PDA

View Full Version : HAI THIẾU NHI FATIMA Á THÁNH PHANXICÔ VÀ GIAXINTA



gioanha
25-12-2008, 10:11 AM
HAI THIẾU NHI FATIMA Á THÁNH

PHANXICÔ VÀ GIAXINTA



HAI VỊ Á THÁNH THIẾU NHI TIÊN KHỞI PHANXICÔ VÀ GIAXINTA



TẠI SAO LÂU?

Ngày 13 tháng Hoa Năm Thánh 2000 là ngày kỷ niệm 83 năm Mẹ Maria lần đầu tiên hiện ra ở Fatima nước Bồ Đào Nha với 3 em Thiếu Nhi Fatima là Lucia (10 tuổi), Phanxicô Marto (gần 9 tuổi) và Giaxinta Marto (7 tuổi). Thế nhưng, cũng trong ngày kỷ niệm này, hai thiếu nhi nhỏ, đúng như lời Mẹ tiên báo cùng Lucia ngày 13/6/1917, được Mẹ Maria đưa về trời sớm, đầu tiên là Phanxicô vào ngày 4/4/1919 hưởng thọ 11 tuổi (11/6/1908), rồi đến Giaxinta vào ngày 20/2/1920 hưởng thọ 10 tuổi (11/3/1910), sẽ được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong Á Thánh (beatification), như thông báo chính thức của Đức Giám Mục Derafim de Sousa Ferreira e Silva cai quản giáo phận Leiria-Fatima.

Theo Đức Tổng Giám Mục Jose Saraiva Martins, Bộ Trưởng Thánh Bộ Cứu Xét Phong Thánh, thì vụ án phong thánh cho hai Thiếu Nhi Fatima Phanxicô và Giaxinta đã được bắt đầu từ năm 1952 tại giáo phận Leiria-Fatima. Thế nhưng, tiến trình phong thánh này đã bị trì hoãn là vì vấn đề phong thánh cho các em là trẻ em liên quan đến tín lý và giáo luật, ở chỗ, các em chưa ở vào tuổi thiếu niên (pre-adolescent) hay tuổi dậy thì, tức tuổi “tiên”, tuổi theo tiếng Anh là “teen”, tuổi từ 13 thirteen tới hết 19 nineteen, (không như trường hợp Maria Goretti vừa tử đạo vừa là con gái ở vào tuổi dậy thì 12). Trong khi đó, Thánh Bộ Cứu Xét Phong Thánh lại nhận được 180 khẩn nguyện thư thuộc 44 quốc gia trên thế giới, từ các vị hồng y, giám mục, đặc sứ tòa thánh và linh mục coi xứ trình bày cho thấy những lợi điểm của việc phong thánh cho hai em đối với giới trẻ trong thế giới hiện đại. Cuối cùng, chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã rút ngắn tiến trình phong thánh cho hai em, bằng việc công nhận nhân đức anh hùng của hai Đấng Đáng Kính (venerable) này ngày 13/5/1989, một biến cố không ngờ đã xẩy ra như điềm báo trước biến động Đông Âu sau đó ở Balan ngày 19/8/1989 (cũng là ngày kỷ niệm Mẹ Maria hiện ra ở Fatima lần thứ 4 tại Valinhos, chứ không phải ở cây sồi như các lần khác trên đồi Cova da Iria vào ngày 13 như Mẹ muốn ngay từ đầu, vì việc nhúng tay can thiệp của chính quyền địa phương). Mười năm sau, ngày 28/6/1999, hai Thiếu Nhi Fatima Phanxicô và Giaxinta lại được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban bố một sắc lệnh công nhận phép lạ của hai Đấng Đáng Kính này làm, để hai vị có thể được Giáo Hội tuyên phong Á Thánh.

Thánh Chỗ Nào?

Tất nhiên, nếu không có phép lạ, và cũng không phải là những vị tử đạo, (như trường hợp các Chân Phước Tử Đạo Việt Nam), hai Thiếu Nhi Fatima sẽ không được Giáo Hội tuyên phong Á Thánh. Như vậy, phép lạ do hai Đấng Đáng Kính Phanxicô và Giaxinta làm được Giáo Hội công nhận là dấu chứng tỏ hai Thiếu Nhi Fatima này có quyền thế và công nghiệp trước nhan Thiên Chúa. Tức là, theo ngôn từ phong thánh, hai Thiếu Nhi Fatima ấy thực sự đã có đủ nhân đức anh hùng (heroic virtue hay heroism) khi còn sống, những nhân đức đáng nêu gương cho chung thế nhân và cho riêng giới trẻ, đặc biệt là giới thiếu nhi. Việc Giáo Hội phong Á Thánh cho hai Thiếu Nhi Fatima Phanxicô và Giaxinta có nghĩa là Kitô hữu Công Giáo chùng ta có thể nên thánh bất cứ ở tuổi nào, dù còn nhỏ đi nữa, nhất là ở vào tuổi nhỏ của thời đại hiện nay, lứa tuổi mà dù mới lên 6 cũng đã biết cầm súng hạ sát địch thủ của mình tại ngay nơi học làm người, như trường hợp của em trai ở trường tiểu học Buell, thành phố Flint, tiểu bang Michigan Hoa Kỳ vào ngày cuối tháng Hai nhuận năm 2000 vừa qua.

