PDA

View Full Version : Hành trình của những thai nhi bị chối bỏ



littlewave
19-12-2008, 08:01 AM
Hành trình của những thai nhi bị chối bỏ (1)

Theo cò “giải quyết hậu quả”

VN là một trong 3 nước có tỉ lệ phá thai cao nhất thế giới, với 1,2- 1,6 triệu ca/năm, tương đương 1/2 số trẻ em được sinh ra. Trong đó, 20% ca nạo phá thai thuộc lứa tuổi vị thành niên. Trong năm 2007, số ca nạo phá thai ở VN là 1.108.620; con số này đã tăng 17% trong 6 tháng đầu năm 2008... Đằng sau những con số khô khốc này là những vấn nạn, hệ lụy đáng sợ

“Siêu âm thai chưa? Có mang theo đủ tiền không? Đi “giải quyết hậu quả” thế này thì phải chuẩn bị đầy đủ để làm nhanh gọn, chứ chở tới chở lui nhiều lần dễ bị chú ý, các bác sĩ cũng không thích đâu”. Một cò phá thai trước Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ – TPHCM lên lớp khi biết tôi có ý định bỏ thai.

Vừa nhanh vừa kín, lại an toàn?!

Trong vai một cô gái ngoại tỉnh vào TPHCM thuê nhà làm công nhân, lỡ dại để dính bầu với bạn trai nhưng không đủ điều kiện nuôi con, tôi có mặt tại cổng Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ vào một buổi sáng. Vừa đến khu vực đường Cống Quỳnh trước cổng bệnh viện, tôi đã được nhiều người chạy xe ôm nhào đến hỏi han đi đâu, làm gì... Thấy tôi cứ tần ngần, một người tên Hiệp như hiểu ý, kéo tôi ra một góc, nháy mắt bảo nhỏ: “Đi “giải quyết” phải không? Lên xe đi, tui chở tới chỗ này kín đáo lắm”. Thấy tôi vẫn chần chừ, do dự, anh ta ngọt ngào: “Chớ có vô bệnh viện, phức tạp lắm, phải xếp hàng chầu chực lâu nè, bị nhiều người dòm ngó nè, lỡ gặp người quen nè... Đi bác sĩ ngoài vừa nhanh vừa kín, đàng hoàng lại bảo đảm an toàn”.

Tôi ra vẻ xiêu lòng, ngồi lên xe. Hiệp vừa cho xe chạy đã bắt đầu cật vấn: “Có đứa con nào chưa? Thai mấy tháng rồi? Nếu thai dưới một tháng giá chừng 600.000-700.000 đồng, còn lớn nữa thì mắc hơn”. Tôi lí nhí: “Dạ, thai chắc còn nhỏ, chưa siêu âm...”. Hiệp gật đầu: “Được rồi, thai còn nhỏ thì để tui đưa đến chỗ này, gần thôi. Nếu thai lớn cỡ 3-4 tháng trở lên thì phải đi chỗ khác, xa hơn”. Rồi anh ta liên tục truy vấn tôi những câu rất chuyên môn, hệt như một bác sĩ, như: “Mất kinh hồi nào, có dùng que thử chưa, gia đình không đủ điều kiện hả?”... Tôi rụt rè: “Anh có thường đưa người đi “giải quyết” không?”. Hiệp khoe: “Nhiều! Mỗi khách đưa đến, tui được người nhà bác sĩ cho 10.000- 20.000 đồng, có khi nhiều hơn. Tôi thường đưa mấy cô công nhân và sinh viên đi “giải quyết hậu quả”.

Hiệp chở tôi vòng qua đường Cao Thắng rồi đến Nguyễn Thượng Hiền, rẽ qua Cách Mạng Tháng Tám và dừng lại trước một nhà bảo sanh tư nhân, giới thiệu: “Bác sĩ P. ở đây giỏi lắm, có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề”.

“Vào bệnh viện à? Ngu lắm!”

Tôi được một người yêu cầu đóng tiền siêu âm rồi dẫn ngay vào phòng. Căn phòng tối lờ mờ đóng sầm lại khiến tôi giật mình. Một người mặc áo bác sĩ, với vẻ không mấy thiện cảm yêu cầu tôi kéo áo để siêu âm. Có lẽ siêu âm không thấy gì nên ông ta gắt gỏng: “Mất kinh lâu chưa? Có bao giờ mất lâu thế này không?...”. Loay hoay một lát, ông ta bảo tôi ra uống 4 ly nước đầy để vào siêu âm lại vì vẫn không thấy gì!

Tôi ra ngoài uống từng ngụm nước và đưa mắt nhìn quanh. Bên cạnh tôi, một cô gái trẻ, đẹp cũng nốc ừng ực từng ly nước. Uống nước xong, tôi cố ý nhường cô gái vào trước, cô ta sành sỏi: “Ai mắc tiểu trước thì vào trước”. Thấy tôi vẫn lần khân không vào, cô ta ngồi một lát rồi vào siêu âm lại. Tranh thủ lúc ấy, tôi đánh bài chuồn.

