PDA

View Full Version : TƯƠNG QUAN NAM NỮ TRONG ĐỜI TU



Masafot
02-01-2009, 03:38 PM
Sống trên đời là bước đi trên một hành trình, và trong cuộc hành trình ấy mỗi chúng ta đều cần có một (những) bạn đồng hành để lắng nghe, chia sẻ và cảm thông, nhờđó đường đi bớt dài và mình có những bước chân vui tươi phấn khởi. Đời thường như vậy thì chắc hẳn đời tu cũng không thoát ra khỏi quỹđạo ấy. Bởi vì, đi tu (đi đạo) là bước vào “một cuộc tình” với một “người tình không chân dung”, là dấn bước vào một hành trình phiêu lưu mạo hiểm đầy bất trắc rủi ro. Trong cuộc lữ hành này, ta cảm thấy tâm hồn thanh thoát vui tươi, bàn chân nhẹ bước, và “người tình” của ta là Thiên Chúa, là Chúa Kitô như thể sờ thấy được. Song cũng có lắm khi lòng ta nặng trĩu, tâm hồn cô đơn trống vắng, bàn chân nặng nề lê bước, thập giá như nặng hơn ghì xuống đôi vai gầy yếu ớt, và nhất là Thiên Chúa xem ra như hoàn toàn khuất dạng. Đường đi tăm tối mịt mù, mây mưa giăng lối, ta mất phương hướng. Lúc này đây ta cần một người bạn đồng hành như người lữ hành trên đường Emmaus để lắng nghe, để cảm thông, chia sẻ và cầm tay ta nâng dậy khi ta đã ngã gục và buông xuôi. Nói cách khác, khi bóng Chúa xa xôi mù khuất, ta rơi vào thất vọng, chán nản, buông xuôi và muốn bỏ cuộc. Nhưng nhìn sang người anh chị em, người bạn của mình và thấy họ vui tươi thánh thiện, hăng say bước đi trong ơn gọi, ta sẽ dần dần lấy lại được nghị lực và sức mạnh đểđứng dậy tiếp tục hành trình, nhất là khi người anh chị em đó lại là một người mà ta thân quen, gần gũi và đủ tin tưởng để bộc bạch tâm tư buồn vui thì thật hạnh phúc cho ta biết bao. Do đó, ngoài những mối liên hệ với người đồng giới, thiết tưởng ta cũng nên suy nghĩ một chút về những mối liên hệ với người khác giới để thấy được là ta có nên có hay không những mối liên hệ này. Hoặc nếu đã có những liên hệđó rồi thì đây là cơ hội để ta duyệt xét lại xem mối liên hệ của mình đang ở cung bậc nào, có phù hợp không và ích lợi của chúng ra sao.
Trong một thời đại mà xu thế tục hoá đang ngày càng thắng thế thì việc xác định cẩn thận để có một quan hệ trong sáng với người khác giới là điều cần thiết, nhờđó chúng ta có thểđứng vững và thăng tiến trong đời tu. Mặt khác, các mối quan hệ bố-con, anh-em linh tông hay anh-em kết nghĩa xem ra đang ngày càng có xu hướng gia tăng như là một sự phản ứng lại quan niệm “nam nữ thụ thụ bất thân” trước kia. Không thể phủ nhận những lợi ích trong hoạt động tông đồ cũng như sự trưởng thành nhân cách và tâm linh mà những mối liên hệđó đem lại trong đời tu. Song bên cạnh đó không phải không có những lạm dụng và coi đó như là cách thếđể tìm kiếm sự “bù trừ” nào đó mà ngay cả những người trong cuộc cũng vô tình không nhận ra.
Tìm hiểu vấn đề này sẽ dẫn chúng ta đến một loạt các câu hỏi: Chúng ta đã và đang có quan hệ nào với người khác giới? Đâu là chỗđứng của mối liên hệ với người khác giới trong cuộc đời chúng ta? Chúng ta sống đời độc thân như thế nào, với niềm vui thanh thoát hay ức chế nặng nề? Suy nghĩ về mối quan hệ của mình với người khác giới là nỗ lực tìm hiểu về cách thức hiện nay cũng như trong quá khứ mà chúng ta dấn bước trong đời tu. Đồng thời những suy nghĩ này cũng giúp chúng ta khám phá những giới hạn và những mập mờ trong những chọn lựa đã qua của mình.
