PDA

View Full Version : Chúng ta hãy là thợ gặt của Chúa! (Suy Niệm và Sống Lời Chúa: Chúa Nhật 11 Mùa Thường Niên năm A)



dvtung
16-06-2023, 08:22 AM
Chúa nhật XI Mùa Thường Niên – Năm A


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (9,36 – 10,8)
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ dân chúng, liền động lòng xót thương họ: vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn, Người liền bảo môn đệ rằng: "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa".
Và Người liền triệu tập mười hai môn đệ, ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, để họ xua đuổi chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Ðây là tên của mười hai tông đồ: trước hết là Simon cũng gọi là Phêrô, rồi đến Anrê em ông; Giacôbê con của Giêbêđê và Gioan em ông; Philipphê và Bartôlômêô; Tôma và Matthêu người thu thuế; Giacôbê con của Alphê và Tađêô; Simon người Cananêô và Giuđa Iscariốt, kẻ nộp Người. Chúa Giêsu sai mười hai ông này đi và truyền lệnh cho các ông rằng:
"Các con đừng đi về phía dân ngoại, và đừng vào thành các người Samaritanô. Nhưng tốt hơn, các con hãy đi đến cùng chiên lạc của nhà Israel trước đã, và rao giảng rằng: "Nước Trời đã đến gần". Hãy chữa lành người liệt, phục sinh kẻ chết, chữa lành người phung, và xua trừ ma quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không".


***
Bài chia sẻ Tin Mừng của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

Chúng ta hãy là thợ gặt của Chúa!

Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Mátthêu thuật lại việc các Tông đồ được sai đi truyền giáo. Sứ mạng này bắt nguồn từ cái nhìn của Chúa Giêsu: “Chúa Giêsu thấy đoàn lũ dân chúng, liền động lòng xót thương họ: vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn”. Chúa Giêsu “động lòng xót thương họ”, theo nghĩa đen là Người xúc động tận cõi lòng... Một cái nhìn đầy dịu dàng và thương xót đến đám đông mệt mỏi, chán nản và kiệt sức vì đang tìm kiếm hạnh phúc trong vô vọng, không tìm thấy ý nghĩa cuộc đời, mất phương hướng như bầy chiên không có chủ chăn. Rất nhiều người không còn hy vọng vào bất cứ điều gì.
Chúa Giêsu xót xa trước hoàn cảnh khốn khổ và đáng thương của anh chị em đồng loại của Người. Khi đi qua các thị trấn và làng mạc, Người ngày càng thấy phạm vi của điều ác. Đối với Người, ưu tiên quan trọng nhất là giải phóng người nghèo. Không phải giải phóng chính trị, mà là giải phóng khỏi sự dữ, khỏi điều ác. Đó là ý muốn của Thiên Chúa. Đó là ý nghĩa của các dấu lạ mà Người thực hiện hàng ngày, là chữa lành bệnh nhân, xua đuổi ma quỷ và loan báo bình an.
Chính vì sứ vụ này mà Người sẽ gọi mười hai Tông Đồ. Họ là những người rất bình thường như những người khác. Tuy nhiên, Chúa Giêsu ủy thác cho họ một sứ mệnh phi thường, đó là bày tỏ tình thương yêu giống như Người đã dành cho đám đông bị bỏ rơi, bơ vơ thời bấy giờ, và bày tỏ tình thương yêu này bằng một quyền năng rất lớn, đó là thực hiện các cử chỉ chữa lành và giải thoát khỏi sự dữ.
“Đoàn lũ dân chúng tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn”. Cho đến nay, sự ghi nhận này vẫn đúng. Qua các phương tiện truyền thông, chúng ta có những ví dụ khủng khiếp xảy ra hàng ngày. Sự khốn cùng của hàng tỷ người suy dinh dưỡng trên hành tinh của chúng ta. Nỗi đau khổ tinh thần của tất cả những người gặp thất bại, những người bị bỏ rơi, những người không cảm thấy được yêu thương. Sự suy sút của những kẻ buông thả, nghiện ma túy, và dần dần tự hủy hoại bản thân. Vì thế, hôm nay chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta có cái nhìn yêu thương và dịu dàng như cái nhìn của Chúa Giêsu. Hôm nay, chính Chúa Giêsu mời gọi chúng ta “xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”. Nhân loại giống như một cánh đồng lúa chín bao la bát ngát. Chính vì thế công việc cũng thật bao la.
Nhưng Chúa sẽ chọn thợ gặt của Người ở đâu? Họ là ai? Nếu Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cầu xin Chúa Cha sai thợ đi, lời mời gọi của Người có liên quan đến chúng ta trước tiên hay không? Thay vì cầu xin Chúa sai người khác đi, tại sao chúng ta không tự hỏi xem có phải chính chúng ta, mỗi người chúng ta, mà Chúa muốn sai đi truyền giáo hôm nay không?
“Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”. Chúa Giêsu cho chúng ta biết rằng hoạt động đầu tiên của một nhà truyền giáo là cầu nguyện. Một bệnh nhân, một người già cả có thể truyền giáo bằng lời cầu nguyện của mình. Chị thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu không bao giờ rời Dòng Kín để đi truyền giáo, nhưng Giáo Hội đã chọn chị thánh làm bổn mạng các cuộc truyền giáo và các xứ truyền giáo! Người ta thường miêu tả cầu nguyện là điều kiện tiên quyết cho sứ vụ tông đồ. Thật ra, cầu nguyện là một thành phần không thể thiếu được trong công cuộc truyền giáo. Cầu nguyện đã là loan báo Tin Mừng rồi!
“Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”. Lời mời gọi này của Chúa Giêsu không có nghĩa là chỉ đơn thuần cầu xin Chúa có thêm nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ. Lời mời gọi này có nghĩa là chúng ta phải cầu nguyện để tất cả các Kitô hữu ý thức được chính họ là những người truyền giáo. Điều cần thiết trước tiên phải có, không phải là sự tinh thông, không phải là trình độ trí thức, mà là theo gương Chúa Kitô, Đấng đã “động lòng xót thương” đoàn lũ dân chúng hôm nay, những người chúng ta gặp gỡ hàng ngày, trong gia đình chúng ta, trong khu phố, sở làm và những nơi chúng ta sinh hoạt.
Chúng ta hãy nhớ lại lời này của Thầy Giêsu: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta” (Mt 20,4). Bất kể tuổi tác của chúng ta, bất kể tài năng và khả năng hạn chế của chúng ta, chúng ta đều có việc gì đó để làm trong cánh đồng truyền giáo của Chúa, dù chỉ là nhặt một vài nhánh lúa.
Và mỗi người chúng ta sẽ rất vui mừng khi mang đến cho chủ ruộng ít nhất một vài hạt lúa mì được hái với tình yêu thương.
Vậy tất cả chúng ta hãy đến cánh đồng lúa này để gặt hái



https://www.youtube.com/watch?v=tFe5tjawrzchttps://thanhcavietnam.org/BaiSuyNiem/LmVuThaiHoa/NamA/SN-SLC-ChuaNhat11TNA-lmvth-MariaKimThuy.mp3