Hôm sau, tôi dẫn cô em họ mang thai 3 tháng đến Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương- TPHCM. Cò phá thai ở đây cũng nhiều và sành sỏi cách “làm ăn” không kém gì ở Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ. Vừa dừng xe trước cổng, chúng tôi đã bị một phụ nữ trung niên kéo tay, hỏi dồn: “Chưa chồng, đúng không? Ngu lắm, vào bệnh viện bác sĩ bắt nhập viện rồi thông báo cho cha mẹ biết à? Đi với dì, vừa không đau vừa bí mật”. Rồi không đợi chúng tôi phản ứng gì, bà ngoắt 2 người chạy xe ôm. Chúng tôi được chở thẳng đến một ngôi nhà nằm kín đáo trong một con hẻm ngoằn ngoèo trên đường Điện Biên Phủ. Cô em họ tôi được đưa vào siêu âm một lát rồi trở ra ngồi đợi. Một người đưa ra một tờ giấy photocopy nhàu nhĩ với những chữ viết tay sơ sài. Bên dưới tấm ảnh siêu âm nhòe nhoẹt, “bác sĩ chuyên khoa” cũng chả buồn ký tên, chỉ thấy dòng chữ photocopy sẵn “B/sĩ Hà”. Chúng tôi được đưa vào gặp “bác sĩ” này, bà ta ra giá: “Giải quyết trọn gói 2 triệu đồng”. Thấy chúng tôi cứ ậm ừ, bảo không đủ tiền, muốn về suy nghĩ thêm, vị “bác sĩ” này đổi giọng: “Suy nghĩ cho lắm vào rồi ôm cái bụng mà sướng nhé!”. Nói đoạn, bà thúc chúng tôi trả 60.000 đồng, chi phí xe ôm và siêu âm rồi mới cho ra khỏi cửa.

Cỡ nào cũng phá

Ngoài cò Hiệp, hầu hết giới xe ôm ở Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Hùng Vương đều kiêm luôn việc bắt khách đến các phòng mạch, nhà bảo sanh tư nhân để “giải quyết hậu quả”. Đến đâu, họ cũng huênh hoang, bác sĩ này uy tín, bác sĩ kia từng làm ở Từ Dũ, Hùng Vương ra mở phòng mạch riêng...

Vài ngày sau, tôi trở lại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ. Khi bị gần chục tay cò vây lại đòi đưa đi “giải quyết”, tôi bảo: “Đứa bạn em dính bầu hơn 3 tháng rưỡi rồi, nhưng nhát quá không dám đến đây. Nó nhờ em tìm chỗ “giải quyết” bên ngoài giùm nó trước, rồi về đưa nó tới thẳng đó luôn”. Nghe vậy, đám cò liền lắc đầu từ chối. Một người chừng 40 tuổi bảo: “Tụi này quen bác sĩ giỏi nhiều lắm, thai lớn cỡ nào cũng “giải quyết” được, nhưng phải chở đúng người đến khám và có giấy siêu âm đàng hoàng họ mới tiếp”. Tôi cố năn nỉ một hồi, các cò vẫn tỏ vẻ nghi ngờ không chịu chở, người này đẩy cho người kia. Cuối cùng, đồng ý với giá 100.000 đồng tiền xe đến quận Tân Phú, tôi mới được một cò chở đi. Một người đàn ông trung niên dặn anh chạy xe ôm: “Đến đó mà bà ta không chịu, mày cứ đưa điện thoại tao nói chuyện một tiếng là êm”.

Anh xe ôm tên Hùng chở tôi đến nhà bảo sanh T.P trên đường Trường Chinh, quận Tân Phú. Tôi được một phụ nữ cao to tiếp chuyện. Nghe tôi hỏi thăm về giá cả và yêu cầu “giải quyết” cho cô bạn có thai hơn 3 tháng rưỡi, bà ta tỉnh queo: “Thai cỡ đó thì có gì đâu! Em cứ dẫn bạn đến đây cho siêu âm lại, biết thai thế nào mới định giá được, nhưng cũng khoảng 2,5-3,5 triệu đồng thôi”. Tôi bảo giá cao quá, bà ta bĩu môi: “Vậy là rẻ rồi, em đi chỗ khác không có đâu. Chỗ chị mới mở nên lấy giá rẻ như vậy để giữ khách đó”. Tìm hiểu thêm, tôi được biết nhà bảo sanh này vừa mở khoảng một năm nay, do bác sĩ Ph., từng làm ở Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, đảm nhận.

Dọc các tuyến đường giáp ranh nội ngoại thành và xung quanh các KCX, KCN, nơi có nhiều công nhân ở trọ, chúng tôi thấy có khá nhiều nhà bảo sanh, phòng khám đa khoa tư nhân. Tất cả đều trương bảng hiệu chuyên khám thai, siêu âm, thẩm mỹ tầng sinh môn, kế hoạch hóa gia đình... Lúc nào ở những nơi này cũng đông khách...