Là người bình thường, ai trong chúng ta cũng có thể phải trải qua kinh nghiệm về một sự mâu thuẫn giằng xé trong tâm hồn: một đàng chúng ta tha thiết sống đời tu, muốn bước theo Chúa Kitô cách trọn vẹn; đàng khác, tình yêu hôn nhân với một gia đình nhỏ bé đôi khi xem ra đầy hứa hẹn và hấp dẫn trong tương lai. Giữa hai thái cực ấy, nhiều khi chúng ta chọn một con đường thứ ba nhằm đáp ứng phần nào cả hai thái cực ấy, đó là con đường xây dựng một mối quan hệ gắn bó thân mật với một người khác giới.
Trong đời tu có hai thái độ thường xuyên rình rập chúng ta: Thái độ thứ nhất là việc kéo dài những cuộc cấm kỵ, trốn tránh mà trước đây thường có trong các chủng viện, tập viện: lúc ấy người ứng sinh cố không cảm nhận một mối xúc động tình cảm nào cũng như cố gắng giữ một khoảng cách tối đa khi một mối quan hệ với người khác phái trở nên cần thiết. Thái độ thứ hai rất phổ biến ngày nay và hầu như đi ngược lại thái độ trên: nhiều người nghĩ rằng mối quan hệ yêu thương với một người khác giới là con đường gần như bắt buộc để có thể triển nở trong đời sống độc thân, và mối liên hệ này xem ra không có sự nguy hiểm nào cả. Họ lý luận rằng có như vậy mới tìm được sự quân bình tâm sinh lý! Thật ra, thái quá trong việc trốn tránh cũng như thái quá trong sự ngây thơ là hai tảng đá ngầm cần tránh. Dựa vào kinh nghiệm của lớp người đi trước, các linh mục, chủng sinh, nữ tu, đệ tử, chúng ta có thể quả quyết lời khuyên trên đây hoàn toàn có ích.
Như đã nói ở trên, những mối liên hệ thân tình giữa những người khác giới cũng đem lại những hữu ích trong hoạt động tông đồ cũng như sự trưởng thành nhân cách và tâm linh cho chính các đương sự nếu họ nỗ lực xây dựng một quan hệ chân thành và trong sáng. Đó là một quan hệđược ưu đãi, nghĩa là một mối liên hệ tình cảm được xây dựng trên các mối thiện cảm tự nhiên mà mỗi người có về nhau. Mối liên hệ này đưa đến một sự hiệp thông sâu xa trong lãnh vực tư tưởng cũng như lãnh vực tình cảm và được diễn tả ra bằng một sự tín nhiệm và tương trợ lẫn nhau thực sự.
Trong một mối liên hệ như thế, người kia là đối tượng chú ý, là niềm vui đặc biệt và đối tượng quan tâm của người này. Đồng thời, cả hai người trong một mối liên hệ như thếđều cảm thấy sức mạnh của ước muốn giới tính luôn luôn có mặt mặc dù nó đã được chế ngự. Đôi khi họ không ngần ngại nói với nhau về quan hệ yêu thương đó theo ý nghĩa rằng: một mối liên hệ như thế có những nét giống với tình yêu hôn nhân dù không lẫn lộn với nó. Những mối liên hệ có đặc tính như thế không nhiều lắm trong cuộc đời của một người. Song những điều kiện xã hội của cuộc sống ứng sinh có thể đưa người đó đến một mối liên hệ tình cảm như thế phát sinh. Do đó, suy nghĩ về những điều kiện thành công của ứng sinh là rất quan trọng, bởi vì một mối liên hệ như thể có thể giúp người đó thành công trong đời sống nhân bản cũng như đời tu. Kinh nghiệm của một số vị thánh đã chứng minh điều đó, như Thánh Gioan Thánh Giá và Jeanne de Chantal, Thánh Phanxico Assisi và Thánh Clara,… Tuy nhiên điều kiện xã hội ngày nay khác xa với ngày xưa. Phải nói đến những điều kiện này bởi vì một thành công như thế không thể tự nhiên phát sinh, mà luôn luôn đòi hỏi một sự khổ chế nào đó, và trong một số trường hợp, phải trải qua một cuộc chiến đấu rất cam go.