Vậy đâu là nhân đức anh hùng của hai Đấng Đáng Kính Phanxicô và Giaxinta? Theo Đức Tổng Giám Mục Bộ Trưởng Thánh Bộ Cứu Xét Phong Thánh trên đây, thì nguyên một việc các em nhất định, dù có bị thẩm quyền địa phương uy hiếp khủng khiếp hết sức nguy hiểm đến tính mạng đi nữa, cũng không chịu nói ra Bí Mật Fatima như Mẹ Maria căn dặn các em, đã đủ chứng tỏ các em già dặn và gan dạ phi thường (hơn cả người lớn) rồi. Ngoài ra, theo người viết, các em còn tỏ ra nhân đức anh hùng ở những chỗ khác nữa, chẳng hạn các trường hợp sau đây.

Trước hết, đáp lại lời kêu gọi của Mẹ Maria vào ngay lần Mẹ hiện ra đầu tiên với các em ngày 13/5/1917: “Các con có muốn dâng mình cho Thiên Chúa để chấp nhận tất cả mọi đau khổ Ngài gửi đến cho các con, như một việc đền tạ những xúc phạm Ngài phải chịu mà cầu cho tội nhân ăn năn trở lại không?”, các em đã hăng say nghe theo lời Mẹ toàn hiến cho Thiên Chúa khi đồng thanh đáp: “Vâng, chúng con sẵn sàng!”, sẵn sàng chấp nhận một tương lai đau khổ hơn là sung sướng, một tương lai hy sinh cho tha nhân hơn là hồn nhiên vui sống tuổi thiếu nhi của mình, một tương lai mà người lớn nếu được kêu gọi cũng chưa chắc dám nhận, chưa chắc dấn thân một cách nhiệt tình như vậy, nhất là khi họ sống ở trong một thế kỷ mở màn cho trào lưu con người ùa nhau sống theo cá nhân chủ nghĩa (individualism) và hưởng thụ (consumerism) này.

Thứ đến, để trung thành với lời thề hứa của mình trong ơn gọi làm vật tế thần, làm của lễ hy sinh đền thay cho các tội nhân, thì về mặt tiêu cực, hai em đã dứt khoát từ bỏ tất cả những thú tiêu khiển lành mạnh vô tội, như Phanxicô thích ngồi thổi sáo một mình trên đồi, và Giaxinta thích nhảy múa theo điệu nhạc trổi lên, trái lại, về mặt tích cực, Phanxicô chỉ chuyên chú tìm dịp âm thầm cầu nguyện an ủi “Chúa Giêsu ẩn thân” (hidden Jesus) của em trong Bí Tích Thánh Thể bằng chuỗi Kinh Mân Côi luôn cầm ở trong tay, và Giaxinta không lúc nào không khao khát tìm đủ mọi dịp hy sinh hãm mình trong hết mọi sự cho các tội nhân đáng thương của em, thậm chí, em đã phải hy sinh đến cùng, ở chỗ, sau khi khóc nhiều lần, em đã vui lòng chấp nhận số phận cuối đời của mình, như lời Mẹ Maria cho em biết trước, là em sẽ phải chịu cảnh lẻ loi cô độc một mình không có một người thân yêu nào bên cạnh trước khi em nhắm mắt lìa đời; và thật sự cuối cùng đã xẩy ra đúng như vậy.

Sau nữa, chẳng những chuyên tâm hy sinh hãm mình riêng, như Giaxinta, hay cầu nguyện đền tạ riêng, như Phanxicô, các em còn làm chung với nhau và làm giống nhau những việc hy sinh với tinh thần cầu nguyện nữa. Chẳng hạn như, các em ngày nào cũng đã cùng nhau nhịn ăn trưa, nhường phần ăn cho các thiếu nhi khác trong vùng nghèo hơn mình; cùng nhau nhịn khát trong mùa hè, đến nỗi khát quá phải đi tìm nước uống, song khi có nước rồi thì lại đổ đi không ai chịu uống để nhất định hy sinh; cùng nhau hãm mình bằng cách lấy một sợi giây thừng vớ được trên đường đi, chia ra mỗi em một khúc để thắt vào bụng cho đau đớn và khó chịu v.v.. Tất cả những gì các em làm, nếu người lớn biết được chắc chắn họ đã ngăn cản không cho làm, đã được Mẹ Maria cho các em biết trong lần hiện ra thứ năm, 13/9/1917, là: “Thiên Chúa hài lòng về những hy sinh của các con”. Thiên Chúa hài lòng với các em không phải chỉ vì nguyên việc các em cùng nhau hy sinh đến độ “anh hùng” theo lòng sốt sắng của mình, cho bằng chính vì các em còn thúc giục nhau luôn luôn nhớ làm tất cả những hy sinh hay chịu đựng tất cả mọi khổ đau ấy với mục đích và ý chỉ duy nhất là để “đền tạ” Thiên Chúa về tội lỗi của các tội nhân đã xúc phạm đến Ngài, đúng như ý Mẹ Maria kêu gọi các em ngay từ đầu. Thật ra, các em phải có tràn đầy tinh thần hy sinh đền tạ ở bên trong rồi các em mới có thể thực hiện một cách nhiệt thành và liên lỉ những việc làm anh hùng bên ngoài như thế được.

