PDA

View Full Version : Bài giảng lễ Chúa Nhật 15 thường niên A - 2023



gioanha
13-07-2023, 06:35 PM
CHÚA NHẬT XV TN A:
ĐÓN NHẬN LỜI CHÚA VÀ SINH HOA TRÁI



Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc


Việt Nam là một đất nước nông nghiệp truyền thống và còn lạc hậu, vì thế chúng ta vẫn phải nhập các trang thiết bị và kỹ thuật hiện đại từ các quốc gia tiên tiến. Đặc biệt, chúng ta vẫn phải nhập các loại hạt giống, cây giống từ nước ngoài, như từ Thái Lan và Trung Quốc. Người ta không thấy nông dân than phiền nhiều về các giống cây của Thái, nhưng lại nói nhiều về giống cây của Trung Quốc, đặc biệt là giống lúa, bắp. Ở Miền Bắc, nông dân gọi lúa bắp của Trung Quốc bằng cái tên mỉa mai: Lúa Tập Cận Bình. Hỏi tại sao gọi như thế? Nông dân trả lời: Giống lúa này gieo lần đầu thì cho năng xuất rất tốt, nhưng khi để giống và gieo lại lần thứ hai, nó sẽ không nảy mầm thành cây lúa tốt, nhưng trở thành lúa dại, không kết hạt, không năng xuất, tức là bị thoái giống hoàn toàn.

Thưa quý OBACE, hôm nay, Tin Mừng giới thiệu cho chúng ta một thứ hạt giống tốt, chất lượng. Tuy nhiên, hạt giống này cho năng xuất cao hay thấp là hoàn toàn tuỳ thuộc ở khâu làm đất và chăm sóc của mỗi người. Hạt giống đó chính là hạt giống Tin Mừng, hạt giống Lời Chúa.

Bài đọc một, tiên tri Isaia cho thấy hạt giống Lời Chúa là hạt giống tốt nhất, chất lượng nhất, năng xuất cao nhất và không bao giờ bị thoái giống, vì Lời Chúa tồn tại mãi mãi: “Cũng như mưa rơi xuống trên mặt đất làm cho cây cối xanh tươi, thì Lời Ta cũng vậy, một khi phát xuất từ miệng Ta sẽ không trở về mà chưa sinh hoa kết quả.” Điều đó cho thấy hạt giống lời Chúa sẽ trường tồn với thời gian, không bao giờ bị phá huỷ hay suy giảm chất lượng, nhưng luôn có sức mạnh để bén rễ nẩy mầm và sinh hoa kết trái trong những tâm hồn sẵn sàng đón nhận, chăm sóc và vun tưới.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn “Người Gieo Giống” để giải thích rõ hơn về sức mạnh ẩn chứa trong hạt giống Lời Chúa cũng như thái độ và sự cộng tác cần thiết của mỗi mảnh đất tâm hồn. Hạt giống Lời Chúa có nảy mầm, kết hạt được hay không hoàn toàn tuỳ thuộc vào thái độ mỗi người chuẩn bị mảnh đất tâm hồn mình thế nào.

Ai là người đi gieo? Nghe dụ ngôn hôm nay, chúng ta thấy rõ ràng người đi gieo là người chủ ruộng. Ông là một ông chủ quảng đại không tính toán thiệt hơn, không tiếc hạt giống của mình. Ông đã rảo bước đi khắp nơi, đến mọi môi trường, dù là nơi đồi núi, đá sỏi hay nơi rừng hoang gai góc hoặc là nơi mảnh ruộng quen thuộc. Ông đã tung gieo hạt giống của Lời cách rộng rãi, chỉ với một mong đợi hạt giống ấy được mọc lên và sinh hoa kết quả. Ông vừa gieo vừa đặt hết kỳ vọng và sự mong đợi vào nơi mà hạt giống được gieo, cho dù đó là môi trường thuận lợi hay gai góc.

Tuy nhiên, dụ ngôn cũng cho thấy có những tình trạng của các mảnh đất khác nhau, sự màu mỡ và sự sẵn sàng cũng khác nhau. Trước hết là hạt rơi trên đất ven đường: Đất ven đường là mảnh đất nhiều người qua lại giẫm đạp, khiến mặt đất thành chai lỳ khô cứng, ven đường cũng là nơi chim chóc thú rừng đi theo để kiếm ăn. Vì thế, hạt rơi vệ đường rất khó để nảy mầm vì bị giẫm đạp và nếu có nảy mầm thì cũng bị chim trời là ma quỷ, tội lỗi và thói xấu đè bẹp hoặc đến ăn mất. Mảnh đất vệ đường chính là những tâm hồn, những con người để mình giao du, dây dưa với ma quỷ, thói xấu và tội lỗi, khiến cho lương tâm bị chai lỳ. Đất vệ đường còn là những tâm hồn coi nhẹ đời sống thực hành đạo đức, như việc dâng lễ, cầu nguyện. Vì thế, lời nhắc nhở của Chúa và những lời chỉ bảo của những người có trách nhiệm dễ dàng bị gạt ra ngoài không thể bén rễ được.

Tình trạng thứ hai là mảnh đất tâm hồn sỏi đá. Đó là những tâm hồn cố tình, cố chấp trong cái tôi và cái sai của mình. Họ để cho những tảng đá kiêu căng, tội lỗi, tự ái lấn chiếm trong tâm hồn, không chú tâm học hỏi tìm kiếm Lời Chúa và giáo lý. Vì thế, hạt giống Lời Chúa dù có nảy mầm, nhưng không thể bén rễ sâu, không có nền tảng, khi gặp thử thách hoặc một gương xấu nào đó, họ không dựa vào Chúa mà lại đi tìm kiếm các giải pháp của người đời, hoặc tìm đến với thầy bà bói toán; họ dễ bị chao đảo, mất đức tin, hồ nghi Thiên Chúa và quay lại chống đối Giáo Hội.

