PDA

View Full Version : Nụ Hoa Trăng Trối



lanhvananh
20-01-2009, 07:13 AM
Câu chuyện mục vụ :

NỤ HOA TRĂNG TRỐI
Sáng nào cũng vậy, bắt đầu công việc cha Phước cũng đứng trước tượng Đức Mẹ cầu nguyện. Cha tẩn mẩn chỉnh sửa lại một vài nhánh hoa mà cha đã vội vã cắm vào bình chiều hôm trước. Những chùm bông huệ trắng muốt khoe nét tinh trong dưới ánh nắng đầu ngày rạng rỡ dưới chân Đức Mẹ. Cha thầm mong ước những chùm hệu trắng đó không bị lớp bụi nháp nhúa cuộc đời làm cho hoen úa.

Tượng Đức Mẹ được đặt cuối dãy hành lang của trung tâm mục vụ, cũng là nơi “văn phòng” riêng của cha Phước. Cha lặng lẽ đốt ba nén nhang, thành tâm cầu nguyện rồi cắm vào lư hương được đặt dưới cái bệ Đức Mẹ.

Bên trong cái bệ đặt tượng Đức Mẹ là những thai nhi vừa bị tước mất sự sống từ chính những người mẹ, người thân cùa mình. Các sinh linh này vừa được các anh chị trong nhóm Bảo Vệ Sự Sống mang về từ chiều hôm trước. Họ rong ruỗi đến các bệnh viện phụ sản, nơi “lò sát sinh” để xin được mang các em về chôn cất cho xứng đáng một con người. Cha Phước là người nhận những bọc thai nhi này rồi đặt vào trong cái bệ của tượng Mẹ qua một đêm, sáng hôm sau sẽ có một nhóm khác đến nhận và mang đi thiêu và chôn cất.

Các em bé vô tội này bị chính người mẹ ruột của chúng từ khước thì sẽ được Mẹ Ma-ri-a ôm lấy vào lòng mà dâng lên cho Thiên Chúa. Lúc mà các em rời khỏi cung lòng ấm áp, nơi của sự sống, nơi của tình mẫu tử, nơi của sợi dây linh thiêng nối kết tình mẹ con để đi vào sự chết thì các em sẽ có một người mẹ khác không bao giờ từ khước đứa con của mình ôm lấy các em, một người Mẹ đầy tình thương bao bọc, một người Mẹ với tất cả những tước hiệu đẹp đẽ nhất trên đời này có thể có đó là Mẹ Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa.

Trong cái đêm chết chóc ấy các em sẽ được che chở bởi tình thương xót của Mẹ Ma-ri-a, các em sẽ được nằm dưới chân của Mẹ, được nghe tiếng vỗ về yêu thương của người Mẹ hiền. Nếu các em chưa từng được nghe một lời nói yêu thương của người mẹ ruột của mình, chưa từng được một cái vuốt ve âu yếm thì giờ đây các em sẽ nhận được từ chính người Mẹ của cả vũ trụ bao la đất trời.

Ngước nhìn lên cha thấy ánh mắt của Mẹ tỏa ra nét dịu hiền ấm áp của tình thương nhưng cũng man mác nỗi buồn. Aùnh mắt ánh như rướm đầy lệ bởi đã chứng kiến bao cõi lòng tan nát của con cái mình. Bên cạnh tượng Mẹ là bàn làm việc của cha Phước. Nơi đây cha an ủi, tư vấn cho cho những người mẹ có ý định giết đi đứa con mà mình đang cưu mang vì rất nhiều lý do đau buồn khác nhau.

Những “người mẹ không mong đợi” này phần lớn đều rơi vào thế bị động buộc phải giết đi đứa con của mình. Có một tình mẫu tử thiêng liêng mà khởi thủy Thiên Chúa đã gieo vào lòng con người để không gì có thể nhổ đi được.

Tận chiều sâu của miền Đất Thánh ấy, con người vẫn cảm nhận được mối liên lạc thiêng liêng kia nhưng một mặt vẫn sẵn sàng dẫm nát vì những cái tôi tự tại của mình. Đằng sau tội ác của những “người mẹ không mong đợi” kia đều thấp thoáng sự man trá, độc ác của người đàn ông. Cả hai đều trần trụi như nhau sau khi đã ăn trái cấm và đều chạy trốn trước tiếng gọi của Thiên Chúa: “Con người, ngươi ở đâu ?” Tiếng gọi đánh thức lương tâm của Thiên Chúa hàng ngàn năm qua dường như vẫn còn rơi tõm vào hố sau chai đá của lòng người. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ hết hy vọng nơi con người. Nơi các thai nhi chuẩn bị ra đời đều chất chứa một mối hy vọng của Thượng Đế. Nơi các sinh linh bé bỏng kia, Thượng Đế vẫn gởi thông điệp tình thương của Ngài cho con người. Nếu con người xé nát “tấm thông điệp” kia, tức là xúc phạm đến chính Thiên Chúa.

