PDA

View Full Version : Một Chuyến Đi - Kỳ VI - Tưởng Chừng Sẽ... Chết



Damsan
01-01-2009, 04:22 PM
Bottom Line: Giữa cơn gió lộng tôi dùng hết sức mình quăng xấp tiền polyme tôi đang cầm trong tay lên trời - Tiền bay khắp nơi và tôi chạy! Tôi chạy bán sống bán chết, nghe sau lưng tiếng la ó truy đuổi, và tiếng bác Đ kêu mọi người cản đường.
************************************
Bãi Rác Sâm Bua – Trà Vinh

Tuy chưa một lần đến Trà Vinh, nhưng lần này trước khi về VN tôi đã sắp xếp lịch để được đến thăm các em cơ nhỡ đang sống nhờ vào những thứ người ta vất đi – Rác – Vâng đó chính là bãi rác Sâm Bua – Trà Vinh. Nhưng sau khi tôi đã đến đó tôi không còn gọi nó là bãi rác nữa mà phải gọi là NÚI rác.

Tôi biết đến Sâm Bua là qua một nhóm bạn làm từ thiện chung giới thiệu và khuyên tôi nên đến đó một lần. Mà muốn được vào bãi rác Sâm Bua thì cần phải qua cái được gọi là “ban quản lý” bãi rác này được chính quyền địa phương cắt đặt để quản lý (hay nói cách khách là thu tiền cửa) các người muốn vào bãi rác này để lượm rác và không cho các nhà báo hay ai đó vào trong để chup hình đăng báo. Mà muốn qua được ban quản lý này lại phải đi qua một nhóm “từ thiện” duy nhất tại địa phương dẫn vào - với điều kiện: Không được chụp hình hay quay phim. Nhóm bạn tôi cũng đã phải làm như vậy để được tiếp cận các trẻ cơ nhỡ sống trong bãi rác này. (Xin đọc bài chia sẻ của nhóm bạn tôi phía dưới.) Nên trong bài chia sẻ này tôi sẽ không viết lại những gì nhóm bạn tôi đã chia sẻ.

Biết đó là con đường “độc đạo” mà tôi có thể tiếp cận được các em, nên những ngày ở Mỹ tôi đã liên lạc với “nhóm từ thiện” kia để được đến thăm các em. Sau nhiều giờ “negotiate” bàn thảo tôi phải chiu lép vế là http://www.hayyeuthuongnhau.org/Images/tc.jpg sẽ không được ghi âm hay ghi hình dưới bất cứ hình thức nào. Quà của các em sẽ là mỗi em một bộ đồ tết – và mỗi gia đình sẽ được một trăm năm mươi ngàn đồng Việt Nam. Họ hẹn tôi ngày đi và hứa sẽ cho người liên lạc với tôi khi tôi về tới VN.

Về tới VN tôi chờ… dài cổ cũng chẳng thấy ai liên lạc, mãi cho đến ngày hẹn đi cũng không có động tĩnh gì, thế là đành tìm con đường khác.

Cuối cùng thì tôi cũng một thân một mình về tới Trà Vinh – hành trang mang theo là 22 bộ quần áo mới cho các trẻ em được nhét vào hai bao rác. Trong lòng nghĩ thầm là các em sẽ vui lắm khi có những bộ đồ mới ăn tết. Cái này là tôi tự suy vì nhớ hồi nhỏ cứ tết đến được mẹ mua cho bộ đồ mới là tôi vui không thể tả được!

Trời nhá nhem tối, tôi cải danh thành một người đi lượm rác, đội cái mũ lưỡi trai lụp xụp vác một cái bao rác (mà trong đó đựng quần áo cho các em), được bác Đ (một người có “thâm niên” lượm rác ở bãi rác Sâm Bua này) vác một bao rác (cũng là đồ cho các em) dẫn vào để qua mặt ban quản lý bãi rác.

Tôi đi giữa hai tường thành của rác mà cảm nhận như là “Con cái Israel đi giữa lòng biển khô cạn, nước sừng sững như tường thành hai bên tả hữu” (Xuất Hành 14:29). Không biết dân Israel thì sao, chứ tôi hơi sợ, chỉ một cơn gió mạnh cũng có thể làm cho tường thành sụp xuống và tôi sẽ bị chôn sống trong núi rác này.

