PDA

View Full Version : tìm mẹ....



gioanha
16-01-2009, 11:45 AM
Cuộc đoàn tụ bất ngờ








http://www.thanhnien.com.vn/News/Pictures/T5a88730182.jpg
Hai mẹ con nước mắt ràn rụa khi gặp nhau
Dù có một cuộc sống vương giả và thành đạt nhưng Nguyễn Thị Mỹ Liên luôn đau đáu về người mẹ ruột mà cô chưa hề biết mặt. Sau hơn 30 năm sống trên đất Mỹ, cô đã trở về quê hương. Và điều kỳ diệu trên tất cả mọi sự kỳ diệu đã xảy ra, cuối năm 2008, thời điểm tuyệt vọng nhất, Mỹ Liên đã tìm được mẹ, khép lại quãng đời 40 năm mong mỏi và 16 năm tìm kiếm.



Dấu hiệu bí mật
Ngày 9.12.2008, bà Bùi Thị Lai Ninh ở Nha Trang rất bất ngờ khi cô Hai bán dạo ngoài bãi biển ghé chơi. Thấy trong nhà không có ai, cô Hai mới kể cho bà Ninh về việc mình đã gặp hai người đàn ông, họ đang đi kiếm một người phụ nữ từ 58 - 61 tuổi, bị lạc đứa con gái khoảng năm 1968. Nỗi đau chôn giấu trong lòng suốt 41 năm bà Ninh không hề cho ai biết, nay bỗng nhiên có người gợi lại làm bà đau buốt. Cô Hai kém bà Ninh chừng 3 tuổi, là người duy nhất biết được bí mật của bà Ninh. Cô Hai vội đưa cho bà Ninh mảnh giấy và bảo liên lạc với địa chỉ ghi trong này. Bà Ninh cầm mảnh giấy hỏi cô Hai là trong đó ghi cái gì? Cả hai nhìn nhau bế tắc vì không ai biết chữ. Bà Ninh ruột gan như lửa đốt. Bà đang chờ Hiếu, con trai bà đi làm về để nhờ nó đọc giùm. Nhưng rồi bà lại gạt ngay cái ý nghĩ đó. Bà có nên nói cho Hiếu biết hay không? Trước giờ trong mắt Hiếu, bà là một người mẹ tuyệt vời, người phụ nữ đoan chính. Chồng bà đã mất gần 20 năm, bà vẫn ở vậy nuôi con. Vì thế bà sợ Hiếu sẽ coi khinh mình khi biết được sự thật này... Nhưng rồi bà mạnh dạn: "Mặc kệ, phải nói cho Hiếu biết, đến đâu thì đến". Thế là đêm hôm đó, câu chuyện "lỡ một thời con gái, bởi một đời dại yêu" của bà được kể cho con nghe.

