PDA

View Full Version : Một Chuyến Đi - Kỳ VII - Người Phu Quét Rác



Damsan
01-01-2009, 04:23 PM
Bottom Line: Chị làm nghề này đã được 30 năm, từ ngày “giải phóng.” 30 năm quét rác, chưa có một người qua đường nào nói với chị một điều tốt lành, chứ đừng nói tới việc họ cám ơn chị. Họ nhìn chị với một con mắt khinh khi và ghê ghét. Chị đâu phải là người thất học. Năm giải phóng thì chị đang chuẩn bị thi tú tài toàn. Một tương lai đang mở ra trước mắt chị ****************************

(Câu chuyện người quét rác)

Cứ tối đến là Sài Gòn se se lạnh, cái lạnh nhẹ nhàng của mùa xuân cũng không làm cho một số người mát hơn chút nào. Mồ hôi họ vẫn chảy, tuy vậy họ vẫn bịt kín từ trên xuống dưới, ngay cả chân tay họ cũng không có chỗ nào hở.

Họ là ai? Thưa họ là những Người Phu Quét Rác. Họ che kín thân người, chắc là để cho cát bụi không bám vào các lỗ chân lông lúc nào cũng “rộng mở” cho mồ hôi chảy ra; họ bịt kín mặt mũi là để cho bụi đất, bụi đời, và bụi thời gian không thể len lỏi vào bên trong thân xác và cuộc sống của họ được; và cũng có thể để cho những kẻ qua đường, như chúng ta, không nhận ra họ là ai.

Nhưng cuộc sống của họ giống cuộc sống Linh Mục của tôi một điểm (theo ý của riêng tôi – không phải là ý kiến chung của các Linh Mục) đó là: dẫu biết rằng hôm nay có quét sạch bụi đời, thì ngày mai mình cũng phải quét lại; dẫu có làm sạch bây giờ thì trong giây lát sẽ có người làm dơ bẩn. Nhưng mặc kệ, ai xả cứ xả, còn chúng tôi quét dọn vẫn cứ quét dọn! Họ dọn sạch đường cho tôi và bạn đi! Tôi dọn sạch tâm hồn cho bạn thênh thang!!! Tuy vậy giữa hai cuộc sống tưởng chừng như khá giống nhau đó, lại có một điều vô cùng khác nhau: Tôi được tôn trọng (ít ra cũng được người khác gọi bằng cha), còn họ bị người khác nhìn khinh khi. Cho nên tối hôm nay trước khi đi tìm trẻ bụi đời, tôi tìm đến họ.

Tôi bao một chiếc honda ôm cho 2 tiếng đồng hồ với giá 150 ngàn đồng và lên đường tìm những người phu quét rác. Cứ gặp ai thì tôi bảo anh lái xe Honda dừng lại, tôi đến cạnh họ, nói chuyện và chúc mừng năm mới rồi lì xì cho họ 50 ngàn đồng.

- Chào chị!

Tôi tiến lại và nói to để chị có thể nghe. Chị dừng đôi tay đang thoăn thoắt đưa cái chổi trên mặt đường nhìn tôi có ý thăm dò nhưng không nói gì. Tôi liền nhắc lại vẫn một câu nói đã thuộc nằm lòng từ nãy tới giờ, và đã được lặp đi lặp lại cho bao nhiêu người:

- Em cám ơn chị đã dọn sạch đường phố cho mọi người trong những ngày giáp tết. Cám ơn chị vẫn âm thầm làm việc không kể nắng mưa. Em muốn tặng chị một chút quà để thay lời cám ơn.

Vừa nói tôi tôi vừa đưa cho chị một cái phong bì trong đó có 50 ngàn.

- Cám ơn em, chị cầm lấy và nói.

- Cám ơn chị, chúc chị một năm mới bình an trong tâm hồn và xin Thiên Chúa chúc lành cho chị!

Nói xong tôi lên xe Honda tính tiếp tục lên đường. Xe vừa chồm bánh thì tôi nghe tiếng chị gọi.