Những người sống nhờ vào bãi rác này, thật tội nhiệp. Họ không những sống với rác, mà họ còn ăn với rác, uống với rác, ngủ với rác và cũng có thể sẽ… chết với rác. Bên cạnh rác họ còn phải sống với ruồi, muỗi, chuồn chuồn, cào cào, châu chấu và các loại côn trùng khác cũng sống… nhờ rác như họ. Tôi đến thẳng một căn nhà hay đúng hơn là cái chòi được bao bọc 3 phía cũng bởi… rác. Đó là chỗ nương thân của gia đình bác Đ, người dẫn tôi http://www.hayyeuthuongnhau.org/Images/tc2.jpg vào đây. Các em nhỏ đã tập trung ở đây, nhưng khác với cái bầu không khí ồn ào của các đứa trẻ bụi đời sống trong các nghĩa trang hay chân cầu, bọm trẻ ở đây im lặng lắm. Sau này tôi mới biết là để cho ban quản lý bãi rác không biết có “người lạ” vào phát quà.

Tôi ngồi xuống trên nền nhà lót bằng mấy tấm giấy carton và nói chuyện với đám trẻ và sau đó lấy hai bao rác quần áo ra chia cho chúng. Có bộ hơi dài, có bộ hơi ngắn – vì tôi chỉ nhắm chừng mà mua. Bọn trẻ mặc đồ mới vào liền và bắt đầu xúng xính khoe khoang và cười nói vui vẻ.

- Tụi mày nhỏ nhỏ cái miệng, bọn quản lý mà vô đây là chết cả lũ.

Bác Đ nhắc nhở. Sau khi được bác nhắc nhở thì không khí lại trầm lắng xuống.

Ngoài trời đã tối đen, tôi và các em quây quần bên nhau để nói về cuộc đời và giấc mơ. Vâng, ngay cả các đứa trẻ sống trong rác này cũng có những giấc mơ; giấc mơ cho một tương lai xán lạn hơn như làm chủ môt doanh nghiệp, được đi Mỹ hay chỉ là giấc mơ đơn thuần của kiếp người được thoát ra khỏi… rác để khỏi phải chịu cảnh hôi thối.

Hầu hết các em ở đây vẫn còn cha hoặc mẹ chứ không mồ côi hết. Tuy nhiên cha mẹ và các em cũng sống trong đống rác này hay có khá hơn một chút thì sống “ngoài” nhưng cũng “kế bên” đống rác này thôi. Một nửa các em vẫn còn đang đi học, nửa kia thì vì lý do sinh nhai đã chưa bao giờ được đến trường. Nhưng dù có đang đi học không có em nào học tới lớp 9. Hình như ở đây em nào học tới lớp 4 hay lớp 5 là đã quá đủ vì theo lời của những người lớn “Học tới đó biết đọc chữ rồi, thì học nữa làm gì? Ở nhà đi lượm rác còn kiếm được mười hay mười lăm ngàn.”

Cũng gần 10 giờ tối khi mọi người ai về “chòi” người đó, riêng tôi ở lại chòi bác Đ để có thể cảm nhận được đời sống trong rác. Vì tôi đã thông báo với họ và chỉ có phát quần áo thôi, chứ không có tiền. Ngay cả bác Đ cũng không biết tôi có tiền. Tôi dự tính là sẽ phát tiền cho họ sáng hôm sau trước khi tôi đi và như thế sẽ không… bị đánh! Đang yên giấc thì bác Đ lay tôi dậy, giọng rất nhỏ nhưng đầy lo lắng:

- Cha ơi (vì tôi đã nói cho riêng bác biết tôi là một Linh Mục) chết rồi cha ơi, tụi quản lý bãi rác nó tới.

- Bác có đường nào trốn không?

- Không có cha ơi, chỉ có con đường duy nhất là con đường mình vô hồi chiều thôi.

Nghe tới đó tôi lo lắm, nhưng lấy lại hết bình tĩnh an ủi bác, trong đầu suy nghĩ tìm đường thoát thân. Bên ngoài tiếng la hét, tiếng chân người vang cả một góc bãi rác. Nhìn ra ngoài giữa bầu trời đen kịt, giữa muôn trùng của… rác. Thấy mình đã bị bao vây bởi hàng chục người. Trong tay họ lăm lăm dao, búa, cây, gậy gộc và đá. Thôi rồi, tôi thở dài lần này họ không đánh cho… sợ như những lần trước mà là đánh cho… CHẾT, cho khỏi ai biết tôi ở phương trời nào. Tôi nghĩ mình sẽ chết, đọc nhanh một kinh ăn năn tội mà đọc bằng tiếng Anh cho ngắn gọn, và tôi nói với Chúa: “ Lord forgive me all my sins. I am ready to go home with you.” (Lạy Chúa xin tha thứ tội con đã phạm và con sẵn sàng ra về với Chúa.) Tôi quay lại, nói nhỏ vào tai bác Đ phương án của mình và dặn:

- Khi con chạy, bác hô hào mấy người cản đường cho con chạy nhé!

