PDA

View Full Version : Nhiều nẻo đường chứng tá



littlewave
13-12-2008, 11:19 PM
Nhiều nẻo đường chứng tá (Ga 1,6-8. 19-28)

Thưa quí vị.

Liệu tiếng trong hoang địa có cơ hội được lắng nghe giữa những ồn ào náo nhiệt của trung tuần tháng 12 ? Thí dụ, giữa tiếng dò tìm kim loại của những máy kiểm soát nơi các phi trường, giữa tiếng máy bay lên xuống, tăng tốc, giảm tốc ầm ầm trên đầu và muôn vàn âm thanh khác nữa ? Ấy là về phần vật chất, còn tinh thần thì rõ ràng tiếng nói của Hội thánh đang chìm ngập vào khối âm thanh của thế giới duy vật. Ở một vài nơi, người ta chẳng còn nghe thấy nữa bởi những gương xấu mới đây. Giáo hội có rao giảng thì cũng hoàn toàn lạc điệu ? Lấy chi làm chứng cớ cho những lời rao giảng ấy ?

Tuy nhiên, có nhiều điều chúng ta cần nghe, nhiều chân lý loài người phải tôn trọng. Thí dụ, tiếng nói của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ tháng 11 vừa qua về chống án tử hình. Chúng ta phải nghe từ giữa những âm thanh chói tai của xã hội dân sự. Các nhà giảng thuyết có bổn phận nhắc lại nội dung đó khi thuận tiện cũng như khi gặp chống đối, trên toà giảng cũng như ở quán ăn, quán cà phê. Nhưng thử hỏi có mấy vị dám can đảm làm như vậ ? Cho nên khó mà nói thiên hạ đã lắng nghe thánh Gioan lập lại lời tiên tri Isaia: “Tôi chỉ là tiếng kêu trong hoang địa. Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi.” Thế nên Phúc âm hôm nay ban cho chúng ta một hình ảnh sống động, cụ thể để noi gương: “Có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gioan, ống đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin, ông không phải là áng sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.”

Bất cứ tín hữu nào đọc đoạn văn trên cũng phải cảm động và tạ ơn Chúa. Một con người vĩ đại như Gioan, được chính Đức Kitô khen là: “Lớn nhất trong các người nam bởi người nữ sinh ra”. Nhưng đã tình nguyện làm người chỉ lối bé nhỏ cho nhân loại, cho mỗi linh hồn nhìn thấy “ánh sáng”. Ông thật khiêm nhường và “tốt bụng” đối với mỗi tín hữu sinh ra trong thế gian này. Chúng ta đang ngồi trong bóng tối tăm dày đặc của quyền lực Satan, mà nay được một Gioan khắc khổ báo cho biết trước “tự do” đang đến. Trong quá trình giảng dạy, Chúa Giêsu cho chúng ta biết rằng các lãnh đạo tôn giáo chất vấn Gioan chỉ vì nghĩ rằng ông toan tính chiếm địa vị cao sang của họ tại hội đường và các đám tiệc. Nhưng sự thực, ông chẳng đòi hỏi vị trí nào cả. Trái lại, xa lánh mọi vinh dự và danh hiệu. Ông nói mình chỉ là tiếng kêu trong sa mạc chứ không phải đức Thiên Sai, Elia hay bất cứ tiên tri nào khác. Ông nhấn mạnh rõ nét vai trò của mình là người chỉ điểm cho thiên hạ biết Đấng đang ngự đến.

Chúng ta học được rất nhiều nơi cá tính của Gioan: Đơn sơ, thẳng thắn, khiêm tốn, bộc trực, những đức tính cần thiết cho việc rao giảng. Chúng ta sẽ phản bội ơn gọi ngôn sứ mỗi khi chúng ta đòi hỏi địa vị mà quên vai trò tôi tớ Đức Kitô như Gioan. Bất cứ khi nào chúng ta đòi hỏi cơ cấu, quyền lực, phương tiện hoạt động. Bất cứ khi nào chúng ta theo đuổi chức tước, địa vị, ghế ngồi, cấp bậc. Bất cứ khi nào chúng ta khao khát nổi danh; sánh vai với những người quyền cao chức trọng thì tiếng nói không còn trung thực nữa. Nó đã nhuốm màu lợi lộc, tiền tài rồi. Chúng ta đánh mất ơn ngôn sứ của mình. Gioan và Chúa Giêsu đâu có địa vị nào trong tôn giáo và xã hội ? Nên tiếng nói của các ngài hoàn toàn trung thực theo lương tâm và ơn gọi của Thiên Chúa. Chúng ta phải noi gương Gioan rao giảng trong hoang địa, trong những mảnh đất gồ ghề của thế giới tân thời.

