PDA

View Full Version : Tóm lược 55 đề nghị của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XII



xoicucnong
20-01-2009, 11:14 PM
(Cập nhật: 19/01/2009 15:36:03)



TÓM LƯỢC 55 ĐỀ NGHỊ

CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC THẾ GIỚI LẦN THỨ XII
Các phiên làm việc của Thượng Hội đồng Giám Mục lần thứ XII đã kết thúc vào sáng ngày 25-10-2008 với việc thông qua 55 đề nghị mà các Nghị phụ đệ trình lên Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI.

Theo lệnh của Đức Giáo Hoàng, phiên bản Ý ngữ tạm thời và không chính thức của các đề nghị đã được Tổng Thư ký đặc biệt của Thượng Hội đồng Giám mục công bố. Đây là lần thứ hai Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cho phép công bố các đề nghị chung kết của Thượng Hội đồng. Thông thường các đề nghị được đệ trình riêng cho Đức Giáo Hoàng để ngài xem xét chuẩn bị cho Tông Huấn, là tài lliệu đúc kết chính thức của Thượng Hội đồng Giám Mục.


Phần đầu tiên của danh sách các đề nghị với tựa đề: “Lời Chúa trong Đức tin của Hội Thánh” bao gồm các đề nghị từ số 3 đến 13, các nghị phụ tập trung vào nhiệm vụ của mục tử nhằm giáo dục cho tín hữu có được kinh nghiệm tốt hơn trong mối quan hệ của họ với Chúa Giêsu Kitô, qua việc đọc và suy niệm Kinh Thánh.
Sau khi phân tích các mối quan hệ giữa Cựu Ước và Tân Ước, các đề nghị nêu lên vấn đề người nghèo “không chỉ thiếu thốn về cơm bánh mà còn về Lời của sự sống” thế nào, và họ có quyền ưu tiên biết về Tin Mừng.

Đề cập đến một trong những “thách thức của thế giới hiện đại: sự tiến bộ vũ bão của khoa học trong mối liên quan đến hàng loạt các kiến thức về thế giới tự nhiên, với kết quả nghịch lý là cuối cùng nó có thể che khuất những thông điệp luân lý phát sinh từ đó”, Thượng Hội đồng đòi hỏi các mục tử “nhạy cảm với việc tái khám phá luật tự nhiên và các chức năng của nó trong việc đào luyện lương tâm”.

2. Phần hai bao gồm các đề nghị từ số 14 đến 37, tập trung vào chủ đề: “Lời Chúa trong đời sống của Hội thánh”. Về vấn đề Lời Chúa và phụng vụ: đề nghị Kinh Thánh phải được đặt ở một vị trí rõ rệt bên trong các nhà thờ, và Lời Chúa phải được công bố một cách rõ ràng bởi những người “quen thuộc với những động lực của giao tiếp”.

Về vấn đề giảng thuyết (homelia) - một trong những chủ đề chính của Thượng Hội đồng – các đề nghị nhấn mạnh đến sự cần thiết phải chuẩn bị tốt, khắc ghi trong tâm trí những bài đọc Kinh Thánh của ngày hôm đó, những gì mà các bài đọc muốn nói với vị linh mục, và những gì vị linh mục phải nói với cộng đoàn trong ánh sáng của hoàn cảnh thực tế của họ. Sự cần thiết cổ võ “lectio divina” (ngẫm đọc Kinh Thánh theo cách đọc, suy ngẫm, cầu nguyện, chiêm niệm) cũng được nhấn mạnh.

Các Nghị phụ khuyến khích giáo dân trong các nỗ lực của họ để chuyển tải đức tin và, trong bối cảnh này, nhấn mạnh đến vai trò không thể thiếu của phụ nữ, nhất là trong gia đình, trong giáo lý và trong thừa tác vụ đọc sách. Họ cũng lưu ý rằng, mặc dù phụng vụ Lời Chúa là nơi được đặc ân gặp gỡ Chúa Kitô, nhưng không bị lẫn lộn với phụng vụ Thánh Thể.

Các đề nghị khác phản ánh đề xuất của chính Đức Thánh Cha: rằng, trong chú giải, thật quan trọng khắc ghi trong tâm trí hai phương pháp được trình bày trong Hiến chế Tín lý về Mạc khải “Dei Verbum”: phương pháp lịch sử và phương pháp thần học. Điều này bởi vì, như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI phát biểu trong một diễn văn trước Thượng Hội đồng: “nếu một khoa chú giải thiếu về đức tin, nhất thiết phát sinh chú giải thực chứng hay thế tục, theo đó thần tính không đi vào lịch sử nhân loại”.

3. Phần thứ ba bao gồm các đề nghị từ 38 đến 54 về: “Lời Chúa trong Sứ vụ của Hội thánh” đề cập đến các liên quan như Lời Chúa và nghệ thuật thánh, việc phiên dịch và phát hành Kinh Thánh. Những đề nghị cũng nêu bật tầm quan trọng của các phương tiện truyền thông đại chúng đối với sứ vụ loan báo Tin Mừng và cảnh báo chống lại các nguy hiểm của việc đọc Kinh Thánh theo trào lưu quá khích và hiện tượng các giáo phái.

Các chủ đề khác liên quan đến phần này bao gồm đối thoại liên tôn, cổ võ các cuộc hành hương, nghiên cứu Kinh Thánh nơi Thánh Địa, đối thoại với Do Thái giáo và Hồi giáo, mối quan hệ giữa Lời Chúa và bảo vệ môi trường.

Các Nghị phụ kêu gọi củng cố đối thoại liên tôn và nhấn mạnh “rằng tất cả các tín hữu được bảo đảm thực sự tự do tuyên xưng tôn giáo của họ cách riêng tư và công khai, và rằng quyền tự do lương tâm được công nhận”. Các giám mục đề nghị rằng các Hội đồng Giám mục cần đẩy mạnh các cuộc gặp và đối thoại với người Do Thái. Về vấn đề người Hồi giáo, họ nhấn mạnh “tầm quan trọng của tôn trọng sự sống, và các quyền của người Nam và người Nữ, cũng như sự phân biệt giữa các phạm vi chính trị-xã hội và tôn giáo trong việc thúc đẩy công lý và hòa bình trên thế giới. Phần quan trọng của cuộc đối thoại này sẽ là trao đổi lẫn nhau, tự do tôn giáo và tự do lương tâm”.

4. Sau cùng, ở số 55 trong bản đề nghị, các Nghị phụ hướng về Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của đức tin, để nhận ra nơi Mẹ là mẫu gương đức tin, đức cậy và đức mến của Hội thánh. Các Nghị phụ đều mong muốn các tín hữu yêu mến và suy gẫm nhiều hơn nữa tình thương của Thiên Chúa mỗi khi đọc Kinh Truyền tin và Kinh Mân côi .