- Cha đừng lo, tụi con sẽ sống chết để bảo vệ cha. Bác trả lời

- Không, con không có muốn bác đánh nhau với họ đâu, chỉ xin bác và mấy người cản chân họ một chút là con thoát mà.

Tôi móc trong gần 10 cái túi quần ra mấy xấp tiền, đưa cho bác một xấp loại 50 ngàn, nhờ bác lì xì đều cho mỗi gia đình. Riêng tôi cầm một xấp tiền mỗi tờ mệnh giá 20,000 (hai mươi ngàn) polyme mới tinh. Thò đầu ra khỏi chòi. Vừa thấy tôi, bọn quản lý la lên “A! nó đây rồi!” và soi đèn pin chạy về hướng tôi đang đứng.

Giữa cơn gió lộng tôi dùng hết sức mình quăng xấp tiền polyme tôi đang cầm trong tay lên trời - Tiền bay khắp nơi và tôi chạy! Tôi chạy bán sống bán chết, nghe sau lưng tiếng la ó truy đuổi, và tiếng bác Đ kêu mọi người cản đường.

“Tưởng rằng sẽ … chết” mà cái đêm đó tôi không bị sao cả. Với tài chặn đường của bác Đ và các người khác, và cũng với tính ham tiền của các anh quản lý bãi rác nên chẳng có ai thèm đuổi theo tôi, mà có đuổi cũng chỉ vài bước rồi quay lại để lượm tiền (vì sợ người khác lượm hết.) http://www.hayyeuthuongnhau.org/Images/tc3.jpg Chỉ có điều tôi không còn một xu dính túi, để gọi điện thoại hay đi xe về Sài Gòn. Cuối cùng đợi đến sáng tôi cũng thuyết phục được một chú chạy Honda ôm chở tôi về Sài Gòn. Vì với chân không đi dép, quần short và áo thun tôi đã không thuyết phục được bất cứ anh tài xế taxi nào chở tôi. Gần trưa tôi về đến Sài Gòn sau hơn 5 tiếng ngồi Honda, nhức mỏi nhưng hạnh phúc!

Chút Suy Tư:

Để bắt đầu những dòng suy tư cho tiểu khúc này tôi nhưng xin trích một phần bài chia sẻ của một người bạn đã một lần ghé qua Sâm Bua để gởi đến qúy độc giả.

“Thưa bố và các DOJ thân mến, Tết âm lịch vừa rồi (tết năm 2006, tức là trước khi tôi đi một năm – Cha Thông) con có xuống bãi rác Sâm Bua ở Trà Vinh. Nhìn thấy tình cảnh các em sống trên bãi rác, con và Linh đã cất bước chân đi thẳng vào sâu. Khi vào tận cùng bãi rác con mới chỉ một túp lều rách nát và nói với Linh: "Ngày xưa Chúa Giê-su đã sinh ra ở đây". Kể từ hôm đó, trong đầu con luôn có hình ảnh của những đứa trẻ sống trên bãi rác đó. Khi về lại Sài Gòn, con mới mang tâm tình đó kể lại với DOJ BM, DOJ BY, DOJ TY, DOJH…. Nhờ ơn Chúa, sau ba tháng chuẩn bị, hôm nay các DOJ có được một chuyến “ra khơi” đầu tiên của nhóm”.