Thủy là con của một gia đình đạo gốc. Bố từng là dân “tu xuất”. Nhiều ngừơi vẫn còn ngây thơ nghĩ rằng dân “tu xuất” là những người tương đối đạo đức, với quan niệm “không thành danh thì cũng thành nhân”, không làm được ông cha thì ít ra cũng là người đàng hòang. Cái ngây thơ này cũng giống như cái quan niệm sinh viên trường mỹ thuật hễ tốt nghiệp là thành họa sĩ. Để thành họa sĩ cần phải có tài năng. Để thành ông cha thì phải được Chúa gọi. Nhưng ông bố này từ khi làm thầy chẳng màng gì đến sự lắng nghe tiếng của Chúa. Ông ta thích nghe những tiếng động khác hấp dẫn và nhộn nhịp hơn nhiều. Ở Nhà Dòng mà lúc nào ông cũng mơ tưởng đến danh, lợi và lạc thú. Những thứ đó thì hoàn toàn ngược lại với lời mời gọi của Chúa. Hay cũng có thể ông vỡ mộng khi nhận thấy điều mình cần tìm ở đây không có.

Chẳng bao lâu, ông nhanh chóng rời khỏi nhà Dòng nhưng cũng không quên mang theo cái dáng vẻ lịch lãm, đạo mạo của một ông thầy. Với dáng vẻ đó, ông nhanh chóng chiếm được tình cảm của một cô gái thật thà đến mức tùng phục, nhưng thật ra là ông muốn chiếm cái địa vị giàu có của ông bà già vợ. Không mấy khó khăn ông đã đạt được cái đích mà mình nhắm tới: một gia đình có thế giá và đạo đức theo dáng vẻ bề ngòai. Mọi người nhìn vào ai cũng nghĩ đây là một gia đình hạnh phúc đáng ước mơ. Nhưng ngấm ngầm bên trong là sự tuân phục đến mức câm nín của vợ con. Cái máu gia trưởng luôn hừng hực sẵn sàng trào vọt lên đầu lên cổ của vợ con khi họ phản đối ý kiến. Vì thế, để gia đình luôn hạnh phúc êm ấm, mọi người trong gia đình phải tuân phục ông ta.

Con bé Thủy đến tuổi lấy chồng, ông khôn khéo chọn cho mình một chàng rể giàu có. Ông không cần biết con bé Thủy có yêu anh ta hay không, việc lấy chồng là việc của ông chứ không phải của con gái ông. Nhưng ở đời người ta thường nói “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Cái anh chàng họ Sở kia nhanh tay vớt đi cái quý giá của con gái ông trước khi kịp quăng cho ông ít tiền để lo hậu sự. Cô ta khóc nhiều cho sự ngây thơ dại dột của mình nhưng ông bố lại rất tỉnh táo nghĩ ngay đến việc phải giữ cho “thanh sạch” chính đứa con gái của ông cũng như cái gia đình vốn được tiếng là... đạo đức của ông. Ông nhẹ nhàng buông một câu nhưng đầy chất thép: “Con đừng khóc nữa, phải phá nó ngay !”

Thủy khóc van xin ông cho được giữ lại đứa con của mình. Ông lạnh lùng tuyên bố: “Mày muốn được ở lại trong nhà thì phải phá đi, còn không thì xéo !” Bà vợ nghe vậy, có cái gì đó cũng thức tỉnh sâu bên trong, thế nhưng bà cũng chỉ nói được một câu vớt vát: “Làm vậy có tội chết ông ơi !” Đến lúc này thì chẳng ai có thể làm thay đổi quyết định của ông chồng nữa rồi. Sau câu nói lặp lại ngắn gọn nhưng đầy uy lực: “Mày mà không đi phá thì không sống được với tao đâu con ạ !” Hai mẹ con ngậm ngùi dắt nhau tới nơi có thể gọi là “lò sát sinh”...

Tại đây, họ gặp được các anh chị trong nhóm Bảo Vệ Sự Sống đang đi nhặt lại “tình thương vụn vỡ của con người”, đó là những sinh linh vô tội về chôn cất. Họ đã khuyên mẹ con Thủy đừng làm nên tội ác. Sự khuyên bảo chân tình cùng lời cầu nguyện tha thiết đã có tác động đến mẹ con Thủy. Các anh chị đã đưa mẹ con họ về Nhà Dòng để cha Phước tiếp tục cho những lời khuyên đúng đắn. Hai mẹ con đã đồng ý không làm chuyện tội lỗi kia nữa, nhưng vẫn còn rất lo lắng với quyết định độc đoán của ông bố. Cha Phước an ủi: “Chị để tôi gọi điện cho ông ấy, có thể ông ấy sẽ thức tỉnh mà thay đổi quyết định”.

Sau khi nghe cha Phước trình bày qua điện thoại, ông chồng đáp lại bằng một giọng đầy mỉa mai: “Thôi mà cha ! Tôi cũng từng là dân đi tu đây mà. Mình biết nhau quá rồi. Cha cứ làm việc của cha, còn chuyện gia đình tôi thì... mong cha thông cảm !” Bà vợ cố nói để cha Phước vui lòng: “Con sẽ về nói chuyện lại với ổng, nhất định con sẽ giữ lại cái thai.” Đứa con gái tội nghiệp nói như van lơn: “Mẹ cố năn nỉ bố dùm con đi !”

Nhìn hai mẹ con ra về mà lòng cha Phước đầy lo lắng. Cha nói vói theo như thể sợ hai mẹ con quên mất lời dặn dò của mìnïh lúc nãy: “Chị nhớ gọi điện báo tin cho tôi biết đấy nhé !”

