Ðăng Nhập

View Full Version : Bài giảng thứ sáu tuần thánh - 2025



gioanha
17-04-2025, 04:34 AM
THỨ SÁU TUẦN THÁNH 2025:
CON NGƯỜI LUÔN MUỐN LOẠI TRỪ THIÊN CHÚA


Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc


Theo dõi trên báo chí chúng ta thấy, có những phiên toà xét xử khi đưa ra bản án đã được người dân đồng tình ủng hộ, nhưng cũng có những bản án bị phản ứng dữ dội vì hình phạt không tương xứng với tội trạng. Trong những phiên toà hình sự cũng đã có nhiều bản án tử hình được đưa ra cho các tội phạm được coi là tương xứng, nhưng cũng có nhiều vụ án bị coi là oan sai vì không đủ chứng cứ điều tra hoặc chỉ dựa trên những lời khai từ nhân chứng hoặc từ bản lấy cung. Trên thực tế, đã có những vụ án toà phải xử lại để giải trừ nỗi oan cho người bị hại và còn phải đền bù cho những thiệt hại của họ, song có những bản án dường như người ta cố tình muốn một người nào đó phải chết, vì thế mọi kháng cáo đều bị từ chối.

Thưa quý OBACE, chúng ta vừa chứng kiến một phiên toà đầy dối trá, một bản án đầy bất công, mà động cơ thực sự của những kẻ chủ mưu đã lộ rõ ngay từ đầu, là họ muốn loại trừ một người chỉ vì lòng ghen ghét và nỗi sợ bị lu mờ quyền lực. Đó chính là phiên tòa xét xử Chúa Giêsu Nazareth đã diễn ra hơn 2000 năm trước tại Giêrusalem. Những nhà lãnh đạo Do Thái đã muốn loại trừ Đức Giêsu ra khỏi cộng đồng, vì họ không tin, không chấp nhận Người là Đấng Cứu Thế, không muốn Người có ảnh hưởng trên dân chúng.

Vào thời Chúa Giêsu, người Rôma đang cai trị đất nước Israel, các thượng tế Do Thái, cùng các luật sĩ và biệt phái có sức ảnh hưởng rất lớn trong xã hội và tôn giáo. Khi Đức Giêsu xuất hiện, rao giảng Tin Mừng, đã thu hút được nhiều người tin theo; lời rao giảng của Người đã nhiều lần đụng chạm đến tầng lớp lãnh đạo Do Thái, khiến họ rắp tâm muốn loại trừ Đức Giêsu bằng việc tìm cách kết án tử cho Người. Và, một khi con người cố tình loại trừ Thiên Chúa, loại trừ sự thật ra khỏi tâm hồn mình, thì họ sẽ bị ma quỷ, sự ác chi phối và điều khiển, dẫn đến những hành động tàn ác.

Trước hết, các thượng tế và luật sĩ đã nhiều lần muốn tìm cách hại Chúa Giêsu, họ câu kết với một trong mười hai môn đệ của Người đó là Giuđa để tìm cách bắt Người. Sau khi bắt Đức Giêsu từ Vườn Cây Dầu, họ dẫn Người đến dinh thượng tế Anna, tại đây, thượng tế tra hỏi Đức Giêsu về những vấn đề giáo lý, tôn giáo. Đức Giêsu cho thấy Người vẫn giảng dạy trong các hội đường, nơi đền thờ, là những nơi có nhiều người nghe. Thầy thượng tế không thấy có điều gì sai phạm giáo lý, chỉ có điều là dân chúng đã tin theo những lời giảng của Người, đó là điều mà ông không muốn thấy. Cũng tại nơi đây, Chúa Giêsu đã tuyên bố Ngài là Con Đấng Tối Cao. Nghe lời tuyên bố này, Thượng tế Anna đã không muốn Đức Giêsu có ảnh hưởng hơn mình, không muốn Ông Giêsu là Chúa của mình. Vì thế, thượng tế đã để cho các đầy tớ xỉ nhục, tát tai Chúa Giêsu trước mặt mọi người. Ông ta coi Chúa Giêsu như một đối thủ và muốn loại trừ Người khi tuyên bố: Nó phải chết. Để thực hiện ý đồ này, thượng tế đã dùng mọi thủ đoạn gian dối, tàn ác và sau cùng là mượn tay Philatô để đưa đến cái chết cho Chúa Giêsu.

