PDA

View Full Version : Sứ điệp của ĐTC Biển Đức 16 nhân ngày Hòa Bình Thế Giới 1-1-2009



px_hongtrinh
13-12-2008, 09:07 PM
Sứ điệp của ĐTC Biển Đức 16 nhân ngày Hòa Bình Thế Giới 1-1-2009


BÀI TRỪ ĐÓI NGHÈO, XÂY DỰNG HÒA BÌNH

1. Vào đầu năm mới này, tôi cũng muốn gửi đến tất cả mọi người lời cầu chúc hòa bình, và qua Sứ Điệp này, tôi mời gọi suy tư về đề tài: Bài trừ nghèo đói, xây dựng hòa bình. Trong Sứ điệp nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới năm 1993, vị Tiền nhiệm đáng kính của tôi, Gioan Phaolô 2, đã từng nêu rõ những ảnh hưởng tiêu cực mà tình trạng nghèo đói của các dân tộc gây ra cho hòa bình. Thực vậy, nghèo đói thường là một trong những nhân tố góp phần hoặc làm cho các cuộc xung đột trầm trọng thêm, kể cả các cuộc xung đột võ trang. Đối lại, các cuộc xung đột này nuôi dưỡng thảm trạng nghèo đói. Đức Gioan Phaolô 2 đã viết: ”Một đe dọa nghiêm trọng khác đối với hòa bình đang xảy ra và ngày càng trầm trọng hơn trên thế giới, đó là nhiều người, hay đúng hơn, nhiều dân tộc ngày nay đang sống trong cảnh nghèo đói cùng cực. Sự chênh lệch giữa người giàu và người nghèo ngày càng rõ rệt hơn, ngay cả tại những nước phát triển về kinh tế. Đây là một vấn đề mà lương tâm nhân loại phải quan tâm, vì tình cảnh của nhiều người đau thương đến độ làm thương tổn phẩm giá bẩm sinh của họ và vì thế cũng làm thiệt hại cho sự phát triển chân thực và sự hòa hợp của cộng đồng thế giới” (1).

2. Trong bối cảnh đó, việc bài trừ nghèo đói cũng đòi phải cứu xét kỹ lưỡng hiện tượng phức tạp là sự hoàn cầu hóa. Việc cứu xét này quan trọng cả về phương diện phương pháp, vì nó nhắc nhở nên sử dụng kết quả nghiên cứu của các nhà kinh tế và xã hội học về bao nhiêu khía cạnh của nạn nghèo đói. Nhưng việc kêu gọi để ý đến sự hoàn cầu hóa cũng phải mang một ý nghĩa tinh thần và luân lý, thúc giục hãy nhìn người nghèo với ý thức rằng tất cả mọi người đều tham phần vào một dự án duy nhất của Thiên Chúa, dự án mời gọi họp thành một gia đình duy nhất, trong đó mọi người - cá nhân, dân tộc và quốc gia - phải cư xử theo các nguyên tắc huynh đệ và trách nhiệm.
Trong viễn tượng ấy, cần có một cái nhìn bao quát và rõ ràng về nạn nghèo đói. Giả sử đó chỉ là nghèo đói về vật chất mà thôi, thì chỉ cần các khoa học xã hội nêu rõ những đặc tính chính yếu của hiện tượng nghèo đói là đủ; các khoa này giúp chúng ta đo lường nghèo đói dựa trên các dữ kiện, chủ yếu là số lượng. Nhưng chúng ta biết rằng có những thứ nghèo đói không thuộc vật chất, và chúng không phải là hậu quả trực tiếp và đương nhiên của sự thiếu thốn vật chất. Ví dụ, trong các xã hội sung túc và tiến bộ, có tình trạng những người bị gạt ra ngoài lề, họ nghèo về tương quan, về luân lý và tinh thần: đó là những người bị mất định hướng trong nội tâm, mặc dù sống trong sung túc về kinh tế, nhưng họ vẫn không cảm thấy thoải mái và thấy khó chịu. Một đàng tôi nghĩ đến điều gọi là ”chậm tiến về tinh thần” (2), và đàng khác, tôi nghĩ đến những hậu quả tiêu cực của sự ”siêu phát triển” (3). Tôi cũng không quên rằng, trong các xã hội gọi là ”nghèo”, sự tăng trưởng kinh tế thường bị cản trở vì những chướng ngại văn hóa, không cho phép sử dụng đúng đắn các nguồn tài nguyên. Dầu sao đi nữa, điều rất đúng là mỗi hình thức nghèo đói đều có căn cội là sự thiếu tôn trọng phẩm giá siêu việt của nhân vị. Khi con người không được coi trọng trong ơn gọi toàn diện của họ và khi người ta không tôn trọng những đòi hỏi của một nền ”sinh thái học về con người” (4) thì những năng động xấu xa của nghèo đói cũng bùng lên, như ta thấy rõ trong một số môi trường mà tôi sắp gợi lên sau đây.