- Em ơi, em ơi, cho chị hỏi cái.

- Dạ chị gọi em.

Tôi trả lời, bảo anh tài xế dừng xe rồi bước xuống xe quay lại bên chị.

- Em có phải là người Công Giáo không?

- Dạ phải.

Nghe tới đó chị từ từ gỡ đôi găng tay, gỡ cái mũ, gỡ khẩu trang và tôi nhìn thấy nước mắt chị đang rơi trên khuôn mặt mà có lẽ tôi phải gọi là cô mới đúng. Chị nói:

- Chị làm nghề này đã được 30 năm, từ ngày “giải phóng.” 30 năm quét rác, chưa có một người qua đường nào nói với chị một điều tốt lành, chứ đừng nói tới việc họ cám ơn chị. Họ nhìn chị với một con mắt khinh khi và ghê ghét. Chị đâu phải là người thất học. Năm giải phóng thì chị đang chuẩn bị thi tú tài toàn. Một tương lai đang mở ra trước mắt chị…

Nói tới đó chị dừng lại đưa bàn tay đầy bụi bặm lên lau nước mắt. Thấy vậy tôi vội móc túi lấy cái khăn mùi xoa đưa cho chị. Chị cầm lấy cám ơn tôi lau nước mắt rồi nói tiếp.

- Nhưng thế thời thay đổi và chị đã trở thành người phu quét rác 30 năm nay. Chị đã nhận được bao nhiêu lời chế diễu, bao nhiêu lời xúc phạm và bao nhiêu lời có thể nói là chửi mắng từ những đứa trẻ choai choai chỉ đáng tuổi làm con của chị. Có những lúc vô tình, hay cũng có thể là bụi nhiều quá, nên khi chị quét rác thì bụi bay mịt mù nên những người chạy xe qua đường nhìn chị xỉa xói hay nói những câu đại loại như “Quét nhẹ tay một chút” hay “Đui sao không thấy bụi bay ngất trời.”

Chị nói như trút bầu tâm sự với một người mà tưởng chừng đã thân quen. Tự dưng tôi cảm nhận được cái cảm giác mà những ngày đầu tiên qua Mỹ khi không biết một chữ tiếng anh mà đi đâu gặp một người biết nói tiếng Việt thì mừng lắm. Cứ bám chặt vào nói chuyện như đã quen biết từ lâu. Có thể chị chưa tìm được “người công giáo” nào để chia sẻ nên giờ có tôi chị như bắt phải cái phao. Thế là tôi dìu chị vào lề đường, tôi ra hiệu cho anh chạy Honda đi về trước và tôi ngồi xuống bên chị. Chi lại lau nước mắt kể tiếp:

- Chị cũng người công giáo! Nhiều khi chị đi làm về là sáng, chạy vội vào đi lễ không kịp tắm rửa, chị biết là chị không thơm tho nên đâu dám vào trong nhà thờ chỉ dám đứng xa xa, vậy mà cũng không ai dám đứng gần chị. Họ có lỡ đến gần rồi họ cũng bỏ đi. Thôi kệ chị đến với Chúa mà, nếu không thì chị mất Lễ Chủ Nhật. Nhưng chị khổ nhất là chị không dám xếp hàng lên rước Chúa vì những người chung quanh chê chị hôi...

http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/images/stories/chuyencothat/nguoiphuquetrac1.jpgChị nói tới đây thì tôi cầm lấy tay chị mà nước mắt bắt đầu rơi. Tôi khóc vì hạnh phúc với niềm tin quá ư là lớn lao của chị. Và tôi cũng khóc cho niềm tin mỏng giòn của tôi chưa dám đặt Thiên Chúa lên hàng đầu. Và tôi cũng khóc cho các bạn nữa, thật đấy. Tôi khóc vì chúng ta đang sống trong một thế giới tự do và đầy đủ nhưng lại có những lý do để từ chối đến với Chúa ngày Chủ Nhật… Ôi tôi thật thấy hổ thẹn với lòng mình, với chị và với Chúa.

