PDA

View Full Version : Bài giảng lễ Chúa Nhật 13 thường niên A - 2023



gioanha
29-06-2023, 04:04 PM
CHÚA NHẬT XIII TN A:
SỐNG TƯƠNG QUAN THEO TINH THẦN TIN MỪNG



Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc


Người Việt Nam có một đức tính rất tốt, đó là lòng hiếu khách. Có dịp về thăm Miền Bắc chúng ta sẽ thấy rõ lòng hiếu khách được thể hiện nơi những người dân quê. Cho dù là quen hay lạ, có họ hay không, khi về thăm làng, đều được mọi người chào đón cách ân cần, niềm nở, mời vào nhà chơi, mời nước, mời cơm. Đặc biệt hơn khi có các linh mục về thăm quê, sự tiếp đón lại càng nồng nhiệt hơn. Ai cũng muốn cha ghé thăm gia đình, uống chén trà, hoặc dùng bữa.

Tuy nhiên, lòng hiếu khách đang mất dần bởi vì xã hội đã tạo ra những kẻ lừa lọc, lợi dụng lòng hiếu khách của người khác, khiến cho mọi người đều cảnh giác với người lạ. Do ảnh hưởng của lối sống thực dụng, nên trong tương quan xã hội, người ta chỉ giao du tiếp xúc, đãi mời người khác khi thấy có lợi hoặc để cậy nhờ công việc gì đó mà thôi. Điều này khiến cho nét đẹp của văn hoá hiếu khách bị mất đi.

Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay chúc phúc cho những ai xây dựng các mối tương quan tốt đẹp với Chúa, với nhau và chúc phúc cho những ai mở rộng tâm hồn và mở rộng cửa nhà để đón Chúa và đón những người của Chúa. Đồng thời, Chúa cũng chúc phúc cho những ai biết đặt Chúa làm ưu tiên trong chọn lựa của mình.

Chúa Giêsu cho thấy để trở nên Kitô hữu đích thực và để sống xứng đáng với danh nghĩa là Kitô hữu, đòi chúng ta phải dám đặt Chúa vào vị trí tuyệt đối của cuộc đời. Vậy, đặt Chúa là ưu tiên tuyệt đối trong mọi chọn lựa là thế nào? Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng những cách so sánh khiến cho nhiều người cảm thấy khó và sợ, còn những người cực đoan thì cho là vô lý, vô đạo: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy, ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy.” Khi nói điều này, Chúa Giêsu muốn chúng ta phải dám đặt Chúa trên tất cả các mối tương quan, tình cảm, cho dù đó là tình cảm ruột thịt trong gia đình. Yêu Chúa hơn cha mẹ, con cái thì không có nghĩa là coi thường hoặc bất kính bất hiếu, nhưng có nghĩa là nếu khi cần phải chọn lựa giữa Chúa và các tình cảm cá nhân, thì dám chọn Chúa làm ưu tiên; trong cuộc sống hằng ngày, biết dành cho Chúa vị trí trên hết và trước hết, không để cho những tình cảm gia đình ngăn cản việc ta chọn Chúa và đến với Chúa.

Trong tương quan cá nhân với Chúa, Chúa muốn chúng ta một khi đã chọn Chúa, tin Chúa thì không thể tránh né thập giá: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy thì không xứng đáng với Thầy. Ai giữ mạng sống mình thì sẽ mất, ai liều mạng vì Thầy thì sẽ tìm được sự sống.” Theo đạo, tin Chúa không phải là đi tìm một cuộc sống dễ dãi buông thả, nhưng phải dám chấp nhận hãm mình và hy sinh. Chúng ta không thể tìm kiếm một Đức Giêsu không thập giá và cũng đừng bao giờ tìm kiếm một thập giá mà không có Chúa Giêsu. Vì Chúa chúng ta đã gắn đời mình với thập giá và qua thập giá Ngài đem lại hạnh phúc cho chúng ta. Chúa không đòi chúng ta vác thập giá của Chúa, nhưng Chúa muốn ta vác thập giá hằng ngày của mình mà đi theo Chúa. Vì chỉ đi theo con đường thập giá của Chúa, Chúa sẽ nâng đỡ chúng ta và chỉ khi bước theo Chúa, ta mới đạt tới sự phục sinh. Nếu ta đi một con đường khác, ta sẽ bị lạc lối.

Trong tương quan hằng ngày với người khác, Chúa muốn chúng ta mở lòng, mở cửa tiếp đón người của Chúa. Chúa còn so sánh: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy. Ai đón tiếp một ngôn sứ thì sẽ lãnh phần thưởng của ngôn sứ. Ai đón tiếp người công chính thì được phần thưởng dành cho người công chính.” Sự hiếu khách này không chỉ dựa trên tính cách hoặc văn hoá, nhưng Chúa muốn chúng ta nhìn thấy Chúa nơi những người đang cần sự trợ giúp của chúng ta. Hơn nữa, khi quảng đại đón nhận những người được Chúa sai đến, Chúa kể như là đón tiếp chính Chúa vậy. Chúa muốn chúng ta dám sống quảng đại chia sẻ với những người Chúa sai đến và biết quan tâm đến những nhu cầu của họ. Chúa là Đấng sẽ thay họ trả ơn cho những kẻ sống rộng tay rộng lòng: “Ai cho những kẻ bé nhỏ này uống dù chỉ một chén nước lã, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.”

