PDA

View Full Version : LINH MỤC VÀ VIỆC RAO GIẢNG LỜI CHÚA



littlewave
18-01-2009, 11:02 AM
LINH MỤC VÀ VIỆC RAO GIẢNG LỜI CHÚA

Bạn có từng bao giờ nghĩ đến những khó khăn của các linh mục khi các ngài phải đứng trên bục giảng công bố những điều mà nhiều người không muốn nghe không?

Bạn có bao giờ để ý đến những áp lực mà các linh mục phải chịu đựng khi họ phải nêu lên những thách đố và chỉ ra những đòi hỏi cấp bách của Tin Mừng mà chính bản thân các ngài đang phải khắc phục, chiến đấu và đang cố gắng thực hành trong đời sống hàng ngày không?

Nhiệm vụ linh mục không giản đơn
Là răn là dậy là mở mồm
Nói thẳng, nói ngay và nói thật
Mấy người ưa thích và biết ơn?

Nếu bạn, dù chỉ một lần thôi, đã cảm thông và hiểu được rằng rao giảng và sống trung tín với Tin Mừng của Chúa là một thách đố lớn cho các linh mục thì tôi xin hết lòng cám ơn bạn. Xin bạn tiếp tục cầu nguyện và nâng đỡ các linh mục là những con người rất yếu đuối và là những bình sành rất mỏng manh và dễ vỡ.

Nếu bạn chưa bao giờ cảm thông với những nỗi khó khăn của các linh mục trong việc giảng dạy và làm chứng cho Tin Mừng, thì xin mời bạn, chúng mình cùng phân tích và nghiên cứu bức tâm thư của thánh Phaolô gửi cho Timothy. Hy vọng bạn sẽ hiểu rõ hơn về trách nhiệm nặng nề trong việc rao giảng Tin Mừng của các linh mục. Nếu được, xin bạn một lời nguyện cho các linh mục, nhất là vị linh mục chủ tế trong thánh lễ bạn sẽ tham dự vào Chúa Nhật sắp tới này.

Làm nhiệm vụ rao giảng rất khó khăn thưa bạn! Tại sao vậy? Bởi vì khi rao giảng, các linh mục và những thầy phó tế phải dựa trên Kinh Thánh để ngăm đe, khuyên nhủ, và dạy dỗ với tất cả lòng nhẫn nại… lên tiếng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện… phải thận trọng trong mọi sự, phải chịu đựng đau khổ… (2 Tim. 4:2). Bạn thấy có dễ ăn không? Căng đấy! Nhất là đối với những linh mục mà tuổi đời còn non trẻ, hoặc mới chịu chức, kinh nghiệm còn non nớt như tôi thì quả là một thách đố rất lớn.

Phó tế, linh mục hãy nghe đây!
Phải suy niệm Lời Chúa mỗi ngày
Rồi mới khuyên răn và giảng dậy
Gương mù, gương xấu phải chỉnh ngay!

Một linh mục đang làm quản nhiệm ở một vùng mà mỗi năm chỉ có độ vài tháng ấm áp tâm sự:

“Trong những tháng lạnh, bà con trong cộng đoàn của mình ai cũng thánh thiện đạo đức lắm ai cũng được gọi là trùm: ông trùm, bà trùm, cô trùm, cậu trùm, anh trùm, chị trùm, cháu trùm. Trùm từ đầu đến chân, chỉ còn hở ra hai con mắt. Thế nhưng mùa hè đến thì không chịu nổi, bà con ăn mặc rất là tự nhiên, quần đùi, áo thung, áo hai dây, ôi thôi đủ loại đến dự lễ Chúa Nhật.

Ðứng trên cung thánh mình lại tưởng mình đang ở ngoài bãi biển! Chia trí không chịu được. Có cả những vị thừa tác viên Thánh Thể và đọc sách Thánh cũng thích mát mẻ như vậy mới chết mình chứ! Mình nhắc nhở rất nhiều lần là bà con đến nhà thờ làm ơn ăn mặc cho đoan trang, lịch sự giống như là đi dự tiệc cưới. Nhưng nói hoài như nước đổ đầu vịt. Chẳng ai quan tâm cả! Lại còn có người gọi phone khuyên mình là khi dâng lễ, cha chú ý nhìn vào sách lễ đừng ngó xuống dưới thì bảo đảm cha sẽ không bao giờ bị chia trí?”

