PDA

View Full Version : Bài giảng lễ Chúa nhật 26 thường niên A - 2023



gioanha
28-09-2023, 10:53 AM
CHÚA NHẬT XXVI TN A:
HIỆN TẠI SẼ LÀM NÊN TƯƠNG LAI



Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc



Có một người vào toà xưng tội: “Thưa cha, con bỏ xưng tội cách đây cũng tới mười năm rồi.” Cha giải tội hỏi lại: “Sao lại bỏ xưng tội lâu vậy?” Hối nhân thưa: “Thưa cha vì con có phạm một tội rất nặng, con sợ không dám đến toà giải tội. Vì không xưng tội, rước lễ, dần dần con cũng hay bỏ lễ Chúa Nhật.” Cha giải tội hỏi tiếp: “Vậy tại sao hôm nay ông lại dám đến xưng tội?” Hối nhân thưa: “Thưa cha, vì thật sự trong những năm qua, con đã rất áy náy, hối hận. Nay con lấy hết can đảm để vào toà xưng tội.” Cha giải tội trả lời: “Chúa không hẹp hòi như chúng ta nghĩ đâu. Ngài là Cha yêu thương, chỉ cần chúng ta hối hận quay trở lại, thì Chúa đã tha thứ rồi.”

Thưa quý OBACE, nhiều người trong chúng ta vẫn để cho quá khứ tội lỗi dày vò và hồ nghi sự tha thứ của Thiên Chúa. Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa nhân hậu, khoan dung và giàu lòng xót thương, Ngài sẵn sàng tha thứ và quên tất cả quá khứ của ta. Thiên Chúa không kết án chúng ta dựa vào quá khứ, nhưng Ngài hy vọng, chờ đợi ta ngay lúc này. Vì thế, điều quan trọng là ngay lúc này đây, ta đang sống với Chúa bằng thái độ, tâm tình nào?

Tiên tri Êzêkiel cho thấy Thiên Chúa chúng ta là vị Thiên Chúa công thẳng, Ngài phán xét mỗi người dựa trên những gì kẻ đó đang sống và đang thực hiện. Cho dù quá khứ của một người có sai lầm thế nào đi nữa, nhưng biết hối hận ăn năn và sửa sai thì kẻ đó vẫn được Chúa yêu thương đón nhận. Trái lại, cho dù một người cả đời sống ngay thẳng tốt lành, nhưng lại từ bỏ lối sống tốt lành và sa đà vào con đường xấu, kẻ đó sẽ bị Chúa xét xử: “Nếu người công chính từ bỏ đường công chính và làm điều bất chính, nó sẽ phải chết. Còn kẻ gian ác từ bỏ điều dữ và sống công chính, nó sẽ cứu được mạng sống mình.” Điều này cho thấy, trước mặt Thiên Chúa sống tốt giây phút hiện tại là điều quan trọng. Vì khi ra trước mặt Chúa, chúng ta không thể nại đến quá khứ: Trước đây tôi đã từng đi nhà thờ, đã từng làm việc bác ái chỗ này chỗ kia… Nhưng điều Chúa muốn hỏi là hiện nay, lúc này ta đang sống như thế nào?

Điều tiên tri Êzêkiel trình bày, được Đức Giêsu giải thích rõ hơn qua câu chuyện hai người con trong Tin Mừng. Câu chuyện này Chúa Giêsu nói cho các thượng tế và kỳ mục là những người lãnh đạo, đứng đầu trong dân. Nhiều lần qua các ngôn sứ, Thiên Chúa đã ngỏ lời mời gọi họ cộng tác với Chúa trong việc giúp cho đoàn dân sám hối, điều chỉnh lại lối sống, thực thi giới răn lề luật của Thiên Chúa. Tuy nhiên các luật sĩ và biệt phái, họ nói mà không làm, giảng dạy mà không thực hành. Hơn nữa, họ chỉ sống theo hình thức bên ngoài mà không có tấm lòng đối với Thiên Chúa. Họ còn trở nên những kẻ gây gương xấu cho dân chúng. Người con thứ hai trong câu chuyện của Chúa Giêsu hôm nay chính là hình ảnh những người này: “Người kia có hai người con, ông đến nói với đứa thứ hai: Con hãy đi làm vườn nho cho cha. Nó đáp: Thưa cha, con đi. Nhưng rồi nó không đi.”

Trái lại, người con thứ nhất, khi người cha đến ngỏ lời với nó: “Con hãy đi làm vườn nho cho cha. Nó thưa: Con không muốn đi. Nhưng sau đó, nó hối hận nên lại đi.” Đối với đứa con thứ nhất này, có thể lời từ chối của nó lúc đầu khiến người cha phiền lòng, nhưng chắc chắn khi thấy nó hối hận, nghĩ lại rồi đi làm, người cha sẽ rất vui. Ngược lại, lời thưa vâng con đi của đứa con thứ hai, có vẻ làm cho cha vui, nhưng sau đó, nó lại không đi, điều này khiến cho người cha buồn và hụt hẫng, kể cả thất vọng hơn đối với nó. Sau khi kể chuyện, Chúa Giêsu hỏi đám đông: Trong hai người con, ai đã làm theo ý của cha? Họ đã trả lời được ngay: Đó là người con thứ nhất.