Hôm sau điện thọai vang lên, cha vội vàng chạy đến chộp ngay lấy ống nghe. Đúng là giọng nói của người mẹ nhưng sao quá ức nghẹn: “Xong rồi cha ơi !” Cha Phước không kềm chế được sự nôn nóng: “Chị nói xong là xong cái gì, nói nhanh lên đi !” “Nó đã phá xong rồi !” Cổ họng cha như có một vật gì cản lại đắng đót, uất ức. Mắt nhòa đi. Người mệt lả. Bên kia người đàn bà vẫn cố giải thích cho việc làm của gia đình mình. “Con ân hận lắm cha ơi, mẹ con con sẽ đi xưng tội”. Cha Phước cố nuốt cơn nghẹn lại, nói dứt khóat: “Tôi không còn gì để nói với chị cả. Bây giờ chị có đi xưng tội cũng không có cha nào dám giải tội cho chị cả đâu. Chị hãy dành một thời gian để suy nghĩ về hành động của mình. Chào chị !”

Với tay lấy chai nước, cha uống một hơi. Gục đầu xuống bàn đau đớn bởi những cố gắng của mình và mọi người trở nên vô nghĩa. Trong tâm trí cha vọng lên lời bài hát “Tưởng Niệm”của người nhạc sĩ quá cố tài hoa cô độc Trầm Tử Thiêng như tiếng thở dài buồn thảm trước một cuộc đời vừa đi qua. “Bàn tay làm sao níu một cuộc đời vừa đi qua.Ta mân mê cho đời nở hoa chợt bàng hoàng đến kỳ trăng trối...”

Một bông hoa chưa kịp nở đã đến kỳ trăng trối ! Một cảm giác đau khổ quá lớn lao vừa bị vụt mất một cái gì rất quý gía, đó là một sinh linh vừa đi qua trong cuộc đời. Một bàn tay không thể níu kéo nổi sự rạn nứt của lòng người để rồi chỉ có thể “ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời và hãi hùng hòang hôn chờ tới. Ta nghiêng vai soi lại tình người khi bóng chiều chìm xuống đôi môi”.

Người nhạc sĩ bạc phận kia chắc có lẽ đã cảm nghiệm chua chát cái lòng dạ lang sói của con người; nỗi hoảng sợ khi nhìn thấy sự u ám trong tình yêu khi con người đến với nhau bằng đôi môi gian dối, nhợt nhạt như bóng chiều tà. Lời cuối cùng của bài hát cứ lặp đi lặp lại như tiếng nấc của một linh hồn đang còn vất vưởng ở cõi hư vô: “Trong cơn đau một vầng nhang khói kéo ta về, về cõi hư vô”.

Cha Phước bước ra tượng Mẹ thắp lên vầng nhang cầu nguyện cho một linh hồn vừa đi qua trong cuộc đời được Chúa thương đưa về cõi phúc. Lời cầu nguyện hòa quyện trong vầng nhang thành kính sẽ được Mẹ Ma-ri-a chuyển cầu lên cùng Thiên Chúa để sinh linh kia không còn vất vưởng ở cõi hư vô, cũng là lời thức tỉnh cho con người. Ở bên dưới, nơi những nhánh hoa hệu dâng Mẹ có một vài nụ chưa nở đã hoé khô. Và ở trên cao kia, nơi ánh mắt nhân từ của Mẹ nhỏ ra một giọt lệ cô đặc như giọt máu bầm.

Tu Sĩ HOÀNG VŨ, DCCT

https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=4308
http://www.trungtammucvudcct.com/web/news.php?mode=theomuc&cid=13&cid_sub=131&start=20

xoicucnong
21-01-2009, 12:18 AM
Ôi, con người...thật sự xoicuc ko biet phai nói gì, chỉ biết rằng trong lòng xoicuc dang rat rat... bây h la 12h12am xoicuc dang nghe bài "Về cõi HƯ Vô" của cố nhạc sĩ Trịnh CÔng SƠn. Thật sự là xót xa khi 1 người "tu xuất" lại có thể dửng dưng với lời Chúa và Luật của Ngài như vậy, xin cầu nguyện cho linh hồn ấy!!!


GIêsu, Maria, Giuse con mến yêu, xin thương cứu rỗi các Linh Hồn Thai Nhi
GIêsu, Maria, Giuse con mến yêu, xin thương cứu rỗi các Linh Hồn Thai Nhi
GIêsu, Maria, Giuse con mến yêu, xin thương cứu rỗi các Linh Hồn Thai Nhi

lanhvananh
23-01-2009, 06:10 AM
Câu chuyện mục vụ :


BÌNH MINH LÚC NỬA ĐÊM

Lần đầu tiên tôi gặp anh, anh đang nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt. Hai mắt mở to thao láo nhìn tôi không một chút cảm xúc. Cửa miệng lở loét, môi bong ra những lớp thịt đỏ lòm. Hơi thở khò khè, đứt quãng. Thân hình khô quắt lại chỉ còn da bọc xương, như thể một thân cây khô héo rỗng ruột chỉ chờ một cơn gió nhẹ là đổ ập xuống.

