đầu tiên của Italia qua đời năm 1878 và mộ của hoàng hậu Margherina. Đối diện với mộ vua Emanuelle là mộ của Umberto 1 bị ám sát năm 1900. Bên phải mộ của Umberto 1 là mộ của Raffaello. Bên trên có tượng Đức Mẹ do Lorenzetto tạc theo lời di chúc của Raffaello.
Công trường Patheon do G. delle Porta xây năm 1578 trang hoàng với một bút tháp Ai Cập đứng giữa bồn nước.
40. Nhà thờ Đức Mẹ trên đền thờ Minerva:
Chính giữa công trường Minerva có con voi độc trên lưng một bút tháp Ai Cập nhỏ do Bernini xây năm 1667. Bút tháp này lấy từ đền Isis. Các chữ trên bút tháp nói về vua Uahabra sống trong thời kỳ thế kỷ thứ 4 trước Tây Lịch. Vua đã liên kết với Sedecia, vua Giuda để chống lại vua Nabuchodosor.
Nhà thờ Đức Mẹ này được xây vào thế kỷ thứ 7 trên dấu tích của đền thờ dâng kính nữ thần Minerva. Năm 1280 nhà thờ được xây lại. Đây là nhà thờ kiểu Gotic duy nhất tại Roma với mặt tiền kiểu Phục Hưng. Dưới bàn thờ chính là xác thánh nữ Catarina Siena. Bên trái là mộ chân phước Angelico. Bên cạnh nhà thờ là tu viện các tu sĩ dòng Đaminh. Hành lang tu viện có rất nhiều tranh vẽ trên tường. Galileo đã bị xử trong một phòng của tu viện này.
41. Nhà thờ thánh Ignazio
Nhà thờ này do ĐHY Ludovisi cho xây để mừng lễ phong thánh cho vị sáng lập dòng Tên. Thời gian xây cất do kiến trúc sư Orazio Grassi thực hiện trong thời gian 1626- 1685. Nhà thờ rộng rãi trang hoàng rất lộng lẫy với bức tranh “Thánh Ignazio vào thiên đàng” của Andrea Pozzi. Nhà nguyện bên phải có bức chạm nổi “Ving quang của thánh Ignazio và thánh Louis de Gonzalez” của Legros. Bình bằng ngọc lưu ly đựng xác thánh Ignazio. Nhà nguyện bên cạnh có bức chạm nổi “Truyền tin”.
42. Vương Cung Thánh Đường các Thánh Tông Đồ
Đền thờ này được ĐGH Pelagia 1 cho xây dựng để kỷ niệm biến cố đánh quân Goths ra khỏi thành phố Roma. Đền thờ được nới rộng ra và xây lại hoàn toàn năm 1702. Bên trong nhà thờ trang hoàn kiểu Baroc chia làm 3 gian dọc. Mái vòm tròn với bức tranh “ Các thiên thần nổi loạn” của g. Odazzi. Trần nhà với bức tranh “Dòng Phanxico chiến thắng”. Các thánh sử L. Fontana. Nhà nguyện cuối cùng của nhà thờ xưa thuộc thế kỷ thứ 4. Tại bàn thờ chính có bức tranh “Thánh Philipphê và thánh Giacôbê tử đạo” lớn nhất Roma. Từ đây, du khách có thể thăm viếng đại học Gregoriana của các cha dòng Tên và Viện Thánh Kinh.
43. Bồn nước Trevi
Bồn nước này đẹp và nổi tiếng nhất tại Roma. Nước của bồn này còn gọi là nước “Trinh Nữ” do hoàng đế Agrippa cho dẫn về Roma vào năm 19 trước Tây Lịch cho các hồ tắm của hoàng gia. Gọi là “nước trinh nữ” vì xưa có một cô gái chỉ mạch nước này cho quân lính Roma. Cầu dẫn nước kéo dài 20 cây số ngang thung lũng Gilia. ĐGH Urbano 6 mở rộng ra và ĐGH Clemente 12 sai kiến trúc sư Salvi xây bồn nước này năm 1762. Tượng thần Nettuno, thần biển oai hùng đang đứng trên cỗ xe song mã đi lên từ lòng biển, hai bên có hai tượng ốc len khổng lồ. Hai lỗ ở hai bên tượng trưng cho Lành Mạnh (bên phải) và Phong Phú (bên trái). Hình chạm nổi bên trên diễn tả cảnh cô gái chỉ mạch nước cho quân lính Roma và hoàng đế Agrippa chấp nhận dự án dẫn nước về Roma. Bốn tượng ở trên diễn tả cảnh phong phú của bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông. Theo thói quen, du khách muốn ước mơ điều gì thì họ cầm đồng tiền quay lưng ném ngược vào hồ nước. Họ có thể được điều họ xin hoặc họ chắc chắn sẽ trở lại Roma khấn cầu lần nữa.
44. Công trường Tây Ban Nha
Công trường Tây Ban Nha được du khách thích thăm viếng vì là nơi gặp gỡ của những người trẻ, đặc biệt là những người đang yêu nhau. Ở giữa là Bồn Nước Thuyền do Bernini tạc để kỷ niệm biến cố nước sông Tiber dâng lên làm lụt thành phố. Khi nước rút xuống, có một chiếc thuyền nhỏ ở đây. Bên phải là Dinh Đại Sứ Tây Ban Nha ngoại giao với Tòa Thánh. Tên của công trường phát xuất từ Dinh Tây Ban Nha xây năm 1647.
Tước mặt công trường là 137 bậc thang kiểu Rococo rất đẹp dẫn lên nhà thờ Chúa Ba Ngôi. Cầu thang này được xây vào giữa các năm 1721- 1725. Giới trẻ thích tụ họp ngồi trên các bậc thang để ngắm nhìn cảnh Roma. ĐGH Pio 6 cho dựng bút tháp Ai Cập lên trước mặt tiền nhà thờ năm 1789.
Nhà thờ Chúa Ba Ngôi do vua Carlo 4 xây cho tín hữu Pháp năm 1495. Mặt tiền kiểu Baróc có hai tháp chuông lợp mái tròn. Trong thời gian Napoleon xâm chiếm Roma nhà thờ bị cướp phá. Năm 1816 vua Luis 18 sửa sang lại.
Gần đó là cột Đức Mẹ Vô Nhiễm được dựng nên để kỷ niệm ngày tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ngày 8 tháng 12 năm 1856. Dịp lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm mỗi năm, ĐGH đến cầu nguyện và dâng hoa cho Đức Mẹ trước khi dâng thánh lễ trọng thể tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà ở Roma. Đàng sau là Bộ Truyền Giáo của Tòa Thánh do Bernini xây.
45. Công trường Nhân Dân
Công trường này có hình bầu dục được trang hoàng với đầu người mình sư tử, bốn tượng diễn tả 4 mùa Xuân Hạ Thu Đông. Bút tháp Ai Cập cao 24 thước trên đế cao 12 thước 30 ở giữa công trường, chung quanh có bốn bồn nước. Các chữ khắc trên bút tháp ca tụng Phrao Ramses 2 sống vào thế kỷ 12- 13 trước Tây Lịch. Hoàng đế Augusto đã đem bút tháp này từ Hierapoli về Roma dâng kính thần mặt trời và cho dựng tại Sân Đua Ngựa Massimo. ĐGH Sesto 5 cho dời về đây năm 1589.
46. Tháp Dân Vệ
Thuộc thế kỷ thứ 13 có hình vuông chỉ còn lại hai phần ba chiều cao. Dinh ngân hàng quốc gia Italia xây năm 1886- 1892. Bên cạnh là Tòa Giám Mục Quân Đội Italia và Đại Học Giáo Hoàng Thánh Thomas Aquinas do các cha dòng Đaminh điều khiển. Đại học này trước đây là Đan Viện do ĐGH Pio 5, dòng Đaminh đã thiết lập cho các đan sĩ Đaminh chiêm niệm vào thế kỷ 16. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tốt nghiệp tiến sĩ thần học tại đây năm 1948.
47. Công trường Quirinale
Công trường này là một trong những công trường đẹp nhất của thành phố Roma. Công trường được gọi là Quirinale vì có đền thờ dâng kính thần Quirinus xây trên đồi này. Công trường này nằm trên đồi Quirinale cao 61 thước là đồi cao nhất trong bảy ngọn đồi của thành phố. Chính giữa là tượng các thần Dioscuri, Castore và Polluce cao 5 thước 60 đang ghì hai con ngựa chứng. ĐGH Pio 6 cho dựng những tượng này tại đây sau khi tìm được trong hồ tắm của hoàng đế Costantine. Sau này, ĐGH Pio 6 cho đặt thêm bút tháp Ai Cập ở giữa và ĐGH Pio 7 xây thêm bồn nước bằng nham thạch. Bút tháp Ai Cập cao 14 thước 45 không kể đế được mang về từ lăng tẩm của hoàng đế Augusto.
Trước mặt công trường là Dinh Quirinale khởi công xây cất năm 1574 dưới thời ĐGH Gregorio 13 để làm dinh nghĩ hè cho Giáo Triều Bernini, Fontana, Mademo hoàn thành dưới thời Giáo Hoàng Clemente 12. ĐGH Sisto qua đời tại đây. Cửa vào có tượng hai thánh Phêro và Phaolô. Từ năm 1870- 1946, Dinh Quirinale trở thành hoàng cung của các vua Italia và bây giờ là Dinh Tổng Thống.
48. Lâu Đài Thiên Thần
Nguyên thủy đền này là lăng tẩm của hoàng đế Adriano xây năm 135 cho chính ông và những người kế vị. Nó là một cái tháp tròn rộng lớn bằng đá ong và đá vôi bọc cẩm thạch dài 64 thước nằm trên đế hình vuông cạnh 84 m cao 50 m, trên cao có tượng hoàng đế. Nhiều hoàng đế được chôn cất tại đây cho đến năm 211. Những thế kỷ sau đó, lăng tẩm trở thành pháo đài. Theo truyền thuyết, năm 590 ĐGH Gregorio Cả chủ sự một buổi rước kiệu cầu cho thành phố Roma qua khỏi trận dịch hạch, khi đi qua cầu ĐGH nhìn thấy một thiên thần đang tra thanh gươm vào vỏ. Nạn dịch hạch ngưng sau đó. Từ đó lăng tẩm được gọi là Lâu Đài Thiên Thần. Trong thời Trung Cổ, lâu đài trở thành pháo đài và nơi trú ngụ cho các Giáo Hoàng và các hoàng đế. ĐGH Urbano 8 cho đặc các lò chế tạo súng đại bác và trại lính bên trong. Năm 1752 bức tượng thiên thần Micae bằng cẩm thạch của G. della Porta được đặt trên nóc lâu đài, sau đó được thay thế bằng tượng đồng do Vershaffelt điêu khắc.
49. Công trường Navona
Công trường này biểu lộ công trình kiến trúc của thành phố. Kích thước nguyên thủy của công trình kiểu Banzac dài 240 thước rộng 65 thước, thực sự giống như sân vận động Domitiano xây năm 86 trước Tây Lịch cho những cuộc thi đua thể thao. Phần còn lại của sân vận động nằm sâu dưới mặt đường khoảng 5- 6 thước, có thể được nhìn thấy nơi công trường Tor Sanguigna hoặc tại nhà thờ thánh Anê tại sân vận động. Nhà thờ thánh Anê tọa lạc ngay chỗ mà vị thánh 12 tuổi chết vì đạo trong thời gian hoàng đế Diocletiona khởi xướng bách hại người Kitô dữ dội. Vào cuối thế kỷ 13, vị thánh bị phơi thân trần truồng cho người ngoại giáo nhạo cười nhưng thân xác trần truồng của ngài được che đậy bằng mái tóc mọc ra cách lạ lùng. Nhà thờ được khởi công xây trong thời gian 1652- 1657. Mặt tiền có hai tháp chuông do Barromini xây. Trong nhà nguyện dưới hầm có bức chạm nổi hình thánh nữ Anê được ngọn tóc che thân.
Công trường được trang hoàng với ba bồn phun nước tuyệt đẹp: Bồn Moro trước Dinh Pamphili với tượng các ốc len đeo mặt nạ. Chính giữa là một người Ethiopia vật nhau với con cá heo, tạc theo mẫu của Bernini. Bồn phun nước Những Con Sông do Bernini tạc năm 1615 nằm ở chính giữa công trường. Khối cẩm thạch ở giữa trông giống như một hang động với 4 góc của khối cẩm thạch có 4 tượng khổng lồ tượng trưng cho 4 con sông thuộc bốn lục địa trên thế giới do học trò của Bernini tạc: Sông Danuble (Âu châu) tay cầm huy hiệu của ĐGH Innocenzo 10, sông Gange (Á châu) tay cầm mái chèo, sông Nil (Phi châu) có sư tử và lá dừa vây quanh và sông Plata (Mỹ châu) với một con quái vật đứng bên cạnh. Bồn phun nước thứ 3 xây vào thế kỷ 15 là Nettuno, thần biển đang đánh nhau với một con bạch tuộc, chung quanh có tượng nữ hải thần và hải mã. Những tượng này được tạc vào năm 1878. Một trong những trò chơi nổi bật tại công trường Navona trong những tháng hè nóng bức là những bồn phun nước lên cao giống như những sóng biển gây ra lụt lội nên bị chấm dứt vào thế kỷ 18 vì lý do sức khỏe. Dân chúng vẫn tụ tập tại đây vào những ngày lễ truyền thống như Sinh Nhật, Ba Vua và Phục Sinh.
50. Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
Theo truyền thống, một người đi buôn đã lấy trộm bức ảnh lạ lùng từ một nhà thờ đảo Crete. Ông ta giấu trong những món đồ và đi về hướng tây. Nhờ Chúa quan phòng, ông ta vượt qua cơn sóng gió nguy hiểm và đáp vào bờ bằng an. Khoảng một năm sau, ông ta đến Roma với bức ảnh đã lấy trộm. Trong giờ lâm tử, ông ta mong có bạn bè săn sóc. Trước khi chết ông ta nói bí mật về bức ảnh và xin bạn ông trả lại nhà thờ. Người bạn ông muốn thực hiện lời hứa nhưng vợ ông không muốn mất đi kho tàng quý báo này nên ông chết đi mà không thực hiện được điều đã hứa. Sau cùng, Đức mẹ hiện ra với một em bé gái 6 tuổi thuộc gia đình Roma và bảo nó nói với mẹ và bà nó rằng bức ảnh Đức Mẹ hằng Cứu Giúp phải để ở nhà thờ thánh Matthuê Tông Đồ, tọa lạc ở giữa hai Vương Cung Thánh Đường Đức Bà và thánh Gioan Laterano. Kể từ ngày 27 tháng 4 năm 1499 bức ảnh Đức Mẹ được tôn kính tại nhà thờ đó trong vòng 300 năm. Sau đó, lòng sùng kính Đức Mẹ lan rộng khắp Roma, cha Bề Trên Tổng Quyền Dòng Chúa Cứu Thế thỉnh nguyện Đức Thánh Cha Pio 9 ban cho bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp để trưng bày tại nhà thờ Chúa Cứu Thế và thnáh Alphonso mới được xây (11.12.1965). ĐGH Pio 9 nói với Cha Bề Trên Tổng Quyền rằng “ Hãy làm cho thế giới biết đến Mẹ”. Tháng giêng năm 1866, hai cha Michael Marchi và Ernest Bresciani đến nhà thờ Đức Mẹ ở Posterula để đón nhận bức ảnh Đức Mẹ từ các Cha Dòng Augustiano. Sau mấy tháng chuẩn bị, ngày 26.4.1866 bức ảnh được trưng bày để mọi người đến tôn kính. Bên cạnh nhà thờ là Trụ Sở trung ương và học viện thánh Alphonso của Dòng.

gioanha
12-12-2008, 05:43 AM
CHƯƠNG II
NHỮNG HANG TOẠI ĐẠO


Hang toại đạo thánh Callisto và thánh Sebastiano dọc theo đường Appia Antica là những hang toại đạo nổi tiếng được du khách viếng thăm nhiều nhất. Thực ra, hang toại đạo là những đường hầm do các tín hữu Kitô đào xới dưới lòng đất để chôn cất các người quá cố. Những nghĩa trang này phổ thông trong 3 thế kỷ đầu của Kitô giáo. Trong những thế kỷ sau đó, các tín hữu thường hay chôn cất người quá cố tại các nghĩa trang gần nhà thờ. Hang toại đạo chứa rất nhiều hài cốt các thánh tử đạo nên được các tín hữu đến kính viếng và hành hương. Sau hai lần hang toại đạo bị quân Goths cướp vào năm 537 và Lombardi vào năm 755, những hài cốt các thánh tử đạo được chuyển về các nhà thờ ở Roma. Những quân cướp muốn cướp những đồ vật quý báo, đồ trang sức cũng như hài cốt các thánh tại hang toại đạo.
Các hang toại đạo gồm những đường hầm rộng hẹp khác nhau được đào bới dưới lòng đất khoảng 25 thước sâu. Du khách có thể đi thăm những đường hầm của tầng thứ hai của hang toại đạo sâu khoảng dưới 14 thước. Những đường hầm gặp nhau tại những phòng có chiều kích rộng gọi là phần mộ của gia đình. Các hang toại đạo nằm trong các vùng đá ong nên dễ đào bằng những phương tiện thô sơ. Khi gặp khí trời, đá ong trở nên cứng rắn. Hai bên đường hầm có các hộc để xác người quá cố với trang phục và đồ trang sức được bọc trong khăn liệm. Ở ngoài hộc có ghi tên hoặc vẽ các hình khác nhau như cành lá vạn tuế, chim bồ câu hay những hình ảnh từ Thánh Kinh. Phần mộ của gia đình rộng hơn với những hình vẽ hoặc chạm trổ nghệ thuật hơn. Các hình vẽ và các bức chạm trổ thường lấy cảm hứng từ Thánh Kinh như: ngôn sứ Giona, cảnh Abraham tế lễ, Môse cho nước vọt ra từ tảng đá, Noe trong tàu, Lazaro sống lại, Chúa là Mục Tử tốt lành…
I. HANG TOẠI ĐẠO THÁNH CALLISTO
1. Lịch sử
Trong thế kỷ thứ nhất, các Kitô hữu không có nghĩa trang riêng biệt nên họ chôn cất những người thân thuộc của gia đình tại những hầm mộ gia đình hoặc tại các nghĩa trang của những người ngoại giáo. Chính thánh Phêrô cũng được chôn táng như thế trong nghĩa trang cành cho mọi người trên đồi Vatican. Vào giữa thế kỷ thứ 2, các Kitô hữu dành những đất đai dâng tặng để thiết lập những nghĩa trang riêng tách biệt khỏi nghĩa địa của những người ngoại giáo. Kể từ thời gian đó có các hang toại đạo Kitô, trong đó có hang toại đạo thánh Callisto. Đầu thế kỷ thứ 3 hang toại đạo thánh Callisto trở thành nghĩa trang chính của cộng đoàn tín hữu Roma. ĐGH Giepherino trao hang này cho phó tế Callisto đang coi sóc cộng đoàn Kitô lo việc đào mộ cũng như coi sóc nghĩa trang nhân danh Giáo Hội. Nhiệm vụ của phó tế Callisto là lo cho mỗi anh chị em được chôn táng trong một nấm mộ xứng đáng trong nghĩa trang Kitô, không kể họ là người nghèo khổ hoặc nô lệ. Nghĩa trang Callisto mang tên người cai quản đầu tiên của nghĩa trang.
Sau những cuộc bách hại chấm dứt vào đầu thế kỷ thứ 4, hang toại đạo được mở rộng chu vi hơn 15 mẫu đất với những đường hầm dài khoảng 20 cây số. Những đường hầm này nằm sâu hơn 20 thước dưới mặt đất nằm trong 4 tầng. Thói quen chôn táng người quá cố chấm dứt vào thế kỷ thứ 5. Các Kitô hữu thích chôn cất người quá cố ngoài trời. Tuy nhiên, các tín hữu vẫn đến hang toại đạo thánh Callisto thăm viếng trong suốt 4 thế kỷ liền sau đó vì có nhiều vị tử đạo được chôn cất tại đây. Những quân Goths và Longodia đã cướp phá các hang toại đạo. Vào cuối thế kỷ thứ 8, vì lý do an ninh nên các ĐGH đã quyết định dời các hài cốt các vị thánh tử đạo vào các nhà thờ ở Roma. Sau khi hài cốt các vị thánh tử đạo được dời đi nơi khác, hang toại đạo thánh Callisto không còn là nơi hành hương nữa. Các cầu thang dẫn xuống các hầm của hang toại đạo bị đất lở che lấp đi. Thêm vào đó, cây cỏ mọc lên che lấp lối nên các hang toại đạo bị bỏ rơi trong lãng quên suốt thời Trung Cổ. Chuyên viên khảo cổ Antonio Bosio người Malta bắt đầu cuộc tìm kiếm vào năm 1600 và được coi trọng như ông Cristofo của lòng đất Roma. Đến năm 1852, nghĩa trang thánh Callisto mới được nhận hoàn toàn nhờ chuyên viên khảo cổ đại tài Giovanni Battista de Rossi là người sáng lập và cha đẻ của khảo học Kitô.
2. Các biểu hiệu
Các Kitô hữu thường vẽ các biểu hiệu trên tường, các hộp chôn xác hoặc trên bia mộ. Các biểu hiệu là những hình ảnh hay dấu chỉ cụ thể để gợi lên một tư tưởng hoặc một thực tại thiêng liêng. Đấng Chăn Chiên Tốt Lành đang ôm con chiên trên vai ám chỉ Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế và linh hồn đã được Người cứu rỗi. Người giang tay cầu nguyện biểu lộ người bìmh an đã được nghỉ trong bình an với Chúa. Con cá (tiếng Hy Lạp là Ikhtous được viết theo hàng dọc, các vần này trở thành các mẫu tự đầu của các chữ Iesous Kristous Theou Huios, nghĩa là Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu thế) là loại ghép chữ đầu câu hoặc đầu hàng. Ký hiệu của Chúa Kitô do hai vầ của tiếng Hy Lạp kết hợp lại: vần chi và vần rô được viết cuốn vào nhau thành Christos, nghĩa là Chúa Kitô. Chữ Christos được viết khắc trên mộ bia biểu thị rằng người nằm trong mộ là người tín hữu Kitô. Con chim bồ câu ngậm nhành lá ôliu biểu lộ cho một tâm hồn được ở trong niềm bình an của Thiên Chúa. Chiếc neo là dấu hiệu của sự cứu độ. Con người chấm dứt cuộc đời dương thế ở bến vĩnh cửu. Đối với người Kitô, cái chết không phải là một cánh chung mọi sự nhưng là một thay đổi sang một cuộc sống khác, cuộc sống đầy ân phúc. Chiếc neo cũng là biểu hiệu của thập giá nhưng kín đáo hơn.
3. Hầm mộ của các Đức Giáo Hoàng
Hầm mộ của các Đức Giáo Hoàng tại hang toại đạo thánh Callisto là nơi quan trong nhất cũng như là nơi được tôn kính nhất tại hang toại đạo này. Trong hang toại đạo này chôn xác 9 giáo hoàng và 8 vị trong hàng giáo phẩm thuộc thế kỷ thứ 3. Những hàng chữ ghi khắc danh tánh của các vị Giáo Hoàng đựoc lưu trữ tại hầm mộ, mặc dầu những hàng chữ này không còn toàn vẹn. Danh tánh của các ngài được ghi lại bằng tiếng Hy Lạp là ngôn ngữ chính thức của Giáo Hội trong thế kỷ thứ 3. Trên bốn tấm bia mộ, bên cạnh danh tánh của các vị giáo hoàng, còn có ghi tước hiệu Giám Mục và trên 2 tấm còn có ghi tước hiệu Tử Đạo nữa. Những vị Giáo Hoàng này được gọi là những vị Giám Mục vì họ là những vị chủ chăn của giáo đoàn Roma. Những vị Giáo Hoàng cũng được gọi là những vị Tử Đạo để biểu lộ việc các ngài dùng máu đào làm chứng về đức tin Kitô cho đến chết chứ không chịu lỗi lời thề hứa với Thiên Chúa. Du khách có thể biết đến danh tánh của 8 vị Giáo Hoàng được khắc trên mộ bia như sau: 1) ĐGH Ponziano (230- 235) chết tại đảo Sardegna vào năm 235 sau khi bị án khổ sai trong các hầm mỏ. Di hài của ngài được chôn tại đây; 2) ĐGH Fabiano (236- 250) chết về đạo trong cuộc bách hại của hoàng đế Diocleziano năm 250; 3) ĐGH Eutichiano (275- 283) thuộc vùng Liguria; 4) ĐGH Luciano 1 (253- 254) vùng Roma; 5) ĐGH Antero (235- 236) người Hy Lạp qua đời sau 40 ngày làm giáo hoàng. Sau tấm bia lớn chôn mộ các giáo hoàng còn có mộ ĐGH Sisto 2 bị bắt quả tang khi đang cử hành nghi thức phụng vụ tại hang toại đạo thánh Callisto và bị chém đầu ngay tại chỗ. Tấm bia do ĐGH Damaso (366- 384) truyền ghi lại tấm bia lịch sử vào thế kỷ thứ 4 và đặt gần bên mộ ĐGH Sisto 2. Bài thơ này theo thể lục tiết Latinh có nói đến các vị tử đạo được chôn cất tại hầm mộ này vào thời ĐGH Damaso. Hầm mộ này được biến thành một nhà nguyện nhỏ trong lòng đất.