Nghèo đói và những hệ lụy về luân lý

3. Nghèo đói thường được đặt trong quan hệ với sự gia tăng dân số, như thể đây là nguyên nhân gây nên nghèo đói. Vì thế, có những chiến dịch giảm bớt sinh sản đang được phát động trên bình diện quốc tế, và người ta dùng cả những phương pháp không tôn trọng phẩm giá của phụ nữ cũng như không tôn trọng quyền của đôi vợ chồng được xác định số con của họ trong tinh thần trách nhiệm (5) và nhiều khi, trầm trọng hơn nữa, người ta dùng cả những phương pháp không tôn trọng quyền sống. Sự tiêu diệt hàng triệu hài nhi chưa sinh ra, nhân danh cuộc chiến chống nghèo đói, trong thực tế, đó là một sự loại trừ những người nghèo nhất trong nhân loại. Đứng trước tình trạng đó, có sự kiện này là: hồi năm 1981, khoảng 40% dân số thế giới sống dưới mức nghèo đói tuyệt đối, nhưng ngày nay tỷ lệ ấy được giảm bớt một nửa, và có những dân tộc đã ra khỏi tình trạng nghèo đói, và hơn nữa dân số gia tăng đáng kể. Sự kiện ấy chứng tỏ điều này là: có những nguồn tài nguyên để giải quyết vấn đề nghèo đói, cho dù dân số gia tăng. Cũng không nên quên rằng, từ cuối thế chiến thứ hai đến nay, dân số trên trái đất tăng thêm 4 tỷ người, và phần lớn hiện tượng này có liên quan tới những nước mới trổi lên trên trường quốc tế như những tân cường quốc kinh tế và đã phát triển mau lẹ nhờ dân số đông. Ngoài ra, trong số những nước phát triển cao, nước nào có tỷ số sinh sản cao hơn thì có tiềm năng phát triển nhiều hơn. Nói khác đi, dân số đang tỏ ra là điều phong phú chứ không phải là một nhân tố gây nên nghèo đói.

4. Một lãnh vực khác gây lo âu là các bệnh truyền nhiễm lan rộng, chẳng hạn bệnh sốt rét ngã nước, lao phổi và Sida. Tùy theo mức độ tác động trên các thành phần sản xuất trong dân chúng, chúng có ảnh hưởng lớn trong việc làm suy thoái tình trạng chung của đất nước. Những cố gắng ngăn chặn hậu quả của các bệnh ấy nơi dân chúng không luôn luôn đạt được những kết quả đáng kể. Ngoài ra, để nhận được viện trợ kinh tế hầu có thể đương đầu với các bệnh dịch vừa nói, các nước nạn nhân thường phải thi hành những chính sách trái ngược với sự sống. Đặc biệt, thật là khó bài trừ bệnh Sida, vốn là một nguyên nhân thê thảm gây ra nghèo đói, nếu không để ý tới các vấn đề luân lý có liên hệ tới sự lan tràn vi trùng bệnh này. Trước tiên cần thực hiện những chiến dịch nhắm giáo dục đặc biệt cho người trẻ về tính dục trong tinh thần trách nhiệm hoàn toàn tương ứng với phẩm giá con người; các sáng kiến trong chiều hướng này đã mang lại những thành quả quan trọng, làm giảm bớt sự lan tràn bệnh Sida. Tiếp đến cần cung cấp cho dân nghèo những thuốc men và các biện pháp trị liệu cần thiết; điều này đòi phải có một sự quyết liệt cổ võ nghiên cứu y khoa và những canh tân phương pháp trị liệu, và nếu cần, nên áp dụng uyển chuyển các qui luật quốc tế về việc bảo vệ tài sản trí thức, để đảm bảo cho tất cả mọi người sự săn sóc cơ bản về y tế.