Đám đông cần chứng kiến chúng ta bắt chước Gioan chứ không phải quan chức triều đình nhung lụa. Họ đang sống trong tăm tối, lầm lạc, cho nên lời nói hành động của những ngôn sứ rao giảng phải là những yếu tố hướng dẫn họ đến nguồn ánh sáng chân thật. Anh sáng này rực rỡ hơn hừng đông nhưng nhiều người không nhìn thấy, bởi cách ăn, nết ở của các kẻ rao giảng. Nó chẳng khác nào mây mù che khuất. Cho nên một trong các đường lối làm tỏ rạng sự hiện diện của Thiên Chúa giữa thế gian là chúng ta giữ vững đức tin trong các công việc hằng ngày. Tuy thân phận bé mọn, mỏng dòn, nhưng nhờ sức mạnh của Chúa, chúng ta vẫn có thể trở nên một Gioan tiền hô tân thời, dọn đường để Chúa ngự vào mỗi tâm hồn. Chúng ta thức dậy, đọc kinh ban sáng cùng với gia đình, tham dự Thánh lễ, rước Chúa sốt sáng, đi làm việc, nghỉ ngơi, lo toan hàng núi bổn phận với lòng trung thành của người tín hữu sốt sáng là chúng ta đã trở nên “chứng tá” cho Thiên Chúa ngự đến. Nhiều công việc tưởng chừng như vô nghĩa, nhưng thực ra giúp ích nhiều cho hàng xóm, láng giềng, sở làm, xã hội. Một bà nội trợ dành thời giờ mỗi ngày ít phút nhặt mảnh chai vỡ, vỏ thuốc sâu ở vệ đường, ngoài đồng ruộng. 40 năm sau, được huy chương quốc gia do Tổng thống ban tặng, biểu dương công lao của bà làm sạch xóm làng.

Chuyện như đùa nhưng có thật vào mùa thu năm 2005.

Có lẽ đối với phần lớn chúng ta hôm nay, tiếng kêu trong sa mạc để dọn đường cho Chúa, là thi hành bổn phận cách tốt đẹp nhất. Khởi sự bằng việc xông pha sống cuộc đời tín hữu tích cực. Trước hết, dọn đường cho Chúa không phải là trốn vào nơi kín đáo, riêng tư, nhưng sử dụng hết khả năng mình có, để chu toàn bổn phận, phục vụ tha nhân với những lúc dừng tay coi lại nhiệt huyết xem có đi đúng hướng ? Đoạn đặt câu hỏi với Chúa: “Con phải làm chi tiếp theo ?”

Bất cứ ở nơi đâu, làm việc chi tốt lành, chúng ta đều có thể là chứng dọn đường cho Thiên Chúa đến trong linh hồn tha nhân. Một số được kêu gọi làm ngôn sứ đi rao giảng, số khác làm công nhân, nông dân, số khác làm cha mẹ chăm sóc gia đình, con cái, số khác nữa chăm sóc bệnh nhân, người già cả. Các nẻo đường chứng tá nhiều vô kể. Nẻo đường nào cũng hữu ích và chúng ta không cần hổ thẹn khi sánh mình cùng Gioan tẩy giả, ông có ơn kêu gọi của ông và chúng ta có ơn kêu gọi của mình. Điều cần thiết là noi gương thánh nhân mà chu toàn bổn phận, thẳng thắn và tự do thi hành trách nhiệm. Hôm nay, qua Tin mừng, chúng ta chứng kiến thánh nhân công khai và giữa ban ngày rao giảng sứ vụ, kèm theo nếp sống khổ hạnh. Liệu chúng ta có thể noi gương ? Thiết tưởng được lắm, nhất là trong thế giới ồn ào, tân thời để dọn lòng nhân loại đón chờ Chúa đến. Xin đừng giả dối. Mặt nạ chúng ta đeo rất dễ bị phát hiện với các máy móc dò tìm hiện đại. Xin nhắc lại lời bình phẩm của giáo dân khi tham dự Thánh lễ do một linh mục trẻ dâng: “He is not meant to pray” (Ông ta không xứng đáng cầu nguyện). Tai hại thay, hiện thời chúng ta có rất nhiều linh mục như vậy. Cho nên xây đắp con đường ngay thẳng để Chúa đi, hình như còn phải khát khao nhiều.