Nếu như người con thứ hai được so sánh với các luật sĩ và biệt phái, thì người con thứ nhất sẽ là thành phần nào? Chúa Giêsu đã cho thấy, họ là những người thu thuế và gái điếm, những người này lúc đầu đã từ chối Thiên Chúa, nhưng khi Chúa Giêsu đến rao giảng, họ đã tin và đã sám hối. Khi nói đến những người thu thuế và gái điếm, Chúa Giêsu muốn nói đến một số những người bị những người luật sĩ và biệt phái xếp vào hạng tội lỗi, bị khinh bỉ. Không chỉ các người thu thuế và gái điếm, mà còn có nhiều người thuộc thành phần thấp kém bình dân, ít học, nghèo khổ; trước mặt những luật sĩ và biệt phái, họ là những kẻ không có giá trị, không có tiếng nói. Thế nhưng đối với Thiên Chúa, Ngài không xét đoán con người theo dáng vẻ, địa vị hay trình độ học vấn bên ngoài, nhưng nhìn thấu tấm lòng của họ. Bất cứ ai, dù là thành phần nào, nếu biết đón nhận lời rao giảng của Chúa và thay đổi lại cuộc sống thì đều được mời gọi vào nhà của Chúa.

Đối với Thiên Chúa điều quan trọng không phải thế giá gia đình, địa vị xã hội hoặc quá khứ của họ thế nào, nhưng điều quan trọng là họ đã đón nhận Chúa như thế nào? Ai đón nhận Chúa, đón nhận lời mời gọi của Chúa, canh tân biến đổi cuộc đời thì được Chúa đón nhận vào Nước Trời. Trái lại, những kẻ kiêu căng tự phụ, cho mình là người đạo đức hoặc quý tộc theo kiểu những luật sĩ và biệt phái, sống với Chúa cách giả dối trên môi miệng hoặc không tin và không sám hối, không thay đổi đời sống thì sẽ bị loại ra ngoài.

Tin Chúa Giêsu và canh tân sám hối, thay đổi lại đời sống là gì? Thưa, là nghe và thực hành lời Chúa. Nói như thánh Phaolô trong thư gửi cho cộng đoàn Philipphê, đó là: “Sống liên kết với Đức Kitô, sống hiệp thông với Chúa và với anh em trong Thần Khí” tức là đặt mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Thưa quý OBACE, trong đời sống đức tin, nhiều người rơi vào tình trạng thái quá, cực đoan cho mình là người đạo đức, tốt lành, thánh thiện; bằng lòng với nếp sống hiện tại mà không đón nhận lời mời gọi hoán cải. Có những người khác, bi quan đến thất vọng về tình trạng của mình, sống với quá khứ tội lỗi và để cho lương tâm dày vò, đánh mất niềm tin và hy vọng vào tình thương của Thiên Chúa. Cả hai thái độ đó đều không đúng.
Thiên Chúa tốt lành, thánh thiện, giàu lòng thương xót và hay tha thứ, nhưng Ngài chỉ có thể tha thứ cho những ai khiêm nhường nhìn nhận thân phận yếu kém của mình, tin vào quyền năng và sự tha thứ của Chúa để thay đổi lại cuộc sống. Còn những người cứng lòng không tin, tự mãn, không đón nhận Lời Chúa, không thực hành lời mời gọi hoán cải thì Thiên Chúa không thể chạm vào tâm hồn họ được. Đối với Thiên Chúa, việc hoán cải, thay đổi lại đời sống, làm mới tương quan với Chúa, không bao giờ là trễ. Thiên Chúa là Cha, do đó bất cứ lúc nào ta cũng có thể chạy đến sà vào vòng tay của Chúa. Chúa sẵn sàng quên đi quá khứ để đón nhận ta như một con người mới. Chúa muốn chúng ta sẵn sàng để thưa vâng với Chúa, làm theo những gì Chúa muốn.

Điều quan trọng Lời Chúa mời gọi ta hôm nay là cố gắng sống tình con thảo đối với Thiên Chúa. Trong gia đình, chúng ta mong con cái ngoan ngoãn vâng lời ta thế nào, thì Thiên Chúa cũng mong đợi nơi chúng ta như vậy. Trong thực tế, nhiều khi chúng ta cũng cư xử với Chúa theo kiểu ngôn hành bất nhất giống như người con thứ hai. Chúng ta đến với Chúa theo hình thức bên ngoài như những biệt phái, luật sĩ; chúng ta thuộc lòng những điều luật qui định, nhưng không thực hành Lời Chúa, không thay đổi cuộc sống theo lời mời gọi của Chúa. Sống như thế cũng không khác gì đang từ chối Thiên Chúa.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn biết thưa vâng và sẵn sàng làm theo những gì Chúa truyền dạy. Amen.