PDA

View Full Version : Nghĩa trang đồng nhi và triệu triệu thiên thần nức nở



littlewave
23-12-2008, 12:37 PM
Nghĩa trang đồng nhi và triệu triệu thiên thần nức nở

Nằm nép mình bên sườn núi dốc 45 độ ở Hòn Thơm,Vĩnh Ngọc, Nha Trang, nghĩa trang Đồng Nhi, với hơn 5000 ngôi mộ nhỏ xíu, được xây dựng rất cẩn thận. Có dịp đi ngang qua đây, người Nha Trang thường bắt gặp hình ảnh một người đàn ông nhỏ thó, đen đúa, gương mặt tuy khắc khổ nhưng vẫn ánh lên nét nhân hậu đang lui cui chăm chút cho từng phần mộ, bàn tay nhẹ nhàng như ve vuốt từng đứa con yêu.

Những giọt buồn khó nén

Mỗi khoảnh đất được dành cho xấp xỉ 70 cái hũ tí xíu, mỗi hũ là một hài nhi không được chào đời. Những bông hoa nhựa nhiều màu sắc, hình Đức Mẹ nơi mỗi gốc cây, không thê lương, tang tóc, Đồng Nhi mang lại cho mỗi người đã đặt chân tới nơi đây khoảng lặng tâm hồn và những giọt buồn khó nén.

Chủ nhân của nghĩa trang rộng khoảng 6.000m2 này có cái tên trúc trắc rất khó đọc: Tống Phước Phúc. Là con út trong một gia đình có 6 anh chị em, cha thợ mộc, mẹ nội trợ, người đàn ông này mới chỉ học hết lớp 7.
37 tuổi mới lấy vợ. Chứng kiến lần chuyển dạ vật vã, đau đớn kéo dài của người phụ nữ lần đầu làm mẹ, lại tận mắt nhìn thấy những hài nhi xấu số bị chối bỏ, người đàn ông theo Công giáo đã thành tâm khấn nguyện, rằng nếu Chúa phù hộ cho mẹ tròn con vuông, anh nhất định sẽ phát tâm làm việc thiện.

Sau 2 ngày 2 đêm vật vã, vợ anh sinh hạ một bé trai nặng 2,4kg. Đứa con lớn lên từng ngày trước mắt nhắc anh thực hiện lời hứa. “Tôi tin xác loài người sống lại”, câu Kinh Thánh nhắc nhở một giáo lý rằng tất cả trẻ thơ đều trong trắng, vô tội. Khi đã được tượng hình trong bụng mẹ, hài nhi đó đã có một linh hồn. Hành động nạo, phá thai đi ngược lại quy luật tự nhiên. Nhưng nếu được chôn cất tử tế, chí ít linh hồn các bé sẽ được siêu thoát.


http://www.vietimes.com.vn/Library/Images/32/2008/01/8116_1.jpg



Một góc nghĩa trang Đồng Nhi. Ảnh Nguyễn Đăng Huy



Mua được đất, từ số tiền dành dụm ít ỏi, Phúc bắt đầu hành trình vào bệnh viện xin xác các bé xấu số về chôn. Lý do khá lạ lùng, nhưng trái tim nhân hậu của anh đã tìm được nhịp đập đồng cảm.

Đất chân núi phần nhiều là đá sỏi. Những ngày đầu đào bới, bàn tay tóe máu vì đất cứng là chuyện thường tình. Với thâm niên làm xây dựng nhiều năm, nơi yên nghỉ của các bé, dần thành hình mà chẳng cần bất cứ bản vẽ thiết kế nào.

Rồi đồn gần, đồn xa, nhiều người hảo tâm biết đến và chia sẻ tấm lòng vì những sinh linh bé nhỏ của người đàn ông này. Người có tiền giúp tiền, người không có góp từng viên gạch, từng bao cát, từng ký xi măng.

3.570 ngôi mộ nhỏ đã sắp hàng bên triền núi, chính quyền xã mới biết đến sự tồn tại của nghĩa trang. Bị phạt cảnh cáo vì xây dựng trái phép, bị cán bộ điạ chính rồi công an nộ nạt, Phúc cũng hoảng lắm. Vốn xuất thân từ một gia đình lao động nghèo, suy nghĩ của Phúc rất đơn giản, chất phác. Anh nghĩ, “mình đâu có làm điều gì sai quấy, mình lo cho các cháu bé, trên mảnh đất của mình, đâu có làm ảnh hưởng tới ai”. Họ quát tháo anh, vì việc làm “sai trái, phản khoa học”, vì “ai biết ông chôn mấy cái hũ, hay chôn cả tài liệu dưới đó”.