Sau hết, các em chẳng những sống thánh mà còn đóng cả vai trò làm tông đồ giới trẻ cho nhau và cho đám thiếu nhi đồng bạn nữa. Chẳng hạn như có lần chị Lucia của các em bị cám dỗ tham gia vào việc tổ chức hội hè chơi đùa theo kiểu thế gian với giới trẻ quen biết, vì Lucia nổi tiếng có tài về ca vũ, đã bị Phanxicô phản đối và ngăn chặn, bằng cách em bày mưu cho chị làm sao để từ chối khéo, đến nỗi, kết quả đã xẩy ra hết sức bất ngờ là, giới trẻ thiếu nhi chẳng những đã bỏ cuộc tổ chức vui chơi của họ mà còn theo 3 em đến chính chỗ Mẹ Maria hiện ra để lần hạt cầu nguyện chung với các em nữa. Ngoài ra, ngay trước lần Mẹ Maria hiện ra lần thứ ba, 13/7/1917, lần quan trọng nhất, vì là lần Mẹ sẽ cho các em thấy hỏa ngục và tiết lộ Bí Mật Fatima cho các em, thì chị Lucia của các em bị cám dỗ rất nặng nề, thậm chí chị đã nản chí và quyết tâm trốn lánh các em để khỏi phải đến nơi Mẹ Maria muốn như hai lần trước vào giờ nhất định, đã bị tinh thần và gương sáng của Phanxicô và Giaxinta lôi kéo làm chị bừng tỉnh để đi trọn con đường Tông Đồ Fatima của mình. Chưa hết, trước lần Mẹ Maria hiện ra lần thứ bốn vào tháng tám, cả ba em đang bị nhốt trong tù cho đến khi các em phải khai báo tất cả Bí Mật Fatima, như các em được Mẹ Maria cho biết vào tháng bảy trước đó, lên chính quyền địa phương, thì thiếu nhi Phanxicô đã lên tiếng nhắn nhở một tù nhân người lớn đang cùng với các em đọc kinh phải bỏ mũ ra khi cầu nguyện với Chúa.

Phanxicô và Giaxinta đã sẵn sàng hy sinh chịu khổ để đền tạ Thiên Chúa mà cứu các tội nhân như thế thì chẳng khác gì như hai em đã đóng vai trò “muối đất” (Mt 5:13) của thành phần môn đệ theo chân Đấng đã “tự hiến để họ được thánh hóa trong chân lý” (Gioan 17:19), đã “hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mt 20:28). Đúng vậy, nếu thế gian lúc nào cũng có một số tâm hồn làm “muối đất” như hai Thiếu Nhi Fatima Phanxicô và Giaxinta thì thế gian, với một thiểu số thánh nhân cần thiết như trong trường hợp của thành Sôđôma được Abraham can thiệp ngày xưa (xem STK 19:24, 28-32), chắc chắn sẽ không bị ươn thối như ngày nay, không bị phá sản khủng khiếp về văn hóa và đạo đức như hiện nay, không bị mất ý thức tội lỗi như ngày nay, đến nỗi đã biến những gì tự nó là lành thành dữ, cũng như đã biến những gì tự nó là dữ thành lành, theo ý riêng tự quyết của con người văn minh duy nhân bản hiện nay. Bởi thế, trước khi Kitô hữu Công Giáo chúng ta phàn nàn về và đổ lỗi cho tình trạng băng hoại (corruption) của xã hội ngày nay, chúng ta hãy kiểm điểm xem mình đã thực sự là chứng nhân của Chúa Kitô chưa, hay đã trở thành phản chứng (counter-witness) của Chúa Kitô, chẳng những không làm cho thế nhân nhận biết Người lại còn xa Người nữa. Đó là lý do Công Đồng Chung Vaticanô II, qua Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes về Giáo Hội Trong Thế Giới Tân Tiến, đoạn 19, đã nhắc nhở tín hữu đối với trách nhiệm của họ trước hiện tượng vô thần hiện đại.