Hải Nguyên - Phương Quyên (18-08-2008 Báo Người Lao Động)

littlewave
19-12-2008, 08:04 AM
Hành trình của những thai nhi bị chối bỏ (2)

“Lỡ dại” và trả giá

Cách chúng tôi vài hàng ghế, hai cô bé tuổi teen nhấp nhổm chờ đến lượt vào phòng khám. Khi một nam bác sĩ từ bên trong bước ra, cả hai cô đều cúi chào, bẽn lẽn. Vị bác sĩ trẻ thốt lên kinh ngạc: “Trời ơi, lại tới nữa hả?!”. Hỏi ra tôi mới biết, hai cô này đến đây “giải quyết” nhiều lần nên các bác sĩ đã nhẵn mặt

Những người chạy xe ôm trước cổng Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ - TPHCM không phải ai cũng đều là cò “giải quyết hậu quả”. Hôm tôi lớ ngớ tại đây, một chú chừng 50 tuổi kêu lại, ái ngại bảo nhỏ: “Con à, vô bệnh viện để bác sĩ làm cho chắc ăn, đừng xấu hổ gì. Lỡ dại mang bầu rồi, đừng dại dột lần nữa mà nghe lời đám cò kia ra bên ngoài phá, nguy hiểm lắm”.

Quá tải

Đường vào khu khám bệnh Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ những ngày mưa ngập nước nhưng các cô gái ngồi đợi bên ngoài vẫn chật kín các dãy ghế ở hành lang. Lúc tôi đến mới hơn 9 giờ, song bảng điện tử báo số thứ tự khám bệnh đã nhấp nháy đến con số 94. Hai ca trực, làm việc liên tục từ 7 giờ đến 19 giờ, không có thời gian nghỉ giữa giờ là cảnh mà các bác sĩ Khoa Kế hoạch hóa gia đình ở bệnh viện này phải đảm nhận. Phải làm việc với cường độ như thế, họ mới có khả năng “giải quyết” được hơn 200 ca phá thai mỗi ngày tại đây.

Khi hoàn tất tờ khai thủ tục ở bàn nhận bệnh, không hỏi sổ khám bệnh hay bất kỳ giấy tờ nào, cô nhân viên bắt tôi chỉnh lại lý do “trễ kinh” ghi trong giấy đăng ký khám bệnh thành “bỏ thai”. Nộp xong chi phí 100.000 đồng cho việc khám lẫn siêu âm, như tất cả mọi người, tôi ngồi đợi đến lượt mình vào gặp bác sĩ.

Vừa yên chỗ, một cô bé trạc 18 tuổi dẫn theo một cô khác lớn hơn vài tuổi loay hoay đến gần tôi, rụt rè: “Chị bày cho em khai với!”. Liếc qua phiếu đăng ký khám bệnh cô bé đưa, ngoài cái tên N.H.K.M, SN 1990, tôi thấy vẫn còn trống các thông tin về kỳ kinh cuối cùng, năm kết hôn, số con, họ tên chồng... Tôi thân mật bắt chuyện: “Dính với bạn trai hả?”. Cô bé thật thà: “Dạ... em lỡ dại. Tại thằng bồ cứ đòi hoài. Em không biết khai sao vì không nhớ kỳ kinh cuối cùng, cũng không nhớ chính xác lần quan hệ gần nhất”. Tôi ái ngại: “Sao không thúc bạn trai cưới hỏi luôn đi, rồi giữ con lại chứ phá có hại lắm”. Cô bé trố mắt nhìn tôi: “Nhỏ xíu vầy mà chồng con gì chị! Tụi em cũng quen chơi thôi mà. Chị họ em đây cũng bảo cứ để sinh đi, chị ấy nuôi con cho. Nhưng nếu vậy thì trước sau gì người ta cũng biết đó là con em, kỳ lắm!”. Rồi cô hồn nhiên cho biết khi thấy ăn uống khó khăn và liên tục buồn nôn, cô xin tiền mẹ đi khám bệnh thì cái thai đã 14 tuần tuổi. Bệnh viện tỉnh Ninh Thuận không dám gắp thai lớn. Phi tang kết quả khám bệnh, cô bé đón chuyến xe đêm từ Phan Rang vào TPHCM để lo “giải quyết hậu quả”. Nói đoạn, cô bé loay hoay với bàn phím điện thoại, nhắn tin thông báo tình hình cho các cô bạn khác.

Cách chúng tôi vài hàng ghế, hai cô bé trong trang phục tuổi teen đang nhấp nhổm chờ đến lượt vào phòng khám. Khi một nam bác sĩ từ bên trong bước ra, cả hai cô đều cúi chào, bẽn lẽn. Vị bác sĩ trẻ thốt lên kinh ngạc: “Trời ơi, lại tới nữa hả?!”. Hỏi ra tôi mới biết hai cô này đến đây “giải quyết” nhiều lần nên các bác sĩ nhẵn mặt.