http://www.thanhnien.com.vn/News/Picture/MinhNguyet/Nam2009/Bao/Thang1/8.1/T5b.jpg Bà Ninh cùng con trai và cháu nội đang xem ảnh của 3 đứa con Mỹ Liên - Ảnh do Công ty Motherland Heritage cung cấp Nghe xong câu chuyện, Hiếu vội cầm mảnh giấy lên xem. Trong đó ghi số điện thoại của anh Lê Cao Tâm và anh Nguyễn Thanh Tuấn. Hiếu vội vàng gọi điện để cho mẹ nói chuyện. Anh Tâm kể cho bà Ninh nghe về cuộc đời cô gái, bà Ninh kể lại cho anh Tâm về hoàn cảnh mất con của mình. Hai câu chuyện chỉ có một vài điểm trùng khớp. Anh Tâm nối máy cho cô gái và bà Ninh nói chuyện với nhau. Vừa nghe tiếng "chào bác, chào con" thì cả hai người đã nghẹn ngào, cứ nức nở mà chẳng thể nói được câu gì. Anh Tâm rất đỗi ngạc nhiên. Trước giờ có rất nhiều bà mẹ tới nhận cô gái là con, tuy gặp mặt nhau nhưng chưa bao giờ cô gái vỡ òa cảm xúc như thế. Anh Tâm cầm điện thoại an ủi cho bà Ninh bình tĩnh rồi nói chuyện sau. Nhưng một tiếng đồng hồ sau, lúc này anh Tâm đã về nhà, bà Ninh gọi lại khẳng định với anh một chi tiết vô cùng quan trọng: "Nếu là con gái bà thì có một cái bớt màu nâu như những đốm tàn nhang ghép lại ở vai trái, còn vai phải có hai nốt ruồi màu đen"... Quả nhiên, cái bớt màu nâu và hai nốt ruồi màu đen đang in hằn trên vai cô gái. Bà Ninh khóc ngất đi. Anh Tâm khuyên bà nghỉ cho khỏe rồi sáng mai bay vào. Nhưng bà Ninh không thể chờ thêm giây phút nào, bà bảo Hiếu đánh xe vào TP.HCM ngay trong đêm đó.
http://www.thanhnien.com.vn/News/Picture/MinhNguyet/Nam2009/Bao/Thang1/8.1/T5c.jpg Sáng ngày hôm sau thấy bà Ninh gọi điện bảo là đã có mặt ở TP.HCM, anh Tâm quá bất ngờ. Anh liền gọi điện cho cô gái. Họ hẹn gặp nhau tại một ngôi nhà trên đường Phan Đình Phùng, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Thấy bà Ninh có vẻ nóng lòng mọi người ngồi thành vòng tròn nghe bà kể chuyện. Thế nhưng cứ ngồi được dăm phút bà Ninh lại đứng dậy đi ra, đi vào. Một tiếng rồi hai tiếng trôi qua, mọi người sốt ruột gọi điện thoại, đầu dây bên kia cũng đang gào lên vì bị kẹt xe. Để bà Ninh bình tĩnh, anh Tâm mở mấy tấm hình trong máy tính cho bà xem. Vừa thấy chân dung cô gái, bà Ninh đã bủn rủn chân tay, người sụp xuống. Đứa cháu nội 3 tuổi, con trai của Hiếu đi cùng chỉ vào máy tính la lên: "Nội, hình của nội kìa!". Hiếu thảng thốt: "Nhìn tấm hình chị y chang hình của má thời con gái". Sau khi lấy lại bình tĩnh, bà Ninh cứ dán mắt vào bức ảnh, khuôn mặt ràn rụa nước mắt. Cuối cùng người chạy xe ôm chở cô gái cũng xuất hiện. Cô gái xuống xe, đi như chạy. Trông dáng đi của cô không khác gì bà Ninh. Giáp mặt nhau ở giữa con hẻm, hai người nhìn nhau trân trân, môi mấp máy mà chẳng nói lên được lời nào. Bà Ninh đưa tay lên để ôm lấy cô gái nhưng rồi lại hạ xuống. Cô gái muốn quàng tay ôm lấy bà Ninh nhưng lại rụt rè. Có lẽ kiềm lòng không nổi, bà Ninh kêu "con ơi" rồi quàng tay vào cổ cô. Nhưng vòng tay của bà chưa kịp chặt thì bà đã khuỵu xuống đất ngất xỉu. Mọi người sợ hãi bế bà vào nhà. Sau khi được chăm sóc, bà Ninh tỉnh dậy. Lúc này cô gái đang ngồi ôm lấy bà, khuôn mặt ràn rụa nước mắt. Bà gục mặt vào vai cô gái nức nở: "Mẹ không cho con vào cô nhi viện, mẹ bị lạc mất con. Mấy chục năm nay mẹ đi tìm con...".
Trở về câu chuyện chia ly