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy những mối liên hệ yêu thương thân thiết cũng như mọi thực tại khác của con người đều hàm chứa những mập mờ, rõ ràng nhất là khi chúng trở thành những triệu chứng và cơ hội của sự vong thân (đánh mất mình). Đó chính là mối liên hệđược thiết lập như là con đường thứ ba giữa hôn nhân và độc thân (có thể nấp dưới những tên gọi khác nhau như bố-con, anh-em,…). Nhờ con đường thứ ba này, người ta tìm sống các ân thưởng của liên hệ vợ chồng trong khi đó lại trốn tránh những trách nhiệm, bổn phận, cũng như những buồn phiền mất mát tất yếu trong đời sống hôn nhân. Con đường thứ ba này được làm nên bởi một mối liên hệ trong đó người ta sống một mối liên hệ tình cảm rất mạnh với người khác giới, có những quan hệ giới tính hay những cử chỉ âu yếm vượt quá ranh giới mà mối quan hệ của họ cho phép, nghĩa là toàn bộ những quan hệđó diễn ra trong kín đáo. Một liên hệ yêu thương như thế giữa những người tu trì chứng tỏ một sự thất trung sâu xa đối với Thiên Chúa, Đấng đòi hỏi nơi họ một tình yêu tuyệt đối một khi họđã tự nguyện khấn hứa. Những người sống mối liên hệ như thế hiếm khi, và hầu như không thể, làm tròn sứ mạng mà Thiên Chúa đã trao phó cho họ.
Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng môt số mối liên hệ yêu thương nào đó cũng giúp cho các đương sự trưởng thành nhân cách và tâm linh. Một người có được mối liên hệ như thế sẽ cảm nhận được niềm vui để sống và các khả năng được nhân lên, được gợi hứng, bởi vì trong mối liên hệấy người đó biết rằng mình được nhìn nhận, được tán dương và yêu mến vì chính con người mình chứ không phải vì những việc mình làm được. Cũng nhờ mối liên hệấy, nhiều người vượt qua được những khó khăn khủng hoảng vềđức tin hay ơn gọi của mình, bởi vì lúc đó họ tìm thấy bên mình đôi tai biết chăm chú lắng nghe những tâm tư của họ, cũng như sẵn sàng đón nhận họ ngay cả khi họ thấp hèn, yếu đuối, sa ngã. Đó mới là thước đo đích thực cho một mối quan hệ với người khác giới. Cũng có người, qua mối liên hệ với người khác giới, sẽ dần dần vượt qua sựấu trĩ về tình cảm hoặc những sợ hãi về giới tính, vì họ khám phá ra được nơi người bạn khác giới rằng tính khác biệt nam nữđược đón nhận và nhìn nhận là suối nguồn sự sống.
Chắc chắn một bản liệt kê đầy đủ về những cơ may và nguy hiểm có thể có trong những quan hệ yêu thương gần gũi giữa hai người khác giới là không thể có. Chúng ta cần ý thức rằng nhưng cơ may và nguy hiểm luôn pha trộn vào nhau. Điều quan trọng là phải biết hành động thế nào để các cơ may phát sinh nhiều hơn, đồng thời cũng biết rằng những nguy hiểm vẫn luôn luôn có đó bao lâu mối quan hệ này còn tồn tại.
