PDA

View Full Version : Những địa danh mang tên con trâu



hungdung
21-01-2009, 10:08 PM
Những địa danh mang tên con trâu

Chuyện kể rằng trên núi Tiên Du có trâu vàng, nhà sư lấy tích trượng yểm trán trâu, trâu bỏ chạy, húc đất thành thôn Húc, quần đất thành vũng Trâu Đằm (Văn Giang, HưngYên), chạy ngược lên thành sông Kim Ngưu.
Ai đã từng một lần đến với Thủ đô Hà Nội hẳn sẽ không quên thắng cảnh Hồ Tây. Hồ Tây còn có một tên gọi gắn liền với những huyền thoại - hồ Trâu Vàng (Kim Ngưu hồ).
Chuyện kể rằng nhà sư Không Lộ (tức Lý Quốc Sư) dùng phép thuật thu hết đồng của phương Bắc, đúc thành quả chuông, chuông đánh lên ngân nga, trâu vàng phương Bắc ngỡ tiếng mẹ gọi bèn chạy sang ta, quần mãi đất sụp thành hồ, rồi ẩn xuống đó luôn. Từ đó thành tên hồ Trâu Vàng. Sư Không Lộ được đồng nhất với ông Khổng lồ của huyền thoại thợ đúc đồng Hà Nội và được thờ làm tổ sư nghề đúc đồng. Chùa Thần Quang bên bờ Hồ Tây trong vùng Ngũ Xã đúc đồng thờ vị tổ sư Không Lộ đó.
Hà Nội không chỉ có hồ Kim Ngưu (hồ trâu vàng) mà còn có con sông Kim Ngưu một thời đầy thơ mộng.Cũng theo truyện cổ dân gian, Trâu Vàng ở bên Tàu khi nghe thấy tiếng chuông đồng đen của thiền sư Nguyễn Minh Không ở nước Nam thì tưởng là tiếng trâu mẹ gọi liền chạy sang. Đường nó chạy lún xuống thành sông Kim Ngưu. Đến phía Tây thành Thăng Long thì tiếng chuông dứt, Trâu Vàng liền xới đất tung lên để tìm mẹ làm đất chỗ đó thụt xuống, thành hồ Kim Ngưu, tức Hồ Tây (như đã kể trên).Sông Kim Ngưu cổ, theo cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, là một phân lưu của sông Tô Lịch.
Tích khác thì truyền rằng: trên núi Tiên Du có trâu vàng, nhà sư lấy tích trượng yểm trán trâu, trâu bỏ chạy, húc đất thành thôn Húc, quần đất thành vũng Trâu Đằm (Văn Giang, HưngYên), chạy ngược lên thành sông Kim Ngưu. Cuối cùng Trâu Vàng ẩn xuống.
Ở Hà Nội còn có một địa danh khác gắn với một giai thoại khá thú vị, đó là vùng đất Trâu Quỳ. Chuyện rằng, khoảng hơn 1000 năm trước, vùng hoang vu này là nơi trú quân của bốn đạo quân nhà Lý. Bốn vị tướng chỉ huy là các đại đệ tử của danh tướng Lý Thường Kiệt. Ỷ Lan, cô gái hái dâu, được vua phong quý nhân và hạ sanh hoàng tử duy nhất nối ngôi.
Ỷ Lan phu nhân mang về kinh thành một con Trâu mà bà thương yêu từ lúc còn bé. Không may, con Trâu này phải đem đi cống Tàu. Ỷ Lan phu nhân và con Trâu chia tay tại vùng Gia Lâm. Con Trâu sống lâu với bà nên có tình người, phút chia ly trâu quỳ xuống trước Ỷ Lan và rống lên tiếng não nùng.
Ỷ Lan mỗi chiều đều lên lầu cao trong kinh thành nhìn về Gia Lâm trầm ngâm hàng giờ nhớ đến con Trâu ngày xưa. 40.000 quân cảm động tấm lòng của bà hoàng, một đêm đắp thành đồi hình con trâu đang quỳ, nay là Huyện Trâu Quỳ, Gia Lâm. Nơi đây vẫn còn đền thờ Ỷ Lan Thái Hậu và bốn danh tướng đất Việt.