http://www.thanhnien.com.vn/News/Picture/MinhNguyet/Nam2009/Bao/Thang1/8.1/T5g.jpg Bà Ninh thời trẻ và Mỹ Liên bây giờ
Những hồi ức của bà bắt đầu tuôn ra theo dòng nước mắt. Gia đình bà ở Bình Định. Năm 1954, cha bà đi tập kết ra Bắc. Mẹ bà bỏ vào Nha Trang lấy chồng. Lúc đó bà chỉ mới hơn 16 tuổi. Nhớ mẹ, bà vào Nha Trang tìm gặp và ở cùng mẹ và cha dượng. Ở đây bà quen một người đàn ông và khi có thai, ông ta đã bỏ bà đi lấy người con gái khác. Năm 1968, bà sinh được một cô con gái rất kháu khỉnh, đặt tên là Bùi Thị Thu Thu. Nhưng cha dượng của bà không cho bà và đứa bé ở trong nhà ông ta. Mẹ bà phải quỳ xuống xin cho con gái và cháu ngoại được tá túc trong nhà cho tròn tháng đầu tiên. Hết thời hạn, bà phải ẵm con ra đi. Hai mẹ con chỉ có duy nhất một bộ quần áo trên người, không có một đồng cắc để phòng thân. Bà ôm con vất vưởng ngoài đường. Khi biết có một chủ quán nhận người gánh nước thuê, bà gửi con cho một phụ nữ tên Hà bán hàng ngoài chợ để đi làm. Mới sinh nở xong nhưng một ngày bà phải quảy trên vai gần ba chục gánh nước. Một lần bà quay về và không thấy cô Hà đâu. Mọi người xung quanh nói cô Hà đã vào Cam Ranh tìm chồng. Bà Ninh tức tốc lên đường. Khi kiếm được nhà của cô Hà thì người ta bảo cô ấy đã chuyển đi nơi khác nhưng cách đây một vài tháng, thấy cô ẵm một bé gái đem đi cho. Bà Ninh đi tìm con khắp Cam Ranh nhưng không có thông tin gì. Bà trở về Nha Trang, sau đó lập gia đình và sinh được một đứa con trai. Sống hạnh phúc với chồng và con trai nhưng nỗi đau mất con cứ âm ỉ trong lòng bà. 40 năm đã trôi qua, không ngày nào bà nguôi nhớ con và lúc nào cũng cảm thấy tội lỗi vì không giữ được con gái của mình. Bà lặng lẽ đi làm từ thiện khắp nơi để mong tìm lại con nhưng tất cả đều vô vọng. Nhưng linh cảm của một người mẹ mách bảo với bà rằng, con mình vẫn còn sống. Bà có cảm giác như nó đang đi tìm mình. Và đêm đêm trong những giấc mơ, bà vẫn nghe văng vẳng tiếng con gọi mẹ. Nghe xong câu chuyện, cả ngôi nhà tràn ngập trong nước mắt còn cô gái thì ôm chặt lấy bà Ninh như để vỗ về những khổ đau mà mẹ cô đã gánh chịu. Bà kể tiếp: Hồi đó mỗi lần tắm cho con, bà thường cọ rất kỹ nghĩ rằng để cho tan cái bớt và nốt ruồi mất đi nhưng không được. Bà ngậm ngùi thương con, sợ sau này đời con sẽ nặng gánh... Nói tới đây, bà vén tóc cô gái lên xem. Khi tận mắt chứng kiến vết bớt và hai nốt ruồi, hai mẹ con bà ôm lấy nhau mà người cứ lịm đi.
Một thành viên tìm kiếm ngỏ ý muốn đi xét nghiệm AND cho hai người. Cô gái quệt nước mắt bảo là không cần thiết. Cô tin đây chính là mẹ mình. Cô bảo chỉ có người mẹ mới biết được đặc điểm riêng của con, ngay cả bản thân cô, tới tận giờ này cô mới biết mình có vết bớt và hai nốt ruồi ở bờ vai. Cô gái đó chính là Nguyễn Thị Mỹ Liên, Giám đốc Quỹ Degenhardt tại Việt Nam. Cô sống tại cô nhi viện Cam Ranh và được gia đình Degenhardt nhận làm con nuôi từ năm 1972. Năm 1993, cô về nước để triển khai các dự án từ thiện giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau cô gái mạnh mẽ, bản lĩnh là nỗi khổ tâm của đứa con không hề biết mặt cha mẹ ruột của mình. Và cô bắt đầu cuộc tìm kiếm...

Bảo Thiên
Kỳ 2: Tìm mẹ

gioanha
16-01-2009, 11:51 AM
Tìm mẹ









http://www.thanhnien.com.vn/News/Pictures/p5a398818201.jpg


Mỹ Liên tổ chức tiệc Giáng sinh cho những người bị nhiễm chất độc da cam tại Hội An
Để có điều kiện giúp đỡ trẻ em bất hạnh Việt Nam trong thời gian vừa qua và cả sau này, Mỹ Liên được sự hỗ trợ rất lớn từ gia đình bố mẹ nuôi.


