PDA

View Full Version : Tòa thánh công bố thông điệp Ngày Hòa bình Thế giới năm 2009



vante
14-12-2008, 11:41 AM
Vatican (CWNews.com)

– Trong thông điệp Ngày Hòa bình Thế giới hàng năm, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa hòa bình thế giới và sự phát triển kinh tế; ngài lập luận rằng trong nền kinh tế toàn cầu, việc theo đuổi tìm kiếm lợi nhuận một cách thiển cận phải nhường chỗ cho một hệ thống được tình cảm thông liên đới hướng dẫn.

Thông điệp dài 17 trang của Đức giáo hoàng nhan đề “Chống Nghèo đói để Xây dựng Hòa bình” được Tòa thánh Vatican công bố hôm 11 tháng 12 trong một cuộc họp báo tại Roma dưới quyền chủ tọa của Hồng y Renato Martino, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình. Thông điệp sẽ chính thức được trao cho các thành viên trong ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa thánh vào ngày 1 tháng giêng năm 2009, được Giáo hội chỉ định là Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Hòa bình.

Đức Hồng y Martino phát biểu với báo chí: Theo gương Đức Gioan Phaolô II đặt ra năm 1993, khi đức cố giáo hoàng dành thông điệp hàng năm của ngài để thảo luận về vấn đề nghèo đói, Đức giáo hoàng Bênêđictô “chỉ cho chúng ta biết giữa hòa bình và cuộc chiến chống nghèo đói liên hệ với nhau như thế nào”. Trong thông điệp, Đức thánh cha đưa ra nhận xét là nghèo đói có thể vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả của chiến tranh. Ngài viết: “Nghèo đói thường là nhân tố góp phần hoặc là yếu tố thành phẩm trong các cuộc xung đột, kể cả những cuộc xung đột võ trang. Đến lượt mình, những cuộc xung đột này lại gây ra những hoàn cảnh đói nghèo bi thảm hơn.”

Khi phân tích sự bất ổn hiện nay trong các thị trường tài chánh trên thế giới, Đức giáo hoàng viết rằng nền kinh tế toàn cầu “đang trải qua những ảnh hưởng tiêu cực của một hệ thống những thực hiện tài chánh – cả trên bình diện quốc gia lẫn toàn cầu – đặt căn bản trên lối suy nghĩ rất ngắn hạn, chỉ nhằm gia tăng giá trị các hoạt động tài chính và tập trung vào cách điều hành kỹ thuật dưới nhiều hình thức rủi ro”. Ngài lập luận rằng nhiều cơ cấu trong thế giới tài chánh đã “hoàn toàn đặt căn bản trên chính nó, thiếu mục đích tìm kiếm ích lợi chung dài hạn.” Tiến trình đó, theo ngài nói, “trở thành nguy hiểm cho mọi người, kể cả cho những ai được hưởng lợi khi thị trường tiến triển tốt đẹp.”

Để hướng dẫn một nền kinh tế lành mạnh trong thời đại toàn cầu hóa, Đức giáo hoàng nói rằng các nhà lãnh đạo trên thế giới nên chấp nhận sự khôn ngoan để đề cao và bảo vệ lợi ích chung. Một tiến trình như thế, ngài viết, sẽ có thể đòi hỏi mối quan tâm đích thực vào những nhu cầu của người nghèo.

Đức giáo hoàng lập luận rằng các nhu cầu vật chất không phải chỉ là nhân tố duy nhất gây ra nghèo đói – mà quả thực không phải lúc nào cũng là yếu tố quan trọng nhất. Những bất quân bình trong việc phân phối tài nguyên, những chướng ngại ngăn chận các thị trường, và các chính sách của chính quyền bị hướng dẫn sai lạc, đã làm cho khó khăn thêm trầm trọng. Khi các nguồn tài nguyên thích hợp được đưa ra để giải quyết vấn đề, thì những giải pháp chính yếu có thể được thực hiện một cách mau chóng để làm nhẹ bớt gánh nặng những nhu cầu của con người.

Để minh họa cho lập luận của mình, ngài chỉ rõ rằng vấn đề nghèo đói “không phải phần lớn là do thiếu thốn thực phẩm, bằng do khó khăn để có được thực phẩm, và do nhiều hình thức đầu cơ trục lợi khác nhau.” Ngài nói rằng những chính sách không màng tới hoặc đặt người nghèo đói ra ngoài lề, phải được thay đổi, và kêu gọi một nỗ lực toàn cầu để đạt được mục tiêu đó. Ngài viết: “Các phương tiện hữu hiệu để sửa sai cảnh dùng tiến độ toàn cầu hóa để đặt người nghèo đói trên thế giới ra ngoài lề, chỉ có thể tìm thấy được nếu con người khắp nơi tự cá nhân mình cảm thấy tức tối bởi những nạn bất công trên thế giới và bởi những vi phạm nhân quyền kèm theo.”

Đức giáo hoàng minh xác rằng khi viết về vấn đề nghèo đói, ngài không chỉ quan ngại đến sự thiếu thốn về vật chất, nhưng còn về những chỉ dấu khác của sự nghèo khổ. Ngài nhận thấy rằng “trong các xã hội giàu và tiến bộ, có bằng chứng rõ rệt về việc phân lề, cũng như sự nghèo nàn về tinh thần, luân lý đạo đức và tình cảm, thấy được nơi những con người mà cuộc sống nội tâm bị mất hướng, những người trải qua nhiều hình thức chán chường mặc dầu họ có được sự phồn vinh về kinh tế.” Ngài cho rằng sự “siêu phát triển” về kinh tế đã làm gia tăng những hiểm họa “kém phát triển về luân lý”.

Đức giáo hoàng tố cáo thái độ đã đưa một số các nhà lãnh đạo quốc tế đến chỗ đề ra những chính sách hung hãn nhằm giảm thiểu dân số, mang giả tưởng lầm lẫn rằng chính con người là nguyên nhân gây ra cảnh nghèo đói. Kết quả là việc xuất hiện ồ ạt các chính sách đề cao những biện pháp hung hăng nhằm kế hoạch hóa gia đình, kể cả phá thai. “Sự tiêu diệt hàng triệu em bé chưa sinh, nhân danh là để chống nghèo đói, thực ra góp phần vào việc hủy hoại những kẻ khốn khổ nhất trong nhân loại.”

Tương tự như thế, theo Đức giáo hoàng nhận xét, “các dịch bệnh như sốt rét, lao và AIDS” cần có ngay một sự đáp ứng khẩn thiết khắp toàn cầu. Nhưng một số quốc gia nghèo, trong cuộc chiến chống các bệnh tật đó “khi cố gắng đưa ra để giải quyết, lại thấy mình như bị giữ làm con tin, bởi những người đặt điều kiện giúp đỡ về kinh tế bằng việc thực thi những chính sách phản lại sự sống.”

Toàn văn bản dịch Anh ngữ bức thông điệp của Đức giáo hoàng có thể đọc tại:

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/messages/peace/documents/hf_ben-xvi_mes_20081208_xlii-world-day-peace_en.html.


Phụng Nghi