Ngồi cạnh tôi, dõi theo những cô bé 9X, chị H.S.M, SN 1981, trăn trở: “Mấy con bé còn nhỏ quá, học đòi chuyện người lớn làm gì cho khổ”. Thế nhưng chuyện của chị cũng chẳng khá hơn. Là giáo viên của một trường cấp 2, chị khá am hiểu những kiến thức về sức khỏe sinh sản, quan hệ tình dục... vậy mà cũng dính với bạn trai. Chị phân trần: “Anh ấy hứa cuối năm sau mới cưới, tôi đành phải hy sinh đứa này”.

Đau đớn ê chề

Phòng khám chừng 12 m2 chia thành 2 buồng. Ở giữa là bàn làm việc. Cứ 6 người một lượt khám nên bác sĩ như con thoi, khám xong một người ở buồng này lại di chuyển ngay sang buồng khác. Các cô gái vào làm thủ tục rồi thoát y phần dưới, nằm dạng chân trên bàn theo tư thế mẫu khám bệnh. “Có gia đình chưa?”, “Mất kinh mấy tuần rồi?”, “Sao lại bỏ?”... Phòng khám vang lên tiếng bác sĩ, còn bệnh nhân thì trả lời lí nhí. Thỉnh thoảng, tôi nghe vị bác sĩ trẻ nhẫn nại hỏi một câu quen thuộc: “Từ nhà chạy xe lên đây mất mấy phút?”. Và bao giờ cũng vậy, khi nghe xong câu trả lời, bao giờ anh cũng tặc lưỡi: “Mất bao nhiêu thời gian đâu mà để chi cho lớn vậy, phá là nguy hiểm lắm”.

Mặc lại quần áo xong, K.M, cô bé ở Phan Rang ngồi thừ xuống ghế, nức nở: “Đau quá, em không chịu được. Em gồng cứng cả người nhưng lại càng đau hơn”. Tôi định nói với cô bé rằng không làm sao tránh khỏi đau đớn, mà đây cũng mới chỉ khám, chỉ là cơn đau đầu tiên; nhưng lại thôi, sợ cô ta lo nghĩ nhiều.

Theo chân các cô gái xuống phòng siêu âm tầng dưới, chúng tôi tiếp tục gặp điệp khúc đợi chờ vì người rất đông. Đang đợi, bỗng cửa phòng siêu âm bên trái bật mở, một cô bé từ bên trong lao ra, mặt trắng bệch. Ôm chầm lấy cô chị đang chờ, cô bé gào khóc: “Thai nhỏ, em phải siêu âm bằng đường âm đạo. Cái đầu que siêu âm to lắm... chắc em chết mất! Chở em đi đến chỗ nào có bác sĩ khám không đau đi, chị ơi”. Vừa dỗ dành cô em, cô chị vừa rơi nước mắt.

Hoàn tất các thủ tục này, các cô gái còn phải quay ngược trở lại phòng khám, nộp kết quả và tiếp tục đợi được tư vấn. Không như việc làm của các chuyên gia tâm lý - xã hội, bác sĩ đảm trách việc tư vấn phá thai sẽ phải giải thích cặn kẽ các mối nguy hại sẽ gặp trong và sau khi tiến hành “giải quyết hậu quả”. Bằng giọng khản đặc, nữ bác sĩ tư vấn mệt mỏi: “Một ngày 2 ca, chúng tôi phải nói suốt để các cô nắm được đầy đủ thông tin nhằm có được quyết định sáng suốt nhất”. Nhận bản cam kết rủi ro, hai cô bé ngồi đối diện nhanh nhảu ký tên vào. Nhìn chỉ định của bác sĩ, T.T.M.T, cô gái 18 tuổi mang thai 17 tuần tuổi đi cùng mẹ, e dè hỏi: “Gắp thai là sao hả chị?”. Câu hỏi thật thà của em khiến tôi chạnh lòng.

Rời khỏi phòng tư vấn cũng là lúc trời đã xế chiều, mỗi cô gái quyết định phá thai sẽ được nhận 2 viên thuốc ngậm, mỗi viên một bên má vào lúc 5 giờ sáng hôm sau. Theo lời bác sĩ tư vấn, tác dụng của thuốc này khiến tử cung mềm ra, chuẩn bị đón nhận những thủ thuật kết thúc sự sống của một thai nhi.

Phương Quyên

littlewave
19-12-2008, 08:06 AM
Hành trình của những thai nhi bị chối bỏ (3)

Phía sau phòng phẫu thuật

Các thai nhi bị chối bỏ được nhóm thiện nguyện nhặt về, đặt trong ang sành và ngày ngày nhang khói...

Y cụ va vào nhau khô khốc. Tiếng gào khóc đau đớn của cô gái, tiếng trách móc của bác sĩ... Đó là những âm thanh mà bất cứ người nào từng đặt chân vào phòng thủ thuật gắp thai cũng sẽ khó quên

Nài nỉ mãi, tôi mới được bác sĩ trưởng khoa của một trong những bệnh viện có tỉ lệ nạo phá thai cao nhất nhì cả nước hiện nay “đặc cách” cho quan sát những ca gắp thai ngoài giờ.

Lần sau sẽ... đến sớm hơn!