Quần ngắn, áo cụt hở hai vai
Hiên ngang đi lễ chẳng nể ai
Ði lễ mà giống như đi biển
Còn lên đọc sách, mặt quá chai!

Một linh mục khác chia sẻ với giọng hơi buồn buồn:

“Cứ đến lúc mình bắt đầu giảng là mấy ông và mấy cậu thanh niên kéo nhau ra ngoài hút thuốc. Nói riết mà không ai nghe, mình phải bỏ bục giảng dùng wireless microphone ra tận nơi đứng giảng. Tuần sau có lá thơ nặc danh chửi mình là linh mục mà thiếu lịch sự, thô lỗ và thiếu tế nhị!”

Thánh lễ lúc giảng một phần hai
Cho con mười phút “brake” thưa Ngài
Hút xong vài điếu đi lễ tiếp
Kính thờ Con Chúa Trời Ngôi Hai

Một người anh em linh mục khác nữa thổ lộ tâm tình:

“Bài giảng của mình lúc đầu được các bậc phụ huynh, các bậc lão thành khen ngợi và tán thưởng nhưng tụi trẻ lại không thích, phê bình rằng mình cổ lỗ sĩ, không chịu chêm tiếng Anh vào bài giảng cho tụi nó hiểu, không biết gì tâm lý của giới trẻ…Thế là lần sau mình cố gắng chêm một chút tiếng Anh vào trong bài giảng, mình kể chuyện, ca hát để thu hút các bạn trẻ thì những khẩu pháo cà nông của các cụ ông cụ bà, những người lớn tuổi bắt đầu xì xèo “Tây thì Tây hẳn, Việt thì Việt hẳn, nửa nạc nửa mỡ chẳng ra làm sao cả!”! Khổ thật, ở sao cho vừa lòng người, ở rộng người cười, ở hẹp người chê! Ông bà ta nói thật không sai chút nào cả!”

Giảng bằng tiếng Việt các cụ khen
Nhưng này! Giới trẻ phản đối liền:
“Unfair! Cha phải chêm tiếng Mỹ!”
Anh-Việt giảng rồi thấy rối beng!

Bạn thấy công việc rao giảng của các linh mục có nhiêu khê không? Chín người mười ý, được lòng người nọ thì mất lòng người kia. Rao giảng Lời của Chúa và nêu ra những thách đố và đòi hỏi cấp bách của Tin Mừng thì làm sao mà thính giả vừa lòng được.

Này nhé, không được gian lận trong việc khai thuế, xin housing, lãnh welfare, mua bảo hiểm; không được ly dị giả, làm hôn thú giả, không được phép ăn ở với nhau trước khi làm phép hôn phối… Rồi còn chuyện say sưa rượu chè, cờ bạc, hút xì ke, cá độ, phim ảnh dâm ô, ngừa thai, phá thai, bạo lực trong gia đình…toàn là TABOOS, toàn là những điều cấm kị, và rất tế nhị, nói xong là ra nhị tì liền. Vậy mà thánh Phaolô bắt các linh mục phải ngăm đe, khuyên nhủ, và dạy dỗ với tất cả lòng nhẫn nại. Phải nói toạc móng heo, nói hết sự thật, phải gào lên “Không được! Anh chị em là người Công Giáo, anh chị em không được làm như vậy!”

Cờ bạc, gian lận và xì ke
Taboos, nghĩ đến đã thấy tè!
Vậy mà Chúa bắt tôi công bố
“Hãy sống trung thực! Bỏ đam mê!

Nhiệm vụ rao giảng còn đòi hỏi nhiều kiên nhẫn lắm thưa bạn! Cho dù thiên hạ ghét bỏ, bà con bịt tai không thèm nghe, chê bai, tẩy chay và thậm chí bị trừng phạt kinh tế, bà con cúp viện trợ bằng cách không bỏ tiền giỏ nhà thờ nữa, các linh mục vẫn phải nói, phải kiếm cách xen vào trong những bài giảng của mình những cái người ta không muốn nghe hay không thích nghe. Hơn nữa phải tin tưởng và hy vọng rằng một ngày nào đó giáo dân của mình sẽ thống hối ăn năn và lắng nghe Tin Mừng, cải thiện đời sống.

