PDA

View Full Version : Chúa tỏ lòng kiên nhẫn để chúng ta được cứu độ (Suy Niệm và Sống Lời Chúa: Chúa Nhật 16 Mùa Thường Niên năm A)



dvtung
20-07-2023, 07:04 PM
Chúa nhật XVI Mùa Thường Niên – Năm A


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (13,24-43)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: "Nước trời giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Trong lúc mọi người ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa lớn lên và trổ bông thì cỏ lùng cũng lộ ra. Ðầy tớ chủ nhà đến nói với ông rằng: "Thưa ông, thế ông đã không gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng từ đâu mà có?" Ông đáp: "Người thù của ta đã làm như thế". Ðầy tớ nói với chủ: "Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ". Chủ nhà đáp: "Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: "Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta".
Người lại nói với họ dụ ngôn khác mà rằng: "Nước trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình. Hạt đó bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây, đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó".
Người lại nói với họ một dụ ngôn khác nữa mà rằng: "Nước trời giống như men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men".
Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà phán những điều ấy với dân chúng. Người không phán điều gì với họ mà không dùng dụ ngôn, để ứng nghiệm lời tiên tri đã chép rằng: "Ta sẽ mở miệng nói lời dụ ngôn, Ta sẽ tỏ ra những điều bí nhiệm từ lúc dựng nên thế gian". Sau khi giải tán dân chúng, Người trở về nhà. Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe". Người đáp rằng: "Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong Nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe".