Bài đọc 1 nói rõ hơn về sứ vụ của người loan báo Tin mừng. Bài này gom lại hai đoạn Kinh thánh khác nhau: Đoạn 1 (câu 1 và 2a) nói đến ơn gọi của một ngôn sứ vô danh: “Thần khi của Đức Chúa là Chúa thượng ngự trên tôi. Vì Ngài đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn…” Sau này khi ra giảng đạo công khai, Chúa Giêsu đã áp dụng cho mình lời tiên tri vô danh ấy ở hội đường Nazaret. (Lc 4,18) Đoạn 2 (10- 11) đúng lý về Giáo hội và Đức Maria, hoa quả đầu tiên của sứ vụ Đức Kitô “Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở dường bao…” Đây là niềm vui dân Israel được giải phóng, thả về quê cha đất tổ, cũng là niềm vui cứu độ của Hội thánh, nhất là nơi Đức Trinh Nữ Maria trong kinh “Linh hồn tôi”.

Cuộc sống hằng ngày của chúng ta có đầy đủ cơ hội để thực hiện điều vị tiên tri gợi ý: “Để tôi mang Tin mừng cho kẻ nghèo hèn”. Kẻ nghèo hèn thì ở đâu mà chẳng có ? Địa phương hay quốc tế. Kẻ tù tội giam cầm vô cớ, quốc gia nào mà không tính đến hàng ngàn, hàng vạn ? kẻ bị áp bức bóc lột lại càng nhiều hơn, ở ngay bên cạnh, hàng xóm láng giềng…Tôi biết một phú hộ kia có một thửa ruộng rộng, bất cứ con vật nào chạy ngang qua, ông đều gán cho nhán hiệu “điên”: chó điên, bò điên, gà vịt điên. Rồi hô con cháu ra bắt giết thịt. Dân làng rất phẫn nộ nhưng chẳng làm gì được vì gia đình ông rất thế lực và dữ tợn.

Đầu thế kỷ 21 còn có những quyền bính như vậy, thử hỏi hy vọng chi với diện rộng, quốc gia, quốc tế ? Cho nên tiên tri Isaia khẳng định rõ hơn vai trò của các ngôn sứ, nói cho họ biết rằng sứ giả của Chúa “đã được xức dầu tấn phong” để làm công việc giải phóng. Chúng ta đừng nghĩ nguyên các đấng các bậc mới được ân huệ này. Nhưng bất cứ ai khi đã lãnh nhận Bí tích thanh tẩy, đều có bổn phận chữa lành, an ủi và làm chứng cho Đấng đang ngự đến như Gioan tẩy giả. Tác giả Dianne Bergant đưa ra ý kiến rằng thánh Gioan tiền hô là nhân chứng cho ánh sáng. Ông không là ánh sáng, cũng không là đấng ngự đến thế gian, cho nên chính thánh nhân cũng đang ngồi trong bóng tối, ông là tiếng hô từ bóng tối, công bố ánh sáng đang tới. Cho nên, chúng ta vẫn còn ở trong bóng tối. Nhiều nơi trên thế giới vẫn chưa được nhìn thấy ánh sáng, hay khước từ ánh sáng, ngay cả trong linh hồn chúng ta. Thí dụ, tinh thần thế tục, không hết lòng tha thứ, còn nhiều ích kỷ, chưa sống bác ái, không ăn năn sám hối trong mùa vọng, không cần thay đổi lối sống v.v.

Rồi đến những mảng tối tăm trên thế giới về quyền lợi, ý thức hệ, giầu nghèo…Cho nên trước bàn thờ Thánh Thể hôm nay, chúng ta cầu nguyện cho thế giới mau nhận ra tình trạng khốn đốn của mình. Chúng ta can đảm hạ quyết tâm làm việc chi đó để đón chờ Chúa đến cho xứng đáng, như liên đới với người nghèo khó, thiệt thòi trong xã hội, tẩy trừ dốt nát bất công. Theo nghi lễ La tinh, Chúa nhật này gọi là Chúa nhật mừng vui lên, bởi ca nhập lễ, xướng hát lời thánh Phaolô: “Mừng vui lên anh em, tôi nhắc lại, anh em hãy mừng vui lên vì Chúa sắp đến”. Chủ tế mặc áo màu hồng và cây nến màu hồng cũng được thắp lên trên bàn thơ. Tất cả đều để nhắc nhớ Đấng chúng ta mong đợi đã đến và ngự giữa nhân loại. Đúng là một tin vui khi biết rằng mình không vật lộn đơn độc với thần dữ và bóng tối, bề trong cũng như bề ngoài. Chúa Kitô đứng bên cạnh mỗi người. Ngài chẳng để chúng ta thất bại, chìm ngập mãi trong bóng tối.