5. Một lãnh vực thứ ba cần chú ý trong các chương trình chiến đấu chống nghèo đói, và nó chứng tỏ chiều kích luân lý nội tại của chương trình này, đó là tình trạng nghèo đói của các trẻ em. Khi gia đình lâm vào tình trạng nghèo đói, thì các trẻ em là những nạn nhân dễ bị thương tổn nhất: hầu như một nửa những người sống trong nghèo đói cùng cực ngày nay là trẻ em. Đứng về phía các trẻ em khi cứu xét vấn đề nghèo đói, sẽ giúp dành ưu tiên cho những mục tiêu có liên hệ trực tiếp tới các em, ví dụ chăm sóc người mẹ, dấn thân giáo dục, giúp chủng ngừa, chữa trị bệnh tật và cung cấp nước uống, bảo vệ môi sinh, và nhất là dấn thân bảo vệ gia đình cũng như quan hệ bền vững của gia đình. Khi gia đình bị suy yếu thì những thiệt hại chắc chắn sẽ đổ trên các trẻ em. Nơi nào phẩm giá phụ nữ và người mẹ không được tôn trọng, thì con cái là những người càng cảm thấy điều đó hơn cả.

6. Một phạm vi thứ tư đáng được đặc biệt chú ý xét về phương diện luân lý, đó là tương quan giữa sự giải trừ võ trang và phát triển. Mức độ chi phí quân sự hiện nay trên thế giới đang gây lo âu. Như tôi đã có dịp nhấn mạnh, hiện nay ”những tài nguyên lớn lao về vật chất và nhân sự đang được sử dụng cho những chi phí quân sự và cho việc võ trang. Thực tế là các tài nguyên đó bị rút từ các dự án phát triển các dân tộc, nhất là những dân nghèo túng nhất cần được giúp đỡ. Và đây là trái ngược với Hiến Chương Liên Hợp Quốc. Văn kiện này đòi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia, phải ”thăng tiến sự ổn định và duy trì hòa bình, an ninh quốc tế với chi phí tối thiểu về nhân lực và tài lực cho việc võ trang” (điều 26) (6).
Tình trạng vừa nói không tạo điều kiện dễ dàng, và tệ hơn nửa, nó cản trở nghiêm trọng việc đạt tới những mục tiêu lớn về phát triển mà cộng đồng quốc tế nhắm tới. Ngoài ra, sự gia tăng thái quá các chi phí quân sự có nguy cơ đẩy mạnh cuộc chạy đua võ trang, tạo nên những vùng chậm tiến và tuyệt vọng, và do đó trở thành yếu tố gây ra bất ổn, căng thẳng và xung đột. Như vị Tiền Nhiệm đáng kính của tôi, Đức Phaolô 6, đã quả quyết chí lý ‘Phát triển chính là danh xưng mới của hòa bình’ (7). Vì thế, các nước được kêu mời hãy suy tư nghiêm túc về những lý do sâu xa nhất gây nên các cuộc xung đột, thường là do bất công khơi lên, và hãy can đảm xét mình về vấn đề này. Nếu người ta đạt tới sự cải tiến các quan hệ, thì tình trạng này sẽ giúp giảm bớt các chi phí võ trang. Các tài nguyên tiết kiệm được có thể dành cho các dự án phát triển con người và các dân tộc nghèo túng nhất: việc dấn thân trong chiều hướng này chính là dấn thân cho nền hòa bình giữa lòng gia đình nhân loại”.