Gia đình Degenhardt
Năm 1972, vợ chồng ông bà Degenhardt nhận một bé gái tên Nguyễn Thị Mỹ Liên, 4 tuổi ở cô nhi viện Tân Bình, Suối Vinh, Cam Ranh, Khánh Hòa làm con nuôi. Các sơ ở đây cho biết, "Mỹ Liên được một người phụ nữ và một người lính đưa vào cô nhi viện lúc khoảng 3 tháng tuổi. Các sơ không biết bất cứ một thông tin gì về họ cũng như tên cha mẹ và tên của em".
Nguyễn Thị Mỹ Liên là tên các sơ đặt. Trong hồi ức của bà Dawn
http://www.thanhnien.com.vn/News/Picture/NgocThanh/090109/p5a1.jpg Mỹ Liên lúc còn nhỏ - Ảnh do Công ty Motherland Heritage cung cấp C.Degenhardt đăng trên một tạp chí Mỹ, bà viết về Mỹ Liên như sau: "Trong thời chiến ở miền Nam Việt Nam, tất cả các điều kiện đều khắc nghiệt nhưng cũng có lúc xảy ra phép nhiệm mầu. Tôi còn nhớ máy bay đến phi trường Ohio vào một đêm tháng 8.1972, Mỹ Liên là đứa trẻ thứ nhì bước ra khỏi máy bay. Cô bé khá năng động, phản ứng nhanh và khi bị phật ý, lại đòi trở về Việt Nam". Và từ đó Mỹ Liên bắt đầu một cuộc đời mới, một quốc tịch mới với cái tên Joy Mỹ Liên Degenhardt. Trong hồi ức của mình, ông bà Degenhardt đều khen ngợi Joy là một đứa trẻ sáng dạ, thông minh và chăm chỉ. Trong vòng một tháng đầu sang Mỹ, Joy đã hiểu tất cả những gì cha mẹ muốn nói và bắt đầu nói được vài từ tiếng Anh. Rồi Joy đến trường, cô học trượt tuyết, múa ba lê, bơi lội, trượt nước và chơi rất giỏi môn bóng chày, bóng rổ, tennis. Đặc biệt, Joy có khiếu về âm nhạc.
Cô chơi thuần thục các loại nhạc cụ như piano, guitar, mandolin… Lên trung học, Joy ngồi thổi sáo ở ghế chính trong ban nhạc và thủ quân của đội túc cầu vô địch tiểu bang. 18 tuổi, Joy vào đại học. Cô học 2 năm chuyên ngành về trẻ em ở đại học Southern Maine. Sau đó Joy chuyển sang Đại học Hawaii ở Honolulu, khoa Kinh doanh và Quan hệ quốc tế.
Mẹ nuôi của Mỹ Liên là bà Dawn C.Degenhardt, người sáng lập tổ chức Maine Aid and Protection Services (MAPS) vào năm 1977. Đây là một tổ chức chuyên giúp đỡ trẻ em nghèo, bất hạnh trên thế giới. Bà đã được Chính phủ Mỹ và nhiều nước tặng thưởng huân, huy chương và nhiều giải thưởng khác nhau để ghi nhận công sức của bà trong lĩnh vực từ thiện nhân đạo. Đặc biệt là năm 1997, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã trực tiếp trao tặng cho bà giải thưởng Jefferson. Từ năm 1993 đến nay, bà Dawn và con gái, Joy Mỹ Liên Degenhardt đã hợp tác với Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội và UBND của 12 tỉnh thành của Việt Nam triển khai hàng loạt các dự án nhân đạo.
Sau 16 năm hoạt động, dưới sự chỉ đạo của bà, Joy Mỹ Liên đã triển khai và tài trợ hơn 7 triệu USD cho các dự án nhân đạo dành riêng cho trẻ em ở các tỉnh thành tại Việt Nam. Ông Edwin Degenhardt, chồng bà Dawn, là người đi đầu trong việc quyên góp tiền bạc, vật chất, khuyến khích vợ và các con về Việt Nam hoạt động nhân đạo. Ông bà không có con ruột nhưng đã nhận 9 người con nuôi là những đứa trẻ mồ côi trong các cô nhi viện của các nước, trong đó có 3 con nuôi người Việt Nam, Joy Mỹ Liên, David Vinh và Heather Kim. 9 người con của ông đều thành đạt trong cuộc sống và có vị trí cao trong xã hội.
"Mẹ ơi, mẹ ở đâu?"
Hồi nhỏ, Mỹ Liên thường được cha mẹ kể về Việt Nam. Trong trí tưởng tượng của cô lúc ấy, Việt Nam chỉ có đói nghèo và chiến tranh loạn lạc. Lớn lên, qua các phương tiện truyền thông, cô hiểu rõ hơn về quê hương xứ sở mình. Cô kể rằng, nhà cô có 9 anh chị em, đều là con nuôi nhưng rất thương nhau. Cứ cuối tuần, bố mẹ đưa 9 đứa đi chơi trên "ngôi nhà di động" của họ.
Ngôi nhà đó là một chiếc xe hơi rất lớn. Bên trong được trang bị đầy đủ từ bếp nấu ăn, bàn làm việc, bàn ăn, nhà vệ sinh, nhà tắm, còn ghế ngồi thì bật ra thành giường nằm, bấm lại thành ghế sofa và đầy đủ các tiện nghi khác như một ngôi nhà. Tới thăm địa danh nào, chị em cô bắt buộc phải viết bài cảm nghĩ hoặc viết về lịch sử của nơi đó, nộp lại cho bố mẹ. Ngoài những chuyến đi chơi chung vào cuối tuần, trong tuần, bố mẹ cô sẽ sắp xếp thời gian, luân phiên nhau dẫn từng đứa đi chơi riêng để hiểu rõ về tính cách riêng của từng đứa.
Mỹ Liên bảo rằng, bố mẹ nuôi của cô là những người tuyệt vời nhất trần gian. Đi tới đâu ai cũng khen nhà cô đông con mà được dạy bảo tốt, đứa nào cũng ngoan ngoãn, học giỏi. Nhưng cô bảo là người Mỹ dạy con khác người Việt. Để giúp con trẻ hiểu được giá trị cuộc sống, cha mẹ khuyến khích làm việc ngày từ nhỏ. Lên 10 tuổi, Mỹ Liên bắt đầu đi giao báo vào mỗi buổi sáng.
13 tuổi, chị em cô ra phụ lau bàn, làm bánh, đón khách trong các cửa hàng McDonald của gia đình mình. Cách quản lý con cái cũng khác, chị em cô sẽ được trả lương và được giữ một nửa để dùng vào những việc cần thiết như mua quà cho bạn bè và người thân nhân những dịp lễ, tết, sinh nhật, nửa còn lại bỏ vào tài khoản ngân hàng của mỗi cá nhân.
Cô còn nhớ mùa hè năm đó, cô và một đứa em vào trang trại nhổ khoai tây cho người ta. Công việc rất vất vả. Được hai tuần, hai đứa về nói với mẹ là không làm nữa. Mẹ cô nhìn hai đứa cười bảo rằng: "Mẹ muốn các con vào đó làm để biết người nông dân cực khổ như thế nào". Nhưng dù được bao bọc trong gia đình sung túc, Mỹ Liên vẫn luôn đau đáu nghĩ về Việt Nam. Cô biết ở đó có người mẹ ruột của mình đang sinh sống. Cô tự hỏi là mẹ cô đang ở đâu, bà có được sung sướng hạnh phúc không? Và khi ý thức được mọi chuyện, Mỹ Liên cố gắng học thật giỏi để đền đáp công ơn bố mẹ nuôi nhưng cũng là để có thể giúp quê hương Việt Nam sau này.
Hiểu được lòng Mỹ Liên, bố mẹ nuôi tâm sự rằng: "Tôi thương Mỹ Liên như chính đứa con tôi rứt ruột đẻ ra song tôi biết chắc, tôi không thể sống mãi với nó được. Càng lớn, Liên càng mong mỏi về Việt Nam tìm mẹ. Đó là một điều tốt. Vì cuộc sống của những đứa con tôi sẽ hạnh phúc biết nhường nào khi chúng có hai người mẹ". Theo dự tính, sau khi Mỹ Liên tốt nghiệp đại học, ông bà Degenhartd sẽ cho cô sang học tiếng Việt ở ĐH Stanford, California. Nhưng cô ngỏ ý muốn trở về Việt Nam làm việc và để tìm mẹ. Dù thương con thân gái dặm trường nhưng trước sự quyết liệt của Liên ông bà đành phải đồng ý.
Gặp những bà mẹ tìm con
Một ngày giữa mùa hè, Mỹ Liên nhận được lá thư đẫm đầy nước mắt của một người mẹ tìm con. Bà mẹ tên Thu, quê ở Ninh Thuận. Thời con gái, bà trót mang thai và sinh một bé gái. Bà đặt tên con là Mỹ Liên. Nhưng giữa những định kiến gay gắt của gia đình và chòm xóm, bà Thu không đủ can đảm để giữ con lại. Thế rồi bà ẵm con đem đi cho. Sau đó bà lấy chồng. Nhưng người mẹ khi đã lỡ cho con của mình thì tâm chẳng bao giờ bình an. Suốt cuộc đời bà sống trong ân hận, thương nhớ. Khi biết có một người con gái tên Mỹ Liên đang đi tìm mẹ, bà Thu nghĩ chắc chắn đó là con mình nên viết thư gửi cho cô. Đọc thư xong, Mỹ Liên tức tốc lên đường.
http://www.thanhnien.com.vn/News/Picture/NgocThanh/090109/p5a2.jpg
Ba người con nuôi người Việt của ông bà Degenhardt