Bẵng đi một thời gian, lệnh cưỡng chế phá bỏ hoàn toàn nghĩa trang được gửi đến, chính quyền xã quyết định phá toàn bộ những diện tích anh đã xây sẵn, để tận dụng những tháng mùa mưa có nước, đất đá mềm nên dễ đào bới hơn. Nhìn công trình mình dồn hết tâm sức, tiền của bị đập phá tan hoang, người đàn ông nhân hậu bật khóc. “Của một đồng, công một nén”, viên gạch – ký xi măng giá một, lên được tới nơi thì tiền công vận chuyển đã đội giá thành hai.

Cũng may, nhờ các phương tiện thông tin đại chúng, câu chuyện của anh đã đến tận Trung ương. Và lá thư khen ngợi của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi Tống Phước Phúc đã kịp thời cứu được phần còn lại của Đồng Nhi.
Biết công việc của mình chỉ hợp tình, chứ không hợp lý, từ đó, anh Phúc chuyển qua thiêu và gửi gắm những chiếc bình tro nhỏ xíu trong nhà thờ. Và nghĩa cử của anh đã đánh thức phần lương tri trong cộng đồng. Những giáo dân nghèo cùng anh lập ra một nhóm thiện nguyện. Sư bà ở chùa Lộc Thọ làm lễ cho các cháu hàng ngày vào lúc chính ngọ. Nhà chùa làm lễ cúng trọng thể vào ngày rằm tháng 7. Linh mục và giáo xứ tổ chức cầu nguyện vào mỗi sáng Chủ nhật. Tôn giáo nào cũng đều hưóng tới tính Thiện và tình yêu thương giữa những con người. Và ở nghĩa trang Đồng Nhi, Phật giáo, Thiên chúa giáo và cả những người vô thần đã tìm được tiếng nói chung, trong nỗ lực rung lên tiếng chuông cảnh tỉnh với thói vô cảm, bàng quan của những nam thanh nữ tú, vì một phút nhẹ dạ mà để lại hậu quả, rồi đành nhẫn tâm huỷ bỏ. Như lời Đại đức Thích Chúc Minh ở chùa Tự Tôn, “ Những người cha, người mẹ vì một lý do nào đó phải quyết định lìa con, các bạn hãy biết giữ gìn”.

Và những em bé may mắn được chào đời

Lo phần hậu sự tươm tất cho các cháu bé xấu số, Phúc còn nỗ lực cứu giúp những bà mẹ lầm lỡ, để những mầm sống trong họ được làm người. Là trụ cột kinh tế trong gia đình, công việc quản lý một công ty xây dựng rất vất vả, nhưng chỉ cần nghe thông tin có cô gái mang thai lớn vào viện giải quyết là anh xếp lại hết mọi việc để tới liền.

Thuyết phục họ về nhà, chăm lo chu đáo cho tới lúc khai hoa nở nhụy là nỗ lực khiến anh hao tâm tổn sức rất nhiều. Đã ở nước đường cùng nhưng không phải cô gái nào cũng dễ dàng gật đầu. Có cô thẳng thừng, “giữ nó lại, tôi được gì, chú được gì?”. Nghe câu trả lời giản dị: “Con được đứa con, chú được giúp cả 2 mẹ con”, nhận 2 triệu đồng trả cho khoản vay đi giải quyết hậu quả từ tay người đàn ông khắc khổ, cô vứt cả hồ sơ bệnh án theo anh về nhà.

Với những “mẹ bầu”, theo cách gọi của anh Phúc, anh đều đưa ra lời cam kết. “Nếu có sinh có dưỡng thì càng tốt, nếu vì hoàn cảnh phải bỏ con lại, chú Phúc cũng nuôi luôn giùm. Khi nào có điều kiện quay về đây, chú sẽ trả lại con”. Làm từ thiện nhưng anh phải nhận nhiều điều tiếng xấu, rằng họ Tống nuôi trẻ con để mang bán sang Tàu.

Tiếng lành đồn xa, nhiều cô gái, ở khắp mọi miền đất nước, đã tìm tới địa chỉ của anh Phúc khi rơi vào tình cảnh khó xử. Những đứa con sinh ra đều mang họ Tống Phước, trai tên Vinh, gái tên Tâm, với nguyện ước lớn lao của ông bố “trai thì sống vinh, còn gái thì luôn có một trái tim yêu thương con người”.


http://www.vietimes.com.vn/Library/Images/32/2008/01/8116_3.jpg




http://www.vietimes.com.vn/Library/Images/32/2008/01/8116_4.jpg



Những em bé yên bình dưói mái ấm của anh Phúc.
Ảnh Nguyễn Đăng Huy



Những cô gái đến rồi đi. Họ cần mẫn chăm chút cho lũ nhỏ đông đúc trong nhà anh Phúc, sinh con, rồi nói lời tạm biệt. Một số trẻ được nhóm thiện nguyện chăm sóc, số đã lớn được các bà xơ nhận nuôi dạy trong tu viện. Ông bố của vài chục đứa con cứ tất tả với việc chăm chút từng cháu bé, bế từng đứa vô bệnh viện khi ốm đau. Mà trẻ con thì chuyện bệnh tật xảy ra như cơm bữa.