Bước qua hành lang hẹp, trên 2 chiếc giường bệnh, gần chục cô gái, đa phần còn rất trẻ, trong chiếc váy vải bệnh viện phát sẵn, ngồi chờ đến lượt mình. Trong số đó, một cô bé đi cùng bạn trai khiến tôi chú ý vì sự thông thạo từng quy định của bệnh viện khi đi “giải quyết hậu quả”. Thay xong chiếc váy, cô bé nhanh chóng xếp quần jean bỏ vào giỏ xách trao cho bạn trai, rồi đi ngay vào phòng hồi sức ngồi chờ như một việc đã rất quen thuộc.

Trước phẫu thuật khoảng 3 giờ, bác sĩ cho bệnh nhân ngậm thêm 2 viên thuốc, mỗi viên một bên má và nằm nghỉ. Nằm trong phòng chờ tiểu phẫu, chị H.T.T, công nhân một xí nghiệp giày ở quận 10- TPHCM, cho biết: “Ngậm thuốc được một lúc thì bụng bắt đầu có những cơn đau đầu tiên, khó chịu lắm!”.

Cửa phòng phẫu thuật xịch mở cùng tiếng la hét của một cô gái dội ra khiến tôi giật nảy người. Vừa gào khóc vừa lắc đầu nguầy nguậy, cô gái trong tình trạng bán khỏa thân đang phải trải qua những cơn đau trên bàn phẫu thuật. Lần lượt, từng bộ phận của thai nhi bị cắt rời, lấy ra bằng những thao tác hết sức dứt khoát của bác sĩ. “Thai lớn quá, 17 tuần tuổi rồi”- vị bác sĩ đi cùng tôi giải thích. Vừa phẫu thuật, vị bác sĩ phải gợi chuyện bằng cách nói to, át đi tiếng gào để cô gái quên đi cơn đau. Thuốc tê trong lúc này chỉ có tác dụng giảm bớt phần nào những cơn đau. Trong cơn gào khóc, đáp lại lời khiển trách: “Sợ đau sao không biết lo thân trước cho sớm đi”, cô gái ngây ngô: “Xin lỗi bác sĩ... lần sau em sẽ đến sớm hơn!” (?!).

Bác sĩ phẫu thuật cho biết: “Chúng tôi phải kiểm tra rất kỹ sau khi phẫu thuật lấy thai nhi, tránh để sót lại trong cơ thể người mẹ. Nếu không sẽ rất nguy hiểm, phải nạo thai lại”.

Một cô gái vừa được phẫu thuật xong, cô hộ lý đến chuyển bệnh nhân sang băng ca, lau máu, đặt băng vệ sinh và giúp cô gái mặc lại chiếc váy bệnh viện. Trên băng ca, giờ cô gái không còn sức gào khóc nữa đang mệt lả người, mặt trắng bệch, nằm đợi hộ lý đẩy sang phòng hồi sức.

Về với hư không

19 giờ, bóng đêm bao trùm khuôn viên bệnh viện. Đây là khoảng thời gian mà một nhóm thiện nguyện bảo vệ sự sống sinh hoạt tại TPHCM bắt đầu đến các bệnh viện, phòng khám phụ sản xin các thai nhi bị chối bỏ đem về. “Từng bào thai được đựng trong túi ni lông màu đen. Chúng tôi mang các bào thai này về đặt trong ang sành, để dưới chân tượng Đức Mẹ của một nhà thờ ở quận 3”- T., một thành viên của nhóm, cho biết. Những nén hương ấm áp trên bàn thờ thánh nữ và những lời kinh nguyện cầu là những gì các thai nhi này được nhận.

Tiếp đó, một thành viên khác của nhóm sẽ gom tất cả thai nhi này vào ba-lô mang đến một dòng tu tại quận Bình Thạnh, trao lại cho một thầy trợ sĩ chuyên lo liệu hỏa thiêu thành cốt tro, táng vào trong ruột những viên gạch lớn. “Ước nguyện của những người làm công việc nhặt và hỏa táng các thai nhi là khi có điều kiện thuận lợi, những viên gạch này sẽ được dùng để xây dựng thành một bức tường, tựa như một lăng Anh Hài, để mọi người có thể đến đây cầu nguyện cho các em. Mỗi ngày, chúng tôi tiếp nhận ít thì 50, nhiều nhất khoảng 200 bào thai bị chối bỏ” - linh mục Q.U chia sẻ.

Trong hơn một năm nay, tổng cộng đã có trên 20.000 bào thai bị chối bỏ được nhóm thu nhặt, hỏa táng. Con số ấy so với hơn 1,1 triệu ca nạo phá thai mỗi năm ở VN là quá nhỏ bé. Song, bằng những cố gắng của mình, nhóm thiện nguyện ấy vẫn tiếp tục kiên trì làm việc, vừa xin các bào thai về hỏa táng, nhang khói vừa thuyết phục các cô gái chuẩn bị nạo phá thai suy nghĩ lại. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với chúng tôi, nhóm thiện nguyện này vẫn tỏ ra e dè, không muốn tiết lộ danh tính của nhóm cũng như từng thành viên. “Chúng tôi lo ngại rằng khi báo chí thông tin và mọi người biết việc chúng tôi làm thì các bệnh viện, phòng khám... sẽ không thuận tình cho bào thai như trước nữa. Thay vào đó, họ sẽ xử lý một cách đơn giản như trước nay vẫn làm: Thiêu hủy các thai nhi bị chối bỏ” - các thanh viên của nhóm băn khoăn.