Vâng đúng thế, “ngày xưa Chúa Giêsu đã sinh ra ở đây” cho nên đến hôm nay cho dù giữa bao khó khăn cả về thể xác lẫn tinh thần, con người sống ở đây vẫn còn YÊU Chúa và thương các linh mục của Chuá nhiều lắm. Họ vẫn tin và sống với cả lòng nhiệt huyết của “hãy yêu như Giêsu đã yêu.” Họ đã dám can đảm chống lại nhóm quản lý để bảo vệ tôi (nếu cần). Vâng cứ tưởng rằng tôi đến với họ là để “cho họ” nhưng thật ra tôi nhận được nhiều hơn cái tôi cho đi. Tôi nhận được những gì thế giới hôm nay ít ai dám cho đi “Tình yêu không vị lợi!” Cám ơn bác Đ, cám ơn những anh chị em và cám ơn các em sống trong NÚI rác Sâm Bua. Riêng với các em, anh Thông sẽ tiếp tục dâng lên Chúa những “giấc mơ” của các em, và tin rằng một ngày nào đó nó sẻ trở thành sự thật.

Sau đây tôi xin gởi đến qúy độc giả một vài chia sẻ của một số bạn bè sau khi đi Sâm Bua. Cũng xin nhắc lại, nhóm bạn này không đi với tôi mà họ đã đi trước tôi, và họ đã giới thiệu Sâm Bua với tôi. Chính vì thế, vị mục tử mà họ nhắc tớì trong các bài chia sẻ không phải là tôi mà là một Linh Mục nào đó ở Việt Nam.
(LM Martino Nguyễn Bá Thông)



Bước Ngài

(thương tặng Bố)

Giống nhu hạt lúa mì rơi xuống đất
Xin cho con biết chết đi phận mình
Để đời con được trở thành nhân chứng
Như nắm men ủ giữa đống bột mì…

Từ xa đã ngửi thấy mùi hôi bốc ra từ bãi rác Sâm Bua, bãi rác lớn nhất ở Trà Vinh. Lối vào bãi rác cũng là lối duy nhất để đi ra. Ở đây, rác được dựng cao hai bên tạo nên hai bức tường thành cao ngất. Ở giữa là lối mòn chạy thẳng đến cuối bãi rác, và cũng được chặn lại bằng một bức tường rác khá cao. Bước chân vào bãi rác, bạn sẽ được đón chào bằng những tiếng vo ve của lũ ruồi nhặng bay xung quanh, nhu muốn dò hỏi xem bạn là người quen hay người lạ…

Giữa nơi rác rưởi dơ dáy đó, có một bông hoa thật đẹp. Đó chính là hình ảnh của một mục tử… Người đã bước vào bãi rác với đôi chân không ủng, gương mặt không mang khẩu trang. Người cùng hít thở chung một bầu không khí ô uế, đặc sệt ruồi và khói bụi với những người dân, những đứa trẻ đang phải sống và làm việc ở đây. Người đã hòa mình vào môi trường ô nhiễm với những mầm mống bệnh tật, những kim tiêm đinh rỉ ẩn mình trong bãi rác. Người trở nên giống những con người ở đây khi bước vào bãi rác với họ…

Đã có một Giêsu như thế… Ngày xưa Chúa Giêsu xuống thế gian để cùng chia sẻ kiếp sống con người, vì Ngài yêu thương nhân loại. Ngài đã đi giữa tội lỗi của nhân loại. Ngài muốn đến đem yêu thương, muốn giúp con người thoát khỏi bùn nhơ của tội lỗi… Và nay có một mục tử của Ngài đến với người dân trên bãi rác, vì người yêu thương họ Người muốn giúp họ thoát khỏi nơi dơ dáy đó… Bóng người mục tử bước đi giữa bãi rác hôm nay giống như Chúa Giêsu lặng lẽ đi giữa tội lỗi của con Người năm xưa…

Đã có một tình yêu như thế… Giêsu đã yêu nhân loại đến quên thân phận mình, yêu đến mức Ngài đã hy sinh, đã hoà mình vào giữa thế gian “để phục vụ chứ không phải để được phục vụ”… và nay có một vị mục tử của Ngài cũng theo dấu chân Ngài phục vụ như thế… Qua hình ảnh vị mục tử giữa bãi rác, người ta có thể nhận ra hình ảnh của một Giêsu như hạt lúa mì rơi xuống đất để tình yêu của Ngài đơm hoa kết quả, không bao giờ vơi cạn…

Lời nguyện:

Giêsu ơi! Dậy con bước theo Ngài
Như ngày xưa Chúa đã gắng lê chân
Biết chiến đấu hiên ngang không gục ngã
Trong đau thương vẫn vững bước kiên cường…