Xin hai vị Tân Á Thánh Thiếu Nhi Phanxicô và Giaxinta giúp cho Kitô hữu Công Giáo chúng ta luôn ý thức được rằng, bởi Bí Tích Rửa Tội, chúng ta đã được thánh hóa, tức đã là những vị thánh, do đó, thánh không phải chỉ là tính chất phụ thuộc của chúng ta, (như kiểu tĩnh từ bổ túc cho danh từ), khi chúng ta cố gắng trở nên thánh theo hoàn cảnh của mình, như trở thành một bác sĩ thánh, một luật sư thánh, một kỹ sư thánh, một linh mục thánh, một người chồng thánh, một người vợ thánh v.v., trái lại, thánh chính là và phải là bản chất của chúng ta, (như chủ từ chi phối động từ), khi chúng ta nỗ lực thể hiện mình thật sự là một vị thánh chữa trị bệnh tật, một vị thánh bênh vực nhân quyền, một vị thánh sáng chế phát minh, một vị thánh dâng lễ giải tội, một vị thánh làm chồng làm cha, một vị thánh làm vợ làm mẹ v.v. Nếu thế giới ngày nay có 10 Mẹ Têrêsa Calcutta, hay có một tiểu đoàn như hai Á Thánh Thiếu Nhi tiên khởi Phanxicô và Giaxinta, (nghĩa là trên 180 quốc gia, mỗi quốc gia có một cặp thiếu nhi thánh như vậy), thì chắc chắn điều Mẹ hứa trong phần thứ nhất của Bí Mật Fatima sẽ được thực hiện, đó là: “Nhiều linh hồn sẽ được cứu rỗi và thế giới sẽ có hòa bình”.

THÁNH ĐƯỢC SAO?

Trong một thế giới hầu như không còn nghe thấy chữ thánh thiện hay có nói đến chữ này thì người ta tự nhiên cũng cảm thấy ngượng ngùng và thấy mình không giống ai, trái lại, chính trong cái thế giới (nhất là Âu Mỹ) chẳng những không dạy đức dục ở học đường mà còn dạy tính dục (sex education) cho giới trẻ hiện nay, Vị Mục Tử Tối Cao của Giáo Hội Công Giáo lại gửi một Sứ Điệp cho chung Giới Trẻ trong dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 15, với chủ đề “Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Gioan 1:14), trong đó ngài chẳng những đã kêu gọi họ quyết tâm nên thánh mà còn chỉ dẫn cho họ cách thức chắc chắn bảo đảm nên thánh như sau:

“Các con hãy chiêm ngắm và suy niệm! Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta để thông phần vào chính sự sống của Ngài; Ngài kêu gọi chúng ta để trở nên con cái của Ngài, trở nên những chi thể sống động của Nhiệm Thể Chúa Kitô, trở nên đền thờ sáng ngời của Thần Linh Yêu Thương. Ngài kêu gọi chúng ta trở thành sở hữu của riêng Ngài: Ngài muốn tất cả chúng ta là những vị thánh. Giới trẻ thân mến, chớ gì tham vọng thiện hảo của các con là nên thánh như Ngài là thánh.

“Các con sẽ hỏi Cha: thế nhưng ngày nay còn có thể làm thánh được sao? Nếu chúng ta chỉ cậy dựa vào sức mạnh loài người thì thực sự là không thể làm được việc này. Thật vậy, các con đã quá rõ về những thành quả cũng như thất bại của mình; các con cũng biết được những gánh nặng đè trên con người, nhiều nguy hiểm đe dọa họ và những hậu quả do tội lỗi của họ gây ra. Có những lúc chúng ta bị chán nản kềm giữ, đến nỗi nghĩ rằng không thể nào thay đổi được gì hết, cả ở nơi thế gian cũng như nơi bản thân mình.

“Cho dù cuộc hành trình khó khăn, chúng ta cũng có thể làm được mọi sự trong Vị là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Vậy các con đừng hướng về một ai khác ngoài Chúa Giêsu. Các con đừng nhìn đâu khác ngoài nơi mà chỉ có Người mới có thể ban cho các con, vì “trong tất cả mọi danh hiệu trên thế gian được ban cho loài người thì chúng ta được cứu độ chỉ do nơi danh hiệu duy nhất này mà thôi” (Acts 4:12). Với Chúa Kitô thì sự thánh thiện Thiên Chúa muốn nơi mọi người lãnh nhận bí tích rửa tội vẫn có thể đạt thành. Các con hãy cậy dựa nơi Người; các con hãy tin tưởng vào quyền năng vô địch của Phúc Âm và hãy lấy đức tin làm nền tảng cho niềm hy vọng của mình. Chúa Giêsu bước đi với các con, Người canh tân tâm hồn các con và kiên cường các con bằng sức mạnh của Thần Linh Người.

“Hỡi giới trẻ của mọi địa lục, các con đừng sợ là những vị thánh của thiên niên mới! Các con hãy chiêm niệm, hãy yêu thích nguyện cầu; các con hãy gắn bó với đức tin của mình và hãy quảng đại trong việc phục vụ anh chị em mình, các con hãy là những chi thể sinh động của Giáo Hội và hãy là những nhà xây dựng hòa bình. Để đạt được kết quả trong dự phóng thiết yếu của đời sống này, các con hãy tiếp tục lắng nghe Lời Người, hãy lấy sức mạnh từ các phép bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể và Thống Hối. Chúa muốn các con là những tông đồ gan dạ cho Phúc Âm của Người và là những nhà xây dựng cho một nhân loại mới”.