http://www.vietimes.com.vn/Library/Images/6/2008/01/8116_9.jpg



Anh Phúc đưa em bé bị dị tật không hậu môn đi khám bệnh.
Ảnh Nguyễn Đăng Huy



Có cháu bé bị dị tật không hậu môn, có cháu lại không có động mạch phổi. Bế cháu vào Sài Gòn chữa trị, chỉ nguyên tiền chụp mạch máu một lần đã 400 USD. Rồi tháng 12 này, ca mổ để cứu một cháu sẽ chỉ được thực hiện khi có trong tay khoản viện phí rất lớn, 11.000 USD.

Anh Phúc luôn tin vào thế giới tâm linh. Anh tâm sự, “từ khi lo cho các cháu bé, tôi chưa ngửa tay xin tiền ai bao giờ. Người hảo tâm biết tới và gửi cho các cháu, tôi thay mặt đứng ra nhận, và lo cho chúng hết. Nếu có xin, tôi chỉ xin những sinh linh bé nhỏ ấy cho bố sức khoẻ để lo cho các em.Và tôi luôn được toại nguyện”.

Uớc mơ – tưởng nhỏ mà không nhỏ


Họ đã nói

Đã có nhiều đứa trẻ được người ruột thịt đón về. Một số được các bà xơ trong tu viện nuôi dạy giúp. Đã có nhiều lời đề nghị, nhiều món quà có giá trị vật chất lớn được đưa ra để cảm ơn Phúc, nhưng câu trả lời của anh rất giản dị mà vô cùng thấm thía: “Tôi nhận như không thì cho cũng như không. Con số chính xác các cháu đã được làm người, tôi không có vì không ai làm việc thiện mà lại đi ghi chép, để kể lể, để khoe công. Tôi chỉ nói với những bậc ông bà, cha mẹ tới đón con, đón cháu, rằng muốn cảm ơn tôi thì hãy làm việc thiện cho người khác. Nếu họ làm vậy, đó sẽ là lòng biết ơn vô giá mà họ dành tặng cho tôi”.

Tống Phước Phúc sinh ngày 20/3/1964, quê gốc Đà Nẵng. Sau 1975, gia đình anh chuyển tới sinh sống Buôn Mê Thuột. 1989, anh về Nha Trang lập nghiệp. Sau nhiều năm vất vả mưu sinh, anh cùng người bạn mở Công ty TNHH Phước Phước với khoảng 50 công nhân, chuyên xây dựng nhà cửa và các công trình giao thông, thuỷ lợi quy mô nhỏ.

Căn nhà với diện tích khiêm tốn 90m2 của anh Phúc hiện dành hết cho các bà mẹ và những đứa con. Vợ chồng, cùng hai đứa con – một 6 tuổi, một 3 tuổi – phải di cư về bên ngoại.

Nỗ lực của người đàn ông chất phác ấy đã tạo được những hiệu ứng xã hội tích cực. Những cô gái, chàng trai đã cân nhắc kỹ hơn, trước những khoảnh khắc quan trọng ở ngưỡng cửa làm người lớn. Số thai nhi trên 3 tháng tuổi đã đầy đủ hình hài mà anh Phúc phải lo chôn, lo thiêu đã giảm đi ít nhiều. Nghĩa trang Đồng Nhi, như một lời nhắc nhở đau đớn sẽ khiến mọi người sống có trách nhiệm hơn. Có cô gái trẻ, gọi điện cho anh Phúc từ Tp.HCM, chỉ để giãi bày tâm sự: “Biết về chú, biết về những hoàn cảnh đáng thương đó, con thấy giận mình trước đây đã sống ăn chơi phung phí quá. Tiền ấy, để giúp những em bé như thế, sẽ tốt hơn biết bao nhiêu”.

Tiền quý thật, nhưng điều khiến anh Phúc trăn trở nhất hiện nay là làm sao lo được cho các cháu một tấm giấy khai sinh. Không có mảnh giấy ấy trong tay, chúng không đưọc xã hội nhìn nhận, không được hưởng sự chăm sóc y tế miễn phí trong độ tuổi từ 0 đến 6. Và quan trọng nhất, chúng sẽ không có cơ hội đến trường. Những đứa trẻ cùng mang họ Tống Phước ấy, sau rất nhiều nỗ lực của anh, vẫn chưa có được cái điều tưởng rất nhỏ mà hóa ra không hề nhỏ ấy.

