PDA

View Full Version : ÐẶC ÂN THÁNH PHAOLÔ-PHÊRÔ



hungdung
29-01-2009, 12:09 PM
ÐẶC ÂN THÁNH PHAOLÔ-PHÊRÔ

I. ÐẶC ÂN THÁNH PHAOLÔ LÀ GÌ?


Ðặc ân Thánh Phaolô là tên gọi một phương thế tháo gỡ hôn phối của Giáo Hội.

Ðặc ân Thánh Phaolô tháo gỡ những hôn phối đã cử hành giữa hai người không phải là Công giáo, chưa rửa tội bao giờ (dù rửa tội trong Giáo Hội Kitô Giáo khác).

Sự tháo gỡ này được đặt căn bản trên ý của Thánh Phaolô diễn tả trong thư gửi tín hữu Corintô: "Còn những kẻ khác thì tôi bảo họ - tôi, chứ không phải Chúa - là nếu anh em nào có vợ ngoại, và người đó thuận ở với mình, thì chớ rẫy vợ. Và người nào có chồng ngoại, và người đó thuận ở với mình, thì đừng bỏ chồng. Vì chồng ngoại thì được thánh hóa nhờ vợ, và vợ ngoại thì được thánh hóa nhờ chồng...Nhưng nếu phía ngoại người ta ly dị, thì cứ ly dị, trong những trường hợp như thế, anh em hết bị bó buộc. Thiên Chúa kêu gọi anh em để được sống bình an." (1Cor.7,12-15).

Giáo Luật điều 1143 qui định như sau:

"Hôn phối kết ước giữa hai người không rửa tội, được tháo gỡ bởi đặc ân Thánh Phaolô nhằm ích lợi đức tin của bên đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, do chính sự kiện là người đã được rửa tội kết lập hôn phối mới, miễn là người không rửa tội đã đoạn tuyệt với họ.

Hiểu là đoạn tuyệt khi người không rửa tội không muốn chung sống với người đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, hay không muốn chung sống thuận hoà mà không xúc phạm đến Ðấng Tạo Hoá; đừng kể khi nào người đã được rửa tội, sau khi lãnh nhận Bí Tích đã gây ra cho bên kia một duyên cớ chính đáng để đoạn tuyệt." (Can.1143).

Sự tháo gỡ phải hội đủ hai điều kiện sau đây:

1. Người tân tòng phải được rửa tội trước thời gian kết hôn lần thứ hai.

2. Người vợ hay chồng ngoại đạo là người tự ý bỏ ra đi, hay ít ra là vì không thể sống thuận hòa được nên người đã rửa tội bắt buộc phải ra đi.


II. KHI NÀO ÐẶC ÂN THÁNH PHAOLÔ ÐƯỢC ÁP DỤNG?


Những trường hợp sau đây có thể áp dụng đặc ân Thánh Phaolô:

a. Một người Công Giáo muốn kết hôn với một người tân tòng Công Giáo, nhưng người tân tòng này trước kia đã kết hôn với một người chưa rửa tội bao giờ và hiện nay họ không còn sống chung với nhau nữa.

b. Một người Công Giáo muốn kết hôn với một người tân tòng (rửa tội vào một Giáo Hội Kitô Giáo không phải là Công Giáo), người tân tòng này trước kia đã kết hôn với một người chưa rửa tội bao giờ và hiện nay họ không còn sống chung với nhau nữa.

c. Một người tân tòng Công Giáo, trước kia đã lập gia đình với một người chưa rửa tội bao giờ, nhưng hiện nay không còn sống chung nữa, muốn kết hôn với một người Công Giáo.

d. Một người tân tòng Công Giáo, trước kia đã lập gia đình với một người chưa rửa tội bao giờ, nhưng hiện nay không còn sống chung nữa, muốn kết hôn với một người không phải là Công Giáo.


III. TÒA ÁN NÀO ÁP DỤNG ÐẶC ÂN THÁNH PHAOLÔ?


Ðặc ân Thánh Phaolô không phải là một trường hợp của Tòa Án Hôn Phối. Bản Quyền địa phương (Ðức Giám Mục giáo phận) có thẩm quyền áp dụng đặc ân này. Tất cả các bằng chứng về việc người vợ hay chồng không rửa tội không muốn sống thuận hòa, hay ỏ ra đi phải được minh xác.

Dù sau khi mọi bằng chứng đã được minh xác, hôn phối trước đó vẫn chưa được tháo gỡ, nhưng đương sự sẽ được cấp giấy miễn chuẩn. Luật qui định rằng hôn phối trước tự động được tháo gỡ khi đương sự thực hiện hôn phối lần thứ hai sau đó. Nghĩa là, khi hôn phối lần sau đó được thực hiện thì chính là lúc hôn phối trước chấm dứt.