Ninh Thuận những ngày giữa hè nắng như thiêu như đốt. Lần theo đúng địa chỉ ghi trong thư nhưng cả ngày trời cô vẫn không tìm được nhà bà Thu. Đến trưa ngày hôm sau, cô mới biết bà Thu đang sống ở vùng đồng bào người Chăm. Giáp mặt, Mỹ Liên và bà Thu nhìn nhau ngờ ngợ. Trong cảm giác của Liên, mẹ cô không giống như thế này. Cô ở lại Ninh Thuận một tuần nhưng vẫn không cảm nhận được tình mẫu tử. Thế nhưng khi chia tay, Mỹ Liên vẫn không ngăn nổi dòng nước mắt. Trở về Sài Gòn, cô lập tức lên kế hoạch ra Ninh Thuận xây nhà cho bà và trợ vốn giúp bà làm ăn, cải thiện cuộc sống.
Thất bại nhưng Mỹ Liên vẫn không bỏ cuộc. Bức thư của bà Nguyễn Thị Nhung ở Phan Thiết - Bình Thuận cũng có hoàn cảnh mất con tương tự. Mỹ Liên đích thân ra tận Phan Thiết để gặp mặt. Nhìn thấy Mỹ Liên, bà Nhung khóc ngất đi. Mỹ Liên cũng xúc động chẳng kém. Hình ảnh người mẹ đi tìm con luôn làm cô đau đớn. Nhưng kỳ lạ thay, dù họ quấn quýt bên nhau cả tuần, cô vẫn cảm thấy như hai người xa lạ. Thấy bà chưa tìm được con lại còn phải bươn chải để kiếm sống, Mỹ Liên càng xót xa. Cô đối xử với bà Nhung như mẹ và xây nhà cho gia đình bà rồi hỗ trợ vốn cho gia đình làm ăn.
16 năm ở Việt Nam, Mỹ Liên luôn di chuyển như thế. Cô lại tiếp tục xây nhà và giúp vốn cho một số bà mẹ mất con đang gặp khó khăn…

