PDA

View Full Version : NIỀM TIN GIỮA ĐỜI THƯỜNG : Nhà Thờ Ba Chuông- TGP Sài Gòn



MatTheu Dang Dinh Quyet
22-01-2009, 10:57 AM
NIỀM TIN GIỮA ĐỜI THƯỜNG
Trần Bình OP


http://daminhbachuong.conggiao.net/01-giaoxu/thongtin/images/thle02.jpg
Thánh lễ kỷ niệm ba năm khánh thành nhà thờ
Do đức Giám Mục Phú Cường chủ sự
Đối với giáo xứ Đa Minh Ba Chuông, ngày 28-08-2008 là một ngày đặc biệt, ngày đánh dấu tròn ba năm thánh đường được cung hiến, dâng kính các thánh Tử đạo Việt Nam.
Mừng kỷ niệm lần này, cha bề trên chánh xứ Giuse Phạm Hưng Thịnh muốn chuyển tải niềm tin vào đời thường. Về với tâm linh, nhìn lại đời tinh thần qua những nét mộc mạc của đời thường, cha muốn cùng mọi người khám phá ra nét tâm linh tôn giáo nơi cuộc sống thường nhật.


http://daminhbachuong.conggiao.net/01-giaoxu/thongtin/images/trlam13.jpg
http://daminhbachuong.conggiao.net/01-giaoxu/thongtin/images/trlam12.jpg

ĐGM Phú Cường
cắt băng khánh thành phòng triển lãm
http://daminhbachuong.conggiao.net/01-giaoxu/thongtin/images/trlam09.jpg

Một số góc nhìn khác nhau
http://daminhbachuong.conggiao.net/01-giaoxu/thongtin/images/trlam08.jpg
http://daminhbachuong.conggiao.net/01-giaoxu/thongtin/images/trlam07.jpg

http://daminhbachuong.conggiao.net/01-giaoxu/thongtin/images/trlam06.jpg
Ba quả chuông : Yêu Thương
Phụng Tự và Phục Vụ
http://daminhbachuong.conggiao.net/01-giaoxu/thongtin/images/trlam04.jpg

Tiếp tân và Phát Hành Sách
http://daminhbachuong.conggiao.net/01-giaoxu/thongtin/images/trlam03.jpg
Kỷ niệm ba năm cung hiến thánh đường lần này, giáo xứ đã phát hành ba ấn phẩm : Trước tiên là cuốn lịch 2009, để hình ảnh thánh đường về với gia đình giáo dân ; Kế đến là tập Thánh đường Đaminh, kể lại gốc tích, những tâm tư gửi gắm trong nghệ thuật xây dựng thánh đường ; Cuối cùng là tập ảnh nghệ thuật của 47 nhiếp ảnh gia, với gần 200 ảnh nghệ thuật được trình bày trong phòng triển lãm từ ngày 28-8 đến 4-9-2008.
Xin được chia sẻ một vài cảm nghiệm về Thánh đường Ba Chuông, nơi tôi đang được sống và cảm nghiệm những ấn dấu về Tình Yêu của Thiên Chúa qua những tháng ngày.