- Sao em khóc vậy?

Chị kéo tôi về với thực tại

- Em không sao. Em chỉ phục Đức Tin quá lớn lao của chị vào Thiên Chúa, trong khi đó em được Chúa ban cho rất nhiều mà không tin được như chị. Em thấy mắc cỡ thôi.

- Mỗi người có một hoàn cảnh em à. (Chị an ủi tôi). Niềm tin của chị càng vững hơn khi người khác càng khinh khi chị - vì chị biết Chúa yêu thương chị nhiều lắm khi nhìn thấy người ta khinh con của Chuá như vậy.

Chị dứt lời thì tim tôi đau nhói. Không phải bởi vì cái bệnh tim của tôi mà vì chị đã dạy tôi một bài học thật đến không thể thật hơn được nữa. Tôi quyết định thú nhận với chị.

- Chị có tin không? Em là một Linh Mục đó!

- Cha… Cha… Cha… Chị nấc lên từng tiếng trong ngỡ ngàng và nghẹn ngào. Con xin lỗi cha, con không biết Cha là Cha. Cha tha lỗi cho con.

Vừa nói chị vừa qùy xuống như van nài tôi.

- Không có gì đâu chị. Em phải xin lỗi chị mới đúng chứ!

Vừa nói tôi đỡ chị trở lại vị trí ngồi bên tôi và chúng tôi ôm nhau khóc. Vâng, chị khóc và tôi cũng khóc. Chúng tôi khóc giữa lòng đời mặc cho bao người qua lại soi mói. Khóc cho nỗi đau khổ của cuộc đời, những trớ trêu của nó, và cho cả hai thân phận lẻ loi trong những đêm cận tết. Nhưng có cuối cùng cũng phải xác nhận là chị khóc là bởi vì chị đang hạnh phúc. Chị hạnh phúc vì chị cảm thấy có người hiểu được và cám ơn công việc quét rác của chị, và chị cảm thấy được yêu thương, một tình thương không vụ lợi. Còn tôi khóc vì… tôi khóc và cảm thấy xấu hổ. Đơn giản thế thôi, không thể giải thích được, mà tôi nghĩ là cảm xúc dâng ngập con tim nhỏ bé và tràn ra trên khoé mắt.

Chút Suy Tư:

Nhà thơ Nghiêm Xuân Cường có viết để diễn tả những giọt nước mắt rơi của hai kiếp người trong tác phẩm “Vô cớ lệ rơi” như sau:

Vì đâu mắt lệ chứa chan
Một màn sương bỗng giăng ngang giữa trời
Kiếp người - cũng một kiếp người
Mẹ ơi sao có người cười, kẻ đau
Một phương nắng đẹp muôn mầu
Một phương cô quạnh u sầu nát tim
Nơi đây gió lặng trời êm
Mà sao chốn ấy đạn bom hãi hùng
Bể dâu, dâu bể chập chùng
Mẹ ơi nghĩ đến mà lòng xót xa
Xót cho nguời, xót cho ta
Trăm năm một kiếp, nở hoa mấy mùa.

Vâng Chúa ơi, cũng một kiếp người mà sao “có người gục ngã đau thương” nhưng lại có niềm tin vào Chúa như thế. Trong khi đó trong xã hội Mỹ chúng con đang sống thì cũng một kiếp người mà sao “có người hạnh phúc hân hoan” nhưng tâm hồm họ thì đã xa Chúa lắm rồi. Xin cho con và cho những kiếp người đã được Chúa chúc lành nhiều hơn những kiếp người khác biết chia sẻ những gì Chúa đã ban cho chúng con với những kiếp người không may mắn bằng chúng con và nhất là cho chúng con biết xây dựng ngôi nhà của chúng con trên nền tảng vững chắc là niềm tin vào Chúa bằng cách sống niềm tin đó trong đời sống hàng ngày.“ Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát.” (Mt 7:24, 26)

LM Martinô Nguyễn Bá Thông
www.hayyeuthuongnhau.org