Tôi nhẹ nhàng bước đến bên anh không một tiếng động. Cũng chẳng một lời hỏi thăm. Mà biết hỏi gì bây giờ ! Bỡi lẽ phần lớn những người nằm ở đây đều có một quá khứ vẫy vùng dọc ngang. Họ đều mang trong mình một mặc cảm khó diễn tả, khó có thể nói cho ai nghe. Tôi cũng không khuyên anh ráng chịu đau đớn bằng những lời động viên suông. Tôi lặng lẽ lấy dao gọt trái táo để trên bàn, cắt ra làm bốn miếng. Với cử chỉ ân cần, tôi đưa cho anh một miếng. Anh giơ cánh tay khẳng khiu đầy sẹo ra đón lấy, dấu chứng của không biết bao nhiêu lần tự mình cầm cây kim chích đâm vào. Ánh mắt bớt phần vô hồn. Tôi ra dấu bảo anh đưa các miếng táo còn lại cho những bệnh nhân nằm bên cạnh. Thoáng chút ngạc nhiên rồi khe khẽ anh gật đầu...

Lần sau gặp lại sức khoẻ anh có vẻ khá hơn nhờ sự chăm sóc ân cần của các soeurs. Tôi nghĩ rằng anh đã quên tôi, vì người ta sao có thể nhớ điều gì lúc chập chờn giữa cái sống và cái chết. Bây giờ anh có thể tự mình đi lại được dù những bước chân còn rất mệt nhọc. Tôi bước đến dìu anh ngồi xuống ghế đá, nở một nụ cười, tôi hỏi: “Anh còn nhớ tôi không ?” Một thoáng nhìn tôi, anh đáp: “Có phải hôm đó anh là người gọt táo cho tôi ăn ?” Tôi vui khi nghe anh nói vậy. Nhưng vui hơn vì trong ánh mắt anh nhìn tôi không còn ác cảm, thay vào đó là một chút le lói của lửa Niềm Tin.

Tôi quay sang hỏi anh: “Anh sinh năm nào ?” Anh đáp: “1977”. Tôi rao lên: “Ồ chúng mình cùng tuổi !” Nghe tôi reo to như vậy anh chỉ cười nhẹ. Nhưng trong cái cười nhẹ ấy tôi biết khoảng cách giữa chúng tôi đã rút lại rất gần. Tôi và anh có một dĩ vãng quá khác biệt nhau. Tôi đắm chìm trong câu kinh tiếng hát, anh say nồng trong men rượu lả lơi. Nhưng giờ đây những điều đó không còn là điều trở ngại để chúng tôi có thể nói chuyện và cảm thông nhau.

Thiên Chúa có muôn vàn cách để đưa con cái trở về với mình. Người thợ giờ thứ mười một vẫn xứng đáng lãnh nhận phần thưởng như người thợ giờ thứ nhất. Tôi gặp anh vào thời điểm muộn màng như buổi hoàng hôn. Nhưng mặt trời trước khi lặn vẫn rực sáng lên trên nền trời một vừng sáng lung linh kia mà. Ngọn nến trước khi tắt vẫn phực cháy lên một ánh lửa rạng ngời. Trong cái lung linh của ánh sáng cuối ngày, trong cái rạng ngời của ánh lửa trước lúc tắt, ẩn chứa một sức sống mãnh liệt sâu xa. Cái trương độ đó là điều mà Thiên Chúa gieo vào lòng con người để con người thấy rằng trở về với Ngài không bao giờ là điều quá trễ. Để con người không mặc cảm vì biết rằng mình có thể dâng lên Ngài phần quý giá của sự sống...

Những lần sau tôi và anh nói chuyện với nhau thường xuyên hơn. Vừa sinh ra đời anh đã không biết cha mẹ mình là ai. Người ta bỏ anh vào một cô nhi viện. Tuổi thơ của anh ở đó quá khắt nghiệt. Thiếu tình thương thừa thủ thế. Không chịu nổi sự lạnh lùng của bức tường cô nhi, 9 tuổi đầu anh đã vượt tường ra ngoài. Dĩ nhiên là gia nhập vào nhóm bụi đời lang thang hè phố. Những trò móc túi, cướp giật anh thành thạo như bà nội trợ lựa bó rau, con cá. Tội lỗi của anh cứ lớn dần và nguy hiểm theo tuổi đời và sự từng trải.

Lần đầu tiên được đưa vào trong bốn bức tường xám xịt, khô khốc hơn cả bức tường cô nhi ngày xưa, anh có phần sợ hãi. Nhưng vào nhiều quá lại đâm ra thường. Thiếu nó lại cảm thấy nhớ. Vì mỗi lần vào lại thêm chiến tích giang hồ của mình. Chiến tích đó được đánh dấu bằng một hình xăm. Xăm càng nhiều, “số má” giang hồ càng lớn. Sau khi ra tù lại có nhiều đất để dung thân. Giờ đây trên người anh đầy những hình xăm. Tôi chú ý một hình xăm có phần biểu tượng. Nó được xăm bằng các dấu: “+ - X : ?” Tôi hỏi anh: “Hình đó mang ý nghĩa gì vậy ?” Anh hăng hái đọc cho tôi nghe một bài thơ:

“Cộng với đời muôn vạn niềm tin
Trừ đi những gì ta đã mất
Nhân lên với tình yêu chân thật
Chia đều cho hạnh phúc mai sau
Hỏi cuộc đời có phải vậy không ?”

Nghe anh đọc xong tôi tấm tắc khen anh làm hay. Anh cười đáp: “Không phải của tôi nhưng thấy nó hay thì học lại từ người bạn tù”. Hoá ra trong cái vẻ ngoài “dao búa” của giới giang hồ vẫn có những lúc dành cho phần lãng mạn. Chính lúc đó họ trở về với con người hiền lành chân thật của mình mà cuộc đời đen tối nhiều lúc đã che lấp đi. Một lúc nào đó trong con người của họ cũng tràn đầy niềm tin với cuộc đời này. Một lúc nào đó họ cũng khát khao một tình yêu chân thật.