Khi dẫn Đức Giêsu đến dinh Philatô, các thượng tế và luật sĩ đã vu khống Đức Giêsu về những vấn đề mang tính chính trị. Họ tố cáo Đức Giêsu như một tên tội phạm xúi dân làm loạn; đã xưng mình là Vua dân Do Thái; ngăn cản việc nộp thuế cho hoàng đế. Thế nhưng khi đối diện với Chúa Giêsu, Philatô đã thấy nơi Người không giống như những gì người Do Thái đã tố cáo. Đức Giêsu cũng đã giải thích cho Philatô về sứ mạng của Người là Đấng từ Trời mà đến, Người làm Vua Nước Trời chứ không phải là Hoàng đế của trần gian; sứ mạng của Người là rao giảng và mời gọi mọi người sống theo sự thật. Chỉ những ai đón nhận và sống theo sự thật thì mới nhận ra Chúa Giêsu và có thể trở nên công dân của Nước Trời. Điều này khiến cho Philatô, một con người hoàn toàn thuộc về thế gian, hành xử theo sự gian dối không thể hiểu. Vì thế, ông đã hỏi Đức Giêsu: Sự thật là gì?

Dường như Philatô cũng có một chút thiện chí khi nghe Chúa Giêsu nói về sự thật, nhưng ông không đủ can đảm để bênh vực và đứng về phía sự thật. Ông biết chỉ vì ghen tị mà các thượng tế và luật sĩ muốn ông loại trừ Chúa Giêsu. Philatô cũng muốn tìm cách tha Chúa Giêsu khi tuyên bố: Tôi không tìm thấy lý do gì đáng phải kết án tử cho ông ấy. Tuy nhiên, Philatô đã không đủ quyết tâm để sống và bênh vực cho sự thật, ông đã để mình buông theo sự gian ác, dối trá của người Do Thái, biến mình trở thành kẻ đồng loã tiếp tay cho sự ác. Cuối cùng để chiều lòng người Do thái, Philatô đã lên án tử cho Chúa Giêsu, loại trừ Người khỏi thế giới và cũng là loại bỏ Thiên Chúa và sự thật ra khỏi cuộc sống và tâm hồn mình.

Những thượng tế và luật sĩ đã đạt được mục đích, họ kích động để dân chúng ra sức phỉ nhổ, hành hạ Chúa Giêsu và biến Người trở thành như một tên tội phạm nguy hiểm. Để đạt được mục đích này, họ đã đặt thập tự giá lên vai Đức Giêsu và xử tử Người cùng với hai tên trộm cướp. Từ dinh Philatô đến đồi Calvario, tất cả mọi người, những thượng tế, luật sĩ, các tên lính và đám đông đã bộc lộ bộ mặt của những kẻ gian ác ghê gớm. Họ hành hạ, nhục mạ Chúa Giêsu cho thỏa sự ghen tị, thù oán của mình. Họ muốn vĩnh viễn loại trừ Đức Giêsu ra khỏi thế giới này. Dưới chân cây thập giá, các thượng tế còn không tiếc lời ngạo mạn, thách thức, nhạo báng Thiên Chúa: Nếu Ông là Con Thiên Chúa, thì hãy xuống khỏi thập giá đi!

