PDA

View Full Version : CN 23 TN / A : SỬA LỖI CHO NHAU



Hoàng Trung
07-09-2023, 09:23 PM
CN 23 TN / A
SỬA LỖI CHO NHAU

“Ai là người vô tội, hãy ném đá chị này đi”. Lần lượt, từ người già đến người trẻ đã lẳng lặng rút lui, chỉ còn lại một mình Chúa Giêsu và người phụ nữ phạm tội ngoại tình. Nhìn chị, Chúa bảo: “ Không ai lên án chị sao? Về đi! Đừng phạm tội nữa!” Chúa đã nhắc nhớ mọi người trong chúng ta rằng không ai là người vô tội, và Ngài đã sửa lỗi người có tội bằng một thái độ khoan dung độ lượng.
Sữa lỗi anh em là trách nhiệm và là bổn phận của mỗi người, của cộng đoàn như Lời Chúa đã nhắn gửi qua miệng tiên tri Êgiêkiel: “ Nếu ngươi không chịu nói để kẻ gian ác bỏ đường lối mình, thì chính kẻ gian ác sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng Ta đòi máu nó bởi tay ngươi. Còn khi ngươi loan báo cho kẻ gian ác bỏ đường lối nó, nếu nó không chịu bỏ đường lối nó, thì nó sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng cứu được mạng sống ngươi”.
Nhưng sửa lỗi bằng cách nào? Thái độ người được sửa lỗi và người sửa lỗi phải như thế nào?
Trong bài Tin Mừng Chúa nhật 23, mùa thường niên, năm A, Chúa đã chỉ cho chúng ta cách sửa lỗi anh em như sau: “ Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là người anh em mình. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.”
Người được anh em chỉ cho thấy những sai lỗi của mình, nhưng vẫn khư khư cho mình là đúng, là phải thì cũng giống như mảnh đã đất chai cứng, nước không thể thấm xuống được. Thái độ cố chấp, kiêu căng, tự phụ là những biểu hiện của sự cứng lòng.
Lã Thị Xuân Thu trong Cổ học Tinh Hoa có kể một câu chuyện như sau: Nước Tề, có một người kia được vẻ vang, giàu có nhờ đi theo hầu vua. Nhưng khi vua gặp nạn, anh ta đã bỏ mặc vua trong cảnh hoạn nạn để thoát lấy thân.
Một hôm, trên đường đi, tính cờ gặp người bạn cũ. Cố nhân ngạc nhiên hỏi:
- Tưởng đâu anh đã chết rồi, nhưng vẫn còn sống ư!
Anh ta trả lời:
- Phải, tôi còn sống đây. Làm đầy tớ cho người ta là để kiếm lợi. Chết theo người ta thì ích lợi gì chứ! Cho nên tôi chẳng dại gì chết.
Người bạn cũ trách:
- Anh ăn ở như thế thì còn mặt mũi nào mà nhìn người ta dưới chín suối!
Anh ta lập luận:
- Cứ như anh nói thì người chết mắt đã nhắm mà còn thấy được ư?
Lý sự cùn, ngụy biện, tự cho mình là đúng của người cố chấp, cứng lòng là thế đó! Người cố chấp, cứng lòng không biết phục thiện, không nhận ra cái sai của mình…Cứng lòng đã làm cho người ta không thể cảm nhận, không thể bị tổn thương, không thể đáp ứng, không thể yêu thương.
Trái nghịch với cứng lòng là “ hiền lành và khiêm nhượng” như có lần Chúa đã dạy chúng ta. Chúa đã đến để thanh luyện tâm hồn chúng ta trở thành một tâm hồn dịu dàng, biết lắng nghe, biết cảm động, biết yêu thương, biết trở về đường lối của Chúa, biết khiêm tốn lắng nghe Lời của Ngài: “Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Ngài: Các ngươi đừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử thách Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của ta”.
Tiếp đến, để sửa lỗi anh em, Chúa đã dạy chúng ta phải làm cách nào?
Trước tiên là hai người trao đổi, tâm sự với nhau; không được, thì ba người bàn luận, tranh cãi với nhau cho biết đâu là phải trái; ba người không được nữa thì mới đưa ra cộng đoàn; cộng đoàn không xong, thì mới khai trừ, mới xem như là người ngoại, người thu thuế. Công việc sửa lỗi anh em của Chúa tiệm tiến, kiên nhẫn, yêu thương, chờ đợi.
Trong cuộc sống hằng ngày, nếu có dịp tiếp xúc với người khác, thường thì chúng ta phê phán, chỉ trích, nói xấu, hay kết tội người khác hơn là tìm cách giúp đỡ họ sửa lỗi, đặc biệt là người vắng mặt.
Nhưng muốn sửa lỗi anh em, trước tiên chúng ta phải “ tiên trách kỷ, hậu trách nhân.” Nhận ra được thực chất của con người mình thì khó hơn là nhìn thấy những khuyết điểm của người khác. Không thấy “ cái xà” trong mắt mình mà lại nhìn thấy “ cọng rác” nơi mắt anh em. Chưa có “ hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” thì chưa đủ khả năng để sửa lỗi anh em. Không cần biết thực chất của con người mình như thế nào, nhưng chúng ta vẫn thích dạy khôn, làm thầy đời thiên hạ.
Người tráo trở, lươn lẹo, thiếu thành thật như Dương Tử đã ví: “ Thân dê mà lốt cọp, thấy cỏ thì thích, thấy chó sói thì run, quên cả bộ da khóac là lốt cọp”, mà đi sửa lỗi anh em thì khó mà làm cho người có lỗi cảm phục và hoán cải.
Sửa lỗi anh em dù hai người hay ba người với nhau mà không lấy yêu thương, không lấy đức kiêm nhu làm gốc thì cũng chẳng cải hóa được ai.
Nhưng một khi đã “ yêu thương người khác như chính mình” thì sửa lỗi anh em là sửa lỗi chính mình.
Tóm lại, cái lỗi mà Chúa đòi hỏi chúng ta cần giúp anh em sửa là lỗi đi sai đường lối của Chúa. Đường lối mà Chúa muốn chúng ta theo là mến Chúa yêu người. Mến Chúa , yêu người là lề luật mà chúng ta phải chu toàn. Người có lỗi là người đi sai hoặc đối nghịch đường lối ấy. Để việc sửa lỗi cho nhau trong cộng đoàn được đạt kết quả tốt đẹp trong tình thương bao la của Thiên Chúa, người có lỗi phải có thái độ khiêm nhu, biết phục thiện, đừng cứng lòng. Với người có trách nhiệm sửa lỗi, nếu vì yêu thương mà chúng ta không sửa lỗi anh em hay chúng ta sửa lỗi cho anh em mà không vì yêu thương là chúng ta mang lấy một món nợ : nợ yêu mến nhau như trong thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma: “ Anh em chớ mắc nợ ai ngoài việc phải yêu mến nhau. Vì ai yêu người, thì đã giữ trọn Lề Luật… Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình. Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác. Vậy yêu thương là chu toàn cả lề luật”.

Hoang Trung