Câu chuyện trong bài đọc sách các Vua như một minh chứng cho lời tuyên bố của Chúa Giêsu. Câu chuyện kể lại: Tiên tri Êlia thường đi qua thành Sunêm. Ở đó có một gia đình khá giả thường xuyên mời Êlia dừng chân dùng bữa. Hai vợ chồng tin rằng vị khách thường ghé qua nhà họ là người của Thiên Chúa, là ngôn sứ. Vì thế họ bàn với nhau làm thêm một căn phòng đầy đủ tiện nghi trên lầu, để mỗi lần vị tiên tri đi ngang qua, ông có chỗ nghỉ ngơi phù hợp. Tiên tri Êlia đã thấy được lòng hiếu khách và sự quảng đại của hai ông bà, nên đã đền ơn đáp nghĩa cho hai ông bà bằng lời hứa: “Bằng rầy sang năm, bà sẽ có con trai để bồng. Vì hai ông bà son sẻ không có con.” Vị tiên tri đã nhân danh Thiên Chúa để trả công cho đôi vợ chồng này bằng một món quà hết sức lớn lao, đó là một lời tiên báo đầy hy vọng, lấp đầy khao khát trong tâm hồn ông bà.

Thưa quý OBACE, như đã nhắc ở trên, lối sống thực dụng đang ảnh hưởng rất mạnh trên xã hội và trên đời sống của người tín hữu. Lối sống này khiến cho con người chỉ quan tâm đến những gì có lợi, chỉ hành động khi thấy mình có lợi. Lối sống thực dụng khiến cho con người ngại hy sinh, không dám chịu thiệt thòi hoặc mất mát. Lối sống này cũng biến các mối tương quan, kể cả tương quan giữa con người với Thiên Chúa, và với nhau đều được cân đo đong đếm thiệt hơn. Nhiều khi lối sống thực dụng này cũng thâm nhập vào trong gia đình khiến cho tương quan tình cảm giữa cha mẹ, anh chị em bị vơi cạn hoặc chỉ còn đặt trên tiền bạc, của cải mà thôi.

Từ lối suy nghĩ đó, nhiều người có đạo, đến với Chúa vì thói quen hoặc để xin ơn, hơn là yêu mến, biết ơn. Vì thế, khi phải chọn lựa giữa tiền bạc, của cải và địa vị, họ sẵn sàng chọn tiền của và để Chúa lại đằng sau. Vì không có lòng yêu mến, nên người tín hữu sống đạo cách hời hợt, đến nhà thờ theo thói quen, không cầu nguyện riêng tư với Chúa. Nhiều người tin Chúa, yêu Chúa, ít hơn yêu cái điện thoại hay cái laptop. Người ta có thể luôn mang điện thoại bên mình, không thể rời tay, rời mắt khỏi điện thoại, nhưng Chúa thì không được ưu ái như thế. Cụ thể là lúc này, vẫn có những người ngồi ngoài đang bấm điện thoại, lướt Facebook. Nếu Chúa lặp lại lời mời gọi của bài Tin Mừng hôm nay, thì Chúa sẽ nói: Ai yêu điện thoại hơn Ta thì không xứng đáng với Ta. Ai dành nhiều giờ cho lướt mạng hơn nhớ đến Ta thì không xứng với Ta.

Cũng vậy, nếu Chúa nói cụ thể cho hoàn cảnh tương quan ngày nay, có lẽ Chúa sẽ nói: Ai dám đặt Ta trên tiền bạc, của cải, địa vị, kẻ ấy sẽ được Ta ban thưởng Nước Trời; Ai dám vì Ta mà hi sinh, chấp nhận thiệt thòi và những sự khó khăn thường ngày, mà vẫn trung thành bước theo Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy chung hưởng hạnh phúc với Ta. Ai dám dành cho Ta chút thời gian trong ngày để dâng lễ, đọc kinh, cầu nguyện, Ta sẽ ở bên kẻ ấy và kẻ ấy sẽ trở thành bạn hữu của Ta; Ai đón nhận cha mẹ già, vợ chồng, con cháu, anh em bạn hữu vì danh nghĩa là người Kitô hữu là đón tiếp chính Ta. Ai hiếu thảo với Cha mẹ, ai quảng đại với anh chị em, ai sống rộng rãi, bác ái với người chung quanh, thì sẽ không mất phần thưởng đâu.

Xin Chúa ban thêm sức mạnh để mỗi người biết chọn Chúa làm ưu tiên trong cuộc sống và biết xây dựng tương quan cá nhân tốt đẹp với Chúa và với anh chị em. Amen.