PDA

View Full Version : Tết Bắc



Masafot
21-01-2009, 03:56 PM
http://donboscoviet.org.vn/images/stories/TetNguyenDan/ThiepTet03.jpg
Tết Bắc


Văn Hiến Việt Nam
Như một nhịp ngắt của bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, tết Bắc gắn Iiền với rét lạnh và mưa phùn. Tết như một dịp nghỉ ngơi vui chơi, tổng kết của gia đình, họ tộc, làng xóm. Và bây giờ còn thêm các đô thị thành phố. Tết còn tạo ra sự cân bằng tâm linh với nhiều hội hè, rước lễ.

Tết về Kinh Bắc tràn đầy một âm hưởng Quan Họ. Bên cạnh việc chuẩn bị gói bánh chưng, bánh tày (miền Nam gọi là bánh tét), bánh gio (một thứ bánh bột lọc trộn nước do trong) và chè lam - một thứ kẹo đặc biệt được nâu bằng mật mía cùng cám nếp và lạc rang. Người Kinh Bắc còn chuẩn bị cho ngày hội Lim hát quan họ vào ngày 13 Tết. Ngày hội Lim thực là ngày hội chùa Lim. Chùa Lim được làm từ hồi nào không rõ nhưng truyền thuyết về Bà Mụ A linh thiêng và truyền thuyết quan họ đã cộng hưởng nên sự tôn nghiêm của hội Lim. Từ trước tết mọi người đã chuẩn bị cho ngày hội đó. Suốt tháng 1 (Tý),tháng chạp (Sửu), các bọn quan họ từ 'bọn" thuần khiết "đã say sưa luyện giọng. Bọn này mời bọn kia hát đối đáp. Ra giêng, từ mồng bốn,mồng năm tết, từng bọn đã nhận lời mời của các thôn bạn. Rồi đến hội thì hát ngoài đồi, lại hát trong nhà để rồi "đêm về đê quai rảo bước- truổi tà lụa nhạt - ánh trăng đẫm thấm đường sương" (thơ Hoàng Cầm). Quanh hội hát quan họ còn thi sợi bún, thi ăn mía thổi cơm, bánh đu, đánh cờ người, chọi chim chọi gà. đất pháo, bắt vịt. Không khí tết và hội thêm tưng bừng, náo nức. Tết ở Kinh Bắc còn lay động những bức tranh làng Hồ và mềm môi trong hội làng Vân thơm sực mùi rượu gạo. Những chai đại, chai bố, chai con tuý luý đến tàn men.
Tết về xứ Đông mênh mang một không gian đồng bằng, duyên dáng nhịp lưu không trong một tích chèo cổ. Ngày tết ở miền quê, không khí gia đình hoà lẫn vào không khí bạn hữu, tự nhiên đượm một phong vị vừa thân mật, vừa sảng khoái. Bữa tiệc đầu xuân đã được uống với tất cả chất men ngây ngất bốc lên từ chính tấm lòng xuân phơi phới của mình, hoà với cái say của hương khói trong nhà, của mưa bụi ngoài trời, của lá hoa xuân hiền dịu; của mùi thơm cây cỏ ngoài vườn. Mâm cỗ tết có đủ các hương vị của tết Bắc: Bánh chưng xanh, thịt mỡ dưa hành, cá kho, giò thủ, thịt đông,cùng các món đồ nấu cổ điển rất hoà điệu. Chất men rượu xuân xứ Đông sánh quyện đầu lười, ngọt lử mà tê lịm, có thể uống như không say ngất lúc nào không biết. Rượu đựng trong những nậm sứ. cổ, róc vào chén nhỏ men trắng như ngọc, càng tôn thêm phẩm chất và hương vị. Rượu quê mà thuần chất hơn Mai Lộ Quế, say hơn Thanh Mai, thanh khiết hơn hết các thứ rượu cúc rượu cẩm và cố nhiên không nên so sánh với rượu Tây, vì đây là chất men hợp với huyết thống con người Đông Phương trầm mặc.
Tết về miền đất Tổ mờ ảo giữa những rừng cọ đồi chè lúng liếng câu Xoan Ghẹo. Tôi nhớ những năm chiến tranh, cái tết sơ tán xa nhà được sưởi ấm bằng bếp lửa củi cọ, bẹ cọ phơi khô, bằng khúc sắn nướng hôi hổi nồng thơm, những bát xôi sắn không gạo mà đồ lên bằng những sợi sắn duỗi nhỏ từ củ sắn. Những cái bánh sắn nhân đậu xanh, đậu mèo cùng một miếng mỡ lợn nho nhỏ. Rồi chén rượu sắn nồng hắc thoảng chút râm ran trên đỉnh đầu. Và lưu luyến, găm mãi vào thương nhớ là cặp mắt thôn nữ trên gương mặt lấp lánh thanh xuân của gò má ửng hồng men rượu với đôi môi hồng kêu gọi. Người đất Tổ nghèo nghèo, lam làm nhưng cái tính bao bọc thì mộc mạc và rộng rãi như không. Cái kỳ lạ của điệu hát Xoan Ghẹo mà các bà mẹ ru con thảnh thơi ngày xuân khiến cái tết miền đất Tổ quên đi khắc khổ. Có cái gì cứ bay bổng, cứ miết vào tâm tưởng khiến cho mùa xuân cứ nở trắng hoa xoan, cứ chuốt xanh tàu cọ Nghe câu hát Xoan Ghẹo thấy bốn mùa cứ xoay tròn quanh ngày tết giống như chiếc đĩa hát réo rắt lên:"Nhớ mùa hè hoa sim nở trên rừng tim ngắt - Nhớ mùa thu hoa lúa nở nội đồng - Nhớ mùa đông hoa cải nở trắng vàng - Nhớ mùa xuân nở bảy. tám lần chông là hoa dứa...".