“Thật vậy sẽ đến thời người ta không muốn nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường” (2 Tim. 4:3-4).

Công việc rao giảng là một thách đố rất lớn cho các linh mục nữa. Thánh Gregory Cả Giáo Hoàng trong lá thư gửi cho các linh mục, ngài nói như thế này:

“Tiến tới chức linh mục là nhận nhiệm vụ của người rao giảng Lời Chúa, rao giảng sự thật… Vậy làm linh mục mà không biết [hay không dám giảng] thì có khác gì người loan tin mà lại câm, liệu người đó sẽ kêu như thế nào? … Khi [các con] sợ không dám sửa lỗi và không dám quở trách những điều sai lỗi của đoàn chiên là lúc [các con] đang phỉnh phờ những kẻ phạm tội. [Các con] là những kẻ chăn chiên thuê!”

Bạn thấy có căng không? Đâu phải chuyện đùa!

Tôi rất đồng ý với nhiều anh chị em giáo dân là:

Linh mục phải bỏ thời gian dọn bài giảng và ý thức được công việc rao giảng là quan trọng.

Linh mục phải siêng năng đọc, học hỏi, nghiên cứu và trau dồi kiến thức về Kinh Thánh

Linh mục phải lắng nghe những phản ảnh của anh chị em giáo dân để bài giảng của mình mang lại lợi ích cho nhiều linh hồn hơn.

Thế nhưng, xin bạn nhớ dùm tôi hai điều:

Thứ nhất: Không phải cứ hễ làm linh mục là phải giảng hay, không nhất thiết phải ăn nói lưu loát, giảng thật hùng hồn mới làm linh mục được. “Lời nói thì lung lay, gưong lành thì lôi cuốn” có những linh mục giảng rất xoàng (giáo dân nói vậy) nhưng giáo dân thì rất yêu mến các ngài bởi vì những lời nói yêu thương, tế nhị, cách hành xử nhã nhặn, ôn tồn của các ngài là những bài giảng hay nhất và thu hút nhất (tôi nhận thấy).

Thứ hai: Thiên Chúa ban cho mỗi linh mục một món quà khác nhau như thánh Phaolô nói:

“Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ.29 Chẳng lẽ ai cũng là tông đồ? Chẳng lẽ ai cũng là ngôn sứ, ai cũng là thầy dạy sao? Chẳng lẽ ai cũng được ơn làm phép lạ,30 ai cũng được ơn chữa bệnh sao? Chẳng lẽ ai cũng nói được các tiếng lạ, ai cũng giải thích được các tiếng lạ sao?” (1 Cor. 12:28-30).

Bạn thân mến, công việc giảng dạy của các linh mục không giản đơn phải không bạn?

Nếu bạn đồng ý với tôi như vậy thì xin bạn hãy giúp tôi làm ba việc sau:

Cầu nguyện thường xuyên cho các linh mục, phó tế biết chăm chỉ học hỏi Kinh Thánh và suy niệm Lời Chúa để nhờ vậy các ngài sẽ được tràn đầy ơn Chúa, có đủ khôn ngoan, can đảm và chuẩn bị thật tốt bài giảng của mình.

Chú tâm nghe bài giảng của linh mục chủ tế trong cộng đoàn, giáo xứ của bạn, sau đó ghi nhớ một điểm xuất sắc rồi tìm cách khích lệ và động viên ngài sau thánh lễ hoặc gọi phone, hoặc email. Tùy bạn!

Kiên nhẫn với những linh mục mà bạn nghĩ rằng giảng chưa được tốt hoặc chưa đi sát với Tin Mừng.

Nếu bạn giúp tôi làm ba việc trên một cách đều đặn. Tôi cam đoan với bạn rằng

Bạn sẽ thấy món quà mà Chúa ban cho vị linh mục trong cộng đoàn hay giáo xứ của bạn.

Bạn sẽ thấy giá trị vô cùng quý giá của món quà mà Chúa trao cho vị linh mục ấy quản lý.

Bạn tin không?