Vấn đềđặt ra ởđây là làm sao để có một mối quan hệ trong sáng, trung dung và hữu ích với người khác giới. Thiết tưởng trước tiên chúng ta cần phải thành thật với chính mình. Nếu muốn là người có trách nhiệm thì ngay khi khám phá thấy mình tương tư hay gần như tương tư một người bạn khác giới, chúng ta phải thành thật với chính mình. Trước hết phải gọi đúng tên của mối xung động ấy trong tâm hồn, chẳng hạn phải gọi đó là tình yêu nếu nó đúng như vậy. Mặt khác, nếu tự nhận thấy mình có khuynh hướng không muốn nhìn thẳng vào thực tế thì chắc chắn đó là dấu hiệu đã đến lúc phải chạy đến với một người khôn ngoan và giàu kinh nghiệm (lý tưởng là vị linh hướng riêng) để giúp mình đưa ra ánh sáng những phản ứng tâm lý quá ấu trĩ. Thực tế cho thấy rằng một số người bị lôi cuốn vào những mối liên hệ không trong sáng và sa ngã là do họ quá chần chừ và cố tình làm ngơ thực tếđang diễn ra trong tâm hồn mình. Cần phải thẳng thắn bày tỏ với người mà mình đang liên hệ, nghĩa là thẳng thắn tuyên bố với người đó rằng mình đang cảm nhận được một tình cảm gần như là tình yêu đối với họ ngay khi mình nhận ra điều đó. Hành động như vậy không phải là điều dễ dàng. Có những trường hợp và những lúc phải biết làm thinh, nhưng cũng có những trường hợp và những lúc thì việc giải thích dài dòng lại tốt hơn. Hành động như thế nào là tuỳ thuộc vào mức độ trưởng thành của đôi bên, nhất là tuỳ thuộc vào ý nghĩa của lời bộc bạch về tình cảm sâu xa tác động nơi những người này, bởi vì cùng một lời nói nhưng mỗi người lại có thể nghe và hiểu ở những mức độ khác nhau tuỳ theo khả năng và tố chất mỗi người. Điều hoà sự truyền thông tình cảm là một công việc tế nhị và đầy khó khăn.
Tiếp đến là chúng ta phải ý thức trách nhiệm của mình về các cử chỉ. Bước vào mối liên hệ với người khác giới là phải chấp nhận xác định rõ ràng về chỗđứng của thân xác trong việc biểu lộ tình cảm. Bỏđi sự giả tạo chắc chắn của các lời khuyên đạo đức cổ, một số người muốn khẳng định cách tuyệt đối rằng không cần chối bỏ thân xác nhưng phải vượt qua thân xác. Một số khác thì dựa vào thuyết của Teilhard de Chardin để quả quyết cách sai lầm rằng mọi tình yêu chân thành đều hướng về giữđức trong sạch cho nhau. Từ dó, những người này kết luận rằng trong các quan hệ bố-con, anh-em thì các cử chỉ dịu dàng là điều không thể thiếu và không có vấn đề nguy hiểm nào. Thực tế không đơn giản như vậy. Việc đưa ra nhưng giải đáp có sẵn hay những điều cho phép là không lành mạnh và không bảo đảm. Thiết tưởng cần nhắc lại ởđây một vài điểm có tính cách nhân học để mỗi chúng ta lưu ý về trách nhiệm của mình:
Mọi quan hệ của con người đều được tạo nên bởi một sựđan kết của những xung động giới tính. Do đó sẽ là quá ngây thơ khi nghĩ rằng mọi ước muốn nhục dục có thể biến mất hoàn toàn khỏi những mối quan hệ với người khác giới khi chúng được thiêng liêng hoá. Nhiều xung động, có thể rất yếu hoặc được kiểm soát chặt chẽ, vẫn luôn làm phát sinh một sức ép mà mức độ mạnh hay yếu là tuỳ thuộc những thời khắc của cuộc sống cũng như sức khoẻ hay ý chí của chính đương sự. Do đó, thiện chí giữđức trong sạch không bao giờ là tự phát hoặc đạt được một lần cho tất cả, mà phải liên tục chiến đấu cũng như can đảm bắt đầu lại.