còn tiếp...

gioanha
16-01-2009, 11:57 AM
Món quà đặc biệt








http://www.thanhnien.com.vn/News/Pictures/anh-116847533.jpg

Nụ cười rạng ngời hạnh phúc của hai mẹ con
Ảnh do Công ty Motherland Heritage cung cấp



Từ ngày tìm được mẹ, Mỹ Liên sống trong lâng lâng hạnh phúc, một thứ hạnh phúc khó diễn tả bằng lời. Cô đang có một kế hoạch lâu dài để giúp đỡ trẻ em bất hạnh Việt Nam và để được ở bên mẹ ruột mãi mãi.
Chuyến hồi hương định mệnh
Và năm 1992, món quà tốt nghiệp đại học mà gia đình tặng Mỹ Liên là một chuyến về Việt Nam cùng với mẹ Dawn. Mẹ đưa cô tới thăm Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, mồ côi Thụy An, tỉnh Hà Tây. Năm 1993, Mỹ Liên trở lại Việt Nam lúc vừa tròn 24 tuổi, một thân một mình, không có bạn bè, không người thân thích. Dự án đầu tiên là kết hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh Hà Tây xây dựng cơ sở vật chất cho Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật Thụy An. Nhưng cuộc sống ở Việt Nam không đơn giản như cô nghĩ. Một cô gái quen với mức sống rất cao trong gia đình giàu có, lần đầu tiên chạm vào nỗi khó khăn của Việt Nam thời kỳ vừa đổi mới, làm cho Liên không khỏi băn khoăn.
Cô chưa giúp được gì cho những đứa trẻ giống cô, thông tin về mẹ cũng chưa có. Và Liên đã cho mình một cơ hội nữa. Cô bắt đầu vật lộn học tiếng Việt. Cô hòa mình vào cuộc sống của con người Việt Nam. Ngồi ăn vỉa hè, tập chạy xe máy và cô thấy có những phụ nữ thiệt thòi hơn cô, không có sức khỏe bằng cô, họ vẫn có thể chịu đựng được, vậy thì hà cớ gì mà cô phải bỏ cuộc. Bắt đầu từ đó, một mình Liên rong ruổi khắp nơi để xin triển khai các dự án. Và cũng từ đó nhiều người biết được hoàn cảnh của cô và có hàng trăm lá thư gửi về nhận cô là con. Mỹ Liên kiên nhẫn đọc tất cả thư và đến tận từng địa chỉ để tìm...

