PDA

View Full Version : NHÌN LÊN TÔI CHẲNG BẰNG AI...



kimanhnguyen73
29-10-2007, 06:35 AM
Giữa Sài Gòn ồn ào náo nhiệt; giữa những bộ quần áo đủ màu, đủ kiểu; giữa những chiếc xe bóng loáng lao vun vút; giữa những tài tử giai nhân đang dìu nhau trong đêm Giáng Sinh, tôi và một số bạn bè đến thăm em. Vâng, chúng tôi đến thăm em tại nghĩa trang Bình Hưng Hoà. Không, em không phải là người chết, nhưng em là kẻ sống. Kẻ sống trong thế giới của những người chết.

Em dẫn chúng tôi vào bằng con đường tối tăm, để tránh công an. Nghĩa trang này, theo lời em, là nơi tụ họp nhiều tệ nạn, từ xì ke, du đãng đến ma túy, gái điếm nhất tại Sài Gòn. Có lẽ vì địa thế của nó và những tệ nạn xã hội khác nên nạn cướp giật những người đi đường cứ sảy ra nhan nhản. Không ai muốn đi ngang nơi này, nhất là vào ban đêm. Em cảm ơn chúng tôi đã dám can đảm, bỏ qua những lời đồn đại xấu của nơi này mà đến thăm gia đình em và các em mồ côi khác vào đêm Giáng Sinh hôm nay. Nghe em nói thế, tự dưng tôi bỗng rùng mình lo sợ. Tôi không sợ em, nhưng biết đâu còn bao nhiêu người khác sẽ đánh chúng tôi để cướp đi những món quà giáng sinh mà chúng tôi mang đến tặng các em.

Vòng quanh qua các ngôi mộ được khoảng 15 phút thì chúng tôi đến một nơi như giàn trận mà chúng tôi đã được coi trong phim tàu. Nào là cờ, nào là lá chắn, cây che. Tiến gần một chút chúng tôi mới nhận ra rằng đó chính là nơi mà gia đình em và các em mồ côi khác ở. Nó là những tấm giấy bằng cartoon, hay bằng những tấm áo mưa được mắc vào hai ngôi mộ, và giữa lòng hai ngôi mộ đó chính là nơi các em ở - Nơi kẻ sống ở giữa người chết.

Chúng tôi chia nhau ra, một số ngồi chơi với các em, số khác đi thăm những "ngôi nhà" bằng giấy giữa những ngôi mộ bên cạnh. Còn tôi thì ngồi tiếp xúc với một cụ già mà mọi người gọi là "Trưởng Làng" trong ngôi nhà bằng giấy của cụ. Cụ hết lời cám ơn anh em chúng tôi đã đến thăm làng của cụ. Cụ nói rằng nghĩa trang này có nhiều tệ nạn và nhiều người xấu lắm, nhưng không phải ai sống trong nghĩa trang này đều xấu cả. Làng của cụ là làng lương thiện, từ cụ già đến các em nhỏ đều sống bằng nghề đánh giày hay bán vé số. Cụ càng kể tôi càng cảm nhận được những "bông sen" giữa chốn "bùn nhơ," tôi càng cảm thấy Chúa đã ban cho tôi quá nhiều so với những mảnh đời bất hạnh này.

Nhìn quanh “nhà” của cụ, tôi thấy có ba cục đá nằm gần nhau, chắc là để dùng vào việc nấu nướng, có một cái nồi, hai ba cái chén, và một cục gạch khá sạch sẽ nằm riêng một góc, tôi liền buột miệng hỏi ngớ ngẩn: "Cục gạch kia là của cụ hả?" Cụ bẽn lẽn trả lời: "Cục gạch đó tôi dùng để gối đầu ngủ đêm, và chỗ anh ngồi là nơi tôi ngủ, cái thùng rỗng anh đang ngồi lên là cái thùng tôi dùng để đi múc nước..." Cụ huyên thuyên kể toàn bộ gia tài mà cụ có, như là không có dịp nào khác để kể!

Khi các người anh em của chúng tôi đã trở về từ các ngôi nhà bên cạnh, họ gọi tôi ra để phát quà cho các em để chúng tôi còn kịp đi đến chỗ khác. Phần quà của mỗi em thật đơn giản, chỉ khoảng 1 dollar: gồm có một gói bánh, một gói kẹo, một hộp sữa ông thọ, nửa ký sữa bột và trên hết là có thêm một gói kẹo “M and M” mà tôi đã đích thân mang từ Mỹ về. Tuy đơn giản, nhưng những thứ mà các em nhận được hôm nay cả đời các em không dám mơ tới. Các em chỉ có thể nhìn thấy nó bày bán trên các siêu thị mà thôi, chứ làm sao có tiền mà mua.

Khi phát quà gần xong, bỗng tôi nghe có tiếng một số em nhỏ la to: "Công an tới! Công an tới!" Đã được dặn trước, bạn bè tôi mỗi đứa một nơi chạy toán loạn, riêng tôi có lẽ vì thân phận việt kiều không quen chạy trốn, mà có chạy thì cũng không biết đâu mà chạy nên được cụ trưởng làng dẫn trốn vào ngôi nhà bên cạnh nhà cụ. Nằm đó tôi không dám thở, tôi nghe rõ từng tiếng công an hạch hỏi cụ và những người lớn. Và cuối cùng họ cũng ra về, tôi thở một hơi thật thoải mái, cảm tạ ơn Chúa đã che chở cho tôi không phải được nghỉ đêm Giáng Sinh trên đồn công an.

Để tránh công an để ý, cụ trưởng làng không dẫn tôi ra khỏi nghĩa trang mà để một nhóm trẻ em trên chục đứa đưa tôi đến chỗ đã hẹn trước với nhóm bạn. Nhìn thấy tôi, đứa nào cũng nở nụ cười ra mặt, có đứa còn nói giỡn: "Sao, ông việt kiều có còn dám đi tới chỗ kế tiếp không?"

Tạm biệt các em với hai hàng nước mắt tuôn trào, chúng tôi lên xe Honda trở về điểm xuất phát để lấy quà và lại tiếp tục làm những ông già noel trong đêm giáng sinh với những mảnh đời bất hạnh.


* * * * *

Lạy Chúa, nhìn lên có lẽ chúng con không bằng ai, nhưng nếu nhìn xuống, chúng con cảm nghiệm được rằng Chúa đã ban cho chúng con rất nhiều. Xin cho chúng con biết chia xẻ, một tấm áo, một manh quần, một đồng bạc để tất cả mọi người trên thế giới này sẽ không còn bị ngăn cách bởi hố sâu của địa vị, của hận thù, của ghen ghét, nhưng sẽ trở nên "một tấm bánh, một thân hình và một nhiệm thể trong Đức Kitô!"

LM. Martino Nguyễn Bá Thông

Trích từ: chungnhanduckito.net