Nhưng hỡi ôi ! Trần gian vốn là mộng, say mộng hay tỉnh mộng cũng là mộng mà thôi ! Vì là mộng nên không bao giờ là trọn vẹn. Nó cứ vỡ vụn ra. Một chút niềm tin vừa được thắp lên trong đời đã bị những nhát búa man trá bổ cho tan nát. Một chút tình yêu chân thật vừa mới được nhen nhúm đã bị sự băng giá của con tim dập tắt. Mọi nẻo rẽ vào cuộc đời của họ dường như bị đóng kín bởi lòng người quá chật hẹp.

Cuối cùng là một câu hỏi hiện sinh được thốt lên như một tiếng thở dài buồn thảm: “Hỏi cuộc đời có phải vậy không ?” Câu hỏi đó vẫn chưa được người phàm nào trả lời, vẫn cứ còn treo lơ lửng trên đầu con người như một sự thách thức trước những số phận mong manh.

Anh lại trầm buồn kể cho tôi nghe tiếp về cuộc đời của mình: “Anh có biết không, khi đã nghiện ma tuý rồi bằng mọi cách phải có thuốc để chích dù làm bất cứ việc gì”. Tôi ái ngại hỏi anh: “Có khi nào anh hối hận về việc làm của mình chưa ?” Anh cúi đầu trả lời: “Có lần chúng tôi lừa lấy chiếc xe đạp của một anh sinh viên đang ngồi trên ghế đá công viên học bài. Khi chúng tôi đi xa, anh ta mới phát hiện, rồi chạy theo cầu cứu. Chúng tôi thấy một chân của anh ta bị bại liệt. Nếu biết anh ta bị bại liệt mình đâu nỡ lấy.”

Tôi tiếp tục hỏi anh: “Vậy anh có biết mình bị nhiễm HIV lúc nào không ?” Anh bình thản trả lời: “Lúc đó chúng tôi chơi chung với nhau. Năm người chung một ống. Trên ống có mười đốt ( mỗi đốt cao 1cm ), mỗi người chích hai đốt. Chích xong còn giấu cây kim đi để lần sau quay lại lấy ra chích tiếp. Nhiều khi quay lại đã thấy mũi kim đã bị rỉ sét, nhưng vẫn cứ lấy chích. Rồi cũng không biết thằng nào lây cho thằng nào.”

Rồi đến lúc không còn sức để mà trộm cướp, anh nằm ngoài đường vật vã chờ cái chết đến trong nỗi cô đơn và tuyệt vọng. Nhờ sự yêu thương của các soeurs, anh được đưa vào đây để chờ cái chết cho xứng với nhân phẩm. Nhưng từ từ sức khoẻ của anh được hồi phục lại. Anh thấy cuộc đời này còn có một ý nghĩa gì đó hơn là cây kim tiêm. Anh thấy phía sau vẻ hiền hậu, phục vụ ân cần của các soeurs có một sức mạnh nào đó thúc đẩy đến nỗi các soeurs hy sinh cả tuổi xuân của mình để lo cho những người không đáng được yêu thương như anh. Và anh đã nhận ra được bóng dáng của một vị Thiên Chúa từ nhân hằng yêu thương và chờ đợi anh quay về với Ngài.

Những ngày gặp tôi, anh mong mỏi tôi nói cho anh nghe về một vị Thiên Chúa mà anh đã thoáng mường tượng ra trong trí não. Tôi không nói với anh gì nhiều về Ngài, đơn giản tôi chỉ nói: “Thiên Chúa rất yêu thương anh, Ngài đang chờ đợi lời đáp trả của anh đó.” Ánh mắt anh sáng hẳn lên: “Khi nào thì tôi được rửa tội ?” Tôi mỉm cười đáp trả: “Anh sắp được rồi đó.”

Thánh Lễ đêm vọng Phục Sinh ở đây diễn ra thật trang nghiêm, cảm động. Mỗi người trên tay cầm nến Phục Sinh rước từ Phòng Hài Cốt đến Nhà Nguyện. Con đường như lung linh ấm áp hẳn lên so với cái lạnh lẽo của ngày thường. Trên bầu trời những vì sao đang nhảy múa như hoà chung lời hát: “Đêm cực thánh”. Đêm nay anh mặc một chiếc áo trắng rất đẹp, trên tay lại cầm một ngọn nến sáng như một cuộc đời mới đang mở ra đối với anh. Đêm nay cũng là đêm anh chịu Bí Tích Thánh Tẩy.

Mặc dù sức khoẻ anh lúc này rất yếu nhưng niềm vui tràn ngập trong tâm hồn đã làm lu mờ đi nỗi đau của thể xác. Thánh Lễ dài nhưng anh tham dự rất sốt sắng như thể dồn hết sức của mình để tham dự một Thánh Lễ sẽ đưa anh vào cõi vĩnh hằng. Bỗng nhiên tôi chợt nghĩ, đêm nay có một... mặt trời đang mọc lên...

Thời gian sau, bận công việc tôi không ghé thăm anh. Xong việc, tôi lên thăm thì nghe tin anh đã ra đi. Tôi đi xuống Phòng Hài Cốt thắp cho anh nén nhang. Bất giác tôi nhớ lại con đường này, con đường mà ngày nào tôi và anh cùng rước nến Phục Sinh. Cũng qua con đường này mà anh đã đi vào một con đường đưa anh về Nước Thiên Chúa. Giờ này chắc anh đang vui vầy với các Thần Thánh trên Thiên Đàng.