7. Lãnh vực thứ năm liên quan tới cuộc chiến chống nghèo đói vật chất là cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay, đang gây nguy hiểm trầm trọng cho việc thỏa mãn các nhu cầu cơ bản. Cuộc khủng hoảng này không phải vì thiếu lương thực cho bằng vì những khó khăn trong việc kiếm được lương thực và vì những hiện tượng đầu cơ, và vì thiếu những tổ chức chính trị và kinh tế có khả năng đương đầu với các nhu cầu và tình trạng khẩn cấp. Nạn suy dinh dưỡng cũng có thể gây ra những thiệt hại nặng nề về tâm vật lý cho dân chúng, khiến cho nhiều người không có năng lực cần thiết để ra khỏi cảnh nghèo đói, nếu không được trợ giúp đặc biệt. Và điều này góp phần làm cho sự chênh lệch thêm sâu rộng, tạo nên những phản ứng có nguy cơ trở thành bạo lực. Các dữ kiện về nạn nghèo đói trong những thập niên gần đây cho thấy hố chia cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng sâu rộng. Những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng ấy, một đàng chắc chắn là sự thay đổi kỹ thuật mà giai cấp có lợi tức cao trong xã hội được hưởng, và đàng khác là do tình trạng giá cả sản phẩm công nghệ gia tăng mau lẹ hơn giá nông phẩm và nguyên liệu mà các nước nghèo sở hữu. Và thế là phần lớn dân chúng tại các nước nghèo nhất bị gạt ra ngoài lề hai lần, xét về lợi tức thấp và về giá cả cao.

Chiến đấu chống nghèo đói và tình liên đới hoàn cầu

8. Một trong những con đường tốt nhất để xây dựng hòa bình là sự hoàn cầu hóa nhắm đến lợi ích của đại gia đình nhân loại (8). Nhưng để quản trị sự hoàn cầu hóa, cần có một sự liên đới hoàn cầu (9) mạnh mẽ giữa các nước giàu và các nước nghèo, cũng như giữa lòng mỗi nước, dù đó là nước giàu. Cần có một ”bộ qui luật luân lý đạo đức chung” (10), các qui luật này không phải chỉ có tính chất qui ước, nhưng được ăn rễ sâu nơi luật tự nhiên mà Đấng Tạo Hóa đã ghi khắc trong lương tâm mỗi người (Xc Rm 2,14-15). Phải chăng mỗi người chúng ta không cảm thấy trong lương tâm mình tiếng gọi hãy đóng góp phần của mình cho công ích và cho hòa bình xã hội sao? Sự hoàn cầu hóa loại bỏ một số hàng rào, nhưng điều này không có nghĩa là người ta không thể dựng lên những hàng rào mới; Hoàn cầu hóa làm cho các dân tộc xích lại gần nhau, nhưng sự lân cận về không gian và thời gian tự nó không tạo nên những điều kiện để có sự hiệp thông đích thực và một nền hòa bình chân chính. Tình trạng người nghèo trên trái đất bị gạt ra ngoài lề chỉ có thể tìm thấy những phương thế hữu hiệu trong sự hoàn cầu hóa để sửa chữa, nếu mỗi người cảm thấy bản thân mình bị thương tổn vì những bất công hiện hữu trên thế giới và những vi phạm nhân quyền đi kèm những bất công ấy. Giáo Hội, vốn là ”dấu chỉ và là phương thế để kết hiệp thân mật với Thiên Chúa và hiệp nhất toàn thể nhân loại” (11), sẽ tiếp tục đóng góp phần của mình để khắc phục những bất công và hiểu lầm, để xây dựng một thế giới an bình và liên đới hơn.