Nói chung, một cử chỉ dịu dàng (thứ ngôn ngữ không lời) lại nói được nhiều hơn một lời nói đơn giản, nhất là nếu có những lời nói đầy tình tứđược trao đổi song phương đi trước cử chỉđó. Trong một xã hội đang có khuynh hướng quá coi thường việc sử dụng thân xác giới tính thì nhận xét trên đây rất đáng quan tâm.
Vì cơ cấu xung động tình cảm của mỗi người là duy nhất và khác nhau, nên cùng một cử chỉ có thểđược hai người cảm nhận rất khác nhau. Cái mà người này coi là bình thường và không có hàm ý gì thì có thể lại được người kia cảm nhận như một sự bộc lộ tình cảm hay nhục dục rất quyến rũ và dễ xiêu lòng. Điều này được chứng tỏ qua những ngộ nhận thường xảy ra trong cuộc sống quanh ta: Cứ tưởng là người ta yêu mình nhưng thật ra đâu phải! Vì vậy mỗi người phải biết lắng nghe và hiểu đúng đắn các phản ứng của cơ thể người kia, những phản ứng được tạo nên do hoàn cảnh sống hay tâm sinh lý của người đó.
Ba nhận xét trên đây cho thấy rằng chúng ta không thể tuyệt đối đưa ra những qui tắc chi tiết và phổ quát về việc sử dụng thân xác trong các quan hệ với người khác giới, nhưng nó giúp chúng ta hiểu rằng mức độ tự do trong việc biểu lộ tình cảm bằng thân xác không thể và không phải là duy nhất đối với tất cả mọi người, và cần phải được xem xét lại thường xuyên. Trong lãnh vực này, kinh nghiệm ngàn đời minh chứng rằng sự cẩn thận thái quá thường ít nguy hiểm hơn sự ngây thơ thái quá.
Điểm cuối cùng cần thực hiện để có một liên hệđúng đắn với người khác giới là sống một sự khổ chế nào đó. Yêu thương theo Tin Mừng luôn luôn đòi hỏi chúng ta một sự khổ chế thân xác nào đó. Nhận xét này luôn đúng cho tất cả các quan hệ, kể cả tình yêu hôn nhân. Cả hai người trong một liên hệ tình cảm đều bắt buộc phải chiến đấu chống lại sự thái quá của bản năng yêu thương dậy lên trong tất cả mọi mối quan hệ, ít ra là vào khởi điểm của chúng. Yêu chính là luôn luôn phải kinh nghiệm sự chia cắt, chia cắt với tư tưởng muốn khép kín người kia trong ước muốn của mình (muốn người đó thuộc trọn về mình), chia cắt với những lý tưởng hoá quá mức, và đôi khi chia cắt vật lý gây nên bởi sự xa cách vềđịa lý (chấp nhận xa nhau). Có thểđến một lúc nào đó, cả hai người trong cùng một mối quan hệ cảm đều nhận được rằng nếu họ muốn tiếp tục trung thành với Thiên Chúa thì họ phải chấp nhận việc ngưng các cuộc gặp gỡ, nhất là khi quan hệ của họ mang dáng dấp tình yêu vợ chồng. Kinh nghiệm thực tế cho biết rằng thực hành sự cắt ngang này không hề dễ dàng. Lý do trước tiên là vì sự tiến hoá của hai người không nhất thiết như nhau: người này muốn (chấp nhận) đi xa, nhưng người kia lại không chịu đựng nổi sự chia ly. Tiếp đến là vì sức mạnh của tình cảm và ước muốn giới tính chỗi dậy mãnh liệt đến nỗi làm cho các đương sự có cảm giác sự chia ly này giống như một thứ cắt bỏ hay một vết thương nhói đau liên tục. Xa nhau