Tết về Thành Nam xao xác tâm tư với những cơn xá Chầu Văn lên đồng nửa mê, nửa tỉnh, nửa người, nửa tiên. Và thật dễ dàng lạc lối trong câu thơ Nguyễn Bính. Bằng một cách chơi màu xanh độc đáo, nhà thơ của thành Nam quét loang cái màu xanh mơ mộng ra cả một bức tranh giòn tan tiếng nguyệt và lảnh lót chầu văn: "Mùa xuân là ca một màu xanh - Giời ở trên cao gió ở cành Lúa ở đồng tôi và lúa ở đồng nàng và lúa ở đồng anh". Cái giới từ "ở" trong bài "Mùa xuân xanh" đầy quyến rũ này của Nguyễn Bính dường như xác nhận cái địa chỉ dân dã, cái vùng đất mộc mạc ở góc phía Nam tam giác châu thổ Bắc vừa phì nhiêu đồng lúa, vừa đập dờn biển bạc với những đồng muối trắng. Và gió, mơn man gió lành trong tiết xuân tới Phủ Giầy nơi bà chúa Liễu Hạnh - một trong tứ bất tử của tôn giáo Việt - hiển linh. Nhấp một ngụm rượu xứ Nam, có cảm giác nóng ran khi bài chầu văn tới độ nhập đồng, nhập cốt, mới thấy cuộc bộ hành "chân quê" của "thi sĩ đồng quê" họ Nguyễn thật ngang tàng, thật quả cảm luồn qua bao thị thành, bao cám dỗ dung tục của một đời sống đô hội tiêu dùng. Cuộc bộ hành chấp nhận bi kịch dằn vặt quyết không chịu dấn thân, đánh mất mình vào thế giới đồ vật chật chội, để trở về đắm chìm trong thiên nhiên mơ mộng " Cỏ nằm trên mộ đợi thanh mimh - Tôi đợi người yêu đến tự tình - khỏi luỹ tre làng tôi mới thấy - Bắt đầu là cái thắt lưng xanh" .
Tết về Hà Nội cố đô là cao vút cầm ca, xênh xang sênh phách trống chầu, tưng tưng tiếng đàn đáy luyến láy ca trù. Và chợt thấy lòng rung lên những câu văn kiệt tác của Vũ Bằng: "Mùa xuân của tôi - mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân Hà Nội là mùa xuân có mưa xiêu xiêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa có câu hát huê tình của cô gái đẹp. ...Anh có thể đạp cỏ trên Hồ Gươm, đợi đến sâm sẩm tối ra ngồi ở Thuỷ Tạ nhìn các cô gái đẹp như tiên mặc áo nhung áo len trăm màu, ngàn sắc, in bóng hình xuồng đáy nước lung linh. Anh có thể vào nhà hát thưởng vài khổ trống, " mở quả mứt" phong bao cho các chị em, rồi uống với mỗi em một ly rượu lấy may. Anh có thể đi vào ngôi chùa nhang khói nghi ngút đưa mắt nhìn xem có cô nào thực xinh thì quỳ ngay xuồng bên cạnh cầu trời khân phật cho cô ngày càng xinh đẹp và trong năm lấy được một anh chồng xứng y như ...anh vậy. Ấy đấy. Cái mùa xuân thần thánh của tôi, nó làm cho người ta muôn phát điên lên như thế đấy. Ngồi yên không chịu được. Nhựa sống trong người như mầm non của cây cối, nằm im mãi không chịu được, phải trỗi ra thành những cái lá nhỏ ti tí giơ tay vẫy những cặp uyên ương đứng cạnh . . .
Cùng với mùa xuân trở lại, tim người ta dường như cũng trẻ hơn ra và đập mạnh hơn trong những ngày đông tháng giá. Lúc ấy, đường sá không còn lầy lội nữa, mà cái rét ngọt ngào, chớ không tê buốt căm căm nữa..."
Nếu muốn đi cho khép kín một cái tết quanh vùng châu thổ Bắc Bộ thì ngày Nguyên Tiêu - ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới, ta lại nhớ câu: "Lễ phật quanh năm không bằng rằm tháng giêng" mà cùng nhau hành hương tới lễ chùa Hương, chốn đất trời gặp nhau nơi "Nam thiên đệ nhất động" để thấy mình thực bay bổng, mình thực phiêu diêu trên những miền cực lạc, huyền diệu.
Cứ thế bốn mùa luân chuyển theo nhịp chèo " Tứ Quý" để lại trở về tết Bắc qua âm dương ngũ hành của càn khôn cõi Việt.