Thánh đường Ba Chuông :
nơi chung tiếng nguyện cầu
Chính thế, ngay từ khởi đầu ngày mới ; cả tu viện đã chung tiếng ca tụng Chúa, đã cùng nhau dâng thánh lễ và những kinh nguyện đầu ngày để tạ ơn Chúa với bao hồng ân Người đã tuôn đổ trên cộng đồng dân Chúa xứ Ba Chuông. Trong thánh lễ này, mọi giáo dân được sống chung tâm tình với các cha các thầy trong tu viện qua lời kinh Phụng vụ ban mai.
Hàng ngày, thánh đường, có thể nói là nơi duy nhất có thể thoả mãn nhu cầu tâm linh cho giáo dân. Tại đây, vào ngày thường, mọi người có thể tham dự thánh lễ 3 lần trong ngày. Các hội đoàn sinh hoạt suốt ngày, đặc biệt vào khoảng 16 giờ cho đến đêm về. Có người đến để tập hát; có người cần chỗ để thinh lặng bên Chúa Giêsu Thánh Thể, cần nơi để gửi gắm lời thân thưa như bên linh đài Mẹ Lavang hay với ông thánh da đen Martin - bạn của người khổ đau, cũng có khi người ta đến với thánh đường Ba Chuông để làm hoà với Chúa sau bao ngày xa cách. Thánh đường Ba Chuông là nơi cầu nguyện, đúng với câu nói của Chúa Giêsu : “Nhà ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện” (Mt 21,13).
Về điểm này, nói theo văn hoá Á đông, thánh đường Ba Chuông hội được điều kiện : Thiên Thời. Nghĩa là thuận theo thời cơ của trời đất; nghĩa là nơi đây, mọi người đều tự tin và tự hào nói rằng : Thiên Chúa thương “tôi” và tuôn đổ xuống “Hồng ân Chúa như mưa rơi xuống đời con miên man... nâng đỡ tình con trong tay, vòng tay thương mến...”
Thánh lễ thứ hai ngày 28-8-2008 đã diễn ra trong tinh thần gia đình. Nhà thờ hiện diện đông hơn mọi ngày. Tại sao vậy ? Vì sau thánh lễ này, cha chánh xứ sẽ khánh thành và đưa vào hoạt động hai nơi chóp đỉnh của đời sống tâm linh Kitô giáo. Đó là nhà Giao Hoà và Nhà Chầu Minh Thánh Chúa.
Phòng Giao Hoà, được thiết kế hài hoà đậm nét Á đông, gần gũi với chất liệu tre và trúc. Tại đây, nhưng người con đi xa có thể làm hoà lại với Cha mình là Thiên Chúa nhân hậu từ bi. Theo chủ ý của cha xứ, việc thiết kế với những chất liệu dân gian này nhằm tạo không gian thân mật, hối nhân có thể tự tin bước vào xưng thú tội lỗi mọi lúc, mọi giờ trong ngày mà không mang mặc cảm rụt rè, không bị gánh tội đè vai. Hối nhân vào phòng Giao Hoà với tâm hồn thống hối và ra về với tâm tình tạ ơn.
Nhà Chầu Thánh Thể được chuẩn bị với tông màu hổ phách. Một không gian yên tĩnh, mát mẻ, ghế đôn theo phong cách Phương đông với nệm cói… thật là lý tưởng cho những ai muốn yên tĩnh với Chúa giữa thời đại “phố phường chật hẹp người đông đúc…” này. Tại đây, những ai “mang gánh nặng nề” của cuộc mưu sinh, những ai chồng chất trên mình lo toan của đời sống thường nhật, những ai nặng lòng bận trí với sức trì kéo của vòng xoáy cuộc đời… Đã có Chúa Giêsu Thánh Thể, nguồn mạch cho cuộc sống, hiện diện và an ủi. Để rồi, sau cuộc chuyện trò thân thương và thân tình ấy, mỗi người ra về không còn là mình “ên”, nhưng là về với Chúa Giêsu và có Chúa Giêsu đồng hành. Người ta cũng có thể thoáng thăm Thánh Thể, nơi nhà thờ lớn chính, nơi mở cửa suốt ngày.
Giáo sư Trần Đình Ngọc đã viết: “nhà chung là nơi các giáo sỹ Kitô giáo ở. Nơi đây còn là nơi để các giáo hữu Kitô giáo gặp gỡ và chuyện trò về tâm linh...” Câu này đúng với nhà chung Ba Chuông ? Đúng quá đi chứ ! Các Kitô hữu có thể đến đây từ 4h15 cho đến 22giờ. Khoảng thời gian này, mọi người trao đổi với Chúa và với nhau.

Thánh đường Ba Chuông : nơi hội tụ của vẻ đẹp tâm linh
Nếu Thiên Chúa là Chân Thiện và Mỹ như câu hát chúng ta vẫn thường ngân nga trong các thánh lễ… thì ngoài cuộc sống, ngoài nhà thờ ta thường chú trọng đến việc Thiên Chúa là Chân và Thiện và thường quên yếu tố Mỹ là vẻ đẹp.
Thực vậy, các bài giáo lý thường được viết ra, được giảng dạy với nội dung nghiêm sát với tinh thần giáo huấn của Chúa Kitô. Các bài giảng huấn của giáo lý viên, của các Cha sau mỗi bài Tin mừng cũng đầy chất luân lý Kitô giáo. Tất cả không sai, nếu không nói là rất đúng. Thế nhưng, Lời Chúa không dừng ở mức độ luân lý hay tín lý. Thiên Chúa là vẻ đẹp mà mọi người cần và phải tiếp cận và bắt lấy. Thánh Âutinh đã phải thú nhận : “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa quá trễ, ôi vẻ đẹp của ngàn xưa, nhưng muôn thuở vẫn còn tươi mát, trẻ trung”.
Kỷ niệm lễ cung hiến lần này, mọi người sẽ bắt gặp được nét đẹp tâm linh, được diễn tả trong những khoảnh khắc bất chợt trong đời sống. Ngày còn bé, chúng ta thường được học những bài kinh bổn hỏi thưa. Hỏi : làm sao ta biết có Thiên Chúa ? Thưa, nhìn trăng sao vạn vật ta biết có Thiên Chúa ! Còn nhiều nhiều minh chứng về sự hiện diện của Thiên Chúa trong vạn vật. Thế đó ! Do phải đánh vật với cuộc mưu sinh cơm áo gạo tiền, do phải căng óc nhăn trán để tìm cho được lợi nhuận tiền tài… tâm hồn ta chai sạn, tim óc ta cứng còng… Thiên Chúa không còn chỗ đứng trong vạn vật. Những tính toán, những con số khiến cho trái tim người ta chỉ nhìn thấy lợi tức, nếu không được lợi tức thì không đáng để ta quan tâm.
http://daminhbachuong.conggiao.net/01-giaoxu/thongtin/images/trlam11.jpg
http://daminhbachuong.conggiao.net/01-giaoxu/thongtin/images/trlam14.jpg
http://daminhbachuong.conggiao.net/01-giaoxu/thongtin/images/trlam10.jpg

Bóng dáng Ba Chuông xưa
http://daminhbachuong.conggiao.net/01-giaoxu/thongtin/images/trlam02.jpg

Phòng khánh tiết
http://daminhbachuong.conggiao.net/01-giaoxu/thongtin/images/trlam05.jpg

Mô hình thánh đường
http://daminhbachuong.conggiao.net/01-giaoxu/thongtin/images/trlam01.jpg

Hướng dẫn và diễn giải
Tham dự đợt triển lãm nhân kỷ niệm ba năm thánh đường, chiêm ngắm những sáng tác của các nghệ nhân, tìm tòi những ý nghĩa tâm linh nơi các tác phẩm nghệ thuật… có khi đấy là điều giúp cho tâm hồn ta chùng lắng sau bao ngày vất vả đoạn trường.
Với gần 200 tác phẩm nghệ thuật được các nghệ sỹ đóng góp cho lần triển lãm này, quả thực Ba Chuông muốn là nơi hội tụ vẻ đẹp nhìn từ nhiều góc độ, muốn hoà vào dòng chảy trong nét văn hoá dân tộc, chuyển tải những chất tâm linh vào đời thường; muốn là nơi hội tụ của vẻ đẹp, không phân biệt tôn giáo, để rồi từ đấy, tan chảy ra muôn nơi cảm nghiệm về Thượng Đế là Chúa Tể của sự Mỹ Hảo.
Chính nét đẹp này đánh dấu một nhận định quan trọng. Ba Chuông là đang thủ đắc được yếu tố : Nhân Hoà.
Thánh đường Ba Chuông :
nơi gặp gỡ con người
Có nhiều người nói Ba Chuông là giáo xứ quốc tế. Điều này có phần đúng vì Ba Chuông mang trong mình yếu tố : Địa Lợi.
Nằm trên trục đường chính của quận Phú Nhuận, giáo xứ Ba Chuông là điểm đến dễ dàng và thuận lợi cho nhiều người từ nhiều miền. Các thánh lễ tại giáo xứ ngày Chúa Nhật luôn đầy ăm ắp người là người. Họ từ đâu đến ? họ từ khắp các vùng chung quanh, từ các giáo xứ láng giếng, từ những anh công nhân những chị nhập cư từ các miền đến tham dự Thánh lễ. Họ đến đây vì nhiều yếu tố. Nhà thờ đẹp ! Tìm kiếm chút riêng tây của nông thôn nơi thành thị ồn ào ! Nhưng phần đa họ đến đây để được đổi món. Món ăn tinh thần mà đa số những người tham dự Thánh lễ nhận được đó là những bài giảng, vừa đa dạng vừa phong phú, nhờ vào số đông các linh mục trong tu viện.
Ba Chuông là nơi con người gặp gỡ nhau và gặp gỡ Thiên Chúa. Chính chất tâm linh, chính đời sống đạo thấm nhuần tinh thần dân tộc máu đỏ da vàng. “Nhiễu điều phủ lấy giá gương…”, chính nét văn hoá Con Rồng Cháu Tiên… lồng trong ấy là chất Tin mừng, đã khiến cho Ba Chuông thành điểm dừng chân cho nhiều linh mục và tu sỹ. Có những cha đến từ rất xa như châu Âu hay Mỹ quốc. Họ đến Ba Chuông để đựơc dâng thánh lễ trong một ngôi thánh đường đậm nét chân quê. Cũng có Cha vì nhu cầu mục vụ, đã đến xin nhờ sự trợ giúp tài chánh, và chưa ai phải ra về trong thất vọng.
Đã thành lệ, mỗi Chúa Nhật đầu tháng, lại có một giáo xứ đến để xin giỏ về tái thiết nhà Chúa. Giáo dân Ba Chuông ý thức được nỗi nhọc nhằn khốn khó khi thực hiện công trình Nhà Chung này, nên rất rộng lòng với những công trình khác. Cha Đỗ Hữu Triết, chánh xứ Vị Thanh tâm sự : “Đến với Ba Chuông, tôi chỉ mong một phần trong kinh phí sửa sang Nhà Chúa ; không ngờ ân phúc Chúa ban cho chúng tôi qua tay bà con quá phần mong ước. Quả thật, Ba Chuông là nơi đất lành”.


Để Kết
Giáo hội vẫn còn đó những người thánh thiện và cả những tội nhân. Nói cách nào đó thì Ba Chuông vẫn là giáo hội lữ hành, nghĩa là trong đó vẫn còn khiếm khuyết phải có nơi con người.
Thế nhưng, sau ba năm nhìn lại, một chặng dừng chân để nhận ra những thiết sót nơi con người, để cảm tạ Chúa với bao hồng ân. Ba năm chưa phải là dài so với đời người trăm năm. Thế nhưng, ba năm đi qua đã chất chứa bao ân tình của tất cả mọi người, dù là vãng lai, dù là thổ địa. Tất cả dệt nên bài ca tạ ơn. Tạ ơn Chúa. Cám ơn nhau. Nét đẹp tâm linh sẽ chẳng ai biết nếu không được khơi lên trong lòng mọi người. Xin Thiên Chúa ở mãi với những ai nặng lòng với công trình này. Xin Thiên Chúa là chủ của muôn cái đẹp trần thế, luôn làm sáng lên trong mỗi người chúng ta nét đẹp của tâm hồn để ánh sáng nơi mỗi người lan toả đến mọi người.


http://daminhbachuong.conggiao.net/01-giaoxu/thongtin/images/thle01.jpg