rồi họ cảm thấy như nghẹt thở và không gian xung quanh trở nên chật hẹp ngột ngạt, đứng ngồi không yên và bị rối loạn tâm sinh lý. Bởi đó, quyết định chia ly đòi hỏi một sự quân bình nhân bản đầy đủ nơi mỗi người, một sự tôn trọng lẫn nhau của các đương sự, một cuộc đối thoại thẳng thắn và nghiêm túc giữa họ, và cuối cùng là một sự can đảm thực sự cho phép họđối diện (chấp nhận) với kinh nghiệm đau đớn của sự chia ly. Một sự can đảm như thế chỉ có được nếu mỗi người dám chấp nhận vác thập giá Đức Kitô trong đời sống hằng ngày của mình đúng với căn tính của ơn gọi.
Ngay cả với những người đã có can đảm chấp nhận sự chia ly đó rồi thì cũng cần phải lưu ý đến hai điểm này: Thứ nhất, một quyết định chia ly có thểđược đánh dấu bởi một sự nhập nhằng nào đó. Bởi vì, một sự chia cắt có thể là dấu hiệu của một tâm hồn thiện chí muốn trung thành với Thiên Chúa (tích cực), song đôi khi sự chia cắt ấy cũng là kết quả của một sự sợ hãi nào đó mà người ta ý thức được (tiêu cực). Nhưng nếu sự sợ hãi đó không hoàn toàn chiếm ưu thế thì quyết định chia ly này không phải là không có giá trị thiêng liêng. Thứ hai, chúng ta cũng nên biết rằng một khi sự chia ly đã được thực hiện thì hình ảnh người kia vẫn in đậm nét trong con tim và khối óc của người này trong suốt những tháng năm dài sau đó, thậm chí cảđời. Đôi lúc người ta có cảm tưởng như mình bị ám ảnh về người kia và hình ảnh mỗi người có về nhau như thể không chút phai mờ theo năm tháng, có chăng chỉ là sự nhạt nhoà đi những cái tiêu cực mà thôi. Khi một mối liên hệ tình cảm đã quá mạnh thì nó có gốc rễ sâu xa trong tâm hồn con người. Bởi đó những kỷ niệm người ta có về nhau không thể phai mờđi trong ngày một ngày hai là điều bình thường, nhất là khi không có một tình cảm nào khác thay thế. Chúng ta không nhất thiết phải tựđặt cho mình mục tiêu tuyệt trừ tận gốc rễ khỏi lòng mình mọi dấu vết, mọi kỷ niệm của mối liên hệđã qua. Có lẽđó là điều bất khả thi và có phần vô nhân đạo nữa. Tốt nhất chúng ta nên cố gắng sống bình lặng trước mặt Chúa, đồng thời đừng luôn luôn tìm cách làm sống lại những kỷ niệm đã qua, nhất là những kỷ niệm làm mình thoả mãn những tình cảm bộc phát theo bản năng. Khi nỗi nhớ về mối liên hệ tình cảm đã qua chỗi dậy, chúng ta phải có một hành vi đức tin đòi hỏi mình phải từ bỏ hơn nữa để hướng về Chúa Giêsu Kitô, Đấng đang mời gọi mình đi tới.
Mấy suy nghĩ trên đây được viết lại theo sự hiểu biết và kinh nghiệm của cá nhân cũng như của những người thân quen, do đó có phần chủ quan và hơi tiêu cực. Tuy nhiên chắc chắn đã phần nào nói lên sự phong phú hữu ích cũng như sự nguy hiểm liều lĩnh có thể có trong mối liên hệ với khác giới. Người viết bài này trước hết muốn nhắc nhở chính mình để có cơ hội sống tốt hơn mối tương quan tế nhị này. Song cũng xin phép được chia sẻ để nếu những suy nghĩ này tác động tốt đến những người đọc, xin hãy cùng cất lên lời tạ ơn Thượng Đế và cầu nguyện cho nhau. Ngược lại, nếu những dòng này gây ra một sự xúc phạm nào đó hoặc làm tổn thương đến người đọc, thì xin quý vị hai chữ lượng thứ.