(L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 7/7/1999, đoạn số 3)

Đúng thế, “nếu chúng ta chỉ cậy dựa vào sức mạnh loài người thì thực sự là không thể làm được việc này”, nhưng, “với Chúa Kitô thì sự thánh thiện Thiên Chúa muốn nơi mọi người lãnh nhận bí tích rửa tội vẫn có thể đạt thành”. Phanxicô và Giaxinta chỉ được biến đổi từ khi Mẹ Maria hiện ra với các em mà thôi. Nghĩa là, chỉ trong vòng 2 năm (đối với trường hợp của Phanxicô) và 3 năm (đối với trường hợp của Gianxinta), kể từ khi Mẹ Maria hiện ra với các em (1917), hai em đã nên thánh. Không phải hay sao, kể cả việc các em tự nhiên sẵn lòng chấp nhận lời mời gọi để trở thành của lễ hy sinh đền tạ Thiên Chúa mà cứu các tội nhân, việc các em nhất định từ bỏ những thú vui lành mạnh vô tội tư nhiên của tuổi thiếu nhi hồn nhiên của mình, nhất là việc các em hăng say hy sinh, kiên trì chịu đựng tất cả mọi sự theo ý Chúa v.v. đều bởi ơn Chúa ban cho. Thiên Chúa đã thông sự thánh thiện của Ngài ra cho các em, ở chỗ, cho các em thông phần vào cuộc tử nạn của Chúa Kitô, bằng cách gửi đến cho các em những khổ đau vượt quá tầm sức thiếu nhi của các em. Đó là lý do, sau khi các em thưa: “Vâng chúng con sẵn sàng”, Mẹ Maria đã báo trước cho các em thấy cả thập giá và ân sủng của Thiên Chúa như sau: “Vậy thì các con sẽ chịu nhiều đau khổ, song ơn Chúa sẽ nâng đỡ các con”. Thánh nhân nói chung và hai tân Á Thánh Thiếu Nhi Tiên Khởi Phanxicô và Giaxinta nói riêng đúng là Sản Phẩm Thần Linh Thời Đại vậy.

Phanxicô và Giaxinta thực sự là Sản Phẩm Thần Linh của Thiên Chúa nhưng lại hoàn toàn được chế tạo tại Hãng Khiết Tâm Mẹ Maria. Đúng thế, vào lần hiện ra thứ hai, 13/6/1917, Mẹ đã nói riêng với Lucia (hiện vẫn còn sống, nay đã 93 tuổi) và chung với ba Thiếu Nhi Fatima như sau: “Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi con nương náu và là đương đưa con đến với Thiên Chúa”. Sự kiện này đã hoàn toàn ứng nghiệm những gì Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort) đã viết từ đầu thế kỷ 18 trong cuốn Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria của ngài: “Quyền năng của Mẹ Maria trên tất cả mọi quỉ ma sẽ đặc biệt chiếu sáng vào những thời buổi sau này, khi mà Satan giăng bẫy gót chân Mẹ: tức là giăng bẫy các tôi tớ khiêm hạ và con cái nghèo hèn của Mẹ, thành phần Mẹ sẽ lập nên để chống lại với hắn” (đoạn 54); “Họ sẽ vác trên vai mình một thứ Thánh Giá đẫm máu, tay phải họ cầm Tượng Chuộc Tội, tay trái của họ nắm Tràng Kinh Mân Côi, con tim của họ ghi Thánh Danh Chúa Giêsu và Mẹ Maria, hành vi cử chỉ của họ bộc lộ đức hạnh và khổ hạnh của Chúa Giêsu Kitô. Họ là những con người cao cả sẽ phải đến; còn Mẹ Maria, theo lệnh của Đấng Tối Cao, chính là vị sẽ trang bị cho họ…” (số 59).

Thế nhưng, vì là Sản Phẩm Thần Linh Thời Đại, do đó, sau khi được Hãng Khiết Tâm Maria chế tạo từ đầu thế kỷ 20 cuối thiên niên kỷ thứ hai, Phanxicô và Giaxinta mới được Nhà Sản Xuất Maria, qua Giáo Hội, dưới triều của vị Giáo Hoàng “Totus Tous”, bắt đầu tung ra Thị Trường Tiêu Thụ (Giới Trẻ) Công Giáo vào Năm Thánh Hai Ngàn, thời điểm mở màn cho Thiên Niên Kỷ Thứ Ba Kitô Giáo!



(Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL - Bài viết này đã được phổ biến trên Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, 5/2000)







CHA ĐÃ TỎ RA CHO CÁC TRẺ NHỎ BIẾT CÁC ĐIỀU ẤY




(Bài giảng bằng tiếng Bồ Đào Nha của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
trong Thánh Lễ phong Á Thánh cho hai Thiếu Nhi Fatima Phanxicô và Giaxinta ngày 13/5/2000,
tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Mân Côi ở Đền Thánh Fatima trước 600 ngàn người tham dự,
có cả nữ tu Lucia, một trong ba Thiếu Nhi Fatima còn sống)


1- “Lạy Cha,... Con chúc tụng Cha; vì những gì Cha giấu không cho kẻ thông thái và kẻ tinh khôn biết thì Cha lại tỏ cho những trẻ em nhỏ mọn hay” (Mt 11:25)

Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu dùng những lời này để chúc tụng Cha trên trời về các ý định của Ngài; Người biết rằng không ai có thể đến được với Người trừ khi họ được Chúa Cha lôi kéo (x Jn 6:44); bởi thế, Người chúc tụng Ngài về dự án của Ngài và Người đã ấp ủ dự án ấy như một người con: “Vâng, Lạy Cha, vì ý muốn ưu ái của Cha là như thế” (Mt 11:26). Cha đã lấy làm ưng ý tỏ vương quốc của Cha cho các trẻ em bé mọn nhất.