Những tấm lòng vàng

Không chỉ ở TPHCM, hiện có rất nhiều người tại các tỉnh, TP rất nặng lòng với thân phận của những bào thai bị chối bỏ. Những người phục vụ ở nghĩa trang Anh Hài tại xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế là một ví dụ. Hằng ngày, họ - đa phần là người nghèo khó - đi thu nhặt thai nhi bị nạo phá ở khắp các bệnh viện, phòng khám, để đem về an táng, nhang khói tại nghĩa trang Anh Hài.

Tại Nha Trang, anh Tống Phước Phúc cùng nhóm thiện nguyện của mình và nghĩa trang Đồng Nhi đã trở nên quen thuộc với những bệnh viện lớn và các phòng khám địa phương. Hằng ngày, anh cùng nhóm đi nhận các thai nhi bất hạnh từ các bệnh viện, phòng khám, rồi lang thang ở các bãi biển, bờ rào, bãi rác... để tìm nhặt các thi hài xấu số, đem về chôn cất.

Phương Quyên

littlewave
19-12-2008, 08:09 AM
Hành trình của những thai nhi bị chối bỏ (4)

Nạn nhân hay kẻ tội đồ?

Để hạn chế đến mức thấp nhất chuyện phá thai, đặc biệt là phá thai chui, riêng ngành y tế không thể đảm đương nổi. Bản chất của vấn đề không chỉ đơn thuần là y tế mà mang nhiều yếu tố xã hội

Mỗi năm trên thế giới ước tính có đến 70.000 phụ nữ tử vong do phá thai và có hơn 5 triệu phụ nữ khác phải gánh chịu những hậu quả vô cùng đáng tiếc do tai biến từ việc này. Đa phần những trường hợp phá thai đều thuộc các nước chậm phát triển. Ở VN, tuy chưa có con số thống kê cụ thể nào đáng tin cậy có thể phản ánh hết thực trạng đau lòng của vấn nạn này, song chỉ riêng số liệu ở các bệnh viện lớn cũng đã đủ bàng hoàng. Đáng buồn hơn, con số ấy cũng chỉ là phần nổi nhỏ nhoi của một tảng băng chìm khổng lồ.

Hệ lụy nhãn tiền

Trước hết, có thể khẳng định không có một biện pháp phá thai nào được gọi là an toàn tuyệt đối. Những biến chứng hoàn toàn có thể gặp ngay tại những cơ sở y tế tiên tiến, có đội ngũ thầy thuốc lành nghề. Những biến chứng nguy hiểm tức thì có thể xảy ra trong và sau lúc phá thai rất nhiều, và tất cả đều có thể đưa đến kết cục cuối cùng là tử vong. Về lâu dài, người phá thai có thể tăng nguy cơ bị vô sinh vĩnh viễn. Nguy cơ này tăng lên theo cấp số nhân khi phá thai nhiều lần.

Về mặt tâm lý, hầu hết những người phá thai, dù tự nguyện hay bắt buộc, luôn luôn có mặc cảm tội lỗi về chuyện đã xảy ra. Về mặt tâm linh, người phá thai khó lòng có thể có được sự bình an trong tâm hồn. Phá thai khi thai nhi càng lớn thì nỗi ám ảnh này cũng càng cao. Không ít cô gái đã phải trải qua những giai đoạn trầm cảm hoặc loạn thần cấp sau phá thai, hay bị chứng lãnh cảm hoặc những rối loạn hành vi tình dục khác. Có người lại mang tâm lý hận thù đàn ông...

Lỗi không chỉ của người trong cuộc

Một cô gái bắt buộc phải hủy bỏ đứa con trong bụng mình vì bất cứ lý do gì thì vẫn đáng thương nhiều hơn đáng trách. Xét cho cùng, họ là nạn nhân chứ không phải tội đồ.

Nguyên nhân đầu tiên là sự thiếu thốn về thông tin “chính ngạch” cũng như thiếu kênh đối thoại giữa cha mẹ và con cái, giữa thầy cô và học sinh, giữa thế hệ trưởng thành và thế hệ vừa bước qua tuổi thiếu niên. Sau nhiều năm phát động việc tuyên truyền giáo dục giới tính, cho đến nay vẫn có một số đông giáo viên xem việc này là điều không thể chấp nhận được trong nhà trường. Còn ở gia đình, nói chuyện về tình dục cũng vẫn bị xem là chủ đề cấm kỵ. Rốt cuộc, cả thầy cô và phụ huynh đều tự huyễn hoặc rằng việc cấm đoán sẽ giúp trẻ chuyên tâm vào chuyện học hành. Song, thực tế là trẻ sẽ tìm kiếm thông tin ở bạn cùng trang lứa, ở những người có vẻ sành đời. Những thông tin thu nhận qua kênh giao tiếp này đa phần là lệch lạc, là sản phẩm của sự tưởng tượng.