9. Trong lãnh vực thương mại quốc tế và những giao dịch tài chánh, ngày nay đang có những tiến trình giúp hội nhập tích cực các nền kinh tế, góp phần cải tiến tình trạng chung; nhưng cũng có những tiến trình ngược lại, gây chia rẽ và gạt các dân tộc ra ngoài lề, tạo nên những tiền đề cho chiến tranh và xung đột. Trong những thập niên sau thế chiến thứ hai, việc trao đổi các hàng hóa và dịch vụ trên trường quốc tế đã gia tăng rất mau lẹ, với một năng động chưa từng có trong lịch sử. Phần lớn nền thương mại thế giới, với sự tham gia đáng kể của nhiều nước đang lên, trở nên quan trọng. Nhưng cũng có những nước khác, với lợi tức thấp, vẫn còn bị ở ngoài lề trào lưu thương mại. Sự tăng trưởng của các nước này bị giảm bớt mau lẹ vì sự mất giá của các nguyên liệu vốn chiếm hầu hết sản phẩm xuất khẩu của họ, trong những thập niên gần đây. Tại các nước ấy, phần lớn là Phi châu, sự lệ thuộc việc xuất khẩu các nguyên liệu tiếp tục là một yếu tố có nhiều rủi ro. Ở đây tôi muốn tái kêu gọi làm sao để tất cả các nước cùng được cơ may được tham gia vào thị trường thế giới, tránh tình trạng bị loại trừ và gạt ra ngoài lề.

10. Một suy tư tương tự cũng có thể được đưa ra đối với tài chánh, vốn liên hệ tới một trong những khía cạnh cơ bản của hiện tượng hoàn cầu hóa, nhờ sự tiến bộ của ngành điện tử và các chính sách cho tự do di chuyển tiền bạc giữa các nước. Chức năng quan trọng nhất của tài chánh, xét một cách khách quan, là hỗ trợ dài hạn khả năng đầu tư và phát triển. Chắc năng ấy ngày nay đang tỏ ra mong manh hơn bao giờ hết: nó đang chịu những hậu quả tiêu cực của một hệ thống trao đổi tài chánh - trên bình diện quốc gia và hoàn vũ - dựa trên một thứ tiêu chuẩn rất ngắn hạn, nhắm gia tăng giá trị của các hoạt động tài chánh và tập trung vào việc quản trị về mặt kỹ thuật những hình thức rủi ro khác nhau. Cuộc khủng hoảng mới đây cũng cho thấy hoạt động tài chánh nhiều khi bị hướng dẫn bởi những tiêu chuẩn hoàn toàn tự tham chiếu và không để ý tới công ích về lâu về dài. Sự kiện các chuyên gia tài chánh chỉ nhắm tới các mục tiêu rất ngắn hạn thu hẹp khả năng của tài chánh trong việc thi hành chức năng bắc cầu giữa hiện tại và tương lai, hỗ trợ việc kiến tạo những cơ may mới trong việc sản xuất và lao động trong thời kỳ lâu dài. Một nền tài chánh chỉ nhắm tới mục tiêu ngắn và rất ngắn hạn trở thành nguy hiểm cho tất cả mọi người, kể cả những người đã hưởng lợi nhờ đó trong những thời kỳ phồn thịnh về tài chánh (12).

11. Từ tất cả những điều vừa nói người ta thấy rõ cuộc chiến chống nghèo đói đòi phải có một sự cộng tác trên bình diện kinh tế cũng như pháp lý, giúp cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước nghèo, đề ra và thực thi những giải pháp có phối hợp để đương đầu với những vấn đề nói trên đây bằng cách thực hiện một khuôn khổ pháp lý hữu hiệu đối với nền kinh tế. Ngoài ra nó cũng đòi phải khích lệ thành lập những tổ chức hữu hiệu và được sự tham gia của nhiều thành phần, cũng như những nâng đỡ để chiến đấu chống nạn tội phạm và thăng tiến một nền văn hóa tôn trọng luật pháp. Đàng khác, người ta cũng không thể phủ nhận rằng các chính sách chỉ nhắm viện trợ chính là nguyên do gây nên nhiều thất bại trong việc trợ giúp các nước nghèo. Đầu tư vào việc huấn luyện nhân sự và phát triển một cách toàn diện nền văn hóa chuyên biệt đề cao sáng kiến, hiện nay dường như là một dự án thực sự có tính cách trung hạn và dài hạn. Nếu các hoạt động kinh tế cần một bối cảnh thuận lợi để phát triển, thì điều đó không có nghĩa là không được chú ý đến vấn đề lợi tức. Mặc dù nên nhấn mạnh rằng sự gia tăng lợi tức mỗi đầu người không thể là mục tiêu tuyệt đối của hoạt động chính trị kinh tế, nhưng không nên quên rằng lợi tức là một dụng cụ quan trọng để đạt tới mục tiêu của cuộc chiến đấu chống nghèo đói tuyệt đối. Về phương diện này cần loại bỏ ảo tưởng cho rằng chỉ cần một chính sách phân phối tài nguyện hiện hữu là có thể giải quyết chung kết vấn đề. Thực vậy, trong nền kinh tế hiện đại, giá trị của sự sung túc phần lớn tùy thuộc khả năng kiến tạo lợi tức hiện tại và tương lai. Vì thế, việc kiến tạo giá trị là một sự ràng buộc không thể tránh né, và phải để ý tới nó nếu muốn chiến đấu chống nghèo đói vật chất một cách hữu hiệu và lâu bền.