Theo dự án thần linh, “một người nữ mặc mặt trời” (Rev 12:1) từ trời xuống mặt đất này để viếng thăm các trẻ em diễm phúc của Chúa Cha. Bằng một giọng nói và con tim từ mẫu, Bà đã nói với các em rằng Bà xin các em hãy dâng mình làm vật hy sinh đền tạ, khi cho các em biết là Bà đã sẵn sàng dẫn các em đến với Thiên Chúa rồi. Thế nên, các em đã thấy một luồng ánh sáng phát ra từ bàn tay từ mẫu của Bà thấu vào nội tâm của các em, nhờ đó các em cảm thấy mình được chìm ngập trong Thiên Chúa, theo các con cho biết, như một người thấy mình trong gương soi vậy.

Sau đó, Phanxicô, một trong ba trẻ em diễm phúc, đã than lên rằng: “Chúng ta nóng lên trong luồng ánh sáng là Thiên Chúa đó mà chúng ta không bị thiêu rụi đi. Thiên Chúa giống như cái gì nhỉ? Không thể nào nói được. Thật vậy, chúng ta không thể nào có thể nói cho người ta biết được”. Thiên Chúa: một ánh sáng bừng cháy mà không thiêu hủy. Moisen cũng đã có cùng một cảm nghiệm khi ông thấy Thiên Chúa trong bụi cây cháy; ông đã nghe thấy Thiên Chúa nói rằng Ngài quan tâm đến việc dân Ngài phải làm nô lệ nên đã quyết định nhờ ông giải cứu họ: “Ta sẽ ở cùng ngươi” (x Ex 3:2-12). Những ai nhận được sự hiện diện này đều trở nên một nơi trú ngụ để thành một “bụi cây cháy” của Đấng Tối Cao.

2- Điều gây ấn tượng nhất và đã hoàn toàn chiếm đoạt Chân Phước Phanxicô là việc Thiên Chúa ở trong luồng ánh sáng vô tận đã thấu nhập tận thâm tâm ba em ấy. Thế nhưng, Thiên Chúa chỉ nói với một mình Phanxicô, như em cho biết, là Ngài “buồn biết bao”. Có một đêm kia, bố của em nghe thấy em thổn thức thì hỏi em tại sao em khóc; người con của ông liền trả lời rằng: “Con đang nghĩ đến Chúa Giêsu là Đấng rất buồn phiền vì các tội lỗi đã xúc phạm đến Người”. Em đã được thúc đẩy bởi một ước vọng duy nhất đó là “an ủi Chúa Giêsu và làm cho Người được vui” – thật lạ lùng về ý nghĩ của các trẻ em.

Một cuộc biến đổi đã xẩy ra trong cuộc đời em, một cuộc đổi thay chúng ta có thể gọi là tận gốc rễ: một cuộc biến đổi hoàn toàn khác thường đối với trẻ nhỏ ở vào lứa tuổi của em. Em hăng say dấn mình vào cuộc sống thiêng liêng, được biểu lộ bằng việc chuyên tâm sốt sắng cầu nguyện, và đã đạt tới một thứ thần hiệp thực sự với Chúa. Cuộc sống thiêng liêng này thôi thúc em tiến đến việc thanh tẩy tâm linh bằng việc từ bỏ những thích thú riêng tư và ngay cả những trò chơi vô tội của thuở thiếu thời.

Phanxicô không hề than phiền khi chịu đựng các đau đớn cả thể do bệnh nạn gây ra làm cho em phải chết. Để an ủi Chúa Giêsu, tất cả hầu như là quá ít đối với em, ở chỗ, em đã chết với một nụ cười trên môi. Bé Phanxicô đã có một ước vọng cả thể trong việc đền bồi những xúc phạm của các tội nhân, bằng việc nỗ lực sống tốt lành và hiến dâng các hy sinh và lời cầu nguyện. Đời sống của Giaxinta, đứa em gái của em, nhỏ hơn em gần hai tuổi, cũng được những cảm thức này tác động.

3- “Một điềm lạ khác xuất hiện trên trời; đó là một con rồng đỏ khổng lồ” (Rev 12:3).

Những lời này trích từ bài đọc thứ nhất trong Thánh Lễ khiến chúng ta nghĩ đến một cuộc đối chọi lớn lao giữa thiện và ác, làm cho chúng ta thấy được rằng, một khi con người loại trừ Thiên Chúa ra rìa, thì họ không thể nào chiếm được hạnh phúc, trái lại, họ sẽ kết liễu mình bằng việc tự hủy hoại bản thân. Đã có biết bao nhiêu là nạn nhân dọc suốt thế kỷ vừa qua của thiên niên thứ hai! Chúng ta nhớ đến những cảnh kinh hoàng của Thế Chiến Thứ Nhất và Thứ Hai, cũng như nhớ đến những cuộc chiến tranh khác ở rất nhiều phần đất trên thế giới, đến các trại tập trung và thảm sát, đến các trại lao động cải tạo, đến các cuộc thanh lọc và bách hại chủng tộc, đến nạn khủng bố, đến các cuộc bắt cóc, đến các thứ thuốc nghiện, đến các cuộc tấn công sự sống còn đang cưu mang và gia đình.