Riêng tôi, tôi vẫn còn phải đi trên con đường của riêng mình. Nhưng tôi biết, tôi sẽ không lạc lối vì có Chúa cùng đồng hành với tôi và có anh nữa, mặt trời mọc giữa đêm soi đường cho tôi...

HOÀNG VŨ, Học Viện DCCT

teresaMK
23-01-2009, 07:43 AM
trời ơi...hay quá...
câu truyện đầu gióng lên hồi chuông báo động về nhân cách con người, nhưng bài thứ hai lại là một câu chuyện hay về lòng yêu thương, bác ái.
Ý nghĩa quá....
Thích lắm....

littlewave
23-01-2009, 02:34 PM
Riêng tôi, tôi vẫn còn phải đi trên con đường của riêng mình. Nhưng tôi biết, tôi sẽ không lạc lối vì có Chúa cùng đồng hành với tôi. https://thanhcavietnam.net/ThanhCaVN/#Play,3571


Dấu Chân Trên Cát

Trần Phong Vũ (dunglac.net)

Rồi một đêm hồn chìm trong cơn mộng,

Gã thấy mình trên bãi biển hoàng hôn.

Và ô kìa, NGƯỜI lặng lẽ đi bên,

Dấu chân nhẹ in hằn trên cát trắng.

Gã nhìn lại triền cát dài thăm thẳm,

Bốn dấu chân thầm lặng vẽ song song.

Tiếng reo vui òa vỡ ở trong lòng,

Gã hồi tưởng những năm dài quá khứ.

Xuôi ngược giòng đời, hồn trôi lữ thứ,

Luôn có NGƯỜI kề cận khắp nơi nơi.

Suối yêu thương tuôn chảy chẳng hề vơi

- Ta ở bên con cho đến cùng cõi thế.(*)

..........

Trên áng mây trời hằn lên những dấu chân lặng lẽ,

Vẫn ruổi rong bên gã những ngày xa.

Từ thuở ấu thơ qua những năm tháng ngọc ngà,

Đang hiển hiện trên ráng trời rực rỡ.

Nhưng mà, - Tại sao? Gã băn khoăn tự hỏi,

- Trên bức tranh tô vẽ lại cuộc đời,

Bốn dấu chân nhiều lúc chỉ có hai?

Trong câu hỏi gã nghe buồn man mác.

Ngước trông NGƯỜI, gã buông lời chua chát,

- Phải chăng Thày từng hứa hẹn cùng con,

Luôn ở bên con dù biển cạn non mòn?

NGƯỜI quay lại khẽ gật đầu không nói.


Gã trai trẻ buồn rầu cay đắng hỏi:

- Dạ thưa Thày, Thày nói chẳng xa con,

Thế tại sao trong giây phút mất còn!

Trong lúc khổ đau! trong cơn túng ngặt!

Lại là lúc con thấy Thày vắng mặt,

Để mặc con chống trả với ưu phiền?

NGƯỜI trầm ngâm nhìn gã vẻ ngạc nhiên.

Trong khi gã ngó trời vươn tay chỉ,

- Dạ thưa Thày, xin Thày quan sát kỹ,

Những dấu chân tỏ hiện ở chân mây,

Biết bao phen con chỉ thấy có hai!

Nhằm những lúc con sống trong đơn độc,

Trong đau thương, trong nhọc nhằn tang tóc!

Thày bỏ con trơ trọi giữa giòng đời,

Với mưa chiều, với sương sớm lẻ loí!

Vậy mà Thày bảo: Thày thương con quá đỗi?

.........

Từ nãy giờ NGƯỜI lặng thinh không nói,

Lắng nghe lời trách móc của chàng trai.

Rồi hiền từ NGƯỜI thầm nhủ bên tai:

- Con yêu dấu, con đừng than trách nữa,

Tự nghìn xưa như Thày hằng đoan hứa,

Mãi yêu con như vũ trụ trăng sao,

Như đại dương như sóng cả dạt dào.

Vì quá yêu con Thày cam đành chịu chết!

..........

- Và này con, dường như con chưa nhận biết,

Những dấu chân đơn lẻ ở chân mây,

CHẲNG PHẢI CỦA CON, NHƯNG CHÍNH CỦA THÀY,

VÌ LÚC ẤY CON LAO ĐAO QUỴ NGÃ,

NÊN THÀY ẴM CON TRÊN VAI,

.......... VÀ MỘT MÌNH BƯỚC ĐI TẤT TẢ

lanhvananh
24-01-2009, 07:14 AM
Câu chuyện mục vụ :


TIẾNG HÓT VỤT TẮT GIỮA TRỜI XANH


Khi hai mẹ con chị được đưa về đây, tôi thấy họ lặng lờ như một bóng ma. Người mẹ có gương mặt xương xẩu, hai mắt sâu hoắm mờ đục. Không thể đoán được người mẹ bao nhiêu tuổi. Ba mươi hay bốn mươi ? Mà người ta làm sao có thể biết được tuổi của “ma” bao giờ ! Họ không cười, không nói, không cảm xúc... Hay khi người ta đi tới tận cùng nỗi khổ đau thì người ta không còn có thể thốt lên được bằng lời, bằng cảm quan ! Nỗi khổ đau cứ dồn ứ lại trong tim gan, trong mạch máu. Nó khô đặc và đóng cứng lại. Chỉ còn có thể hắt ra được những tiếng thở dài vừa đứt quãng vừa thê lương. Bao lâu rồi tiếng thở dài ấy bị mất hút vào bóng đêm ? Chẳng ai nghe thấy tiếng thở dài ấy của người mẹ. Tiếng thở dài vọng lại cả một kiếp người đau khổ, tủi nhục.