Nhu cầu tình dục trong giới trẻ là có thật và rất mạnh mẽ. Các nhà đạo đức học có thể lên án điều này nhưng họ không thể phủ nhận thực tế. Thiếu những sân chơi lành mạnh cùng với sự tò mò của tuổi trẻ, cộng với sự tấn công ồ ạt của những ấn phẩm văn hóa tình dục đồi trụy là những yếu tố đưa thanh thiếu niên đến gần với nguy cơ sinh hoạt tình dục không an toàn. Không biết tự bảo vệ mình, những cô gái đành phó thác cho may rủi. Đáng tiếc ở đây, rủi nhiều hơn may!

Nỗi sợ về sự không cảm thông, sợ dư luận nặng nề, sợ uy tín, danh dự gia đình bị tổn thương, sợ bị bạn bè bêu riếu và bao nỗi sợ khác là những rào cản vô hình không cho một cô gái lầm lỡ có được một sự lựa chọn an toàn. Họ không dám đến bệnh viện, nơi mà sự quá tải đang ngự trị, cũng như nguyên tắc bí mật riêng tư dường như không được tôn trọng lắm. Những cô gái tội nghiệp này đành leo lên xe của cò phá thai, dù biết đó không phải là những người đáng tin cậy lắm. Trong những cơ sở phá thai chui, sự an toàn tính mạng không phải là mối quan tâm hàng đầu. Và rồi, nếu có biến chứng gì xảy ra, các cô gái cũng đành nghiến răng chịu đựng, không dám làm to chuyện vì sợ xấu mặt. Chỉ khi nào biến chứng chết người xảy ra, người thân mới bàng hoàng đau xót và làm lớn chuyện, song lúc đó thì đã quá muộn.

Cả xã hội phải vào cuộc

Để hạn chế đến mức thấp nhất chuyện phá thai, đặc biệt là phá thai chui, riêng ngành y tế không thể đảm đương nổi. Bản chất của vấn đề không chỉ đơn thuần là y tế mà mang nhiều yếu tố xã hội.

Để giải quyết vấn nạn này, cả xã hội phải vào cuộc. Không nên quá khắt khe với những cô gái “lỡ dại”. Hãy xem đó là một tai nạn như bao tai nạn khác để có thể có được một thái độ tiếp cận nhân đạo, hợp lý hơn. Không nên gán cho việc có thai ngoài ý muốn là hành vi đáng hổ thẹn về mặt đạo đức.

Cần thiết lập một kênh đối thoại tin cậy giữa thế hệ trưởng thành với thế hệ trẻ. Giảm bớt những kiểu khuyên bảo giáo điều theo kiểu áp đặt. Tốt nhất là hãy chịu khó lắng nghe những ý kiến, những tâm tư của giới trẻ để từ đó có những lời khuyên bảo, những uốn nắn kịp thời. Các giờ học giáo dục giới tính cần mời những nhà chuyên môn như bác sĩ sản phụ khoa, bác sĩ nhi khoa hoặc các chuyên gia tư vấn trò chuyện một cách thẳng thắn, khoa học và chân tình. Về phương diện cộng đồng, cần có thêm nhiều kênh tư vấn như các phòng tư vấn, các đường dây nóng.

Ngoài ra, không ít cô gái “lỡ dại” phải đi “giải quyết hậu quả” là công nhân trong các khu công nghiệp tập trung. Tại đây, Công đoàn và Đoàn Thanh niên cần có những hoạt động thiết thực hơn nhằm giáo dục cho họ hiểu biết về sinh hoạt tình dục an toàn và cách giải quyết hậu quả an toàn nhất nếu điều đáng tiếc xảy ra...

Cùng chung tay phòng ngừa

Ở Mỹ, từ năm 1973, việc phá thai đã được cho phép. Tỉ lệ phá thai ở nước này giảm trung bình khoảng 1/3 mỗi năm, tính từ năm 1980 đến nay. Đáng lưu ý là hơn một nửa trường hợp phá thai là do nguyên nhân sức khỏe bắt buộc và có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Hiếm có chuyện một phụ nữ phải đành đoạn bỏ đi giọt máu của mình chỉ vì sức nặng của dư luận. Những cô gái mang thai ngoài ý muốn và có những khó khăn về mặt tài chính hoặc tâm lý sẽ được hỗ trợ gần như về mọi mặt để tránh việc phá thai xảy ra. Tại các bệnh viện sản phụ khoa, khoa nhi luôn luôn có những bác sĩ tâm lý, những nhà hoạt động xã hội và các tình nguyện viên sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và giúp đỡ những phụ nữ có những khó khăn liên quan đến thai nghén và sinh nở cũng như nuôi con dại. Như vậy, không chỉ riêng cộng đồng y tế mà cả xã hội đã cùng chung tay phòng ngừa vấn nạn phá thai.