Sứ điệp Fatima là một lời kêu gọi cải thiện đời sống, ở chỗ cảnh tỉnh nhân loại đừng dính dáng gì tới “con rồng” có “cái đuôi quét đi một phần ba tinh tú trên trời mà hất xuống đất” (Rev 12:4). Đích điểm cuối cùng của nhân loại là thiên đàng, ngôi nhà đích thực của họ, nơi Cha trên trời chờ đợi mọi người bằng cả mối tình yêu nhân hậu của Ngài.

Thiên Chúa không muốn một ai bị hư đi; đó là lý do tại sao 2000 năm trước đây Ngài đã sai Con Ngài xuống thế, “để tìm kiếm và cứu vớt kẻ hư khốn” (Lk 19:10). Và Ngài đã cứu chúng ta bằng cái chết của Người trên thập giá. Chớ gì đừng có ai làm cho quyền năng của Thập Giá hóa ra hư không! Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại từ trong kẻ chết để làm “trưởng tử của nhiều anh em” (Rm 8:29).

Bằng tấm lòng quan tâm từ mẫu của mình, Đức Trinh Nữ đã đến Fatima đây để xin con người nam cũng như nữ “đừng xúc phạm đến Thiên Chúa là Chúa của chúng ta, Đấng đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi”. Chính niềm đau thương của một người mẹ đã thúc đẩy Người nói lên điều này; số phận của con cái của Người đang gặp hiểm nguy. Bởi thế mà Người đã xin các trẻ mục đồng nhỏ là: “Các con hãy cầu nguyện, hãy cầu nguyện nhiều và hy sinh cho các tội nhân; nhiều linh hồn sa hỏa ngục vì họ đã không được một người nào cầu nguyện và hy sinh cho họ”.

4- Bé Giaxinta đã cảm được và nghiệm thấy nơi bản thân mình nỗi sầu thương của Đức Mẹ, bằng việc anh hùng hiến mình như một vật hy sinh cho các tội nhân. Một ngày kia, khi em và Phanxicô bị bệnh làm cho các em phải nằm giường, Đức Maria đã đến thăm các em ở nhà, như bé gái thuật lại: “Đức Mẹ đã tới thăm chúng con và nói rằng chẳng mấy chốc nữa Người sẽ đến mang Phanxicô về trời. Và Người hỏi con có muốn hoán cải các tội nhân hơn nữa không. Con thứa Người là có”. Rồi tới lúc Phanxicô ra đi, nhỏ gái nói với anh mình rằng: “Xin anh cho em gửi lời chào Chúa và Đức Mẹ nhé, và thưa cùng các Ngài rằng em đang chịu đựng mọi sự các Ngài muốn để cầu cho các tội nhân ăn năn cải thiện đời sống”. Giaxinta đã bị kích động sâu xa bởi thị kiến hỏa ngục vào lần Đức Mẹ hiện ra 13/7, đến nỗi không một việc hy sinh hãm mình hay đền tội nào là quá sức đối với em trong việc cứu lấy các tội nhân.

Em có thể xứng đáng cùng với Thánh Phaolô kêu lên rằng: “Tôi hân hoan trong những nỗi đớn đau tôi phải chịu vì anh em, và trong xác thịt của mình, tôi làm trọn những gì còn thiếu nơi những khổ nạn của Chúa Kitô phải chịu vì thân thể của Người là Giáo Hội” (Col 1:24). Chúa Nhật vừa qua, tại Hí Trường Colosseum ở Rôma, chúng ta đã tưởng niệm rất nhiều chứng nhân đức tin thuộc thế kỷ 20, bằng cách nhớ lại những hoạn nạn họ đã phải chịu với những chứng từ sáng tỏ họ để lại cho chúng ta. Đám mây vô vàn các vị tử đạo đức tin can trường đã lưu lại cho chúng ta một di sản phải được tiếp tục bảo tồn trong thiên niên thứ ba. Ở Fatima đây, nơi đã báo trước cho thấy những lúc hoạn nạn này và đã được Đức Mẹ lên tiếng xin cầu nguyện cùng thống hối để rút ngắn chúng lại, hôm nay Tôi xin cám ơn trời cao về chứng từ mãnh liệt đã được tỏ ra qua tất cả những cuộc sống ấy. Một lần nữa, Tôi chúc tụng lòng lành Chúa đã thương cứu Tôi thoát chết sau khi bị trọng thương ngày 13/5/1981. Tôi cũng muốn nói lên lòng tri ân của Tôi đối với Chân Phước Giaxinta về những hy sinh và lời cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, vị mà Chân Phước đã thấy trước là phải chịu đau khổ rất nhiều.