4. Hầm mộ thánh Cecilia
Tại chỗ có bức tượng thánh Cecilia, thi hài của thánh nữ Cecilia được chôn tại đây trong suốt 5 thế kỷ. Đầu thế kỷ thứ 9, ĐGH Pasquale 1 ra lệnh chuyển hài cốt của thánh nữ vào đền thờ dâng kính ngài tại khu vực Trastevere ở Roma. Du khách có thể nhìn thấy bức tượng của thánh nữ Cecilia. Đó là một bản sao của bức tượng nổi tiếng do Modereno tạc vào năm 1600 để đặt trên mộ của thánh nữ. Bức tượng này diễn tả thi hài thánh nữ khi được mở ra để thử nghiệm vào năm 1599. Dấu tích nơi cổ cho thấy rằng thánh nữ đã bị chặt đầu bằng gươm. Theo truyền thống, ba ngón của bàn tay phải và một ngón của bàn tay trái giơ thẳng biểu lộ đức tin của thánh nữ vào Thiên Chúa Duy Nhất trong Ba Ngôi Vị. Hầm mộ thánh nữ Cecilia được trang hoàng bằng nhiều bức tranh vẽ trên tường đã phai mờ theo thời gian. Hai bức trên tường phía trái cạnh tượng thánh nữ được vẽ theo kiểu Byzantine vào cuối thế kỷ thứ 8. Bức tranh vẽ tại hốc nhỏ là hình Chúa Kitô cầm sách Phúc Âm trong tay. Cạnh đó là mộ ĐGH Urano tử đạo cùng thời với thánh nữ Cecilia.
5. Các đường hầm
Các hang toại đạo được dào trong vùng đá ong, đất gốc nham thạch dễ đào nhưng khi chạm với khí trời thì trở nên cứng chắc. Hai bên dường hầm rắc rối là những hầm mộ hình chữ nhật để chôn những người qua đời. Thông thường thì mỗi hộc hoặc mỗi phần mộ chỉ chôn một xác mà thôi, nhưng đôi khi cũng có thể chôn nhiều xác hơn. Mộ của các tín hữu tiên khởi rất đơn sơ và nghèo nàn. Người chết được quấn trong tấm khăn liệm và đặt thẳng trong hộc mộ không có quan tài. Sau đó, người ta dùng vữa hoặc keo để gắn một tấm bia cẩm thạch hoặc một mảnh đất sét nung để lấp kín hộc mộ. Trên tấm bia mộ có thể ghi tên người quá cố, ngày chôn cất và vài dấu hiệu để chúc người chết được yên nghỉ trong bình an. Bên cạnh bia mộ thường có một đèn dầu và các bình hương đựng dầu thơm.
Ngày nay, các hộc mộ điều được mở ra và trống rỗng. Việc di chuyển hài cốt có hệ thống được thực hiện trong thời gian gần đây. Những mãnh xương được thu góp và đặt chung trong một hầm mộ các xương. Du khách có thể nhìn thấy các xương từ thế kỷ thứ 3 và 4. Việc mở các phần mộ làm thiệt hại hang toại đạo. Những hộc mộ ở tầng trên là những hộc mộ cổ kính hơn. Khi những hộc trên đã đầy, người ta tiếp tục đào sâu xuống dưới lòng đất để mở thêm các hộc mộ khác. Dọc theo đường hầm, du khách có thể nhìn thấy các hộc mộ nhỏ dành cho các hài nhi hoặc trẻ em. Tỷ số các hài nhi chết trong thời kỳ đó rất cao. Các Kitô hữu nhân ái chôn xác hài nhi bị người ngoại bỏ rơi trong nghĩa trang của họ.
Việc đào đường hầm do một nhóm Kitô hữu phụ trách. Họ không dùng lại các hầm hố đã dùng nhưng với cuốc xẻng họ kiên nhẫn đào các đường hầm mới dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu. Để vận chuyển đất đai được đào xới dưới các tầng hầm, họ dùng các túi vải hoặc thúng rổ. Một số người đào huyệt còn đảm nhận việc trang hoàng hoặc vẽ hai bên đường hầm hoặc trên các bia mộ. Việc đào bới hang toại lớn như hang toại đạo thánh Callisto kéo dài đến 300 năm, từ giữa thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 4. Một số đường hầm khác được đào trong thái bình tôn giáo với hoàng đế Costantine năm 313. Trong toàn bộ hang toại đạo thánh Callisto có khoảng nữa triệu người được chôn cất.
6. Các phòng mộ Bí Tích
Có tất cả 5 phòng mộ Bí Tích. Trước đây những phòng mộ này thuộc các gia đình. Việc dành một phòng mộ riêng biệt cho những gia đình không phải là những đặc quyền dành cho những người giàu có nhưng lại là nguồn gốc của chính hang toại đạo. Hầu như tất cả những hang toại đạo đều được khởi đầu bằng khu đất được các gia đình giàu có dâng tặng sau khi trở lại đạo Kitô. Các gia đính Kitô giàu có này đã để dành các phần mộ và đất đai của gia đình để làm nghĩa trang chôn cất anh chị em đồng đạo. Sau khi trở lại đạo Kitô, họ cũng trả tự do cho những người nô lệ. Những người nô lệ cũng được chôn chung tại đây. Những người nô lệ sống với chủ cũng được chôn chung trong phần mộ của gia đình. Quan trọng nhất trong những phòng này là những bức tranh vẽ vào thế kỷ thứ 3. Các bức tranh này ám chỉ các Bí Tích Rửa Tội và Thánh Thể. Các tín hữu tiên khởi rất thích biểu tượng của hai bí tích nói trên. Họ muốn để lại cho những người còn lại sứ điệp về niềm tin của họ.
Họ đã được tái sinh trong Bí Tích Rửa Tội và được nuôi dưỡng bởi Bí Tích Thánh Thể cho đến giây phút sau cùng. Họ đã đi qua con đường này và rồi những người thân yêu của họ cũng sẽ đi qua như vậy. Họ mong đợi ngày đoàn tụ với gia đình sau này. Ngôn sứ Giona là hình ảnh thân thuộc với các tín hữu tiên khởi để làm biểu tượng cho lời Chúa Giêsu nói: “Như Giona đã ở trong bụng cá ba ngày ba đêm thế nào thì Con Người cũng sẽ bị chôn ba ngày ba đêm như vậy, rồi sẽ phục sinh”. Ngôn sứ Giona đã giảng đạo Tin Mừng Cứu Rỗi cho những người ngoại giáo thành Ninivê để cứu thoát họ. Những người tín hữu được chôn cất tại đây cũng đã được nhìn thấy lòng thương xót của Chúa đã ra tay cứu vớt họ khỏi tội lỗi. Ngoài ra, du khách còn thấy những bức vẽ diễn tả về bí tích Hôn Phối, Thêm Sức…
7. Khu vực mệnh danh thánh Minciade
Tại khu vực của những hầm mộ này được đào vào thế kỷ thứ 3, du khách có thể nhìn thấy cách thức đào mộ khác biệt với nhiều hầm mộ hơn cũng như với nhiều hầm mộ hình vòng cung ở ngay bên các phòng mộ hoặc dọc theo các đường hầm. Mộ phần hình cung là lối xây mộ đặc thù của thế kỷ thứ 3 trông khác lạ và đẹp mắt hơn các mộ khác. Nhìn vào ngôi mộ hình cung, du khách nhìn thấy tấm bia lấp mộ được đặt theo chiều ngang. Mộ phần hình cung có thể chôn cất một người hoặc cả gia đình. Rất nhiều mộ phần hình cung được trang hoàng bằng các bức vẽ được trích từ Kinh Thánh. Dọc theo đường thường có những lối đi trổ lên nóc hầm. Đây là những lối thông khí lớn rộng hình vuông trổ thẳng lên tận mặt đất. Suốt trong thời gian đào hầm, những lối thông khí này được dùng để vận chuyển đất đai ra khỏi đường hầm.
Sau khi đào xong, chúng được dùng làm những ống thông hơi dẫn khí và ánh sáng vào hầm mộ. Những ống dẫn khí này được đặt trên hầm mộ, các đường hầm hoặc các cầu thang dẫn vào các hang toại đạo. Vài hầm mộ còn có cả bàn thờ nhỏ để các linh mục có thể dâng lễ cho các nhóm tín hữu hành hương như các thế kỷ đầu của Kitô giáo. Người ta thường nghĩ rằng các hang toại đạo là nơi ẩn náo của các tín hữu Kitô trong thời kỳ bách hại đạo. Điều này không đúng hẳn. Hang toại đạo chỉ là nghĩa trang dưới lòng đất. Các nhà cầm quyền Roma biết rỏ về lịch sử các hang toại đạo. Luật lệ thời đó coi nghĩa trang là nơi thánh, mặc dù người quá cố thuộc về tôn giáo nào đi nữa.
Vào 3 thế kỷ đầu, các Kitô hữu không có thánh đường hoặc nơi phụng tự nào cả nên các buổi phụng vụ được tổ chức tại các nhà riêng. Tuy nhiên các buổi kinh nguyện và phụng vụ thường được tổ chức tại hang toại đạo. Các cuộc cử hành này được tổ chức tang lễ hoặc để tôn kính các vị tử đạo. Trong vài trường hợp đặc biệt, các tín hữu Kitô dùng hang toại đạo làm nơi tạm trú trong thời gian bách đạo dữ dội với mục đích tham dự thánh lễ mà thôi.
8. Những lời nhắc nhủ
Dọc theo hai bên đường hầm còn có nhiều bia mộ nguyên vẹn hoặc bị sức mẻ với nhiều chữ khác và nhiều lời chúc, nhất là chúc người quá cố được hưởng thiên đàng. Các tín hữu tin rằng những người thân yêu quá cố đang sống với Thiên Chúa. Họ đang sống trong bình an, họ đang chờ bạn hữu, thân thuộc nơi cuộc sống vĩnh cửu. Người đang sống mong người quá cố được an nghỉ trong Chúa Kitô, hãy sống với các linh hồn thánh thiện, hãy cầu nguyện cho gia đình… Dù họ đau khổ về sự chết nhưng họ tin tưởng vào lời của Chúa Giêsu: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Ta thì dù có chết cũng sẽ sống… Ai sống mà tin vào Ta thì sẽ không phải chết”. (Gioan 11,25- 26).
Càng vào sâu bên trong hang toại đạo, du khách có cảm tưởng như đi sâu vào mê cung tăm tối. Khí hậu khoảng 15 độ quanh năm. Du khách chỉ có thể đi thăm một phần nhỏ của hang toại đạo thánh Callisto. Tầng hai là tầng quan trọng nhất trong hầm mộ vì có những hầm mộ Giáo Hoàng và của thánh nữ Cecilia vì mang tính cách lịch sử trong thời gian bách đạo.
Chuyến viếng thăm hang toại đạo đem lại cho các tín hữu hành hương sự hiểu biết về cách thiết lập hang toại đạo, ý nghĩa của các hình vẽ trên mộ và trên tường, đức tin của các tín hữu thời sơ khởi, lịch sử của Giáo hội trong thời gian bị bách hại, hiệp thông giữa người chết và người sống… Tất cả nhắc nhở cho mọi người về ý nghĩa của cuộc sống vĩnh cửu bằng những ngôn ngữ chân thật, hình ảnh đơn sơ dễ hiểu. Danh xưng nghĩa trang có nghĩa là nơi yên nghỉ để chờ đợi cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu.
II. HANG TOẠI ĐẠO THÁNH SEBASTIANO
Bên cạnh đền thờ thánh Sebastiano (trước đây gọi là Vương Cung Thánh Đường Các Thánh Tông Đồ xây khoảng thời gian 310- 350, với chiều dài 58 thước 30 và chiều rộng 13 thước 50) là hang toại đạo thánh Sebastino với những di tích khảo cổ quan trọng của 3 thế kỷ đầu tiên. Vào giữa thế kỷ thứ hai xuất hiện một khoảng trống sâu khoảng 9 thước so với nền đền thờ bây giờ. Khoảng năm 258, một khoảng trống rộng khoảng 6 thước được coi là nơi kính nhớ hai thánh Phêrô và Phaolô được xây trên một phần mộ của thế kỷ thứ nhất dài khoang 23 thước và rộng khoảng 18 thước. Dưới cầu thang là nơi tắm rửa xác người quá cố. Tường được trang trí với những hình hoa, chim và thú vật. nhiều hình chữ viết nguyện xin với hai thánh Phêrô và Phaolô.
III. HANG TOẠI ĐẠO MOMITILLA
Nguyên thủy, hang toại đạo Domitilla gồm những nghĩa trang nhỏ nằm trên mảnh đất thuộc dòng họ Flavia Domitilla. Flavia là cháu của Flavio Clemente, Lãnh Sự năm 95, có liên hệ gián tiếp với hoàng gia. Sau khi trở lại đạo Kitô, Flavia bị lưu đày ở đảo Ponza và chết tại đó. Hang toại đạo này được khai triển thành 2 tầng, hai tầng khác gồm những đường hầm và những hộc mộ. Hang toại đạo này bắt đầu xuất hiện vào giữa thế kỷ thứ 2.
Vào cuối thế kỷ thứ 3 và đầu thế kỷ thứ 4, hài cốt của hai thánh tử đạo Nereo và Achilleo được đặt vào tầng hầm thứ 3. ĐGH Damaso (366- 384) biến hang toại đạo thành một Vương Cung Thánh Đường nhỏ với chiều rộng 37 thước và chiều ngang 17 thước. Vào cuối thế kỷ thứ 4, đền thờ được xây trên chỗ nguyên thủy, tầng trên cao hơn mặt đất và sàn nền nhà thờ nằm trên mặt của tầng hầm thứ hai của hang toại đạo. Ánh sáng từ hai cửa sổ cao gần 4 thước chiếu vào. Do động đất sảy ra năm 897, đền nhà thờ bị phá hủy toàn bộ. Trong thời gian 1873- 1874, những khám phá về khảo cổ đào bới thêm và tìm ra được vết tích việc tôn kính thánh Petronilla tại hang toại đạo này với bức vẽ sau năm 356. Tại hang toại đạo này, du khách có thể thưởng thức bức vẽ trên tường vào thế kỷ thứ 4 Chúa Giêsu Thầy Dạy với các Tông Đồ. Chúa Giêsu là mục tử tốt lành (Gioan 10, 1- 16).

gioanha
12-12-2008, 05:47 AM
CHƯƠNG III


VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH GIOAN LATERANO

Đền thờ Gioan tại khu Laterano là thánh đường đầu tiên của Giám Mục Rôma, và cũng là nhà thờ chính tòa giáo phận Rôma. Thánh đường này được gọi là “Mater et Caput”, là Mẹ và là Đầu của tất cả nhà thờ trên thế giới.
Đền thờ này cũng tượng trưng cho sự chiến thắng của Kitô giáo trên ngoại giáo: thật vậy, tại đây, sau chiếu chỉ tha đạo của hoàng đế Costantino ở Milano, một cộng đòan Kitô được xuất đầu lộ diện, công khai cử hành phụng vụ đời sống đức tin. Đền thờ này tượng trưng cho chính giáo hội, Giáo Hội không loan truyền những lời riêng của mình, qua tiếng nói và chứng tá của các thừa tác viên và các tín hữu.
Cũng vì tầm quan trọng này, nên lễ Cung Hiến Đền Thờ Thánh Gioan ở Laterano hằng năm được cử hành với bậc lễ kính (bậc hai) vào ngày 9 tháng 11, quan trọng hơn lễ Cung Hiến Đền Thờ Thánh Phêrô và Phaolô, cử hành với bậc lễ nhớ (bậc ba) vào ngày 18 tháng 11.
I. LỊCH SỬ
1. Cuối thế kỷ thứ 3, đế quốc La Mã theo chế độ “tứ đầu chế” có 4 hoàng đế trị vì tại Nocomedia (Diocleziano), Sirmium (Galerio), Massimio (Milano) và Costanzo Chlore (Trevi). Ngày 28 tháng 10 năm 312, hoàng đế La Mã Costantino (306- 337) (con của Costanzo Chlore) chiến thắng quân của hoàng đế Massenzio (306- 312) (con của Massimio) ở cầu Milvio, và khải hoàn tiến vào Roma, trở thành hoàng đế của đế quốc Tây Phương. Một năm sau, 313, ông ra chiếu chỉ tại Milano, ngưng bách hại các tín hữu Kitô, cho tự do hành đạo, truyền trả lại tài sản đã tịch thu của Giáo Hội trong thời kỳ bách hại trước đó. Sau cùng, hoàng đế ấn định Chúa nhật là ngày nghỉ hằng tuần.
Trước khi xây đền thờ thánh Phêrô (được xây sau 13 năm sau Đền Thờ Thánh Gioan ở Laterano) và đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, hoàng đế Costatino đã ra lệnh xây Đền Thờ Chúa Cứu Thế ở khu vực Laterano vào năm 313 tới 318. Đây là khu vực của Laterano rất giàu có đã bị hoàng đế Nero (54- 68) tịch thu tài sản sau khi đã giết người cuối cùng của gia tộc này là Plauzio Laterano và gán cho ông tội âm mưu phản loạn.
Hoàng đế Costantino ra lệnh san bằng doanh trại rộng lớn của đoàn quân cận vệ (equites singulares) của hoàng đế Massenzio để lấy đất xây đền thờ Chúa Cứu Thế. Qua việc làm này, một đàng ông muốn phá hủy dấu tích của đối phương, và đồng thời tái khẳng định ý chí nâng đỡ Kitô giáo. Trong cuộc khai quật hồi năm 1934- 1938, người ta tìm thấy nhiều dấu tích về doanh trại cũ của hoàng đế Massenzio ở đó.
Theo các sử gia, sở dĩ hoàng đế Costantino chọn khu vực ngoại ô này của thành Roma hồi đó để xây nhà thờ đầu tiên của Kitô giáo, cạnh tường thành Aurelia, là để khỏi đụng chạm đến sự nhạy cảm của nhiều người dân Roma hồi đó còn theo ngoại giáo.
Về nguồn gốc đền thờ này có một lưu truyền kể lại rằng: Hoàng đế Costantino bị bệnh phong cùi. Một đêm kia trong giấc mộng, hoàng đế được thánh Phêrô và Phaolô hiện ra và hứu chữa khỏi nếu ông lãnh nhận bí tích rữa tội. Hoàng đế ra lệnh tìm kiếm Đức Giáo Hoàng Silvestro1 (314- 335). Ngài rửa tội cho hoàng đế năm 314 và chữa cho ông khỏi bệnh phong. Và để tỏ lòng biết ơn, hoàng đế đã ra lệnh xây cất đền thờ này. (Cũng có truyền thống nói rằng hoàng đế Costantino chỉ được rửa tội vào năm 337 khi gần chết, và do ĐGM Eusebio di Nicomedia).
Đền thờ được ĐGh Silvestro 1 thánh hiến vào năm 324. Theo lưu truyền có ảnh Chứa Cứu Thế “achiropita”, nghĩa là không do tay người phàm vẽ ra, xuất hiện lạ lùng trong lễ thánh hiến. Về sau, ảnh này được vẽ lại trên mặt tiền và được coi là phép lạ suốt trong thời Trung Cổ.
2. Hoàng đế Costantino cũng ở trong dinh thự ở Laterano, dinh thự mà nay là tòa giám quản Roma như chúng ta thấy ở cạnh đền thờ. Đến năm 314, thì ông dời về dinh Palatino và nhường lại cho Đức Giáo Hoàng Melchiade (311- 314). Nhưng cùng năm đó thì ĐGH này qua đời và ĐGH Silvestro 1 lên kế vị. Bút tích cổ nhất liên hệ tới giáo hội Roma là vào năm 313 có Công nghị các GM “in domum Faustae in Laterano. Fausta, trở lại Kitô giáo, là em của Massenzio, và là vợ thứ hai của Costantino. Fausta đã cho ĐGH Melchiade mượn nhà để làm nơi họp Công Đồng các giám mục vào năm 313.
Đền thờ này ban đầu được dâng kính Chúa Cứu Thế, và sau đó dưới thời Đức Giáo Hoàng Gregorio 1 (590- 601) thì được dâng kính cả thánh Gioan Tẩy Giả và Gioan Tông Đồ. Dân Roma có lòng kính mến đặc biệt đối với thánh Gioan Tông Đồ, vì theo truyền thống (có nhiều sử liệu cứng minh, trong đó có Tertulliano), thánh nhân đã thoát khỏi cuộc tử đạo lạ lùng tại thành Roma: tại đây ngài bị dìm vào một chảo dầu đun sôi (cách cửa Latina vài mét, tại nơi hành hình, ngày nay có nhà thờ nhỏ kính thánh Gioan ở trong chảo dầu – San Giovanni in Oleo). Việc tôn kính thánh Gioan được ĐGH Ilaro (461- 468) khuyến khích, trong biến cố Công Đồng chung Êpheso (449) và chính ngài đã tham dự Công Đồng này với tư cách là đặc sứ của ĐGH. Đức Giáo Hoàng Ilaro thoát khỏi cuộc bạo động của những người rối đạo, bằng cách ẩn nấp trong mộ của thánh Gioan. Để ghi ơn, ngài dựng một nhà nguyện cạnh giếng rửa tội hiện nay ở Laterano, và dâng kính đền thờ này cho thánh nhân.
Tên hiệu của đền thờ như ngày nay, Thánh Gioan ở Laterano được ĐGH Lucio 2 ấn định vào năm 1144.
3. Đền thờ chịu nhiều phá hủy qua dòng thời gian, lần đầu do quân Rợ man di Genserico vào năm 455: họ tàn phá và cướp bóc kho tàng quý giá giữ tại Đền Thờ. Đức Lêô Cả trùng tu (440- 461), và sau đó Đức Adriano 1 (772- 795). Nhưng vài thế kỷ sau, nhà thờ lại bị hư hại nặng vì động đất năm 896. ĐGH Sergio III (904- 911) cho tái thiết và củng cố vào năm 905, rồi vào năm 1308 sau trận hỏa hoạn làm hư hại một nửa, đền thờ lại được ĐGH Clemente 5 (1305- 1314) tái thiết. Đức Urbano 5 (1362- 1370) cho tái thiết thánh đường này sau trận hỏa hoạn năm 1361. Tổng cộng hơn 20 vị Giáo Hoàng đã góp phần xây cất, tái thiết, trang điểm, tu bổ thánh đường này. Ví dụ vào giữa thế kỷ 17, ĐGh innocenzo 10 (1644- 1655) đã ủy thác cho kiến trúc sư Francesco Borromini điều chỉnh sửa lại hoàn toàn và Đức Lêô 13 cho sửa lại hậu cung nhà thờ năm 1885. Mặt tiền nhà thờ như ta thấy hiện nay với cổng vào có từ năm 1735 và do Alexandro Galilei.
