PDA

View Full Version : Chợ tết



NVN
18-01-2009, 09:47 AM
Chợ tết


Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà gianh,
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh,
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết.
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc;
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon,
Vài cụ già chống gậy bước lom khom,
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ,
Thằng em bé nếp đầu trên yếm mẹ,
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu,
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau.
Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa,
Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa,
Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh,
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh.

Người mua, bán ra vào đầy cổng chợ.
Con trâu đứng vờ dim hai mắt ngủ,
Để lắng nghe người khác nói bô bô.
Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ
Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán.

Một thầy khoá gò lưng trên cánh phản,
Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân.
Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm,
Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ.
Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ,
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau.
Chú hoa man đầu chít chiếc khăn nâu,
Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu.
Áo cụ lí bị người chen sấn kéo,
Khăn trên đầu đang chít cũng tung ra.
Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà,
Quên cả chị bên đường đang đứng gọi.
Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượi,
Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa.
Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha,
Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết,
Con gà trống mào thâm như cục tiết
Một người mua cầm cẳng dốc lên xem.

Chợ tưng bừng như thế tới gần đêm.
Khi chuông tối bên chùa văng vẳng đánh,
Trên con đường đi các làng hẻo lánh,
Những người quê lũ lượt trở ra về.
Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê,
Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ.

1939
ĐOÀN VĂN CỪ

NVN
18-01-2009, 09:48 AM
Chợ Tết trong thơ mới.

Nói đúng ra là chợ Tết trong thơ Đoàn Văn Cừ. Bởi chỉ ông, chỉ riêng ông mới là người ghi lại được hình ảnh một thời xưa của những phiên chợ Tết....
Những phiên chợ Tết, những hội xuân của làng quê xưa, những làng quê cổ truyền Việt Nam quả thật may mắn mà còn lưu lại được dáng nét trong thơ Đoàn Văn Cừ:
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon
Vài cụ già chống gậy bước lom khom
Cô yếm thắm che môi cười lẵng lẽ
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau
( Chợ Tết)
Đoàn trải dài vùn vụt giữa dòng sông
Người lố nhố chèo trên làn nước lạnh
Bọn đô vật trước đình thi sức mạnh
Mình cởi trần gân cốt nổi như lươn
Tiếng reo hò khuyến khích dậy từng cơn
( Đám Hội)
Một cụ già râu tóc trắng như bông
Mặc áo đỏ, cầm hương đi trước đám
Dăm sáu cụ áo mền bông đỏ sẫm
Quần nâu hồng, chống gậy bước theo nhau
Hàng ô đen thong thả tiến lên sau
( Đám cưới mùa xuân)
Những hình ảnh thật đầy màu sắc và hoạt động đến sống động. Nó dường như tự phân biệt với số lớn thơ của nhiều tác giả trong phong trào thơ mới trước năm 1945, nhìn chung là hướng ra đời sống thành thị, và hướng con người trốn náu thật sâu vào một cái Tôi riêng, cô đơn. Còn Đoàn Văn Cừ cùng những người thuộc xu hướng như ông Là Anh Thơ, Bàng Bá Lân, và quan trong hơn cả là Nguyễn Bính, lại muốn con người trở về, hoặc ở lại với nông thôn, với làng quê, trong những buồn vui xen kẽ và cả trong cái vui chung, dẫu hiếm hoi nơi đời sống cộng đồng. Hướng về cội nguồn, về cái chung của số đông, của sinh hoặt nhân quyền, lẽ tự nhiên là có cái ồn vui, và cả sự ấm áp:
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh
Người các ấp tưng bừng ra chợ tết
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc...
Cả những gam màu trong thơ tết của Đoàn Văn Cừ cũng là những gam màu nóng:
Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha
Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết
Con gà sống mào tham như cục tiết
....
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau
Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa
Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa
Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh.
Chợ là thế và chợ Tết càng thế. Đông hơn thường, vui hơn thường, và nhiều màu sắc hơn thường. Nhân quần trong thơ về chợ Tết của Đoàn Văn Cừ vẫn là một nhân quần trong sự mưu sinh, sự vật lộn với miếng cơm manh áo hàng ngày. Nhưng đây là phiên chợ Tết, phiên chợ cuối năm, phiên chợ của kết thúc năm cụ và mở đầu năm mới nên lại có gương mặt rạng rỡ và mang theo niềm vui, sự giao hoà, sự hưởng thụ, sự ngắm nhìn.... Cái đó chỉ có trong phiên chợ Tết. Đón nhận được thần sắc đó, ý vị đó, Đoàn Văn Cừ đã chuyển được vào bức tranh chợ Tết chỉ diễn ra có một lần trong năm. Và với những phiên chợ Tết trong thơ Đoàn văn Cừ, bức tranh quê Việt Nam trong lâu dài và chu chuyển của lịch sử bỗng trở lên vĩnh viễn.
Hoài Thanh trong thi nhân Việt Nam ở mục Đoàn Văn Cừ có nói đến “đồng quê” như là “nơi nương náu cuối cùng của dĩ vãng”, và lưu ý chúng ta cái sống động, cái hoạt động, cái “ dồi dào mà rực rỡ” sắc màu trong thơ Đoàn Văn Cừ. Đó quả là nét riêng làm nên thơ ông. Đọc thơ Đoàn Văn Cừ ta thấy ngay từ khi còn nhỏ, còn ở tuổi bám theo mẹ đi chợ Tết để sắm pháo. Gà đất, trống bỏi, ăn quà và gội vào cái nhộn nhịp của nhân quần, tôi thường buồn ngay sau cái vui, hoặc nói cách khác, thường thấm thía một nỗi buồn, có lẽ do được nhìn qua tâm thế một đứa trẻ thấy cuộc vui chóng qua, ngày vui ngắn quá:
Trên con đường đi các làng hẻo lánh
Những người quê lũ lượt trở ra về
Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê
Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ.
Cái buồn ấy không chỉ ngụ riêng nơi chợ Tết, mà còn lan sang những hội hè vào các tháng giêng, hai:
Người đi xem nhiều bọn đã ra về
Trên đường vắng lá đề rơi lác đác
Ốc xa rúc từng hồi trong xóm mạc...
Những “ lê thê”, “ tơi bời”, rồi “ lác đác”, và cả cái tiếng “ốc xa rúc” nơi “ xóm mạc” gắn với cảnh hoàng hôn sau cuộc vui kéo dài trong ngày tự nhiên vẫn cứ là cái phải đến, cái không cưỡng được, làm đọng lại biết bao là tiếc nuối.
Sau này lớn lên tôi mới hiểu: rốt cuộc thì khí hậu thời đại vẫn là cái không ai, không nhà thơ nào, kể cả Đoàn Văn Cừ thoát được. Bởi nó là nỗi sầu lớn của thời thế, nằm trong cảnh ngộ chung của dân tộc. Và là sản phẩm của con người khi mải miết chốn vào cái tôi riêng, trong cảnh ngộ chung ấy.

Phong Lê