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Minh Khôi (20/08/2008)

littlewave
19-12-2008, 08:14 AM
Về khía cạnh xã hội!!!


Mỗi năm trên thế giới ước tính có đến 70.000 phụ nữ tử vong do phá thai và có hơn 5 triệu phụ nữ khác phải gánh chịu những hậu quả vô cùng đáng tiếc do tai biến từ việc này. Đa phần những trường hợp phá thai đều thuộc các nước chậm phát triển. Ở VN, tuy chưa có con số thống kê cụ thể nào đáng tin cậy có thể phản ánh hết thực trạng đau lòng của vấn nạn này, song chỉ riêng số liệu ở các bệnh viện lớn cũng đã đủ bàng hoàng. Đáng buồn hơn, con số ấy cũng chỉ là phần nổi nhỏ nhoi của một tảng băng chìm khổng lồ.
Còn lương tri con người và lương tâm tôn giáo thì sao?!!!!!!!!!!!!!!!!

Ben
21-12-2008, 12:48 PM
Về khía cạnh xã hội!!!
Thế còn lương tri con người và lương tâm tôn giáo thì sao?!!!!!!!!!!!!!!!!


Lương tri con người bây giờ rẻ lắm........Khuyến mãi........Đại hạ giá quá chài.........

Mr.Ken™
10-04-2009, 11:50 AM
Nếu ACE có cơ hội ghé vào Văn phòng Bác Ái Xã Hội - Caritas Huế ở 69 Phan Đình Phùng thì sẽ thấy những hình ảnh cái thai nhi bị bỏ rơi rất tội nghiệp, đã được Cha Giuse Dương Đức Toại - Giám đốc Văn phòng chôn cất.

kimthuytung
10-04-2009, 03:44 PM
Lạy Chúa! ngày hôm nay thánh giá Chúa đến giữa đời trong sự tưởng niệm của con cái Người. Con xin Chúa, vì nỗi đau mà lúc này con đang cảm nhận, vì cả những đớn đau mà đã có lần con thấy được trên thân xác con ở những nơi mà Chúa chịu. Trong lòng Chúa, hẳn còn đau đớn hơn con gấp ngàn lần, vậy thì lạy Chúa, xin hãy ra tay ban phép lành đến cho những linh hồn con trẻ đã bị bỏ rơi. Xin Chúa hãy thứ tha cho những người mẹ lỡ lầm. Con xin Người, hãy ban cho đời một phép lạ, để từ đây về sau, con không còn phải rơi nước mắt khi đọc những bài viết như thế này nữa, con sẽ không phải oằn mình trong đau đớn khi biết rằng hằng ngày vẫn còn có những đứa trẻ bất hạnh hơn cả con của con. Những đứa trẻ mà kể cả khi bị tước đi cuộc sống, vẫn còn phải chịu đựng nỗi đau trên thân xác. Chúa ơi, không được sinh ra mà các em còn bị cắt rời từng mảnh, chết mà cũng không giữ được xác thân vẹn toàn.

Chúa ơi, lòng con lúc này thực sự đau đớn lắm. Con xin Chúa, xin xót thương con và xót thương cho thế gian mà con đang sống. Xin mở lòng từ nhân cho những lỗi lầm, những bất xứng của chúng con. Lạy Chúa ! con xin Người...

thuaniem
10-04-2009, 10:24 PM
mình vẫn thắc mắc là các linh hồn
các thai nhi sẽ về đâu?

kimthuytung
11-04-2009, 04:53 PM
thuaniem mến, đối với những linh hồn bé nhỏ ấy, không khi nào Chúa để các em phải chịu đựng thêm bất kì một bất hạnh nào nữa. Ngay sau khi các em rời khỏi lòng mẹ, Chúa đã đến cùng các thiên thần và đón các em về với Người. Các em sẽ được khoác áo trắng tinh, sẽ được đeo cho đôi cánh trắng muốt, sẽ được những thiên thần đón chào bằng tiếng hát và tình yêu. Các em cũng sẽ được Mẹ nhân hiền ủi an và yêu thương nhiều hơn gấp trăm ngàn tình yêu mà các em vừa bị tước mất. Mẹ sẽ che chở, sẽ ủ ấm các em và tình yêu của Mẹ sẽ tỏa hương thơm ngát ướp vào hồn các em sự ngọt ngào. Sẽ là như thế ! chắc chắn là như thế... Tôi tin như thế .... Giờ này, có lẽ con tôi cũng đang ở trong vòng tay của Mẹ....

bethichconlua
17-04-2009, 01:02 AM
Đáng buồn hơn, con số ấy cũng chỉ là phần nổi nhỏ nhoi của một tảng băng chìm khổng lồ.

:icon3:Hãy bảo vệ sự sống cho đến hơi thở cuối cùng....

:77: :77: :77: :77: :77: :77: :77: Chúa ơi...Xin thương các thai nhi bé nhỏ...vô tội....