Lạy Chúa! Xin Chúa gìn giữ và giúp sức cho các linh mục, tu sĩ, những người đã được Chúa tuyển chọn kỹ lưỡng trong vườn nho của Chúa. Xin Chúa giúp các Ngài hoàn thành sứ vụ cao cả của mình trông coi, dẫn dắt đoàn chiên của Chúa. Chúa đã sai các Ngài đi làm chứng tá cho Chúa giữa đời, xin Chúa giúp các Ngài trung kiên đến cùng trong sứ vụ được trao phó. http://www.hayyeuthuongnhau.org/Images/tc4.jpg Xin cho các Ngài nên giống hạt lúa mì rơi xuống đất, biết chết đi chính mình, để cánh đồng nước Chúa được được rộng mở. Xin Chúa ban cho các Ngài được tràn đầy Thánh Thần để các Ngài có khả năng dẫn dắt đoàn chiên của Chúa trên con đường tiến về nha Cha.… Amen

Thiên Chúa Đã Sai Chúng Tôi Đến Với Họ.

Chuyến xe đi từ thành phố Hồ Chí Minh đến Trà Vinh được khởi hành lúc 2 giờ sáng ngày 1/4/2006... Nhóm chúng tôi gồm tám người, ai nấy đều hân hoan và nôn nóng muốn đến Trà Vinh thật mau. Trên xe tràn ngập tiếng ca tôn vinh Chúa. Chuyến đi Trà Vinh lần này, chúng tôi đã có rất nhiều cố gắng và chuẩn bi trước 3 tháng, ai trong chúng tôi cũng mong muốn đến để được chia sẻ, đến đễ được xoa dịu nổi đau, mặc cảm của những người làm việc tại bãi rác lớn nhất của Trà Vinh, bãi Rác Sâm Bua.

Đã từ lâu, tôi thường ấp ủ và khao khát một mơ ước đó là được giúp đỡ những người kém may mắn, những người thật sự cần được giúp đỡ. Có lẽ Chúa biết được ưu tư của tôi, và Ngài đã chọn tôi, dẫn dắt tôi đến và được đi chuyến đi này. Xe vượt nhiều chặng và cuối cùng cũng đến được nơi chúng tôi muốn đến. Trước mắt chúng tôi là một bãi rác rất to. Ở cách xa khoảng 100 mét tôi đã ngửi được mùi rác. Chúng tôi mang ủng, khẩu trang rồi bước vào bãi rác. Tuy đã đeo khẩu trang, nhưng một mùi thật hôi thối bốc lên thật là khó chịu. Vừa bước vào đó, tôi hơi ớn lạnh khi thấy một số người chân không đi dép, cả khẩu trang cũng không có. Họ sống trên bãi rác này từ rất lâu và cũng đã quen với các mùi khó chịu này, mũi của họ cũng đã mất cảm giác. Vì miếng cơm manh áo hằng ngày, họ phải chịu sống trong một môi trường rất dơ bẩn. Các em thiếu nhi cũng vì theo cha mẹ đi nhặt rác để lo cho mình miếng cơm hằng ngày mà không được đến trường, một chữ bẻ đôi cũng không biết.

Các em mang đầy mặc cảm vì thân phận rác rưởi của mình, các em sợ bạn bè xa lánh, sợ những ánh mắt nhìn xoi mói, khinh khi. Tôi gặp một em gái, tuổi khoảng 18, tôi đến và hỏi chuyện: “Em làm ở bãi rác mỗi ngày được bao nhiêu?” Em trả lời:” Được 10 ngàn đến 20 ngàn một ngày”. Tôi hỏi tiếp “ Em có được đi học không, em có biết chữ không?” Em nói “ Dạ không, vì mỗi ngày phải đi làm kiếm tiền, nên không có thời gian, và cũng không có tiền đi học”. Khi em trả lời, tôi vô tình bắt được ánh mắt buồn bã và đầy mặc cảm của em.

Chúng tôi tỏa ra đi hết bãi rác. Tôi rùng mình khi mỗi bước tôi đi là một đàn ruồi đen nghịt túa bay lên như pháo bông, thật kinh khủng, ruồi nhiều đến nỗi tôi cũng có thể nghe được tiếng kêu của chúng. Tôi muốn ngợp vì mùi hôi của rác, thế mà họ, những người sống và làm việc trong đó ngày đêm, đã không còn cảm nhận được sự hối thối. Nói đúng hơn, họ đã biến thành một con vật dơ dáy và bẩn thỉu.

