PDA

View Full Version : nhân quyền



gioanha
17-12-2008, 12:57 PM
Tổng kết 60 năm công bố Tuyên Ngôn Nhân Quyền: lý thuyết xa rời thực tại
Thứ ba, 12.16.2008, 02:51pm (GMT+7)

Một số nhận định của ông Ugo Draetta, giáo sư môn ”Quyền quốc tế” tại Đại học công giáo Milano, về tổng kết 60 năm cống bố Tuyên Ngôn Nhân Quyền

Cách đây 60 năm, ngày mùng 10 tháng 12 năm 1948 Liên Hiệp Quốc đã công bố ”Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền”, khẳng định phẩm giá cao qúy và các quyền bất khả xâm phạm của con người. Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền đã là một chinh phục pháp lý của thế giới tân tiến ngày nay. Nó có gốc rễ trong tư tưởng Kitô và tư tưởng cổ điển, với phần đóng góp của tư tưởng thiên quang luận. Nhưng trên thực tế khát vọng công lý và hòa bình vẫn chưa được đáp ứng tại rất nhiều vùng trên thế giới này. Nghĩa là giữa lý thuyết và thực hành vẫn còn có khoảng cách rất xa.

Ngoài phần dẫn nhập Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền gồm 36 khoản đã được soạn thảo trong vòng 2 năm, và được chấp nhận ngày mùng 10 tháng 12 năm 1948, với nghị quyết 217, được 51 quốc gia thành viên hiện diện thông qua tại Paris. Lá phiếu chấp thuận của năm 1948 này đã là nền tảng cho hiệp định về các quyền con người - được thừa nhận hoàn toàn hay một phần - bởi 192 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc. Có thể ví nó như là một bản ”Hiến Pháp Quốc Tế”, nảy sinh từ các tàn phá đổ vỡ chết chóc thê lương của thế chiến thứ II, và nhằm vạch ra các nguyên tắc của một cuộc sống chung dựa trên hòa bình, công lý và sự tôn các quyền tự do và sự sống con người. Ủy ban soạn thảo gồm 18 thành viên do bà Eleanor Roosevelt, góa phụ của tổng thống Franklin Delano Roosevelt, làm chủ tịch. Trong số các thành viên có ông René Cassin, người Pháp, ông Charles Malik, người Libăng và ông Trần Bành Xuân, người Trung Hoa.

Tuy nhiên khi đi ngược dòng lịch sử, chúng ta có thể ghi nhận nhiều bản tuyên ngôn nhân quyền khác nữa. Chẳng hạn bản tuyên ngôn về các quyền con người, công bố vào năm 1689, sau khi chấm dứt cuộc nội chiến tại Anh quốc, diễn tả khát vọng dân chủ của người dân Anh. Một thế kỷ sau đó cuộc Cách Mạng Pháp đã gợi hứng cho Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Hiến Pháp Hoa Kỳ. Tuy nhiên có một số người cho rằng tài liệu về nhân quyền cổ xưa nhất là tài liệu khắc trên ”Ống Đồng” do Ciro, vua Ba Tư, ban hành vào năm 539 trước công nguyên. Tiếp đến là ”Thỏa hiệp của những người đạo đức”, ký kết năm 590 sau công nguyên giữa các bộ lạc A rập, như liên minh đầu tiên giữa các dân tộc, dựa trên việc tôn trọng các nguyên tắc chung.

Năm 1942 triết gia Jacques Maritain khẳng định rằng gia phả dài và phức tạp của các quyền con người ”là một gia tài của tư tưởng Kitô và của tư tưởng cổ điển”, chứ không chỉ là của nền triết lý thiên quang luận mà thôi, là nền triết lý rốt cuộc đã làm cho gia tài đó bị méo mó đi”. Sợi chỉ đỏ dẫn đường gắn liền với Kitô giáo đã xuyên qua cuộc tranh đấu cho quyền của các bộ lạc da đỏ châu Mỹ Latinh, do các tu sĩ Bartolomeo de Las Casas và Francisco de Victoria khởi xướng hồi thế kỷ XVI, chống lại các lực lượng thuộc địa Tây Ban Nha ngược đãi và tàn sát các thổ dân bên châu Mỹ. Sợi chỉ đỏ ấy còn xuyên suốt lên cho tới thánh Toma Aquino, thánh Agostino, các Giáo Phụ, thánh Phaolô và cả triết gia Cicerone, các triết gia khắc kỷ và triết gia Sofocle.

