PDA

View Full Version : Tu Và Tình



hoathuytinh
20-01-2009, 08:16 PM
Tu là ơn trên, tình là cõi phúc
Chuyện kể rằng: Tối trước ngày mừng lễ cưới bạc của đôi vợ chồng nọ, thấy chồng đang ngồi trước cửa nhà sụt sùi, vợ bèn tiến lại gần chồng và hỏi:
- Vợ: Có phải mình xúc động vì vợ chồng chúng ta đã sống với nhau được ngần đấy năm trời không?
- Chồng: Tôi đang nghĩ thời còn trẻ tôi đã quá nhu nhược trước lời đe doạ của bố bà, ông nói hoặc là tôi nhận lời kết hôn với bà hoặc ông sẽ tống gian tôi 25 năm. Tôi ước gì lúc đó mình can đảm hơn thì ngày mai chính là ngày tôi được tự do.
- Vợ: …
Truyện Kiều có đoạn :
Phúc hoạ đạo trời
Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra
Có trời mà cũng có ta
Tu là cõi phúc tình là giây oan. (Kiều, 2655-2658).
Theo từ điển Tiếng Việt của viện ngôn ngữ học, nhà xuất bản Đà Nẵng 2006 do Hoàng Phê chủ biên thì Tu (đg.) là sống theo những quy định chặt chẽ nhằm sửa mình theo đúng giáo lý của một tôn giáo nào đó, tu sửa, sửa sang, tu thân tích đức. Phúc (d.) là điều may lớn, điều mang lại những sự tốt lành lớn. Phúc còn là hạnh phúc tinh thần, trạng thái hồn nhiên tĩnh lặng, an nhiên tự tại, niềm an lạc của một nội tâm bình an và phong phú, nó cũng có nghĩa là sự thể hiện của chân, thiện, mỹ, một trạng thái tự do không bị trói buộc. Quan niệm Phật giáo cho rằng phúc là một trạng thái tâm thức có được khi thực hiện được “Phật tính” trong đời sống. Khi một hành giả đã được "đốn ngộ" sẽ đạt tới hạnh phúc. Đốn ngộ trọn vẹn bao gồm cả ba trạng thái : "Bi, Tri và Dũng" (bác ái, minh triết và ý chí).
Tình được hiểu là thất tình lục dục (bảy thứ tình cảm và sáu loại ham muốn). Tình là sự rung động của cái Tâm khi cảm được sự biến đổi của sự vật diễn ra bên ngoài, nên gọi là Tình cảm. Con người có 7 thứ tình cảm phát lộ ra ngoài, nên gọi là Thất tình. Có vài cách hiểu khác nhau về thất tình:
- Theo Phật học từ điển của Đoàn Tr. Còn thì Thất tình gồm: Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc, Dục (mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, muốn).
- Theo Kinh Lễ của Nho giáo, Thất tình gồm: Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Cụ, Dục (mừng, giận, thương, ghét, buồn, sợ, muốn).
- Theo Đại Thừa Chân Giáo, Thất tình gồm: Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc, Cụ (mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, sợ).
- Theo Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp, Thất tình gồm: Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc, Dục (mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, muốn).
Theo quan niệm Phật giáo, đi tu là hướng Phật, thoát ra khỏi vòng tục lệ, thoát khỏi Đế thứ nhất (đời là bể khổ) trong Tứ Diệu Đế của Đức Phật Gautama để đạt tới nhất nguyên - chủ thể và đối tượng hoà tan trong nhau, nếu đối tượng là bác ái, hành giả là sự thể hiện của bác ái…
Như vậy, nhiều người quan niệm tu mới là cõi phúc, còn tình chỉ là dây oan và cũng có nhiều người quan niệm chán đời hay thất tình rồi mới đi tu (khác với thất tình lục dục, thất tình ở đây nghĩa là buồn chán, đau khổ vì thất vọng trong tình yêu (Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên)), hay đi tu để trốn tránh cuộc đời.