12. Sau cùng, đặt người nghèo ở chỗ thứ nhất có nghĩa là: những người hoạt động trong thị trường quốc tế phải dành vị trí thích hợp cho một tiêu chuẩn đúng đắn về kinh tế, những người lãnh đạo các tổ chức dành chỗ thích hợp cho một tiêu chuẩn chính trị đúng đắn, và một tiêu chuẩn tham gia đúng đắn, có khả năng nêu cao giá trị của xã hội dân sự địa phương và quốc tế. Chính các tổ chức quốc tế ngày nay nhìn nhận sự quí giá và lợi điểm của các sáng kiến kinh tế do xã hội dân sự hoặc do các chính quyền địa phương đề ra, để thăng tiến sự cải tiến và hội nhập vào xã hội những thành phần dân chúng thường ở dưới mức độ nghèo đói cùng cực, khó nhận được những trợ giúp từ phía chính quyền. Lịch sử phát triển kinh tế trong thế kỷ 20 dạy rằng những chính sách phát triển tốt đã được ủy thác cho trách nhiệm của con người và cho việc kiến tạo sự hợp lực tích cực giữa thị trường, xã hội dân sự và Nhà Nước. Đặc biệt xã hội dân sự giữ một vai trò chủ yếu trong mỗi tiến trình phát triển, vì sự phát triển chủ yếu là một hiện tượng văn hóa và văn hóa nảy sinh và phát triển trong những môi trường dân sự (13).

13. Như vị Tiền Nhiệm đáng kính của tôi, Đức Gioan Phaolô 2, đã quả quyết, ”sự hoàn cầu hóa xuất hiện với đặc tính nổi bật là có hai mặt” (14) và vì thế cần được quản trị một cách khôn ngoan thận trọng. Trong sự khôn ngoan này, trước tiên cần để ý đến những đòi hỏi của người nghèo trên thế giới, vượt thắng gương mù là sự chênh lệch thái quá giữa những tình trạng nghèo đói và các biện pháp mà con người đưa ra để đối phó với chúng. Sự thiếu tương ứng đó thuộc bình diện văn hóa và chính trị cũng như trên bình diện tinh thần và luân lý. Thực vậy, thường thường người ta chỉ dừng lại ở những nguyên nhân hời hợt và phụ thuộc gây ra nghèo đói, mà không đi tới những nguyên nhân ở trong tâm hồn con người, như sự hám lợi và quan niệm hẹp hòi. Nhiều khi người ta đối phó với các vấn đề phát triển, trợ giúp và cộng tác quốc tế mà không có sự can dự đích thực của nhân sự, và họ chỉ coi đó là một vấn đề kỹ thuật chuyên môn mà thôi. Vì thế họ chỉ lo điều chỉnh các cơ cấu, thiết lập các hiệp định về giá cả và cung cấp những khoản tài trợ vô danh. Trái lại cuộc chiến chống nghèo cần những người nam nữ sống tinh thần huynh đệ sâu xa, và có khả năng tháp tùng con người, các gia đình và cộng đoàn trong hành trình phát triển nhân bản đích thực.