Chúng tôi đến với họ, mong muốn đem đến cho họ một niềm vui bé nhỏ. Hy vọng những cố gắng nhỏ nhoi của chúng tôi có thể xoa dịu nổi đau của họ. Sau khi đi hết bãi rác, chúng tôi bước ra ngoài, nhưng mùi rác vẫn còn bám trên quần áo. Sau chuyến đi, tôi có nhiều kỷ niệm về bãi rác này. Những ưu tư của tôi lại càng thúc đẩy tôi phải cố gắng hơn nữa, để làm sao đến được với người kém may mắn, giúp họ có được một vòng tay yêu thương, để họ cảm nhận được sự ám áp của tình yêu mà Thiên Chúa đã sai chúng tôi mang đến cho họ.

“Con xin là nhân chứng đem tin mừng đi khắp trần gian,
Con xin là tình yêu dem niềm tin đến cho mọi người.
Cõi thế gian đầy oán ghét, con nguyện đem đến bình an,
Ðến với người đang nguy nan con nguyện cứu giúp chân tình,
Vì lời Chúa đã dạy con yêu thương, Vì lời Chúa đã làm con yêu thuong.
Ngài dạy con yêu nguười yêu chúa. ở cùng chúa cõi lòng con an vui,
ở cùng chúa cõi lòng không chơi vơi, trọn niềm tin chứng nhân cho đời”

D.O.J.M

Triết Lý Sống Của … Giêsu!

Đêm thứ 6

Tất cả 8 người chúng tôi chuẩn bị tinh thần để bắt đầu một chuyến dự báo nhiều khó khăn. Tin từ dưới Trà Vinh đưa lên, chúng tôi không được vào bãi rác. Để chuẩn bị tinh thần cho chuyến đi, chúng tôi đã tham dự thánh lễ chuẩn bị cho cuộc “ra khơi”.

Thánh lễ diễn ra sốt sắng trong một nhà nguyện nhỏ, ấm cúng. Bài giảng của Cha chủ tế như lời kêu gọi chúng tôi lên đường đến với những người anh em nghèo khổ chính là đến với Chúa Giêsu: “Ai đến với những người anh em bé nhỏ nhất chính là đến với Ta”. Chúng tôi muốn tìm thấy nơi những người nghèo sống ở bãi rác hình ảnh Con Thiên Chúa xuống thế làm người.

1h sáng thứ bảy

Chiếc Mercesdes Benz 15 chỗ ngồi đã tới. Thật sự tôi rất ngạc nhiên khi tham gia từ thiện lại được đi trên một chiếc xe khá sang như thế. Sau này tôi mới được nghe DOJBY kể lại: “Một vị ân nhân đã biết đến chuyến đi này và đã giúp cho chúng tôi có được một chuyến xe tươm tất”. Sau chuyến đi DOJBY nói với tôi: “Dù phải đi trên xe đò, dù chỉ đến với những trẻ ở bãi rác bằng hai bàn tay trắng thì Bé vẫn đến với họ. Bé muốn chia sẻ với họ những khó khăn trong cuộc sống, muốn được cảm thông với nỗi khó khăn của họ”. Khá lâu rồi tôi mới cảm nhận được một “triết lý sống rất Giêsu”. Người nghèo tuy cần vật chất nhưng cái họ cần hơn chính là tấm lòng.

Những bao quần áo cũ, găng tay, nón, những đôi ủng mà nhóm đã chuẩn bị sẵn ở nhà được “cánh đàn ông” chất lên xe. Bố “tiếc rẻ”: “Giá như chất thêm được nữa để mang cho người sống ở bãi rác đó thì tốt biết bao”. Biết làm sao hơn, những nơi có thể nhét đồ đã được trưng dụng hết. Cả đoàn đành hài lòng với số đồ mang theo.