***


Bài chia sẻ Tin Mừng của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa


Chúa tỏ lòng kiên nhẫn để chúng ta được cứu độ

“Nếu Chúa hiện hữu, Ngài sẽ không để cho có nhiều sự tàn bạo trên trần gian như thế!”, “Tại sao Ngài không trừng phạt những kẻ độc ác?” Chúng ta vẫn thường nghe những câu nói này, dưới hình thức này hay hình thức khác. Trước những cuộc chiến tranh, những hành vi tàn bạo, những bất công xảy ra hằng ngày, chúng ta tự hỏi: tại sao Chúa lại im lặng và không can thiệp gì cả?
Ðể làm dịu đi sự thiếu nhẫn nại của chúng ta và để cho chúng ta hiểu sự kiên nhẫn vô biên của Chúa, Chúa Giêsu trình bày cho dân chúng, và cho chúng ta hôm nay, ba dụ ngôn: dụ ngôn về cỏ lùng, về hạt cải và về nắm men.
Trong dụ ngôn về giống tốt và cỏ lùng, chúng ta thấy có hai loại người gieo giống: người gieo giống tốt, đó là chủ ruộng và chủ mùa gặt. Còn người gieo cỏ lùng, đó là Kẻ Thù. Hắn không có gì cả: không có ruộng, cũng không có giống tốt. Hắn gieo vào ruộng của người khác, không phải để thu hoạch mà là để tiêu hủy mùa gặt. Chỉ có người thứ nhất là có thực quyền, còn người thứ hai thì lại không chấp nhận thất bại của mình.
Chúa đã tạo dựng con người có tự do, có thể đón nhận Lời Người, Con của Người, để con người hạnh phúc khi tiếp xúc với Con của Người. Chúa muốn cho con người sống hạnh phúc. Nhưng Kẻ Thù chen chân vào. Nó gài bẫy, làm rối loạn và gieo mối bất hòa. Nó muốn bóp nghẹt Ngôi Lời và làm con người đi sai ơn gọi đích thực của mình. Trong một vài chiều kích nào đó, Kẻ Thù đã thành công. Chúng ta có nhiều ví dụ để minh chứng cho điều này. Vì thế, trong tâm hồn con người, luôn có cuộc chiến đấu giữa điều thiện và điều ác.
Chúng ta có thể nhận ra hình ảnh của mình nơi những người đầy tớ trong dụ ngôn, vì chúng ta cũng muốn Giáo Hội được trong sạch, muốn loại bỏ những gì là bất chính, loại trừ những ai không hợp với mình. Như thế, phải chăng chúng ta chỉ để ý điều ác thay vì điều thiện? Có phải chúng ta thích tố cáo hơn là động viên, thích lên án hơn là yêu thương chăng?
Trong bài đọc I, tác giả sách Khôn ngoan đọc lại lịch sử để chiêm ngưỡng sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Câu trước bài đọc I tóm tắt như sau: “Nhưng Ngài trừng phạt chúng từ từ cho chúng có cơ may hối cải.” (Kn 12,10). Nếu Thiên Chúa không tiêu diệt kẻ gian ác, là vì Người hy vọng vào phút cuối họ sẽ hối cải. Thời gian kiên nhẫn lâu dài của Chúa, đó là thời hạn Chúa ban cho chúng ta, như lời thánh Phêrô: “Anh em hãy biết rằng Chúa chúng ta tỏ lòng kiên nhẫn chính là để anh em được cứu độ.” (2 Pr 3,15)
Những dụ ngôn này mời gọi ta sống kiên nhẫn, đừng quá vội vàng tách những người mà ta nghĩ là người xấu và người tốt. Chúng ta hãy dùng thời gian kiên nhẫn của Chúa để hoán cải.
Ðiểm cốt yếu của dụ ngôn về hạt cải, đó là sự tương phản giữa hạt giống nhỏ bé và cây cao lớn đến nỗi chim trời tới xây tổ trên cành được. Chúa Giêsu đã gieo Nước Trời vào thế gian, tuy còn nhỏ bé dưới con mắt loài người, nhưng cuối cùng sẽ phát triển với tầm mức hoàn vũ. Chúng ta được mời gọi tiếp tục gieo vãi những hạt giống nhỏ. Và chúng ta chỉ là những hạt giống nhỏ bé. Vì thế chúng ta vừa là người gieo giống, vừa là hạt giống. Chính chúng ta phải chấp nhận chôn vùi trong lòng đất để xây dựng Nước Trời: “Nếu hạt lúa gieo trong lòng đất và chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” (Ga 12,24)
Hình ảnh hạt cải trở thành cây lớn, mọi người đều thấy, loan báo sự lớn mạnh của Nước Trời trong thế giới dân ngoại. Nước Trời như men trong bột. Men là một sản phẩm mạnh. Chỉ với số lượng nhỏ nhưng có tác dụng mãnh liệt. Sức mạnh tiềm tàng này ám chỉ Nước Chúa.
Chúng ta thường quá nóng lòng, thiếu kiên nhẫn; chúng ta muốn biết Chúa Thánh Thần làm việc trong thế giới như thế nào. Chúng ta khao khát tìm dấu chỉ thời đại. Nhưng Chúa Giêsu đã nói: “Triều Ðại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: ‘Ở đây này!’ hay ‘Ở kia kìa!’, vì này Triều Ðại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” (Lc 17,20-21). Thánh Phaolô viết: “Thấy được điều mình trông mong, thì không còn phải là trông mong nữa… Nếu chúng ta trông mong điều mình chưa thấy, thì đó là chúng ta bền chí đợi chờ.” (Rm 8,24-25)
Ba dụ ngôn mạc khải cho chúng ta về mầu nhiệm, điều bí mật, cũng như những đòi hỏi của Nước Trời. Sức mạnh bên trong và động lực giấu kín, sự chậm rãi và kiên nhẫn vô cùng. Không có ruộng lúa nào mà không có cỏ lùng. Là con người, không ai lại không có những lúc yếu đuối. Cỏ lùng luôn ở trong ruộng lúa và trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta phải học làm sao để sống trong môi trường này, với hy vọng sẽ thấy, một ngày nào đó, cỏ lùng dần dần sẽ biến thành lúa.





https://www.youtube.com/watch?v=Izw4ZJULOhshttps://thanhcavietnam.org/BaiSuyNiem/LmVuThaiHoa/NamA/SN-SLC-ChuaNhat16TNA-lmvth-MariaKimThuy.mp3