Người Sông Trà
(tgmtb.net)

Rocky
02-01-2009, 10:35 PM
thiên Chúa dựng nên con người có Nam và có Nữ...

có những tình bạn tuyệt vời...

và trong cuộc sống vẫn có những lạm dụng....

điều tuyệt diệu là thánh hiến... hiến thánh đời mình và các tương quan tình cảm.. kể cả tình cảm cha mẹ, anh em ruột thịt, lẫn tình cảm.. bạn bè... hay cả tình yêu nam nữ.. cho một chọn lựa,... cho một hiến tế...

Xin Chúa chúc lành, chúc lành.... và nâng đỡ... mọi ơn gọi nhân sinh trong xã hội...

để sống thánh và hiến thánh đời mình cho Chúa và cho tha nhân... cách trọn vẹn...vẹn toàn...

ngocthuongbill
06-01-2009, 07:20 PM
Nếu Chúa chấp tội thì nào ai có nói jif đâu

ch_hhh
14-01-2009, 09:23 AM
Chào các bạn ! Theo tôi thấy thì mối quan hệ nam-nữ trong đời tu thật tế nhị và khó nói
khi trong 2 người nam dự tu ( hay nam đệ tử) và nữ đệ tử lại có 1 người xuất hiện tình cảm với người khác giới từ đó hình thành tình yêu 1 cách bồng bột .. Nếu 2 người này nhìn xem những gương các người đi trước ,họ bây giờ đã già và phần lớn là than vãn nhiều hơn
( mâu thuẫn trong gia đình, nuôi dạy con cái, người ngoài đàm tiếu về ơn gọi của cả hai....) thật là khó chấp nhận cho cả hai , khi họ vẫn còn tham vọng cuộc sống hạnh phúc gia đình hiện tại .... Nếu tôi là người quyết định chp tình yêu của họ thì tôi khuyên là 2 người nên tránh mặt nhau 1 thời gian ( có thể đi linh thao là 1 cách hiểu lại ơn gọi rất hay, 2 người nên nhớ rằng Thiên Chúa không áp đặt cho ai cả mà Ngài cho con người quyết định hạnh phúc của mình...
Nếu 2 người đó đã quyết định sẽ đến với nhau cho dù bị tất cả mọi người ngăn cản thì tôi thấy quyết định đó thật sai lầm ,, nếu 2 người không sửa sai thì sau này thì cuộc sống của 2 người sẽ không còn 2 từ " hạnh phúc " nữa đâu


Xin Chúa soi sáng cho những người con của Chúa còn đang luẩn quẩn trong vòng tròn của Tình Yêu để họ có thể tim được ơn gọi đích thực cho cuộc đời mình

Rocky
14-01-2009, 09:36 AM
có lẽ vài bạn đã đi vào cụ thể chỉ có 1 điều là mối quan hệ tình cảm.... nam nữ... trong tình yêu thôi... thì đúng, trong đời tu... điều này không thể chấp nhận...cần phải dứt khoát....

điều mà chúng ta, đề cập là... đa dạng hơn nhiều :

một tình bạn....

một tình cảm bình thường trong tương quan xã hội....

một tình cảm.... thiêng liêng : anh em thiêng liêng, chị em, bố con... thiêng liêng....

ở đó, chúng ta bàn bạc... trao đổi....

cái cần... phát triển, cái cần tránh... hay ngăn ngừa....

mọi người tiếp tục nhe...

Maria_nguyen
14-01-2009, 11:18 AM
Tình yêu là một từ rất khó định nghĩa ,cảm ơn Masafot đã viết về một tình yêu thiêng liêng mà các tu sĩ là người được nhận .Và họ đã yêu nhiều hơn những người bình thường,hy sinh nhiều hơn chúng ta tưởng. Đó là gương sáng ,để chúng ta soi mà có được một tâm hồn trong sáng ,quảng đại và biết hy sinh cho những người mình yêu