Chiếc xe chở 8 thành viên DOJ lăn bánh hướng thẳng về miền Tây. Đường phố Sài Gòn vắng lặng. Hai bên cầu Tham Lương mới xây, đèn rực sáng trông rất đẹp. Trời ban tối se lạnh. Bên trong xe, DOJ Bố xin Chúa chúc lành cho chuyến đi của chúng tôi. Sau lời chúc lành của DOJ Bố, DOJ BY, DOJ BM, DOJ TY và cả DOJ Bố thi nhau hát Thánh ca. DOJ Cố sau một hồi thinh lặng nghe thánh ca, cảm xúc dạt dào nổi lên, hắng giọng phát biểu với các DOJ nguyên nhân và ý nghĩa của chuyến đi:

“Thưa bố và các DOJ thân mến, Tết âm lịch vừa rồi con có xuống bãi rác Sâm Bua ở Trà Vinh. Nhìn thấy tình cảnh các em sống trên bãi rác, con và Linh đã cất bước chân đi thẳng vào sâu. Khi vào tận cùng bãi rác con mới chỉ một túp lều rách nát và nói với Linh: ‘Ngày xưa Chúa Giê-su đã sinh ra ở đây’. Kể từ hôm đó, trong đầu con luôn có hình ảnh của những đứa trẻ sống trên bãi rác đó. Khi về lại Sài Gòn, con mới mang tâm tình đó kể lại với DOJ BM, DOJ BY, DOJ TY, DOJH…. Nhờ ơn Chúa, sau ba tháng chuẩn bị, hôm nay các DOJ có được một chuyến “ra khơi” đầu tiên của nhóm”.

Sau một tràng pháo tay chào mừng lời phát biểu rất ấn tượng, cả đoàn lại tiếp tục cất cao những bài thánh ngợi khen, ca tụng Chúa. Sau mấy tiến ca hát, chúng tôi cố gắng ngủ để lấy sức chuẩn bị cho công việc ngày mai. Riêng DOJ BY, ngồi cạnh anh tài xế, vẫn thức, để…”tám” với anh tài xế, có lẽ vì sợ anh tài xế ngủ gục hihihihi.

4h30 sáng thứ bảy

Đường vắng, xe chạy nhanh nên chúng tôi đến Trà Vinh sớm hơn dự kiến. May nhờ có DOJ Bố nên chúng tôi tìm được chỗ nghỉ qua đêm ở một dòng nữ tu. Đi xa, mệt, chúng tôi chìm vào giấc ngủ sâu. Sáng sớm, chúng tôi được các dì khoản đãi một bữa điểm tâm với món hủ tiếu nam vang, café sữa, http://www.hayyeuthuongnhau.org/Images/tc1.jpg tráng miệng bằng bưởi và chuối. DOJ Cố dùng thêm phần của bác tài với lý do bác tài ngủ trên xe, để nguội bỏ… uổng, phụ lòng tốt các… dì. Trong lúc chúng tôi đang ăn sáng, chúng tôi nhận được một cú điện thoại thông báo: kế hoạch thay đổi vào giờ chót. Thay vì đến khu vui chơi Ao Vuông, thị xã Trà Vinh, để sinh hoạt tập thể với các em, xe sẽ chạy thẳng vào bãi rác tặng quà cho người lớn sau đó sẽ trở ra sinh hoạt tập thể với các em. Mọi việc có vẻ như thuận lợi hơn so với dự kiến.

8h sáng thứ bảy

Bãi rác Sâm Bua, nơi tập trung tất cả những gì mà người dân tỉnh Trà Vinh bỏ đi, sừng sững hiện ra trước mắt. Hai bên là hai bức tường rác. Thấp thoáng từ xa đã thấy bóng những cư dân bãi rác cặm cụi moi rác. DOJ Dân vội “chộp” lấy những bức ảnh từ đằng xa. Đối với nhiều người trong nhóm, đây có lẽ là lần đầu tiên được đặt chân vào bãi rác.

Theo đúng kế hoạch, chúng tôi chia làm 2 nhóm. Một nhóm ở bên ngoài tặng quà gồm ủng, găng tay, nón, khẩu trang cho những người lớn sống và làm việc ở bãi rác đó. Nhóm còn lại đi sâu vào bãi rác tìm hiểu đời sống, trò chuyện với những người đang làm việc và ghi lại những hình ảnh sinh động nơi đó.

Trước khi đi, DOJ Cố đã dặn dò kỹ lưỡng: nhớ mang theo ủng, trên xe còn phát thêm khẩu trang. Thế nhưng khi đến nơi, một chút máu liều nổi lên và cũng để cảm nhận được nỗi khổ của người dân sống tại bãi rác đó, một số trong chúng tôi cứ mang giày, mang sandal, mang dép mà vào. Mùa khô, trời không mưa, đường vào bãi rác không sình lầy lắm đến nỗi không đi được. DOJM và DOJBY cùng nhau bước vào khám phá, tìm hiểu và cảm nhận cuộc sống của những cư dân bãi rác. Đến tận những túp lều họ ở, leo lên hai tường thành rác, đi sâu cả trăm mét vào tận cùng của bãi rác. Khói rác bay mịt trời. Ruồi bám vào chân, vào tay, ruồi bay đầy trời.