Rev. Ansgar Pham Tinh (VietCatholic)

vũng_nước
19-01-2009, 04:44 AM
Bài này quá hay
Anh cho mình xin cái link gốc được không?

Cám ơn nhiều.

littlewave
19-01-2009, 07:30 AM
À, lit lấy tài liệu này trên web Dũng Lạc, xin gửi link cho bạn:

http://www.dunglac.org/index.php?m=home&v=detail&ia=281

DO BIEN THUY
20-01-2009, 12:59 AM
Hi
Tôi có ý kiến về bài viết trên :
- Tín đồ trong bất cứ 1 giáo xứ nào cũng không có một trình độ hiểu biết ngang nhau được : người đại học, người trung học, người tiểu học, và người không bao giờ đến trường học. Vậy nếu 1 vị linh mục muốn tín đồ nghe hiểu lời giảng của mình thì làm sao đây, nếu linh mục không phải là người đạt đến trình độ giác ngộ cao cấp như các bậc Thánh, các vị Đại Sư.......Nếu cứ giảng dậy như vậy hoài thì làm sao mọi người chấp nhận khi trình độ mỗi người khác nhau. Theo tôi nghĩ là phải thực tế hơn mới đúng: phải có diễn giảng riêng cho mỗi trình độ và phải có những lớp học tôn giáo riêng tại trung tâm của nhà thờ trong ngày chủ nhật cho mỗi loại người trình độ khác nhau
( thí dụ : Đức Thích Ca giảng cho đệ tử cao cấp khác, đệ tử bậc kém khác....sau đó các đệ tử này tùy trình độ lại đi dậy lại các người khác trình độ kém hơn, nghĩa là dậy hay giảng đều tùy theo lớp cao lớp thấp chứ không gom lại tất cả được . Kinh thánh cũng đã nói rõ ràng mà : Chúa Giêsu nói : trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ....)
-Theo tôi thấy hình như các linh mục VN có phần nào tự cao, coi tín đồ ai cũng như ai, giảng dậy sau Phúc âm thì coi mọi người cũng như là con trẻ cả hay sao ấy, muốn nói gì thì nói, trong khi đó tôi thấy nhiều người tín đồ trình độ đâu thua gì linh mục đâu mà cứ phải nghe giảng dài giòng, linh mục không trình bầy nổi kinh nghiệm chứng đắc của mình về đời tu hành, sự thể nghiệm của mình trong đời tu, mà chỉ giảng theo sách vở đã học, biết sao nói vậy thôi, chỉ biết làm theo chỉ thị của cấp trên thôi.
Một người tu hành chứng đắc, giác ngộ thì lời nói bình dân giản dị, dễ dàng diễn tả cho tất cả mọi người hiểu những giáo lý dù bất cứ trình độ nào, không cần phải nói nhiều.
Đức Mẹ khi hiện ra với tín đồ thì chỉ khuyên những điều giản dị : cải thiện đời sống (coi như là mình tu hành cho chính mình ), tôn sùng Trái tim Mẹ ( hiếu thảo coi Mẹ như là Mẹ ruột của mình vậy ), lần hạt mỗi ngày ( coi như thể hiện bổn phận làm người con với người Mẹ), chứ Đức Mẹ đâu cần phải nói quá nhiều đâu. Chỉ cần làm những điều giản dị này là chắc chắn bảo đảm lên Trời cùng Mẹ rồi, đâu cần phải nghe giảng dài giòng như các linh mục muốn người khác phải nghe theo mình đâu thì mới là 1 người tín đồ tốt.
Nói thẳng nói thật nếu có mất lòng cũng đành chịu.