Kết luận

14. Trong Thông điệp ”Centesimus annus” (Năm Thứ 100), Đức Gioan Phaolô 2 đã cảnh giác về sự cần thiết phải ‘từ bỏ não trạng coi người nghèo - cá nhân và các dân tộc - như gánh nặng và như một điều gây phiền toái, khó chịu, những người muốn tiêu xài những gì mà người khác làm ra”. Ngài viết: ”Người nghèo yêu cầu được quyền tham gia vào việc hưởng các của cải vật chất và làm cho khả năng làm việc của họ được sinh lợi, nhờ đó tạo nên một thế giới công bằng và thịnh vượng hơn cho tất cả mọi người” (15). Trong thế giới hoàn cầu hóa hiện nay, càng ngày người ta càng thấy rõ rằng ta chỉ kiến tạo hòa bình nếu đảm bảo cho tất cả mọi người cơ hội được tăng trưởng hợp lý: sự sai trái của các hệ thống bất công, sớm muộn gì cũng gây ra thiệt hại cho tất cả mọi người. Vì thế chỉ có sự điên rồ mới có thể khiến cho người ta xây cất một căn nhà vàng, nhưng xung quanh là sa mạc hoặc những cảnh sa sút. Sự hoàn cầu hóa tự nó không thể xây dựng hòa bình, và trong nhiều trường hợp nó còn tạo nên chia rẽ và xung đột. Đúng hơn, sự hoàn cầu hóa cho thấy một nhu cầu: đó là phải hướng về một mục tiêu liên đới sâu rộng, nhắm đến thiện ích của mỗi người và mọi người. Theo chiều hướng đó, hoàn cầu hóa phải được coi như một cơ may thuận lợi để thực hiện một cái gì quan trọng trong cuộc chiến chống nghèo đói và để tận dụng những nguồn lợi cho đến nay không được nghĩ tới hầu phục vụ cho công lý và hòa bình.

15. Đạo lý xã hội của Hội Thánh vẫn luôn quan tâm đến người nghèo. Vào thời Thông điệp ”Rerum novarum” (Tân Sự), người nghèo thường là những công nhân trong một xã hội mới được công nghệ hóa; giáo huấn xã hội của Đức Piô 11, Piô 12, Gioan 23, Phaolô 6 và Gioan Phaolô 2, đã làm nổi bật trước ánh sáng những nạn nghèo mới khi chân trời của vấn đề xã hội dần dần mở rộng thêm, đến mức độ có những chiều kích hoàn vũ (16).. Sự mở rộng vấn đề xã hội theo chiều kích hoàn cầu cần được cứu xét không những như một sự mở rộng về lượng nhưng còn như một sự đào sâu chất lượng về con người và về các nhu cầu của gia đình nhân loại. Vì thế, trong khi quan tâm theo dõi những hiện tượng hoàn cầu hóa ngày nay và ảnh hưởng của chúng trên sự nghèo đói của con người, Giáo Hội chỉ cho thấy những khía cạnh mới của vấn đề xã hội, không những về chiều rộng, nhưng cả về chiều sâu nữa, xét vì chúng liên hệ tới căn tính của con người và quan hệ của con người với Thiên Chúa. Chính những nguyên tắc đạo lý xã hội nhắm làm sáng tỏ những mối liên hệ giữa nghèo đói và sự hoàn cầu hóa và qui hướng hành động về việc xây dựng hòa bình. Trong số các nguyên tắc ấy nên đặc biệt nhắc lại ở đây ”tình yêu thương ưu tiên dành cho người nghèo” (17), dưới ánh sáng tầm quan trọng trổi vượt của đức bác ái, vốn được toàn thể truyền thống Kitô giáo làm chứng, bắt đầu từ truyền thống của Giáo Hội nguyên thủy (Xc Cv 4,32-36; 1 Cr 16,1; 2 Cr 8-9; Gal 2,10).
”Mỗi người hãy thi hành phận vụ của mình và đừng trì hoãn” đó là điều Đức Lêô 13 đã viết hồi năm 1891, và ngài thêm rằng: ”Về phần mình, Giáo Hội sẽ không bao giờ thiếu sót công việc bổn phận bằng bất cứ cách nào” (19). Ý thức này ngày nay cũng tháp tùng hoạt động của Giáo Hội đối với người nghèo, trong đó Giáo Hội nhìn thấy Chúa Kitô (19) và luôn nghe văng vẳng trong tâm hồn mình mệnh lệnh của vị Vua Hòa Bình nói với các Tông Đồ: ”Chính các con hãy cho họ ăn đi” (Lc 9,13). Trung thành với lời mời gọi của Chúa, cộng đồng Kitô giáo sẽ không quên bảo đảm với toàn thể gia đình nhân loại sự hỗ trợ trong những nỗ lực liên đới một cách sáng tạo, không những để rộng ban những gì là thừa thãi, nhưng nhất là để thay đổi ”lối sống, những kiểu mẫu sản xuất và tiêu thụ, những cơ cấu quyền bính được củng cố đang điều hành các xã hội ngày nay” (20). Tôi nồng nhiệt mời gọi mỗi môn đệ Chúa Kitô, cũng như mỗi người thiện chí, vào đầu năm mới này, hãy mở rộng con tim đối với những nhu cầu của người nghèo và làm những gì cụ thể có thể giúp đỡ họ. Thực vậy, châm ngôn này vẫn luôn đúng, đó là ”bài trừ nghèo đói chính là xây dựng hòa bình”.

