PDA

View Full Version : Bài giảng lễ Chúa Nhật 22 thường niên A - 2023



gioanha
31-08-2023, 10:09 PM
CHÚA NHẬT XXII TN A:
NGƯỜI MÔN ĐỆ - VÌ LỜI CHÚA MÀ BỊ SỈ NHỤC


Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc

Một số cha kể lại: Sau cuộc cách mạng, hàng loạt các linh mục và giáo dân, các vị chức việc trong giáo xứ ở miền bắc còn ở lại thì bị bắt đi tù không bản án và cũng không có thời hạn. Mục đích của các cuộc bắt bớ này là để trấn áp, khủng bố tinh thần người Công Giáo.

Trải qua một thời gian dài trong quá khứ, những người theo Chúa bị coi như công dân hạng hai, bị đề phòng coi như kẻ phản động. Không phải chỉ có thời nay, mà ngay từ xưa, Tin Mừng đi đến đâu cũng bị người đời nghi kỵ. Tại Việt Nam, tổ tiên cha ông chúng ta cũng bị người ta vu khống cho nhiều tội danh: nào là phản bội tổ quốc, nào là câu kết với tây... Nhưng tất cả những khó khăn, bắt bớ, khinh miệt loại trừ đó, không khiến cho người môn đệ sợ hãi bỏ cuộc, nhưng tin rằng, mình đang được nên giống Chúa Giêsu, đang cùng vác thập giá hằng ngày để theo Chúa.

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay Chúa Giêsu đã nói trước về thân phận cũng như điều kiện để trở thành môn đệ của Chúa: “Ai muốn theo Thầy phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.”

Theo Chúa, làm môn đệ của Chúa, không phải đi tìm sự dễ dãi hay địa vị trần thế, nhưng là phải dám chấp nhận rủi ro, gian lao khốn khó. Bài đọc một kể lại lời tâm sự của Giêrêmia khi trung thành sống và làm theo ý Chúa. Vị ngôn sứ sống trong hoàn cảnh đất nước đang bị đe doạ bởi ngoại xâm. Vua quan và dân Do Thái tìm cách giải quyết mối đe doạ này bằng con đường chính trị và quân sự. Họ liên minh với Ai cập để chống lại kẻ thù. Trái lại, tiên tri Giêrêmia thì lại kêu gọi vua quan và toàn dân hãy sám hối, làm theo những điều Chúa truyền dạy thì sẽ thoát khỏi quân thù. Tuy nhiên khi đứng ra bênh vực đường lối của Chúa, ông bị người đời ghét bỏ, hành hạ, coi ông như kẻ phản bội. Thế nhưng, không vì thế mà vị tiên tri bỏ cuộc, trái lại ông xác tín vào sứ mạng Chúa trao cho ông. Trong đoạn sách hôm nay, ông như tâm sự với Chúa: “Lạy Chúa Ngài đã quyến rũ con và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con và Ngài đã thắng. Suốt ngày con nên trò cười cho thiên hạ nhạo báng. Vì lời của Đức Chúa mà con bị sỉ nhục, chế giễu suốt ngày.” Có nhiều khi ông cũng như muốn buông xuôi, nhưng ông vẫn không thắng được sức mạnh và sự thôi thúc của Chúa: “Có lần tôi tự nhủ, tôi sẽ không nghĩ đến Người nữa, sẽ không nói đến Người nữa, nhưng Lời Ngài cứ như lửa cháy bừng trong tim, thiêu đốt xương cốt tôi.”

Các ngôn sứ thời xưa đã phải trải qua biết bao gian khổ chỉ vì chu toàn mệnh lệnh của Thiên Chúa, nói Lời của Thiên Chúa. Cũng vì Lời của Chúa mà các ngài bị đối xử tệ bạc, bị sỉ nhục, hành hạ. Chính Đức Giêsu, Đấng đến để nói Lời của Thiên Chúa, làm những điều Thiên Chúa chỉ dạy, cũng bị đối xử tệ bạc, hành hạ và loại trừ. Đức Giêsu đã nói trước tất cả những khó khăn đó với các môn đệ và cũng là nói cho mỗi chúng ta ngày nay: “Con Người sẽ bị người ta bắt, rồi giết chết và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.” Thánh Matthew cho thấy, khi Chúa Giêsu nói như thế, thì Phêrô đã không dễ dàng chấp nhận. Ông không muốn một vị Thầy lỗi lạc lại bị xúc phạm, không muốn một vị Thiên Chúa mà phải đau khổ và phải chết. Đàng khác, có lẽ Phêrô còn đang chờ đợi rất nhiều điều khác từ nơi Thầy. Các môn đệ đi theo Chúa nhưng mỗi người mang một mục tiêu khác nhau, đa số các ông mong tìm được những bổng lộc, địa vị, giàu sang, vật chất. Vì thế, khi Chúa nói về việc Chúa sẽ bị bắt và bị giết, thì các ông không dễ dàng chấp nhận.