Thánh Gioan chỉ rõ một đặc điểm khác nữa nơi Chúa Giêsu, cần chúng ta lưu ý: Đấng ông loan báo đang ở giữa nhân loại: “Có một Đấng đang ở giữa các ông mà các ông không biết Người”. Không chỉ những quyền bính Do thái mà nhiều người trong chúng ta cũng không nhận ra. Bởi vì Ngài khiêm nhu và hiền lành, vô danh tiểu tốt như mọi phàm nhân khác. Ngài không địa vị, quyền lợi, tiếng tăm, tài khéo. Nếu như Ngài là một quân vương quyền uy, một tướng lãnh quân sự, một triết gia nổi danh, hẳn mọi người đã biết tới. Miệng người sang có gang có thép. Thói đời là như vậy. Ngày nay cũng thế thôi. Sự thật và lẽ phải không có vàng bạc đi kèm thì cũng nhẹ ký lắm. Không ai thèm nghe. Thế giới sẽ được Ngài cứu độ, nhưng thế giới lại khinh dể lời Ngài.

Tuy nhiên Đấng thiên sai đầy Thánh Thần sẽ lật đổ mọi giá trị mà con người trân trọng. Ngài bị ghen ghét và giết chết, nhưng ánh sáng của Ngài không hề bị dập tắt. Trái lại, nó sẽ cháy bùng lên trong trái tim các môn đệ nhiệt thành. Như chúng ta đã biết vũ khí của Ngài là tình yêu, lòng thương cảm, chữa lành, tha thứ và an bình. Nó mạnh hơn bom nguyên tử, thắng được bom khinh khi, huỷ diệt hàng loạt. Chúng ta được kêu gọi để chia sẻ tình yêu và lòng tốt của Ngài cho mọi người.

Từ hôm nay cho tới ngày 16 tháng 12, trong khu xóm chúng tôi sống có tục lệ đẹp đẽ gọi là: “Las posedas” (những kẻ bộ hành). Tục lệ này được những di dân Mễ Tây Cơ mang đến đây. Các gia đình đi thành từng nhóm tới các vùng lân cận, vào từng nhà xin trọ qua đêm. Họ diễn lại hoàn cảnh của Thánh Gia Thất. Đầu tiên các chủ nhà khước từ, nhưng khi nhận ra thánh Giuse và Đức Maria mang thai, họ vội vàng đón tiếp. Las posedas nhắc nhở mọi người Hoa Kỳ đều là di dân tìm kiếm cuộc sống nơi các miền xa lạ. Nói chung các tín hữu hoàn toàn là khách hành hương hay di dân lệ thuộc vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta phải mở lòng đón nhận, giúp đỡ nhau, chứ đừng hẹp hòi ích kỷ.

Ngày 12 tháng 12 còn là ngày lễ Đức Mẹ Guađalupe.

Tương truyền rằng Đức Mẹ đã hiện ra với một thổ dân da đỏ tên là Juan Diego trên đường đi lễ. Ngài nói chuyện với ông ta bằng thổ ngữ, ăn mặc như thổ dân, lúc ấy đang bị Tây Ban Nha chà đạp, dầy xéo. Đức Mẹ cho Juan biết tình liên đới của Con Mẹ với dân chúng trong vùng, và khuyến khích họ yêu thương giúp đỡ nhau để thoát khỏi nô lệ ngoại bang. Phải chăng đây cũng là việc Thiên Chúa đi bước trước để giúp đỡ chúng ta ? Nhất là trong mùa vọng này, chúng ta mong chờ Ngài đến giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết. Nói cho đúng, nếu chúng ta yêu mến Thiên Chúa, chúng ta vẫn có thể nghe rõ lời Ngài giữa muôn vàn ồn ào của thế giới văn minh. Tương tự như chúng ta vẫn nghe được tiếng người thân quen giữa một siêu thị náo nhiệt. Chúng ta không nghe thấy lời Ngài là vì chúng ta không yêu mến Ngài, hay chỉ giả đò yêu mến Ngài mà thôi. Vậy tiếng Gioan kêu trong sa mạc là tiếng của ai ? Xin lắng đọng tâm hồn để suy nghĩ. Ước chi chúng ta mau tìm ra được sự thật. Amen.

Lm Jude Siciliano, OP