Một cách đặc biệt chính các thảm cảnh, do các thể chế độc tài và thế chiến thứ II gây ra, đã thúc đẩy suy tư và việc định nghĩa các quyền con người trên bình diện quốc tế. Cuộc khủng hoảng của nền văn minh giữa các năm 1940-1945 đã khiến cho các tín hữu công giáo và tin lành, các người theo khuynh hướng tự do và các người dân chủ xã hội xích lại gần nhau và bước vào cuộc đối thoại với các trào lưu tôn giáo khác, cho tới chỗ thắng vượt được các chống đối nhau. Chiến tranh, chế độ Đức quốc xã và chế độ cộng sản cũng nhanh chóng giúp thắng vượt các dè dặt đối với thuyết thiên quang luận vô thần. Chủ thuyết thiên quang luận vô thần đã nhúng tay vào tất cả mọi tuyên ngôn âu châu về nhân quyền, nhưng lại không gây được ảnh hưởng nào trên các tuyên ngôn nhân quyền của Hoa Kỳ lấy Thiên Chúa làm nền tảng. Chính vì thế trong sứ điệp truyền thanh lễ Giáng Sinh năm 1942 Đức Pio XII đã ám chỉ sự kiện này và khẩn cầu ”ngôi sao hòa bình” trao ban trở lại cho con người phẩm giá, mà Thiên Chúa đã ban cho nó ngay từ ban đầu”.

Thật vậy qua Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền, các nguyên tắc của cuộc Cách Mạng Pháp và Hoa Kỳ đạt chiều kích đại đồng của chúng. Giáo Hôi Công Giáo cũng góp phần một cách mạnh mẽ với các tài liệu của Công Đồng Chung Vaticăng II và các thông điệp, điển hình như thông điệp ”Hòa Bình Dưới Thế” của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, cũng như rất nhiều thông điệp và giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II và các chuyến viếng thăm mục vụ của người. Tất cả đều giúp minh giải chiều kích nòng cốt sứ mệnh của Giáo Hội là ”bảo vệ phẩm giá siêu việt của con người” như được nêu bật trong Hiến Chế ”Vui Mừng và Hy Vọng” về Giáo Hội trong thế giới ngày nay.

Ngày 18-4-2008, nhân kỷ niệm 60 năm công bố Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã viếng thăm tổ chức Liên Hiệp Quốc và phát biểu trước đại diện của các quốc gia trên thế giới. Người nhắc lại rằng Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc công bố năm 1948 là kết qủa sự tụ hội của các truyền thống tôn giáo và văn hóa khác nhau, coi hạnh phúc con người là trung tâm mọi hoạt động. Các quyền được ghi trong Bản Tuyên Ngôn dựa trên luật lệ tự nhiên được khắc ghi trong con tim của từng người, và luật lệ tự nhiên đó là điểm tột đỉnh chương trình tạo dựng của Thiên Chúa đối với thế giới và lịch sử. Đức Thánh Cha cũng cảnh cáo chống lại sự thắng thế của một quan niệm duy tương đối, cho rằng ý nghĩa và việc giải thích các quyền con người có thể thay đổi, và vì thế không thừa nhận tính cách đại đồng của chúng nhân danh các bối cảnh văn hóa, chính tri, xã hội và cả tôn giáo khác nhau nữa. Nghĩa là có thể xảy ra nguy cơ chối bỏ nền tảng bản thể học của các giá trị được khẳng định trong Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền, và khiến cho quyền con người tùy thuộc các trào lưu tư tưởng thắng thế trong một xã hội.

Sau đây là một số nhận định của ông Ugo Draetta, giáo sư môn ”Quyền Quốc Tế” tại Đại học công giáo Milano, bắc Italia, về tổng kết 60 năm cống bố Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền.

Hỏi: Thưa giáo sư Draetta, mùng 10-12-2008 là ngày kỷ niệm Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền đã được cống bố cách đây 60 năm. Ngoài các lễ nghi kỷ niệm chính thức, có được bao nhiêu trong số 30 điều khoản đã đi vào trong các bộ luật và trong lương tâm của con người thời nay? Nghĩa là chúng ta đã thực hiện được các điều khoản của nó tới đâu rồi?

Đáp: Tuy không có tính cách bắt buộc, nhưng các nguyên tắc của Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền đã trở thành đối tượng của một loạt các tuyên ngôn luật pháp quốc tế bắt buộc trên bình diện quốc tế cũng như vùng miền. Chẳng hạn như các thỏa hiệp quốc tế về các quyền con người năm 1966 và Hiệp định âu châu về các quyền con người. Trên bình diện cụ thể đã có sự chậm trễ giữa các công bố lý thuyết và việc thực hành cụ thể.