DO BIEN THUY
22-01-2009, 02:13 AM
Hi
Tôi có ý kiến về bài viết trên :
- Tín đồ trong bất cứ 1 giáo xứ nào cũng không có một trình độ hiểu biết ngang nhau được : người đại học, người trung học, người tiểu học, và người không bao giờ đến trường học. Vậy nếu 1 vị linh mục muốn tín đồ nghe hiểu lời giảng của mình thì làm sao đây, nếu linh mục không phải là người đạt đến trình độ giác ngộ cao cấp như các bậc Thánh, các vị Đại Sư.......Nếu cứ giảng dậy như vậy hoài thì làm sao mọi người chấp nhận khi trình độ mỗi người khác nhau. Theo tôi nghĩ là phải thực tế hơn mới đúng: phải có diễn giảng riêng cho mỗi trình độ và phải có những lớp học tôn giáo riêng tại trung tâm của nhà thờ trong ngày chủ nhật cho mỗi loại người trình độ khác nhau
( thí dụ : Đức Thích Ca giảng cho đệ tử cao cấp khác, đệ tử bậc kém khác....sau đó các đệ tử này tùy trình độ lại đi dậy lại các người khác trình độ kém hơn, nghĩa là dậy hay giảng đều tùy theo lớp cao lớp thấp chứ không gom lại tất cả được . Kinh thánh cũng đã nói rõ ràng mà : Chúa Giêsu nói : trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ....)
-Theo tôi thấy hình như các linh mục VN có phần nào tự cao, coi tín đồ ai cũng như ai, giảng dậy sau Phúc âm thì coi mọi người cũng như là con trẻ cả hay sao ấy, muốn nói gì thì nói, trong khi đó tôi thấy nhiều người tín đồ trình độ đâu thua gì linh mục đâu mà cứ phải nghe giảng dài giòng, linh mục không trình bầy nổi kinh nghiệm chứng đắc của mình về đời tu hành, sự thể nghiệm của mình trong đời tu, mà chỉ giảng theo sách vở đã học, biết sao nói vậy thôi, chỉ biết làm theo chỉ thị của cấp trên thôi.
Một người tu hành chứng đắc, giác ngộ thì lời nói bình dân giản dị, dễ dàng diễn tả cho tất cả mọi người hiểu những giáo lý dù bất cứ trình độ nào, không cần phải nói nhiều.
Đức Mẹ khi hiện ra với tín đồ thì chỉ khuyên những điều giản dị : cải thiện đời sống (coi như là mình tu hành cho chính mình ), tôn sùng Trái tim Mẹ ( hiếu thảo coi Mẹ như là Mẹ ruột của mình vậy ), lần hạt mỗi ngày ( coi như thể hiện bổn phận làm người con với người Mẹ), chứ Đức Mẹ đâu cần phải nói quá nhiều đâu. Chỉ cần làm những điều giản dị này là chắc chắn bảo đảm lên Trời cùng Mẹ rồi, đâu cần phải nghe giảng dài giòng như các linh mục muốn người khác phải nghe theo mình đâu thì mới là 1 người tín đồ tốt.
Nói thẳng nói thật nếu có mất lòng cũng đành chịu.

kimlongdk
24-01-2009, 08:56 PM
Thật sự ra thì mình cũng nên cảm thông cho tất cả mọi linh mục, dù giảng hay giảng không hay. Có linh mục bất toàn thể hiện rõ từ hành vi mục vụ qua lời nói và hành động. Nhưng vì tôn trọng "thánh chức" cho nên có những giáo dân rất tốt "cố nén" ... cầu nguyện cho các ngài!
Có những giáo dân ít tốt hơn thì xì xầm... nhưng không cầu nguyện.
"Nói thẳng và nói thật" đôi lúc cũng là cái hay "thương cho roi cho vọt..." đối với những tệ trạng đức tin hiện nay của đoàn chiên.
Nhưng roi vọt lúc cần thiết, sự khuyên bảo, roi vọt và đời sống linh mục phải đi đôi. Linh mục phải là chứng nhân sống động, dù lời giảng không hay nhưng tính chính đáng của một đời sống tu đức được thể hiện sẽ được giáo dân kính trọng và thực hành đời sống Kitô hữu.
Giáo dân cũng có một phần trách vụ nâng đỡ và đóng góp những điều không hay của các Ngài trong tinh thần xây dựng. Nhất là cầu nguyện.
Xin đừng "đưa đẩy" để làm các Ngài trở nên hư mất, hoặc chống đối chia rẽ sẽ làm thương tổn đến chi thể Chúa Kitô.
Bài trên cũng là những chia sẻ của người làm linh mục, biết được như vậy chúng ta nên suy ngẫm, cảm thông và luôn cầu nguyện nâng đỡ, giúp các ngài trở nên một linh mục tốt nơi giáo xứ.