5- “Lạy Cha, Con chúc tụng Cha, vì những gì Cha giấu không cho kẻ thông thái và kẻ tinh khôn biết thì Cha lại tỏ cho những trẻ em nhỏ mọn hay” (Mt 11:25). Hôm nay, lời chúc tụng của Chúa Giêsu mắc một hình thức long trọng trong việc tuyên phong chân phước cho các bé mục đồng Phanxicô và Giaxinta. Với lễ nghi phong chân phước này, Giáo Hội muốn đặt lên trụ cắm nến hai cây nến Thiên Chúa đã thắp lên để soi sáng cho nhân loại trong những giờ tăm tối và lo âu của họ. Chớ gì hai cây nến này chiếu soi đường đi lối bước cho muôn vàn người hành hương đây, cũng như cho tất cả những người theo dõi chúng ta qua truyền thanh và truyền hình. Xin Phanxicô và Giaxinta là ánh sáng thân thương chiếu soi cho toàn thể Bồ Đào Nha, đặc biệt là cho Giáo Phận Leiria-Fatima này.

(Hai đoạn cuối cùng trong số 5 này ĐTC ngỏ lời cám ơn giáo quyền địa phương cũng như chính quyền)

6- Tôi muốn nói những lời cuối cùng với các em nhỏ: các em trai em gái thân mến, Cha thấy nhiều người trong các em trang phục giống như Phanxicô và Giaxinta vậy. Các em mặc đẹp lắm! Thế nhưng, chút nữa đây hay ngày mai các em sẽ cởi những thứ y phục này ra và... những nhỏ mục đồng ấy không còn nữa. Họ không được mất đi phải không các em? Đức Mẹ cần tất cả các em trong việc an ủi Chúa Giêsu, Đấng buồn phiền vì nhiều điều xấu xa gây ra cho Người; Người cần đến những lời cầu nguyện cũng như những hy sinh cho tội nhân của các em. Các em hãy xin cha mẹ và thầy cô của mình ghi danh của các em vào “trường” của Đức Mẹ, để Đức Mẹ có thể dạy các em nên giống như các bé mục đồng này, những bé mục đồng đã cố gắng làm theo những gì Mẹ xin họ. Cha muốn nói cho các em biết là “nhờ phục tùng và lệ thuộc vào Mẹ Maria, trong một thời gian ngắn người ta sẽ tiến bộ hơn là cả bao nhiêu năm theo những sáng kiến cá nhân khi cậy dựa vào mình” (Thánh Long Mộng Phố – Louis de Montfort, Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria, đoạn số 155). Đó là lý do tại sao các bé mục đồng ấy đã nên thánh rất nhanh như vậy. Có một người đàn bà tiếp đãi Giaxinta ở Lisbon, khi nghe nhỏ gái này có những lời khuyên răn rất hay ho và khôn ngoan thì hỏi ai đã dạy em điều ấy, em trả lời rằng: “Chính là Đức Mẹ”. Bằng tất cả lòng quảng đại của mình trong việc chuyên tâm sống theo đường hướng của một Vị Thầy tốt lành như vậy, Giaxinta và Phanxicô đã sớm đạt tới đỉnh trọn lành.

7- “Lạy Cha, Con chúc tụng Cha, vì những gì Cha giấu không cho kẻ thông thái và kẻ tinh khôn biết thì Cha lại tỏ cho những trẻ em nhỏ mọn hay” (Mt 11:25).

Lạy Cha, con xin chúc tụng Cha về tất cả mọi con trẻ nhỏ của Cha, từ Trinh Nữ Maria, Người Tôi Tớ khiêm hạ của Chúa, đến hai bé mục đồng Phanxicô và Giaxinta.

Chớ gì sứ điệp cuộc sống của các em muôn đời tồn tại để soi sáng đường đi nước bước cho nhân loại!




(Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, trích dịch từ tuần san L’Osseervatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 17/5/2000)


Hai Chân Phước Thiếu Nhi Fatima đang tiến gần đến việc trở thành Hai Trẻ Hiển Thánh

Hôm Chúa Nhật 20/2/2005, ĐGM Serafim Ferreira e Silva trong khi cử hành lễ kính hai chân phước TNF Phanxicô và Giaxinta ở Đền Thánh Mẫu Fatima đã thông báo rằng:

“Tôi có thể khẳng định là hôm 19/2/2005, vấn đề được gọi là ‘positio’ đã được trình nộp cho việc phong hiển thánh của hai chân phước Giaxinta và Phanxicô Marto”.

Vào cuối cuộc cử hành này, ĐGM đã cắt nghĩa là việc kết thúc vấn đề “position” tức là “tiến trình hồ sơ đã được hoàn tất, được chuyển dịch sang Ý ngữ, hoàn toàn chấm dứt và được trình nộp cho ĐHY tổng trưởng Thánh Bộ Điều Tra Phong Thánh.

“Từ nay trở đi, hồ sơ phong thánh này sẽ tùy thuộc vào phán quyết của các vị hồng y cũng như các vị bác sĩ. Phán quyết cuối cùng là quyết định của Đức Giáo Hoàng”.