Ngoài ra các cuộc Cách Mạng Pháp và Mehicô cũng đã chấp nhận sự bình đẳng giữa tất cả mọi người, nhưng sự thật lịch sử cho thấy nó chỉ liên quan tới người da trắng và nam giới. Đã phải đợi rất lâu mới đạt được một biến cố biểu tượng như biến cố đã xảy ra trong các tuần vừa qua: đó là một người da mầu gốc phi châu được bầu làm tổng thống Hoa Kỳ. Chúng ta đã luôn luôn sống sự xa cách giữa các lời tuyên bố và thực tế cụ thể. Ngay cả sự kiện Liên Hiệp Quốc, là tổ chức đã công bố Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền, mà cũng không đưa ra khoản ước nói rằng một Nhà Nước mà đàn áp một cách có hệ thống các quyền tự do căn bản và các quyền con người, thì sẽ bị loại trừ ra khỏi tổ chức. Chính vì thế mới có chuyện một chính quyền đàn áp dân chủ và các quyền con người như chính quyền Myanmar vẫn ngang nhiên là quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc, và một nước như Libia vẫn trở thành thành viên Ban chủ tịch Ủy ban các quyền con người. Nghĩa là các quyền con người được hiểu trong một viễn tượng lịch sử, chứ không phải với bảng tổng kết bé nhỏ cụ thể của nhà làm luật. Chúng ta đã phải đợi biết bao nhiêu năm, và các tuyên ngôn cũng như các dụng cụ pháp luật khác cũng chỉ là các điểm khởi hành, chứ chưa đem lại các kết qủa cụ thể.

Hỏi: Kỷ niệm 60 năm công bố Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền là dịp tổ chức nhiều lễ nghi chính thức, nhưng một cuộc thăm dò mới đây cho thấy rất ít người trẻ Italia tuổi từ 18 đến 35 đã đọc Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền này ít là một lần. Như thế thì phải khởi hành từ đâu để giúp người dân hiểu tính cách thời sự của Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền này thưa giáo sư?

Đáp: Tôi đồng ý với phân tích này của qúy vị, cả khi tôi muốn nhắc lại rằng trong các đại học cũng có các sinh viên nghiên cứu và học hỏi về các vấn đề nhân quyền, chứ không phải là không. Ngày nay vẫn tiếp tục có các vụ vi phạm nhân quyền, nhưng chúng không còn được coi là chuyện nội bộ của các nước riêng rẽ như hồi năm 1945 nữa. Rất tiếc là các quyền con người vẫn tiếp tục bị chà đạp trắng trợn, nhưng chúng bị thế giới lên án mạnh mẽ, một phần cũng là nhờ các phương tiện truyền thông đưa tin tức. Đây đã là một bước tiến rồi: chúng ta tất cả đều phẫn nộ vì các chuyện xảy ra bên Myanmar, bên Sudan vv..., và chúng ta yêu cầu cộng đồng quốc tế phải hoạt động nhiều hơn nữa. Nó là một thành qủa quan trọng của thời đại chúng ta.

Hỏi: Thưa giáo sư, đâu là các thách đố mới mà nhân quyền phải đương đầu hiện nay?

Đáp: Có lẽ tôi khiến cho qúy vị thất vọng, vì không đưa ra các đề tài đặc biệt, nhưng chỉ đưa ra một đòi hỏi hữu hiệu thôi: đó là cộng đoàn quốc tế phải mạnh mẽ phản ứng chống lại các thách đố cũ và các thách đố mới, nhưng lại không có các dụng cụ thích hợp. Liên Hiệp Quốc có một sắp đặt cứng nhắc, tập trung nơi sự đồng ý của 5 thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An. Đây là điều cần phải thay đổi. Cần phải cải tổ Liên Hiệp Quốc theo việc phân chia mới về quyền bính trên thế giới. Nhưng chính 5 quốc gia thành viên Hội Đống Bảo An Liên Hiệp Quốc này lại ngăn chận mọi chuyện. Và cuối cùng thì chúng ta phải một trả giá rất cao, vì chúng ta không có các phương tiện nào khác. Như thế thách đố lớn ngày nay là tái thành lập Liên Hiệp Quốc, là cải tổ nó. Chỉ sau khi cải tổ hay thành lập trở lại Liên Hiệp Quốc, chúng ta mới có thể đương đầu với các thách đố cụ thể như vấn đề môi sinh và nền kinh tế toàn cầu mà thôi.

Hỏi: Thưa giáo sư Draetta, Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền cũng đề cập tới quyền sống. Một vài lời tuyên bố của Liên Hiệp Quốc xem ra đi ngược lại với quyền này, có đúng thế không?

Đáp: Trong phần dẫn nhập Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền đề cập tới ”phẩm giá” chứ không nói tới phẩm chất của sự sống. Từ đó trở đi thì người ta nhấn mạnh phẩm giá của sự sống trong sự toàn vẹn của nó, chứ không phải một cuộc sốmg tốt hay một cuộc sống xấu, một cuộc sống lành mạnh hay một cuộc sống đau yếu. Đây là một tuyên bố nền tảng và rất quan trọng. Nó có nghĩa là phải tôn trọng phẩm giá sự sống con người trong mọi tình trạng của nó.

(Avvenire 9-12-2008)

Linh Tiến Khải