Câu chuyện hôm nay cho thấy Phêrô chính là người đứng ra can ngăn Chúa Giêsu: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy.” Phêrô đã nhân danh Thiên Chúa để cản đường Đức Giêsu. Ông không muốn Thầy mình đi vào con đường đau khổ chết chóc ấy. Ông thầm muốn Thầy tìm một giải pháp khác, một con đường khác nhẹ nhàng hơn, vinh quang hơn. Lời can ngăn của Phêrô như đụng chạm đến sự vâng phục và yêu mến mà Chúa Giêsu dành cho Thiên Chúa Cha. Vì thế, Chúa Giêsu đã phản ứng bằng lời khiển trách nặng nề: “Satan, hãy lui ra đằng sau Thầy. Anh cản lối Thầy, tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa.” Mặc dù khi gọi người học trò của mình là Satan, Chúa Giêsu không nguyền rủa hay so sánh ông như “quân ma quỷ”, nhưng coi ông như người cản đường, kẻ đối nghịch với Thiên Chúa. Phêrô muốn Thiên Chúa đi theo con đường của ông, làm theo ý của ông. Nói cách khác, Phêrô muốn trở thành kẻ dẫn đường cho Thầy, và đã quên vị trí của mình chỉ là môn đệ.

Chúa Giêsu đã trách Phêrô và muốn ông trở về đúng với vị trí của người môn đệ là đi theo sau Thầy: “Hãy lui ra đằng sau Thầy.” Kế đó, Chúa Giêsu giải thích cho tất cả các môn đệ hiểu cách rõ ràng hơn thế nào là môn đệ và thế nào là theo Thầy: “Ai muốn theo Thầy phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” Qua lời tuyên bố này, Chúa Giêsu cho thấy đây cũng chính là điều kiện căn bản để trở nên môn đệ của Ngài. Đòi hỏi này gồm ba việc làm gắn liền với nhau: trước hết là phải từ bỏ bản thân mình. Từ bỏ bản thân là từ bỏ khỏi mình sự kiêu ngạo, tự cao, tự ái, từ bỏ cái tôi, sự ích kỷ và những tham vọng vật chất. Kế đến là vác thập giá mình hằng ngày. Vác thập giá mình là đón nhận cách tích cực những khó khăn, thử thách, đau khổ, vui buồn, thành công, thất bại trong cuộc sống thường ngày của mình. Cuối cùng là phải bước theo Chúa. Điều này cho thấy rằng, việc trở nên môn đệ của Chúa không thể tìm một con đường nào khác ngoài con đường thập giá Chúa đã đi qua, chỉ đi theo Chúa chúng ta mới có thể đón nhận được sự trợ lực nâng đỡ của Chúa, được tham dự vào sự phục sinh của Chúa. Nếu đi một con đường khác, ta sẽ đi một mình và đi lạc đường.

Trước mặt người đời, những người đi theo Chúa Giêsu bị coi là khù khờ, dại dột, là bước vào một tương lai mờ mịt, bị người đời coi thường, khinh miệt. Tuy nhiên, với người có niềm tin và với các môn đệ, việc chọn bước theo Chúa Giêu là một chọn lựa tốt nhất, khôn ngoan nhất. Vì chọn lựa này là bảo đảm cho hạnh phúc thật của chúng ta. Trong mắt người đời, chọn Chúa là lừ bỏ, là mất mát, nhưng đối với những người tin, thì chọn Chúa là có tất cả, là được tất cả và cái được lớn lao nhất là được hạnh phúc đời đời. Vì thế Đức Giêsu đã nói: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.”

Thưa quý OBACE, điều kiện để theo Chúa, để làm môn đệ của Ngài vẫn không thay đổi. Một khi chọn Chúa, chúng ta phải dám chấp nhận từ bỏ thế gian, chấp nhận bị khinh chê, bị thiệt thòi; chọn Chúa có khi còn mất cơ hội làm giàu, mất công danh địa vị trong xã hội. Nhưng chúng ta tin rằng, Thiên Chúa không bao giờ chịu thua lòng quảng đại của con người, Ngài sẽ ban lại cho ta tất cả và còn nhiều hơn vạn ngàn lần những gì bị coi như mất mát.

Là môn đệ của Chúa, chúng ta không thể bước theo một ai khác nữa, càng không thể bước theo những lời dụ dỗ của ma quỷ và thế gian, nhưng một dạ một lòng đi theo Chúa, cho dù phải vác thập giá, cho dù có phải bước vào con đường khổ nạn, nhưng ta tin rằng, cuối con đường thập giá là niềm vui phục sinh.

Tuy nhiên, nhiều tín hữu, cách riêng các bạn trẻ vẫn bị cám dỗ giống như Phêrô, tự cho mình là người giỏi giang, thông thái, biết hết mọi sự và muốn tự mình đi một con đường riêng mà không cần Thiên Chúa. Đồng ý rằng: Người tài luôn có lối đi riêng, nhưng nếu lối đi nào mà không có Chúa đi cùng, sẽ là một lối đi trong buồn tẻ và là lối đường dẫn đến sự huỷ diệt. Vì thế, các bạn trẻ có thể chọn cho mình nhiều lối đi, nhưng cho dù đi lối nào thì chúng ta cũng cần mời Chúa đi cùng và cùng Chúa bước đi, để cho Chúa nâng đỡ, chia sẻ với những lo toan gánh nặng của chúng ta. Chỉ khi có Chúa đi cùng ta mới không lạc đường và mới có thể đạt tới đích là ơn cứu độ mà thôi.

Xin Chúa cho chúng ta đừng bao giờ nản lòng khi bước theo Chúa, cũng đừng bao giờ tìm cách đi một mình mà không có Chúa. Xin Cho chúng ta tìm được niềm vui vì có Chúa đồng hành và luôn hãnh diện tự hào mình là môn đệ Chúa, cho dù có bị người đời khinh chê, sỉ nhục. Amen.