Trong suốt cả cuộc thương khó này, chúng ta thấy các môn đệ của Chúa Giêsu cũng không khá hơn. Họ không làm bất cứ điều gì để có thể chia sẻ, cảm thông với Thầy của mình. Trái lại, các môn đệ tỏ ra dửng dưng và nhắm mắt ngủ mê khi Thầy gặp đau khổ. Suốt hành trình thập giá, các môn đệ đã bỏ trốn vì sợ hãi, vì sợ liên lụy. Phêrô - kẻ đã từng thề sống chết với Thầy, cũng chỉ dám đi theo từ đàng xa và sẵn sàng từ chối mọi liên hệ, không dám nhận mình là môn đệ của Chúa Giêsu. Chỉ còn một mình Gioan cùng với Đức Maria lặng lẽ bước theo Chúa cho đến chân cây thập giá, chứng kiến và đón nhận các biến cố xảy ra với lòng tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa.

Thưa quý OBACE, qua bản án bất công mà những người Do Thái đã mượn tay Philatô để đặt lên Đức Giêsu và qua suốt hành trình thập giá, chúng ta có thể thấy rằng, thế giới, nhân loại này đã bị cái ác và thế lực tăm tối của ma quỷ bao trùm và chi phối; tâm hồn và hành động của con người bị sự dữ điều khiển, khiến nó trở nên tàn ác dã man đối với đồng loại. Khi con người cố tình loại trừ Thiên Chúa ra khỏi tâm hồn và cuộc sống của mình, họ sẽ biến tâm hồn và cuộc đời trở nên nơi trú ngụ của ma quỷ và sự ác. Một khi con người đã đồng loã và dìm mình trong bóng tối của tội lỗi và sự dữ, nó sẽ bị ma quỷ điều khiển.

Hôm nay, cùng với Giáo Hội suy gẫm về cái chết bi thương của Chúa Giêsu, chúng ta không dừng lại nơi cái chết này để than khóc, cũng không vì sợ hãi trước sự tấn công của ma quỷ và sự dữ mà khiến ta buông xuôi thất vọng. Nhưng chiêm ngắm cái chết thập giá của Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra quyền năng và sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Nhìn bên ngoài, cái chết thập giá như một sự thất bại, là dấu chấm hết tuyệt vọng, nhưng thực ra cái chết thập giá của chúa Giêsu giống như cái chết của hạt lúa mì, bị vùi lấp để rồi nảy sinh mầm sống mới là sự Phục sinh và đem đến hoa trái mới, đó là hoa trái yêu thương, là sự sống đời đời cho nhân loại.

Những ai tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, đón nhận giáo huấn và Tin mừng của Người, thực hành những điều Người truyền dạy, dám bước theo Người trên hành trình thập giá, thì sẽ đón nhận được sự sống Phục sinh Người đem lại cho thế giới. Những ai để cho hạt mầm yêu thương của Chúa Giêsu nảy sinh và kết trái trong tâm hồn, thì Chúa sẽ loại bỏ khỏi tâm hồn ấy những tối tăm, gian ác và sự chết, Người sẽ chiếu sáng tâm hồn họ bằng Ánh sáng Phục sinh của Người.

Cái chết thập giá của Chúa Giêsu hôm nay cũng là lời cảnh báo cho chúng ta trong đời sống gia đình, trong cuộc sống xã hội: đừng bao giờ để sự ganh tị thù oán trong tâm hồn, đừng bao giờ tàn ác, thủ đoạn với nhau, những thứ đó sẽ làm cho tâm hồn mình trở nên tồi tệ xấu xa. Trái lại, cần nuôi dưỡng và chăm sóc cho gia đình, cho tâm hồn mình và những người chung quanh bằng tình yêu thương, bằng những cử chỉ đẹp. Đừng bao giờ bắt tay hợp tác với ma quỷ và tội lỗi, nhưng hãy để Đức Giêsu hiện diện trong tâm hồn, hướng dẫn hành động và chi phối đời sống chúng ta. Khi có Chúa trong tâm hồn thì từ lời nói đến cách cư xử của chúng ta với nhau sẽ là những lời nói, những hành động yêu thương và toả hương Tin Mừng đến với anh chị em chung quanh. Amen.