4. Như thế, trong 10 thế kỷ, từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ 14, đền thờ thánh Gioan ở Laterano, cũng như tòa nhà cạnh đây là trung tâm của giáo hội Roma, là trụ sở và là biểu tượng của Đức Giáo Hoàng. Các nhà nguyện, đan viện, nhà trọ và khách sạn được thiết lập chung quanh Trung Tâm này, như là con tim của Giáo Hội thời đó, giống như Vatican hiện nay vậy:
- Carlo đại đế đến đây ủy thác cho ĐGH vận mạng của đế quốc Tây Phương.
- Từ đây, ĐGH đi rước tới các trạm cử hành mùa Chay ở chung quanh.
- Từ thế kỷ thứ 7 đến 16, đã có 5 công đồng chung được nhóm họp tại đây. Ví dụ như công đồng Laterano I năm 1123 xác định hiệp định Worms chấm dứt những tranh luận về việc phong vương; công đồng năm 1139 kết án Amaud de Brescia, một kinh sĩ nổi loạn chống lại giám mục, và cổ võ Giáo Hội phải trở về với sự nghèo khó nguyên thủy; ông thành lập một thành tự do tại Roma và trục xuất ĐGh Eugenio 3. Công đồng 1179 trong đó Đức Alexandro 3 đã thành lập đạo binh thánh giá chống lại lạc giáo Cathar. Công đồng Laterano 4 năm 1215, với hơn 400 giám mục, 800 viện phụ và tất cả triều đình Âu châu đều có đại diện: trong đó Đức Innocenzio 3 thành lập một loạt quy luật liên quan đến các dòng mới, trong đó có dòng Phanxico, và ngăn chặn sự lan tràn của các dòng mới rối đạo ấn định những điểm cố định của đạo lý Giáo Hội. Công đồng cũng ra luật mỗi tín hữu Công Giáo phải xưng tội hàng năm và rước lễ trong mùa Phục Sinh. Đức Giulio 2 triệu tập Công Đồng Laterano 5 vào năm 1512, trong đó tái khẳng định quyền tối thượng của Giáo Hội Roma.
- Tại đền thờ này, Đức Giáo Hoàng Innocenzo 3 (1198- 1216) đã bãi chức hoàng đế Otto, và phê chuẩn luật dòng của thánh Phanxico Assisi. Tại đây đã khởi xướng nhiều cuộc xuất quân của đạo binh thánh giá, và Năm Thánh đầu tiên trong Giáo Hồi vào năm 1300.
5. Như vừa nói, khu vực Laterano nhiều lần bị tàn phá, và bị hỏa hoạn vào năm 1308, và vào năm 1362 khi các Giáo Hoàng cư ngụ tại Avignon bên Pháp. Khi Đức Giáo Hoàng Gregorio 11 (1370- 1378) từ Avignon trở về Roma vào năm 1377, ngài thấy dinh thự Giáo Hoàng ở đây chỉ còn là một tòa nhà bị hỏa hoạn tàn phá sau 70 năm vắng chủ (1304- 1377), nên ngài phải di chuyển, trước hết về Đền thờ Đức Mẹ Maria ở Trastevere, rồi Đền thờ Đức Bà Cả, và sau cùng Vatincan và dần dần biến khu Vatican thành trung tâm của thánh đô như chúng ta thấy ngày nay.
Tòa nhá cũ của Đức Giáo Hoàng ở Laterano có nguy cơ bị sập nên Đức Giáo Hoàng Sisto 5 (1585- 1590) truyền phá hủy và để kiến trúc sư Domenico Fontana xây lại vào năm 1586 như ta thấy hiện nay. Chỉ còn lại phần thang thánh mà thôi. Dinh thự Laterano sau khi được tái thiết, dùng làm dinh mùa hè của ĐGH, vì thời đó khu vực này vẫn còn là đồng quê. Sau đó, đồi Quirinale thích hợp hơn, lại là khu vực dễ bảo vệ, có vị trí chiến lược hơn, nên được chọn làm dinh Giáo Hoàng, và dinh Laterano lại mất phần quan trọng và bị bỏ rơi cho đến giữa thế kỷ 17.
Vào năm 1962, Đức Gioan 23 muốn đưa Tòa Giám Quản Roma đến Laterano và đặt trung tân hành chánh của giáo phận trong tòa giám quản. Và sau đó, Đức Phaolô 6 đã cho xây tại Vatican các khu bảo tàng viện mới để giữ các kỷ vật trước kia để ở Laterano như bảo tàng viện truyền giáo và nhân chủng học.
II. ĐỀN THỜ THÁNH GIOAN Ở LATERANO
Từ đền thờ đầu tiên, đến nay chỉ còn lại sơ đồ 5 gian và hàng cột cổ kính bằng cẩm thạch xanh, trang trí gồm tượng 12 thánh Tông Đồ ở gian chính. Thánh đường này dài 130 mét, tức là dài hơn thánh đường thánh Phêrô cũ là 1 mét rưỡi. Gian chính rộng 16 mét, và dài 87 mét. (Đền thờ thánh Phêrô dài 187 mét, ngang 150 mét; Đền thờ thánh Phaolô dài 136 mét, rộng 65 mét, và cao 29,7 mét. Đền thờ Đức Bà Cả dài 86,5 mét, rộng 29,13 mét và cao 18 mét 43.)
- Mặt tiền đền thờ như chúng ta thấy ngày nay, có từ thế kỷ 18, rất cân đối, và được coi là hùng vĩ uy nga nhất trong số các mặt tiền đền thờ ở Roma. Tác giả mặt tiền này là do Alessandro Galilei, người Florece, thực hiện năm 1735 theo lời yêu cầu của ĐGH Clemente XII. Tất cả đều bằng cẩm thạch, và rất phù hợp với quảng trường phía trước. Bên trên ở giữa là tượng Chúa Cứu Thế và hai bên là tượng thánh Gioan Tẩy Giả cầm thánh giá, và Gioan Tông Đồ cầm chén lễ. hai bên có 12 vị thánh tiến sĩ giáo hội la tinh và Đông phương, mỗi tượng cao 7 mét, tượng trưng sựu hiệp nhất đạo lý của Hội Thánh Chúa Kitô. Tổng cộng là 15 tượng. Bốn thánh tiến sĩ Đông phương là: Gregorio Nazianzeno, Basillio, Gioan Kim Khẩu, và Anatasio. Bốn thánh tiến sĩ Tây phương là Ambroxio, Augustino, Giêronimo và Hilario.
- Mặt tiền có ghi hàng chữ: “Sacrosancta Lateranensis ecclesia omnium uthis ẹt othis ecclesiarum mater ẹt caput”. Mẹ và Đầu của tất cả nhà thờ ở Roma và trên thế giới.
- Ở giữa mặt tiền nhà thờ, có ban công chính, các Giáo Hoàng thường ban phép lành cho dân chúng trong dịp Năm Thánh. Cũng tại đây Đhy Gaspani, nhân danh Đức Piô 11 kí hiệp định Laterano với Italia, thành lập nước Vatican năm 1929, tái lập sự độc lập pháp lý và lãnh thổ của Tòa Thánh. Từ lúc đó, vị GH mới long trọng nhận đền thờ, nhà thờ chính tòa của mình, trong tư cách là Giám Mục Roma.
- Trong hành lang ở tiền đường đền thờ, ở phía tay trái, có tượng hoàng đế Costantino đã được đưa từ Bể tắm ở khu Quirinale về đây.
- Các hình nổi trên xà cửa đền thờ diễn tả những biến cố trong cuộc đời thánh Gioan Tẩy Giả. Trong gian chính của đền thờ, rộng nhất và cao nhất trong 5 gian, trước đây dựng trên 30 cột bằng cẩm thạch màu vàng, ở hai bên có tượng 12 thánh Tông Đồ do Đức Clemente 9 (1700- 1721) cho đặt. Bên trên có hình nổi kể lại sự tích Cựu và Tân ước, trên cùng các gian nhà thờ là hình các tiên tri được vẽ trong những khung hình bầu dục.
- Trần Đền Thờ bằng gỗ thật huy hoàng do Pirri Ligorio khởi sự theo lệnh của ĐGH Piô 4 (1559- 1565), (thuộc gia tộc Medici) nên có huy hiệu của ngài. Công trình này được hoàn thành dưới thời ĐGH Piô 5 (1566- 1572). Gần tường lối vào là huy hiệu của Đức Piô 6 (1775- 1799) là vị đã cho trung tu trần đền thờ này.
- Tranh khảm ở hậu cung đền thờ là của Jacopo Torriti và Jacopo da Camerino, thực hiện từ 1288 đến 1294 về chủ đề tuyên dương Thánh Giá và Chúa Kitô hiển thắng, giữa Đức Mẹ, thánh Gioan Tẩy Giả, thánh Phêrô và Phaolô. Trên mây là Chúa Cứu Thế, có hình các thiên thần xung quanh. Giữa là thánh giá có hình chim bồ câu đậu trên. Thánh giá ở trên ngọn đồi bao trùm Jêrusalem thiên quốc từ đó có 4 dòng sông chảy xuống là 4 Phúc Âm, giải khát cho nai và chiên tượng trưng cho dân Chúa. Bên trái có hình Đức Mẹ và ĐGH Nicola IV đang quỳ, thánh Phêrô và Phaolô. Bên phải , có thánh Gioan và Anrê. Có hai hình nhỏ là thánh Phansico Assisi ở bên trái và thánh Antôn Padova ở bên phải. Hình hai thánh được vẽ thêm vào theo lệnh của ĐGH Nicola IV, vì ngài thuộc dòng Phanxicô.
- Toàn bộ tranh khảm này được tháo gỡ ra trong cuộc trung tu hồi năm 1896, rồi được ghép trở lại, nhưng bị mất đi phần lớn giá trị nguyên bản.
- Ở thanh ngang đền thờ, gần cửa ra vào bên phải, có đàn phong cầm vĩ đại với 2 ngàn ống, một trong những đàn quan trọng nhất tại Italia, được 2 cột lớn bằng cẩm thạch màu vàng, trang trí bằng gỗ mạ vàng, chống đỡ. Do Luca Blasi thiết lập năm 1599.
- Có nhiều mộ trong đền thờ này, đặc biệt là các Hồng Y Rasponi (1670), Casati (1287), Antoni del Portogallo… Các vị Giáo Hoàng Sergio 4 (1012), Alexandro 3.
- Bàn thờ của Đức Giáo Hoàng ở điểm giao chính giữa đền thờ, được làm lại vào năm 1851. Trước đây, chỉ có Đức Giáo Hoàng được làm lễ tại bàn thờ này. Bên trên bàn thờ có cái tán kiểu Gôtích, được trang trí bằng những bức bích họa, và có từ thế kỷ 13. Bàn thờ hiện nay bao gồm bàn thờ cũ bằng gỗ do 33 vị Giáo Hoàng đầu tiên sử dụng, từ thánh Phêro tới thánh Silvestro (thế kỷ thứ I đến IV).
- Phần dưới bàn thờ (gọi là confession) làm vào thế kỷ thứ 9, ở bên dưới có mộ ĐGH Martino 5 Colouna (1484- 1492), là vị Giáo Hoàng đầu tiên ở đây sau cuộc ly giáo giữa Đông và Tây phương. Ngài cũng là vị đã cho thực hiện nền đền nhà thờ nhiều màu bằng cẩm thạch.
- Và theo truyền thống, phần trên của nhà trạm do Đức Urbano 5 thiết lập năm 1367, với khung xám bằng sắt, có giữ đầu của thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ. Trong thời quân Pháp xâm lăng vào năm 1799, hai thánh tích này bị cướp mất và phá hủy. Ngày nay, người ta có thể thấy vật sao lại do Valasier làm.
- Trong mặt nhật đựng thánh tích bên trên bàn thờ Mình Thánh Chúa (làm năm 1600) có giữ một mảnh gỗ bàn bằng gỗ rất cổ kính và đơn sơ, theo một lưu truyền ở Roma, là bàn thờ, trên đó thánh Phêrô đã cử hành thánh lễ. Thánh tích này được trưng bày ngày lễ Phục Sinh.
- Ngày nay, đền thờ thánh Gioan ở Laterano do một vị Hồng y làm giám quản là ĐHY Camillo Ruini, cũng là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Italia. Phụ giúp ngài có một số kinh sĩ đoàn gồm 22 kinh sĩ.
Tổng thống Pháp theo luật đương nhiên thuộc vào số kinh sĩ của đền thờ này, vì nước Pháp đã làm ơn nhiều cho đền thờ này nên vào ngày 13 tháng 12 hàng năm, có cử hành thánh lễ đặc biệt cầu nguyện cho nước Pháp. Tổng thống Pháp cử một linh mục đại diện làm kinh sĩ tại đây.
III. GIẾNG RỬA TỘI
Ở khu vực bên phải đền thờ, sau tòa giám quản có giếng rửa tội. giếng này có từ thời hoàng đế Costantino (theo lưu truyền chính hoàng đế Costantino được ĐGH Silvestro rửa tội tại đây)và từ năm 432 dưới thời ĐGH Sisto III (432- 440), có hình bát giác, sau đó trở thành kiểu mẫu cho các giếng rửa tội trong toàn thể thế giới Kitô giáo. Giếng này được trùng tu vào năm 1637 dưới thời ĐGH Urbano VIII.
Các cuộc khảo cổ cho thấy ít nhất là 4 giếng rửa tội lần lượt đã được thiết lập tại đây. Vì tầm quan trọng của giếng rửa tội này, chung quanh có 4 nhà nguyện được thiết lập:
1. Nhà nguyện kính thánh Gioan Tông Đồ, với những cánh cửa bằng đồng dường như được đưa từ Bể tắm Caracalla tới, khi mở ra đóng vào trên trục, các cánh cửa này phát ra những âm thanh hòa hợp;
2. Nhà nguyện thánh nữ Rufina, có một tranh khảm đẹp từ thế kỷ thứ 5.
3. Nhà nguyện thánh Venanzio, với trần bằng gỗ có từ thế kỷ thứ 16 và những tranh khảm từ thế kỷ thứ 7. Đức Gioan 4 (640- 642) đã lập thêm nhà nguyện này.
4. Nhà nguyện thánh Gioan Tẩy Giả, có từ năm 461. Vào thế kỷ thứ 4, tất cả các cuộc rửa tội ở Roma đều được làm tại giếng này. Các dự tòng được rửa tội long trọng trong đêm Phục Sinh. Ngày nay còn nghi thức làm phép nước và giếng rửa tội, áp lễ Phục Sinh.
- Bước vào bên trong, chúng ta thấy hai hàng cột chồng lên nhau. Hàng trên có 8 cột bằng cẩm thạch trắng. Có hàng chữ do ĐGH Sisto III truyền khắc vào để nhấn mạnh sự thánh thiêng của nơi này, nơi nảy sinh nhân loại mới, được quyền năng Chúa Kitô tái sinh. Hàng chữ đó là: “ Nơi đây một dòng dõi thần linh được sinh ra cho trời cao, sinh bởi Thánh Linh, Đấng làm cho nước này được phong phú. Nơi đây có nguồn mạch thanh tẩy toàn thế giới, phát sinh từ những vết thương của Chúa Kitô. Nước mà con người cũ đón nhận làm nảy sinh con người mới. Giữa những người tái sinh không có sự khác biệt nào. Một phép rửa, một đức tin, một tinh thần duy nhất: Họ là một”. Ở giữa có bể đựng nước. Tượng con nai bằng bạc với bể nước chảy, tượng trưng linh hồn giải khát bằng nước hằng sống.
IV.THÁP BÚT
- Tháp bút cao nhất và cổ kính nhất Roma, cao 47 mét tính cả bệ (khôngg có bệ thì cao 32 mét). Tháp bút này bằng đá hoa cương màu đỏ của Ai cập cổ từ thế kỷ 14 trước Chúa Kitô, và được đưa từ Tibe bên Ai Cập (tại đền thờ thần Ammoni) về Roma hồi thế kỷ thứ 4, do Costanzo 2 trên một con tàu đặc biệt để chở tháp này. Tháp được đặt tại Circo Massimo dưới chân Palatino. Vậy là tháp này có 3.500 tuổi.
- Chính Đức Sisto 5 đã tái thiết và cho chở từ Circo Massimo về đây từ năm 1588, và dựng trước đền thờ thánh Gioan Laterano. Tại một mặt bệ có ghi hàng chữ: “Costatino, người chiến thắng nhờ sự chuyển cầu của Thánh Giá, được thánh Silvestro rửa tội tại nơi này, truyền bá vinh quang của Thánh Giá”.
- Roma là thành phố có nhiều bút tháp nhất thế giới, tổng cộng 13 tháp.
V. KHU VỰC CẠNH ĐỀN THỜ
Gần đền thờ có tường thành do hoàng đế Aurelio xây vào thế kỷ thứ 3 và có cổng San Giovanni. Phía trước đền thờ có đài kỷ niệm với tượng thánh Phanxico Assisi, nhắc lại sự tích vào năm 1210, thánh nhân cùng với các bạn đến Laterano để xin ĐGH Iunocenzo 3 phê chuẩn luật dòng.

gioanha
12-12-2008, 05:51 AM
CHƯƠNG IV
VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ
I. LỊCH SỬ ĐỀN THỜ
Đền thờ thánh Phêrô là thành quả công trình tái thiết đầy công phu trên ngôi đền thờ cổ kính do hoàng đế Costantino kiến thiết vào năm 320. Để xây đền thờ mới, người ta mất khoảng 120 năm, tính từ đầu thế kỷ 16, dưới sự điều khiển của 12 vị kiến trúc sư trong đó có nhiều người nổi tiếng như Bramante, Michelangelo, Raffaello và Maderno. Cả đền thờ cũ cũng như đền thờ mới đều được xây trên mộ của thánh Phêrô Tông Đồ, được an táng trên sườn đồi Vatican, trong khu vực nghĩa trang cạnh hý trường của hoàng đế Nerone. Mái vòm to lớn của đền thờ thánh Phêrô do Michelangelo vẽ kiểu nhìn xuống thành Roma, trở thành điểm hội tụ lý tưởng nhắc nhớ ngôi mộ đơn sơ của thánh Phêrô, là Đá Tảng trên đó Chúa Kitô đã xây dựng Giáo Hội của Ngài. Hàng cột vòng do kiến trúc sư Bernini thiết kế giống như vòng tay mở rộng, như một dấu hiệu tiếp đón yêu thương, nhấn mạnh ý tưởng Mẹ Giáo Hội, trong Chúa Kitô, trở thành một cộng đoàn các anh chị em, thuộc nhiều dân nước khác nhau.
1. Đền thờ thánh Phêrô thời hoàng đế Costantino
Trong khu vực hý trường của hoang đế Nerone,giữa sông Tevere, đồi Gianicolo và Vaticano – nơi hoàng đế La Mã đã ra lệnh hành hình các tín hữu Kitô,- theo truyền thống, cũng là nơi thánh Phêrô chịu tử đạo, và thi hài ngài được an táng tại nghĩa trang đó cùng với các vị tử đạo khác. Hý trường này do hoàng đế Caligola (37-41) khởi xướng và được Nerone (54- 68) hòan tất. Ban đầu hý trường được dùng làm nơi đua xe ngựa, và về sao làm nơi các giao đấu với các dã thú. Đức Anacleto, vị Giáo Hoàng thứ 3 của Giáo Hội, từ năm 77 đến 88, đã thiết lập một nhà nguyện nhỏ dâng kính thánh Phêrô. Sau này hoàng đế Costantino cho thiết lập tại nơi đó ngôi thánh đường vĩ đại gồm 5 gian và tồn tại cho đến cuối thế kỷ 15.
Các văn sĩ thời đó kể lại: năm 324, hoàng đế Costantino ngự xuống khu vực Vaticano với quân gia hùng hậu, và phủ phục trước mộ thánh Phêrô, cởi bỏ hoàng bào, cầm chiếc xẻng lớn và chính ngài bắt đầu đào, xác định khu vực xây đại Vương Cung Thánh Đường mới. Hoàng đế cũng đổ đầy và vác trên vai 12 giỏ đất như một cử chỉ tôn kính 12 Tông Đồ. Con của ngài là hoàng đế Costante đã được vinh dự hoàn tất công trình to lớn xây cất đền thờ vào năm 349, sau 25 năm kiến thiết. Các bức họa và hình khắc chạm trổ cổ kính cho thấy công trình xây cất do hoàng đế Costantino xây cất không khác lắm với các Vương Cung Thánh Đường Kitô khác ở Roma, xét về cơ cấu kiến trúc. Nhưng qua các thế kỷ, thánh đường này càng trở nên phong phú nhờ sự quan tâm đặc biệt của các vị Giáo Hoàng cũng như các ông vua Italia và nước ngoài.
Sự biến cải đền thờ thánh Phêrô diễn ra qua nhiều giai đoạn khác nhau. Trong 12 thế kỷ, đền thờ này được trang điểm phong phú hơn với những bức tường được gắn cẩm thạch, các bàn thờ được tô điểm hơn, và các hậu cung nhà thờ đươc trang trí bằng những bức tranh khảm. Đá cẩm thạch quý giá được gỡ từ các đền đài dinh thự ngoại giáo hoặc đưa từ Đông Phương về, các gỗ hương được cắt từ rừng xứ Liban, kim loại bóng loáng, những cánh cửa đồng từ vùng Byzantine với vải vóc do các thương gia miền Venezia nhập khẩu, các men từ các công xưởng miền Limoge, kiếng từ vùng Renana, các bức thảm từ Thổ Nhĩ Kỳ, Arập Sicilia, vải vóc của Ý, Anh, Tây Ban Nha, các đèn và bình hương bằng vàng bạc, tất cả được dùng để trang trí cho đền thờ, nhà nguyện, bàn thờ, nhà dành cho linh mục và các tượng đài khác.
Các hoàng đế và vua chúa đến đền thờ thánh Phêrô để được các ĐGH phong vương: Carlo đại đế là vị đầu tiên được ĐGH Leo 3 (795- 816) đội triều thiên tấn phongvào dịp lễ Giáng Sinh năm 800. sau khi chào hoàng đế với danh hiệu “Carlo Augusto Đại Đế Thái Bình của dân Roma”, ĐGH dùng dầu thánh sức cho hoàng đế và rhắc gươm cho ông giữa tiếng reo vui mừng của người Pháp và Ý. Sau vị đại đế này, những người kế vị ông là Lotario và LudovioII, và bao nhiêu vị khác cho đến Federico III đều được phong vương trước mộ Thánh Phêrô Tông Đồ. Cũng như hòn đá ở Campidoglio ( nay là Tòa Đô Sảnh Roma), giữ gìn tinh hoa sống động nhát của tinh thần Roma trong thời Trung cổ và Phục Hưng, tảng đá phủ thi hài thánh Phêrô được coi là nơi cực thánh của thế giới Kitô Giáo, được bao nhiêu tín hữu sùng mộ, hầu như hơn cả thánh mộ ở Giêrusalem.
2. Xây đền thờ thánh Phêrô mới
Vaticano chỉ là nơi các vị Giáo Hoàng cư ngụ từ năm 1377 và trước khi giáo triều được chuyển sang Avignon (1309- 1377) miền nam nước Pháp, dinh của các vị Giáo Hoàng tọa lạc tại Laterano. Trong 73 năm Đức Giáo Hoàng ở Avignon, đền thờ thánh Phêrô bị bỏ hoang đến độ hầu như không thể trùng tu được. Thực vậy sau một ngàn năm huy hoàng, đền thờ thánh Phêrô do hoang đế Costantino xây cất bắt đầu có những dấu hiệu tàn lụi, nhất là nơi các bức tường, đặc biệt là những tường phía nam. Những tường này được xây trên những gạch vụn của hý trường và các dinh thự cổ kính khác. Vì thế các vị Giáo Hoàng đã nghĩ ra ý tưởng xây lại hoàn toàn một Đền Thờ mới. Nói đúng ra, không phải vì nhu cầu cần phòng ngừa Đền Thờ cũ sụp đổ, nhưng vì tinh thần thời đó không nhận ra nơi thánh đường cũ kỹ ấy sự huy hoàng vĩ đại như thời Phục Hưng đòi hỏi. ĐGH Nicolo 5 (1447- 1455) là người đầu tiên đã đi tới quyết định tiến hành xây đền thờ thánh Phêrô mới, và ủy thác cho kiến trúc sư Bernardo Rossellino nhiệm vụ xúc tiến. Theo dự án của nhà kiến trúc này, đền thờ này có một cổng phía trước và có hình thánh giá Latinh, với một mái vòm ở giữa và khu hậu cung có hình bán nguyệt.