Tôi cùng DOJ Bố trò chuyện, thăm hỏi những cư dân bãi rác. “Bác có khỏe không?”, “Mần ở đây lâu chưa?”, “Mần có đủ sống không?”… Họ, những cư dân bãi rác, trả lời thật chất phát, đơn sơ, mộc mạc: “Cũng khỏe ạ”, “Mần cũng lâu lắm rồi”, “Bữa đói, bữa no”. Có nhiều người mới vào đây làm, cũng có nhiều người làm ở đây cả chục năm trời. Bác Long, “trưởng lão” của bãi rác, hai tay bị cụt do chiến tranh, sống ở đây đã hơn mười mấy năm. Nhìn bác Long thật khó mà đoán biết được bác bao nhiêu tuổi. Da mặt nhăn nheo, giọng nói rõ ràng, trông có vẻ già trước tuổi. Hầu hết cư dân bãi rác, những người “bán mặt cho rác, bán lưng cho trời” đều như thế.

Bác Long kể: “Vợ đã mất, hai con, một trai, một gái cũng kiếm sống ở bãi rác. Tối đến, bác ngủ ngay tại túp lều được dựng tạm bợ trên bức tường rác”. Cả ngày bác ăn, ở làm việc đều ở đó. Các con của bác Long đều đã lập gia đình có gia đình cả rồi. Bác ngậm ngùi: “Con tui đang mần ở đây, chắc cháu tui sau này cũng thế”.

Bác Long kể với tôi về việc moi rác: Xe công ty chở rác đến, đổ vào bãi, thế là cả xóm rác bu vào bươi, moi, lượm tất cả những gì có thể bán được. Đồ đồng, đồ sắt bán có giá nhất, đồ nhựa cũng tốt, bao nylông thì bèo lắm. Mùa khô, mỗi ngày một người moi rác kiếm được từ 10.000 đến 20.000 đồng Việt Nam (khỏang 1-1.5 USD). Mùa mưa, cả bãi rác sình lầy, nhấc chân không nổi, việc moi rác cũng vì thế mà khó khăn hơn rất nhiều.

Mùa mưa, nước nhiều, ruồi muỗi sinh sản khỏe, chúng bay là là dưới mặt đất tạo thành tấm thảm muỗi dày, đen kịt. Dường như những cư dân bãi rác có một sức đề kháng mãnh liệt trước bệnh tật. Họ không bao giờ bước chân tới bệnh viện, đau bệnh để trời lo, sống chết cũng bởi trời. Chị Lê, con gái đầu lòng bác Long, trông khá xinh, có hai con. Chị mong có một ngày nào đó “đổi đời” bằng một công việc khác. “Không có tiền, cũng chẳng biết làm gì, tới đâu hay tới đó”, Lê nhoẻn miệng cười khi tôi hỏi sao không tìm một việc gì khác để làm? Một nụ cười thật vô tư, nhưng đằng sau nó là cả một kiếp người.

Thỉnh thoảng, khoảng ba bốn tháng, có khi lâu hơn có những đoàn thiện nguyện đến cho họ quần áo, gạo, lương thực. Chính quyền địa phương dường như cũng bất lực, để mặc họ kiếm sống trên rác. Bác Long bảo: “Lâu lâu mấy ổng có xuống bắt về nhà, bảo là làm ở đây rất mất vệ sinh”.

Nắng cũng đã lên cao, tôi hướng máy ảnh chụp vội những cư dân bãi rác. Có người nhoẻn miệng cười rất tươi, có người vội lấy nón lá che mặt, có người vội quay lưng đi. Tạm biệt những người lớn, chúng tôi lên xe đến khu vui chơi Ao Vuông, thị xã Trà Vinh để sinh hoạt tập thể với các em kiếm sống trên bãi rác đó.

Có những mảnh đời bên bãi rác
Trời cao thương khóc giọt mưa ngâu.

Đó là hai câu thơ mà một người bạn tôi đã làm khi nghe kể về những kiếp người trên bãi rác.

LM Martinô Nguyễn Bá Thông
www.hayyeuthuongnhau.org