Vatican ngày 8-12-2008
Biển Đức 16, Giáo Hoàng
(LM Trần Đức Anh OP chuyển ý từ nguyên bản tiếng Ý)
——–
Chú Thích
1. Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế giới, n.1.
2. Phaolô 6, Thông điệp ‘Popolorum progressio’, 19.
3. Gioan Phaolô 2, Thông điệp ‘Sollicitudo rei socialis’, 29.
4. Gioan Phaolô 2, Thông điệp ”Centesimus annus”, 38.
5. Xc. Phaolô 6, Thông Điệp ‘Populorum progressio’, 37; Gioan Phaolô 2, Thông điệp ‘Sollicitudo rei socialis’, 25.
6. Biển Đức 16, Thư gửi ĐHY Renato Raffaele Martino nhân dịp cuộc Hội Luận quốc tế do Hội đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình tổ chức về đề tài ‘Giải trừ võ trang, phát triển và hòa bình. Viễn tượng một cuộc giải trừ võ trang toàn bộ ‘, 10-4-2008: l’Osservatore Romano, 13.4.2008, p.8)
7. Thông Điệp ‘Populorum progressio’, 87.
8. Xc. Gioan Phaolô 2, Thông điệp ‘Centesimus annus’, 58
9. Xc Gioan Phaolô 2, Diễn văn trong buổi tiếp kiến Công giáo Tiến hành, 27-4-2002, 4: Insegnamenti di Giovanni Paolo II, XXV, 1 [2002], 637.
10. Gioan Phaolô 2, Diễn văn cho Đại hội Hàn lâm viện Tòa Thánh các khoa xã hội, 27-4-2001, 4: Insegnamenti di Giovanni Paolo II, XXIV, 1 [2001], 802.
11. Vatican II, Hiến Chế ‘Lumen gentium’, 1
12. Xc. Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, Toát Yếu đạo lý xã hội của Hội Thánh, 368
13. Xc. Ibid., 356
14. Diễn văn với giới lãnh đạo công đoàn công nhân và các công ty lớn, 2-5-2000, 3: Insegnamenti di Gioavanni Paolo II, XXIII, 1 [2000], 726.
15. N.28
16. Xc. Gioan Phaolô 2, Thông điệp ‘Populorum progressio’, 3
17. Gioan Phaolô 2, Thông điệp ‘Sollicitudo rei socialis’, 42; cf Idem, Thông điệp ‘Centesimus annus’, 57
18. Thông điệp ‘Rerum novarum’, 45
19. Xc. Gioan Phaolô 2, Thông điệp ‘Centesimus annus’, 58.
20. Ibid.

Nguồn: Đài Vatican Việt ngữ ĐGH Benedictô XVI


VietCatholic News (13 Dec 2008 14:16)