littlewave
14-01-2009, 12:45 PM
Sống đời tu là TẬN HIẾN, là tự nguyện hy sinh tất cả cho Thiên Chúa để đáp trả Tình Yêu cao cả của Ngài.
Có hy sinh nào mà không kèm theo những ngậm ngùi cay đắng, có người nào chấp nhận hy sinh mà không âm thầm nuốt lệ trong lòng... Nhẫn nhục vâng lời từ bỏ mình trong đời sống cộng đoàn trăm người vạn ý thôi cũng đã là một Thánh giá vô cùng nặng, rồi còn biết bao ganh ghét, hiểu lầm, bị đối xử bất công, cô đơn, lạc lõng... Sẽ có những lúc phải rên thán: "Eli, Eli, lema sabakthani?" (Lạy Thiên Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi, nhân sao Ngài nỡ bỏ tôi?)
Tuy nhiên, đã tự chọn con đường mình đi thì đừng ngoảnh lại. Có ai ép uổng ta đâu! Vốn dĩ chúng ta không thể trông cậy hy vọng ở người đời, không thể bám víu vào những tình cảm vốn tự chất vô cùng ích kỷ mong manh mang tính con người ngay tự bản thân chúng ta cơ mà.
Thánh Paul đã chia sẻ kinh nghiệm:
21 Bởi đó tôi khám phá ra luật này: khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay.22 Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa;23 nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi. (Roma 7, 21-23)

May sao
"Ơn Ta đủ cho con" (2Cr 12,9)
Vậy thì cứ vững tin và cậy dựa vào Chúa để có sức mạnh vượt qua những cơn bảo giông đời.
Cũng không thể chủ quan trong các mối liên hệ mang danh nghĩa linh tông mà hãy cầm lòng đọc Kinh Lạy Cha cho nên: "xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ" sao được khi mình cứ tự lăn vào "vũng lầy của cuộc sống trần ai" ?!!!

Rocky
16-01-2009, 09:18 PM
Trước mọi cuộc sống chông gai.....luôn đòi hỏi sự dấn thân đồng thời vẫn đòi hỏi tính chuẩn mực đạo đức của tu sĩ....
Nhiều cám dỗ, lắm trở lực... đồng thời nhiều nhiều sự trợ lực....

Và trên hết, "ơn Ta đủ cho ngươi...."

ngochung410
24-03-2009, 12:04 AM
Mình không tu, nhưng có quen một số người đi dự tu, cả nam và nữ.
Thật sự mình cảm thấy các nữ tu dường như hơi yếu đuối trong quan hệ tình cảm. Không biết mình có chủ quan không khi nói là các nữ tu rất dễ bị "đổ" nếu những người bạn khác giới của họ không muốn họ theo ơn gọi tu trì mà ngược lại... mình thì vẫn nghĩ do tâm lý và sinh lý của con gái là như thế, và có thể nếu người dự tu không có niềm tin kiên định vào lựa chọn của mình thì lựa chọn lại cũng là điều dễ hiểu. Mình không đồng ý với cách viết của ch_hhh (https://thanhcavietnam.net/forum/member.php?u=2559) vì cũng có những người thành đôi và có hoa trái còn có thể tốt đẹp hơn nữa mà (gia đình Tê-rê-sa Hài Đồng Giê Su).

hackedpapy87
24-03-2009, 09:39 PM
uhm, mình cũng ko hoàn toàn đồng tình với ch_hhh vì mỗi người có 1 ơn gọi,và có thể họ chưa nhận ra chính xác ơn gọi của mình ... nếu họ chưa khấn trọn thì họ vẫn có quyền đến với nhau :92: còn hơn họ ko kiềm chế được bản thân khi đang trong đấng bậc của mình :2:
bài của Masafot rất hay và chi tiêt :D riêng tớ thì tớ nghĩ...nếu quá thân thiết với người khác giới thì khó xác định giới hạn lắm ^^! ngay từ đầu ko nên thân quá,chỉ nên giao tiếp thân mật kiểu xã giao thui,yêu quí nhau cũng chỉ nên để trong lòng ko nên nói ra và quá thân thiết ;)

dominico_dung
04-12-2009, 09:29 AM
Con là Linh mục
Sáng tác Lm. Vũ Chí Hỷ (https://thanhcavietnam.net/forum/../ThanhCaVN/#Artist,968)
Thể hiện bởi Hợp Ca (https://thanhcavietnam.net/forum/../ThanhCaVN/#Singer,151)

https://thanhcavietnam.net/ThanhCaVN/?url=Download,8872,RP89-10BF978276629424