Và tư cách pháp nhân, cho một mái ấm mang tên Phước Phúc cũng là điều anh đang nung nấu. Hồ sơ đã gửi 3-4 tháng trời nay, nhưng câu trả lời hiện vẫn chưa tới.

“Sống trên đời cần có một tấm lòng”, đẹp sao khi cuộc đời vẫn còn những trái tim bằng vàng ròng như anh Phúc.



Thông tin thêm

Kể từ năm 2004 tới năm 2006, anh Tống Phước Phúc đã chôn cất cho 5.370 sinh linh bé nhỏ tại nghĩa trang Đồng Nhi thuộc thôn Hòn Thơm, xã Vĩnh Ngọc, thành phố Nha Trang. Cho tới nay, số hài nhi vắn số không được làm người mà anh đã lo chu tất phần hậu sự lên tới con số hơn 9.000. Với tấm lòng nhân đức của mình, anh Phúc cùng nhóm thiện nguyện đã cưu mang hơn 50 bà mẹ lầm lỡ, và cũng từng đó em bé đã được chào đời, được nuôi nấng nên người. Nhóm thiện nguyện đều là những người công giáo, kinh tế không dư giả gì. Họ làm việc thiện bằng cả trái tim và tấm lòng yêu thương con người. Đóng góp của các nhà hảo tâm đều dành cả cho các cháu bé. Độc giả cả nước có thể trợ giúp qua địa chỉ: Ông Tống Phước Phúc, 56/3 Phương Sài, Nha Trang. Số tài khoản 12320228450014 (Ngân hàng Techcombank).

Hồ Huyền Nga (Vietimes)

gioanha
23-12-2008, 02:47 PM
thương lắm

cha ơi! xin trả công cho những người quên mình vì tha nhân!!!!!

vante
23-12-2008, 04:13 PM
Xin Cha Cho Loài Người chúng con luôn nảy sinh những tấm lòng vàng,,,,,,,và xin cha thương lấy thân phận của các em,,,,,,,Xin cho Loài người chúng con biết ý thức về quyền sinh, quyền sống, quyền tự do của chúng con.....

Xin Ngài Dủ thương........

Nganguyen
01-11-2009, 05:10 PM
Cha ơi ! sao lại có thanh niên lại có tấm lòng tốt như vậy chứ , thay vì người phụ nữa chúng là Mẹ cũa nhưng đức bé đó chứ thì đúng hơn , nhưng sao lại là một người đàn ông và thanh niên vậy chứ Cha ơi thật phúc cho các bé của chúng con . Cha ơi ước gì có nhiều nhà hảm tâm đến với các bé Cha ơi .

yeu thuong
23-11-2009, 09:11 PM
NGỢI KHEN TÌNH THƯƠNG CỦA CHÚA ĐẾN MUÔN ĐỜI. Tạ ơn CHÚA đã ban cho những em bé không có được tình thương của gia đình gặp được người cha mang tình thương của CHÚA đến . Cám ơn anh Phúc nhiều lắm. Xin CHÚA trả công bội hậu cho anh. Xin CHÚA gửi thêm nhiều người như anh Phúc để trái đất này luôn tràn đầy nụ cười trẻ thơ.:92::92:

phanxico_atxidi
30-01-2010, 04:32 PM
Viết bài không đúng một chút nào hết. Tôi không biết Chị Hồ Huyền Nga này có tìm hiểu kĩ khi đặt bút viết bài này không, nhưng chính tôi là người đã tham gia ngay từ đầu khi "Nhóm Bảo vệ sự sống" Nha Trang này được thành lập và ai là người "Chủ nhân của nghĩa trang rộng khoảng 6.000m2 này " . ...? những người cùng làm với Anh Phúc giờ vẫn còn đó , họ vẫn hằng ngày đi thu lượm thai nhi về đốt rồi mang về gửi ở nhà Thờ Quân Trấn - Nha Trang, những công việc này anh Phúc đâu có làm sao chị lại viết như vậy . và còn nhiều điều không đúng như trong bài viết này nữa ... ???? Theo tôi thiết nghĩ chị nên đính chính lại bài viết của mình , vì đừng để những tấm lòng từ thiện của mọi người đặt không đúng chỗ. Nếu chị cần lấy thông tin hình ảnh chính xác ( thông tin ảnh ngay từ lúc đầu thành lập nhóm , gồm có ai , làm như thế nào ... ai là người thành lập ) hãy liên hệ với tôi hay Linh Mục Nguyễn Văn Đông - Linh mục chánh xứ nhà thờ Thăng Thiên , Playku. Rất mong mọi người tìm hiểu kĩ hơn khi làm hảo tâm, đừng để tiền đó làm điều bất chính.