Chị sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Ba Chúc, một làng giáp biên giới Campuchia. Mảnh đất của dấu tích tội ác chiến tranh và lòng căm thù cao ngất trời. Trong một đêm kinh hoàng của cuối thập niêm 70, bọn diệt chủng Pôn Pốt đã tràn vào mảnh đất này. Chúng giết sạch tất cả những người trong làng. Cái đêm định mệnh đó đã phơi bày tất cả lòng dạ lang sói của con người đến tột cùng. Trong đêm đó tiếng kêu la của những người dân vô tội bị giặc dùng chày gỗ đập vào đầu nghe rờn rợn, khô khốc, đã ám ảnh mãi trong lòng những người may mắn sống sót. Sau khi đã bình địa trong một đêm, chúng rút đi để lại hàng trăm xác chết không toàn thây nằm ngổn ngang thành từng đống.


Sau đó người ta lập một bàn thờ và mồ chôn tập thể lộ thiên ngay tại nơi xảy ra thảm hoạ. Hàng trăm bộ xương trắng hếu, lỗ mỗ cứ bày ra trước mắt người dân càng làm tăng thêm lòng căm thù hừng hực đã sẵn trong người họ. Bên cạnh mồ chôn lộ thiên là một phòng trưng bày tộâi ác chiến tranh. Nơi đây bầy ra những khí giới ghê sợ mà bọn giặc đã sử dụng và những bức ảnh chụp các xác chết không toàn thây. Có những bức chụp các thi thể loã lồ của những phụ nữ bị hiếp dâm rồi giết chết... Vong hồn của những người chết không yên và người sống cũng lo âu thấp thỏm.


Tuổi thơ của chị quá quen thuộc với những hình ảnh rùng rợn này. Quen quá lại đâm ra thường. Tuổi nhỏ chị ngồi nhặt hài cốt như thể các trẻ em khác chơi trò xốc đũa hay ô quan. Cứ thế chị lớn lên trên mảnh đất này như một thứ cây cỏ vô hồn.


Ở đây mỗi khi chiều xuống, nắng tắt dần dần chỉ toàn là ánh vàng pha sắc tím. Hoàng hôn không như những nơi khác, nó u hoài mênh mông, rớt xuống như một dấu lặng trầm mặc của cuộc đời. Đêm về trong cô tịch u uất. Đôi khi giữa những đêm thanh vắng người ta nghe thấy những tiếng rên khóc, gào thét của những linh hồn chưa được giải thoát và những tiếng chó sủa ma. Những tiếng gào thét bi ai đó, cứ chập chờn lúc xa lúc gần rồi lại lọt thỏm vào giữa bóng đêm. Vì thế ở đây khi hoàng hôn tắt, đêm dần buông, người ta thường ở trong nhà không dám ra đường. Điều đó càng tăng thêm vẻ ảm đạm ghê người. Trong một đêm có việc khẩn cấp phải ra đường, chị đã bị cướp đi phần quý giá nhất của người con gái...


Mảnh đất của tội ác và lòng căm thù đó không hiểu sao chẳng hề đem lại được hoa màu tươi tốt. Phải chăng từ khi máu của những oan hồn đổ ra đây, đất đai trở nên khô cằn. Hay tại lòng căm thù của những người còn sống quá lớn đến nỗi họ không còn chú tâm gì đến chuyện cày cấy. Người dân ở đây rất nghèo. Mùi nhang khói, nỗi u uất cứ luôn phảng phất trên từng khuôn mặt khiến họ đâm ra lạnh lùng nhợt nhạt.


Không thể sống được nơi mảnh đất “lắm ma nhiều quỷ” này, chị trôi dạt qua Campuchia để kiếm sống. Rồi chị cũng lấy chồng mà không hề biết thế nào là tình yêu. Chồng chị không hề yêu thương gì chị. Anh ta lấy chị chẳng qua chỉ là “xả” những xung năng của dục vọng đã dấy lên trong con người ta. Thời gian sau anh ta chết vì bệnh AIDS để lại cho chị một đứa con...


Trong những ngày tháng đón chờ cái chết ở nơi này, chị được nghe nói về tình thương, lòng nhân từ và ơn tha thứ. Những khái niệm này quá mới mẻ và xa lạ với chị. Bởi lẽ cuộc đời của chị có bao giờ được người ta yêu thương đâu. Chỉ toàn là chiếm đoạt, lợi dụng, xô đẩy và dập vùi.