Từ đất Hà Thành về với quê hương miền Trung đầy nắng gió, chúng ta sẽ ngạc nhiên trước một thắng cảnh thiên nhiên đầy thơ mộng, một địa chỉ du lịch đầy hấp dẫn ở Ninh Thuận - Suối Sừng Trâu.
Nằm cách thị xã Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 40 km về hướng Tây Bắc. Suối Sừng Trâu thuộc xã vùng cao Phước Chiến đang trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách gần xa.Đến với suối Sừng Trâu (tiếng Raglai gọi là Cro-Tuki-Cobao) du khách có cảm giác được sống trong không gian xanh đẹp yên lành. Nước suối Sừng Trâu chảy không bao giờ cạn là mạch nguồn chính làm nên công trình thuỷ lợi hồ Sông Trâu hùng vĩ phía hạ nguồn. Điểm du lịch suối Sừng Trâu hiện nay vẫn tràn đầy tiếng chim rừng vui hót trong những tán lá xanh mướt nắng miền cao ban mai.
Một địa danh khác ở miền Trung cũng mang tên con trâu, đó là mấy hòn đảo nhỏ ngay trước cửa biển Đề Ghi của tỉnh Bình Định, gọi là Hòn Trâu. Không biết đó có phải là nhóm đảo “Trâu nằm” mà vị tiền bối Phù Mỹ là ông Kiều đã đề vịnh chăng? Vịnh rằng: “Trâu ai cắc cớ chẳng ăn đồng/ Lúc ngúc ra nằm giữa biển đông/ Sóng bạc lô nhô xao trước mặt/ Rong xanh tấp tểnh đóng bên hông/ Cán roi Nịnh Thích không sờn dạ/ Ngọc lửa Điền Đan chẳng cháy lòng/ Phải gặp ông Y mà hỏi thử :/ Nội sằn lúc trước có cày không ?”.
Đất Nam Bộ thành đồng cũng có một địa danh gắn liền với hình ảnh con trâu. Đó là Bến Nghé.
Rạch Bến Nghé là khởi đầu của các con đường thủy nổi Sài Gòn với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Từ thế kỷ 18, do nhu cầu giao thông, con đường đó được chính quyền cho sửa sang. Năm 1772 cho đào kinh Ruột Ngựa. Sách "Gia Định thành thông chí" (1820) viết: "Nguyên xưa từ Rạch Cát ra phía Bắc đến Lò Gốm thì có một đường nước đọng móng trâu, ghe thuyền không đi lại được...
Nguyễn Cưu Đàm cho đào kinh thẳng như ruột ngựa nên mới đặt ra tên ấy". Năm 1819, một đoạn rạch Bến Nghé được đào sâu sửa dòng cho ngay thẳng lại và được đặt tên là "An Thông Hà" (tức kinh Tàu Hủ). Dưới thời Pháp thuộc, năm 1905, thực dân Pháp cho đào con kinh Tẻ để chuyên chở lúa gạo đến bến cảng dễ dàng. Sau đó thực dân cho đào kinh Đôi song song với rạch Bến Nghé vì việc lưu thông đã tăng nhiều, con rạch cũ trở nên chật hẹp.
Về địa danh này, trong dân gian đến nay vẫn lưu truyền câu ca dao: “Nguyên xưa rậm rạp còn rừng/ Trâu thường dằm tắm hoặc chừng nghé kêu/ Ngày nay phong cảnh tốt đều/ Tàu ghe lớn nhỏ đậu bèo hai bên/ Đò dọc rước mối xuống lên/ Hàng, người lên xuống vang rên cả ngày/ Ghe bầu sắp lớp đậu ngay”…/

Theo vovnews.vn