Tình trạng tiếp theo đó là mảnh đất gai góc. Chúa Giêsu cho biết đây là tình trạng những tâm hồn để cho mình bị lôi kéo bởi lo toan và khuyng hướng ngoài đời. Đó là những người chỉ lo tìm kiếm của cải, địa vị, danh vọng. Họ đặt Chúa và Tin Mừng xuống hàng thứ yếu và coi công danh, giàu có làm ưu tiên trong đời sống và trong gia đình. Mảnh đất nhiều gai là tình trạng nơi nhiều tâm hồn trong chúng ta, nó thể hiện qua các hình thức tham vọng, ước muốn và tìm kiếm những thứ ở trần gian nhưng không lo tìm kiếm những giá trị của Nước Trời. Vì thế, rất nhiều lần nghe Lời Chúa, được Lời Chúa nhắc nhở, nhưng ta không vượt qua được sự hấp dẫn của thế gian, tiền bạc, ta để cho hạt giống Lời Chúa bị thui chột, bóp nghẹt, không phát triển được trong tâm hồn và không sinh hoa kết trái được.

Sau cùng, mảnh đất mà Thiên Chúa là người gieo hạt mong đợi đó là những mảnh đất tốt. Mảnh đất tốt là mảnh đất được làm cỏ, cầy xới chăm bón và vun tưới thường xuyên. Người Việt ngày xưa thường nói: Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống. Có nghĩa là việc chăm bón, chuyên cần tưới giội là những yếu tố đem đến mùa lúa bội thu. Mảnh đất tâm hồn cũng thế, cần được cầy xới nhờ Bí tích Giải tội, để loại bỏ những sự chai lỳ của tội, thói quen tật xấu, lười biếng, dửng dưng; phải loại bỏ những hòn đá kiêu căng, tự ái, ích kỷ chiếm chỗ trong mảnh đất tâm hồn. Chúng ta còn phải thường xuyên làm cỏ, loại bỏ khỏi tâm hồn những cỏ dại là những đam mê rượu chè, cờ bạc, chơi bời và phải dọn dẹp các bụi gai là sự nóng nảy, chửi bới tục tĩu. Đồng thời, mảnh ruộng tâm hồn cần được tưới bằng dòng nước của ơn Chúa, chăm sóc vun bón bằng các Bí tích nhất là Bí tích Thánh Thể, thánh lễ mỗi ngày. Tâm hồn của cha mẹ và con cái cần phải được tưới gội bằng dòng nước sạch, đó là dòng nước của tình yêu thương, quảng đại, nhân ái, bao dung và tha thứ. Một mảnh đất tâm hồn như thế chắc chắn sẽ là mảnh đất tốt, dễ dàng đón nhận hạt giống Lời Chúa mỗi ngày, sẵn sàng để cho Lời Chúa bén rễ, lớn lên và sinh hoa kết quả thiêng liêng gấp trăm lần.

Chúa Giêsu đã chúc phúc cho các môn đệ và mỗi chúng ta là những người được nghe Lời của Chúa: Mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe. Vì bao người công chính mong được thấy điều anh em đang thấy mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe mà không được nghe. Chúng ta được Chúa chúc phúc vì được nghe chính Chúa nói những lời này. Tuy nhiên, nhiều người vẫn để cho những Lời của Chúa đi ngang qua tai mà không đọng lại nơi trái tim, nơi tâm hồn và không biết canh tân phục hồi lại mảnh đất tâm hồn của mình và mảnh đất của gia đình. Nhiều người đã để cho mảnh đất tâm hồn và mảnh đất gia đình bị thoái hoá từ lâu, cha mẹ và con cái sống và lớn lên như cây hoang cỏ dại, không được uốn nắn và chăm sóc bởi Lời Chúa bởi đọc kinh, cầu nguyện. Tệ hơn nữa là nhiều người mất cảnh giác đã để ma quỷ, xã hội và thế gian gieo vào tâm hồn mình và con cái những hạt cỏ dại, những hạt giống độc, khiến cho tâm hồn và gia đình thành mảnh đất của ma quỷ và những thói xấu thế gian.

Suy niệm dụ ngôn người gieo giống hôm nay đặt ra cho chúng ta hai câu hỏi lớn:
1/ Với tính cách là cộng tác viên của Chúa, tôi có nhiệt thành và quảng đại để gieo những hạt lúa tốt vào trong tâm hồn, trong gia đình tôi không? Tôi có quảng đại nhiệt thành để gieo những hạt giống yêu thương, bao dung trong gia đình, những việc làm nhân ái và những hoa trái của việc tông đồ làm gương phục vụ cho người khác không?

2/ Hiện nay mảnh đất tâm hồn của tôi thế nào - là mảnh đất ven đường, sỏi đá, gai góc hay là mảnh đất tốt như Chúa mong đợi? Tôi có sẵn sàng để loại bỏ gai góc, sỏi đá, cầy xới, vun tưới, chăm sóc lại mảnh đất tâm hồn cũng như mảnh đất gia đình của tôi không?

Mỗi người hãy dành ít phút thinh lặng để nhìn lại và trả lời với Chúa.