ÐẶC ÂN THÁNH PHÊRÔ.


Khác với đặc ân Thánh Phaolô, đặc ân Thánh Phêrô không được qui định trong Bộ Giáo Luật mà được ban hành sau khi Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI chấp thuận, do Thánh Bộ Giáo Lý Ðức Tin ngày 6-12-1973.

Cả hai đặc ân Thánh Phaolô và đặc ân Thánh Phêrô đều được gọi là những đặc ân Ðức Tin.



NGUYÊN TẮC PHẢI THEO KHI ÁP DỤNG ÐẶC ÂN THÁNH PHÊRÔ.


I. Ðiều kiện: Ðể đặc ân được ban cách hữu hiệu, phải hội đủ ba điều kiện tuyệt đối (sine quibus non) sau đây:

1. Trong suốt thời gian hôn phối, chỉ có một trong hai người được rửa tội.

2. Không chung sống với nhau nữa, sau khi người thứ hai ngẫu nhiên cũng rửa tội.

3. Người vợ hay chồng không rửa tội, ủy thác toàn quyền cho người đã rửa tội quyền theo đạo, quyền rửa tội cho con cái, quyền giáo dục con cái theo Công Giáo...Việc ủy thác này phải làm bằng chứng.

II. Những điều kiện khác:

1. Gia đình đã tan vỡ, không còn cơ hội hàn gắn.

2. Không tạo gương mù, gương xấu, nếu kết hôn lần sau đó.

3. Ðương sự không phải là người gây ra sự tan vỡ gia đình cũ. Người Công Giáo mà đương sự sắp kết hôn với, cũng không phải là người chủ động tạo nên sự tan vỡ gia đình đó.

4. Phải báo cho người vợ hay chồng bị bỏ rơi, nếu có thể được và người đó không chống đối với những lý do chính đáng.

5. Ðương sự chấp nhận việc giáo dục những đứa con đã sinh ra do hôn phối trước đó.

6. Phải dự liệu chu cấp cho người vợ hay chồng bị bỏ rơi, hoặc những đứa con, theo lẽ công bằng tự nhiên.

7. Người Công Giáo mà đương sự sắp kết hôn với phải sống theo tinh thần đức tin và săn sóc gia đình mới sắp được thành lập.

8. Nếu người đương sự sắp lập gia đình với, chưa rửa tội, việc rửa tội nên được thực hiện càng sớm càng tốt.




CÁCH TÍNH LIÊN HỆ HỌ HÀNG.

(theo Bộ Giáo Luật 1983)


1. Trực hệ là mối liên hệ họ hàng huyết tộc hàng dọc giữa ông bà, cha mẹ, con cái (người nọ sinh ra người kia). Trong việc hôn phối, theo luật tự nhiên, thiên luật, những người có họ hàng trực hệ trong liên hệ huyết tộc không bao giờ được kết hôn với nhau.

2. Bàng hệ là mối liên hệ họ hàng huyết tộc hàng ngang giữa một người với anh chị em của người ấy trong một gia đình, hay giữa một người với anh chị em được sinh ra do chú bác, cô dì, cậu mợ...Theo luật tự nhiên, thiên luật, những người có họ hàng bàng hệ đến cấp thứ 2 không thể kết hôn với nhau (anh chị em ruột). Theo luật Giáo hội, những người có họ hàng bàng hệ đến cấp thứ bốn không thể kết hôn với nhau cách hữu hiệu.


CÁCH TÍNH LIÊN HỆ HỌ HÀNG.


A sinh ra B và C. A

B sinh ra D B C

D sinh ra F D E

C sinh ra E F G

E sinh ra G

A,B,D,F liên hệ họ hàng trực hệ

A,C,E,G liên hệ họ hàng trực hệ

B và C là anh chị em ruột (liên hệ bàng hệ cấp hai)

B và E là hai chú cháu hay bác cháu hay cô cháu (bàng hệ cấp ba)

B và G là ông chú hay ông cậu hay bà cô với cháu (bàng hệ cấp bốn)

D và E là anh em chú bác (bàng hệ cấp bốn)

D và G (bàng hệ cấp năm- lấy nhau được)

E và F (bàng hệ cấp năm- lấy nhau được)

Lm Jos. Bùi Đức Tiến

hap_nguyen
12-01-2011, 09:06 AM
Cam on bac da cho chau hieu ro hon ve Dac An thanh Phero bon mang chau.