Nếu hiểu theo nghĩa thông thường thì đi tu là sống đời sống tu trì, còn tình là sống cuộc sống giữa đời thường với ơn gọi hôn nhân trong bậc sống gia đình.
Trong ngôn ngữ Kitô giáo, đi tu là một ơn gọi. Mặc dù có nhiều ơn gọi khác nhau nhưng nghĩa hẹp, hai từ "Ơn Gọi" chỉ đời sống tu trì. Người đi tu là người đang theo đuổi Ơn Gọi. Ơn Gọi hay Ơn Thiên Triệu theo nghĩa triết tự thì đó là một ân huệ mà ứng viên được nhận lãnh, đến từ một bản thể khác ngoài cá nhân người lãnh nhận. Ơn Thiên Triệu là ơn gọi đến từ Trời cao - từ Thiên Chúa Tình Yêu. Khi có người nào đó "tu xuất" sẽ gọi là mất Ơn Gọi hay chuyển ơn gọi. Vì là lời mời gọi nên cần sự tự do đáp trả, đặc biệt khi lời mời gọi đó đến từ Thiên Chúa Toàn Năng. Vì là Thiên Chúa Toàn Năng, nên Ngài không thể vi phạm tự do của con người - tạo vật của Ngài (không phải vì toàn năng mà Thiên Chúa tự mâu thuẫn với chính mình, ban cho con người tự do nhưng lại vi phạm sự tự do đó của con người, cũng như Thiên Chúa luôn yêu thương con người cho dù con người có ra sao, vì Ngài chính là Thiên Chúa Tình Yêu, Ngài không thể nào ngừng yêu thương con người). Nếu Chúa gọi, chúng ta không đáp trả thì Thiên Chúa cũng “bó tay” vì Ngài tôn trọng tự do của ta, nhưng nếu Thiên Chúa không gọi thì chúng ta cũng đành bó tay cho dù chúng ta muốn và cố theo đuổi Ơn Gọi, vì Thiên Chúa có đường lối riêng của Ngài.
Ơn gọi sống bậc vợ chồng hay đời sống hôn nhân là một ơn gọi phổ quát dành cho hầu hết mọi người. Hôn nhân cũng là một ơn gọi. Theo cách giải thích hóm hỉnh thì chàng trai nghe theo tiếng gọi của một nàng thiếu nữ nào đó và ngược lại, để đối tượng đi tìm nửa kia của cuộc đời mình, đi tìm nửa vầng trăng còn thiếu để rồi khỏi cảnh: "Nửa treo gối chiếc, nửa treo dặm trường" (hoặc treo đâu đó). Chính người nam và người nữ là những người cử hành Bí tích hôn phối trước sự chứng kiến của Linh mục và cộng đoàn chứ không phải Linh mục cử hành Bí tích này. Hiểu như vậy không có nghĩa là ơn gọi này đến từ con người (nếu hiểu Ơn Thiên Triệu đến từ Thiên Chúa). Hôn nhân được Thiên Chúa thiết lập và chúc phúc, là một trong bảy Bí tích Công Giáo. Vẻ đẹp của tình yêu nam nữ đơn thành phản ánh Tình Yêu trọn hảo và chân thật của Thiên Chúa. Đời sống hôn nhân đóng vai trò quan trọng trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa qua việc truyền sinh trong bậc hôn nhân. Trong gia đình, cha mẹ thay mặt Thiên Chúa trong việc giáo dục và nuôi dưỡng con cái trưởng thành trong đạo đức. Gia đình là trường học đầu tiên với mọi người, là nhà tiền tập và tiền chủng viện đối với tu sinh. Gia đình là tổ ấm yêu thương, là nguồn hạnh phúc xuất phát từ huyền nhiệm Tình Thương của Ngôi Nhà Thiên Chúa Ba Ngôi. Như vậy "Tình" chính là cội phúc nếu cái tình đó phản ánh chân thực mối Tình của Thiên Chúa Tình Thương.
Ơn gọi phổ quát cho tất cả mọi người và cũng là ơn gọi chung cùng là ơn gọi nên thánh. Bất kể là người sống ơn gọi tu trì hay người sống trong ơn gọi gia đình, mỗi người sống tốt trong đấng bậc của mình sẽ vươn tới cội nguồn hạnh phúc.

Josephnguyentrobui's blog