Sau khi phá hủy một số phần của đền thờ, người ta bắt đầu xây hậu cung của đền thờ mới. Nhưng ĐGH Nicolo qua đờivào tháng 3 năm 1445, nên công trình xây cất bị ngưng lại. Các vị kế nghiệp dường như từ bỏ ý tưởng xây Đền Thờ mới, và chỉ nghĩ tới việc trang trí và phong phú hóa đền thờ cũ. Mãi cho đến thời ĐGH Giulio II della Rovera (1503- 1513) mới tiếp trục công trình bị bỏ dở dang, do ý muốn tìm một chỗ xứng đáng cho lăng tẩm của mình, và Michelangelo đã trình bày đồ họa cho ngài. Khi Michelange tới đền thờ thánh Phêrô xem nơi nào có thể đặt mộ của ĐGH Giulio II, ông thấy nơi thích hợp nhất chính là nơi hậu cung của Đền Thờ mới do Đức Nicolo V khởi công xây cất và ông khuyên Đức Giáo Hoàng tiếp tục xây cất. ĐGH hỏi phí tổn sẽ là bao nhiêu, Michelangelo trả lời là 100 ngàn đồng vàng. Đức Giulio II đáp; “ Hãy làm với 200 ngàn đồng”, và ngài sai hai kiến trúc sư san Gallo và Donato Bramante đi xem địa điểm, và ngài muốn xây lại Đền Thờ hoàn toàn mới.
Khi Bramante nhận lệnh của ĐGH Giulio II (1503- 1513) phá bỏ Đền Thờ cũ để xây Đền Thờ mới, tức là đền thờ thánh Phêrô ngày nay. Dân Roma kinh ngạc theo dõi việc phá đền thờ cũ và họ đặt tên cho Bramante là “Kiến trúc sư phá nhà”. Trong những năm ấy, nhiều dự án nối tiếp nhau, cho đến khi Michelangelo lúc đó đã gần 70 tuổi, bắt đầu xây mái vòm. Sau khi Michelangelo qua đời (1564), 4 kiến trúc sư khác tiếp tục. Mặt tiền do carlo Maderno làm xong năm 1614. Ngày 18. 11. 1626, Đức Giáo Hoàng Urbano VIII thánh hiến Đền Thờ mới, nhân dịp kỷ niệm 1.300 năm thánh hiến đền thờ do hoàng đế Costantino thiết lập. Về sau, kiến trúc sư Giuseppe Valadier đã thực hiện hai đồng hồ ở mặt tiền đền thờ năm 1822. Dưới đồng hồ bên trái có quả chuông chu vi 7,5 mét, nặng 9,3 tấn.
II. VÀI NÉT ĐẶC TÍNH CỦA ĐỀN THỜ
1. Đền thánh Phêrô vẫn được coi là thánh đường có kích thước lớn nhất của thế giới Kitô giáo. Theo kiến trúc sư Giuseppe Valadier (1812): từ nền tầng hầm đền thờ tới mái vòm cao 136 mét, từ nền đền thờ là 133 mét. Nguyên diện tích đền thờ, không kể nhà mặc áo; có diện tích hơn 2 hecta, tức là 22.076 mét vuông. Mặt tiền đền thờ giống như một sân bóng đá, cao 46 mét và chiều ngang 115 mét. Các cột cao gần 29 mét, đường kính 2,65 mét. Tiền đường từ vòng cung Carlo Muông tới vòng cung Costantino dài 140 mét. Chiều ngang đền thờ là 150 mét; chiều dài đền thờ là 187 mét ( Đền thờ thánh Phaolô của Anh giáo ở Luân Đôn dài 157,20 mét, nhà thờ s Maria del Fiore ở Firenze dài 148,12 mét, nhà thờ chính tòa Milano dài 134,17 mét, nhà thờ chính tòa Cologne dài 132 mét, nhà thờ thánh Petronio ở Bologna dài 131,73 mét, đền thờ thánh Phaolô ngoài thành ở Roma dầi,64 mét. Đền thờ thánh Phêrô có thể chúa được 54 ngàn người nếuu đứng chật hết mọi chỗ kể cả các gian lối đi, nhưng thực tế, trong các đại lễ ĐGH cử hành, thường chỉ có 10 ngàn người ngồi dự lễ.
2. Trong Đền thờ có 46 bàn thờ, bàn thờ cuối cùng được Đức Piô 9 (1846- 1878) thánh hiến ngày 18.1.1856. Có 9 bàn thờ dâng kính đức Mẹ với nhiều tước hiệu khác nhau.
Tầng hầm đền thờ: nền tương ứng với nền nguyên thủy từ thời hoàng đế Costantino. Trong tầng hầm này có nhiều nhà nguyện chung quanh mộ thánh Phêrô, với những bàn thờ để các linh mục cử hành thánh lễ. Mộ của 147 trong số 264 giáo hoàng cũng được đặt tại đây.
3. Cửa Thánh. Trong số 5 cửa vào đền thờ, có một cửa chỉ được mở vào Ănm Thánh. Cửa Năm Thánh 2000 đã được ĐGH mở trong đêm vọng Giáng Sinh 24.12.1999. Cửa này được đóng lại vào ngày 6.1.2001.
4. Mái vòm Đền Thờ có chu vi bên trong là 42,7 mét và chu vi bên ngoài là 58 mét, và cao 50,33 mét. Tính từ nền lên tới đỉnh cao nhất của đền thờ với thánh gia 1là 135,2 mét. Thánh giá trên đỉnh cao 4,87 mét và thanh ngang rộng 2,65 mét. Trọng lượng của mái vòm theo các nhà toán học Boscovich, Le-Leur và Lacquer, là 56.208.837,46 kilô. Ngoài hai cầu thang vòng mà các du khách leo lên mái vòm, còn có 9 cầu thang khác, 7 cái lớn và 2 cái nhỏ, mặc dù đi từ bên trong nhà thờ, nhưng đều dẫn tới cùng một đích điểm.
Bàn thờ chính của Đền Thờ, được coi là Bàn Thờ Tuyên Xưng Đức Tin, được xây ngay bên trên mộ thánh Phêrô theo lệnh của ĐGH Clemente VIII (1592- 1605). Bàn thờ có tán che và 4 cột vòng bằng đồng chống đở, do Bernini thực hiện. tượng các thiên thần ở trên mỗi góc cao 3,5 mét. Tán che bàn thờ được khánh thàng ngày 29 tháng 6 năm 1633. Dưới bàn thờ này có một bàn thờ khác của ĐGH Callisto (1119- 1124), và bên dưới đó, có một bàn thờ khác nữa của Đức Greorio Cả (590- 604). Đi xuống sâu hơn, người ta gặp một khối hình vuông, bọc cẩm thạch trắng và đá vân đỏ. Đó là do hoàng đế Costantino thực hiện để kính nhớ thánh Phêrô Tông Đồ và có lẽ được diễn ra trong lễ nghi tưởng niệm chiến thắng của ông tại cầu Milvio ngày 28 tháng 10 năm 312.
5. Tượng thánh Phêrô bằng đồng, có từ thế kỷ 13, được tôn kính trong đền thờ: chân phải của ngài mòn nhiều vì hàng triệu tín hữu hôn kính qua dòng thời gian, kể từ khi Đức Piô IX ban ân xá 50 ngày cho những ai hôn kính chân này sau khi đi xưng tội. theo một truyền thống cổ kính, ngày 29 tháng 6 mỗi năm, lễ thánh Phêrô, ngừơi ta mặc phẩm phục Giáo Hoàng cho tượng thánh Phêrô. Năm 1798- 1799, lễ nghi mặc áo bị chính quyền cộng hòa cấm, tạo nên sự bất mãn lớn nơi dân Roma, vốn rất trung thành với truyền thống, khiến những bộ trưởng tư pháp phải cho mặc áo, ngoại trừ chiếc mũ ba tầng.
6. Tượng Đức Mẹ Sầu Bi (Pietà)- ở bên tay phải, khi mới bước vào đền thờ, bằng cẩm thạch trắng, diễn tả Mẹ Maria đang ẳm xác Chúa Giêsu từ trên Thánh Giá xuống, do Michelangelo thực hiện năm 1500 khi mới 25 tuổi và là tác phẩm duy nhất mang chữ ký của ông. Tên ông được khắc vào vệt áo băng qua ngực Đức Mẹ. Cho đến năm 1792, du khách có thể đến gần ngắm tượng, nhưng một người điên Hungari, quốc tịch Úc, đã leo qua rào dùng búa đập vào tượng nhiều lần trước khi bị cản lại. Mũi Đức Mẹ bị đập vỡ. Người ta thu thập các mảnh vỡ và ghép lại. Hiện nay, người ta đặt kính chắn đạn để bảo vệ kiệt tác nghệ thuật này, nhưng khách viếng thăm cũng khó chiêm ngưỡng pho tượng này hơn so với trước kia.
7. Trong số các mộ phần của các nhân vật trong đền thánh Phêrô, có 3 phụ nữ là nữ bá tước Matilde di Canossa, hoàng hậu Cristina Thụy Điển và Maria Clementina, hoàng hậu Anh Quốc. Hoàng hậu Cristina thoái vị sau khi trở lại đạo Công giáo và được mời tới sống trong triều đình Giáo hoàng và qua đời tại Roma năm 1689. Tượng trình bày cảnh bà chịu phép rửa lần thứ hai tại Innsbruck.
III. MẶT TIỀN ĐỀN THỜ
Mặt tiền đền thờ thánh Phêrô được thực hiện trong vòng 8 năm với 700 công nhân và hoàn thành năm 1614. Để chuẩn bị đón mừng Năm Thánh 2000, Ban Quản Đốc Đền Thờ đã cho tu bổ toàn diện mặt tiền đền thờ lần đầu tiên kể từ khi được hoàn tất, không kể một lần thanh tẩy vào năm 1985 với kinh phí 2 triệu Mỹ kim do hội hiệp sĩ Colombo tài trợ. Lần thanh tẩy đó có nhiều thiếu xót vì dụng cụ không thích hợp. Công trình thanh tẩy tu bổ toàn bộ được hoàn tất cuối tháng 9 năm 1999 sau gần 2 năm rưỡi tiến hành, từ tháng 3 năm 1997.
Trong giai đoạn đầu tiên, mấy chục chuyên viên đã sử dụng các dụng cụ tối tân để trắc nghiệm mặt tiền đền thờ với phương pháp siêu âm, âm hưởng điện từ và các kính hiển vi điện tử, các kỷ thuật này từ lâu vẫn được ENI, công ty dầu hỏa Italia, dùng trong lĩnh vực dầu hỏa. Quang tuyến X được sử dụng để xác định cơ cấu phân tử của mặt tiền đền thờ và những ô nhiễm. Tiếp đến, họ tẩy sạch lớp đá cẩm thạch trắng đã bị hoen ố, bụi bặm và khói xe bám vào với thời gian, bằng dụng cụ như máy xịt cát mịn, các vòi xịt nước, hoặc các máy khoan nhỏ và máy cạo. Việc thanh tẩy và tu bổ toàn diện là điều cần thiết vì không khí tại Roma bị ô nhiễm cao độ. Mặt tiền đền thờ thánh Phêrô được xây bằng lớp đá cẩm thạch có những lỗ li ti rất dễ bị tổn thương vì những lớp sương mù trộn với khói xe cộ ở Roma. Thêm vào đó mưa axít cùng với móc meo ở trong những lỗ nhỏ trên lớp đá tiếp tục ăn mòn các cột, các góc cạnh và 13 pho tượng trên mặt tiền đền thờ. Vì thế, chỉ trong vòng 10 năm sau khi thanh tẩy, mặt tiền đền thờ cũng đã bị hư hại nhiều và cần được chỉnh trang toàn bộ và sâu rộng hơn.
Một lý do khác khiến cho các vị hữu trách quyết định tiến hành việc tu bổ, đó là một cơ hội tốt đẹp nhân dịp Đại Năm Thánh 2000 đến gần, và đặc biệt là có sự tài trợ của ENI, công ty dầu hỏa Italia có chi nhánh tại 80 quốc gia. Công ty này ý thức trách nhiệm của mình vì đã sản xuất và buôn bán dầu hỏa, nên cũng đã góp phần gây nên nạn không khí ô nhiễm làm hư hại mặt tiền đền thờ thánh Phêrô, nên cũng cảm thấy có trách nhiệm phải ghóp phần sửa chữa thiệt hại bằng cách dành một phần tài nguyên kỹ thuật của mình cho công cuộc tu bổ này. Tổng số tài trợ lên đến 9 triệu mỹ kim.
IV. QUẢNG TRƯỜNG THÁNH PHÊRÔ
Quảng trường thánh Phêrô hình bầu dục, một chiều dài 196 mét và chiều rộng 148 mét, với diện tích khoảng 4 hécta và có hàng cột vòng cung bao quanh như vòng tay chào đón tín hữu. Hàng cột này do kiến túc sư Bernini kiến thiết, tổng cộng có 184 cột, mỗi bên 142 cột, đường kính lớn nhất là 1,45 mét. Các cột được xếp thành 4 hàng, với 3 lối đi, lối đi giữa rộng nhất. Hàng cột cao 18 mét 60, bên trên có 140 pho tượng, cao 3 mét 24 do các môn đệ của Bernini thực hiện trong khoảng thời gian 11 năm, từ 1656 đến 1667.
Từ cây bút tháp ở giữa quảng trường tới mặt tiền đền thờ có khoảng cách là 191 mét, trong khi khoảng cách giữa hai tượng thánh Phêrô và Phaolô là 76 mét 73. Trên mặt tiền đền thờ, có các pho tượng cao 5 mét 65. Các tượng này nếu nhìn gần thì thấy rất là thô kệch và sơ sài, nhưng chúng được tạc để nhìn từ xa.
IV. THÁP BÚT
Tháp bút ở giữa quảng trường thánh Phêrô là một khối đá hình kim tự tháp bằng đá vân cương đỏ ở Đông Phương, thoạt đầu được Caio Cornelio Gallo, tổng trấn Ai Cập, dựng lên để tôn vinh bản thân. Về sau được Eliopoli đưa về Roma theo ý muốn của hoàng đế Nerone, với mục đích tuyên dương hý trường do ông khởi xướng. Tháp bị đổ và bỏ rơi trong nhiều thế kỷ, cho tới khi được một vài vị hoàng đế để ý tới (Nicolo V (1447- 1455), Phaolo II (1464- 1471), Phaolo III (1534- 1549). Các vị muốn cây tháp này được đặt trước đền thờ thánh Phêrô, nhưng việc khó khăn trong việc di chuyển và dựng tháp khiến nhiều cho nhiều kiến trúc sư nản chí, mãi cho đến đời ĐGH Sisto V (1585- 1590), dự án đó mới thành hình.
Tháp được khởi công di chuyển ngày 30-4-1585 và được dựng tại quảng trường ngày 10-9-1585. Công trình này đòi sự hợp lực của 900 người, với 140 con người và dùng 47 cần trục cùng với 5 đòn bẩy thật mạnh. Quy luật được đặt trong công trình dựng tháp là các công nhân phải tuyệt đối giữ im lặng và chỉ được nhận lệnh từ kiến trúc sư Domenico Fontana mà thôi. Ngoài ra dân chúng hiếu kỳ không được đến gần. Đức Sisto V còn ra lệnh phạt tử hình những người vượt quá ranh giới, và gây tiếng ồn ào.
Theo một lưu truyền từ năm 1770, trong khi tiến hành công việc thì những sợi dây thừng đở tháp bút bắt đầu giãn ra và có nguy cơ bị đứt. Tình trạng thật nguy hiểm. Một trong những người thợ là ông Bresca, vốn là một thủy thủ đã quen với dây chão, ông ta hô lớn: “Hãy đổ nước vào các dây thừng”. Nhận thấy tình trạng nguy ngập, kiến trúc sư Domenico Fontana, vội ra lệnh thi hành ngay lời khuyên đó và tai nạn được tránh thoát.
Sau khi hoàn thành công việc dựng tháp, thủy thủ Bresca ấy đã được thưởng thay vì bị tử hình. Ông được triệu tới trước mặt ĐGH và ngài yêu cầu ông hãy xin một ơn. Ông Bresca đã xin cho mình và dòng dõi mình được đặc ân cung cấp lá dừa cho Tòa Thánh đễ làm lễ nghi Chúa Nhật Lễ Lá. Lời thỉnh cầu được chấp nhận và ngày nay gia tộc Bresca ở miền Liguna vẫn cung cấp lá dừa cho Vatican hàng năm.
Năm 1586, Đức Sisto V cho đặt trên tháp một cây thánh giá lớn bằng sắt, trong có chứa mãnh thánh giá thật của Chúa Giêsu. Ở bệ tháp có khắc hàng chữ: “Đây là thánh giá của Chúa. Các quyền lực đối nghịch hãy tốn chạy. Sư tử của chi tộc Giuda đã chiến thắng”. Ngoài đó còn có câu: “Chúa Kitô chiến thắng. Chúa Kitô hiển trị. Chúa kitô thống trị. Chúa Kitô bảo vệ dân Ngài khỏi mọi nghịch cảnh”.
Tổng cộng từ bệ lên tới đỉnh tháp bút cao 41,23 mét và nặng 312 tấn. Hai bên của tháp có hai bể nước (fontaine) khổng lồ giống nhau, mỗi phút có 38.400 lít nước đổ vào. Vòi nước phun có thể lên cao 14 mét.
V. MỘ THÁNH PHÊRÔ
Như đã nói trên đây, khu vực xây đền thờ thánh Phêrô trước kia là một nghĩa trang thời La Mã, và được khám phá trong thập niên 1930, được khai quật trong hai đợt: từ 1939 đến 1949, rồi từ 1953 đế 1958. Hai hàng nhà mồ với những hốc mộ được khám phá, với rất nhiều bích họa, tranh khảm, cùng với một khu vực với những ngôi mộ đơn sơ hơn.
Các cuộc khai quật dưới bàn thờ tuyên xưng đức tin đưa tới sự khám phá mà Đức Phaolo VI tuyên bố ngày 26 tháng 6 nmă 1968: “Hài cốt thánh Phêrô được nhận diện đến độ chúng tôi coi là có lý”
Từ đó đến nay, công việc này vẫn được tiếp tục và đồng thời cũng được mở cho các du khách viếng thăm kể từ năm 1975. Nhưng trong những thập niên gần đây, nghĩa trang dưới đền thờ thánh Phêrô đang có lỗ và bị lỡ. Theo các chuyên gia, một vấn đề lớn là sức nóng do hệ thống đèn điện cùng với sức nóng của cơ thể 250 du khách mỗi ngày đến viếng thăm phát sinh ra. Sức nóng đó làm nổi sinh rêu và mốc từ tường của các ngôi mộ, đồng thời tạo nên các lỗ nhỏ, các nấm mốc, muối và dần dần làm hư hỏng các di tích lịch sử này. Thực tế là nhiều bức bích họa vẽ trên tường các ngôi mộ cổ dưới đền thờ thánh Phêrô đã bị phai nhạt, cùng với các dòng chữ viết trên tường. Một số nhà mồ trước kia mở cho du khách thăm viếng, nay bị đóng lại,vì bị hư hỏng. Một phần nghĩa trang ở dưới mức sông Tevere gần đó, nên sự ẩm thấp là một vấn đề liên tục, nhất là khu vực phía đông của nghĩa trang.
Để góp phần tu bổ và cứu vãn mộ thánh Phêrô cũng như các ngôi mộ khác, công ty điện lực của Ý, tên là ENEL, đã tình nguyện tài trợ dự án với phí tổn khoảng 1 triệu 700 ngàn mỹ kim. Trong những năm gần đây, công ty ENEL đã góp phần tài trợ thiết lập các hệ thống đèn điện cho các đền đài công cộng và nhiều nhà thờ tại Italia. Những ngân khoảng đó được rút từ số tiền lời do sự gia tăng tiêu thụ năng lượng điện ở nước này. Dự án tu bổ mộ thánh Phêrô và cải tiến bảo trì nghĩa trang bên dưới đền thờ kéo dài nhiều năm trời, và trong giai đoạn thứ nhất, cho tới tháng 11 năm 1999, có biện pháp giới hạn số người thăm viếng nghĩa trang dưới hầm đền thờ thánh Phêrô. Trong Năm Thánh 2000, việc viếng thăm đang được mở lại theo mức độ cũ, rồi sau đó, lại bị giới hạn. Hãng ENEL dùng những kỹ thuật tân kỳ nhất để thẩm định đầy đủ tất cả những vấn đề của nghĩa trang dưới đền thờ thánh Phêrô, thiết lập thành hồ sơ. Tiếp đến các kỹ sư đề ra phương thức để giảm thiểu tối đa sự thay đổi nhiệt độ trong khu vực này, và đồng thời kiến thiết một hệ thống đèn điện mới, cùng với hệ thống an ninh.
Cho đến nay, số người viếng thăm nghĩa trang bên dưới đền thờ thánh Phêrô tương đối ít hơn, và nhiều du khách không biết là có khu vực này. Để viếng thăm, cần phải giữ chổ trước tại văn phòng khai quật của Vaticano, và có người hướng dẫn từng nhóm đi thăm. Tuy số người viến thăm ít ỏi, nhưng các chuyên viên công ty ENEL cho rằng 250 người mỗi ngày kể là quá nhiều. Họ đề nghị rằng trong tương lai, một hệ thống bằng máy điện toán chuyển tải các ngôi mộ trong nghĩa trang dưới đền thờ thánh Phêrô sẽ được dùng để trình bày cho phần lớn các du khách, thay vì để họ đích thân đi thăm các ngôi mộ như hiện nay. Vào cuối công cuộc tu bổ, kinh nghiệm về các hoạt động này được trình bày trong hai cuốn sách: một cuốn về mộ thánh Phêrô được tu bổ và chiếu sáng, cuốn thứ hai về toàn bộ nghĩa trang Vaticano. Cũng nên nhắc lại rằng, trong ngày kỷ niệm một năm lên ngôi Giáo Hoàng, 16.10.1979, chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã cho mở một cổng rộng 2,3 mét, cao 2,5 mét để các tín hữu có thể bước vào mộ thánh Phêrô dưới hầm đền thờ.
VI. KẾT LUẬN
Tóm lại, kính viếng đền thờ thánh Phêrô là một cuộc gặp gỡ với 2 ngàn năm lịch sử Giáo Hội. Qua bao nhiêu thăng trầm, các Đấng kế vị thánh Phêrô không ngừng nâng đỡ đức tin của các anh chi em mình rải rác khắp nơi trên thế giới, trong các Giáo Hội địa phương.
Thực vậy, chính vì thánh Phêrô đã tới Roma và mộ ngài được lưu giữ tại đây sau khi chịu tử đạo, nên các tín hữu cũng đã tới hành hương nơi đây, và ĐGH người kế vị thánh Phêrô cũng ở gần mộ tiền nhiệm tiên khởi của ngài. Cả hai sự kiện có cùng một nguồn gốc. Ngoài ra, nơi xây đền thờ không phải được lựu chọn cách tùy ý, nhưng chủ ý được xây trên mộ của thánh nhân, và điểm hội tụ của thánh đường này chính là nơi được gọi là “Bàn thờ Tuyên Xưng Đức Tin”, ngay trên mộ của thánh Phêrô.
Ngày 4 tháng 7 năm 1979, khi mừng lễ thánh Phêrô và Phaolô lần đầu tiên ở Roma, ĐTC Gioan Phaolo 2 nói rằng: “tại đây, trung tâm của chính Giáo Hội, mầu nhiệm của ơn gọi đặc biệt này đã dẫn thánh Phêrô từ hồ Genezareth đến Roma, và cũng dẫn theo Phaolô thành Tarsa, theo vết chân của thánh Phêrô, mầu nhiệm mạnh mẽ nói với chúng ta về thực tại lịch sử của ngài. Tất cả chúng ta đang sống trong cơn lốc của nền văn minh hiện đại, trong sự lo âu của đời sống tân tiến, chúng ta phải dừng lại đâu và suy niệm về thể thức phát sinh Giáo Hội này, một Giáo Hội, theo ý Chúa, đã trở thành trung tâm và “thủ đô” với sứ mệnh cao cả: Giáo Hội mà tất cả Giáo Hội khác đều đến đây hành hương, tìm thấy nền tảng sự hiệp nhất của mình… Sự kế nhiệm trên ngai tòa giám mục này có một ý nghĩa, không những đối với Giáo Hội địa phương ở Roma này, nhưng cho cả Giáo Hội hoàn vũ nữa. Tất cả đuề có một ý nghĩa rõ ràng, thực vậy, chính Chúa Kitô đã ban cho thánh Phêrô quyền cởi mở và đóng lại.

gioanha
12-12-2008, 05:54 AM
CHƯƠNG V
VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG ĐỨC BÀ CẢ


Khi đến viếng Đền Thờ Đức Bà Cả, thánh đường dâng kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, nhà thờ kính Đức Mẹ đầu tiên và lớn nhất được xây cất ở Tây Phương, cũng được coi là “Hang đá Bêlem ở Roma”. Tín hữu hành hương được mời gọi nhớ đến sự hiện diện của Mẹ Maria trong lịch sử cứu độ, thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của tất cả chúng ta. Tình mẫu tử của Mẹ Maria, đối với chúng ta, không chỉ giới hạn vào sự bảo bọc và chuyển cầu, nhưng đồng thời cũng là lời liên tục khích lệ chúng ta hãy làm tất cả những gì Chúa Con chỉ dạy; luôn nhắc nhớ về sự cao cả Chúa đã làm cho chúng ta.
Đền thờ Đức Bà Cả cũng được coi là biểu tượng tột đỉnh lòng sùng kính của dân Chúa, đặc biệt là dân Roma, đối với Mẹ Maria. Thực vậy, lòng sùng kính Đức Mẹ là một trong những lòng đạo đức của dân Roma ngay từ thời nguyên thủy. Năm 1853, người ta đếm được 1.421 nhà tạm hoặc những khám nhỏ có chứa đựng các hình ảnh của Đức Mẹ, được xây trên tường hoặc những góc trên tường nhà trong thành phố Roma. Tuy nhiên, những biến đổi trong thành Roma đã giảm bớt rất nhiều con số các nhà tạm hoặc các khám nhỏ đó và vào năm 1939, chỉ còn lại 530. Khách hành hương có thể thấy các khám hoặc nhà tạm có trang điểm bằng những bó hoa nhỏ, đặc biệt tại các khu phố cổ của Roma, như Campo Marzio và Trastevere. Điện Pantheon cũng được dâng hiến Đức Mẹ các thánh tử đạo.
I. LỊCH SỬ ĐỀN THỜ
Đền thờ Đức Bà Cả được xây trên đồi Esquilino để thay thế việc thờ phượng nữ thần Cibele, mẹ các thần minh của dân ngoại bằng việc tôn kính Mẹ Thiên Chúa.
1. Ban đầu, đền thờ này được gọi là đền thờ Liberiana, do tên của ĐGH Liberio (352- 366), là vị đã cho xây đền thờ sau phép lạ xảy ra trong đêm 5 tháng 8 năm 365, giữa mùa hè nóng nực ở Roma. Theo tương truyền, một nhà quý tộc ở Roma tên là Giovanni và vợ, đã cao tuổi rồi mà không có con. Họ quyết định dâng hiến tài sản để xây một đền thờ dâng kính Đức Mẹ Thiên Chúa. Trong đêm mùng 4 rạng ngày 5 tháng 8 năm 325, Đức Mẹ hiện ra trong giấc mơ với ông Giovanni và bảo ông hãy xây đền thờ tại nơi xảy ra một biến cố lạ thường. Cũng trong đêm đó, Đức Giáo Hoàng Liberio có cùng một thị kiến như vậy.
Sáng hôm sau trên đỉnh đồi Esquilino, dân Roma thấy có một lớp tuyết phủ, mặc dù bấy giờ là những ngày nóng bức nhất giữa mùa hè ở Roma. Đó thực là một biến cố lạ thường đã được Đức Mẹ loan báo. Và vì thế Đức Giáo Hoàng Libeno cho xác định khu vực và tài trợ ông Giovanni, cho khởi công xây cất đền thờ Đức Bà.
Thánh đường này được ĐGH Sisto III (432-440) tái thánh hiến dâng kính Đức Mẹ vào ngày 5 tháng 8 năm 432, tức là một năm sau khi Công Đồng Chung tuyên bố tín điều Đức Maria là “Theotókos”, Mẹ Thiên Chúa, chứ không phải chỉ là “Christotókos”,Mẹ Đức Kitô, mà thôi. Thực vậy, ngày 22 tháng 6 năm 431, 160 Giám Mục Ai Cập, Palestine và Tiểu Á khai mạc Công Đồng chung tại Epheso, một thị trấn tại lãnh thổ nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Chỉ sau một ngày tranh luận, Công Đồng đã tuyên bố cách chức Nestorio, thượng phụ thành Costantinople, kèm theo 12 đề tài tuyên vạ tuyệt thông do thánh Cyrillo Giám Mục thành Alexandria bên Ai Cập đề nghị, vì Nestorio phủ nhận Đức Mẹ không phải là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos), nhưng chỉ là Mẹ Đức Kitô mà thôi. Chính đêm hôm đó, toàn thể giáo dân thành Epheso chào mừng Công Đồng chung bằng một cuộc rước đèn vĩ đại tung hô Mẹ Thiên Chúa: Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng tôi là kẻ có tội. Kinh đó đã được soạn ra trong dịp này, rồi được tháp vào kinh Kính Mừng như chúng ta vẫn đọc ngày nay. Đức Giáo Hoàng Clelestino I đã phê chuẩn việc này.
Công đồng chung Epheso xác quyết rằng trong Chúa Kitô có hai bản tính Thiên Chúa và nhân loại, cả hai kết hiệp với nhau trong một ngội vị duy nhất, như mạc khải đã dạy và truyền thống Kitô đã tin và đã quả quyết. Công Đồng tuyên dạy rằng: Chúa Kitô cũng là chính Ngôi Hai Thiên Chúa có tự đời đời, là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa: trong tư cách là Con Thiên Chúa, Ngài được Chúa Cha “sinh ra” từ thuở đời đời; trong tư cách phàm nhân, Ngài được Đức Trinh Nữ Maria sinh ra trong thời gian. Và bởi vì Chúa Kitô là một chủ tể duy nhất, nên Đức Maria có toàn quyền được gọi bằng tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”.
2. Ngày nay, để ghi nhớ sự tích Đức Mẹ xuống tuyết, vào ngày 5.8, lễ cung hiến Đền thờ Đức Bà Cả, trong thánh lễ trọng thể, người ta vẫn thả từ trần nhà trhờ những hoa hồng màu trắng trên các tín hữu. Trong thánh lễ ngày hôm đó, kinh tổng nguyện có nội dung như sau: “Lạy Chúa, xin thứ tha tội lỗi và ban ơn cứu độ cho chúng con, không phải bởi chúng con đã làm nên công trạng, nhưng chính là nhờ lời chuyển cầu của Thánh Mẫu Đức Kitô, Con Chúa, Chúa chúng con Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời”.
Lời nguyện này nhắc lại kinh nguyện cổ thời ĐGH Gregorio nhân lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời và hoàn toàn quy hướng về mầu nhiệm Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, một mầu nhiệm cổ liên hệ đặc biệt tới gốc tích của đền thờ Đức Bà Cả được thánh hiến một năm sau Công Đồng chung Epheso năm 431. Kinh nguyện nhắc nhớ sự phù trợ và chuyển cầu của Đức Trinh Nữ, Mẹ Thiên Chúa.
Ngoài ra, bài đọc 2 trong giờ kinh sách của ngày lễ 5 tháng 8 là một đoạn trích từ bài giảng của thánh Cirillo Giám Mục thành Alexandria trong đền thờ Epheso trước các Nghị Phụ Cộng Đồng năm 431: “Ước gì cho chúng ta được bảo tồn sự hiệp nhất, tôn kính và thờ lạy Chúa Ba Ngôi duy nhất, trong lúc chúng ta chúc tụng Đức Maria trọn đời đồng trinh, là đền thờ thánh thiên của Thiên Chúa và của Đấng là Con Chúa và là Hôn Phu Tinh Truyền”.
3. Đến thế kỷ thứ VII, Đền thờ này được gọi là Đền thờ “Đức Mẹ Hang Đá”, vì có hang đá Belem được dựng trong nhà nguyện dưới tầng hầm, với 5 mảnh gỗ máng cỏ và vài viên đá trong hang đá được đưa từ Thánh Địa về đây vào năm 642 dưới thời ĐGH Teodoro I (642- 649), vốn sinh trưởng tại Giêrusalem. Thánh tích quí giá này được lưu trữ trong một hòm bằng bạc do vua Filippo II của Tây Ban Nha tặng và nay được đặt dưới bàn thờ chính của đền thờ.
Nhà nguyện đựng thánh tích trở thành nơi đặc biệt để cử hành các lễ nghi vào dịp lễ Giáng Sinh.
Các vị Giáo Hoàng tiếp tục tu bổ và tô điểm thêm Đền thờ này. Đặc biệt Đức Piô 12 (1939- 1958), đã từng dâng lễ mở tay sau khi chịu chức linh mục, nên khi mừng 50 năm linh mục, ngài đền đội triều thiên cho ảnh Đức Maria là phần rỗi dân Roma (Salus Populi Romani) trong nhà nguyện Borghese. Đức Gioan 23 và Phaolô 6 đã cùng với các nghị phụ đến đây để cầu xin Đức Mẹ cho công việc của Công Đồng được thành công. ĐGH Gioan Phaolô 2 đã công bố Sách Giáo Lý chung của Hội Thánh Công Giáo tại đây năm 1992.
Dưới Đền thờ Đức Bà Cả, giống như các đền thờ khác, gần đây đã có những cuộc khai quật để biết rỏ hơn về kịch sử quá khứ. Cuộc khai quật từ năm 1966 đến 1971 đã thực hiện 6 mét chiều sâu dưới nền đền thờ hiện nay, và đã đưa ra ánh sáng khu vực khảo cổ từ hậu cung đền thờ nguyên thủy và giữa các gian chính hiện nay. Đó là một tòa nhà hùng vĩ với nhiều phòng nối tiếp nhau, và có lối vào từ phía hậu cung, có một khuôn viên rộng lớn. Một số học giả cho rằng đây có thể là một khu chợ to lớn do hoàng đế Augusto xây để tặng bà vợ Livia, nhưng cũng có nhiều học giả khác cho rằng khu vực ấy đồng nhất với di tích còn lại của đền thờ cũ xây thời ĐGH Liberia, và sách Giáo Chủ có làm chứng chắc chắn về sự hiện hữu của đền thờ này.
II. VIẾNG THĂM
- Tại quảng trường đền thờ, có cột cao 14 mét bằng cẩm thạch trắng, được ĐGH Phaolô 6 (1605- 1621) cho đưa tới đây. Bệ cột được trang trí bằng những hình chim phượng hoàng và rồng. Đây là cột duy nhất của 8 cột của đền thờ Massenzio (cũng gọi là đền thờ Hòa Bình) thời Trung Cổ. Tượng Đức Mẹ bồng Chúa Con bằng đồng trên cột là tác phẩm của Guillaume Berthelot người Pháp.
- Tháp chuông theo kiểu Romanico do Đức Gregorio XI cho dựng lên năm 1377 cao nhất Roma với 75 mét. Trên tháp có treo 4 quả chuông được coi là hòa hợp nhất tại Roma. Tháp này được tu bổ năm 1983.
- Mặt tiền bằng cẩm thạch do kiến trúc sư Femando Fuga (1743) kiến thiết gồm cổng chính với 5 cánh cửa. Ban công chính bên trên của mặt tiền là phần duy nhất còn lại của đền thờ ĐGH Sisto III. Từ ban công này, ĐGH thường ban phép lành cho các tín hữu.
- Bước và cổng đền thờ và tiến vào bên trong, ở bên trái có Cửa Thánh và trong gian tiền đường, phía bên phải, có tượng bằng đồng của vua Philipo IV Tây Ban Nha, để nhắc nhớ những công nghiệp của các vua nước này đối với đền thờ Đức Bà Cả. Thực vậy, khi còn sống, hằng năm nhà vua vẫn dâng cúng 4 ngàn đồng tiền vàng cho đền thờ. Khi vua băng hà vào năm 1665, lễ cầu hồn đã được cử hành trọng thể tại đền thờ Đức Bà Cả. Năm 1692, pho tượng vua bằng đồng được dựng lên, theo dự án của Bernini. Ban đầu tượng được đặt trong tiền đường của nhà thánh, trước khi được đặt ở vị trí hiện nay. Nối tiếp công nghiệp của vua Philipo IV, các vua Tây Ban Nha vẫn tiếp tục nâng đỡ và bảo vệ đền thờ Đức Bà Cả. Vì thế sau khi được phong vương, vua Tây Ban Nha cũng trở thành kinh sĩ đền thờ Đức Bà Cả. Trong thực tế, nhà vua thường bổ nhiệm một linh mục thay ngài trong nhiệm vụ này. Hiện nay là Đức Ông Juan Esquerda Bifet, cũng là giám đốc trung tâm quốc tế linh hoạt truyền giáo (CIAM) thuộc bộ truyền giáo.
Bước qua cửa tiến vào trong nhà thờ, tín hữu hành hương thấy quang cảnh thật là rộng rãi: đền thờ dài 86,5 mét, rộng 29,13 mét, và cao 18 mét 43. Có 36 cột bằng đá, theo thứ tự mà người Hy Lạp vẫn dành cho các thần của họ, phân chia 3 gian của đền thờ. Ngày nay, có 40 cột, vì vào thế kỷ 18, khi tu bổ đền thờ, kiến trúc sư Fuga cho dựng thêm 4 cột bằng cẩm thạch xám, để chống đở các vòng cung. Nền đền thờ gồm nhiều tấm đá đứng ghép lại như bức tranh khảm, và do hai nhà quí tộc Roma tặng cho ĐGH Eugenio III (1145- 1153). Hai nhân vật này được diễn tả đang cưỡi ngựa, với binh giáp và gươm.
Trần đền thờ mạ vàng, số vàng đầu tiên đưa từ Mỹ châu về đây cụ thể là từ Peru, và do vua Femando và hoàng hậu Tây Ban Nha tặng cho Đức Giáo Hoàng Alexandro VI (1492- 1503). Ông Giuliano da Sangallo đã dùng vàng đó tán thành những lá mỏng để trang trí trần đền thờ, và mang huy hiệu của gia tộc Borgia của Đức Alexandro Vi (người Tây Ban Nha). Hai mươi bảy tranh khảm ở hai bên tường gian giữa mô tả những cảnh tượng rút ra từ Kinh Thánh Cựu Ước Abraham, Giacop, Giosuê, báo trước Chúa Giêsu, cùng với những cảnh về cuộc đời Chúa Giêsu. Ở giữa vòng cung, có diễn tả ngai Chúa, mặc hoàng bào được trang điểm bằng ngọc quí, tay cầm thánh giá và sách Khải Huyền. Chung quanh là hình thnáh Phêrô và Phaolô, cùng với biểu hiện của 4 thánh sử Phúc Âm. Cạnh đó là cảnh tượng Chúa Giêsu giáng sinh. Bên trái có cảnh truyền tin cho Đức Mẹ.
- Bàn thờ chính của đền thờ, hay cũng gọi là bàn thờ tuyên xưng đức tin (confession) do Vespignani trang trí vào năm 1874, bằng cách dùng những đá cẩm thạch quí và hiếm nhất. Trên bàn thờ có tán cao, Được 4 cột vòng bằng đồng chống đở, cũng do kiến trúc sư Fuga thực hiện. Tại khu bàn thờ chính này có hòm giữ thánh tích của thánh Mathêu tông đồ và các vị tử đạo khác.
- Ở khu hậu cung đền thờ, có bức tranh diễn tả cảnh Chúa Giêsu đang đội triều thiên cho Đức Mẹ, có ca đoàn 18 thiên thần và các thánh hầu quanh, đặc biệt là thánh Gioan Tẩy Giả, thánh Phêrô, Phaolô, Gioan, Phanxico Assisi và Antôn thành Padova. Đây là kiệt tác của tu sĩ Jacopo Torriti dòng Phanxico năm 1295.
- Bên dưới, giữa các cửa sổ hình bầu dục, bên cạnh bức tranh Đức Mẹ an nghỉ, có những cảnh về các mầu nhiệm khác như: Truyền Tin, Giáng Sinh, Ba Vua đến thờ lạy Chúa Hài Đồng, Dâng Con, và hai cảnh trong cuộc đời thánh Gieronimo và Mathia.
Nhà nguyện Sistina, ở bên phải đền thờ, đối diện với nhà nguyện Paolina, tại đây có đặt Mình Thánh Chúa, và có tượng của Đức Sisto V dòng Phanxico và Đức Thánh Giáo Hoàng Piô V dòng Đaminh, vị đã cải tổ sách lễ, sách nguyện, sách giáo lý Công Đồng Trento, cũng như đã thiết lập lễ Đức Mẹ Mân Côi, sau khi thập tự quân chiến thắng quân Hồi giáo ở vịnh Lepato. Cũng trong nhà nguyện này, ở phía trên gian bên phải đền thờ, có hang đá được đặt tại đây năm 1585. Hang đá rất cổ, có lẽ từ thế kỷ thứ VI, chứng tỏ lòng sùng mộ của dân Roma, tưởng nhớ hang đá Belem.
- Ảnh Đức Mẹ “Salus Populi Romani” (Phần Rỗi của dân Roma), trên bàn thờ trong nhà nguyện Paolina ở bên trái đền thờ, gần bàn thờ chính. Theo tương truyền, ảnh này bắt đầu với thánh Luca, và được một thiên thần hoàn tất, vì thế không do tay người làm nên. Nhiều tranh luận, không đưa tới nguồn gốc và tác giả. Người ta biết đến từ Đông Phương hoặc được vẽ tại Roma theo kiểu Đông Phương, thế kỷ 9 tới 13.
Lưu truyền rằng, ảnh tự động tới từ Costantinople, tránh nạn phá ảnh tượng 3 thế kỷ trước đó và hiện được đặt tại nhà nguyện Paolina từ năm 1613. Ảnh Đức Mẹ hiện diện trong buổi canh thức 19 tháng 8 và lễ bế mạc 20 tháng 8 năm 2000, Ngày Quốc Tế Giới Trẻ thứ XV ở Tor Vergata, ngoại ô Roma, với ĐTC và với 2 triệu người trẻ trên thế giới cùng quây quần.
- Nhà nguyện Paolina được thiết lập theo lệnh Đức Phaolô V và do kiến trúc sư Flaminio Ponzio vẽ kiểu, mô phỏng nhà nguyện Sistina ở Vatican. Đây là nhà nguyện phong phú và đẹp nhất tại Roma. Và có thể nói tất cà sự huy hoàng của đền thờ Đức Bà Cả tập trung trong nhà nguyện này, với những bức bích họa tuyệt vời do Guido Reni, Cav. d’Arpino, Cigoli, và nhiều người khác thực hiện, tất cả đều nhắm tôn dương vinh quang Mẹ Thiên Chúa.
- Mặt sau đền thờ Đức Bà Cả, hướng về quảng trường Esquilino, nổi bậc trên nhiều bậc thang, do kiến trúc sư Rainaldi thực hiện vào năm 1673.
III. MỘT SỐ SỰ TÍCH CỦA ĐỀN THỜ
Cũng như nhiều đền thờ lớn ở Roma, đền thờ Đức Bà Cả cũng có nhiều sự tích lưu truyền lại:
1. Theo một lưu truyền cổ xưa, một ngày kia, Olimpo, một quan tổng trấn, giận dữ, hầm hầm chạy vào đền thờ Đức Bà Cả với mục đích sát hại ĐGH Marino (882- 884) trong lúc ngài cử hành thánh lễ. Nhưng vừa bước qua ngưỡng cửa thánh đường, đột nhiên ông bị mù và không thể thi hành ý định gian ác đó. Sự tích này được ghi nhớ trong một bức hình nổi cẩm thạch do điêu khắc gia Lironi tạc bên trên Cửa Thánh vào năm 1730.
2. Một sự tích khác: lễ Giáng Sinh năm 1705, trong lúc ĐGH Gregorio VII (1073- 1085) cử hành thánh lễ nửa đêm tại đền thờ Đức Bà Cả, ngài bị một kẽ gian ác tên là Cencio, con của tỉnh trưởng Stefano bắc cóc. Tên này đã từng xây một tháp cạnh cầu thánh Phêrô (ngày nay là cầu thánh Thiên Thần), và đòi những người đi qua đó phải trả tiền mua đường. Chủ tâm của Cencio là giam Đức Giáo Hoàng trong tháp đó, với mục đích giao nạp cho hoàng đế Enrico IV của Đức để trả thù những biện pháp cải tổ can đảm của Đức Giáo Hoàng. Trong số các biện pháp đó, có việc tước quyền của hoàng đế trong việc phong thế quyền cho Giám Mục trước khi trao quyền thiêng liêng.
Tên Cencio giam cầm Đức Giáo Hoàng, nhưng dân Roma nổi dậy tức khắc, và ngày hôm sau, họ giải thoát ngài, rồi long trọng rước ngài trở lại đền thờ Đức Bà Cả. Như thể không có chuyện gì sảy ra, Đức Gregorio VI điềm nhiên mặc áo lễ vào và cử hành tiếp thánh lễ từ chỗ bị cắt ngang.
3. Tại đền thờ Đức Bà Cả có mộ của Đức Giáo Hoàng Clemente IX (1667- 1669). Khi sinh thời, ngài đã từng này tỏ mong ước tại đền thờ này chứ không phải tại đền thờ thánh Phêrô. Nhưng vì ĐGH qua đời mà mộ ngài do kiến trúc sư Girolamo Rainaldi vẽ kiểu chưa hoàn tất, nên quan tài của Đức Clemente IX được chôn tại đền thờ thánh Phêrô. Ngay sau đó, có tin về các phép lạ do Đức cố Giáo Hoàng làm. Tin này được một tu sĩ Phanxico ở tu viện Aracoeh xác nhận. Thầy bị mù và cho biết đã được khỏi nhờ cầu xin Đức Clemente IX cứu giúp. Dân chúng bắt đầu lũ lượt kéo đến mộ của ngài để xin ơn và những người được ơn, thì gắn các bảng tạ ơn gần mộ tạm. Lòng nhiệt thành của dân chúng đến độ họ tháo gỡ cả những mảnh gạch quanh mộ, như thể sức mạnh đặc biệt của Đức cố Giáo Hoàng lan tỏa ra đó.
Các vị hữu trách đền thờ thánh Phêrô lo ngại vì lòng nhiệt thành quá độ của các tín hữu, nên phải hối thúc và yêu cầu các vị hữu trách ở đền thờ Đức Bà Cả hoàn tất mau lẹ mộ của Đức Clemente IX tại đây, và họ vội chuyển thi hài của ngài về an táng trong nhà nguyện Paolina. Từ đó ngài không còn làm phép lạ nữa.

CHƯƠNG VI
VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG
THÁNH PHAOLÔ NGOẠI THÀNH
Đền thờ thánh Phaolô gọi là “ngoại thành” vì tọa lạc bên ngoài tường thành do hoàng đế Aureliano xây cất năm 271 để bảo vệ thành Roma chống lại các cuộc tấn công của các lực lượng man di. Thánh đường hùng vĩ chúng ta thấy ngày nay thật là đền thờ được tái thiết hoàn toàn sau khi trận hỏa hoạn dữ dội trong đêm 15 rạng ngày 16.7.1823 thiêu hủy toàn bộ đền thờ huy hoàng được kiến thiết 15 thế kỷ trước đó. Khi đi tới đền thờ ở ngoại ô Roma, tín hữu hành hương nhớ đến những thăng trầm của vị đại Tông Đồ dân ngoại (sinh năm 35 sau Chúa Kitô), các cuộc hành trình truyền giáo của ngài trong toàn vùng Địa Trung Hải, những lá thư đầy nnhiệt huyết ngài gởi tới cộng đoàn Kitô mới được thiết lập bấy giờ, đặc biệt là thư gửi giáo đoàn Roma được thánh nhân viết vào khoảng năm 57- 58, trong đó nổi bậc các đề tài ơn cứu chuộc, sự tiền định và ơn công chính hóa. Toàn thể đời sống Kitô giáo của chúng ta thấm đượm những tổng hợp đạo lý quan trong nhất của thánh nhân: cuộc sống của chúng ta trong Chúa Kitô, hướng về Chúa Cha cùng với Thánh Thần của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể làm người, là Chúa Phục Sinh và là Đấng Cứu Độ chúng ta.
I. THÁNH PHAOLÔ ĐẾN ROMA
Người ta không thể tách rời hai thánh Phêrô và Phaolô vì Giáo Hội Roma được thiết lập trên hai Tông Đồ cột trụ này. Cả hai đều chịu tử đạo tại đây. Và các tài liệu cổ kính nhất đã nói đến những cuộc hành hương của các tín hữu về Roma để viếng mộ của hai thánh nhân. Lịch sử đền thờ thánh Phaolô Ngoại Thành, tuy không phức tạp như lịch sử đền thờ thánh Phêrô, nhưng cũng không kém thăng trầm, như hồi thế kỷ thứ 8, đền thờ bị cướp phá, sau đó đến lượt những người Hồi giáo Sarrasins hồi thế kỷ thứ 9 cướp bóc, nhưng đền thờ được trùng tu ngay.
Thánh Phaolô thuộc một gia đình Do Thái, định cư tại đảo Tarso, và có quốc tịch Roma. Sau các cuộc hành trình truyền giáo, ngài mang số tiền lạc quyên được tại các giáo đoàn về Jerusalem để trợ giúp Giáo Hội tại đây. Thánh nhân bị những người Do Thái bách hại, nên bị bắt và dẫn giải tới Cersarea, trước quan tổng trấn Felice. Ông này giam thánh Phaolô 2 năm. Ngài khiếu nại lên hoàng đế Cesar vì là công dân Roma. Mãi đến năm 60, thánh Phaolô mới tới Roma được, sau cuộc đắm tàu ở ngoài khơi đảo Malta. Từ năm 61 đến 63 ngài được tự do tạm, và có thể rao giảng, viết nhiều thư từ (thư gửi tín hữu thành Colossê, Êphêsô và gửi Philomene). Từ năm 63 đến 66, ngài có đi giảng tại Đông Phương hay Tây Ban Nha, không có gì chắc chắn. Điều chắc chắn là năm 66, ngài lại bị cầm tù ở Roma và bị xử trảm tại nơi gọi là Aquas Salvias, trên đường từ Roma tới Ostia năm 67. Thánh nhân không bị đóng đanh như Chúa Giêsu hay thánh Phêrô, nhưng bị chém đầu vì chém đầu là hình phạt “ưu tiên” dành cho công dân Roma.
Việc thánh Phaolô đến Roma là do Thánh Thần Chúa thúc đẩy như lời sách Tông Đồ Công Vụ ghi lại: “Sau khi những sự kiện ấy xảy ra, Phaolô được Thánh Thần Chúa thúc đẩy, đi ngang qua miền Macedonia và Acaia, và đi Jerusalem. Ông nói: “Về đó rồi, tôi còn phải đi thăm Roma nữa” (TĐCV 19,21). Thánh Luca trong sách này cũng ghi lại sự tích thánh Phaolô từ đảo Malta đến Roma: “Ba tháng sau, chúng tôi ra khơi trên một chiếc tàu đã qua mùa đông tại đảo; tàu này là của thành Alexandria và mang huy hiệu hai thần Dioscuri. Chúng tôi ghé vào thành Syracura và ở lại đó 3 ngày. Từ nơi ấy chúng tôi đi men theo bờ biển và tới thành Regio. Ngày hôm sau có gió nam thổi lên, và hai ngày chúng tôi tới cảng Pozzuoli. Ở đây, chúng tôi gặp được những người anh em, họ mời chúng tôi ở lại với họ 7 ngày. Chúng tôi đến Roma như thế đó.” (TĐCV28,11-14)
“Các anh em ở Roma nghe tin chúng tôi tới thì đến tận chợ Appio và Ba Quán đón chúng tôi. Thấy họ, ông Phaolô tạ ơn Chúa và thêm can đảm. Khi chúng tôi vào Roma, ông Phaolô được ở nhà riêng cùng với người lính canh giữ ông”. Ba ngày sau, Phaolô mời các thân hào Do Thái đến. Khi họ đã tới đông đủ, ông nói với họ: “Thưa anh em, tôi đây, mặc dầu đã không làm gì chống lại dân ta, hay các tục lệ của tổ tiên, tôi đã bị bắt tại Jêrusalem và bị nộp vào tay người Roma. Sau khi điều tra, họ muốn thả tôi, vì tôi không có tội gì đáng chết. Nhưng vì người Do Thái chống đối, nên bó buộc tôi phải kháng cáo lên hoàng đế Cesar; tuy vậy, không phải là tôi muốn tố cáo dân tộc tôi. Đó là lý do khiến tôi xin gặp và nói chuyện với anh em, bởi chính vì niềm hy vọng của Israel mà tôi phải mang xiềng xích này”. Họ nói với ông: “Về phía chúng tôi, chúng tôi không nhận được thư nào từ Giuđêa nói về ông, cũng chẳng có ai trong các anh em đến đây báo cáo hoặc nói gì xấu về ông, vì chúng tôi biết rằng phái của ông đến đâu cũng bị chống đối.” Họ hẹn ngày với ông, và hôm đó, đến gặp ông tại nhà trọ đông hơn. Ông trình bày cho họ và long trọng làm chứng về nước Thiên Chúa; từ sáng tới chiều, ông dựa vào luật Môisê và các ngôn sứ mà nói về Đức Giêsu, để cố thuyết phục họ. Nghe ông nói, người thì được thuyết phục, người thì không chịu tin. Khi giải tán, họ vẫn không đồng ý với nhau; ông Phaolô chỉ nói thêm một lời: “Thánh Thần đã nói rất đúng khi dùng ngôn sứ Isaia mà phán với cha ông anh em rằng: “Hãy đến gặp dân này và nói: Các ngươi có lắng tai nghe cũng không hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, vì lòng dân này đã ra đần độn, chúng đã nặng tai, còn mắt thì chúng nhắm lại, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành”. Vậy xin anh em biết cho rằng: ơn cứu độ này của Thiên Chúa đã được gởi đến cho dân ngoại; họ nghe thì sẽ nghe”. Ông nói thế rồi thì người Do Thái đi ra, tranh luận với nhau sôi nổi.” Suốt hai năm tròn, ông Phaolô ở tại nhà ông đã thuê và tiếp đón tất cả những ai đến với ông. Ông rao giảng Nước Thiên Chúa và dạy về Chúa Giêsu Kitô một cách rất mạnh dạn, không gặp ngăn trở nào” (TĐCV 28,11-30).
Trong dịp bạo chúa Nêro đốt thành Roma vào năm 64 và đổ tội cho các tín hữu Kitô, thánh Phaolô cũng bị tố cáo là thủ lãnh một phong trào tập thể làm phương hại cho nhà nước. Ngài lại bị bắt và giam tại nhà tù, rồi sau đó bị kết án sử trảm. Theo chứng từ của Eusebio, thánh Phaolô tử đạo giữa tháng 7 năm 67 tới tháng 6 năm 68. Truyền thống nói rằng đầu thánh nhân nhảy lên ba lần trên sườn xuống và làm nảy sinh ba dòng suối, đó là Tre Fontane hiện nay. Huyền thoại này được thánh Gregorio Cả chấp nhận (năm 604).
II. LỊCH SỬ ĐỀN THỜ THÁNH PHAOLÔ
Thi hài thánh Phaolô được đặt trong ngôi mộ cạnh đường Ostiense, cũng như nhiều tội nhân bị kết án tử hình khác. Nhưng chẳng bao lâu mộ thánh Phaolô trở thành nơi hành hương và tôn kính của các tín hữu kitô. Trên mộ ngài, người ta thiết lập một nhà tưởng niệm nhỏ (cella memoriae).
Theo sách Giáo Chủ (Liber Pontificahs), chính hoàng đế Costantino đã khởi công xây dựng một thánh đường trên mộ thánh Phaolô và được thánh hiến ngày 18.11.324 dưới thời ĐGH Silvestro I (314- 335). Kích thước của thánh đường nguyên thủy này tương đối nhỏ bé. Thánh đường to lớn hơn được xây cất tại nơi đó vào năm 386, tức là nửa thế kỷ sau khi hoàng đế Costantino qua đời. Các hoàng đế Valentiniano II, Teodosio và Arcadio bấy giờ viết cho đô trưởng Roma Sallustio để được sự phê chuẩn của Thượng Viện và nhân dân Roma về dự án xây một đền thờ lớn, thay thế nhà thờ dâng kính thánh Phaolô, trước trình trạng các tín hữu kéo tới hành hương ngày càng đông đảo.
Công trình bắt đầu năm 390 và được hoàn thành dưới thời hoàng đế Onorio vào năm 395. Thánh đường đó có 5 gian, có 4 hàng cột phân ra, gồm 80 cột bằng cẩm thạch. Đó là thánh đường lớn nhất của Kitô giáo trước khi đền thờ thánh Phêrô được kiến thiết. suốt trong 15 thế kỷ, vương cung thánh đường này không ngừng được săn sóc cẩn thận. Chẳng hạn, vào giữa thế kỷ thứ 5, thánh Giáo Hoàng Leo Cả cho khởi sự một loạt các tu bổ và trang điểm đền thờ.
Thời Phục Hưng, đền thánh Phaolô vẫn được để nguyên. Nhưng ngày 15 và 16 tháng 7 năm 1823, do sự bất cẩn của một người thợ, đền thờ bị hỏa hoạn thiêu rụi gần như hoàn toàn. Hai kiến trúc sư Bosio và Belli khuyên nên xây lại hoàn toàn mới đền thờ, họa lại mô hình của đền thờ cũ. Giới văn hóa, chính trị ủng hộ Đức Leo 12 để ngài khởi công xây cất lại và vào ngày 25.1.1825, ngài gửi thư “An plurimas easque gravissimas” mời gọi các giám mục mở cuộc lạc quyên nơi các tín hữu cho công trình tái thiết. Lời kêu gọi được các nơi hưởng ứng và nhiều người đã gửi tiền về Roma. Phó vương sứ Ai Cập tặng các cột bằng đá trắng và Nga hoàng Nicola I tặng các khối đá làm hai bàn thờ ở hai gian bên.
Thánh đường mới được khánh thành năm 1854, nhưng trong thực tế công trình tái thiết kéo dài 100 năm, và vào năm 1928, với việc xây cất 4 cổng 100 cột, do kiến trúc sư Guglielmo Calderini, đền thờ mới được hoàn thành như ta thấy hiện nay. Khuôn viên bên ngoài nhà thờ có 150 cột, tất cả đều là một khối duy nhất. Cửa đồng của đền thờ là một kiệt tác nghệ Bizantine do Giovanni VII đặt làm ở Constantinople. Đền thờ dài 136 mét, rộng 665 mét, và cao 29,7 mét. Thánh đường có 5 gian, được phân chia bằng 24 cột, có chân dung 264 vị Giáo Hoàng, từ thánh Phêrô cho đến Đức Gioan Phaolô II, nhắc nhớ sự liên tục của huấn quyền Giáo Hoàng. Bức tranh khảm ở hậu cung đền thờ do các nghệ sĩ miền Venezia hồi thế kỷ 13 thực hiện, diễn tả Chúa Kitô đang ngồi trên một ngai, giữa thánh Phêrô và Anrê ở bên phải, và thánh Phaolô và Luca bên trái. Ở dưới chân Ngài, ta thấy có hình nhỏ ĐGH Onorio III đang quì, cùng với vị tiền nhiệm Innocenzo III và người kế vị Gregorio IX, là những vị cho thực hiện bức tranh khảm ấy. Đức Giáo Hoàng Piô IX đã long trọng khánh thành đền thờ thánh Phaolô ngoại thành năm 1854, trước sự hiện diện của 185 vị Giám Mục đến Roma để dự lễ tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội.
Dưới bàn thờ chính hiện nay 1,37 mét, có một tấm đá bằng cẩm thạch mỗi chiều 2,12 x 1,27 mét, có ghi hàng chữ: “Paolo Apostolo Mart” (Dâng kính Phaolô Tông Đồ tử đạo). Theo một số người, bia này có từ thế kỷ thứ I, một số khác cho là nửa sau của thế kỷ thứ IV. Nhưng tấm bia này gồm nhiều miếng hợp thành. Đây chính là mộ của thánh Phaolô Tông Đồ. Bên trên bàn thờ chính là một cái tán (ciborio) do nghệ sĩ Amolfo di Cambio ở Roma thực hiện năm 1282. Cái tán này chỉ bị hư hại sơ sau trận hỏa hoạn năm 1823 và được trùng tu sau đó. Tại 4 góc của cái tán có 4 tượng nhỏ diễn tả các thánh Phêrô, Phaolô, Luca và Biển Đức.
Tóm lại, khi viếng đền thờ thánh Phaolô được tái thiết, chúng ta hiểu hai sự huy hoàng của phụng vụ Roma thời cổ xưa. ở cuối hậu cung, có Đức Giám Mục Roma ngồi, chung quanh có tất cả hàng giáo sĩ, các giám mục, linh mục và các phó tế. Trong gian dài có 4 hàng cột bao quanh, hướng cái nhìn của chúng ta về bàn thờ, dân Chúa, sau khi phụng vụ Lời Chúa với những bài thánh ca, đi rước tiến đến trước nặt Đức Giáo Hoàng và trao cho ngài với cộng sự viên bánh và rượu trong phần dâng lễ. Lễ vật ấy, theo thói quen cổ kính, được dùng để nuôi hàng giáo sĩ và người nghèo. Sau đó, dân Chúa lại tiến về bàn thờ để rước Mình, Máu Thánh Chúa Kitô, trước bàn thờ được xây dựng tại mộ của thánh Phaolô: một Chúa, một đức tin, một phép Rửa, một Thiên Chúa là Cha.

gioanha
12-12-2008, 05:59 AM
CHƯƠNG VII
NHÀ THỜ THÁNH GIÁ GIÊRUSALEM


I. THÁNH GIÁ BỊ CHÔN VÙI VÀ BỊ XÚC PHẠM
Chúa Giêsu chịu chết ngày 15 tháng Nisan. Những dụng cụ hành hình, gồm thập giá, đinh sắt của Chúa Giêsu và hai người trộm cướp bị đóng đinh hai bên bị chôn trong một hố hoặc một hang gần mộ mà ông Giuse Arimatea tặng để táng xác Chúa Giêsu. Người Do Thái vẫn cấm chôn những người bị sử tử trong nghĩa trang chung, để tránh bị tục hóa. Những người bị sử tử phải chôn riêng biệt tại nơi riêng, và cả những dụng cụ hành hình: thập giá, đinh, gươm, sỏi… phải chôn riêng, vì chúng bị ô uế. Chúa Giêsu sống lại và lên trời, nhưng chẳng bao lâu sau, nơi Ngài chịu hành hình trở thành nơi thánh đối với các tín hữu Kitô. Nhiều người lui tới tưởng niệm và cầu nguyện, quỳ gối trên hố chôn vùi các dụng cụ hành hình, để hôn mộ đá đã an táng Chúa. Đồi Golgotha trở thành nơi thu hút các môn đệ Chúa Giêsu. Trình trạng này khiến cho người Do Thái và dân ngoại chú ý và lo âu. Hoàng đế Adriano (117- 138), trong những năm cuối đời, trở thành bạo chúa, ghen tương và ngờ vực. Ông ra lệnh làm ô uế đồi Golgotha và mộ thánh để các tín hữu Kitô khỏi lui tới kính viếng.
Theo lệnh của hoàng đế, các hố trũng phân cách giữa đồi Golgotha và mộ Chúa được lấp đầy đất, và bít kín lối vào mộ, đồng thời làm biến mất đồi. Khu vực đóng đanh và mộ Chúa bị vây quanh bằng một bờ cao và đổ đất cho bằng. Và trên đó, hoàng đế ra lệnh cho xây cất một đền thờ kính thần Jupiter và một đền thờ khác kính thần Venus. Sử gia Euebio (Via Constantini, III, 26), thốt lên: “Thật là điên rồ,ông ta tưởng là giấu kín nhân loại ánh quang rạng rỡ của mặt trời mọc lên trên thế giới! Nhưng ông không thấy rằng khi muốn làm quên lãng nơi các thánh như thế, ông ta lại ấn định rõ ràng địa điểm, và trong ngày Chúa Quan Phòng đã định để giải thoát Giáo Hội, những hàng cột ô uế của đền thờ ấy là những dấu chỉ rõ ràng không thể sai lầm, cho sự khám phá nơi các thánh”. Các Kitô hữu không muốn đến Canvê bị ô uế vì những đền thờ và việc thờ phượng vô luân nữa. Nhưng họ vẫn quan niệm tin tưởng rằng những nơi do Adriano xây cất có bao trùm nơi cứu độ. (pp. 3-4).
II. THÁNH NỮ HELENA TÌM THẤY THÁNH GIÁ
Hoàng đế Constantino lên ngôi năm 306. Năm 312 ông được Thánh Giá hiện ra và năm 313, ông trở lại Kitô giáo và ban sắc chỉ tha bắt đạo. Hoàng hậu Helena theo gương của con, nên đã trở lại đạo năm 64, 65 tuổi. Bà nhiệt thành mộ đạo, và cứu giúp người nghèo, sống đơn sơ. Để chứng tỏ lòng yêu mến Chúa Kitô và mến đạo, hoàng đế quyết định xây một thánh đường lớn trên đồi Golgotha và trên mộ Chúa Giêsu. Sử gia Eusebio còn giữ trọn vẹn bức thư của hoàng đế gửi thánh Macario, Giám mục thành Jerusalem, thông báo quyết định và xin Đức Giám Mục giữ nhiệm vụ giám sát công việc xây thánh đường. Một linh mục ở Constantinopoli tên là Eustazio làm kiến trúc sư. Vương cung thánh đường được thánh hiến ngày 14.9 năm 335 gồm các tiền đường, cổng và hai nhà thờ: Martyrio tại nơi Chúa chịu đóng đinh và Anastsis ở mộ thánh.
Hoàng hậu Helena, lúc ấy đã 80 tuổi, đến Jerusalem để hành hương, và bà đã tìm Thánh Giá Chúa. Tương truyền kể rằng khi khai quật, họ tìm thấy tấm elogium, tấm bảng mà quan Philato ra lệnh viết và gắn vào thâp giá Chúa Giêsu: “Giêsu Nazareth, Vua Người Do Thái”. Tìm thấy 3 thập giá. Vấn đề là: đâu là thập giá của Chúa và đâu là thập giá của hai kẻ trộm. Thánh Macario đề nghị mang cả ba tới nhà kia có một phụ nữ sắp chết. Ngài cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa ban sức khỏe cho nhân loại nhờ cái chết của Con duy nhất Chúa trên thập giá. Giờ đây, Chúa soi sáng cho nữ tỳ Chúa (Helena) tìm cây gỗ hồng phúc nơi Đấng Cứu Chuộc chung con đã bị treo lên, xin tỏ cho chúng con bằng chứng thập giá nào trong ba cây thập giá này Chúa đã dùng để tôn vinh danh Chúa và đâu là những dụng cụ hành hình của những kẻ bất lương. Xin làm cho phụ nữ này, đang nằm trên giường, khi chạm tới cây gỗ cứu độ được chỗi dậy tức thì khỏi sự chết gần kề và được sự sống”. Nói rồi, Đức Giám Mục giơ cây thập giá lên động đến người sắp chết. Đến cây thứ ba, thì người ấy mở mắt, chỗi dậy khỏi giường, bắt đầu đi lại trong nhà và ca ngợi Chúa vì được khỏi bệnh tức thì (Rufino, I,c.17).
Việc thánh nữ Hêlena tìm được thánh giá thật là sự kiện lịch sử. Thánh Cirillo (+386), kế vị thánh Macario làm Giám Mục thành Jerusalem, đã viết cho hoàng đế Costanzo, con của hoàng đế Constantino, rằng: “Dưới thời Constantino, thân phụ của ngài, cây gỗ cứu độ đã được tìm thấy ở Jerusalem”. Costanzo qua đời năm 361, nên chắc chắn bức thư của thánh Cirillo đã được viết trước ngày đó. Thánh nữ Helena gửi một mẩu thánh giá thật cho hoàng đế Constantino, và ông đặt trong tượng của ông ở triều đình Constantinople; một phần bà đích thân mang về Roma, phần còn lại lưu tại Jerusalem. Theo sử gia Socrate, việc tìm thấy Thánh Giá vào khoảng năm 325 hoặc 326.
III. THÁNH GIÁ TỪ ROMA
Hoàng hậu Helena, sau khi hành hương Jerusalem, lên tàu trở về Roma, mang theo nhiều thánh tích: gỗ thánh giá, đất thánh ở đồi Calve, đinh, vài cái gai. Bà đặt các vật thánh này trong dinh thự thuộc khu vực Sessoriano, tư dinh của thánh nữ Helena, mẹ của hoàng đế Constantino. Dinh thự được xây vào thế kỷ thứ 3 và là tài sản của hoàng gia cho đến thế kỷ thứ 6.
Xác định rằng vào thế kỷ thứ 4, hoàng thái hậu Helena, cũng như nhiều tín hữu Roma hồi đó đã đi hành hương tại Jerusalem. Khi trở về, năm 329, bà mang theo một mảnh Thánh Giá thật Chúa đã Chịu đóng đanh, và đặt trong dinh thự của bà. Bà qua đời cùng năm 329.
Để tưởng niệm thân mẫu, hoàng đế Constantino đã biến một phần dinh thự Sessoriano thành nhà thờ để đựng khúc Thánh Giá thật. Nhà thờ đó hiện nay là nhà nguyện thánh nữ Helena nơi đặt Thánh Tích. Vào thế kỷ 12, ĐGH Lucio II (1144- 1145) chia phòng lớn làm 3 gian và cho xây một tháp chuông, nhưng không thay đổi gì các tường bên ngoài. Ngài cho nâng nền lên, nhưng không đụng gì tới nền của nhà nguyện nhỏ, có lẽ vì theo truyền thống, nền đó gồm đất được đưa từ đồi Calvê về đây. Cho tới thời kỳ Phục Hưng, nhà nguyện thánh nữ Helena được tách riêng, và chỉ có thể vào được từ bên ngoài, nhưng từ đó, thì được nối với đại sảnh đường bằng hai cầu thang, từ hai bên hậu chẩn của thánh đường. Sau cùng, vào thế kỷ 18, nhà thờ có hình dáng như chúng ta thấy ngày nay.
Nhà nguyện thánh Helena
Nhà nguyện Thánh Tích chứa đựng gỗ Thánh Giá, có chứa cả một cánh thập giá của người trộm lành cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu. Đằng sau bàn thờ, có những mảnh Thánh Giá thật. Mảnh hiệu được tìm thấy vào cuối thế kỷ 15. Năm 1561 ĐGH Pio IV đã ủy thác cho dòng Xitô nhiệm vụ coi sóc thánh đường Thánh Giá này.
Khoảng trống trước nhà nguyện Pietà và nhà nguyện thánh Helena, có một cổng sắt lớn đóng lại. Bên trái có ghi hàng chữ: “Trong nhà nguyện Thánh Giá Jerusalem này, phụ nữ không được vào, nếu không sẽ bị vạ tuyệt thông, ngoại trừ một lần trong năm vào ngày lễ thánh hiến tức là 20 tháng 3”.
Không rõ tại sao có kệnh cấm. Nhà nguyện là cung thánh của thánh đường này. Thánh Tích được giữ hơn một ngàn năm trong nhà nguyện này. Lệnh cấm cho tới năm 1935, nghĩa là cho tới khi tu bổ nhà nguyện, dưới thời viện phụ Edmondo Bemardini, và được Đức Piô 11 thu hồi.
IV. NHÀ NGUYỆN MỚI ĐỰNG THÁNH TÍCH
Thế kỷ 16, ĐTC Piô 5 cho phép chuyển Thánh Tích tới nhà nguyện mới khô ráo hơn, thay vì nhà nguyện dưới đất ẩm thấp. Nhà nguyện hiện thời được bố trí nhân dịp năm thánh 1925, tọa lạc bên trên nhà mặc áo và nhà nguyện Pietà. Bước vào, chúng ta thấy thanh ngang thập giá người ttrộm lành, dài 178 cm, và ngang 13 cm. Có 14 chặng đàng thánh giá. Kiến trúc sư Florestano di Fausto muốn các tín hữu chuẩn bị tâm hồn bằng việc suy niệm các chặng đó, trước khi tiến đến đồi Calvê với Thánh Giá đựng thánh tích. Nhà nguyện được khánh thành năm 1930, và hoàn tất năm 1952.
V. CÁC THÁNH TÍCH
Từ phần thánh giá thánh nữ Helena mang về từ Jerusalem, hiện thời chỉ còn 3 mảnh nhỏ. Sở dĩ được chia làm 3 phần, vì người ta muốn xếp thánh tích thành hình thánh giá. 3 mảnh này không phải là tất cả thánh tích thánh Giá được đưa từ Jerusalem về Roma. Thánh Gregorio Cả (+604) đã tặng một mẫu thánh giá cho Reccaredo, vua người Visigot, Tây Ban Nha. Nhưng mẫu này không thuộc thánh tích của thánh nữ Helena, nhưng do ngài đích thân mang về Roma, sau khi đã từng làm sứ thần Tòa Thánh ở Constantinople. Nhưng chắc chắn thánh tích thánh giá ở nhà nguyện thánh Helena đã chịu cắt xén. Năm 1515, Đức Leô 10 giáo hoàng cho cắt một mẫu để tặng vua Francois I của Pháp. ĐGH Urbano 8 (1623- 1644) muốn tặng một mẫu cho đền thờ thánh Phêrô và lấy từ thánh giá ở đền thánh Helena. Trong thế kỷ 19, các vị Giáo Hoàng Pio 6, Pio 8, và Pio 9 đã lấy một mẫu để tặng những nhân vật quí tộc. Tính chất xác thực của thánh giá ở Đền thờ Thánh Giá Jerusalem được chứng thực qua nhiều văn kiện. Đồng thời các văn kiện phụng tự, cũng chứng tỏ. Thánh Gregorio Cả (+604) đã ấn định chặng thứ sáu Tuần Thánh ở đền thờ Thánh Giá Jerusalem. Chính ĐGH đã đi rước không giầy vớ cùng với các giáo sĩ và giáo dân, từ đền thờ thánh Gioan Laterano đến đền thờ Thánh Giá để thờ lạy Thánh Giá.
Ba mảnh thánh giá hiện được giữ trong vỏ (reliquiario) quí giá do ông Valadier thực hiện. Năm 1789, do lệnh chính phủ Pháp (Republica Tiberina), đan viện Thánh Giá Jerusalem bị tịch thu, các đan sĩ bị trục xuất, trừ một vị, đền thờ bị trước doạt những gì quí giá. Ngày 13.9 áp lễ tôn vinh Thánh Giá, một lệnh khác tịch thu thánh tích Thánh Giá. Ba mảnh Thánh Giá và 2 cái gai được bọc trong giấy mỏng. Bảng án và đinh thánh bỏ trong các bình, nhưng không có đế nghệ thuật.
Ngày 19 tháng 9 năm 1780, một số nhân viên Cộng Hòa đến gặp người giữ nhà thờ là cha Sisto Benigni, OC, với lệnh tịch thu thánh tích. Cha giữ nhà thờ biết họ muốn tiêu hủy thánh tích vì ghét đạo, nên bất chấp sự đe dọa, ngài không trao chìa khóa nhà nguyện, ngoại trừ cho ông Prefetto. Khi ông này đến, cha Sisto dấu chìa khóa đi. Ông Frefetto buộc lòng ra lệnh phá cửa bên trong nhà nguyện, đe dọa, nhưng rồi ông động lòng và trả lại chìa khóa cho cha Sisto. Thánh tích được cứu vãn. Năm 1803, nữ quận công Tây Ban Nha Villa-Hermorsa dành tiền để thuê làm bình đựng thánh tích mới để đựng gỗ Thánh Giá. Ông Joseph Valadier thực hiện thánh giá đựng thánh tích này.
VI. BẢNG ÁN CHÚA GIÊSU
Đền thờ thánh giá Jerusalem được tu bổ nhiều lần. Trong lần tu bổ năm 1491- 1942, khi sửa lại mái, người ta tìm được một hộp bằng chì dài 2 gang tay, đóng kín. Có 3 dấu ấn ở giữa với hàng chữ Gerardus cardinalis S. Crucis. Trong đó có bảng gỗ dài một gang tay rưỡi, trên đó có 3 hàng, ghi khắc trên gỗ. Mỗi hàng có một loại chữ khác nhau. Hàng La tinh: JS Nazarenus Re. Trên là tiếng Hy Lạp, và sau cùng là hàng chữ bằng tiếng Hebreu hay Siro-Caldai. Đó là bảng án: Giêsu Nazareth Vua người Do Thái. Ngày khám phá là ngày 1.2.1492. Ngày 12.3.1492, Đức Giáo Hoàng Innocennzo 8 đến dự lễ tại nhà thờ thánh Gregorio al Celio, và đến xem bảng án đó. Năm 1946, Đức Alexandro 6 xác nhận sự khám phá đó là chân thực.



CHƯƠNG VIII
THANG THÁNH
Thang Thánh là một trong những thánh tích được các tín hữu hành hương đến kính viếng ở Roma. Thang này, theo lưu truyền, là thang Chúa Giêsu đã phải leo lên leo xuống 3 lần trong dinh quan tổng trấn Philato: lần đầu khi Ngài bị dẫn tới trước mặt Philato, lần thứ hai Ngài trở lại, sau khi bị vua Hêrôdê gửi trả lại Philato; lần thứ ba khi Ngài bị kết án tử hình. Thánh nữ Helena, mẹ của hoàng đế Constatono, đã từ Jerusalem về Roma năm 326. Hoàng đế tặng cho ĐGH Silvestro I (314- 337), và ngài đặt tại dinh Laterano. Thang lưu lại đây hơn một ngàn năm, cho đến khi ĐGH Sisto 5 (1585- 1590) vào thế kỷ 16 ra lệnh phá hủy tòa nhà cũ của dinh Giáo Hoàng và đặt trong tòa nhà mới, gần đối diện với đền thờ thánh Gioan Laterano và do kiến trúc sư Domenico Fontana xây cất. Thang được đưa ban đêm tới địa điểm mới: đưa từ bậc một từ dưới lên cao. Đền thánh này hiện nay được Tòa Thánh ủy thác cho các cha dòng Thương Khó có tu viện cạnh đó coi sóc. Các tín hữu thường quì và leo lên 28 bậc Thang Thánh, bằng cẩm thạch được bọc gỗ cho khỏi mòn. Cho đến năm 1723, các bậc thang còn mang những vết máu từ vết thương Chúa Giêsu. Nhưng sau đó bị mòn và biến mất. Ở bức tường quanh thang có những bích họa liên hệ tới những cảnh tượng của Tuần Thánh: bên phía dưới trái của thang là cảnh Bữa Tiệc Ly, bên phải là cảnh Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Trên đầu thang là cảnh Chúa chịu đóng đanh.
Trên đầu thang có nhà nguyện gọi là Sacta Santorum, nơi cực thánh, chứa đựng các thánh tích vô giá mang về từ thánh địa và một số hài cốt của các vị tử đạo ở Roma thời Giáo Hội tiên khởi. Đó là nhà nguyện riêng của các vị Giáo Hoàng trong thời Trung Cổ từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ 13, và được dâng kính thánh Lorenso. Cha Carlo Fioravanti, Bề trên cộng đoàn dòng Thương Khó coi sóc Thang Thánh nói rằng: “các tín hữu Công Giáo Roma thời Trung Cổ tin rằng danh từ Sancta Sanctorum, nơi cực thánh, là điều chính đáng, vì các nơi thánh nhất tại Jerusalem đã bị tàn phá 70 năm sau Chúa Kitô”. Phần lớn các thánh tích và các bảo vật khác tại nhà nguyện Sancta Sanctorum này được đưa về Vatican hồi năm 1905.
Nhưng tại đây vẫn còn một vật huyền bí mà dân Roma rất quí chuộng, và là một vật trong số rất ít bảo vật các tín hữu hành hương có thể nhìn thấy qua chấn song, đó là bức ảnh Chúa Kitô bằng bạc có gắn đá quí được mang trong các cuộc rước của ĐGH qua các đường phố ở Roma hồi năm 756, do ĐGH Stephano II chủ sự, để cầu xin Chúa bảo vệ thành Roma chống lại cuộc xâm lăng của người Lombardi. Bức ảnh theo kiểu Bizantine này được gọi là “Acheiropoieton”, nghĩa là “không do tay người phàm vẽ ra”. Vẫn theo lời cha Fioravanti, “Một số người dân ở Roma này không biết đền thờ thánh Phêrô ở đâu, nhưng tất cả đều biết Thang Thánh”. Vào mùa Chay, các sứ đạo ở Roma thường tổ chức hành hương tại Thang Thánh để cầu nguyện và thực thi việc bác ái đền tội bằng cách quì leo lên Thang này bằng đầu gối. Họ cũng xưng tội và tham dự thánh lễ tại đây.
Điều chắc chắn là các bậc Thang Thánh không được chế tạo tại Roma hay tại một thành thị nào khác ở Tây phương, vì Thang này được làm bằng thứ cẩm thạch chỉ có ở Trung Đông. Nhưng mà có thật là Thang này được Chúa Giêsu leo lên 3 lần hay không? Cha Fioravanti nói: “Chúng ta nên nhớ rằng quan niệm thời Trung Cổ về các thánh tích khác với quan niệm của chung ta ngày nay. Đối với chúng ta, thánh tích là cái gì chắc chắn thuộc về Chúa Giêsu, Đức Mẹ hay một vị thánh, hoặc đã được các ngài đụng chạm tới, nếu không thì chẳng có giá trị gì. Trái lại, đối với các tín hữu thời Trung Cổ, thánh tích là một biểu tượng đưa tâm trí chúng ta hướng về Chúa Giêsu, Mẹ Maria hoặc một vị thánh”.
Trong một cuộc hướng dẫn khách hành hương, cha Fioravanti lấy tay chỉ vào những vết lõm trên đá cẩm thạch quanh bàn thờ ở nhà nguyện và nói rằng: “Các bạn có biết bao nhiêu ngàn khách hành hương đã đi qua đây, cầu nguyện tại đây và để lại những dấu vết này hay không?”.


CHƯƠNG IX
NHỮNG BẢO TÀNG VIỆN VATICAN
I. LỊCH SỬ
Năm 1308, đền thờ Laterano bị hỏa hoạn không sửa được nữa. Năm 1377 khi từ Avignon trở về, ĐGH Gregorio 9 đến sống tại đây và từ đó điện Vatican thay thế điện Laterano. Năm 1450, ĐGH Nicola 5 hoàn tất công trình xây cất dinh thự điện Vatican. Bên trong trang hoàng nhiều kiểu nghệ thuật Toscana đầu thời Phục Hưng. Trong số các nghệ sĩ tên tuổi có chân phước Angelico, dòng Đaminh (1400- 1455). ĐGH Sisto 4 sửa sang lại thư viện và cho xây nhà nguyện Sistina. Thư viện và các bảo tàng viện Vatican là hai kho tàng quí báo nhất của nhân loại. Cả hai mang vết tích của văn hóa Hy Lạp và La Mã diễn tả sáng tạo của con người ở trình độ cao nhất và nhờ nghệ thuật biểu lộ hình ảnh dự báo của Kitô giáo tại Tây phương. Những bảo tàng viện bắt nguồn từ sân của ĐGH Innocentio 8. Belvedere Palace với những tác phẩm điêu khắc cổ điển như thần Apolo, Venus, Lacoon, sông nile, sông Tiber, Adriane ngủ… Đức Giáo Hoàng Sisto 6 bắt đầu thu góp vào năm 1475 cho đến năm 1555. Tinh thần chống đối Phục Hưng (Counter-Reformation) cùng với những lối nhìn luân lý chống đối nghệ thuật cổ điển đã làm cho việc thu góp Vatican bị đóng lại. Tuy nhiên, nhấn mạnh mới về việc bảo vệ đức tin đã tạo ra nền tảng mới cho việc học hỏi nghệ thuật cổ điển được cả giới lịch sử lẫn khảo cổ cộng tác. Năm 1756, ĐGH Benedict 14 thiết lập Bảo Tàng Viện Kitô giáo của thư viện để “làm gia tăng vẽ đẹp của thành đô làm chứng cho chân lý tôn giáo qua các dinh thự Kitô thánh”. Năm 1767, ĐGH thành lập bảo tàng viện ngoại giáo để giữ gìn những dinh thự của thời Roma cổ.
Tôn giáo bao gồm những đạo lý siêu nhiên trừu tượng về Thiên Chúa được diễn tả qua các nghệ thuật con người điêu khắc, hội họa, kiến trúc… để diễn tả vẽ đẹp sáng tạo của Thiên Chúa theo trí tuệ và tâm hồn con người thuộc các thời đại.
Nghệ thuật diễn tả những ý niệm trừu tượng khó hiểu ở mức độ con người có thể thấu hiểu và cảm nhận được, đồng thời làm con người gần gũi hơn với Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa thường bị xem là xa cách với con người. Nghệ thuật này diễn tả những ý niệm thánh thiện của tôn giáo nên được gọi là nghệ thuật thánh, đồng thời cũng được gọi là nghệ thuật thánh vì nó đã đạt tới mức độ thánh thiện chứ không còn ở mức độ trần tục nữa. Những bảo tàng viện Vatican là một trong những kho tàng văn hóa nghệ thuật và tôn giáo danh tiếng nhất thế giới. Chúng ta phải dành ít nhiều thời giờ mới có thể thăm viếng và thưởng thức được giá trị của kho tàng này. Ngày Chúa nhật cuối tháng, những bảo tàng viện Vatican mở cửa miễn phí.
Trước đây, du khách du khách hành hương bước vào những bảo tàng viện Vatican qua một cầu thang hình tôn ốc hai chiều do G. Momo xây với những hình chạm bằng đồng của A. Marani. Nhân dịp Năm Thánh 2000, Đức Thánh Cha cho mở thêm cổng vào rộng lớn hơn với những phương tiện cần thiết cho những người tàn tật có thể sử dụng. Khi bước vào, du khách hành hương thấy trên tường những dấu tích các bức khảm đá màu cũng như chân dung và tượng của các thần linh vào 3 thế kỷ đầu sau Tây lịch.
III. ĐẶC TÍNH CỦA MỖI BẢO TÀNG VIỆN
Mỗi bảo tàng viện hoặc mỗi phòng triển lãm đều chứa đựng nhiều tác phẩm nghệ thuật lịch sử, tôn giáo nghệ thuật rất giá trị. Du khách có thể bỏ nhiều thời giờ để thăm viếng, học hỏi, chiêm ngưỡng và thưởng thức những công trình quí giá được thu thập tại đây. Càng hiểu biết về lịch sử, nghệ thuật, tôn giáo du khách càng có thể thưởng thức được những giá trị quí giá nơi mỗi tác phẩm. Chúng tôi chỉ xin giới thiệu những bảo tàng viện, phòng triển lãm và những nơi mà du khách cần thăm viếng trong chuyến du lịch hành hương.
1. Phòng Pinocoteca
ĐGH Pio 7 cho xây để trưng bày các tranh ảnh do nước Pháp trả lại cho Tòa Thánh vào năm 1815 cũng như những tác phẩm hội họa lấy từ thư viện và các điện Laterano cũng như Vatican. Pinoteca gồm 15 phòng trưng bày các tranh ảnh. Phòng 1 gồm các tranh ảnh của thời Italia cổ. Phòng 2 trưng bày các tác phẩm của danh họa Gioto và các trường phái Gôtích sau này. Phòng 3 trưng bày các bức tranh của thầy chân phước Angelio, Filippo Lippi và Benozzo. Phòng 4 của Melozzo da Forli và Marco Palmezzano. Phòng 5 của thế kỷ 14. Phòng 6 gồm các bức tranh vẽ trên bàn thờ. Phòng 7 của các họa sĩ thuộc trường phái Umbria. Phòng 8 gồm các tranh của danh họa Raffaello sanzio. Phòng 9 của danh họa Leonardo da Vinci và của các họa sĩ thuộc thế kỷ 15.
2. Bảo tàng viện Ai Cập Gregorio
ĐGH Gregorio 16 xây cất năm 1839 để chứa các di tích lấy từ nhiều bảo tàng viện khác cũng như từ biệt thự của hoàng đế Adriano ở tivoli. Bảo tàng viện này gồm các tác phẩm, đồ vật, quan tài và xác ướp cùng lễ nghi chôn cất với các câu thần chú và các đoạn trích trong sách Người Chết theo triết lý nhân sinh của Ai Cập thời cổ trước Tây lịch.
Bảo tàng viện Ai Cập gồm 10 phòng. Phòng 1 trang hoàng theo cảnh trí của phòng dẫn vào mộ phần. Phòng 2 trưng bày các kiểu trang hoàng mộ phần đào sâu dưới đất tại thung lũng của các vua chúa Ai Cập. Du khách hành hương có thể nhìn thấy những quan tài bằng đá huyền vũ nằm chung quanh có những bình đựng ruột của người chết khi ướp xác. Phòng 3 những quan tài bằng gỗ có vẽ các cảnh diễn tả nghi lễ an táng với các câu thần chú và các đoạn trích trong sách Người Chết. Phòng 4 trang hoàng các tác phẩm nghệ thuật Roma vào 3 thế kỷ đầu Tây Lịch bắt chước nghệ thuật Ai Cập. Phần lớn lấy từ biệt thự của hoàng đế Adriano ở Tivoli. Phòng 5 có nhiều quan tài bằng gỗ. Trước lồng kính là Người Đẹp (La Bella). Ngai Của một bức tượng Raphao Ramses 2. Chính giữa hành lang bán nguyệt là bức tượng khổng lồ của hoàng hậu Tula, mẹ vua Ramses 2. Đầu bằng sa thạch sơn màu của Pharao Mentuhoptep vào năm 2054 đến 2008 trước Tây lịch. Ba bức tựong khổng lồ bằng nham thạch thời Ptolemée. Tượng Ptolemalos 2 Philadelphos (258- 247). Phòng 6 gồm xác ướp của các con vật thánh (mèo, chim ưng và rắn). Các vật bùa chú bằng đồng và bằng các chất khác nhau. Bình hương, đồ trang sức hình bọ hung… cảnh người nô lệ phục vụ người chết. Phòng 7 diễn tả các người chết chôn trong phần mộ để họ làm thay cho người chết. Phòng 8 có tượng của thầy tư tế sống vào thế kỷ thứ 6 trước Tây lịch. Phòng 9 với các bản văn viết trên giấy làm bằng sậy Papyrus diễn tả về thế giới người chết, những suy tư, lời cầu nguyện… Phòng 10 trưng bày các tác phẩm thời Ai Cập bị Hồi giáo xâm chiếm.
3. Bảo tàng viện Pio Clementinô
Do hai ĐGH Clemente 14 và Piô 6 xây hồi thế kỷ 18 để trung bày các tác phẩm điêu khắc thuộc thời Hy Lạp và Roma cổ. Phòng hình thánh giá Hy Lạp hai bên cửa vào với hai người sư tử bằng nham thạch đỏ xám thuộc thế kỷ 1-3, trên nền gạch 3 bức khảm đá màu: Nữ thần Minerva cầm thuẫn, giỏ hoa, thần ăn nhậu Bacchus. Cánh trái: quan tài đá vân đỏ của công chúa Costantina, con gái hoàng đế Constantino năm 350- 360. Cảnh chạm nổi cành nho và các trẻ em hái nho. Bên cạnh là tượng hoàng đế Augustô. Chính giữa là bức khảm đá màu nữ thần Athana thuộc thế kỷ thứ 3. Bên cánh trái là quan tài đá vân đỏ của thánh Hêlen, mẹ của hoàng đế Constantino thuộc thế kỷ thứ 4. Cảnh chạm nổi các kỵ sĩ và đám tù binh, chân dung của hoàng đế Constantino và thánh Hêlen.
Phòng tròn do Simonetti xây năm 1780: nền có bức khảm đá màu otrcoli, diễn tả cảnh người Hy Lạp đánh nhau với các quái vật mình người đầu ngựa, ốc len và nữ hải nhân. Chính giữa phòng là một cái bình khổng lồ chu vi 13 thước bằng đá vân nguyên khối, trước đây đặt trong nhà vàng (domus aurea) của hoàng đế Nêrô. Bên trái: chiếc đầu khổng lồ của hoàng hậu Plotina, vợ của hoàng đế Traiano (tạc năm 129), tượng nữ thần Juno Sospita (thế kỷ 2), tượng bán thân khổng lồ của Entinous chết tại sông Nile năm 130 được phong thần, tượng khổng lồ của thần Hercules bằng đồng mạ vàng (thế kỷ 2). Đầu khổng lồ của hoàng đế Adriano, tượng một nữ thần tạc theo nguyên tác Hy Lạp thuộc năm 420 trước Tây lịch, tượng thần hộ mạng của hoàng đế Augustô.
Phòng Muse cũng do Simonetti xây gồm các bức vẽ trên trần của Tommaso Conca diễn tả tượng thần Apolo, các nàng thơ, thỉ sĩ giống như những bức tượng trưng bày trong phòng. Giữa là tượng bán thân Belvedere do Apollonius tạc. Các bức tượng gần tường là tượng 7 nàng thơ do thần Apolo dẫn đầu. Biệt thự Tivoli còn giữ lại những bức tượng của các triết gia, thi sĩ và diễn thuyết gia Hy Lạp sống thời trước Tây lịch như Pericles, Bias, Periander, Alschines, Homer, Sokrates, Platon, Euripides, Epikus…
Phòng các súc vật trưng bày tượng súc vật hay các cảnh liên quan đến súc vật… Trên nền là bức khảm đá màu diễn tả cảnh sống của dân Roma (thế kỷ 4). Thần biển Triton bắt một nử hải thần (thế kỷ 1 trước Tây lịch). Thần Mithras giết con quái vật nguyên thủy… Phòng các tượng do Belvedere xây cho ĐGH Innocente 8. Tượng Adriana đang ngủ (thế kỷ 2) tạc theo nguyên tác Hy Lạp (thuộc thế kỷ 2 trước Tây lịch), đối diện là tượng Satyr đang nghỉ, bên phải là tượng Triton, thần nước (thế kỷ 2 trước Tây lịch), phía cuối hành lang bên phải là Apolo Saroktonos đang rình giết một con báo. Một quan tài chạm nổi cảnh người khổng lồ chân rắn đánh nhau với các thần linh, tượng các thần Jupiter, Juno, Mars, Mercury, Venus, Minverva…
Phòng các tượng bán thân: gồm các tượng thần và các hoàng đế của Roma như Julius Caesar, Augustus, Titus, Tralan, Atinius Pius, Marcus Aurelius, Commodus và Caracalla…
Phòng Laocoonte: do nhà điêu khắc Hagesandros thnàh Phodes và các con của ông tạc vào khoảng 50 năm trước Tây lịch. Một tác phẩm nổi tiến diễn tả cảnh thi sĩ Virgile trong tác phẩm Eneide như sau: Lacoon là thầy tư tế của thần Apolo ngăn cản dân chúng Hy Lạp đừng đem con ngựa gỗ vào để chiếm thành Troyes. Quân lính của Hy Lạp núp trong con ngựa gỗ làm nội ứng nên đã ra mở cửa thành. Thần Apolo nổi giận nên đã sai hai con rắn đến cắn ông và hai con. Ông dùng hết sức để kéo con rắn đang cắn ở hông mình ra. Con rắn kia đã cắn vào hông chú bé nên đau đớn. Bức tượng điêu khắc với những nét tinh vi sống động này được tìm thấy vào nâm giữa “nhà vàng” của hoàng đế Nerone và nhà tắm của hoàng đế Titus. Tác phẩm này ảnh hưởng rất nhiều đến nghệ thuật thời Phục Hưng.
Phòng Apoxyomenos trưng bày một lực sĩ đang phủi bụi trên mình (thế kỷ 1). Bàn thờ dâng kính hoàng đế Augustus trong tư cách là thầy cả thượng phẩm (có từ thế kỷ 12 trước Tây lịch). Thần Victoria cầm thuẩn có khắc câu “Thượng viện và dân chúng Roma dâng kính bàn thờ này cho hoàng đế Augustus”.
4. Bảo tàng viện Chiaramonti
Viện bảo tàng này trưng bày hàng ngàn bức tượng đủ loại: các thần linh, bàn thờ, trang trí, quan tài bằng đá. Đồng thời, còn có các bức tranh vẽ về đời sống của ĐGH Pio 7 là vị thành lập viện bảo tàng này gom góp nhiều tác phẩm từ các nơi, đặc biệt là có phòng giữ hơn 5 ngàn tấm đá có khắc chữ, các bức tranh vẽ trên vòm dinh thự rất mỹ thuật diễn tả về các thần linh cũng như các hoàng đế của đế quốc Roma. Du khách không thể nào bỏ qua cổ xe chiến thắng do hai con ngựa kéo (Biga) bằng cẩm thạch tuyệt đẹp thuộc thế kỷ 1. Vào thời trung Cổ, ghế được ĐGH ngồi tại đền thờ thánh Marcô.
5. Bảo tàng viện Etrusco
ĐGH Gregoriô 16 xây vào năm 1837 để trình bày các tác phẩm và các di tích của dân tộc Etrus tìm thấy trong các cuộc khảo cổ vào năm 1828- 1839. Sưu tầm bình cổ Hy Lạp và Italia cũng như từ các thành phố Roma và Latium.
Phòng các quan tài gồm nhiều các quan tài và mộ phần thế kỷ thứ 6 trước Tây lịch đến thế kỷ thứ 3. Một quan tài thuộc vùng Vilci (thế kỷ 6 trước Tây lịch) với hai con sư tử vì người Etrus có thói quen đặt hai con sư tử ở hai bên lối vào mộ để chúng canh chừng những người chết. Quan tài vùng Tuscana (thế kỷ 2 trước Tây lịch) của một vị tướng với cảnh tàn sát quân Niobides. Một quan tài (thế kỷ 2 trước Tây lịch) bằng đá vôi với những chạm trổ thuộc vùng Cerveteri. Quan tài của công chức chính phủ có ghi lại tên tuổi và sự nghiệp (thế kỷ 3 trước Tây lịch). Tượng Lasa bằng sa thạch là nữ thần của thế giới người chết đối với dân tộc Etrus.
Phong đất nung trưng bày các đồ dùng bằng đất sét nung. Có nhiều bình đựng tro xác người chết tìm thấy tại Tarquinia và Vulci thuộc các thế kỷ 9 và 10 trước Tây lịch. Loại bình Villanova rất thông dụng trong vùng Etruria và loại bình đựng tro người chết hình cái lều được dân chúng vùng Latium biết đến.
Phòng các tác phẩm nguyên thủy Hy Lạp: Bữa tiệc của người chết (thuộc thế kỷ 4 trước Tây lịch) với hình của thần chết Hades và các người thờ lập. Người hùng cưỡi ngựa, bàn thờ và dân chúng thờ lạy (thuộc thế kỷ 4 trước Tây lịch). Thần Asklepios và con gái Hygieia cùng đoàn người thờ lạy (thế kỷ 4 trước Tây lịch).
6. Phòng triển lãm các chân đèn gồm 6 gian trưng bày các chân đèn
Ngoài các bức tranh vẽ trên trần do Domenico Torti và Ludwig Seitz vẽ vào các năm 1883- 1887 dưới thời ĐGH Leo 13, và quan tài bằng đá của trẻ em với nắp có hình chạm trổ và những bức tượng của các thần linh, du khách thấy chân đèn tìm thấy tại Otricolli thuộc thế kỷ 2 cũng như các chân đèn khác cùng thời.
7. Phòng triển lãm các bức thảm
Các bức thảm do ông Pieter van Aeist dệt tại Bỉ thuộc thế kỷ 16 theo các bức vẽ của học trò danh họa Raffaello. Những bức thảm này thuộc về Trường Phái Mới để phân biệt với những bức thảm thuộc trường phái cũ do chính danh họa Raffaelo thực hiện được trưng bày tại Pinacoteca. Phía tường đối diện cửa sổ: các mục đồng đến thờ lạy Chúa Hài Đồng. Ba vua thờ lạy Chúa. Dâng Chúa Giêsu trong đền thờ. Vua Hêrôdê ra lệnh giết các trẻ em tại Belem (gồm 3 bức). Chúa Kitô phục sinh. Chúa Kitô hiên ra với bà Maria Madalena. Chúa Giêsu ăn bữa tối với hai môn đệ tại làng Emmaus. Chúa Giêsu lên trời. Phía cửa sổ: Cuộc sống của ĐGH Urbano 8 do xưởng Baberini làm hồi thế kỷ 17. Dàn xếp tranh chấp về Trsimeno. Maffeo Barberini được ĐGH Phaolô 5 phong làm Hồng Y. ĐHY Maffeo Barberini được bầu làm Giáo Hoàng với danh hiệu là Urbano 8. Nữ quận công Mathilde dâng gia tài cho Tòa Thánh. ĐGH Urbano 8 khởi công xây pháo đài Urbano. Quân lính Roma Comelius trở lại.
8. Phòng triển lãm các bản đồ địa lý
Phòng dài 120 thước trưng bày các bản đồ địa lý do linh mục Ignazio Danti, dòng Đaminh chuyên viên toán học, vũ trụ học và kiến trúc gia nổi tiếng, vẽ vào thời gian 1580- 1583. Bốn mươi bức tranh diễn tả các vùng trong nước Italia, Corfu và Malta. Trần hành lang rất đẹp với các bức họa về các thánh xuất thân từ các vùng địa lý diễn tả trong bản đồ. Những bức họa này do trường phái Manierista dưới sự hướng dẫn của danh họa Girolamo Muzianos thành Brescia.
9. Phòng và nhà nguyện Pio 5
Tranh sơn dầu: Thánh sử Gioan (th 16), bức thảm dệt tại xưởng Bruegger (tk 16). Tranh sơn dầu chân dung thánh Giáo Hoàng Pio 5. Các thảm diễn tả: khoa chiêm tinh, âm nhạc, văn phạm…
Phòng này cũng trưng bày các bức thảm danh tiếng (tk15, 16), trên cửa là bức tán của ĐGH Urbano 8, và trên vách đối diện: cuộc tử nạn của Chúa Kitô, các mầu nhiệm về đức tin, cảnh đội triều thiên cho Đức Mẹ, Đức Tin, Đức Công Bằng và Yêu Thương. Nhà nguyện riêng của ĐGH Piô 5 này nằm giữa ba nhà nguyện chồng lên nhau.
10. Phòng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội
Các bức tranh do họa sĩ Frgancesco Podesti thành Ancona vẽ kỷ niệm ĐGH Pio 9 tuyên bố tín điều về Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ngày 2.12.1854. Chính giữa phòng là đồ hình mái tròn đền thờ thánh Phêrô bằng gỗ làm năm 1561 cùng những bìa sách trang trí mỹ thuật hình Đức Mẹ.
11. Phòng của Raffaello
Họa sĩ Raffaello thuộc dinh ĐGH Niccolo 5. Raffaello vẽ rất đẹp đến nỗi ĐGH ra lệnh hủy bỏ các bức vẽ có trước và để ông vẽ lại tất cả. Raffaello vẽ hai phòng là Stanza della Segnatura (1509- 1511) và Stanza d’Eliodoro.
12. Phòng về hỏa hoạn Borgo- stanza dell’incendio di Borgo (1514- 1715)
Raffaello muốn vẽ các bức tranh để tôn vinh quyền bính của Giáo Hoàng qua gương mặt của ĐGH Leo 10 đang cai quản và các vị tiền nhiệm Leo 3 và Leo 4. Bức tranh của lễ đội vương miện cho hoàng đế Charlemange trong đền thờ thánh Phêrô qua tay ĐGH Leo 3 vào năm 800, ám chỉ cuộc thỏa hiệp của Đức Leo 10 và vua Pháp François 1 vào năm 1515.
Năm 847 khu phố Santo Spirito nằm bên trái đền thờ thánh Phêrô bị hỏa hoạn, từ bao lơn ĐGH Leone 4 làm dấu thánh giá và tự nhiên đám cháy bị dập tắc. Bức tranh ám chỉ nổ lực của Leone 9 đem lại hòa bình cho nước Italia. Trận hỏa hoạn đe dọa thiêu rụi đền thờ thánh Phêrô: Bên trái là trận hỏa hoạn thành Troy. Năm 849, ĐGH Leone 4 chiến thắng quân Sanasin tại cảng Ostia và tuyên bố thành lập Đạo Binh Thánh Giá chống lại quân Thổ Nhĩ Kỳ trước sự hiện diện của hoàng đế Lothaire và các Hồng Y. ĐGH Leo 3 giải thích vào ngày 23 tháng 12 năm 800 chống lại tố cáo sai lạc với những dòng chữ ở dưới bức tranh: “Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền xét xử Giám Mục mà thôi, con người không có quyền đó”.
13. Phòng sắc lệnh Stanza della Segnatura (1509- 1511)
Phòng ký sắc lệnh và chiếu chỉ. Phòng này xưa là thư viện riêng của ĐGH Giulio 2. Tranh luận về phép Thánh Thể. Nhưng đề tài thực sự của bức tranh là tôn vinh Giáo Hội chiến đấu và thắng trận. Trên cao là Thiên Chúa Cha với các thiên thần bao quanh. Trên bầu trời có Chúa Kitô, Đức Mẹ Maria, thánh Gioan Tiền Hô. Dưới là Chúa Thánh Thần hai bên có hai thiên thần cầm các sách Phúc Âm. Bên trái là thánh Phêrô, Adong, thánh sử Gioan, vua Đavít, thánh Lorenso và có lẽ là ngôn sứ Gieremia. Bên phải là thánh Phaolô, tổ phụ Abraham, thánh Giacobe, ông Môisen, thánh Sêbastianô và một nhân vật Cựu ước. Dưới đất: ở chính giữa là bàn thờ có đặt mặt nhật giữ Mình Thánh Chúa. Bên trái là thánh Gregoriô, thánh Giralamo (ngồi), các Giám Mục và các tu sĩ trong đó có Angelico, Bramante đang chỉ một cuốn sách. Bên trái là thánh Ambrosio, thánh Amostino (ngồi), thánh Tomas Aquino, ĐGH Innocente 3, thánh Bonaventura, ĐGH Sisto 4, thi sĩ Dante. Phía trái: dân chúng tế lễ, thánh Augustino và đứa bé ở bãi biển. Bà bói toán cho hoàng đế Augusto thấy Đức Mẹ Maira.
Trên cửa sổ vẽ 3 nhân đức Khôn Ngoan, Tiết Độ, Dũng Cảm. ĐGH Gregorio 9 trao cho thánh Raymondo di Peđafort các sắc lệnh tượng trưng cho Giáo luật… Hoàng đế Giuliano công bố Dân luật. Maisen đem hai bảng luật xuống cho dân Do Thái. Trường phái Athen: chiến thắng của Triết học đối diện với chiến thắng của Thần học. Trên những bậc thang của đền thờ, các môn đệ đứng chung quanh hai triết gia nổi tiếng là Platon và Aristote. Bên cạnh Platon là Socrate. Aristote thản nhiên chỉ vào thiên nhiên. Các triết gia chia làm hai phái theo triết lý của họ.
Bên trên bức họa về Thánh Thể là Khoa Thần Học tranh luận về “phép Thánh Thể”. Tội nguyên tổ của Adong và Evà. Bên trái: công bằng với cán cân và lưỡi gươm công lý. Bên cạnh là cảnh vua Salomon sử án. Khoa triết học (bên trên bức họa trường phái Athenes). Bốn màu xanh da trời, đỏ, xanh lá cây và vàng tượng trưng cho bốn nhân tố Khí, Lửa, Nước, Đất. Tiếp theo là khoa Chiêm Tinh và Thơ Văn.
14. Phòng của Raffaello
Sau khi Bramante qua đời, Rafaello tiếp tục và hoàn thành dưới thời ĐGH Leo 10. Hành lang gồm tất cả 13 gian gồm 52 bức tranh diễn tả 48 cảnh từ Cựu ước và 4 cảnh từ Tân ước. chung quanh các bức tranh có trang hoàng hoa lá, cây cỏ, súc vật và chim chóc, hình người và các dụng cụ.
15. Nhà nguyện Niccò
Nhà nguyện nhỏ này được chân phước Angelico, dòng Đaminh vẽ vào các năm 1448- 1450. Các bức vẽ diễn tả cuộc sống của hai thánh Stefano và Lorenzo. Từ phía trái sang: Stefano được thánh Phêrô truyền chức phó tế. Stefano chân phát của bố thí cho người nghèo. Lorenzo được ĐGH Sesto 2 trao phó coi kho tàng Giáo Hội để phân phát giúp cho người nghèo. Stefano bị bắt và bị ném đá. Lorenzo bị hoàng đế Decius bỏ tù và hành quyết. Trên trần là 4 thánh sử và 4 con vật biểu hiệu. Hình các thánh Giáo phụ trên các cột.
16. Nghệ thuật tôn giáo tân thời
ĐGH Phaolô 6 mở năm 1973 để trưng bày các tác phẩm nghệ thuật tôn giáo tân thời gồm hội họa, điêu khắc… các tác phẩm này do các tác giả biếu tặng Tòa Thánh.
17. Nhà nguyện Sistina
Nhà nguyện dài 40 mét 30 và rong65 13,20 do ĐGH Sesto 4 xây vào những năm 1473- 1481 theo đồ họa của Baccio Pontelh. Các bức tranh trên tường được vẽ vào những năm 1481- 1483. Kể từ đó trở thành nhà nguyện riêng của các Đức Giáo Hoàng. Các cuộc bầu của Giáo Hoàng và nhiều lễ nghi quan trọng đều được tổ chức tại đây. Nhà nguyện nổi tiếng cũng vì đây là nơi các Hồng Y bầu Giáo Hoàng cũng như nhờ các bức vẽ trên tường. Michelangelo đã dùng tài năng siêu việt của mình để diễn tả cuộc sống con người từ lúc tạo dựng đến khi bị phán xét trước ngai tòa Thiên Chúa. Du khách cần dành nhiều thời giờ để chiêm ngưỡng công trình sáng tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa đã thực hiện dưới nét vẽ tài tình của danh họa Michelangelo, thiên tài của thời đại ông cũng như của mọi thời đại.
Các bức tranh bên bức tường trái kể lại cuộc đời của ông Maisen (bắt đầu từ phía bàn thờ):
- Maisen và vợ ông bên Ai Cập
- Lễ cắt bì cho con họ
- Những biến cố chính trong cuộc đời của ông Maisen: đánh giết một người Ai Cập, đuổi bọn mục tử ở Madian không cho con gái ông Jetro đến múc nước.
- Thiên Chúa hiện ra với ông trong bụi gai cháy và truyền cho ông dẫn dắt dân Ngài Ra khỏi Ai Cập
- Vượt qua Biển Đỏ
- Maisen trên núi; Maisen nhận hai bảng Luật; dân Do Thái thờ con bò vàng
- Thiên Chúa trừng phạt Nathan, Coré và Abiron
- Maisen trao gậy cho Giô-shua; dân Do Thái than khóc Maisen qua đời.
Các bức tranh bên bức tường phải kể lại cuộc đời Chúa Giêsu:
- Chúa Giêsu lãnh phép rửa bên sông Giođan
- Chúa Giêsu chữa người phong cùi
- Chúa Giêsu chịu cám dỗ
- Chúa Giêsu gọi 2 tông đồ Phêrô và Anrê
- Chúa Giêsu giảng Tám Mối Phúc Thật
- Chúa Giêsu trao chìa khóa cho Phêrô
- Bữa tiệc ly
Trên tường cuối nhà nguyện: Chúa Kitô phục sinh (Ghirlandaio vẽ) và thánh Micae chở xác Maisen (Signorelli vẽ).
Hai bên các vòm cửa sổ là hình 24 vị Giáo Hoàng tiên khởi của Giáo Hội (do Diamante, Ghirlendaio, Botticelli và Roselli vẽ).
Những bức tranh vẽ trên trần:
Trần nhà nguyện ban đầu chỉ có bầu trời. Sau này, ĐGH Giulio 2 trao cho Michaello vẽ. Ông khởi công ngày 10.5.1508 và hoàn thành ngày 31.10.1512. Các bức tranh thuật lại công trình sáng tạo vũ trụ từ ban đầu cho đến thời lụt Hồng Thủy. Michaello bắt đầu vẽ từ cuối nhà nguyện:
- Thiên Chúa phân rẽ ánh sáng ra khỏi bóng tối
- Thiên Chúa dựng nên mặt trời, mặt trăng và thảo mộc trên trái đất
- Thiên Chúa tạo dựng nên con người. Ngài giơ tay đụng đến con người để ban thần khí cho thân xác con người. Thiên Chúa tạo dựng người nữ từ cạnh sườn Adong đang ngủ say.
- Adongvà Evà bị đuổi ra khỏi vườn Địa Đàng vì đã phạm tội chống lại Thiên Chúa. Chính giữa là cây biết lành biết dữ có con rắn quấn quanh. Adong và Evà ăn trái cấm. Thiên thần cầm gươm đuổi hai ông bà ra khỏi vườn.
- Noe dâng lễ tế Chúa
- Lụt Đại Hồng Thủy. Con người thất vọng tìm đường thoát thân trong khi nước lụt dâng lên cao mãi.
- Noe say rượu.
Tiếp đến là các vị ngôn sứ và các vị chiêm tinh (bói toán) có biệt tài ức đóa tương lai quá khứ. Họ tượng trưng cho tất cả các nhân vật khôn ngoan thuộc mọi thời đại biết trước việc Đấng Cứu Thế sẽ đến và loan báo cho mọi người biết Ngài sẽ đến.
Những bức tranh vẽ chung quanh tường bắt đầu từ phía bên phải:
- Ngôn sứ Giêrêmia đang trầm tư mặc tưởng đau lòng khi suy nghĩ về số phận thành thánh Giêrusalem
- Bà bói toán (Sibylle) nước Ba Tư đang đọc sách
- Ngôn sứ Êgiêkielb tay cầm một văn bản viết trên giấy làm bằng lá dừa (Papirus)
- Bà bói toán Erythrée đang mở từng trang sách
- Ngôn sứ Giôel đang đọc sách
- Ngôn sứ Giacaria đang dở một văn bản
- Ngôn sứ Isaia ngẩng đầu nhìn một thiên thần đang gọi ông
- Bà bói toán Cumana đang mở sách
- Ngôn sứ Đaniel đang viết, một thiên thần nhỏ cầm sách cho ông
- Thầy bói Lybia lên ngai ngồi
- Ngôn sứ Giôna ngạc nhiên vì được cá voi nhả ra khỏi bụng
Những bức tranh vẽ trên bốn góc tường:
Trên bốn góc của trần nhà nguyện có bốn cảnh lấy từ Kinh Thánh Cựu ước liên quan đến ơn cứu rỗi của dân Do Thái: (bên trái) Haman bị phạt vì muốn trận diệt dân Do Thái; (bên phải) Con rắn đồng được Maisen treo cao trong sa mạc. (Bên trái cuối nhà nguyện) Giuđít chặt đầu Holophemes, Đavít giết Goliát.
Bên trên các cửa sổ là hình các nhân vật Cựu ước, tổ phụ Chúa Giêsu.
Bức tranh “Ngày phán xét chung”
Hai mươi ba năm sau Michelangelo bít hai cửa sổ trên tường cũng như xóa các bức hình cũ để vẽ cảnh “Ngày phán xét chung” khi ông đã 60 tuổi trong vòng 6 năm 1535- 1541, dưới thời Đức Giáo Hoàng Phaolô 3. Bức họa “Ngày phán xét chung” cao 20 thước và rộng 10 thước. Michelangelo dùng hết khả năng hội họa của ông để diễn tả Thiên Chúa ngự trên ngai vinh hiển phẩn nộ phán xét mọi loại trong ngày phán xét chung. Trên cùng là cảnh thiên thần khải hoàn mang thánh giá và cây cột Chúa Giêsu bị quân lính Roma buộc vào để đánh đòn: hai dụng cụ tượng trung cho ơn cứu rỗi. Chính giữa là Chúa Kitô trong tư thế phán xét, đuổi những người bị án phạt ra khỏi mặt Ngài. Đứng bên cạnh là Mẹ Maria và chung quanh là các thánh. Bên trái là thánh Anrê với thập giá, thánh Lorenxo với cái vỉ sắc mà thánh nhân đã bị thêu sống. Bên phải là thánh Phêrô cầm chìa khóa và thánh Bartolomeo đang nhìn nắm da đã bị lột khi ngài chịu tử đạo. Thánh nhân cầm trong tay cái hình đầu người méo mó là Michaelangelo. Giữa trời và đất là nhóm thiên thần cầm loa báo hiệu ngày trận thế, ngày Thiên Chúa xét sử vũ trụ và loài người. Bên phải là những người lành được cứu rỗi đang lên Thiên Đàng: mặc dù ma quỉ tìm cách ngăn cản họ. Bên trái là những người dữ bị rơi xuống hỏa ngục mặc dù họ tìm cách cưỡng lại. Phía dưới là thần Charon đợi sẵn trên thuyền để chở họ đến với thần Minos là quan án tại hỏa ngục. Đây là hai nhân vật thần thoại Michaelangelo lấy lại của thi sĩ Dante. Minos có tai lừa nhưng gương mặt giống như Baggio de Cesena là vị chưởng nghi của ĐGH Phaolô 3, ỷ quyền chưởng nghi nên đã chửi mắng Michaelangelo khi trông thấy bức họa này. (Phía dưới bên trái) cảnh người chết sống lại khi nghe tiếng loa của các thiên thần. Trái đất rung chuyển, mồ mả mở tung và người chết đứng dậy.
18. Thư viện Giáo Hoàng
Phòng xin ân xá của Pio 9: Ngày xưa là phòng nhận các đơn xin ân xá đặc biệt của giáo dân. Áo lễ thời Trung Cổ, thời Roma, hai chiếc áo lễ quí thuộc kho tàng Sancta Santorum. Ngoài ra, còn những chiếc áo cổ trước thời hoàng đế Constantino và chiếc áo lễ hình tam giác của Giáo Hội Đông Phương. Nhiều tủ bằng kính, sứ hoặc sành, ngà voi hoặc kim loại. Bìa cuốn Phúc Âm bằng ngà voi làm năm 900. Chúa Kitô ngự trên nngai có 5 thánh Tông Đồ đứng chung quanh trước đây giữ tại bàn thờ Tuyên Xưng Đức Tin trong đền thờ thánh Phêrô. Các dụng cụ thánh dùng trong thánh lễ. ĐGH Clemente 14 giữ những bản viết trên lá cây sậy thuộc các thế kỷ 6 đến thứ 9. Nhiều chén lễ chạm trổ tinh vi thuộc các thế kỷ thứ 3 và 4. Có cả chén chạm trổ cảnh Chúa Giêsu làm cho Ladaro sống lại. ĐGH Benedicto giữ những đồ cổ được tìm thấy nơi các hang toại đạo: đèn dầu, dụng cụ, đồ dùng bằng bạc và ngà.
19. Bảo tàng viện truyền giáo và sắc dân
ĐGH Pio 11 thành lập tại dinh Laterano và mở cửa cho dân chúng vào coi năm 1927. ĐGH Gioan 23 mang về Vatican. Đa số những tác phẩm nghệ thuật do dòng tu truyền giáo hoặc các tư nhân biếu tặng Tòa Thánh Vatican.
20. Bảo tàng viện lịch sử
ĐGH Phaolô 6 mở cửa thư viện này để trình bày di tích các phương tiện di chuyển, quân dụng và quân trang của quân đội quốc gia Vatican. Du khách có thể nhìn thấy những áo choàng dành cho ngựa, đoàn hộ tống ĐGH, xe ngựa hoặc xe cộ màu khác nhau dùng cho những chuyến đi xa. Những chiếc kiệu nhung đỏ dùng cho các Giáo Hoàng.