Chị nằm trong căn phòng có treo hình Thánh Giá ngay trước mặt. Ngày ngày chị nằm ngước mặt nhìn lên đó, điều này đã gợi lên trong chị bao vấn nạn về cuộc đời. Vì sao con người ta phải đau khổ, phải chết chóc và còn lại gì sau cái chết đầy tủi nhục bi ai này không ? Con người Giê-su, là Thiên Chúa bị treo trên cây gỗ đó, đã mang lấy tất cả nỗi khổ đau, nhọc nhằn của kiếp người. Ngài đã đi đến tận cùng nỗi khổ đau bằng một cái chết thê lương. Để rồi từ trong cõi chết Ngài đã phục sinh và thổi một luồng sinh khí Ơn Cứu Độ đến cho toàn thể nhân loại.


http://www.trungtammucvudcct.com/web/images/hinhtintuc2006/e_281_3.jpgKhi con người bị đẩy tới tận cùng của nỗi đau khổ và tuyệt vọng lại là lúc Thiên Chúa biểu lộ vinh quang của Người hơn cả. Những tiếng thở dài tuyệt vọng của những con người đau khổ như chị không còn rơi vào đêm tối hư vô nhưng đã được lắng nghe bằng chính trái tim yêu thương của Thiên Chúa. Những tiếng kêu than của họ giờ đây hoà với tiếng kêu của Chúa Giê-su trên thập giá khi Ngài trút hơi thở cuối cùng, đã viết nên một bản nhạc tình. Bản nhạc tình đó ru hồn con người đi vào trong cõi hạnh phúc đời đời bên Thiên Chúa.


Từ từ nhờ ơn Thiên Chúa và tình thương chân thành của những người xung quanh, chị đã nhận ra được Ơn Cứu Độ mà Thiên Chúa sẽ ban cho cuộc đời chị. Ở đây, mỗi đêm về, chị không còn nghe thấy những tiếng kêu than oán trách văng vẳng trong đầu nữa, mà thay vào đó là những lời kinh tạ ơn và những bài hát thánh ca nâng tâm hồn người ta lên gặp gỡ Thiên Chúa. Rồi một ngày, chị đã ra đi trong bình an thanh thản sau khi đã lãnh nhận các phép Bí Tích...


Nắng đã lên, trời cao và trong xanh lồng lộng. Cái nắng đầu ngày trải dài xuống những dãi lụa vàng ấm áp. Trên cành cao bày chia sẻ đang hót véo von đón chào ngày mới. Chúng vừa bay về đây để tránh bão.


Các em bé ùa ra sân để hít thở không khí trong lành trong ánh bình minh. Từng gương mặt ngây thơ, dễ thương đang hứng lấy khi trời trong mát. Các em hồn nhiên huơ tay, múa chân và cười nói ngân vang. Nhưng ẩn đằng sau những gương mặt hồn nhiên dễ thương ấy là một dòng máu chết đang luân chuyển.


Bé trai vừa mất mẹ cứ đứng ủ rũ, không chịu ra sân chơi chung cùng các bạn. Khi mẹ em còn sống, lúc nào em cũng quấn quýt bên mẹ. Tôi bước đến bên em và nói: “Con ra chơi chung cùng các bạn đi”. Em ngước mắt chầm chậm nhìn tôi rồi đáp: “Con nhớ mẹ”. Rồi em ngây ngô hỏi tôi: “Mẹ con đi đâu rồi hả thầy ?” Tôi ngước mắt lên trời rồi chỉ: “Mẹ con lên trên trời đó.” Em nhìn theo hướng tay tôi chỉ rồi hỏi tiếp: “Sao con không thấy mẹ con trên đó ?” Tôi nài nỉ nói với em: “Mẹ con đang ở trên đó, mẹ con đẹp như một thiên thần.” Em lại ngước mắt nhìn lên lâu hơn. Lần này, tôi cầu mong có một dấu lạ nào đó xảy ra nơi em bé đáng thương này. Nhìn một hồi, em chợt reo lên: “A ! con thấy rồi, mẹ đang bay qua bay lại trên Trời !” Tôi hoảng vía nhìn theo hướng tay em chỉ nhưng chẳng thấy gì ngoài bầu trời trong xanh.


Bỗng có một cơn gió mạnh thổi đến. Bày chim sẻ đang hót véo von trên cành chợt bay vụt lên cao. Tiếng hót của chúng đứt quãng giữa bầu trời...


Tu Sĩ HOÀNG VŨ, DCCT, 8.2006

lanhvananh
24-01-2009, 11:46 AM
"Từ từ nhờ ơn Thiên Chúa và tình thương chân thành của những người xung quanh, chị đã nhận ra được Ơn Cứu Độ mà Thiên Chúa sẽ ban cho cuộc đời chị. Ở đây, mỗi đêm về, chị không còn nghe thấy những tiếng kêu than oán trách văng vẳng trong đầu nữa, mà thay vào đó là những lời kinh tạ ơn và những bài hát thánh ca nâng tâm hồn người ta lên gặp gỡ Thiên Chúa. Rồi một ngày, chị đã ra đi trong bình an thanh thản sau khi đã lãnh nhận các phép Bí Tích..."

Chút tâm tình chia sẻ :

Tác giả của các câu chuyện trên là em trai kế của lanhvananh (Jos. Trương Hoàng Anh), nhờ tình yêu bao la hải hà của Chúa, tháng 08/2009, lãnh nhận chức vụ Phó tế. Xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho nhau!
Nhân dịp tết Kỷ Sửu, Thầy Vũ về thăm nhà, sẳn có Internet, mình yêu cầu cung cấp cho vài chuyện... Xin ra mắt Quý vị để cùng nhau hiệp thông trong tình bác ái huynh đệ nhân dịp Xuân về!
Chân thành cảm ơn. :53: :Tanghoa: