PDA

View Full Version : Ước Nguyện Là Trở Nên Thánh



kimanhnguyen73
04-11-2007, 07:33 PM
Ơn gọi chung của tất cả mọi Kitô hữu là ơn gọi nên Thánh. Nhưng mỗi người Chúa lại cho nên Thánh một cách khác nhau tùy theo hoàn cảnh mà Chúa muốn chúng ta sống. Ước nguyên trở nên Thánh phải là ước nguyên của tất cả mọi người, nhất là các Giáo Lý viên. Vì chỉ khi nào chúng ta nên Thánh, chúng ta mới có thể uốn nắn các học viên Chúa trao cho chúng ta nên giống hình ảnh Chúa là Đấng Thánh. Bài tâm tình sau đây của bạn Phểo6 Vũ Văn Quý thật là thích hợp với chúng ta chẳng những trong dịp Lễ Các Thánh, mà trong suốt đời chúng ta.
--------------------------------------------------------------------------------

ƯỚC NGUYỆN LÀ TRỞ NÊN THÁNH
Tâm tình của thánh nữ Têrêsa HĐGS đã truyền sang cho tôi một niềm an ủi, khích lệ quí giá vì ngài đã bộc lộ rằng:
“Ước nguyện của em luôn là trở nên thánh. Nhưng, than ôi! Em luôn nhận thấy, khi tự mình so sánh với các thánh, giữa các ngài và em có một sự khác biệt như sự khác biệt mà chúng ta thấy trong thiên nhiên giữa một ngọn núi cao ngất tận trời xanh và một hạt cát vô hình tượng bị những người qua lại chà đạp dưới chân – Thay vi thất vọng, em tự nhủ: “Thiên Chúa tốt lành không bao giờ khơi lên những ước nguyện không thể thực hiện được...” (Một Tâm Hồn).

Khi đọc được tâm sự “ước nguyện là trở nên thánh” bằng con đường thơ ấu của ngài, tôi cũng chưa mấy bình an bởi tôi đã quá bất tòan; tội lỗi đã ngập đầu, đã tràn qua thân xác yếu đuối đầy hổ thẹn. Còn ngài là một tu sĩ dòng chiêm niệm hẳn ngài phải chân tu biết bao! Tôi như luôn mặc cảm về quá khứ ươn hèn của mình và rồi tự hỏi làm sao tôi có thể trở nên thánh với một thể trạng xấu xa như thế này được. Suy đi nghĩ lại ... nhưng rồi tôi bỗng bừng dậy khi nhớ lại lời Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô:
“Thật, tôi bảo thật ông:
không ai có thể vào Nước Thiên Chúa,
nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.
Cái gì bởi xác thịt mà sinh ra, thì là xác thịt,
còn cái gì bởi Thần Khí mà sinh ra, thì là thần khí.
Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói:
các ông cần phải được sinh lại bởi ơn trên” (Ga 3, 5-7).

“Cần phải được sinh lại bởi ơn trên” để được “vào Nước Thiên Chúa” nghĩa là, để là thánh, tôi cũng cần phải được Thần Khí của Thiên Chúa chi phối theo tinh thần mà thánh Phaolô đã cảm nghiệm sống và đã phần nào xóa tan đi trong tôi mặc cảm tội lỗi của mình khi ngài đồng cảm. Ngài động viên tôi biết bao vì:
“Ai không có Thần Khí của Đức Kitô, thì không thuộc về Đức Kitô. Nhưng nếu Đức Kitô ở trong anh em thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã trở nên công chính” (Rm 8, 9-10)

Nhờ ôm ấp những dòng suy tư sâu thẳm mang tính thần bí của hai vị thánh mà tôi hằng yêu mến và nhất là nhờ năng chiêm ngắm Chân Dung kỳ diệu của Đức Giêsu khi Người mặc khải con đường hạnh phúc thật là con đường phải trải qua đau khổ:
“Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở vì phần thửơng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5, 11-12).

Nhìn lại quá khứ đời sống hoán cải của mình, tôi nghiệm ra rằng: dù tôi đã phạm tội tầy trời đến thế nào đi chăng nữa, dầu thân xác tôi có thân tàn ma dại đến dâu cho mặc, Thiên Chúa cũng ném đi mọi tội lỗi thật xa tôi. Và rồi Ngài đã dẫn tôi đi vào con đường tái sinh bằng lắng nghe Lời Thần Khí, bằng sống cùng nhịp đập với Tin Mừng và bằng hơi thở của cầu nguyện liên lỉ phó thác, tức Ngài đã cho tôi “sinh lại bởi nước và Thần Khí”.

Cho đến giờ này, sau hơn ba năm được gặp gỡ Đức Kitô, tôi vẫn chưa hề thoát khỏi khổ đau. Có những lúc tôi chán nản, muốn buông trôi để khỏi phải chịu đựng bao sự phiền muộn trong cuộc sống lữ hành trần gian. Nhưng khi suy niệm lời thánh Gioan viết trong thư thứ nhất, tôi như được càng cuốn hút hơn thêm vì ngài đã khẳng định:
“Chúng ta biết rằng
khi Đức Kitô xuất hiện,
chúng ta sẽ nên giống như Người,
vì Người thế nào
chúng ta cũng sẽ thấy Người như vậy.
Phàm ai đặt hy vọng như thế vào Đức Kitô
thì làm cho mình nên thanh sạch
như Người là Đấng Thanh Sạch”. (1Ga 3, 2-3)

Đúng thế, từ khi cố gắng từ bỏ những thói hư tật xấu trong quá khứ để chiêm ngắm Khuôn Mặt Đức Kitô trong Phúc Âm, tôi luôn luôn phải miệt mài chống lại những đòi hỏi của xác thịt đã ngấm sâu trong huyết quản của tôi. Chúng cào cấu như sỉ vả vào cách sống mới của tôi. Tôi phải chống trả lại những lời ra tiếng vào của những người thân yêu và quen biết mỗi khi tôi hy sinh một chút nhỏ bé nào đó để sẻ chia với những người còn khốn khổ hơn tôi. Thời giờ và lời cầu nguyện.

Tất cả cứ như đay nghiến, soi mói, thọc mạch, bách hại và vu khống về sự đi ngược lại dòng chảy của cuộc sống hiện sinh, thực dụng. Nhưng những vấn nạn khắc khoải cũng lắng đọng bởi sức mạnh của cầu nguyện đã giúp tôi đứng vững trước phong ba bão táp tràn đầy trong tâm lòng của mình. Tôi luôn đặt niềm hy vọng vào Thần Khí của Đức Kitô xin Người chở che và ủi an trong những lúc khốn khổ trong tâm linh đã một thời suy sụp và đổ gẫy.

“Vì nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu anh em nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống. Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn đều là con cái Thiên Chúa.” (Rm 8, 13-14)

Một khi được bình an trong Thần Khí của Đức Kitô, tôi chỉ khao khát mong muốn những ai đang đau khổ như tôi hãy tín thác vào Thần Khí của Người. Lúc này tôi lắng nghe đựơc lời mời gọi trong Tám Mối Phúc Thật là:
“Phúc thay ai xót thương người
vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương ....
Phúc ai xây dựng hòa bình
Vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa ...” (Mt 5, 7. 9)

Trong tâm hồn được ghi dấu đanh của “người anh em hèn mọn” là thánh Phanxicô Khó Khăn, truyền thống Phan Sinh đã được hình thành và trở nên vững chắc, một truyền thống mà thánh Bônaventura đã định nghĩa xúc tích như sau:
“Con đường của đời sống thần hiệp không gì khác hơn là một tình yêu rất nồng cháy dành cho Đấng Chịu Đóng Đinh”.
Đó cũng là lời trong sách Khải Huyền:
“Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên”. (Kh 7, 14)

Lạy Cha Yêu Thương,
Con cảm tạ Cha đã cho chúng con nhìn ngắm muôn vàn các thánh nam nữ trong ngày trọng kính các Ngài. Những vị thánh đã sống thần hiệp, đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên bằng một tình yêu nồng cháy dành cho Con Chí Thánh của Cha.

Con cũng cám ơn thánh Phaolô, thánh nữ Têrêsa HĐGS đã cho con thêm nguồn sức mạnh để không còn oán hận mình về tội lỗi đã phạm trong quá khứ và đã giúp con có thêm ước nguyện là trở nên thánh cho dù phải vươn lên từ đống tro tàn.

Con chân thành cám ơn vị thánh mà con hằng kính yêu là Cha Thánh Paul Seitz, cố Giám Mục Giáo Phận Kontum, người vẫn hằng cầu nguyện cho con để con có sức vượt qua những thử thách gian nan hiện tại, vì Ngài đã từng ôm ấp và ủi an con trong chính đôi bàn tay yêu thương của Ngài.
Con cầu xin Cha trong danh Chúa Giêsu Kitô, Chúa của chúng con. Amen.

Nguồn: uybangiaoly. org