“Ông trùm tìm kiếm” vào cuộc
Hành trình tìm mẹ của Mỹ Liên lại tiếp tục trong 16 năm. Hàng trăm bức thư từ khắp cả nước vẫn đều đặn gửi về. Mỗi lần nhận thư, cô lại vội vã lên đường. Cô không dám bỏ qua trường hợp nào vì sợ tuột mất một cơ hội... Nhưng ở Việt Nam, cô gặp rất nhiều chuyện khiến cô đau lòng. Sang Việt Nam Mỹ Liên vẫn ở nhà thuê. Cô đã từng bị lừa lấy mất một căn nhà giá trị lúc đó khoảng 200 ngàn USD, vì cô nhờ một người đứng tên và sau đó thì bị “chiếm” mất. Cô đã từng kết hôn với một người Việt, nhưng khi chia tay, để giành được quyền nuôi con cô phải chấp nhận một cái giá phải trả là ra khỏi nhà với 3 cô con gái chỉ với năm triệu đồng tiền Việt Nam. Chưa hết, cô còn bị những nhân viên, trước nghèo khó, cô đưa về giúp đỡ và đào tạo nghề lại bỏ cô ra đi. Cô bảo bị mất tiền không tiếc, mất niềm tin mới làm cô đau đớn. Nhưng cô chỉ tiếc là với số tiền bị mất, cô sẽ có cơ hội giúp đỡ cho rất nhiều người kém may mắn.
Cô bảo là hết năm 2008, nếu không tìm được mẹ, cô và các con sẽ sang định cư tại Singapore, nơi chồng cô đang làm việc và sinh sống. Không muốn 16 năm tìm kiếm của cô trở thành công cốc, “ông trùm tìm kiếm” Lê Cao Tâm đã cùng nhân viên của mình là Nguyễn Thanh Tuấn vào cuộc. Họ đã hàng chục lần ra vào Khánh Hòa, nhờ Hội Chữ thập đỏ Khánh Hòa từ tỉnh xuống các huyện, phường, xã tập hợp hồ sơ của những phụ nữ từ 58 – 61 tuổi, bị thất lạc con gái rồi họ sẽ sàng lọc lại.
Và một lần nữa ra Nha Trang, anh Tâm và anh Tuấn đã gặp người đàn bà bán dạo trên bãi biển, từ đó lần ra bà Bùi Thị Lai Ninh, mẹ ruột của Mỹ Liên.

Tình thương của mẹ
Gặp chúng tôi, Mỹ Liên hồ hởi khoe là mẹ vừa gửi vào cho cô một thùng quà “đặc biệt”. Cô bảo đó là món quà đầu tiên cô nhận được từ khi về Việt Nam. Từ trước tới giờ, cô chỉ đi tặng những món quà cho người khác nhưng bản thân mình thì ít khi nhận được quà từ ai. Vì công việc nên mẹ con cô một tuần chỉ được gặp nhau vài lần. Nhưng ngày nào không gặp thì hai mẹ con cô gọi điện chuyện trò liên miên, cứ một chút là gọi, gặp chuyện vui thì Liên kể cho mẹ nghe, gặp chuyện buồn thì cả hai mẹ con cùng chia sẻ. Mỗi lần gặp nhau, hai mẹ con họ quấn quýt không rời nửa bước như sợ lơ là một chút là họ lại lạc mất nhau một lần nữa. Mỗi lần bà Ninh vào Sài Gòn, trước khi đi ngủ, bà đi quanh giường của 3 đứa cháu ngoại, kéo chăn đắp lên cho từng đứa, chứng kiến sự chăm sóc đầy tình yêu thương của người mẹ dành cho con mình, Mỹ Liên đã rơi lệ vì cô cũng thèm khát cảm giác đó mà hơn 40 năm nay chưa có diễm phúc được cảm nhận.

http://www.thanhnien.com.vn/News/Picture/HoangNam/2009/03/anh-3.jpg
Mỹ Liên và đại gia đình mẹ ruột chụp chung với bà bán dạo ngoài bãi biển (bìa trái)
Tuy sống ở hai nền văn hóa khác nhau nhưng mẹ con cô dường như không có một khoảng cách nào. 3 đứa con gái của Mỹ Liên cũng vậy. Ngày đầu tiên bà Ninh về nhà Liên, cô bảo đó là bà ngoại mà mẹ con cô lâu nay đang đi tìm. Ba đứa con gái của chị giành nhau ôm vai bá cổ bà. Không những thế, thằng con trai của Hiếu, cháu nội bà Ninh cũng quấn lấy Mỹ Liên và những người con của cô. 4 đứa trẻ lần đầu tiên gặp mặt mà chúng thân thiết, đối xử với nhau như những anh em đã từng sống chung nhà. Bà Ninh và Mỹ Liên rưng rưng cười mãn nguyện. Liên kể cho mẹ nghe cuộc sống của gia đình bên Mỹ. Bà Ninh kể cho con nghe về cuộc đời mình. Nhưng câu chuyện của hai mẹ con chẳng bao giờ dứt. Bà Ninh kể cho Liên nghe rằng, hồi đó bà gian truân vất vả lắm. Khi Hiếu mới được 4 tuổi thì chồng bà chết. Bà phải làm thuê đủ nghề mới có tiền nuôi con. Sau khi Hiếu lớn thêm vài tuổi, bà mua được một chiếc xe đẩy. Thế là hai mẹ con đẩy xe ra bãi biển bán trứng vịt lộn, nước dừa, cho thuê ghế bố. Dành dụm mãi bà mới mở được cái quán ăn P.B ngay sát biển. Nhắc tới tên quán, Mỹ Liên khóc nghẹn ngào vì tiếc nuối. Mười mấy năm nay, mỗi lần ra Nha Trang, cô đều đưa khách và gia đình mình vào quán P.B ăn, không ngờ chủ quán chính là người mẹ mà cô đang đi tìm.


http://www.thanhnien.com.vn/News/Picture/HoangNam/2009/03/anh-4.jpg
“Ông trùm tìm kiếm” Lê Cao Tâm áo đen, ở giữa

Lê Cao Tâm là con người khá đặc biệt. Hiện anh là Tổng giám đốc Công ty TNHH Mortherland Heritage, còn anh Nguyễn Thanh Tuấn là Giám đốc bộ phận du lịch của công ty này. Đây là một công ty chuyên tổ chức các tour về nguồn dành cho những người Việt Nam ở nước ngoài. Mười mấy năm nay, anh Tâm và anh Tuấn là cầu nối đoàn tụ cho hàng trăm trường hợp thất lạc.
Mỹ Liên bảo là ở cái quán đó có một cái gì rất đặc biệt mà cô chẳng giải thích được. Vì thế mỗi lần ra Nha Trang, cô phải ghé quán đó ăn cho bằng được. Nhưng cô không hiểu sao, một năm nay cô không còn thích thú ăn ở quán đó như trước nữa. Bà Ninh bảo là đã sang quán cho người khác, nay cũng tròn năm rồi. Bây giờ Mỹ Liên mới hiểu, đó không phải là sự ngẫu nhiên... Khi biết mình mang tên Bùi Thị Thu Thu, Mỹ Liên lại cảm thấy thêm một sự trùng hợp ngọt ngào. Vì chính cô cũng rất thích cái tên đó và cô cũng đã đặt cho một đứa con gái nuôi của mình tên Thu. Mỹ Liên tâm sự rằng, cô đã có kế hoạch để rời khỏi Việt Nam nhưng việc tìm thấy mẹ, khiến cô suy nghĩ lại. 16 năm ở Việt Nam, Mỹ Liên gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ như bị hiểu lầm, bị lợi dụng, đau khổ và cô đơn, cuộc sống của cô không có bạn bè đúng nghĩa. Hạnh phúc của cô là xem niềm vui của trẻ em mồ côi làm niềm vui cho mình. Sự thiệt thòi của cô nay đã được đền bù. Cô thấy việc tìm thấy mẹ như một định mệnh. Mỹ Liên cảm giác như quê hương muốn níu giữ chân cô và số phận cô không được rời bỏ quê hương và những em bé mồ côi Việt Nam một lần nữa. Liên sẽ tiếp tục làm việc nhân đạo để giúp đỡ những trẻ em mồ côi Việt Nam khác.

Bảo Thiên
nguồn THANH NIÊN